Seite auswählen

„từ khi bị cộng sản tiếp quản năm 1954 trở đi, thành phố Hà Nội từ đẹp thành xấu, từ sạch sẽ thành ô nhiễm, từ văn minh thành man rợ, từ trật tự thành hỗn loạn, từ tiện nghi thành bất tiện, từ an toàn thành nguy hiểm, từ nơi đáng sống thành nơi dễ chết!“

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải

Khu phố cổ 

Khi vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, thì một khu vực dân cư làm nghề thủ công và buôn bán bắt đầu hình thành ở phía Đông hoàng thành và phía Bắc hồ Hoàn Kiếm, thường được gọi là “khu phố cổ”.

Vì hình thành trong thời phong kiến và thời văn minh tiền xe hơi, nên phố xá không được rộng lớn như thời sau, mặc dù vậy, về phương diện quy hoạch đô thị, nó được quy hoạch khá hợp lý với điều kiện làm ăn và sinh sống của cư dân thời bấy giờ.

Các con phố đều chạy theo hướng Bắc-Nam và Đông-Tây giữa một bên là hoàng thành và một bên là bờ sông Hồng. Dọc theo các con phố là các ngôi nhà ống dài có độ rộng hẹp khác nhau từ 2 m đến 4 m. Mặt tiền là nơi trưng bày và buôn bán hàng hoá. Phía trong là kho hàng, nhà ở và cơ sở sản xuất. Đôi khi còn có sân vườn nhỏ hoặc ao nhỏ.

Từ cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp bắt đầu trực tiếp quản lý thành phố Hà Nội, mặc dù thấy “khu phố cổ” nằm gần bờ sông Hồng, thuận lợi cho việc giao thương, nhưng họ không “giải phóng mặt bằng”, giành đất của dân ở đây; trái lại họ đã chỉnh trang và cải tạo đường xá và hệ thống vệ sinh, xây dựng hệ thống cấp thoát nước khiến khu vực này trở nên văn minh và hiện đại.

 

Khu phố tây 

Để đáp ứng với các nhu cầu quản trị, hành chính và thương mại, người Pháp đã mở rộng thành phố Hà Nội. Khu phố mới này bao gồm khu vực hoàng thành cũ kéo dài đến Văn Miếu và khu vực phía Nam khu phố cổ, tức là toàn bộ vùng xung quanh hồ Hoàn Kiếm kéo dài đến hồ Thuyền Quang và bờ đê sông Hồng ở phía Đông.

Đấy là khu phố “khu phố Tây”, hiểu là khu phố do người Pháp xây dựng và được xây dựng theo kiến trúc phương Tây, với những dinh thự và biệt thự xinh xắn theo kiểu Baroque , Néoclassique hoặc moderne, có thích ứng ít nhiều với điều kiện khí hậu và văn hoá của Việt Nam nên còn gọi là kiểu kiến trúc thuộc địa.

Khu vực thành phố Tây này đường xá rộng thênh thanh chạy theo trục Bắc Nam và Đông-Tây với các hàng cây lưu niên mùa hè phủ bóng mát kín đường, mùa đông lá rụng chỉ còn bộ xương trơ trụi, lộ ra toàn bộ vẻ đẹp chi tiết của các toà nhà, khiến cho mình ngỡ như là những con phố mới với những công trình mới và những nét đẹp mới.

Khu phố Tây này của Hà Nội cùng với khu phố Tây của Thượng Hải được Hội Kiến trúc sư quốc tế đánh giá là một trong hai khu phố Tây đẹp nhất châu Á. Mà đẹp thật! Tôi thấy hiếm có khu phố Tây nào trên thế giới đẹp bằng! Một cái đẹp hài hoà và duyên dáng, từ đường xá, nhà cửa, vườn tược, cảnh quan, cây cối, hồ nước, công viên và các công trình công cộng.

Một cái hay nữa là khu phố cổ và khu phố Tây dù đã được cải tạo và xây dựng hơn 100 năm, nhưng không bao giờ bị ngập lụt, đường biến thành sông như những khu đô thị mới do chế độ cộng sản ưu việt xây dựng vào mấy thập niên gần đây. Thế mới biết họ làm hệ thống thoát nước rất khoa học và chất lượng. Không rút ruột cộng trình và không thi công cẩu thả như ta thời cộng sản.

 

Khu phố xã hội chủ nghĩa thời bao cấp 

Từ thập niên 60 cho đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Hà Nội mở rộng thành phố ra về phía Nam và Tây Nam, bên ngoài các cửa ô cũ như Ô Cầu Dền, Ô Kim Liên, Ô Chợ Dừa, nổi tiếng là các khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Khương Thượng, Trung Tự, Nam Đồng, Thành Công, Văn Chương, Thuỷ Lợi, etc.

Phần lớn các toà nhà ở đây được xây dựng theo kiểu kiến trúc “xã hội chủ nghĩa” học từ Đông Âu, được lắp ghép một phần hay toàn bộ bằng những tấm bê tông đúc sẵn, trông như những hộp diêm xếp lên nhau. Những toà nhà này chỉ dùng để ở chứ không có tý giá trị mỹ thuật nào! 

Dầu sao vẫn phải công nhận rằng hầu hết những khu tập thể “xã hội chủ nghĩa” ra đời trong thời bao cấp này được quy hoạch khá tốt: khoảng cách giữa các chung cư hợp lý, độ cao vừa phải, đường xá dọc ngang thẳng tắp và rộng rãi, cây xanh trồng khá nhiều. Chỉ có chất lượng nhà cửa, đường xá và cầu cống là kém, thành thử hễ mưa to là nhà dột, đường ngập.

 

Phố cổ và phố tây bị xâm hại 

Sự biến dạng của khu phố cổ cũng như khu phố Tây diễn ra mạnh mẽ từ đầu những năm 1990, khi có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và khi kinh tế ít nhiều khởi sắc. Từ lúc này các cán bộ, các nhóm lợi ích, các cá nhân mạnh ai người ấy làm theo kiểu “bố mày thích thì bố mày làm thế đấy! Ai làm gì được bố mày!”

Khu phố cổ bị cải tạo cách thực dụng vô tội vạ và thiếu hiểu biết khiến cho nhiều công trình kiến trúc truyền thống bị biến dạng hoặc mất hẳn. Trong khu phố Tây nhiều biệt thự bị phá dỡ để xây các toà nhà chọc trời; nhiều khoảng sân vườn xung quanh cũng mọc lên thêm các công trình hiện đại lớn nhỏ. Công viên bị xẻ thịt! Cây cối hai bên đường bị thủ tiêu. Các ao hồ và kênh rạch bị san lấp.

Điển hình của việc phá vỡ quy hoạch và cảnh quan đô thị này là các toà cao ốc quanh Hồ Hoàn Kiếm mà xấu nhất, trơ trẽn nhất, vô duyên nhất, thách thức nhất là toà nhà hàm cá mập ở phía Bắc. Ngay khu Ba Đình cũng không tránh được sự thay đổi mà đau đớn thay lại chính là các cơ quan chính phủ góp phần chủ yếu vào việc tiêu diệt cảnh quan kiến trúc và văn hoá của Hà Nội.

 

Khu đô thị mới 

Từ giữa những năm 1990 trở đi Hà Nội diễn ra sự bùng nổ đô thị. Có hai dạng đô thị trong thời kỳ này.

Thứ nhất là các khu vực được quy hoạch và xâu dựng mới hoàn toàn mà người ta thường gọi là “khu đô thị mới”, mọc lên ở những khu vực trước đó vốn là nơi ít dân cư ít mà nhiều đồng ruộng. Nhà nước dùng bạo lực cưỡng chiếm ruộng đất của dân ở đấy với cái giá rất rẻ mạt, rồi bán lại cho các công ty xây dựng các khu “đô thị mới”, như Siputra, Văn La, Dương Nội, Linh Đàm, etc.

Tại các khu đô thị mới này nhà cửa là các chung cư cao cấp hoặc các khu biệt thự; đường đi lối lại khá rộng rãi, dù không có trường học, bệnh viện, nhà thờ, nhà chùa, quảng trường, công viên, sân chơi. Chất lượng cơ sở hạ tầng cũng rất kém và không đồng bộ với các khu vực chung quanh, cho nên đường xá, cầu cống sớm xuống cấp và vẫn bị ngập lụt khi mưa lớn.  

 

Làng hoá phố – phố tệ hơn làng 

Dạng đô thị thứ hai tôi tạm gọi là các “làng phố”. Đây vốn là những làng quê đất chật người đông; các cán bộ và nhóm lợi ích thấy khó hoặc ít có lợi trong việc di dời dân cư để cướp đất nên họ hầu như không quy hoạch và xây dựng gì để biến các làng này thành các khu đô thị đúng nghĩa, ngoài một quyết định hành chính tuyên bố khu vực ấy từ nay trở thành phường, thành quận của thành phố.

Từ khi làng lên đời thành phố, mọi không gian trống đều được tận dụng để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người sở tại và dân nhập cư. Cây cối bị đốn hạ. Ao hồ, kênh rạch bị san lấp hoặc bị lấn chiếm! Hệ thống cống rãnh thoát nước không có hoặc không được thiết kế đồng bộ. Đường xá đã không được chỉnh trang và mở rộng lại còn bị thu hẹp bằng những kiểu cách khác nhau.

Đấy là chưa kể các kiểu trạm điện, cột điện, dây điện, điểm thu gom rác và các loại chướng ngại vật khác. Trong khi đó nhà cửa được xây dựng tràn lan và sán sát nhau với đủ mọi kích cỡ và kiểu cách. Hỗn loạn! Bát nháo! Chỉ có một điểm chung ấy là hầu như tất cả các ngôi nhà đều được làm bằng bê tông và được thiết kế giống nhà tù hơn là nhà ở của những người tự do.

Chung cư bị cháy chết người ở làng Khương Hạ, trước thuộc huyện Thanh Trì mà nay thuộc phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội thuộc khu đô thị nguy hiểm ra đời trong bối cảnh trên đây.

Kết cục, tiếng là thành phố, nhưng có ở đó mình mới thấy, cơ sở hạ tầng và điều kiện vệ sinh còn tệ hơn nông thôn, không gian ngột ngạt hơn nhà tù, đường đi lối lại rối rắm hơn mê cung, sống và đi lại ở đây còn nguy hiểm hơn sống và đi lại trong rừng rậm! Cứ mưa là ngập và cháy là chết!

***

 

Suốt ngày chính quyền cộng sản tự mãn rằng mình đi tắt đón đầu những thành tựu khoa học-kỹ thuật của nhân loại, rằng mình văn hoá và văn minh; vậy mà trên thực tế, ngay trong quy hoạch và xây dựng đô thị, các viên chức thủ đô Hà Nội còn chưa đạt trình độ quy hoạch đô thị của người Roma hồi 2000 năm trước, chứ đừng nói là thời Pháp thuộc cách đây hơn 100 năm!

Nói thì hay, làm thì dở! Cán bộ chính quyền hầu hết chỉ giỏi dùng bạo lực ăn cướp, đàn áp và tàn phá! Kiểm lâm bảo vệ rừng thì phá nát rừng! Giáo dục phá nát giáo dục! Y tế phá nát y tế! Kinh tế phá nát kinh tế! Quy hoạch đô thị phá nát đô thị! Họ chỉ quy hoạch theo lợi ích cá nhân của họ va phe nhóm họ mà thôi.

Chính vì vậy, từ khi bị cộng sản tiếp quản năm 1954 trở đi, thành phố Hà Nội từ đẹp thành xấu, từ sạch sẽ thành ô nhiễm, từ văn minh thành man rợ, từ trật tự thành hỗn loạn, từ tiện nghi thành bất tiện, từ an toàn thành nguy hiểm, từ nơi đáng sống thành nơi dễ chết!

Đau đớn thay, chúng ta thấy trước rằng với bệnh kiêu ngạo cộng sản, nạn tham nhũng và sự chi phối của các nhóm lợi ích như hiện nay thì quy hoạch và kiến trúc đô thị ở Hà Nội tiếp tục bị phá nát. Những cái tốt đẹp tiếp tục bị xâm phạm, những cái ngớ ngẩn, vô duyên và bất hợp lý tiếp tục nảy sinh và tồn tại và vì thế những cái chết oan các kiểu sẽ còn tiếp diễn./.

 

Phêrô Nguyễn Văn Khải