Seite auswählen

Tác giả: Michael Hesse phỏng vấn triết gia Wolfram Eilenberger.
Người dịch: Tôn Thất Thông

Diễn Đàn Khai Phóng

Tác giả Wolfram Eilenberger về câu hỏi có thể học được gì từ bốn nữ triết gia trẻ tuổi về sự trỗi dậy của cánh hữu vào thập niên 1930 [ND: Cám ơn TS Lưu Hồng Khanh đã chọn lựa một bài báo đặc sắc trong một rừng thông tin rất khó kiếm].

***

Hỏi: Thưa ông Eilenberger, ở nhiều quốc gia, cánh hữu đang được ủng hộ. Ông đã viết một cuốn sách về bốn nữ triết gia sống trong thập niên 1930, những người muốn cứu triết học khỏi thời kỳ đen tối. Có phải chúng ta đang đến gần thời kỳ u ám đó một lần nữa?

Đáp: Trước hết, có thể nói bốn triết gia Hannah Arendt, Simone Weil, Simone de Beauvoir và Ayn Rand này có một tính cách rất đặc biệt. Đó là bởi vì họ đã tìm ra những cách suy nghĩ mới trong bối cảnh chiến tranh và cuộc khủng hoảng của nền dân chủ tự do. Bốn bộ óc lỗi lạc, khi còn trẻ đã chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống pháp luật tự do, chiến tranh và cả nội chiến. Những ngôi sao đáng nhớ theo nhiều cách, kể cả cho hiện tại của chúng ta.

Bằng cách nào?

Đặc biệt là vì thời đại của chúng ta cũng là thời đại gần đây đang phải chịu gánh nặng của một cuộc chiến tranh, một cuộc chiến tranh trên chính lục địa của chúng ta, một cuộc chiến tranh đe dọa xã hội của chúng ta. Và khi bạn nhận ra rằng cái mà chúng ta gọi là các nền dân chủ tự do và hệ thống pháp luật theo nhiều cách khác nhau đang ở trong một cuộc khủng hoảng cơ bản khó có thể được thấy trước một lối thoát dễ dàng nào, bốn nhà tư tưởng tranh đấu cho tự do này lấy lại tính thời sự – và đầy ánh hào quang.

Họ là những phụ nữ trẻ, không ai trong số họ quá 27 tuổi khi mà thế giới bắt đầu chìm trong bóng tối vào năm 1933. Làm thế nào họ cảm nhận được thảm kịch của lịch sử khi họ còn quá trẻ?

Có thể nói mỗi nhân vật này đều có sự thức tỉnh về chính trị. Hôm nay người ta cũng có thể nói, đó là một trải nghiệm đầy chấn thương. Và điều đó thay đổi từ nơi này sang nơi khác cũng như về thời gian. Ayn Rand (1905-1982) bị chính trị hóa và bị trục xuất khỏi đất nước của mình sau cuộc Cách mạng Nga, cuộc cách mạng đã giết chết cha và cả gia đình cô. Lúc ấy, cô ấy chưa được 16 tuổi. Trong trường hợp của Simone de Beauvoir (1908-1986), chấn thương tâm lý này đến tương đối muộn hơn, lúc 33 tuổi, cụ thể là mãi đến khi quân đội Đức tiến vào chiếm đóng Paris năm 1941. Đối với Hannah Arendt (1906-1975), năm 1933 là năm định mệnh, với việc Hitler lên nắm quyền và cô được dán nhãn hiệu là người Do Thái và do đó là một danh tính mà cô không nên coi là thuộc về mình và thực sự cô cũng không coi đó là một sự ràng buộc. Đối với Simone Weil (1909-1943), sự tàn bạo của Chiến tranh thế giới thứ nhất đã cho Simone Weil cái nhìn sâu sắc đã định hình cuộc đời ở tuổi lên 10 rằng, có điều gì đó không ổn về cơ bản với thế giới của cô, rằng chủ nghĩa dân tộc và một số dạng thức về sự hình thành lý thuyết có tác động khủng khiếp.

Hannah Arendt nhanh chóng rời nước Đức. Cô ấy đã học với triết gia Martin Heidegger, người đã tham gia NSDAP của Đức quốc xã vào năm 1933. Người thầy của cô, giáo sư Karl Jaspers khuyên cô ấy nên “coi mình là người Đức”. Nhưng cô dường như không còn cảm giác an toàn nữa.

Nhiều học giả thông hiểu tình hình cũng như người Đức gốc Do Thái đã rời đất nước vào năm 1932 và 1933, trong đó có triết gia Ernst Cassirer. Sau khi bị bắt, Hannah Arendt nhanh chóng nhận ra rằng, với những quy định ràng buộc, cô ấy sẽ không còn có tương lai ở Đức và sau đó cô ấy rời đất nước để đến Paris.

Với những hậu quả gì cho suy nghĩ của Arendt?

Có một điều rất quan trọng trong trường hợp của cô ấy, đó là nhận thức rằng có điều gì đó không ổn về cơ bản trong cách thực hành triết học, cách hiểu triết học và về tổng thể, cách các nhà tư tưởng bậc thầy người Đức định vị bản thân họ. Cô sớm cảm thấy hoài nghi sâu sắc về câu hỏi triết học có phải là một hoạt động học thuật hay không. Đối với Hannah Arendt, điều đó đã thúc đẩy cô ấy phải tránh xa mọi công việc lý thuyết trong nhiều năm và bắt tay vào công việc thực tế là hỗ trợ người tị nạn và tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em tị nạn đến Palestine. Vào thời điểm đó chưa có nhà nước Do Thái của Israel [ND: và cũng chưa có một quốc gia Do Thái trên vùng đất Palestine].

Đối với ba nữ triết gia khác thì sao?

Có thể nói về cả bốn người họ đều giống nhau, là nên tránh xa một nền triết học đã được thể chế hóa về mặt học thuật và thực sự họ cũng đã tránh xa các định chế đó. Không ai trong số bốn nhà tư tưởng vĩ đại này có công việc giảng dạy tại một trường đại học hoặc có mong muốn làm như vậy. Một trong những bài học, trong số nhiều bài học có thể thu thập được từ những nhà tư tưởng này là, trong những cuộc khủng hoảng cơ bản, có thể có lợi nếu tránh xa các học viện và lối suy nghĩ được thể chế hóa của họ. Điều đó giúp bạn tỉnh táo hơn, uyển chuyển hơn, độc lập hơn.

Hình ảnh về triết học của Arendt đã thay đổi như thế nào trong thời kỳ đen tối, nhất là khi người thầy và người tình của cô, Martin Heidegger, theo Đức quốc xã?

Có một cái nhìn thấu đáo về những điểm yếu sâu sắc của tính cách mà bà ấy thấy có liên quan đến việc tự mình đảm nhận công việc của một nhà triết học chuyên nghiệp. Bà ấy đã thấy cách những người trong vòng kết nối thân cận nhất của mình, trên hết là Martin Heidegger, phục vụ hệ thống [Đức quốc xã] với tư cách là những người tiên phong vì ham muốn quyền lực tuyệt đối. Bà ấy coi đây không chỉ là một điểm yếu của tính chất con người, mà còn là điều liên quan đến câu hỏi điều gì làm cho triết học thực sự tốt, và trên hết là cách hiểu mối quan hệ giữa triết học, lý thuyết chính trị và hành vi chính trị. Trên con đường suy nghĩ của Hannah Arendt, có một tuyên bố quan trọng của bà rằng bà không phải là một triết gia mà muốn coi mình là một nhà lý luận chính trị. Đặc biệt, từ quan điểm chính trị, theo bà triết học với tính cách là một lý thuyết thật đáng nghi ngờ, một điều hết sức kỳ lạ.

Sau đó, bà đã đóng góp gì về mặt lý thuyết và thực tiễn để tăng cường sức đề kháng chống lại chủ nghĩa phát xít?

Ngày nay chúng ta luôn nói về các xã hội mở. Đối với Arendt, sự cởi mở này không bao gồm một sự cởi mở được định hình một cách khoa học, không phải trong khoa học tự nhiên cũng như khoa học nhân văn. Bà ấy quan tâm đến việc giữ cho hoạt động chính trị không bị ràng buộc bởi những khuôn khổ lý thuyết quá khắt khe. Bà ấy giải thích chủ nghĩa toàn trị là một sự phát triển chính trị theo cách mà các lý thuyết hoặc triết học được chuyển giao quá vội vàng cho thực tiễn chính trị, điều này có thể được minh chứng rõ ràng bởi chủ nghĩa Mác-Lênin và trên quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa Stalin. Theo cách tương tự, người ta có thể nói rằng chủ nghĩa Hitler hay chủ nghĩa phát xít, tuy ban đầu chúng là những phong trào ít lý thuyết chính trị, nhưng hành động của chúng theo dòng thời gian cũng được hướng dẫn bởi các lý thuyết khoa học, chẳng hạn như luật chủng tộc “khoa học”, bởi các lý thuyết trong đó học thuyết Darwin đã được hợp pháp hóa bằng cách hướng dẫn về mặt chính trị và diễn giải.

Arendt không nghĩ loài người chỉ gồm những cá thể riêng lẻ, mà giải thích rằng người khác luôn luôn cùng suy nghĩ với mình. Phải chăng đó là hệ quả của sự phát triển này?

Đối với cả bốn nhà tư tưởng, câu hỏi trung tâm chính là, sự tồn tại của những người khác để đạt được điều mà người ta muốn hiểu là tự do của chính mình. Thật dễ dàng để giải thích điều đó, bởi vì cả bốn nhà triết gia đều được giải thích bởi môi trường chung quanh với những người khác dưới dạng giá trị, cụ thể là sự thấp kém về giá trị. Họ bị tuyên bố là người Do Thái, như Ayn Rand, như Simone Weil, như Hannah Arendt, và do đó họ bị coi thường, họ bị tuyên bố là phụ nữ và do đó bị coi thường trong tính cách những chủ thể biết suy nghĩ, và tất nhiên họ cũng bị coi là những trí thức phản biện trong thời kỳ mà giới trí thức không đóng vai trò quan trọng nữa, bị gạt ra ngoài lề bởi hành động quyết đoán. Họ đã trực tiếp trải nghiệm bằng chính bản thân khi sống lưu vong hay lúc bị giam cầm, ý nghĩa của việc phải tuân theo những đòi hỏi học thuật của người khác. Đó là chủ đề trung tâm của bà ấy, là câu hỏi điều gì khiến tôi tự do hay không tự do với tư cách là một con người giữa những con người khác, đồng thời cũng thừa nhận sự tồn tại của những con người khác. Người ta có thể nói rằng đây là câu hỏi gốc rễ của lý thuyết chính trị.

Bốn người này đã tìm ra cách đối phó với những người rõ ràng muốn hạn chế quyền tự do của họ chưa?

Tại đây, họ đã tìm thấy những câu trả lời khác nhau, chẳng hạn như cách tiếp cận theo chủ nghĩa tự do cấp tiến như của Ayn Rand, đối với một loại ý tưởng về dân chủ dựa trên Agora Hy Lạp của Hannah Arendt, cho đến nền dân chủ đã bén rễ của Simone Weil, người mà chính các lực ràng buộc dựa trên kinh nghiệm, mà mọi người không hoàn toàn tùy ý sử dụng: như trải nghiệm về vẻ đẹp thiên nhiên, về tình yêu, và với Weil, cả những trải nghiệm tôn giáo, nói đúng hơn là trải nghiệm thần bí.

Simone Weil và Simone de Beauvoir đã đến thăm Đức cận kề trước khi Đức Quốc xã nắm quyền. Họ đã trải nghiệm thế nào về một đất nước đang trên quá trình trở nên cực đoan như thế nào?

Cả hai đều ở Berlin vào năm 1932/33 và 1934. Simone Weil đã đưa ra một phân tích cực kỳ rõ ràng và hoàn toàn chính xác về tình hình đã xảy ra, hết sức tiên tri, với tất cả những hạn chế của nó. Bà ấy thấy rõ ràng rằng sẽ có những hậu quả to lớn nếu một quốc gia như Đức trở nên cực đoan như vậy. Chúng ta cũng nên coi đây là một lời cảnh báo cho chúng ta ngày nay.

Còn Simone de Beauvoir?

Một năm sau khi Hitler lên nắm quyền, bà không hề quan tâm đến chính trị. Bà đến thăm Sartre, người đang ở Berlin trong một năm theo chương trình trao đổi tại Maison de France. Và bà ấy quan tâm đến cuộc sống hàng ngày, có thể nói như vậy, như hương vị của bia, nét thẩm mỹ của Frauenkirche ở Munich và những thứ tương tự. Hầu như không có quan sát chính trị nào, chứ chưa nói đến phân tích chính trị, xuất hiện trong tất cả các ghi chép của Simone de Beauvoir trong thời gian này. Điều này đặc biệt thú vị là Simone de Beauvoir, người mà ngày nay chúng ta công nhận là một nhà tư tưởng chính trị uyên bác, không muốn dính dáng chút gì đến chính trị cho đến năm 1940. Có nghĩa là, điều đó chỉ thay đổi với sự chiếm đóng của Pháp và Paris vào tháng 6 năm 1940. Một sự lột xác đầy ấn tượng.

Liệu chúng ta có cái nhìn rõ hơn về những biến động ngày nay?

Chúng ta có vấn đề về dân chủ tự thủ thế. Và năm tới chúng ta sẽ đối phó rất mạnh mẽ với AfD [đảng cự hữu ở Đức], và chắc chắn phải đối phó với nó. Nhưng trong triết học Đức, câu trả lời từ việc lý thuyết hóa tự do vẫn là của Rawls và Habermas, như thể những vấn đề hiện tại có thể được đề cập một cách nghiêm chỉnh, chứ chưa nói đến giải quyết, bằng cách mày mò thêm trong những lý thuyết này. Dường như có một sự mê ngủ giáo điều trong triết học hàn lâm Đức. Nhất là và đặc biệt là trong lĩnh vực này.

Nhưng làm thế nào để đối phó với những kẻ xâm lược? Simone Weil đã có câu trả lời sau đó: Bà ấy nói rằng cần phải giết một số người Đức vì họ đã làm quá nhiều điều ác…

Simone Weil là một người rất tự tin khi theo chủ nghĩa hòa bình và bà ấy vẫn như vậy, mặc dù bà đã tình nguyện tham gia Nội chiến Tây Ban Nha và thậm chí trong Kháng chiến Pháp dưới thời de Gaulle, từ London đã nộp đơn để được làm lính nhảy dù thả xuống phía sau chiến tuyến. Cách mà Simone Weil đấu tranh tinh thần với chủ nghĩa hòa bình của bà vẫn còn rất ấn tượng đối với thời đại chúng ta, về câu hỏi làm thế nào chúng ta đối mặt với bạo lực và xâm lược quân sự. Simone Weil đã có một suy nghĩ lạ kỳ và khó quên khi nói rằng sự hy sinh lớn nhất mà một người có thể làm trong chiến tranh không phải là hy sinh mạng sống của chính mình mà là lấy đi mạng sống của người khác. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó: tôi có sẵn sàng chết cho Kiew không? Trong khi, theo bà ấy, câu hỏi thú vị về mặt đạo đức là: tôi có sẵn sàng giết người vì Kiew không? Đó là, như thể là thử thách thực sự đối với bà ấy.

./.

Nguồn : Wolfram Eilenberger über die NS-Zeit: „Eine Warnung an uns Heutige“. Frankfurter Rundschau 18.8.2023 (Wolfram Eilenberger nói về thời Đức quốc xã: “Một lời cảnh giác cho con người hôm nay”).

Xem thêm các bài viết và dịch của Tôn Thất Thông

Wolfram Eilenberger , sinh năm 1972, là một triết gia và nhà văn. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ triết học, ông chuyển qua viết sách và hành nghề báo chí. Ông là tổng biên tập sáng lập của “Tạp chí triết học” mà ông lãnh đạo cho đến cuối năm 2017. Ông cũng được nhiều công chúng biết đến với tư cách là người phụ trách chuyên mục “Zeit” và thông qua việc điều khiển chương trình “Những giờ phút huy hoàng của triết học (Sternstunden der Philosophie)” trên truyền hình Thụy Sĩ và 3Sat.

Eilenberger cũng là người quản lý chương trình và người điều hành của “phil. Cologne “.

Cuốn sách “Thời đại của các pháp sư” (Klett-Cotta-Verlag) về bốn triết gia Martin Heidegger, Walter Benjamin, Ernst Cassirer và Ludwig Wittgenstein đã trở thành sách bán chạy nhất thế giới. Nhờ sách đó, ông đã được trao “Giải thưởng Sách Bavarian ” vào năm 2018.

Cuốn “Ngọn lửa tự do” về bốn triết gia Simone de Beauvoir, Simone Weil, Hannah Arendt và Ayn Randt cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen