Mục lục
Gia đình tử tù Lê Văn Mạnh được thông báo về việc thi hành án
Những cành hoa hồng và thư kêu oan của tử tù Lê Văn Mạnh. Courtesy: Facebook: Chuyện của Thịnh
Tòa án tỉnh Thanh Hóa vào ngày 18/9 thông báo về việc thi hành án tử hình đối với tử tù Lê Văn Mạnh.
Thông báo do Chánh án Nguyễn Thị Nga ký đề gửi cho ông Lê Văn Chính và bà Nguyễn Thị Việt là cha mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh. Thông báo được làm để gia đình biết mà nộp đơn xin nhận tử thi đưa về mai táng. Thời gian gửi đơn đến Chánh án Tòa án Tỉnh Thanh Hóa phải trước ngày 21/9.
Tử tù Lê Văn Mạnh và gia đình có địa chỉ thường trú tại thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Vào năm 2005, ông này bị tòa tuyên án tử hình với cáo buộc hiếp dâm và sát hại một bé gái tuổi vị thành niên.
Từ năm 2005 đến năm 2008, ông Lê Văn Mạnh phải qua ba lần xét xử sơ thẩm, ba lần xét xử phúc thẩm; nhưng tại các phiên xử ông đều phản cung, tố cáo bị điều tra viên và bạn tù đánh bắt nhận tội; bất chấp chứng cứ ngoại phạm. Bản thân ông Mạnh có nhiều thư kêu oan.
Hồi cuối tháng 10/2015, tử tù Lê Văn Mạnh được Tòa án tỉnh Thanh Hóa hoãn thi hành án do có đơn kêu oan.
Đối với trường hợp tử tù Lê Văn Mạnh kêu oan, một số tổ chức nhân quyền trên thế giới như Ân Xá Quốc tế, Hội đồng Luật gia Quốc tế ICJ, REPRIEVE từng gửi thư cho các cấp lãnh đạo cao nhất Việt Nam yêu cầu hoãn thi hành án tử hình và điều tra lại vụ việc một cách khách quan.
RFA (18.09.2023)
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị xử lý người dùng mạng xã hội!
Người thân chờ trước nhà quàn để chờ thông tin xác nhận nhân thân những nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội AFP
Mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý đối những người dùng mạng xã hội lên tiếng phản đối bộ này tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” tối 13 tháng 9 năm 2023 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Trước đó, vào nửa đêm 12 tháng 9 năm 2023, một chung cư mini chín tầng ở Hà Nội bị cháy làm 56 người dân chết cháy. Dư luận mạng xã hội cho rằng, buổi lễ có phần ca múa nhạc nên không phù hợp với không khí tang thương của Hà Nội sau vụ cháy chung cư chỉ một ngày với hàng chục người chết. Một số người chỉ trích Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã không nhận thấy cái sai của mình mà lại tìm cách đe nẹt người dân.
Một người dân Hà Nội, ông Nguyễn Quang Vinh, cũng là một đại tá quân đội về hưu, nêu suy nghĩ của ông với RFA:
“Cái tư duy của quan chức là cách ứng xử thiếu nhạy cảm thiếu đạo lý, không chuyên nghiệp khi gặp phải phản ứng của dân, của cộng đồng mạng về vụ việc của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ. Đó là cách hành xử với tâm lý luôn cho mình là đúng, cho rằng mình có quyền có thể làm bất cứ việc gì nếu họ muốn, không ai được can thiệp, muốn bịt miệng dư luận xã hội hay cá nhân nào thì cứ dùng quyền lực mà làm, bất chấp phản ứng của xã hội. Cái tâm lý “quan phụ mẫu” từ thời phong kiến tưởng đã không còn tồn tại trong xã hội hiện nay hiện đã trở thành nếp nghĩ của không ít quan chức trong bộ máy chính quyền Việt Nam.”
Nhà giáo Đinh Kim Phúc nhận định vụ việc với RFA:
“Tôi cho rằng hành động đó không thể chấp nhận được. Chúng ta nên nhớ rằng, việc 56 đồng bào tử nạn trong vụ cháy là một tai nạn thảm khốc, Nếu như lễ trao giải báo chí đó đã được lên kế hoạch thì những người có văn hóa và biết làm văn hóa phải dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đồng bào của mình. Chỉ giữ lại phần lễ là trao giải mà cắt bỏ phần hội là ca múa, cháy nhót.
Đằng này, lãnh đạo Bộ Văn hóa đã không rút kinh nghiệm, khi chính quyền Hà Nội ban hành lệnh ngưng các hoạt động vui chơi giải trí để tưởng niệm đồng bào tử nạn thì các nhà hát thuộc quyền quản lý của Bộ văn hóa vẫn sáng đèn để kiếm từng đồng bạc trên nước mắt đồng loại. Và sau đó, Tạ Quang Đông, Thứ trưởng của cái gọi là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lại ra một công văn đe nẹt dân chúng.
Những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã từng học tập theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của ông Hồ Chí Minh nhưng họ không thuộc bài. Họ quên rằng, ông Hồ Chí Minh đã từng nói ‘Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra’. Không thể chấp nhận người công của nhân dân, những người đã vỗ ngực tự xưng là đầy tớ của nhân dân mà hở chút là ăn thua đủ với dân.”
Ngày 14 tháng 9 năm 2023, hai ngày sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị chức năng tạm dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí do thành phố, các đơn vị thuộc thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tổ chức từ ngày 14 đến hết ngày 17 tháng 9.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho dừng mọi hoạt động vui chơi, văn nghệ tại không gian đi bộ Hồ Gươm. Quận Ba Đình lùi giải chạy theo kế hoạch vào sáng 15 tháng 9 sang ngày khác. Nhiều quận huyện yêu cầu trường học dừng hoạt động thể dục thể thao…
Truyền thông Nhà nước cho hay, trong khi Hà Nội dừng các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí thì nhiều nhà hát thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch như Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam bên hồ Gươm và Nhà hát Múa rối Trung ương vẫn tổ chức các buổi biểu diễn vào chiều tối ngày 16 tháng 9.
Theo văn bản Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, do chương trình đã được chuẩn bị trước và có sự tham dự của lãnh đạo Ban tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, nhưng sau khi sự kiện diễn ra, một số tài khoản facebook và mạng xã hội đã có những bình luận trái chiều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của bộ. Do đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch gửi kèm hình ảnh một số tài khoản và bình luận để Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng xử lý.
Luật sư Ngô Anh Tuấn nêu quan điểm của ông với RFA:
“Người dân phản đối, phản ứng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, giới hạn của sự tự do là động đến sự tự do của người khác. Nếu người ta phản đối trong văn minh, không xúc phạm, nhục mạ thì chẳng có vấn đề gì cả. Tôi nghĩ rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông nên khước từ những yêu cầu chung chung, những yêu cầu trừu tượng như thế. Họ nên bớt ô đồm đi.
Khi mình khuyến cáo người khác thì mình coi lại mình xem có phù hơp hay chưa. Nếu tôi là Bộ thông tin Truyền thông thì tôi sẽ khước từ những nội dung đề nghị đó và tôi yêu cầu phải dẫn chứng cụ thể nội dung xem có thuyết phục không thì mới có biện pháp xử lý phù hợp. Không thì thôi!”
Nhiều người cho rằng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã không thấy cái sai, cái dở của mình mà còn yêu cầu các ban ngành khác xử lý người dân là không phù hợp với chức năng của một ngành văn hóa. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người lên tiếng kêu gọi lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch từ chức.
Tôi xin nhắn, nếu các ông còn chút lòng tự trọng của người công sản, còn một chút liêm sỉ thì tự nguyên viết đơn từ chức đi. … Và tôi phê phán thẳng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Nếu vì điều này mà các ông có yêu cầu cơ quan chức năng phạt hoặc bắt tôi theo Điều 331 thì cứ làm đi. Tôi thách các ông đó! – Nhà giáo Đinh Kim Phúc
Nhà giáo Đinh Kim Phúc nói với RFA:
“Là một người dân, tôi không chấp nhận nhà nước dùng tiền thuế của tôi để trả lương cho những cán bộ vô cảm như thế ở Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Không thể chấp nhận cách hành xử của bộ văn hóa mà ‘vô học’ (tôi không dùng từ vô văn hóa) như vậy.
Tôi xin nhắn, nếu các ông còn chút lòng tự trọng của người công sản, còn một chút liêm sỉ thì tự nguyên viết đơn từ chức đi. Còn nếu cứ “bám ghế” thì tôi đề nghị các cơ quan Đảng và Chính phủ hãy cách chức Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Thứ trưởng Tạ Quang Đông, để tạo lòng tin với quần chúng trước những vấn đề của quốc gia và dân tộc. Và tôi phê phán thẳng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Nếu vì điều này mà các ông có yêu cầu cơ quan chức năng phạt hoặc bắt tôi theo Điều 331 thì cứ làm đi. Tôi thách các ông đó!”
Điều 331 quy định tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức và cá nhân”. Điều luật này đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế và các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc lên tiếng chỉ trích là mù mờ, cần phải được loại bỏ khỏi Bộ luật Hình sự.
Theo thống kê của RFA, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng tại các địa phương trên cả nước bắt giữ ít nhất 16 người theo cáo buộc vi phạm Điều 331, Bộ luật Hình sự.
RFA (18.09.2023)
RSF hoan nghênh việc nhà báo độc lập Mai Phan Lợi được ra tù trước thời hạn
Nhà báo độc lập Mai Phan Lợi.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) hoan nghênh việc nhà báo độc lập Mai Phan Lợi được ra tù trước thời hạn 18 tháng, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho 39 nhà báo và người bảo vệ tự do báo chí khác đang bị giam cầm.
“Lẽ ra ông ấy không nên bị bắt chứ đừng nói đến việc bị kết án tù vì những cáo buộc bịa đặt”, ông Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, cho biết trong thông cáo ngày 15/9.
Vụ thả nhà báo Mai Phan Lợi bất ngờ xảy ra cùng ngày với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 10/9. Trước đó vài ngày, RSF và 7 tổ chức nhân quyền khác đã gửi tới Nhà Trắng một bức thư ngỏ kêu gọi Tổng thống Mỹ lên tiếng về tình trạng nghiêm trọng về tự do báo chí và quyền được thông tin ở nước này, trong đó có trường hợp của ông Lợi.
Sáng ngày 10/9/2023, nhà báo tự do Mai Phan Lợi được phóng thích từ một trại giam ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, sớm hơn 18 tháng so với dự kiến. Nhà báo 52 tuổi này bị giam giữ từ tháng 7/2021, và sau đó bị kết án 4 năm tù vì cáo buộc “Trốn thuế”, sau 7 tháng bị giam giữ, theo RSF.
Hai ngày trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden, nhà hoạt động tự do tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển, được chính quyền Việt Nam hôm 8/9 phóng thích và cho sang Đức sống lưu vong.
Vào tháng 7/2021, ông Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), bị bắt sau khi được cho là đã nộp đơn xin làm thành viên Ban Cố vấn trong nước (DAG) của EU, nhóm gồm các tổ chức xã hội dân sự độc lập, được hình thành theo qui định của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Vietnam (EVFTA).
Ngoài ông Lợi, ông Đặng Đình Bách, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPDS), cũng bị kết án tù với cùng tội danh. Cả hai đều là thành viên ban điều hành của mạng lưới các tổ chức NGO Việt Nam về EVFTA (VNGO-EVFTA) do EU tài trợ.
Mạng lưới này gồm bảy tổ chức xã hội dân sự về phát triển và môi trường được thành lập để nâng cao nhận thức về EVFTA và thành phần xã hội dân sự của hiệp định này tại Việt Nam.
EU và Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi nay yêu cầu bình luận của VOA về việc ông Lợi ra tù trước thời hạn.
Truyền thông nhà nước Việt Nam không loan tin về việc ông Lợi được tự do.
Khi đưa tin về phiên phúc thẩm xử ông Lợi vào tháng 8/2022, truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho rằng ông chỉ đạo nhân viên “không lập hóa đơn giá trị gia tăng các dịch vụ, công việc đã thực hiện”, “không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định pháp luật, không lập báo cáo tài chính, không nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp…”.
Sau khi ông Lợi bị bắt, một số chính phủ phương Tây và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi trả tự do cho ông.
Tổ chức RSF trước đó nói rằng bản án “Trốn thuế” đối với ông Lợi “chỉ là cái cớ để bịt miệng một nhà báo đã cố gắng thực hiện công việc của mình để thông tin chính xác”.
VOA (18.09.2023)
Giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước ra toà phúc thẩm ngày 26/9
Giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước trước lúc bị bắt Fb Lê Thị Hà
Toà án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng sẽ tổ chức phiên toà phúc thẩm vào ngày 26/9 đối với giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước do có kháng cáo kêu oan.
Ông Phước, 60 tuổi, là giảng viên của trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, bị kết án tám năm tù giam và bốn năm quản chế trong phiên tòa sơ thẩm ngày 06/6 vừa qua với tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự
Bà Lê Thị Hà, vợ của ông Phước, cho RFA biết bà nhận được thông tin về phiên toà phúc thẩm mà bà được mời tham dự với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
“Tôi nhận được thông báo của toà án về lịch xử phúc thẩm anh Phước vào ngày 17/9. Phiên xử phúc thẩm sẽ diễn ra tại trụ sở của Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 26/9 tới đây.
Cũng như trong phiên sơ thẩm, gia đình có thuê luật sư Lê Xuân Anh Phú (Buôn Mê Thuột) và luật sư Văn phòng luật sư Thăng Long( Hà Nội). Tuy nhiên, do đường xá xa xôi và các vấn đề khách quan khác nên trước phiên phúc thẩm, cho đến giờ này cũng chỉ có luật sư Phú là đã gặp thân chủ trước.”
Bà cho biết sau phiên sơ thẩm hơn ba tháng trước, bà được vào thăm chồng ở Trại tạm giam của Công an tỉnh Đắk Lắk, và ông Phước có tinh thần vững vàng cho dù bị bản án nặng nề.
Luật sư Lê Xuân Anh Phú nói với RFA về việc bào chữa cho thân chủ của mình trong phiên toà phúc thẩm tới đây:
“Rất là khó đối với những tội này mặc dù việc buộc tội có những vấn đề lấn cấn. Theo quan điểm của tôi thì việc buộc tội cũng có phần khập khiễng.
Anh Phước nói không có tội thì mình bào chữa theo hướng không có tội, hoặc (đề nghị) huỷ án điều tra lại để làm rõ một số vấn đề.”
Một số người bạn Facebook của ông Phước từng bị triệu tập cho phiên sơ thẩm cũng bị mời đến phiên toà phúc thẩm. Bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ của cựu tù nhân lương tâm Ngô Văn Dũng cho RFA biết:
“Trong phiên sơ thẩm, toà có nói tôi nhận xét về anh Phước. Tôi nói việc làm của anh Phước là đúng và tôi tôn trọng anh ấy, còn chính quyền nói ảnh sao thì tuỳ.
Tôi sẽ tham dự phiên phúc thẩm để được nhìn thấy anh ấy, và đồng hành cùng gia đình.”
Trong phiên toà sơ thẩm kéo dài chưa đến một ngày, ông Phước bị kết tội có hành vi “viết hoặc tải từ mạng Internet nhiều bài viết có nội dung không khách quan, không đúng sự thật; vu khống, xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân… gây kích động, hoang mang trong nhân dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội.”
Các bài viết mà cáo trạng nêu trên đề cập đến sự kiện đàn áp Đồng Tâm, hoà hợp dân tộc, chống tham nhũng, phê phán chính sách đối phó với đại dịch COVID…
Ông còn bị cho là sử dụng thư điện tử để gửi nhiều bài viết có nội dung nêu trên đến nhiều cơ quan, tổ chức, và cá nhân trong và ngoài nước cũng như ký tên vào 20 kiến nghị, kháng thư, và tuyên bố của các nhân sĩ trí thức đề nghị sửa đổi Hiến pháp, phản đối Trung Quốc, bãi bỏ Điều 258 “lợi dụng quyền tự do dân chủ” của Bộ luật Hình sự 1999…
Ông cũng bị cáo buộc trực tiếp hát và đánh đàn cho người khác hát nhiều bài hát với nội dung “gây chiến tranh tâm lý nhằm mục đích chống Nhà nước và lôi kéo người nhẹ dạ để diễn biến hoà bình.”
Luật sư Lê Văn Luân, một trong số luật sư tham gia bào chữa cho ông Phước trong phiên sơ thẩm, cho RFA biết cáo buộc từ Viện Kiểm sát không dựa trên căn cứ cụ thể và mức án mà toà đưa ra là quá nặng nề so với những gì mà ông Phước đã làm.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho rằng mức án dành cho ông Đặng Đăng Phước là quá đáng và không thể chấp nhận được. Bản án này cho thấy Nhà nước Việt Nam hoàn toàn không khoan dung đối với những công dân chống tham nhũng và bất công.
RFA (18.09.2023)
Bộ Nội Vụ CSVN công khai ra lệnh xóa bỏ một Hội Thánh Tin Lành
Bộ Nội Vụ CSVN vừa phát đi một văn bản gửi tất cả Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh, thành về việc “xử lý” Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ.
Theo Wikipedia, đây là một hội thánh Tin Lành nguồn gốc từ Nam Hàn và hiện nay đã có mặt tại 185 quốc gia.
Một buổi cầu kinh của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ tại Việt Nam. (Hình: Tuổi Trẻ)
Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ do ông Ahn Sahng-Hong sáng lập năm 1964, du nhập vào Việt Nam từ năm 2001 và liên tục bị nhà cầm quyền trấn áp từ thời điểm đó đến nay.
Theo tờ Tuổi Trẻ hôm 17 Tháng Chín, văn bản của Bộ Nội Vụ nhận định rằng thời gian gần đây, hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương ở Việt Nam “gây bất bình, phẫn nộ trong nhân dân, vi phạm các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, trái với thuần phong mỹ tục.”
Do đó, Bộ Nội Vụ yêu cầu nhà chức trách các tỉnh, thành “tăng cường nắm tình hình, phát hiện kịp thời và kiên quyết đấu tranh, xóa bỏ Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ tại Việt Nam.”
Cụ thể, các tỉnh, thành được lệnh “giải tán, thu hồi giấy phép” và không để hội thánh Tin Lành mở lại nhóm, hình thành các điểm hoạt động mới.
“Đồng thời không chấp thuận [Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ] hoạt động dưới mọi hình thức bao gồm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, hình thành tổ chức phi chính phủ, công ty, văn phòng đại diện, cửa hàng, câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa…,” văn bản của Bộ Nội Vụ nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Nội Vụ còn đòi đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, người dân, học sinh, sinh viên “nhận thức rõ bản chất, hành vi, thủ đoạn, phương thức hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ để cảnh giác, không bị lôi kéo.”
Hành động của Bộ Nội Vụ diễn ra chỉ mười ngày sau khi tờ Công An Nhân Dân đăng bản tin cho biết chính quyền tỉnh Phú Yên “đã kịp thời phát giác, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ nhóm Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên” tại địa phương này.
Được biết, nhóm Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên do Mục Sư Aga, người hiện đang tị nạn ở Hoa Kỳ, sáng lập.
Bản tin của báo Công An Nhân Dân đưa cáo buộc rằng, nhóm tôn giáo nêu trên là “do các phần tử phản động lưu vong ở ngoại quốc tạo dựng, thực hiện mưu đồ thành lập Nhà Nước Đề Ga ở Tây Nguyên.”
Báo này quy chụp rằng trong hơn ba năm qua, người của nhóm Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên “lén lút đến miền núi Phú Yên tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo, kích động người khác tham gia.”
Tại các xã Sông Hinh, Ea Lâm, Ea Trol và Ea Bia thuộc huyện Sông Hinh, nhóm Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên được cho là đã thu hút 30 người Ê Đê tham gia sinh hoạt.
Bà Phạm Thị Thanh Trà, bộ trưởng Nội Vụ Việt Nam. (Hình: VOV)
Hồi Tháng Tư, trả lời đài Á Châu Tự Do (RFA), Mục Sư Aga cho hay dù đang sống ở Mỹ nhưng ông vẫn bị Công An Tỉnh Đắk Lắk phát đi lệnh khởi tố.
“Chúng tôi không có ý chống phá ai cả, và đó là vấn đề mà chính quyền Việt Nam họ không muốn người dân bản địa có quyền được lựa chọn niềm tin tôn giáo của họ. Chúng tôi cũng giống như các hệ phái khác thôi, chứ không có ý định xây lực lượng để chống phá lại chính quyền Việt Nam giống như họ đã cáo buộc,” Mục Sư Aga được dẫn lời.
Người Việt (17.09.2023)
Việt Nam quyết xóa bỏ Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ
Những người theo Hội Thánh Đức Chúa Trời ở Việt Nam trong một sinh hoạt vào năm 2018. Mặt trận Tổ Quốc
Bộ Nội vụ Việt Nam ra văn bản gửi ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trên cả nước về biện pháp kiên quyết xử lý “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 17/9 dẫn văn bản của Bộ Nội vụ, Chính phủ Hà Nội về biện pháp được cho là kiên quyết đối với tổ chức tôn giáo vừa nêu.
Bộ này yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường phát hiện, đấu tranh xóa bỏ về phương diện tổ chức đối với “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”. Cụ thể thực hiện các biện pháp giải tán, thu hồi giấy phép đối với các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung; không để tái nhóm, hình thành các điểm mới.
Song song đó không chấp thuận cho đăng kỳ hoạt động dưới mọi hình thức gồm sinh hoạt tôn giáo tập trung, thành lập tổ chức phi chính phủ, công ty, văn phòng đại diện, cửa hàng, câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa…
Theo Bộ Nội vụ Việt Nam trong thời gian gần đây hoạt động của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.
Bộ Công an Việt Nam hồi tháng năm vừa qua cũng cho biết trong thời gian gần đây, tín đồ của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ ráo riết hoạt động trở lại theo các hình thức mà Công an Việt Nam cho là tinh vi hơn. Đối tượng được nhắm đến là sinh viên đại học ở Thủ đô Hà Nội.
Thông tin vừa nêu được đưa ra sau khi vào ngày 17/5 có cảnh báo Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹđã quay trở lại một số địa phương tại Việt Nam như Huế, Vĩnh Phúc… sau một thời gian được cho là “yên ắng”.
Bộ Công an Hà Nội cho rằng Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ du nhập vào Việt Nam thông qua hoạt động nhập cảnh của người Hàn Quốc; tiếp đến là hoạt động hiến máu nhân đạo của “Quỹ Chúng tôi yêu bạn”…
Từ tháng tư năm 2018, Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đã có yêu cầu các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cần lưu tâm đến hoạt động của tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời”, hay còn được gọi là “Đức Chúa Trời mẹ” xuất hiện ở Việt Nam.
Hội thánh có tên tiếng Anh World Mission Society Church of God có nguồn gốc từ tỉnh Kyunggi của Hàn Quốc do ông Ahn Sahng-hong sáng lập từ năm 1964. Đến năm 1985 thì được lan truyền rộng rãi. Theo thông tin trên website chính thức của hội, tính đến năm 2022, Hội Thánh Đức Chúa Trời đã xuất hiện tại 175 quốc gia, với khoảng hơn hai triệu tín đồ.
RFA (17.09.2023)