Seite auswählen

„Hồng Kông và Ukraine giống nhau ở điểm là hỏng có người ngồi nhậu la liệt trên hè phố. Cũng hỏng có luôn những cơn bão đá banh hừng hực khí thế.“ 

 

Bông Lau

 

Có bạn Facebook hỏi “Khi quê hương Việt Nam quang phục thì mình có lấy lại được những gì đã mất”. Tôi thành thật trả lời “Tết Công Gô mới quang phục, và chúng ta sẽ vĩnh viễn mất đi nhiều giá trị cao quý của miền Nam trước 1975 và miền Bắc trước 1954”.

Đó là câu trả lời của một người có nhiều lạc quan.

 

Khi phong trào đấu tranh dân chủ bùng lên ở Trung Cộng và Thiên An Môn năm 1989 thì quần chúng Việt Nam vẫn im lìm hỏng nhúc nhích. Tiếp theo là cuộc Cách Mạng Nhung sấm sét ở Đông Âu 1990 và sự sụp đổ dây chuyền Liên Xô và các nước chư hầu 1991-1992, đại chúng Việt Nam vẫn ngủ mê. Rồi Miến Điện, Hồng Kông, Venezuela, rầm rập xuống đường đòi tự do dân chủ, nhưng Việt Nam chỉ có những cơn bão sấm sét hùng hổ của những trận đá banh.

 

Và gần gũi nhứt là cuộc chiến đấu anh dũng của Ukraine trước quân xâm lược tàn bạo Nga, thì quần chúng Việt Nam vẫn xìu xìu ểnh ểnh. Thậm chí nhiều người còn binh vực tên tội phạm chiến tranh Vladimir Putin, nhứt là người Bắc Việt.

 

Việt Nam cũng có người đấu tranh chớ hỏng phải hỏng có. Số người đấu tranh có thể đếm được vài chục hay vài trăm. Nhưng số người này quá ít ỏi so với trên 90 triệu người bàng quan thờ ơ chỉ biết ham zui. Một số không ít thì đấu tranh cào bàn phím rất hung hăng, nhưng đi vào hành động thì chỉ có vài người.

 

Xạ thủ đi về Việt Nam mấy chục lần rồi và cũng hân hạnh gặp nhiều người đấu tranh từ Nam ra Bắc chớ hỏng phải đui mù hỏng biết zì. Nhưng vẫn nghĩ Tết Công Gô quê hương mới quang phục, khi nhìn thấy tuổi trẻ Việt Nam ngồi đầy các vỉa hè mỗi đêm bên mấy chục vỏ chai bia. Cũng đã chứng kiến cơn bão đá banh điên loạn kinh hoàng trên hè phố phấp phới hừng hực cờ đỏ, và thầm ước phải chi tinh thần hùng tráng đó đang trực diện với quân thù Trung Cộng.

 

Cho nên chán ngấy kiểu đấu tranh giáo điều cực đoan bàn phím, và hỏng thích cào bàn phím xúi người khác lấp biển vá trời. Những việc nho nhỏ hỏng làm mà chỉ nói chuyện trên trời.

 

Xạ thủ hay lang thang ban đêm ở Nhà Hát Thành Phố hay Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa thủa xa xưa, thấy tấp nập trai thanh gái lịch Sài Gòn, những gương mặt khôi ngô tuấn tú của những người trẻ có học. Họ ngồi ăn uống tâm tình với nhau ở đó, và khi đứng lên họ giấu gói rác vào sau cái cột. Tìm thùng rác để bỏ vào mà còn làm biếng, thì hy vọng gì những con người đẹp trai đẹp gái ấy phất cờ để quang phục quê hương. Đó là chưa nói đến những đống rác khổng lồ nơi các quán nhậu ở Phố Cổ, đất ngàn năm văn vật đó nhé.

 

Xếp hàng để trả tiền trong một tiệm “tiện lợi” 7-11 thì bị một thằng nhóc công dân Hồ Chí Minh phì nộn đi ngang lấn xém té. Nó hỏng buồn quay lại nói một lời xin lỗi. Mình nhìn cái lưng voi đầy mỡ của nó bỗng chợt nghĩ, thế mà vẫn hỏng có đủ năng lượng để quay lại xin lỗi cũng lạ. Chế độ tham ô quỷ quyệt đã khó lật đổ rồi và công việc xóa sạch cái văn hóa trâu bò của chế độ đó để lại còn khó hơn nhiều.

 

 

Đăng lại những tấm hình xạ thủ chụp những cuộc xuống đường ở Hồng Kông vào năm 2019 và 2020. Những người trẻ Hồng Kông có dáng thanh mảnh đẹp đẽ và lịch sự, từ tốn nhỏ nhẹ, nhưng tinh thần đấu tranh của họ thì vô cùng kiên cường. Hồng Kông và Ukraine giống nhau ở điểm là hỏng có người ngồi nhậu la liệt trên hè phố. Cũng hỏng có luôn những cơn bão đá banh hừng hực khí thế.

Người Hồng Kông văn minh, kỷ luật, và thông minh, đến nỗi dân Nhật vốn kỳ thị coi thường các dân tộc Á Châu khác cũng phải nể nang. Người Hồng Kông hỏng những xuống đường đấu tranh qua bao nhiêu năm tháng mà họ còn đấu tranh về văn hóa, ý thức hệ, luật pháp v.v… để chống lại Trung Cộng. Thế mà cuộc đấu tranh anh dũng của người Hồng Kông được coi như cáo chung. Một trang sử kiêu hùng đang lật qua. 

 

Nhìn số phận bi thương của Hồng Kông thì Việt Nam sẽ đi về đâu?

 

BÔNG LAU (27.08.2023)