Mục lục
HRW, AI kêu gọi Việt Nam phóng thích hai nhà hoạt động trước phiên phúc thẩm
Ông Trần Bang và ông Bùi Tuấn Lâm
Ngay trước phiên phúc thẩm đối với hai nhà hoạt động Trần Văn Bang và Bùi Tuấn Lâm, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 28/8 kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ các phán quyết gần đây với “động cơ chính trị” nhằm vào hai ông và trả tự do cho hai ông ngay lập tức.
Theo tin từ gia đình, phiên xử phúc thẩm đối với ông Trần Văn Bang diễn ra vào ngày 29/8 tại Tòa Cấp cao ở Tp. Hồ Chí Minh, phiên xử phúc thẩm đối với ông Bùi Tuấn Lâm diễn ra vào ngày 30/8 tại Tòa Cấp cao ở Đà Nẵng.
“Ông Trần Văn Bang và ông Bùi Tuấn Lâm công khai phê phán cách mà Đảng Cộng sản Việt Nam cai trị đất nước,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của HRW nói trong một thông báo hôm 28/8. “Hành vi bất đồng chính kiến một cách ôn hòa không phải là phạm tội và các vụ án xét xử hai người này cần bị hủy bỏ.”
Một thành viên gia đình của ông Bang yêu cầu không nêu danh tính vì lý do an toàn cho VOA biết hôm 28/8 rằng gia đình hy vọng phiên tòa sắp tới sẽ “bảo vệ đúng đắn các quyền lợi hợp pháp, có tình, có lý đối với người có trái tim yêu nước như anh Trần Bang”.
“Hy vọng, phía toà án sẽ xem xét đánh giá khách quan về những điều anh Bang chia sẻ, lên tiếng góp ý”, người này cho biết thêm.
Từ Đà Nẵng, bà Lê Thị Thanh Lâm, vợ của ông Bùi Tuấn Lâm, chia sẻ:
“Tôi mong muốn rằng những điều bất hợp lý trong phiên tòa sơ thẩm và sắp tới đây là phúc thẩm sẽ được công nhận quốc tế nhìn thấy rằng ở Việt Nam pháp luật không được thượng tôn, người dân không được có tiếng nói của mình; không được quyền tự do ngôn luận, không được quyền tự do biểu đạt”.
“Sự vi phạm trắng trợn các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền của chính quyền Việt Nam còn trở nên nghiêm trọng hơn vì Việt Nam hiện đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc,” ông Robertson nói thêm. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần gây sức ép để Việt Nam phóng thích tất cả các nhà bất đồng chính kiến và những người khác đang bị giam giữ vì đã thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình.”
Tương tự, tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) hôm 28/8 kêu gọi hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Bang và ông Lâm, đồng thời viết trên Twitter (X) rằng “Việt Nam phải chấm dứt việc giam giữ các nhà hoạt động chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận và trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị giam giữ tùy tiện”.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về lời kêu gọi của HRW và AI, nhưng chưa được phản hồi.
Công an Việt Nam bắt giữ ông Trần Văn Bang vào tháng 3/ 2022 và bắt ông Bùi Tuấn Lâm vào tháng 9/2022, rồi cáo buộc họ tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ Luật Hình sự. Hồi tháng 5, trong hai phiên tòa riêng biệt, ông Bang bị tuyên 8 năm tù và ông Lâm Bùi Tuấn Lâm bị tuyên 5 năm rưỡi tù.
Trần Văn Bang, 62 tuổi, nguyên là quân nhân, kỹ sư và là nhà hoạt động nhân quyền. Ông Bùi Tuấn Lâm, còn được gọi là Peter Lam Bui hay “Thánh rắc hành”, 39 tuổi, là một người bán bún bò ven đường đã trở nên nổi tiếng vào năm 2021 vì bắt chước đầu bếp nổi tiếng Salt Bae, người được nhìn thấy rắc muối lên miếng bít tết và thìa dát vàng trị giá 2.000 đôla trong một video và đưa miếng thịt vào miệng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, theo HRW.
Trong thập kỷ qua, Trần Văn Bang và Bùi Tuấn Lâm đã vận động cho các quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam. Cả hai đều tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc cũng như các cuộc biểu tình về vấn đề môi trường và nhân quyền. Cả hai đều công khai lên tiếng ủng hộ các tù nhân, người bị tạm giam chính trị và tham gia các hoạt động hỗ trợ tài chính cũng như hỗ trợ tinh thần cho các nhà hoạt động chính trị và gia đình họ.
Chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.
VOA (28.08.2023)
Một vụ chết bất minh trong đồn công an ở Phú Yên đã rơi vào quên lãng
Một luật sư đặt vấn đề về số người chết trong đồn công an không được công bố trong lúc báo đảng thường tường thuật các vụ này là do “tự tử”.
Liên tiếp trong tháng 8, đã có hai người bị chết oan và một người bị hôn mê sau khi bước vào đồn công an:
- TP.HCM: Ngày 16/8/2023, Nạn nhân là ông NQT, 40 tuổi, sau một tuần bị công an huyện Hóc Môn bắt tạm giam về hành vi “Buôn lậu thuốc lá”, đã chết tại bệnh viện Chợ Rẫy.
- Theo giấy báo tử của Bệnh viện Chợ Rẫy, ông T. chết lúc 3 giờ 26 phút ngày 16/8 và nguyên nhân do tổn thương ổ của não, vỡ xương mũi, gãy 7 xương sườn bên trái, tổn thương phổi…
- “Trước khi bị tạm giữ, sức khỏe của chồng tôi bình thường, không bị đau ốm. Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân tử vong của chồng tôi”, bà G. cho biết.
- Hà Giang: Ngày 19/8/2023, Nạn nhân là Nguyễn Văn Hưng, 44 tuổi, đến từ thôn Cầu Giát, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
- Ông Hưng bị công an thành phố Hà Giang bắt vào tối ngày 17/8, khi đang giải quyết chuyện nợ nần cá nhân tại nhà của một người dân ở thành phố Hà Giang.
- Ngày hôm sau, 18/8, phía công an đã thông báo cho gia đình về việc bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Hưng, tuy nhiên không cho biết lý do.
- Trong cùng ngày, bà Đặng Thu Hoài, vợ đương sự, đã tới thăm chồng tại trại tạm giam công an thành phố Hà Giang, và nhìn thấy vết bầm tím trên mặt chồng mình. Bà Hoài sau đó hỏi liệu ông Hưng có phải đã bị tra tấn, đánh đập không và được ông này xác nhận.
- Đến sáng ngày 19/8, bà Hoài nhận được thông báo từ phía công an thành phố Hà Giang, cho biết rằng chồng bà đã tử vong. Phía công an cho rằng ông Hưng đã tự sát bằng cách tự buộc chân, buộc tay và tự dìm đầu vào bể nước.
- Hải Phòng, lại là Hải Phòng: Nạn nhân thứ ba là ông Trần Đức Trình, 37 tuổi. Ông này bị công an địa phương dẫn giải về nhà trong tình trạng cùm tay vào tối 15/8, hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường và bị công an đưa đi ngay sau đó, để điều tra về một vụ trộm cắp tài sản.
- Hai ngày sau, 17/8, gia đình ông nhận được điện thoại báo tin ông Trình bị tai biến nhẹ và đã được Công an quận đưa vào Bệnh viện Đa khoa Kiến An, TP Hải Phòng cấp cứu.
- Chỉ sau hai ngày tạm giữ, ông Trình từ một người khỏe mạnh đã rơi vào tình trạng hôn mê, mặt mũi bầm dập, tím tái. Bác sĩ chẩn đoán ngoài việc bị tụ máu não, chấn thương vùng mặt còn bị gãy ba xương sườn bên trái.
- Hiện ông này đã được gia đình chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội do tình trạng bệnh chuyển nặng và vẫn hôn mê.
- Xa hơn chút nữa, có các vụ tột cùng của sự ác khác như:
- Phú Yên: Năm 2012, theo hồ sơ vụ án, do tình nghi ông Ngô Thanh Kiều (30 tuổi, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) có tham gia một số vụ trộm cắp tài sản lớn, rạng sáng 13/5/2012, công an đã đến nhà bắt ông và sáng cùng ngày đưa về trụ sở Công an Tuy Hòa làm việc.
- Tại đây, từ 8g đến gần 13g cùng ngày, 5 công an Thành, Quyền, Mẫn, Quang, Huy đã thay nhau dùng dùi cui cao su có lõi sắt liên tục đánh đập ông Kiều trong khi ông này bị còng tay vào ghế trong tình trạng đói khát.
- Đến chiều cùng ngày, khi ông Kiều được đưa đến Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên thì ông ngất xỉu, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên thì chết.
- Vĩnh Long: Tối 2/5/2015, anh Nguyễn Hữu Tấn bị Cơ quan An ninh điều tra bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi phát tán tài liệu chống nhà nước, tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh.
- Khoảng 10 giờ 55 phút sáng 3/5, trong quá trình hai cán bộ điều tra ghi lời khai, anh Tấn xin nước uống và sau đó xin điếu thuốc để hút.
- Tuy nhiên, theo báo cáo của công an, lợi dụng lúc các cán bộ điều tra vừa ra khỏi phòng, anh Tấn đã lục tìm con dao rọc giấy được cất trong cặp riêng của cán bộ rồi cắt liên tiếp vào vùng cổ để tự sát.
- Chỉ trong 3 phút, khi 2 cán bộ điều tra quay vào, anh Tấn đã bị choáng vì mất nhiều máu và chết sau đó.
- Theo một báo cáo của Bộ Cônan được tiết lộ hồi tháng 3 năm 2015 thì trong giai đoạn từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 9 năm 2014, đã có 226 trường hợp chết tại các cơ sở tạm giam, tạm giữ của công an trên toàn quốc.
- Tuy nhiên, số liệu tù nhân, người chết trong đồn công an, người bị tử hình cũng như số lượng trại tạm giữ, tạm giam là tài liệu mật. Ngay cả định vị trại giam trên các ứng dụng chỉ đường cũng bị xóa.
- Số liệu nạn nhân chết khi “bị mời” đến đồn công an trong giai đoạn tiền tố tụng (chưa bị khởi tố bị can, chưa bị tạm giữ, tạm giam) không được ghi nhận.
- Cho nên số liệu trên chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, không phản ánh trung thực số người chết thực sự trong đồn.
- Để đối phó với tình trạng “tự nguyện” chết trong đồn công an, các nhà hoạt động thường làm sẵn một “Tờ minh định”. Minh định có nghĩa là định rõ, xác định một cách rõ ràng.
- Tờ minh định, một hình thức kêu đòi công lý, một khi công an không thực thi pháp luật cách đúng đắn, luật sư còn bị cản trở thi hành trách phận ngay khi thân chủ bị công an mời, thì nó vẫn là “bùa hộ mệnh” cho người trước khi bước vào đồn công an.
Nguyễn Văn Miếng
Đất Việt (27.08.2023)
Việt Nam nhận hơn 677 triệu đô la tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ giai đoạn 2020 – 2022
Hội nghị chia sẻ thông tin về công tác phi chính phủ nước ngoài năm 2023 ở Hà Nội hôm 23/8/2023 Báo Tin Tức
Việt Nam đã nhận được hơn 677 triệu đô la viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong giai đoạn từ 2020 – 2022, theo một báo cáo của Uỷ ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được công bố tại một hội nghị do Ban Đối ngoại Trung ương Đảng phối hợp với Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO) tổ chức hôm 23/8 vừa qua.
Cũng theo báo cáo, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có 388 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động. Các khoản tài trợ của các tổ chức này cho Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội, nguồn lực, môi trường, sức khoẻ. Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết, hoạt động của các tổ chức này góp phần tăng cường hiểu biết của quốc tế đối với đất nước, con người, chính sách của Việt Nam; đấu tranh chống các luận điệu sai trái về Việt Nam trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương, phát biểu tại hội nghị rằng công tác đối ngoại nhân dân, công tác phi chính phủ nước ngoài có một vai trò hết sức quan trọng. Công tác vận động các nguồn lực phi chính phủ nước ngoài đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
“Quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phi chính phủ nước ngoài nhằm huy động nguồn lực, tranh thủ những nguồn lực quốc tế phục sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương phát biểu tại hội nghị.
Việt Nam thời gian gần đây bị quốc tế lên án với việc bắt giữ một loạt những nhà hoạt động môi trường với các cáo buộc trốn thuế. Các tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá đây là xu hướng đàn áp mới tại Việt Nam nhằm thu hẹp không gian tự do của các tổ chức dân sự tại Việt Nam. Những tổ chức xã hội dân sự này của Việt Nam cũng nhận tiền tài trợ quốc tế để thực hiện các dự án tại Việt Nam.
RFA (26.08.2023)
Tị nạn chính trị ở Mỹ vẫn bị chính quyền Việt Nam truy nã
Bản tin truy nã anh Lê Văn Sơn trên kênh Youtube của đài ANTV Chụp màn hình
Anh Lê Văn Sơn qua Mỹ tị nạn chính trị từ sáu năm trước và hiện đang là Thường trú nhân ở tiểu bang Oregon, nhưng gần đây anh phát hiện kênh YouTube của đài An ninh TV đọc lại lệnh truy nã anh với cáo buộc “không chấp hành án.”
Khác với các bản tin truy nã khác cũng của đài truyền hình thuộc Bộ Công an, video này sau một tuần lễ có đến hơn 120.000 người xem.
Bộ Công an hồi năm 2018 phát lệnh truy nã đối với anh Sơn khi đang xin tị nạn chính trị tại Thái Lan, với lần này anh đặt nghi vấn vì sao chính quyền biết anh đã là Thường trú nhân ở Mỹ vẫn phát lệnh truy nã. Anh nói:
“Nhưng bây giờ sau gần sáu năm và rõ ràng trên các phương tiện truyền thông tôi đã công khai là tôi đã được qua Mỹ định cư và đã sống ở Mỹ được gần sáu năm rồi, nhưng họ vẫn tiếp tục đưa lệnh truy nã của tôi lên phương tiện truyền thông YouTube – đài An ninh TV thuộc Bộ Công an.
Tôi thấy điều này, tôi cũng đặt ra một số nghi vấn, một số câu hỏi về việc liên quan đến tôi. Bởi vì theo kinh nghiệm của tôi được biết, cộng sản cái gì họ cũng làm được nhất là những người họ quyết tâm truy bắt, họ ghét bỏ.”
Lê Văn Sơn (hay còn gọi là Paulus Lê Sơn) bị chính quyền Việt Nam bắt giam năm 2011 trong vụ án 14 thanh niên Công giáo, Tin lành bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Anh bị kết án 13 năm tù và năm năm quản chế trong phiên tòa sơ thẩm, nhưng được giảm án còn bốn năm tù giam và bốn năm quản chế tại địa phương ở phiên phúc thẩm.
Ra tù anh không ở địa phương tỉnh Thanh Hóa mà chuyển vào Sài Gòn sống và tham gia vào các phong trào dân chủ và sau đó phải đào thoát qua Thái Lan xin tị nạn chính trị và cuối cùng đặt chân được đến đất nước Hoa Kỳ tự do.
Sau sự việc blogger Thái Văn Đường bị bắt cóc ở Thái Lan hồi tháng 4, anh Sơn cảm thấy lo lắng hơn qua bản tin truy nã mà Đài An ninh TV loan đi và cho rằng “cộng sản cái gì cũng có thể làm.” Tuy nhiên anh Sơn phản đối gay gắt lệnh truy nã này, anh nói: “Tôi khẳng định là tôi vô tội, với những việc làm của tôi cho đất nước điều đó là những việc làm chính đáng việc làm của tôi là một người trẻ, một người dân của nước Việt làm cho quê hương Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam là đúng; còn bản án mà nhà cầm quyền cộng sản dành cho tôi là sai.”
Anh cho biết thêm rằng, nếu như trong cuộc sống của mình có bị ảnh hưởng gì về sinh mạng như tai nạn thì một phần nào đó liên quan đến âm mưu thủ đoạn mà cộng sản dùng để triệt tiêu nhà hoạt động này.
Anh Sơn không phải là trường hợp duy nhất bị truy nã khi đang là Thường trú nhân ở Mỹ, mục sư Aga ngoài lệnh truy nã hồi năm 2017 với tội danh “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, hồi tháng 4 năm nay ông còn có thêm lệnh khởi tố bị can vì bị cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết”.
Năm 2018, chỉ một năm sau lệnh truy nã đầu tiên, ông cho biết bản thân bị cảnh sát di trú Thái Lan bắt giữ sau một cuộc gọi của ai đó giả dạng dân thường, kêu ông đến để giảng dạy lời Chúa.
Ông bị đưa đến trung tâm tạm giam của Sở Di trú IDC, và sau đó ra tòa vì tội “cư trú bất hợp pháp” đối diện với nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam.
Tuy nhiên, sau đó ông được sự can thiệp, hỗ trợ của luật sư thuộc văn phòng BPSOS, Đại sứ lưu động phụ trách Tự do tôn giáo quốc tế (thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) lúc bấy giờ là ông Sam Brownback, và Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc nên ông và vợ con được qua Philippines, và qua Mỹ vào tháng 9/2018.
Hôm 23/8, ông Aga cho biết vài ngày trước Công an Bộ và công an tỉnh KonTum xuống gặp gia đình của vợ chồng ông kêu ký vào các giấy tờ gì đó, mà không rõ mục đích là gì và muốn tìm hiểu xem ông đang sinh sống và làm gì, ở đâu.
Mục sư Aga là một trong những người sáng lập Hội Thánh tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, nơi có một số thầy truyền đạo, tín đồ bị công an Việt Nam bắt và khởi tố về các tội danh liên quan đến An ninh quốc gia. Ông chia sẻ với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:
“Cái mới nhất là họ đã bắt được thầy truyền đạo Y Krếc Bya ở tại Đắk Lắk một thời gian sau họ bắt tiếp thầy truyền đạo Nay Y Blang ở tại Phú Yên, trong lúc đó họ bắt đầu khởi tố mục sư.
Lúc đầu tôi cũng cảm thấy lo lắng nhưng mà nghĩ sự việc mình làm không có gì vi phạm luật pháp thì quốc tế hay chính phủ Hoa Kỳ cũng sẽ bảo vệ mục sư thôi.
Thứ hai mục đích của họ là muốn răn đe những người còn lại để họ từ bỏ để không còn ai theo Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ nữa mà phải về sinh hoạt với một hội thánh quốc doanh, có tư cách pháp nhân mà họ đã công nhậ.”
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền Human Rights Watch trong email gửi cho Đài Á Châu Tự Do gọi hành động truy nã anh Lê Văn Sơn và mục sư Aga là hành động đàn áp xuyên quốc gia, ông khẳng định:
“Không có gì bí mật rằng chính quyền chuyên quyền, lạm quyền của Việt Nam thực hiện đàn áp xuyên quốc gia bằng cách truy đuổi những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động ở nước ngoài, đặt họ dưới sự giám sát, và trong những trường hợp như Thái Văn Dương bị đặc vụ nhà nước Việt Nam bắt bên ngoài Bangkok vào tháng 4 năm 2023, tổ chức bắt cóc để lôi về Việt Nam xét xử trước tòa án kangaroo của nước này.
Vì lý do đó, các nhà hoạt động như Lê Văn Sơn và Mục sư Aga có lý khi lo ngại về sự an toàn của họ, ngay cả ở Hoa Kỳ. Chính phủ Việt Nam rõ ràng không quan tâm đến việc duy trì các nguyên tắc nhân quyền quốc tế, bảo vệ người tị nạn hay chủ quyền quốc gia và thể hiện điều đó hàng ngày bằng các hành động đe dọa những người đã trốn khỏi đất nước để tị nạn ở nước thứ ba.”
RFA (25.08.2023)
Giúp dân oan khiếu kiện, một ông ở Hà Tĩnh bị bắt
Ông Hoàng Văn Luân, ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, vừa bị bắt, khởi tố với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
Theo báo Người Lao Động hôm 24 Tháng Tám, Công An Huyện Kỳ Anh quy chụp “tội” của ông Luân, 35 tuổi, là tổ chức cho các nhóm dân oan tại tỉnh Hà Tĩnh “khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài.”
Ông Hoàng Văn Luân (bìa trái) thường giúp dân oan ở tỉnh Hà Tĩnh đi khiếu kiện. (Hình: Hà Tĩnh)
Từ năm 2018 đến nay, ông Hoàng Văn Luân bị cho là kêu gọi 981 dân oan đi khiếu kiện ở địa phương và ở Hà Nội. Hành vi này bị công an cho là “gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự.”
Liên quan vụ bắt giữ ông Hoàng Văn Luân, báo Dân Trí cho biết, nhiều dự án được khai triển tại tỉnh Hà Tĩnh không liên quan đến quyền lợi của gia đình ông Luân, nhưng ông này lại kêu gọi nhiều gia đình khiếu kiện, khiến dự án bị “chậm tiến độ giải tỏa mặt bằng, gây phức tạp về an ninh trật tự.”
Trong một vụ khác xảy ra hồi trung tuần Tháng Tư, bà Thái Thị Bé, 67 tuổi, và bà Hoàng Thị Sơn, 65 tuổi, cùng ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cũng bị bắt với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
Theo báo Người Lao Động, Công An Huyện Hương Khê quy cho hai bà này các tội danh gồm “phát tán tài liệu, treo băng rôn, khẩu hiệu nói xấu các cơ quan, đoàn thể, đưa thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội, viết đơn thư khiếu nại, kiện cáo và gây rối làm mất an ninh trật tự.”
Tuy vậy, bản tin không giải thích vì sao hai bà cao niên lại có thể “lôi kéo hàng ngàn lượt người xem và bình luận tiêu cực” trên trang cá nhân.
Ngoài ra, không rõ vì sao hành vi kiện cáo của hai bà Bé và Sơn lại có thể “gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự tại địa phương.”
Trong một video clip được đăng tải trên YouTube, bà Thái Thị Bé nói về sai phạm của ông Phạm Quang Ngọ, phó bí thư xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, và viện dẫn tinh thần chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, và ông Hoàng Trung Dũng, bí thư Hà Tĩnh.
Bà Hoàng Thị Sơn (trái) và bà Thái Thị Bé tại phiên tòa ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, bị phạt 15 tháng tù giam. (Hình: Đức Quyền/Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Hương Khê)
Liên quan vụ tố cáo ông Ngọ, báo Bảo Vệ Pháp Luật hồi Tháng Mười Hai, 2019, từng đăng bản tin về vụ ông này “ngang nhiên xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp.”
Theo bản tin, bà Thái Thị Bé, cựu cán bộ ngành nông nghiệp của xã, là người tố cáo ông Phạm Quang Ngọ “có dấu hiệu làm giả hồ sơ để lấn chiếm đất công và hợp thức hóa phần đất đã được giao để trồng bưởi trước đó thành đất sử dụng riêng.”
Đáng nói là một số gia đình tại xã Phúc Trạch có hành vi lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích thì bị xử lý, còn nhà ông Ngọ thì được “cho qua.”
Người Việt (24.08.2023)