Seite auswählen

Người biểu tình ở Hà Nội bị an ninh bắt hôm 10/6/2018  Fb Hiền Trịnh

 

Quốc hội Việt Nam gần đây công bố chương trình xây dựng luật giai đoạn 2023-2026. Theo chương trình đó không có hai luật biểu tình và lập hội. Tình trạng trì hoãn hai luật này có khiến các quyền cơ bản của người dân bị suy giảm?

Báo Thanh Niên ngày 06/9 đưa tin tại Hội nghị thứ nhất triển khai luật và nghị quyết của Quốc hội khóa 14 trong cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cho nhiệm kỳ quốc hội 2021-2026 nhưng không có luật về hội và luật biểu tình.

Quyền biểu tình và quyền lập hội là hai trong số các quyền cơ bản của công dân, được ghi trong Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam 2013. Hai quyền này cũng được quy định trong Điều 19 và Điều 21 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết tham gia. 

 

Vai trò của quyền tự do lập hội và biểu tình

Theo một luật gia ở Hà Nội, người không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh, luật về hội và luật biểu tình có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Đó là hiện thực hoá các quyền của công dân đã được quy định trong Hiến pháp vì Điều 25 của Hiến pháp nói “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Theo người này, việc không xây dựng (chưa ban hành) hai luật trên gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền cơ bản của công dân. Vì chưa có luật biểu tình nên phần lớn công dân không biết thực hiện quyền này của mình như thế nào. Về phía chính quyền cũng gặp khó khăn khi phải đối phó với các vụ việc tập trung đông người hay khiếu kiện tập thể.

Còn về quyền lập hội thực tế đã có luật từ năm 1957 và nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn nhưng các văn bản quy phạm pháp luật này đã cũ và không còn phù hợp với hiện tại, mang nặng tính xin cho nên cũng làm hạn chế rất nhiều đến quyền lợi chính đáng của người dân, vị luật gia bổ sung.

Người này giải thích với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua tin nhắn:

Việc Quốc hội trì hoãn thông qua các luật trên là do yếu tố ‘nhạy cảm’ của chúng. Nhiều người có vị trí cao trong bộ máy nhà nước lo ngại luật biểu tình nếu được ban hành sẽ kích thích người dân thực hiện quyền này, đặc biệt là về các vấn đề như chủ quyền quốc gia (tranh chấp với Trung Quốc), bảo vệ môi trường, thu hồi đất đai… và chính quyền sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải đối phó với chúng. Còn luật về hội (mới) nếu được ban hành phù hợp với thực tế hiện nay sẽ tạo điều kiện cho xã hội dân sự phát triển, điều mà chính quyền lâu nay vẫn cho là cấm kỵ.”

Cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng cũng cho rằng việc Quốc hội tảng lờ về hai luật trên ảnh hưởng đến việc thực thi hai quyền cơ bản đó của người dân trong xã hội, và gây hại cho sự phát triển của đất nước. Ông nói với RFA:

Trong một cái xã hội hiện đại, quyền lực nhà nước vốn có xu hướng tha hóa và để chống lại sự tha hóa của quyền lực nhà nước thì người dân cần phải có những cái quyền nhất định để giám sát để kiểm soát quyền lực nhà nước và hai trong số các quyền cơ bản đó chính là quyền lập hội và quyền biểu tình. Việc thiếu vắng quyền cơ bản của người dân thì đương nhiên là quyền lực nhà nước sẽ không tránh khỏi sự tha hóa.

Như chúng ta đã biết xã hội Việt Nam tình trạng bộ máy nhà nước ngày càng suy đồi, tiêu cực trong xã hội ngày càng trở nên phổ biến tràn lan chính là do một thực tế là người dân thiếu các cái công cụ pháp luật, họ không được trao quyền giám sát quyền lực nhà nước.”

 Nói với RFA từ nước Đức, nhà văn Võ Thị Hảo nhắc đến quyền biểu tình được quy định bởi Sắc lệnh 31 ngày 13/9/1945 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và các hiến pháp sau này, kể cả Hiến pháp 2013 hiện nay.

Khi mà Quốc hội liên tục nợ luật luật tự do biểu tình và luật về lập hội, tôi thấy rằng trong cả một thời gian dài cả gần 100 năm nay là họ liên tục vi phạm những cam kết quốc tế cũng như là những cam kết đối với người dân Việt Nam.”

Tuy nhiên, bà nói rằng việc vi phạm này cũng là dễ hiểu vì ở Việt Nam không có tam quyền phân lập và giai cấp cai trị luôn bảo vệ quyền lợi của mình.

Quốc hội được quy định là tổ chức đại diện lớn nhất cao nhất cho quyền lợi của cử tri. Thế nhưng mà Quốc hội, Chính phủ và Đảng ở Việt Nam thì nó lại là một và Quốc hội toàn là quan chức. Tất nhiên những ai mà không nói theo quyền lợi cũng như là ý chí của quan chức và của Đảng và của Chính phủ thì đương nhiên họ sẽ bị đẩy ra khỏi Quốc hội.

Ngay cả việc bầu cử quốc hội chúng ta cũng thấy là có rất nhiều chứng cứ từ trước đến giờ mang tính không công bằng và giả hiệu. Khi mà Quốc hội lại vẫn chính là những vị bên đảng và hành pháp thì sao họ có thể bảo vệ quyền lợi cho người dân được? Họ bảo vệ quyền lợi của giai cấp đang nắm quyền lực.”

 

Công dân Việt Nam có thể thực thi quyền cơ bản mà không cần chờ luật

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người tham gia bào chữa trong nhiều vụ án xử người bất đồng chính kiến, cho rằng “quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình không chỉ là nhu cầu mà còn là những quyền tự do mang tính phổ quát trên thế giới. Hiến pháp Việt Nam quy định chỉ mang tính cách thừa nhận các quyền này của công dân mà thôi, chứ không mang ý nghĩa ban phát các quyền này cho công dân.” 

Ông nói với RFA qua tin nhắn:

Tham chiếu theo Hiến pháp, công dân đã có thể tự do lập hội, tự do biểu tình mà không cần chờ đến khi có các luật lập hội và luật biểu tình. Nếu cho rằng chưa có các đạo luật hướng dẫn thì công dân chưa có quyền thực hiện các quyền này là vô hình trung phủ nhận hiệu lực của Hiến pháp, phủ nhận các quyền tự do căn bản của công dân.” 

Theo ông, về phương diện pháp lý, quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình của công dân có hiệu lực từ thời điểm Hiến pháp có hiệu lực chứ không phải từ thời điểm luật lập hội hoặc luật biểu tình có hiệu lực.

Hơn nữa, trách nhiệm ban hành Luật lập hội và Luật biểu tình là của quốc hội chứ không phải của công dân. Sau hàng thập niên, quốc hội đã chứng tỏ sự vô trách nhiệm của mình trong việc không ban hành được Luật lập hội và Luật biểu tình,” vị luật sư này nhấn mạnh.

Để tham khảo, nhìn sang quốc gia láng giềng Campuchia, họ ban hành Luật biểu tình từ năm 1991. Vị chi nền lập pháp của họ đã thừa bản lĩnh chính trị khi ban hành Luật biểu tình đi trước Việt Nam hơn ba thập kỷ. Thế mà, nền lập pháp Việt Nam vẫn còn sợ sệt như một đứa trẻ con yếu bóng vía là điều rất đáng trách.”

Nhà văn Võ Thị Hảo thì cho rằng cũng như nhiều quyền cơ bản khác như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tự do thông tin, hai quyền lập hội và biểu tình là hai quyền hiến định của công dân và công dân nghiễm nhiên được hưởng các quyền này.

Bà nói:

Hiến pháp trước đây cũng như là Hiến pháp sửa đổi 2013 thì họ không bao giờ dám bãi bỏ cái quyền biểu tình quyền hội họp quyền tự do ngôn luận và tôi thấy rằng như vậy là đủ là để người dân Việt Nam có thể thực hiện quyền tự do hội họp quyền tự do biểu tình của mình.

Quốc hội chỉ cần quy định trong Bộ luật hình sự tội cản trở tự do biểu tình và ai cản trở tự do biểu tình thì người đó phải bị tù và bị phạt tiền, như là cái quy định của Pháp hoặc là của nhiều nước tiên tiến ở trên thế giới.”

Bộ luật hình sự Pháp quy định rằng người cản trở quyền biểu tình của người khác thì bị phạt ba năm tù và 45.000 euro, bà bổ sung.

Ông Lê Anh Hùng, người từng là blogger chính trị của VOA trước khi bị bắt năm 2018, cho rằng bộ máy nhà nước ở Việt Nam không muốn trao cho người dân những cái quyền để người dân giám sát lại cái quyền lực của chính họ và họ muốn giữ càng nhiều quyền càng tốt vì những lợi ích cá nhân của họ. Vì những lợi ích của đảng cộng sản, họ không đếm xuể đến những quyền lợi chính đáng của người dân.

Các chính thể độc tài không bao giờ muốn làm tự nguyện trao quyền lực cho người dân. Người dân cần phải tiếp tục lên tiếng cần phải tiếp tục đấu tranh để đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình. Khi nào cán cân quyền lực trong xã hội cân bằng thì xã hội nó sẽ phát triển ổn định và lành mạnh, còn một khi quyền lực của nhà nước ở thế thượng phong chi phối khống chế kiểm soát quyền lực người dân thì lúc đó bộ máy nhà nước sẽ không tránh khỏi bị tha hóa.”

 

RFA (12.09.2023)

 

 

 

 

Phát biểu về nhân quyền của TT Joe Biden tại Hà Nội bị báo chí Việt Nam kiểm duyệt

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 10/9/2023. AFP/Nguyen Nhac

 

Phát biểu về nhân quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Hà Nội vào chiều ngày 10/9 bị truyền thông Nhà nước Việt Nam kiểm duyệt.. 

Nguyên văn lời ông Joe Biden trong phát biểu sau khi hai phía đồng ý nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất Đối tác Chiến lược Toàn diện : “Tôi cũng đã nêu lên tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu của chính phủ của tôi và của người dân Hoa Kỳ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về vấn đề đó.” 

Trong các bản tin của truyền thông Nhà Nước ý của Tổng thống Joe Biden về vấn đề nhân quyền bị chuyển thành “Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền con người.” 

Ngay trước chuyến công du Việt Nam của người đứng đầu Bạch cung, nhiều tổ chức của người Việt trong và ngoài nước, cũng như các tổ chức theo dõi nhân quyền trên thế giới gửi thư ngỏ đến Tổng thống Joe Biden đề nghị ông này thúc ép đảng và chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền, ngưng biện pháp đán áp ngày càng mạnh tay đối với những tiếng nói bất đồng chính kiến, những người lên tiếng cho nhân quyền trong nước.

 

RFA (11.09.2023)

 

 

 

Báo chí Việt Nam lược bỏ lời Tổng thống Biden về nhân quyền?

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,  Tổng thống Joe Biden tổ chức họp báo tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 9 năm 2023, trong ngày đầu tiên của chuyến thăm Việt Nam. Biden tới Việt Nam để tăng cường hợp tác giữa hai nước, trước tham vọng ngày càng tăng của Trung cộng trong khu vực

 

Các trang như Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP HCM, Lao Động và một số tờ báo khác đã kiểm duyệt lời của Tổng thống Joe Biden khi ông nhắc đến vấn đề nhân quyền.

Cụ thể, các tờ báo nói trên đã đăng “toàn văn phát biểu” của người đứng đầu Bạch cung, sau cuộc khi hội kiến với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 10/9.

Nhưng khi đối chiếu các phiên bản trên cơ quan truyền thông Việt Nam với phiên bản do Bạch cung đăng tải thì có sự chênh lệch.

Cụ thể, phát biểu của ông Biden nhắc đến vấn đề nhân quyền, nguyên văn trên website của Bạch cung là:

“Tôi cũng đã nêu tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu của cả chính quyền của tôi và của người dân Mỹ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về lĩnh vực này.” (nguyên văn tiếng Anh: “I also raised the importance of respect for human rights as a priority for both my administration and the American people. And we’ll continue to — our candid dialogue on that regard.”)

Toàn bộ phát biểu – bản tiếng Anh – của hai nhà lãnh đạo được đăng trong mục: “Remarks by President Biden and General Secretary Nguyễn Phú Trọng of the Communist Party of Vietnam in Joint Press Statements” tại đây.

Trong khi đó, phiên bản mà trang Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP HCM hay Lao Động đăng, đã lược bỏ bớt nội dung, chỉ còn ngắn gọn là: “Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền con người.” Các trang báo này có thể khiến người đọc hiểu thiếu nội dung câu của tổng thống Mỹ khi ông nói là ông đã “nêu vấn đề nhân quyền với lãnh đạo VN và rằng hai bên sẽ tiếp tục đối thoại về nhân quyền chứ không chỉ nêu ra chung chung.

NGUỒN HÌNH ẢNH,CHỤP MÀN HÌNH

 

Từ Boston, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khu vực châu Á nói với BBC ngày 11/9:

“Bằng cách kiểm duyệt bất kỳ đề cập nào về nhân quyền khỏi các phương tiện truyền thông quốc gia đưa tin về bài phát biểu của Biden, chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản cầm quyền đã bộc lộ bản chất thực sự của mình là một chế độ độc tài đàn áp nhân quyền.

“Hà Nội quyết tâm gạt nhân quyền sang một bên trong mối quan hệ đối tác song phương mới được nâng cấp và thật không may, có vẻ như chính phủ Hoa Kỳ đã sẵn sàng cho phép họ làm vậy,” ông Robertson nhận định.

Trước khi phái đoàn cao cấp của Hoa Kỳ tới Hà Nội, nhà nước Việt Nam thả tự do sang Đức một nhà hoạt động tôn giáo, ông Nguyễn Bắc Truyển, và vợ.

Điều được các báo vùng Nam Á chú ý là khi nói chuyện với nhà báo ở Hà Nội, TT Biden kể lại rằng ông đã nêu vấn đề nhân quyền và tự do báo chí với Thủ tướng Modi của Ấn Độ khi dự hội nghị G20 ở Dehli.

Trong lịch trình dự kiến của Tổng thống Biden mà BBC tiếp xúc, ông Biden sẽ gặp đủ “tứ trụ” Việt Nam, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam-Mỹ. Trước khi rời sân bay Nội Bài, ông còn được cho là sẽ gặp gỡ cán bộ và gia đình Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Như vậy, trong chuyến công du này, những hình ảnh và phát biểu công khai cho thấy người đứng đầu Bạch cung có vẻ không gặp gỡ nhóm các tổ chức xã hội dân sự hay các nhà hoạt động, vốn là một thông lệ thường thấy của các quan chức cấp cao Mỹ khi đến Việt Nam.

Ông Robertson nói với BBC, trừ phi Quốc hội Hoa Kỳ nhanh chóng tìm được tiếng nói của mình, mọi hy vọng của người Việt Nam về việc Hoa Kỳ đẩy mạnh nhân quyền ở Việt Nam sẽ không còn nữa.

 

Từ khóa Trung cộng ‘chiếm sóng’

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ với các CEO tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội ngày 11/9/2023

 

Với việc Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ ngoại giao với cựu thù Việt Nam lên cấp cao nhất nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, từ khóa về “Trung cộng” dường như chiếm sóng khác các tựa đề của báo chí nước ngoài.

Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức cao nhất – sánh ngang với Trung cộng, Nga, Hàn Quốc và Ấn Độ, khiến cho nhiều nhà quan sát cho rằng, Mỹ đang cố gắng ngăn chặn sức ảnh hưởng trên trường quốc tế của Trung cộng.

Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên ở Hà Nội hôm 10/9 tại họp báo rằng, hành động của Mỹ không phải nhằm kiềm chế hay cô lập Trung cộng mà nhằm duy trì sự ổn định theo luật lệ quốc tế.

Trả lời câu hỏi của BBC News hôm Chủ nhật, ông Biden nói với các phóng viên tại Hà Nội: “Tôi nghĩ chúng ta đã tư duy bằng nếp nghĩ của Chiến tranh Lạnh. Vấn đề không phải là như vậy mà là việc tạo ra sự tăng trưởng và ổn định kinh tế”.

Ông nói: “Tôi muốn thấy Trung cộng thành công về mặt kinh tế, nhưng tôi muốn thấy họ thành công dựa trên luật lệ”.

Những dấu hiệu về mối quan hệ được cải thiện đã gây khó chịu cho Bắc Kinh, nước gọi đó là bằng chứng rõ ràng hơn về “tâm lý chiến tranh lạnh” của Mỹ.

Trang Wall Street Journal chạy tựa đề nói tới mục tiêu của ông Bden là tìm kiếm một quan hệ Mỹ-Việt mạnh hơn nhằm chống lại Trung cộng (Biden Seeks Stronger Vietnam Ties in Bid to Counter China).

The New York Times đăng tít “Biden xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với Việt Nam khi tham vọng của Trung cộng ngày càng gia tăng”.

 

Còn tựa đề “Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ với Việt Nam khi Biden chỉ trích Trung cộng vì ‘thay đổi quy tắc'” là tựa đề trên trang Nikkei Asia.

Khi Hoa Kỳ và Việt Nam thông báo “xác lập quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện”, trang Financial Times ở Anh đã có bình luận, trích lời ông Peter Mumford, nhà phân tích tình hình Đông Nam Á thuộc Eurasia Group, nói rằng việc Hoa Kỳ-Việt Nâm đạt quan hệ mới này “vừa nhờ Hoa Kỳ kiên trì, vừa do Trung cộng tính toán sai”.

 

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu là khách mời (visiting fellow) thuộc Viện ISEAS Singapore nhận xét với BBC hôm 01/09 rằng, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam từ thời Tổng thống Donald Trump tới thời Tổng thống Joe Biden, ưu tiên hàng đầu không phải là hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, mà là việc liệu Việt Nam có vai trò như thế nào trong các chiến lược nêu trên.

“Chúng ta thấy rõ điều đó ở việc Tổng thống Joe Biden thiết lập Hội nghị dân chủ toàn cầu và đưa ra những diễn ngôn về dân chủ. Tuy nhiên, khi nói tới Việt Nam, ông luôn nhấn mạnh mục tiêu về hợp tác kinh tế, quân sự, an ninh quốc phòng, còn nhân quyền không được đặt là yếu tố ưu tiên,” ông Nguyễn Khắc Giang nhận định.

Tiến sĩ Giang dẫn chứng thêm, những chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo cấp cao khác của Mỹ như Ngoại trưởng Antony Blinken cũng không nhắc nhiều đến nhân quyền. Vì lẽ đó, với việc ông Biden chỉ đến Việt Nam trong vòng một ngày, khả năng có những cuộc gặp với giới xã hội dân sự hay có những hành động, tuyên bố lớn về nhân quyền “sẽ là thấp”.

Thêm nữa, mục đích của ông Biden đến Việt Nam là để nâng cấp quan hệ đôi bên trong nỗ lực kiềm tỏa sự trỗi dậy của Trung cộng, nên việc gặp gỡ những nhà hoạt động nhân quyền sẽ đưa ra tín hiệu không tích cực đối với Việt Nam. Vì thế, ông Biden có thể sẽ tránh điều đó, theo TS Giang.

Trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden, Trung cộng liên tiếp kêu gọi Việt Nam “củng cố niềm tin chính trị”. Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung cộng Lưu Kiến Siêu đã gặp TBT Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 5/9.

 

Nhân quyền Việt Nam bị lu mờ

Một số người cho rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam sẽ được coi là điểm quan ngại và bất đồng giữa hai nước, với việc Washington chỉ trích Hà Nội không khoan nhượng đối với những người bất đồng chính kiến ​​và thường xuyên bỏ tù cũng như sách nhiễu những người dám lên tiếng.

Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền có vẻ bị Việt Nam “ngó lơ” như cách nước này thường làm trước đó, dù chính quyền Mỹ hay các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng kêu gọi.

Trong tuyên bố của Bạch cung về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam cũng nói rằng, Tổng thống Biden nhấn mạnh tính phổ quát của nhân quyền và tầm quan trọng của sự hợp tác song phương “nhằm thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa, tôn giáo hay tín ngưỡng, trong và ngoài nước.”

Thông cáo này của Bạch cung không được báo chí trong nước đăng tải hay trích dẫn, từ khóa “nhân quyền” cũng khá ít ỏi so với các vấn đề như hợp tác thương mại, đầu tư kinh tế; công nghệ khoa học hay giáo dục.

Trước đó, ông David Hutt, nhà báo từng làm việc tại Á châu, chuyên viết trong mục ‘Đông Nam Á’ của trang The Diplomat, nhận định với BBC rằng chính quyền của Đảng Cộng sản sẽ theo dõi và canh giữ chặt chẽ các nhà hoạt động nổi tiếng trong khoảng thời gian người đứng đầu Bạch cung ở Hà Nội.

“Sau đó, tổng thống Hoa Kỳ thường nói những lời hoa mỹ về việc tôn trọng nhân quyền. Rồi chính phủ và truyền thông Việt Nam phớt lờ những bình luận đó. Mỹ giả vờ ủng hộ dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam còn Hà Nội thì phớt lờ điều này – hiện đã là một trò chơi đã được thiết lập khá tốt,” ông Hutt nhận định.

 

Cây viết David Hutt nhận xét với BBC rằng, Washington muốn có sự phát triển ổn định trong quan hệ với Việt Nam, chỉ thay đổi hiện trạng một chút.

“Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện chính là củ cà rốt mà [Hà Nội] đã treo lơ lửng trước mặt Washington trong nhiều năm, và là một trong những lý do khiến Hoa Kỳ vì lợi ích cá nhân mà không chỉ trích hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam như họ đáng ra phải làm,” ông nói.

“Tuy nhiên, việc Việt Nam trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” với Hoa Kỳ sẽ khiến Washington không còn động cơ phải lấy lòng Hà Nội nữa,” ông Hutt kết luận.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Mỹ đã được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chào mừng bằng tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước ngày 11/9

 

Hôm 01/09, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Tổng thống Biden nêu lên những quan ngại về nhân quyền một cách công khai cũng như riêng tư với chính phủ Việt Nam.

Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Tổng thống Biden nên nói rõ với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn phụ thuộc vào những cải thiện cụ thể và có thể kiểm chứng được trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam”. “Hoa Kỳ không nên gạt bỏ những quan ngại về nhân quyền khi tìm cách mở rộng quan hệ đối tác ngoại giao và kinh tế với Hà Nội.”

Vài ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam, một ủy ban của chính phủ Hoa Kỳ đã cáo buộc Hà Nội vi phạm các cam kết đảm bảo quyền tự do tôn giáo.

Trong một báo cáo hôm 5/9, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cho biết kể từ khi Washington đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “các quốc gia đặc biệt quan tâm” (CPC) về tự do tôn giáo vào năm 2006, chính quyền Hà Nội đã tạo ra “nhiều không gian hơn trong một số lĩnh vực” để thể hiện niềm tin.

Thế nhưng, “cuộc đàn áp xã hội dân sự gần đây, áp lực gia tăng đối với các cộng đồng tôn giáo độc lập, các báo cáo đáng báo động về việc cưỡng ép từ bỏ đức tin và các vi phạm tự do tôn giáo ngày càng gia tăng khác đã tạo nên một sự đảo ngược rõ ràng quỹ đạo vốn từng tích cực”, dẫn báo cáo.

Việt Nam đang giam giữ ít nhất 159 tù nhân chính trị – những người bị cầm tù vì thực hiện các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách ôn hòa. Ít nhất 22 người khác đang bị giam giữ để chờ cảnh sát điều tra và xét xử cuối cùng trước tòa án cầm quyền do Đảng Cộng sản kiểm soát, theo HRW.

 

BBC (11.09.2023)

 

 

Bạch cung: TT Biden nêu tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền

 

Bạch cung hôm 10/9 ra tuyên bố về việc Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó có tầm quan trọng của nhân quyền.

Tuyên bố viết rằng Tổng thống Biden “nhấn mạnh tính phổ quát của nhân quyền và tầm quan trọng của sự hợp tác song phương nhằm thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa, tôn giáo hay tín ngưỡng, trong và ngoài nước”.

Ngoài ra, văn bản này còn nói rằng Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ – Việt Nam “là một cơ chế quan trọng để thảo luận về một loạt các vấn đề liên quan đến nhân quyền và quyền lao động, bao gồm: quyền tự do ngôn luận và lập hội; tự do tôn giáo hay tín ngưỡng; pháp quyền và cải cách pháp luật; và quyền của các thành viên thuộc nhóm dân số bị đặt ngoài lề, bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, các nhóm dân tộc thiểu số, người LGBTQI+ và người khuyết tật, cũng như các trường hợp cá nhân cần quan tâm”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, trước chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam, nhiều cá nhân và tổ chức trong nước lẫn quốc tế đã lên tiếng thúc giục nhà lãnh đạo Mỹ nêu bật vấn đề nhân quyền cũng như việc các nhà bất đồng chính kiến bị cầm tù. Hà Nội lâu nay vẫn bác bỏ không bỏ tù những người bất đồng quan điểm mà chỉ tống giam những người vi phạm pháp luật.

Ngoài nhân quyền, tuyên bố của Bạch cung còn đề cập tới các vấn đề khác như đầu tư vào nền kinh tế đổi mới, hợp tác khoa học công nghệ, trong đó có quan hệ đối tác về chất bán dẫn; củng cố ngoại giao nhân dân, nhất là về giáo dục và đào tạo; tăng cường hợp tác thúc đẩy khí hậu, năng lượng, môi trường và y tế cũng như kinh tế; xử lý hệ quả của chiến tranh và tăng cường an ninh thông qua thúc đẩy hợp tác.

“Sự nâng cao quan hệ chưa từng có và quan trọng giữa hai nước, chuyển từ Đối tác toàn diện được thiết lập năm 2013 sang Đối tác chiến lược toàn diện, là kết quả của những nỗ lực mạnh mẽ của cả hai chính phủ nhằm thiết lập và xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau cũng như vạch ra con đường hướng tới tương lai với những cơ hội và thách thức trong một thế giới đang phát triển nhanh chóng”, tuyên bố có đoạn.

Trước khi ra tuyên bố này, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu ngắn gọn tại trụ sở Đảng Cộng sản Việt Nam, ca ngợi việc nâng cấp quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện.

Ông Trọng nói rằng quan hệ đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển “nhảy vọt” và hiện đã được “nâng lên một tầm cao mới”.

Ông Trọng nói: “Việt Nam là người bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Trong khi đó, Tổng thống Biden cũng đề cập đến sự phát triển của mối quan hệ kể từ sau chiến tranh cũng như giá trị của việc vượt qua “nỗi đau của quá khứ”.

 

VOA (10.09.2023)

 

 

 

 

Các dân biểu Mỹ hối thúc Tổng thống Biden nói về nhân quyền khi đến Việt Nam

Dân biểu Michelle Steel (trái) thuộc Đảng Cộng hòa và Dân biểu Zoe Lofgren thuộc Đảng Dân chủ nói với VOA rằng Tổng thống Joe Biden cần phải lên tiếng với các nhà lãnh đạo Việt Nam về vấn đề nhân quyền khi ông đến thăm nước này.

 

Các nhà lập pháp trong Hạ viện Hoa Kỳ kêu gọi Tổng thống Joe Biden sử dụng các cuộc hội đàm của mình với các nhà lãnh đạo Việt Nam để lên tiếng mạnh mẽ về hồ sơ nhân quyền “tồi tệ” của Hà Nội trong chuyến thăm chính thức bắt đầu vào Chủ nhật, trong đó có phần chắc quan hệ của hai nước sẽ được nâng cấp.

Các dân biểu thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nói với VOA những ngày gần đây rằng chuyến thăm của ông Biden tới Việt Nam lần này là thời điểm tốt nhất để Mỹ nêu rõ với Hà Nội những lo ngại của mình về nhân quyền – một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ giữa hai nước – và rằng sẽ là một “sai lầm” nếu sự cải thiện quan hệ không đi kèm với “cải thiện hành vi.”

Ông Biden dự kiến sẽ đến Hà Nội vào ngày 10 tháng 9, nơi ông sẽ được tiếp đón bởi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và sau đó hai bên sẽ hội họp, theo lịch trình chính thức do Bạch cung công bố. Tổng thống Biden vào ngày 11 tháng 9 sẽ gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trước khi lên đường quay trở về Mỹ.

Chuyến đi dự kiến sẽ chứng kiến mối quan hệ của hai nước được nâng từ mức “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược toàn diện,” một bước nhảy vọt đáng kể đặt Mỹ lên ngang bằng với các nước mà Việt Nam có quan hệ hữu hảo truyền thống như Trung cộng và Nga.

Cả Washington và Hà Nội chưa chính thức xác nhận bước đi này. Bộ Ngoại giao Việt Nam nói các chuyến thăm cao cấp “sẽ làm sâu sắc hơn nữa” quan hệ của hai nước trong khi Tòa Bạch Ốc cho biết trong một thông cáo rằng hai nhà lãnh đạo “sẽ khám phá những cơ hội” để thúc đẩy phát triển trong nhiều lĩnh vực hợp tác.

Dân biểu Cộng hòa Michelle Steel, đồng chủ tịch một khối các nghị sĩ Hạ viện Hoa Kỳ quan tâm đến các vấn đề về Việt Nam (Vietnam Caucus), nói với VOA rằng bà hiểu Tổng thống Biden đang tìm cách mở rộng giao thương với Việt Nam, cụ thể là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn, nhưng Mỹ có thể đáp ứng những nhu cầu của mình thông quan các mối quan hệ đối tác và đồng minh vốn có ở Châu Á.

Vẫn theo lời dân biểu Steel, thay vào đó, Tổng thống Biden nên nhân chuyến thăm này lên tiếng về “những vi phạm nhân quyền” của Việt Nam mà bà nói bao gồm việc bắt bớ và bỏ tù những người thực hành các quyền tự do căn bản của mình.

“Tôi có hơn 200.000 cử tri người Mỹ gốc Việt sống ở Quận Cam và họ đến đất nước này để được hưởng những quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận, và đó chính xác là điều mà Việt Nam phải làm,” nữ dân biểu gốc Hàn đại diện một địa hạt Quốc hội miền nam bang California nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

“Việt Nam có được rất nhiều cơ hội làm ăn không chỉ từ Mỹ hay Hàn Quốc mà còn những nước khác, vì các doanh nghiệp né Trung cộng và chuyển sang Việt Nam. Việt Nam phải chỉnh đốn lại trước khi [Mỹ] bắt đầu bất cứ hoạt động kinh doanh nào với Việt Nam vì họ rất khuất tất và vì họ đang xâm hại và giam giữ những tù nhân này nhắm đổi chác được điều gì đó.”

Việt Nam hiện đang giam cầm 193 nhà hoạt động, theo thống kê của tổ chức nhân quyền The 88 Project ở Mỹ.

Trong những năm qua, nhà chức trách Việt Nam đã tăng cường trấn áp xã hội dân sự không những bằng việc truy tố và bỏ tù những người bất đồng chính kiến mà còn nhắm mục tiêu vào các nhà hoạt động vì môi trường. Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam “bi đát ở gần như khắp các mặt,” theo nhận định của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).

“Thiết lập quan hệ mạnh mẽ hơn với những người cộng sản ở Việt Nam mà không có được những cải thiện về nhân quyền sẽ là một cơ hội to lớn bị bỏ lỡ,” dân biểu Dân chủ Zoe Lofgren, đồng chủ tịch khối Vietnam Caucus và đại diện một địa hạt Quốc hội ở miền trung California, nói với VOA khi bà nêu nhận định về chuyến thăm.

“Tình hình nhân quyền ở Việt Nam vốn tồi tệ và giờ đang trở nên tệ hơn chứ không hề tốt lên, và chúng tôi đã bày tỏ với tổng thống những lo ngại của chúng tôi.”

“Chúng tôi đã đưa cho ông ấy một danh sách các tù nhân lương tâm đã được xác nhận và nêu ra một số ví dụ điển hình về hành vi sai trái của Đảng Cộng sản trong việc đàn áp nhân quyền. Và tôi thực sự hy vọng rằng tổng thống sẽ nêu ra những vấn đề này với chính phủ Việt Nam vì sẽ là một sai lầm nếu cải thiện quan hệ mà không cải thiện hành vi của họ.”

VOA có được một bức thư gửi đến Tổng thống Biden vào ngày 8 tháng 9 đồng kí tên bởi năm nhà lập pháp lưỡng đảng của Hạ viện Hoa Kỳ, trong đó họ nêu lên “lo ngại sâu sắc” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

“Chúng tôi mạnh mẽ hối thúc ông tận dụng chuyến thăm này để lên tiếng những vi phạm nhân quyền này, và ở mức tối thiểu, giúp đạt được việc phóng thích các tù nhân lương tâm và có được sự bảo đảm rằng sẽ không có vụ bắt giữ nào nữa khi mối quan hệ của chúng ta với [Việt Nam] được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược.”

Nhà chức trách Việt Nam luôn bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói rằng họ chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật Việt Nam. Các quan chức Mỹ thì nói rằng họ có nêu lên những quan ngại về nhân quyền với phía Việt Nam nhưng làm điều đó một cách kín đáo và tế nhị.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, trong một cuộc đàm luận về quan hệ giữa hai nước do một viện nghiên cứu chính sách ở Washington tổ chức vào tháng 3, cho biết Mỹ cố gắng không để cho những cuộc thảo luận về nhân quyền với Việt Nam “xuất hiện trên trang nhất.”

Cách tiếp cận này được một quan chức ẩn danh của chính quyền Biden xác nhận trong một bài báo của tờ Washington Post đăng tải gần đây. Người này được dẫn lời nói rằng Mỹ có nêu ra những lo ngại về nhân quyền với các Việt Nam, nhưng ở nơi riêng tư, “một cách thầm lặng, có phần nể nang.”

“Tại sao chúng ta phải thầm lặng về những vi phạm nhân quyền?” Dân biểu Steel đặt câu hỏi, bày tỏ quan điểm bất đồng với cách tiếp cận này. “Đừng nói năng nhỏ nhẹ. Nói năng nhỏ nhẹ chẳng bao giờ có tác dụng với những chính phủ này.”

“Chúng ta có thể dùng chuyến thăm này để củng cố quan hệ. Tôi nghĩ một mối quan hệ vững mạnh hơn sẽ là điều tốt khi họ chấm dứt những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam,” bà nói thêm.

Dân biểu Lofgren nói không nên quá chú trọng vào cách thức nêu vấn đề ra sao mà là vấn đề có được giải quyết hay không. “Nếu như giải quyết tế nhị mà thành công thì cũng được,” bà nói.

Khi được hỏi bà có thấy vấn đề đã được giải quyết thành công hay chưa, bà thừa nhận: “Rõ ràng là chưa.”

Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ Mỹ “thường xuyên hợp tác” với Chính phủ Việt Nam ở mọi cấp độ về các vấn đề nhân quyền và pháp quyền và sẽ tiếp tục làm như vậy.

“Thông điệp của chúng tôi nhất quán và dựa trên niềm tin mãnh liệt rằng các quốc gia thành công nhất là những quốc gia tôn trọng và bảo vệ nhân quyền cũng như các quyền tự do cơ bản,” bộ nói trong một phát biểu gửi cho VOA hôm thứ Năm.

Trong một cuộc họp báo vào cuối tháng 8, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre từ chối cho biết liệu Tổng thống Biden sẽ nêu vấn đề nhân quyền khi ông gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay không, nhưng nói rằng ông Biden “không bao giờ né tránh” vấn đề này với bất cứ nhà lãnh đạo nào.

“Chúng ta phải lên tiếng,” dân biểu Steel nói. “Tôi nghĩ chúng ta có lợi thế để thương thảo với chính phủ Việt Nam và đây là cơ hội rất tốt để làm điều đó.”

 

VOA (09.09.2023)

 

 

 

 

Ông Nguyễn Bắc Truyển trên đường sang Đức

Ông Nguyễn Bắc Truyển ra tòa năm 2007

 

Nhờ vào nỗ lực của chính phủ liên bang Đức, ông Nguyễn Bắc Truyển, 55 tuổi, đã được thả ra khỏi vào nhà tù vào thứ Sáu ngày 8 tháng 9/2023, sau 6 năm ngồi tù, và đang trên đường sang Đức từ nhà tù, nơi ông bị giam cầm với bản án 11 năm tù, 3 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Máy bay chở ông Truyển và vợ ông dự kiến ​​sẽ hạ cánh ở Đức vào tối thứ Sáu hôm nay.Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức đã xác nhận tin trên với Thờibáo.de và nói: “Chúng tôi hoan nghênh việc trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền này. Đây là một động thái nhân đạo quan trọng của chính phủ Hà Nội.”

 

Theo tin được biết, nữ Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalene Baerbock đã nêu vấn đề trả tự do cho ông Truyển với người đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn trong cuộc hội đàm ở Berlin vào tháng 9 năm ngoái.

 

Ông Nguyễn Bắc Truyển là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, một thành viên của Hội Ái Hữu Tù Nhân Lương Tâm và Hội Anh Em Dân Chủ.

Năm 2006, ông Truyển bị bắt và sau đó bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước” hồi năm 2007.

Ra tù năm 2010, ông Truyển vẫn tiếp tục hoạt động. Ngày 30/7/2017, Nguyễn Bắc Truyển đã bị bắt cùng với 3 thành viên khác của “Hội Anh em dân chủ” gồm Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức.

 

Ngày 4/6/2018, Nguyễn Bắc Truyển bị kết án 11 năm tù và 3 năm quản chế về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Ngay sau đó, nữ dân biểu Gyde Jensen, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Đức, đã đứng ra bảo trợ cho ông Truyển trong chương trình “Dân biểu Bảo vệ Dân biểu” của Quốc hội Liên bang Đức, một chương trình đã được mở rộng để bảo vệ cho cả cho những Người Bảo vệ Nhân quyền trên thế giới chứ không riêng gì cho các vị dân cử.

Luật gia Nguyễn Bắc Truyển là trường hợp đầu tiên bà Jensen chọn để bảo trợ trong chương trình này.

Giải thích lý do vì sao chọn bảo trợ cho ông Truyển, người vừa bị kết án ở Việt Nam, dân biểu Jensen nói trường hợp của ông Truyển là “tiêu biểu cho vấn đề nhân quyền”. Và qua chương trình này của Quốc hội Liên bang Đức sẽ góp phần vào việc không để số phận của ông Nguyễn Bắc Truyển bị trôi vào lãng quên.

 

Ông Nguyễn Bắc Truyển từng được Liên minh quốc tế Stefanus (Stefanus Alliance International) tại Na Uy trao “giải thưởng Stefanus 2020” vì ông đấu tranh thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng và bảo vệ những sắc tộc thiểu số tôn giáo, bất chấp hiểm nguy đối với cá nhân và gia đình của ông. Ông làm như thế không chỉ với Phật Giáo Hoà Hảo của ông, mà còn với các tôn giáo khác.

Kể từ đó, ông Nguyễn Bắc Truyển được mệnh danh là “nhà đấu tranh cho quyền lợi của những người có niềm tin tôn giáo, bất chấp hiểm nguy đối với cá nhân và gia đình”.

 

Trước Liên minh quốc tế Stefanus, tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) đã từng vinh danh Nguyễn Bắc Truyển với giải thưởng Hellman/Hammett vào năm 2011.

Ngoài ra, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cũng đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Truyển. Phó Chủ tịch của USCIRF, bà Anurima Bhargava từ năm 2019 đã nhận bảo trợ cho ông Truyển qua “Dự án tù nhân lương tâm tôn giáo” của Ủy hội.

 Hiếu Bá Linh (Tổng hợp)

Thoibao.De (09.09.2023)

 

 

 

Nhà hoạt động nhân quyền được trả tự do

 

Ông Truyển dự kiến ​​sẽ đến Đức cùng vợ vào tối thứ Sáu.

Sau một thời gian dài đàm phán, nhà hoạt động nhân quyền người Việt Nam Nguyễn Bắc Truyền đã được trả tự do. Ông Truyển bị kết án 11 năm tù năm 2018.

Thông qua sự hòa giải của chính phủ liên bang, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyền đã được thả ra khỏi nhà tù ở Việt Nam vào thứ Sáu. Ông Truyển dự kiến ​​sẽ đến Đức cùng vợ vào tối thứ Sáu. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức đã xác nhận điều này với taz và nói: “Chúng tôi hoan nghênh việc trả tự do cho nhà hoạt động dân quyền. Đây là một nghĩa cử nhân đạo quan trọng của chính quyền Hà Nội.”

Theo báo cáo, Ngoại trưởng Annalena Baerbock (Greens) đã nêu vấn đề này với người đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn trong cuộc hội đàm chính trị ở Berlin vào tháng 9 năm 2022. Nguyễn Bắc Truyền là một chuyên gia tôn giáo và pháp lý, cho đến khi bị cầm tù, ông vẫn đứng đầu Hội Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, một tổ chức hỗ trợ các nhà hoạt động dân quyền bất bạo động bị cầm tù và gia đình họ.

Ông bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội kết án 11 năm tù vào năm 2018 về tội “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa”. Tội của ông là đã công khai ủng hộ tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và một hệ thống đa đảng đa nguyên. Nguyễn Bắc Truyển, 55 tuổi, là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị cấm, nhưng là một luật sư, ông cũng vận động cho quyền lợi của tín đồ Công giáo.

 

Phiên tòa hình sự chỉ kéo dài một ngày

Năm 2011, ông được tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch vinh danh Giải thưởng Hellman/Hammett vì những bài viết về tù nhân chính trị ở Việt Nam và điều kiện giam giữ của họ. Phiên tòa hình sự năm 2018 chỉ kéo dài một ngày. “Ban đầu phiên tòa dự kiến ​​kéo dài hai ngày,” Gyde Jensen, thành viên FDP Bundestag giải thích trên trang web của bà. Jensen là dân biểu bảo trợ cho nhà hoạt động nhân quyền trong khuôn khổ chương trình “Dân biểu bảo vệ dân biểu”.

Bà Jensen cho biết: “Mục đích đằng sau thời gian xử lý ngắn như vậy là để xử lý những vụ án như vậy một cách nhanh chóng và ít công khai nhất có thể”. Bị cáo chỉ được thông báo về ngày xét xử vài ngày trước khi mở phiên tòa, không được tiếp xúc thường xuyên với luật sư và không biết đến bản cáo trạng. Điều kiện để chuẩn bị biện hộ rất kém.”

Để vận động đòi tự do cho Nguyễn Bắc Truyển, nghị sĩ Đảng FDP, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Hạ viện Đức, đã có cuộc trò chuyện với Đại sứ Việt Nam tại Berlin vào năm 2018. Bà Jensen cho biết: “Quan điểm chính thức là ai không tôn trọng pháp luật sẽ phải gánh chịu hậu quả. Thật không may, điều này không bao gồm quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận.”

 

Vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sau khi bị giam giữ

Bản án năm 2018 không phải là bản án đầu tiên ông Truyển bị xét xử. Ông từng bị bỏ tù vì các tội chính trị từ năm 2006 đến năm 2010. Kể từ đó, ông bị các bệnh về lưng và đường tiêu hóa do bị đối xử tệ bạc và nước uống không hợp vệ sinh trong trại giam. Giữa hai lần ngồi tù, ông Truyển làm việc cho một cộng đồng tôn giáo Công giáo và bị người lạ đánh đập nhiều lần. Điều này thường xuyển xảy ra với nhiều nhà bất đồng chính kiến ​​ở Việt Nam. Người ta nghi ngờ rằng những tên côn đồ của Bộ An ninh đứng đằng sau việc này.

VNTB (09.09.2023)

_______________

Nguồn: Taz – Menschenrechtler kommt frei