Seite auswählen

Hãy dùng quyền lực đúng cách và có văn hoá

Đoàn Bảo Châu

18-9-2023

Đây là công văn của một bộ đáng nhẽ phải có văn hoá ứng xử đáng được coi là mẫu mực nhất.

Nhà có tang thì mọi hoạt động vui chơi, kỉ niệm nọ kia phải hoãn. Đấy là một cách ứng xử rất cơ bản mà không chỉ người Việt Nam mà dân tộc nào trên thế giới cũng có.

Ảnh trên mạng

Tôi không lên tiếng về cái sự kiện kia, bởi tôi có phần thông cảm với công tác chuẩn bị sự tốn kém khi phải hoãn một sự kiện đã được chuẩn bị nhưng cái công văn này thì không chấp nhận được.

Khi thấy một sự việc không hợp lý, người dân hay một thành viên nào đấy của xã hội có quyền lên tiếng phản đối. Bộ Văn Hoá lại đòi trừng trị những tiếng nói có trách nhiệm với xã hội.

Những sự phản đối có tính xây dựng, họ là những người thấu cảm với nỗi đau mất mát của mấy chục người thiệt mạng một cách vô cùng đau đớn, vô cùng kinh hoàng khi cả gia đình cùng chết mà không ai giúp được ai.

Nỗi đau là vô cùng lớn, sự thương cảm có thể biến thành những câu viết nặng nề, điều ấy người có văn hoá sẽ thông cảm được, sẽ hiểu được và nếu là người có văn hoá, người ta sẽ cúi đầu xin lỗi vì đã có hành động, trong trường hợp này là một hoạt động không hợp lý với nỗi đau mà xã hội đang cảm nhận, đang gánh chịu.

Không! Bộ Văn Hoá nhất định không chọn cách ứng xử có văn hoá ấy. Bộ đã quyết tâm thể hiện rằng chúng ta cần rất nhiều nghìn tỉ để phục hưng văn hoá bằng chính hành động ra một công văn đòi một bộ khác xuống tay trừng phạt.

Quyền lực cần dùng đúng chỗ là thực thi công lý, nếu không quyền lực ấy sẽ gây ra sự bức xúc lớn hơn trong lòng dân chúng.

Tôi đề nghị Bộ Văn Hoá nên xin lỗi người dân vì cả hai việc, tổ chức một sự việc không đúng chỗ, đúng lúc và ra một công văn vô lý, vô tình, độc đoán, lạm dụng quyền lực và cần “phục hưng văn hoá”.

Văn hóa lùn

 

19-9-2023

Ảnh chụp màn hình báo Nhân Dân

Nói ngay là tôi đã không định biên gì về những liên quan tới Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, bởi chuyện nhà chuyện đời với tôi bấy lâu đủ nhức đầu rồi, nhét thêm nữa thì vỡ mất. Tập thể hoặc cá nhân, ai chả có lúc sai. Ấy, cứ tặc lưỡi mềm lòng châm chước kiểu vậy.

Nhưng cái công văn của bộ đó do thứ trưởng Tạ Quang Đông ký như giọt nước tràn ly. Một điển hình của lề thói cai trị cầm quyền ở xứ này. Một dạng ngạo nghễ, kiêu ngạo cộng sản, thách thức tất cả. Tao cứ thế đấy, chỉ có đúng, không bao giờ sai, chúng mày cứ dờ thần hồn, v.v…

Rất nhiều người nhận xét công văn của Bộ Văn hóa điển hình cho thứ lý sự cùn, cãi chày cãi cối, vòng vo quanh quéo, đổ này đổ nọ, không dám nhìn thẳng vào sự thật, cố tình không nhận cái sai của mình. Đã thế họ còn đổ lỗi cho người khác, gắp lửa bỏ tay người, dọa non dọa già, làm mình làm mẩy. Rồi họ còn lấy đảng, nhà nước ra làm bình phong, làm cớ để vu oan giá họa. Họ đang nghĩ mình là ông trời, nghĩ xã hội hiện tại đang ở thời vua chúa, vua bắt chết phải chết, cấm phê, cấm cãi.

Trong bộ máy nhà nước, nơi đâu cũng vậy, có nhiều bộ nhiều ngành quản từng lĩnh vực cụ thể. Bộ Văn hóa là thứ bộ không làm ra tiền nhưng nó mang thuộc tính đạo đức, thể hiện tinh thần, tâm hồn, văn hóa của dân tộc, nhân dân, đất nước. Người ngoài nhìn vào cách hành xử của cơ quan này, của những người cầm đầu bộ này sẽ đánh giá thể chế và đất nước mà nó đại diện về văn hóa tốt xấu, hay dở thế nào. Và thật đáng buồn, thậm chí phẫn nộ, thứ mà Bộ Văn hóa thiếu nhất lại chính là văn hóa.

Những chuyện trước, có thể cho qua, chẳng hạn bộ trưởng giành thảm đỏ của quốc khách khiến khách phải bưng miệng cười. Có khi thứ nghi lễ mà đứa trẻ con cũng hiểu ấy, biết đâu bộ trưởng chưa được dạy dỗ cẩn thận. Nhưng vụ cháy xảy ra ngay tại thủ đô, chết tới 56 người, sém quốc tang, khi cả nước đau buồn, thì Bộ Văn hóa, bộ trưởng, thứ trưởng vẫn vui vẻ cười đùa, tổ chức lễ này trao nọ. Họ cãi cùn rằng đã trót lên lịch rồi, mời mọc rồi, chi tiền rồi, không thể không tiến hành. Đó là sự cùn thứ nhất. Cùn hơn nữa, không có cái đầu nào trong bộ máy văn hóa ấy biết cách xử sự phải đạo, rằng làm cứ làm nhưng cắt bỏ phần vui chơi nhảy múa. Họ vẫn cứ nhảy nhót, hát hò, cười đùa, vỗ tay trên những xác người. Nói thẳng ra, đó là tội ác, đáng ghê tởm.

Dân đóng thuế và tiền ấy được đem nuôi bộ máy cai trị họ. Nhìn đám quan khách dự lễ vui trong đêm tang tóc đó, thấy không chỉ có đám quan văn hóa vô văn hóa mà còn cả những ông to bà nhớn, tuyên giáo tuyên úy, cười cười nói nói không khác gì kẻ vô hồn.

Theo Cổng thông tin điện tử của Bộ VH-TT-DL, tới dự lễ trao giải có ông Nguyễn Trọng Nghĩa (Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương), các ông Ủy viên trung ương: Phạm Tất Thắng (Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận trung ương), Nguyễn Văn Hùng (Bộ trưởng văn hóa), Lê Quốc Minh (Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo VN). Đủ cả dàn thứ trưởng của bộ là Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt. Số long trọng viên khách mời kia, ngôi cao như thế, quản lĩnh vực liên quan tới văn hóa mật thiết như thế, chắc không có ông nào hé mồm ra khuyên dừng trò vui, chả hiểu trong đầu họ chứa gì, trong tim họ có gì. Nếu cán bộ của đảng, đảng dùng thế nào là chuyện riêng đảng, hãy đưa về đội của đảng, chứ đừng để họ làm xấu hình ảnh bộ máy lãnh đạo bên chính quyền. Loại cán bộ nhà nước như bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thứ trưởng Tạ Quang Đông (người ký giọt nước tràn ly) phải bị phế truất. Chiếc ghế họ ngồi cần được trao cho những người tử tế, đạo đức, có văn hóa, chứ không phải họ.

Như đã nói, con người ta, cũng như các tổ chức, đơn vị, đều có lúc thế này thế nọ. Chả ai, chả tổ chức nào toàn vẹn, toàn thiện toàn mỹ, toàn đúng. Sai thì nhận với thái độ cầu thị, chân thành, dân sẽ thông cảm. Đâu có cái thói xưng xỉa, làm mình làm mẩy, chụp mũ, cãi lấy được, bất chấp đúng sai. Khi họ tự bộc lộ cái tâm cái tầm thấp kém thì cũng chính là cơ hội để cấp trên đánh giá về họ, quyết định dùng hay không dùng.

Nói thật, bộ trưởng, quan lớn xứ này nhiều anh chỉ tầm bắng nhắng. Anh thì đứng ra tổ chức lễ long trọng tiễn thứ trưởng về hưu, đọc cả diễn văn, quá bằng tiễn tướng quân ra trận; anh thì đã từng làm bộ trưởng, về hưu rồi, chỉ làm chủ tịch hội… đồng hương, mà dám chế ra “bằng khen” để cấp cho người này người nọ, không hề biết cấp nào mới được cấp bằng khen… Loại lãnh đạo ấy, chỉ cốt vinh thân phì gia, thành của tội của nợ đối với dân với nước.

Trước khi chấn hưng văn hóa, quan chức cần phục hồi nhân tính!

Blog RFA

Gió Bấc

15-9-2023

 

Dân chúng Việt Nam chưa kịp nuốt trôi cơn phẫn uất về đề xuất đốt núi tiền 350.000 tỷ đồng để chấn hưng văn hóa, thì lại một lần nữa phải nén tiếng văng tục, nuốt nước bọt khi chứng kiến lễ hội đình đám “hát trên những xác người” của các quan chức hàng đầu ngành văn hóa, tư tưởng, truyền thông báo chí cấp trung ương.

Ngày 13-9, dư luận xã hội, truyền thông nhà nước đều xót xa, đau đớn, kinh hoàng về vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng nửa đêm trước đó tại một chung cư mini cao khoảng 9 tầng nằm sâu trong hẻm 29/70 Khương Hạ, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Hình ảnh ngọn lửa kinh khiếp, bao trùm ngôi nhà, cột khói đen bốc cao hàng chục mét. Những khung cửa cháy đen, sắt thép cũng cong queo vặt vẹo thì còn gì thân thể con người. “Trong tòa chung cư mini có 45 căn hộ, nhiều mái ấm với 3-4 người cũng không còn ai sống sót. Số phận của họ đã được định đoạt trong bối cảnh chung cư không thiết kế sẵn lối thoát hiểm và ngọn lửa dữ đã bịt kín lối ra vào” (1).

Ngôi nhà nhỏ mặt bằng chỉ có 200m2 hình ống, trong ngách sâu 400m làm việc tiếp cận, cứu chữa càng khó khăn. Những nạn nhân chỉ có thời gian ngắn ngủi có thể giải thoát bằng cách liều lĩnh nhảy lần xuống sân thượng nhà lân cận. Có người không chết cháy mà chết vì chấn thương nhảy lầu.

Theo Công an Hà Nội, vụ cháy chung cư mini gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hơn 100 người được cứu thoát, nhưng có đến 56 người tử vong.

Thông tin dư luận đặt ra nhiều điều bức xúc như quản lý xây dựng đô thị vì sao để tồn tại khu chung cư mini mất an toàn như vậy? Trách nhiệm về ai? Quản lý phòng cháy chửa cháy thế nào để chung cư cao 9 tầng không có phương tiện thoát hiểm… Đã rút ra kinh nghiệm gì từ vụ cháy chết hàng chục người ở Karaoke Bình Dương hơn một năm trước mà lại để xảy ra tổn thất lớn hơn?….

Nhưng theo tâm thức chung của con người, luồng dư luận chính vẫn là đau đớn, xót thương những nạn nhân xấu số. Tiến sĩ Đoàn Lê Giang ở Trường ĐH XH&NV TP.HCM đã viết stt ngắn trên nền đen tang tóc “Đề nghị Quốc tang để tưởng niệm 56 nạn nhân hỏa hoạn và để nhắc nhở cả nước sao cho thảm hoạ không lặp lại!” (2)

Sự kiện chấn động đến mức dù bận bịu với nhiều nhiệm vụ quan trọng trước chuyến đi Mỹ dự hội nghị Liên Hiệp Quốc và nhiều nước khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đến hiện trường và vào bệnh viện Bạch Mai thăm các nạn nhân vụ cháy (3).

Thế nhưng ngay trong tối đầu tiên tang tóc ấy, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hồn nhiên tưng bừng tổ chức Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất. Đến dự lễ trao giải có đủ mặt các quan chức cao cấp nhất của đảng, nhà nước với những chức danh dài lòng thòng. Nào là Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; nào là các Ủy viên Trung ương Đảng Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, cùng đông đảo lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương, các tác giả đoạt giải cũng như phóng viên thông tấn, báo chí (4).

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước… vô văn hóa tham dự buổi lễ về văn hóa. Nguồn ảnh: Báo Nhân Dân

Buổi lễ được truyền hình đăng tin tràn ngập các mặt báo, các kênh truyền hình, truyền thông với hình ảnh diêm dúa cờ quạt, hoa tươi, ca múa hát hò.

Quan chức, báo chí, hớn hở tươi vui khen tặng nhau những thành tựu văn hóa, tự hào là người lãnh đạo văn hóa, người làm văn hóa, người truyền thông văn hóa giỏi nhưng tất cả đều không nhớ đến câu nói của ông bà xưa “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Người cộng sản thường truyền tụng nhau câu nói của Karl Marx “Chỉ có con vật mới quay lưng với nỗi đau của đồng loại để săm soi bộ lông của mình”. Ở đây còn hơn cả nỗi đau, đó là cái chết. Cao hơn đồng loại đó là đồng bào.

Nhà báo Ngọc Vinh, nguyên Thư Ký Tòa Soạn báo Tuổi Trẻ không dằn được sự phẫn uất, đã viết trên fb “trong khi hàng chục người dân thủ đô chết cháy thảm thương, thủ tướng và bí thư Hà Nội đều có mặt để chia buồn thì bộ văn hóa vẫn vui vẻ tổ chức lễ lạt cho các nhà báo.

Từ lãnh đạo bộ cho đến các nhà báo đều…ko có chút văn hóa nào.

Vậy mà, không biết hổ thẹn khi ngửa tay xin tiền ‘chấn hưng văn hóa’.

Ít ra các nhà báo cũng phải biết từ chối, nếu còn 1 chút lương tri của người cầm bút để thương xót đồng bào mình” (5).

Nhà báo Trần Xuân Thái, Thư ký Tòa Soạn Thời Báo Kinh Tế Việt Nam mượn tựa bài hát của Trịnh Công Sơn viết stt “HÁT TRÊN NHỮNG XÁC NGƯỜI?”

Màn hát hò diễn ra ngay sau sự kiện 56 nạn nhân chết cháy tại chung cư mini ở Hà Nội. Nguồn ảnh: Báo Nhân Dân

Trần Xuân Thái biện luận rằng: “Nếu sự kiện vẫn phải diễn ra, dù không có bất kỳ lý do gì chính đáng để cần thiết phải diễn ra mà không thể tạm dừng, thay vì cắt bỏ chương trình văn nghệ mở màn để thay vào đó là phút tưởng niệm 56 đồng bào vừa tử nạn vì chết cháy và 37 đồng bào khác đang quằn quại trong nỗi đau phỏng cháy, họ lại nhảy nhót, ca múa để chào mừng đại biểu.

Không thể có sự vô cảm nào lớn hơn sự kiện của Bộ VH-TT-DL tổ chức đêm qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi vừa xảy ra trận hỏa hoạn kinh hoàng thiêu cháy hơn 1/3 số cư dân đang lưu trú.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tham dự sự kiện trao giải báo chí Vì sự nghiệp phát triển VH-TT-DL, cảm giác đêm qua ra làm sao và sẽ trả lời trước nhân dân như thế nào?

Xin hãy cầu nguyện cho những đồng bào đã khuất!” (6).

Facebooker Ha Vu Hien đã đưa ra sự so sánh hết sức xác đáng và cũng hết sức cay đắng về cách hành xử rất tế nhị, nhân văn của Đại sứ Mỹ trong cùng thời điểm:

Trong cuộc họp báo do Đại sứ quán Mỹ tổ chức ngày hôm qua nhân kết thúc chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, Đại sứ Mỹ Marc Knapper, trong phần phát biểu của mình, đã gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân của vụ cháy khủng khiếp vừa xảy ra tại Quận Thanh Xuân, Hà Nội cướp đi mạng sống của gần 60 người.

Đấy là ứng xử văn hoá thường thấy ở các chính khách trước một sự kiện đau buồn như thế này.

Cũng tại Hà Nội tối qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc ‘Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch’ rất trọng thể. Rất nhiều người trong đó có các nhà báo, nhà văn hoá, cho rằng, Bộ này nên hoãn sự kiện trên để tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong thảm họa trên. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn diễn ra. Tôi chưa có thông tin là trong buổi lễ này, ông Bộ trưởng có lời chia buồn nào tương tự như lời chia buồn của Đại sứ Mỹ với các nạn nhân của vụ cháy này hay không.

Dù thế nào, việc một cơ quan có tên là Bộ Văn hoá vẫn còn tâm trạng để tổ chức lễ lạt vui vẻ, hoành tráng trong những ngày đau buồn của cả nước như thế này là một thảm họa về văn hoá tiếp theo sau ngay thảm họa cháy kinh hoàng vừa xảy ra” (7).

Có thể trước làn sóng dư luận phẫn nộ sôi sục, đảng nhà nước phải đổi màu, ngưng trò “hát trên những xác người”. Chiều tối ngày 14-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo tạm dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí do TP, các đơn vị thuộc TP, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tổ chức từ ngày 14-9 đến hết ngày 17-9. Đồng thời, thống nhất các cơ quan, đơn vị từ TP đến cơ sở đồng loạt tổ chức mặc niệm các nạn nhân đã tử vong trong vụ cháy vào lúc 8h ngày 18-9-2023 (8).

Thà muộn còn hơn là không bao giờ! Thông báo trễ tràng ấy có thể vuốt mắt cho những thi hài nám đen đỡ xót xa thân phận của công dân thủ đô ngàn năm văn vật, trái tim nhân loại mà phải chết oan khốc, thảm thương. Thân nhân của họ đỡ phải tủi hờn khi quan chức văn hóa tung tóe ca hát giữa đại tang.

Điều đáng nói là, chỉ mới một tuần lễ trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 với nguồn kinh phí hơn 350.000 tỉ đồng.

Vượt lên trên cách đốt tiền lẻ tẻ vài ngàn tỉ xây tượng đài, cổng chào, nhà hát, của người tiền nhiệm, Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hùng đã sáng tạo đốt tiền sỉ từng núi, từng dãy núi tiền với chương trình tổng thể quốc gia như đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa như trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa nghệ thuật, bảo tàng, thư viện.

Cấp huyện và cấp xã có trung tâm văn hóa thể thao, 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.

Xin miễn bàn tính hữu ích, khả thi của chương trình chấn hưng văn hóa đó. Không bỏ bóng đá người nhưng phải áp dụng đúng lý luận của đảng để bàn. Xưa nay đảng thường nêu khẩu hiệu “Không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội nếu không có con người mới xã hội chủ nghĩa”. Tương tự, không thể chấn hưng văn hóa bởi những con người lãnh đạo thiếu văn hóa. Văn hóa bao hàm nghĩa rất rộng và căn bản nhất không thể thiếu là nhân tính.

Qua cách ứng xử phi nhân, bất nghĩa vừa rồi, khoan nói đến chấn hưng văn hóa dân tộc, không riêng ông Bộ Trưởng Hùng, mà tất cả các quan chức đã tham dự lễ hội “Hát trên những xác người” vừa qua, cần được đưa vào trường “phục hồi nhân tính” tương tự như cách đã đưa những cô gái bán trôn nuôi miệng vào trường “phục hồi nhân phẩm”.

_________

Chú thích:

1- https://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-chay-chung-cu-mini-tai-ha-noi-co-gia-dinh-7-nguoi-thiet-mang-20230913182124688.htm

2-https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0FAhUfBdm9LyfcECKgVVuympNF1vMiZwVSN2R9GrQVjaEzQC755Yizb55f2y5PLUHl&id=100009977416332

3- https://vnexpress.net/thu-tuong-thi-sat-hien-truong-vu-chay-chung-cu-mini-4652719.html

4- https://nhandan.vn/anh-le-trao-giai-bao-chi-toan-quoc-vi-su-nghiep-phat-trien-van-hoa-the-thao-va-du-lich-lan-thu-nhat-post772346.html

5- https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0aEzm2yTdgt6vnCDwR1JxNaaHmXhqiofwxeL9SYdPjjGPha7zdoj2mjBSSGpBspELl&id=100048097861219

6- https://www.facebook.com/gairuouhelene/posts/pfbid0U9A2BZkwcVKsMvUXfhCEG4H3YsRb2PKZ11vyrM9Ui7aXVntVS6tNGAgGAys45UeYl

7- https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02ijKEgcYbBwiZAywCqxKBrZ4NrwJtU2xaQkofnh8DbPBf5tg1L6ubyL9349vXgE7sl&id=100004796736380

8- https://tuoitre.vn/ha-noi-dung-cac-hoat-dong-vui-choi-giai-tri-de-tuong-niem-nan-nhan-vu-chay-chung-cu-mini-20230914210124508.htm

Chấn hưng văn hóa, từ công quỹ đến tài sản cá nhân

 


Ông Nguyễn Phú Trọng thường xuyên bày tỏ sự tự hào về nỗ lực xây dựng hệ thống đạt tới “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suất”. Hình minh họa.

Người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ đang chuyền cho nhau xem công văn số 3893/BVHTTDL-VP do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) soạn và gửi Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) hôm 15/9/2023 để đề nghị “phối hợp xử lý các tài khoản mạng xã hội đăng thông tin xuyên tạc (1).

Theo công văn vừa đề cập thì… một số tài khoản trên mạng xã hội đã lợi dụng vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội để bình luận phản cảm, trái chiều, liên quan đến lãnh đạo đảng, nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương và địa phương tham dự “Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao Du lịch Lần thứ nhất”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và gây mất niềm tin trong nhân dân. Do vậy, Bộ VHTTDL đề nghị Bộ TTTT chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý đối với các tài khoản trên mạng xã hội bị Bộ VHTTDL liệt kê trong danh sách đính kèm.

Sở dĩ Bộ VHTTDL bị chỉ trích kịch liệt bởi tối 13/9/2023 vẫn tổ chức “Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao Du lịch lần thứ nhất” sau khi chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội phát hỏa lúc rạng sáng 13/9/2023, khiến 56 người Việt tử nạn. Bộ VHTTDL cho rằng, bộ vẫn tổ chức đàn ca, múa hát mừng công vì “chương trình đã có sự chuẩn bị từ trước”, thuộc loại “trang trọng, thiết thực, hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân”, đặc biệt là… “có sự tham dự của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương (TGTƯ), Bộ TTTT” nên dường như vì vậy mà lãnh đạo Ban TGTƯ và Bộ TTTT cần… “hành động”!

***

Lễ” khiến lãnh đạo Bộ VHTTDL vừa bị chỉ trích nặng nề lại liên quan đến… “văn hóa”! Cách nay chừng mươi ngày, “văn hóa” đã từng là lý do khiến Bộ VHTTDL bị thiên hạ dè bỉu vì bộ dự định xin cấp 350.000 tỉ để thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035”.

Nếu chẳng may “chương trình” được duyệt thì từ 2025 đến 2035, mỗi năm chính quyền Việt Nam sẽ cấp cho Bộ VHTTDL khoảng 35.000 tỉ để xây các trung tâm văn hóa – thể thao, thư viện, bảo tàng trải dài từ các tỉnh xuống đến các huyện, xã,… Khoản này gấp rưỡi mức chi tiêu hàng năm cho y tế – dao động từ 20.000 tỉ đến 25.000 tỉ/năm (2).

Việt Nam đã từng dốc tiền xây dựng hệ thống nhà văn hóa, thư viện, nhà truyền thống, nhà triển lãm,… từ phường – xã lên đến quận – huyện, tỉnh – thành rồi phá bỏ, không ít cơ sở trong nhóm được gọi là “thiết chế văn hóa XHCN” này đã được chuyển từ sở hữu toàn dân thành tài sản cá nhân.

Ai thuộc thế hệ sinh từ đầu thập niên 1980 trở về trước cũng có thể trả lời câu hỏi, “thiết chế văn hóa” từng hiện hữu và vừa nhắc lại đã đóng góp những gì cho “phát triển văn hóa, xây dựng con người”? Thế thì tại sao lại khai quật, đề nghị dùng đến 350.000 tỉ đồng để “tô son, trát phấn” cho thứ đã được tống táng ấy?

***

Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035” mà Bộ VHTTDL giới thiệu hồi đầu tháng này là sản phẩm của “Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ hai” được tổ chức hồi tháng 11 năm 2021, cách Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ nhất (1946) tới 75 năm.

Vì sao 75 năm sau đảng CSVN mới tổ chức “hội nghị văn hóa toàn quốc” lần thứ hai? Cứ nhìn vào tình trạng kinh tế – xã hội càng ngày càng bi đát, nhân tâm – dân ý càng ngày càng bất lợi cho việc giữ gìn và duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng CSVN ắt sẽ tìm được câu trả lời.

Khi CNXH hết thiêng, đảng CSVN tự đồng hóa chính họ với “văn hóa”: Đại hội lần thứ 13 của đảng ta tiếp tục phát triển tư duy mới, xác định văn hóa phải thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, soi đường cho quốc dân đi, khẳng định văn hóa và con người là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc (3)

Trong diễn văn khai mạc “Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ hai”, ông Nguyễn Phú Trọng, khẳng định, “chấn hưng văn hóa” là: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học, làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội (4).

Tuy nhiên đến giờ, “chấn hưng văn hóa” lại trở thành kế hoạch khai thác công quỹ để xây đủ thứ theo kiểu phong trào. Ai tin rằng cứ đổ tiền ra xây Trung tâm văn hóa, Nhà hát, Bảo tàng, Nhà văn hóa, Nhà Truyền thống, Thư viện,… là “nền tảng tinh thần của xã hội” tự nhiên trở thành… “vững chắc”?

Ai tin Bộ VHTTDL – nơi vừa giới thiệu “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035” và cũng là nơi vừa long trọng tổ chức “Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao Du lịch lần thứ nhất” – có khả năng “hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học như ông Trọng khẳng định khi thản nhiên tổ chức đàn ca, múa hát bất kể 56 đồng loại và cũng là đồng bào vừa tử nạn hết sức thảm thương, đồng thời khăng khăng đòi “các cơ quan chức năng phối hợp xử lý” những người đã phê phán bộ này.

***

Tổng Bí thư đảng CSVN là nhân vật thường xuyên bày tỏ sự tự hào về nỗ lực xây dựng hệ thống đạt tới “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suất (6). Chấn hưng văn hóa” do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng là ví dụ mới nhất cho thấy tuy có “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng” nhưng “dọc ngang không… thông” vì “hậu ủng” hay “bá ứng” hoặc “đồng lòng” chỉ là để tìm lợi nhỏ cho cá nhân, cho nhóm chứ không phải mưu lợi lớn cho dân tộc, cho xứ sở. “Thông” đến… túi mấy gang khi “chấn hưng văn hóa” được nặn thành gói 350.000 tỉ để xây đủ thứ và cứ thắc mắc, góp ý là thành… “xuyên tạc”, phải xử lý?

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/photo?fbid=10223858864874642&set=pcb.10223858899675512

(2) https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/tai-chinh-tien-te/ngan-sach-luon-uu-tien-bo-tri-chi-cho-linh-vuc-y-te

(3) https://tuoitre.vn/hoi-nghi-van-hoa-2021-chan-hung-van-hoa-dong-luc-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-20211124165445853.htm

(4) https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1018243/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc

(5) https://tienphong.vn/chan-hung-van-hoa-post1567462.tpo

(6) https://vietnamnet.vn/tien-ho-hau-ung-nhat-ho-ba-ung-tren-duoi-dong-long-doc-ngang-thong-suot-820846.html

Thấy gì từ ‘biểu dương’, ‘truy trách’ sau các vụ hỏa hoạn?

Blog VOA

Trân Văn

15-9-2023

Những chiếc xe cháy đen trong vụ cháy chung cư mini ngày 13 tháng Chín ở Hà Nội. Nguồn: AFP

Lửa bùng lên ở chung cư mini tại quận Thanh Xuân lúc 23 giờ 50 phút, khi ấy ông Văn đang đi giao hàng…

Ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam, các thành viên chính phủ và đại diện các doanh nghiệp nhà nước tham dự hội nghị tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, vừa dành ra một phút để mặc niệm các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội và lũ quét ở Lào Cai (1).

Rạng sáng ngày 13/9/2023, lửa bùng lên trong một căn nhà tọa lạc ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Tuy diện tích chỉ chừng 200 mét vuông nhưng căn nhà này cao mười tầng với 45 căn hộ và được ước đoán là nơi cư trú của 150 người nên còn được gọi là chung cư mini. Do nhà ở sâu trong hẻm nhỏ, không có hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống thoát hiểm nên tính đến chiều 13/9/2023, số nạn nhân thiệt mạng đã là 56 người (2)

Để giảm cả sự bàng hoàng lẫn phẫn nộ của công chúng, Bí thư Hà Nội tuyên bố đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo “điều tra tận gốc vấn đề từ khâu cấp phép xây dựng, tinh thần chỉ đạo là sai đâu xử đấy, bảo đảm sự nghiêm minh theo quy định của pháp luật (3). Trước mắt, công an đã khởi tố và tống giam chủ chung cư mini…

Giờ, hệ thống truyền thông chính thức đang hướng dư luận vào chuyện giấy phép chỉ cho xây dựng sáu tầng nhưng chủ chung cư mini xây đến chín tầng, chủ chung cư mini vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), vi phạm liên quan đến xây dựng xảy ra từ 2015 đã được phường và quận cùng ghi nhận rồi để đó (4)

Năm ngoái, hệ thống truyền thông chính thức và các cơ quan hữu trách cũng xới lên chừng đó vấn đề khi quán karaoke An Phú ở phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương phát hỏa khiến 32 người thiệt mạng. Sau khi toàn bộ trách nhiệm trút hết vào chủ quán karaoke An Phú, vụ hỏa hoạn này coi như được giải quyết xong!

***

Nhiều người thắc mắc, chẳng lẽ từ 2015 đến nay, công an không hề kiểm tra mức độ an toàn của chung cư mini vừa xảy ra hỏa hoạn ở Hà Nội? Nếu công an làm tròn trách nhiệm chắc chắn đã ngăn chặn được hậu quả thảm khốc đến vậy! Năm ngoái, sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại quán karaoke An Phú, công chúng từng nêu thắc mắc tương tự, khi ấy, Phó Giám đốc Công an Bình Dương từng hứa sẽ điều tra và trả lời cả về trách nhiệm kiểm tra lẫn phê duyệt phương án PCCC (5) nhưng chuyện chỉ đến thế mà thôi!

Thực tế cho thấy, công an Việt Nam đã khai thác tối đa hậu quả của các vụ hỏa hoạn để đặt định nhiều yêu cầu không chỉ khắc nghiệt mà còn vô lý về PCCC (6). Các yêu cầu của công an về PCCC đã trở thành gánh nặng cho cả giới chuyên sản xuất hàng hóa lẫn giới chuyên cung cấp dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ lưu trú. Đó cũng là lý do cách nay chừng hai tháng, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Bộ Công an “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy” cho hàng chục ngàn doanh nghiệp (7).

Ai cũng biết tại sao công an Việt Nam giành giữ quyền kiểm tra, phê duyệt phương án PCCC ở mọi nơi trên toàn quốc rồi đặt định vô số yêu sách phi lý đến mức cộng đồng doanh nghiệp liên tục phải kêu cứu, thậm chí xếp PCCC vào nhóm thủ tục hành chính hành hạ doanh giới nhiều nhất. Thế thì tại sao công an không phải chịu trách nhiệm khi có những vụ hỏa hoạn rõ ràng là do “vi phạm quy định về PCCC” nhưng công an không hề ngăn chặn nên mới dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, nhân mạng? Chẳng lẽ ở Việt Nam, công an là một trong những lực lượng chỉ có quyền chứ không phải gánh vác bất kỳ nghĩa vụ nào?

Cứ bỏ ra ít phút tìm kiếm trên Internet rồi đối chiếu thông tin, hình ảnh liên quan đến trang bị, phương tiện cứu hỏa, cứu nạn của công an Việt Nam với các lực lượng có cùng chức trách của thiên hạ ắt sẽ thấy cả trang bị cá nhân lẫn phương tiện cứu hỏa, cứu nạn của lực lượng cứu hỏa, cứu nạn do công an Việt Nam điều hành thua xa thiên hạ và đặc biệt thua xa trang bị, phương tiên của các lực lượng mà công an Việt Nam tổ chức để trấn áp dân chúng như cảnh sát cơ động. Đó cũng là lý do tại sao hiệu quả hoạt động của lực lượng cứu hỏa, cứu nạn rất hạn chế khiến dân chúng bỡn cợt, diễn giải bốn chữ cái PCCC thành… “phải cháy cứ cháy”.

Thủ tướng Việt Nam vừa biện bạch cho công an sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội bằng cách: Biểu dương lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã có mặt ngay sau khi nhận được thông tin, khẩn trương triển khai công tác chữa cháy, khắc phục hậu quả (8). Ngoài việc đưa tin ông Chính “biểu dương” công an, tờ Nhân Dân còn có bài ca ngợi ông Nguyễn Đăng Văn (30 tuổi, làm nghề giao hàng bằng xe hai bánh gắn máy) là “người hùng thầm lặng (9)

Lửa bùng lên ở chung cư mini tại quận Thanh Xuân lúc 23 giờ 50 phút, khi ấy ông Văn đang đi giao hàng. Sau khi nhận được điện thoại từ anh trai rằng anh, chị, cháu gái đang kẹt trên tầng bốn của chung cư mini, ông Văn đã phóng đến đó. 0 giờ 23 phút – nghĩa là 33 phút sau khi lửa bùng lên và lan rộng, ông Văn lao vào trong, leo lên tầng bốn, dùng búa phá cửa đưa anh, chị và cháu ra ngoài… Ông Văn còn quay trở lại chung cư mini đang cháy cứu thêm một gia đình khác có năm người… Tính ra ông Văn đã cứu được mười người. Ngoài ông Văn, một gia đình khác trong chung cư mini đã dùng thang được chuẩn bị sẵn để thoát hiểm và giúp hàng chục người khác thoát hiểm theo cách ấy…

Câu chuyện về ông Văn, về gia đình ngụ tại tầng năm của chung cư mini thoát chết và cứu hàng chục người khác thoát chết nhờ chuẩn bị thang thoát hiểm, buộc người ta phải tự hỏi tại sao ông Chính lại “biểu dương” công an Việt Nam “có mặt ngay sau khi nhận được thông tin, khẩn trương triển khai công tác chữa cháy, khắc phục hậu quả”?

Chuyện Thủ tướng Việt Nam “biểu dương” công an Việt Nam chẳng khác gì những viên chức hữu trách khác trong chính quyền Việt Nam từng “biểu dương” công an sau những vụ hỏa hoạn, những vụ tai nạn có hậu quả thảm khốc trong quá khứ. Phàm đã “biểu dương” thì đương nhiên loại trừ truy trách. Không truy trách công an cũng là cách để xí xóa, khỏi phải bận tâm đến việc truy trách thêm những cá nhân, tổ chức nào đó có liên đới về trách nhiệm. “Biểu dương” rồi “mặc niệm” là… xong! Bao nhiêu mạng cũng xong!

Chú thích

(1) https://laodong.vn/thoi-su/thu-tuong-va-cac-dai-bieu-danh-phut-mac-niem-cac-nan-nhan-trong-vu-chay-1241283.ldo

(2) https://vtc.vn/chung-cu-chay-khien-56-nguoi-tu-vong-giay-phep-6-tang-chu-dau-tu-xay-9-tang-ar819789.html

(3) https://tuoitre.vn/bi-thu-ha-noi-vu-chay-chung-cu-mini-sai-dau-xu-day-tu-khau-cap-phep-xay-dung-2023091317294909.htm

(4) https://plo.vn/vu-chay-chung-cu-mini-cap-phep-6-tang-xay-9-tang-nguoi-ky-giay-phep-noi-gi-post751312.html

(5) https://tienphong.vn/vu-chay-quan-karaoke-lam-chet-32-nguoi-lat-lai-ho-so-cap-phep-phe-duyet-phuong-an-pccc-post1475046.tpo

(6) https://vnexpress.net/chay-khong-loi-thoat-4652887.html

(7) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/bo-cong-an-giai-dap-vuong-mac-thao-go-kho-khan-trong-linh-vuc-phong-chay-chua-chay-119230720183137233.htm

(8) https://nhandan.vn/thu-tuong-thi-sat-hien-truong-vu-chay-chung-cu-minin-tai-quan-thanh-xuan-gay-hau-qua-dac-biet-nghiem-trong-tai-ha-noi-post772257.html

(9) https://nhandan.vn/nhung-nguoi-hung-tham-lang-trong-vu-chay-chung-cu-mini-tai-khuong-ha-post772264.html

Đừng giả nhân, giả nghĩa!

Đoàn Bảo Châu

15-9-2023

 

Đây là tôi đang nói tới những người làm trong công tác phòng cháy, chữa cháy, những người làm ra luật và thi hành luật PCCC và đã từng được nhìn những sai phạm trong xây dựng, trong việc cho thuê nhà nhưng ngậm miệng ăn tiền.

Các vị biết thừa họ vi phạm nhưng tại sao ngần ấy năm các vị lờ đi để những sai phạm lù lù to tướng ấy tồn tại?

Đổi lại các vị đã cầm bao phong bì dày và nặng? Các vị hãy hiểu rằng những đồng tiền các vị dùng để ăn chơi, để nuôi con cháu ấy dính đầy máu, nước mắt, nó ám từng tiếng kêu khóc tuyệt vọng của các nạn nhân trước khi lìa cõi đời.

Những phong bì ấy chính là thủ phạm gián tiếp gây ra cái chết của gần 60 con người tội nghiệp kia. Đêm nay tôi mệt, buồn ngủ díp mắt nhưng hình ảnh các nạn nhân co quắp của một gia đình đã khiến tôi tỉnh ngủ và viết bài này.

Đừng nói là họ xây vụng trộm. Các đội quản lý về xây dựng của phường, quận thính lắm, không có chuyện làm trộm.

Vào năm 1995, tôi xây nhà, có đầy đủ giấy phép, vậy mà khi tôi đi vắng, một nhóm người nói là từ quận xuống, cần phải làm luật. Mẹ tôi tặc lưỡi đưa tiền. Vài ngày sau, một đội khác xuống cũng đòi làm luật, cũng từ quận và bảo mẹ tôi là bị lừa rồi, lần này mới là đội từ quận thật. Trong đầu tôi nghĩ: chúng mày là một cả thôi!

Tôi không biết thật giả ra sao, cãi nhau cũng mệt và cũng muốn nhẹ đầu nên lại tặc lưỡi đưa tiền. Vài năm sau, sửa tầng trên, mới xếp gạch, cát đầu ngõ là có cán bộ vào hỏi. Tôi bảo tôi không nâng tầng, chỉ sửa thôi, không tin cứ lên mà xem. Chắc vì trời mùa hè nóng nên vị cán bộ phường ngại nên bảo: Thôi, không cần lên! Mấy ngày nữa anh lên phường làm việc. Tôi không lên, rồi cũng [không] thấy cán bộ hoạch hoẹ gì thêm.

Nhà tôi là đất làng, người dân ở lâu đời nên có tiêu chuẩn làm sổ đỏ, ấy vậy mà phải đóng mấy triệu lót tay để được lấy. Về sau hỏi ra thì nhiều người làng đã lấy rồi, sổ đỏ đã nằm ở phường nhưng phải chờ tôi đưa tiền, cán bộ mới trả.

Là người dân Việt Nam, không ai lạ gì cái trò đưa phong bì để cho việc được nhanh, đỡ phiền phức. Phong bì là bước đầu tiên tiếp tay cho tham nhũng, nó thường như “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng chính phong bì là bắt đầu của tội ác, nó uốn cong luật, nó khiến kẻ có tiền được ưu tiên, nó khiến cán bộ thành một lũ khốn nạn, nhiều việc phải cố gây khó dễ, đưa phong bì mới chịu làm cho nhanh.

Các Dư luận viên đừng gào lên chửi nhé, nếu định chửi thì hãy nhớ lại đại án Việt Á và Giải Cứu đi, nhớ thì cất tạm cái lưỡi đi, đừng dùng bừa bãi vội.

Các vị quản lý xã hội, đừng tỏ vẻ than khóc cho các nạn nhân. Nếu thực sự thương xót họ thì phải làm ngay những việc cần thiết. Rà soát thật kĩ khắp nơi xem chỗ nào có sai phạm về phòng cháy chữa cháy thì sửa ngay. Thấy dấu hiệu đưa phong bì là kỉ luật cán bộ ngay và luôn.

Những người làm kinh doanh khách sạn, quán xá, hãy làm tốt theo quy định và cương quyết không dùng phong bì cho xong việc. Tôi biết là khó nhưng nếu không làm đúng thì cái sai của các bạn sẽ phải trả bằng mạng người.

Xin được tỏ lòng thương xót tới các nạn nhân, xin được chia buồn với những người mất thân trong thảm hoạ kinh hoàng vừa xảy ra.

Còn chúng ta, những người còn sống đã học được nhiều gì và cần làm gì để ngăn chặn những thảm hoạ tương tự xảy ra?

Thương quá thôi! Những con người khốn khổ, vì thiếu thốn mà phải sống ở một nơi không an toàn. Mất mát lớn quá, nỗi đau lớn quá. Chúng ta, những người sống không bao giờ được quên họ, không bao giờ được quên nỗi đau đớn kinh hoàng mà họ hay linh hồn của họ đang phải chịu.

Suy cho cùng, cái chết của họ có một phần lỗi của chúng ta. Chúng ta thoả hiệp với cái xấu, chúng ta nhắm mắt đưa phong bì cho lũ ngợm vô lương tâm, chúng ta tặc lưỡi chấp nhận làm một điều xấu để tiết kiệm thời gian, để cuộc sống được nhẹ nhàng hơn…

Hoả hoạn phố Khương Hạ, nguyên nhân chỉ có một

Đặng Đình Mạnh

15-9-2023

 

Nghịch lý: Đất nước không có chiến tranh, không có khủng bố, không có thiên tai, ngay trong thời bình, sống giữa thủ đô, nơi mà cơ quan chính quyền dầy đặc, nơi mà cán bộ ăn lương sống nhung nhúc, nơi được trang bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ và y tế với mật độ cao nhất, hiện đại nhất… thì chỉ trong một buổi tối, hơn cả trăm đồng bào thương vong, trong đó, quá nửa nạn nhân tử vong một cách tức tưởi?

“Nhà chung cư của con cháy rồi, hai cháu chết rồi, con cũng chết đây bố ơi”. Rồi im bặt, tiếng tút tút trong chiếc điện thoại cứ kéo dài mãi, khô khốc… Tương tự vậy ở một ngôi nhà khác “Con không thở được nữa”. Rồi im bặt, tiếng tút tút trong chiếc điện thoại cứ kéo dài mãi, khô khốc…

Đó là vài câu nói hiếm hoi sau cùng trong cuộc đời của người con trai với cha mình vào đêm hỏa hoạn 12/09 định mệnh ngay giữa thủ đô. Lúc này, mái đầu bạc đang khóc mái đầu xanh và bao nhiêu gia đình đang phủ vành tang trắng khóc thương người thân đột ngột, tức tưởi buông tay rời xa cuộc sống này.

Ngẫm xem, cái đêm định mệnh, ngoại trừ tòa nhà 9 tầng sơn trắng, hình khối hộp ngún lửa và khói đen tràn vào ngập phổi làm nạn nhân ngộp thở, thì xung quanh đấy, vẫn là bầu khí quyển trong lành cho hàng triệu cư dân Hà Nội hít thở. Thật trớ trêu, sinh tử cách nhau chỉ sau bức tường 10cm oan nghiệt như vậy.

56 con người tức tưởi buông tay cuộc đời, thậm chí, nhiều người không trăn trối được câu cuối “…con cũng chết đây bố ơi” hoặc “…con không thở được nữa” như hai anh con trai trút lời cuối, từ biệt với bậc sinh thành qua chiếc điện thoại. Cả cha, cả con, cứ ngỡ sống ở thị thành là sinh đạo, mà ai ngờ đã trở thành tử lộ!

Lúc đầu, tin tức 20 người chết trong cơn hỏa hoạn đã làm rúng động xã hội, vì tuy không quen biết, nhưng sinh mạng người đều quý giá như nhau, vì họ đều đang là anh chị em, con cháu của một gia đình nào đó đang rất trông tin họ. Nhưng tin tức không dừng lại ở đó, khi con số nạn nhân tăng dần, 30, 40 và rồi là 56 người chết, làm nỗi thương cảm cũng tăng dần đến bàng hoàng. Đồng bào mình với nhau… Đã không trông mong thì lại càng không muốn tin là sự thật. Sự nghèn nghẹn từ cổ họng làm chúng ta muốn tức thở, không chỉ vì sự thương cảm và cả sự uất ức vào dân tộc khốn khổ này!

Nếu là một chính quyền lương hảo có trách nhiệm, đã không để tồn tại những căn chung cư xây dựng trái phép như vậy. Nếu quản lý đô thị có trách nhiệm, đã không để tồn tại những con hẻm nhỏ không thể cứu hỏa như vậy. Nếu công an phòng cháy chữa cháy có trách nhiệm, đã buộc chủ nhà phải làm lối thoát hiểm, phải trang thiết bị chữa cháy, có phương án chữa cháy nơi hẻm nhỏ và kịp thời đến cứu hộ hiệu quả. Nếu cơ quan cấp phép kinh doanh nhà thuê có trách nhiệm, đã kiểm tra ấn định số người tối đa được cư trú… để bảo đảm an toàn sinh mạng cho người dân, thì thảm cảnh đã không xảy ra và nếu có hỏa hoạn, thì cũng đã không gây mức thiệt hại về người đến mức kinh hoàng như thế.

Và nếu, chỉ cần một trong những cái nếu vừa nêu có trách nhiệm, thì đã không có cái đêm 12/09 định mệnh của 56 đồng bào, gây tang thương cho gia đình họ.

Chúng ta có thể dẫn ra hàng tá câu hỏi về trách nhiệm như vậy để thấy rằng dân tộc ta đã xấu số như thế nào khi phải sống trong một thể chế chính trị vô trách nhiệm, bất tài, bất lực đến thế.
56 đồng bào tử vong, nếu chỉ cho rằng họ là nạn nhân của trận hỏa hoạn là chưa thật sự thấy nguyên nhân tử vong của họ, mà thực tế, họ là nạn nhân của một chế độ vô trách nhiệm và đó mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Vì một lẽ đơn giản, chế độ nào đi nữa, thì chẳng có trách nhiệm nào lớn hơn sự bảo đảm an toàn của người dân.

Nếu không, sao có thể giải thích được nghịch lý: Đất nước không có chiến tranh, không có khủng bố, không có thiên tai, ngay trong thời bình, sống giữa thủ đô, nơi mà cơ quan chính quyền dầy đặc, nơi mà cán bộ ăn lương sống nhung nhúc, nơi được trang bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ và y tế với mật độ cao nhất, hiện đại nhất… thì chỉ trong một buổi tối, hơn cả trăm đồng bào thương vong, trong đó, quá nửa nạn nhân tử vong đột ngột một cách tức tưởi?

Giải thích đi, những kẻ được đồng bọn xưng là “Hồng phúc của dân tộc” (?!)

Tiên sư hồng phúc…

Vấn đề mấu chốt dẫn tới 56 cái chết

Dương Quốc Chính

16-9-2023

 

Vấn đề mấu chốt dẫn tới cái chết trong vụ cháy của cái gọi là chung cư mini vừa rồi là ở chỗ pháp luật chưa rõ ràng, nhập nhèm, về khái niệm pháp lý của chung cư mini. Khái niệm chung cư mini mới có ở QĐ24/2014 của UBND TPHN, nó cũng chỉ có ý nghĩa ở Hà Nội. Ở các tỉnh khác không có chung cư mini. Tuy nhiên, các văn bản pháp lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng như xây dựng khác không có khái niệm chung cư mini. Nói cách khác, cái gọi là chung cư mini không phải là chung cư, nó vẫn là nhà ở riêng lẻ.

Trong nghị định 79/2014 và sau này là NĐ136/2020 thay thế nó, hướng dẫn luật PCCC, không có khái niệm chung cư mini.

Nhà bị cháy vừa rồi về pháp lý vẫn là nhà ở riêng lẻ, có thể dùng để cho thuê phòng, có thể đã bán chui 1 số hoặc toàn bộ các căn hộ. Nếu coi nó là chung cư, thì phải được thể hiện ở văn bản pháp lý nào đó. Như chung cư bình thường, nó được thể hiện ở dự án khả thi (báo cáo kinh tế kỹ thuật) được cơ quan chức năng phê duyệt, thẩm định và giấy phép xây dựng. Còn nhà này, chỉ có văn bản pháp lý duy nhất là giấy phép xây dựng, thì nó được thể hiện là nhà ở riêng lẻ. Khái niệm chung cư có thể hiện rõ ràng ở luật Nhà ở:

“Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh”.

Nhà ở riêng lẻ có “bán” một số diện tích ở không có nghĩa là biến nó thành chung cư, bởi vì nó vẫn không được định rõ các diện tích sở hữu chung và riêng và không thể có loại công trình nào vừa là nhà ở riêng lẻ lại vừa là chung cư được. Đây là hai khái niệm pháp lý được định nghĩa khác nhau trong luật xây dựng. Giống như không có một con chó lại vừa là một con mèo.

Trong khi đó NĐ79/2014 không bắt buộc nhà ở riêng lẻ phải có thiết kế PCCC. Từ đó dẫn tới thể loại “chung cư mini” này không bao giờ có thiết kế PCCC, mà Hà Nội có khoảng 2000 tòa nhà dạng này. Không phải tự nhiên nó như vậy và nó không hề sai luật PCCC.

Kể cả ngôi nhà được xây vượt tầng thì nó vẫn không sai quy định về thiết kế đáp ứng quy định PCCC nếu nó chỉ là nhà ở riêng lẻ.

Trong mục 10, phụ lục 4 của NĐ79 có quy định các loại công trình phải thẩm duyệt thiết kế PCCC:

“10. Nhà chung cư cao 05 tầng trở lên; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên.”

Nhưng cũng không có nhà ở riêng lẻ. Nếu muốn chủ nhà kia vi phạm quy định, thì phải dí được cho ngôi nhà đó thành một trong các thể loại công trình nêu trên (gần giống nó nhất).

NĐ136/2020 có khắc phục bất cập trên ở mục 2 và 7, PL5 (DANH MỤC DỰ ÁN, CÔNG TRÌNH, PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI THUỘC DIỆN THẨM DUYỆT THIẾT KẾ VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY).

“2. Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên”.

Và:

“Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên”.

Có bổ sung khái niệm “nhà trọ” là gần giống ngôi nhà này nhất, nếu nó được dùng để cho thuê ở. Nhưng thực tế lại không có khái niệm pháp lý về công trình “nhà trọ”. Nhà trọ chỉ có định nghĩa pháp lý như 1 ngành kinh doanh. Tức là quy định trên cũng sơ hở về pháp lý.

Như vậy, nếu dí được ngôi nhà này là dạng nhà trọ thì chủ nhà mới có vẻ vi phạm về thiết kế PCCC! Trong khi ngôi nhà vẫn đang là nhà ở riêng lẻ (dùng để trọ).

Thế nhưng trong những ngày qua, rất nhiều chuyên gia luật, kiến trúc sư… nhất định cho là luật lệ rất rõ ràng và chặt chẽ, họ mạnh mẽ vu cho chủ nhà vi phạm quy định về PCCC thay cho tòa! Một dạng suy đoán có tội hoặc vu khống, ví dụ như ảnh đính kèm hay ở video sau đây:

Mình thấy hầu hết báo chí, người dân đều mặc định đổ tội cho chủ nhà vi phạm quy định PCCC nên mới dẫn tới 56 cái chết. Như thế là rất nguy hiểm, vì đám đông và cả chuyên gia đang đẩy một cá nhân vào án tù 12 năm và bị cộng đồng phỉ nhổ.

Khả năng lớn dẫn tới 56 cái chết là do ngôi nhà không đáp ứng về lối thoát nạn và thang thoát hiểm không nhiễm khói. Nếu ngôi nhà phải thẩm duyệt PCCC thì sẽ được áp dụng Quy chuẩn PCCC 06, cái này rất chặt và chắc chắn đáp ứng các yêu cầu trên, sẽ không thể có nhiều người chết vậy.

Như vậy, phải hiểu rõ nguyên nhân thì mới biết cách điều chỉnh luật, để không còn những cái chết tương tự.

Nhưng không chỉ “chung cư mini” mà 100% các chung cư cao tầng xây trước năm 2010 đều không đáp ứng yêu cầu về lối thoát nạn và thang thoát hiểm. Status sau mình sẽ phân tích nốt và đề xuất giải pháp khắc phục.

Nhà ở và môi trường

Mai Bá Kiếm

15-9-2023

 

Năm 1993, tại hội trường Thống Nhất, trong cuộc hội thảo “Nhà ở và Môi trường”, một tiến sĩ người Phi Luật Tân ví von “Nếu chánh phủ không lo cho dân có chỗ ở, họ có thể đốt cháy cả trăm ha rừng, để chỉ lấy 50 mét vuông cất chòi ở! ‘Có chỗ ở’ là có chỗ thuê ở giá rẻ, chứ tôi không nói có sở hữu một căn nhà”. Câu khái quát đó đã ăn sâu vào não trạng của tôi suốt 30 năm nay.

Nếu nhà ở xã hội không có sẵn và đủ cho người nghèo thuê, thì nhà trọ tồi tàn, chung cư mini sẽ mọc lên bằng mọi giá cho nhu cầu bức thiết này! Hậu quả 56 người chết và 37 người bị thương quá thảm khóc, việc bắt giam chủ chung cư mini, vì giấy phép cho xây 6 tầng nhưng đã xây 9 tầng, hầu “hạ hỏa trách nhiệm” của nhà quản lý, nên không có tác dụng răn đe… ngọn lửa!

Bà chị chú bác single mom của tôi định cư ở Úc từ 1985, bạn trai của chị là thầu sửa chữa nhà. Nhưng khi cần lắp cầu dao, công tắc cho các máy điện cơ và bếp điện, chị phải mướn người có license về điện, nếu mướn thợ không license, lỡ có cháy nổ, bảo hiểm không đền! Trong khi, tất cả thợ đi dây điện ngầm (lúc đổ bê tông) hay lắp cầu dao, rờ le, công tắc (khi sắp hoàn thiện) nhà ở riêng lẻ ở Việt Nam, không cần có license gì cả!

Theo quy chuẩn xây dựng quốc tế, cứ nơi nào chứa 50 người là phải có hai lối thoát hiểm; cửa thoát hiểm làm bằng vật liệu chống cháy, chịu lửa trực tiếp trong hai giờ! Cửa thoát hiểm có hệ thống đóng tự động, ngăn lửa từ sàn, sảnh cao ốc ra cầu thang thoát hiểm! Các kỹ sư thầu xây dựng cho biết, các chung cư cao cấp ở Việt Nam cũng gắn cửa chống cháy không đạt chất lượng.

Huống hồ gì chung cư bình dân và chung cư mini! Đáng sợ nhất cầu thang từ hầm để xe dẫn lên các căn hộ tầng trên không có cửa chống cháy! Khủng khiếp hơn, chung cư mini ở Khương Hạ lấy tầng trệt làm bãi giữ xe, liên thông không khí với tầng lửng có 5 căn hộ và từ tầng hai trở lên có 6 căn hộ, thì chỉ có chạy đàng trời khi tầng trệt chập điện, cháy xe!

Do các đại gia toàn đầu tư xây chung cư cao cấp, resort nghỉ dưỡng, condotel, đã tranh mua hết đất vàng, thì còn nhà đầu tư dại khờ nào mua đất để xây nhà ở xã hội? Không có nhà ở xã hội sẽ có chung cư mini và nhà trọ ổ chuột thay thế! Chung cư mini ở Khương Hạ, Hà Nội xây vượt ba tầng được vì cao ốc 8B Lê Trực đã sừng sững vượt tầm không gian lịch sử!

Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội: Nhiều câu hỏi không dễ trả lời…

An Vui

Saigon Nhỏ

 

Người dân đổ bao cát trước sân thì cán bộ địa chính đã đến hỏi, đàng này tòa nhà chung cư mini phố Khương Hạ xây vượt bốn tầng mà vẫn “qua mặt” được địa phương? – Ảnh: VnExpress

“Nguyên nhân nào gây ra vụ cháy chung cư mini phố Khương Hạ; đơn vị cấp phép xây dựng tại địa phương vì sao làm ngơ cho tòa nhà xây vượt bốn tầng?” – là hai trong bốn câu hỏi mà VnExpress đặt ra hôm 18 Tháng Chín 2023.

Sáu ngày trôi qua sau vụ cháy thảm khốc tòa nhà ở phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhà cầm quyền Hà Nội vẫn chưa tổ chức họp báo để công bố nguyên nhân về vụ cháy, cũng như chưa nói gì đến trách nhiệm của đơn vị cấp phép xây dựng tại địa phương.

Các tờ báo hiện chỉ xoáy vào những sai phạm của chủ tòa nhà bị cháy ở phố Khương Hạ và dẫn chứng còn rất nhiều những chung cư mini khác ở Hà Nội và Sài Gòn cũng ẩn chứa nhiều rủi ro tương tự.

Bên cạnh đó, có tờ báo còn cảnh báo người dân đừng gửi tiền giúp nạn nhân sống sót ở phố Khương Hạ mà hãy gửi tiền vào số tài khoản của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Khương Đình hoặc quận Thanh Xuân.

Số tiền trợ giúp các nạn nhân sống sót sau vụ cháy gửi về hai tài khoản này hiện đã lên đến trên 55 tỷ đồng ($2,253,900) – KHÔNG CÓ SAO KÊ, nhưng sử dụng thế nào thì chưa thấy nói…

Điều kỳ lạ nhất là sau gần một tuần vẫn chưa có nơi nào thống kê xem có bao nhiêu nạn nhân sinh sống trong tòa nhà đó thoát chết. Hà Nội chỉ công bố số tử vong là 56, còn số bị thương là 37.

Tổng số người sống trong tòa nhà đó khoảng 150, trong 45 căn hộ, nếu trừ đi 93 người thương vong thì còn khoảng 57 người sống sót, nhưng search tìm thì không thấy báo nào nói tổng cộng có bao nhiêu người thoát chết.

Con số người chết và bị thương sau vụ cháy này đến nay vẫn bị công chúng nghi ngờ là thấp hơn số thực tế.

 

Một nạn nhân của vụ cháy đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai – Ảnh: VnExpress

Tài khoản Đặng Bích Phượng ngày 17 Tháng Chín đặt câu hỏi: “Chị bạn hỏi hộ nhà chùa, danh sách nạn nhân chết trong vụ cháy chung cư ở Khương Hạ, để nhà chùa làm lễ cầu siêu. Nhưng các bên đùn đẩy nhau, nên giờ vẫn không có”.

“Đồ rằng con số thực không phải chỉ là 56-59 người thiệt mạng trong vụ này, và danh sách thực sẽ không bao giờ được công bố?”… thì các bình luận bên dưới đều đồng ý, cho rằng số nạn nhân chết vượt qua 56 nhưng nhà cầm quyền giấu, sợ “dư luận hoang mang”, “thế lực thù địch lợi dụng”.

VnExpress không đề cập đến sự chính xác của số người chết hay bị thương mà hỏi: “Vì sao chậm công bố số người tử vong?” và cho rằng mãi đến 12 tiếng sau, khi thi thể cuối cùng được đưa ra khỏi hiện trường, Hà Nội mới công bố số người chết và bị thương là quá chậm.

Khi có sự tính toán, cân nhắc của Tuyên giáo thì công bố chậm là hiển nhiên!

“Nguồn lửa bắt đầu từ đâu?” cũng là câu hỏi của VnExpress. Trong khi người dân cho rằng vụ cháy có nguyên nhân từ một cái xe điện đang sạc pin thì ông Ngô Phó Điền, bảo vệ chung cư mini, cho biết ông nhìn thấy ổ điện ở tầng một bốc cháy đầu tiên và chính ông đã vác bình chữa cháy xịt, nhưng càng xịt càng cháy to.

Theo chuyên viên phòng cháy chữa cháy, xe điện có thể không phải nguồn phát cháy, nhưng sẽ là tác nhân làm vụ cháy thêm trầm trọng. Lý do là khối pin lithium-ion của xe điện cháy rất nhanh, tỏa nhiệt lớn, cần nhiều nỗ lực, thời gian để dập lửa vì pin có thể bốc cháy trở lại.

 

Góc tường treo công tơ điện của các gia đình bị cháy rụi – Ảnh: VnExpress

Hai câu hỏi khác của VnExpress “nặng cân” hơn, đó là “Vì sao chung cư mini xây sai phép nhưng không bị xử lý?” và “Vì sao chưa bịt khe hở pháp lý với chung cư mini?”.

Tờ báo này nhắc lại tám năm trước, ông Nghiêm Quang Minh (44 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội) được quận Thanh Xuân cấp phép xây nhà ở riêng lẻ sáu tầng, diện tích xây dựng tầng một 167m2, mật độ 70%, tổng chiều cao công trình 20.2 m tại số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ.

Tuy nhiên, ông đã biến công trình nhà ở thấp tầng thành chung cư mini cao 10 tầng, diện tích xây dựng 230m2, chia thành 45 căn hộ để bán và cho thuê.

Ngày 14 Tháng Chín, kiểm tra hiện trường vụ cháy, đại diện Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm về phòng cháy chữa cháy, như: thiếu thang thoát nạn thứ hai; thang bộ hiện tại bố trí hở nên dễ bị nhiễm khói; không có đường cho xe vào chữa cháy.

Còn Công an Hà Nội xác định ngôi nhà bị cháy có những dấu hiệu vi phạm xây dựng như xây trái phép bốn tầng, xây gần hết diện tích lô đất, chưa kể việc phòng cháy, chữa cháy có nhiều sai phạm.

Theo ông Lê Bá Mão (75 tuổi), cựu trưởng ban bảo vệ UBND phường Khương Đình, ngay khi hoạt động, hàng xóm đã có nhiều đơn thư phản đối tòa chung cư này và hai lần chủ tòa nhà từng bị quận Thanh Xuân ra văn bản xử phạt.

Thế mà, công trình xây sai phép nằm cách trụ sở UBND phường Khương Đình chỉ 3-4 phút đi bộ song nhiều năm qua không bị cán bộ nào phát giác để xử lý thì thật khó hiểu!

Mặt khác, loại nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ trong một tòa nhà được người dân gọi là “chung cư mini” là loại hình chưa có trong các văn bản pháp lý, nhưng ở Hà Nội đang có khoảng 2,000, còn ở Sài Gòn có đến 42,200!

Theo ông Vũ Ngọc Anh, vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), “chung cư mini” không có trong các văn bản quy phạm pháp luật, không được thừa nhận và thẩm định hồ sơ công trình dưới tên gọi này. Luật nhà ở 2014 chưa có khái niệm chung cư mini, mà chỉ có nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà xã hội.

 

Quận Thanh Xuân có nhiều chung cư mini, thu hút các gia đình trẻ, sinh viên đến sinh sống, thế nhưng đây là loại hình nằm ngoài văn bản của luật nhà ở – Ảnh: VnExpress

Với loại hình chung cư cao tầng hoặc nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh (như tòa nhà vừa bị cháy), Quy chuẩn QCVN 06 về an toàn cháy đã quy định về tiêu chuẩn phòng cháy.

Tuy nhiên, khi đi xin cấp phép xây dựng, chủ tòa nhà tại phố Khương Hạ và nhiều chủ hộ khác thường lách luật bằng cách xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ dưới sáu tầng không kinh doanh, để không phải thẩm định phòng cháy chữa cháy! Sau khi hoạt động thì đi chuyển đổi công năng sang “nhà ở kinh doanh” để bán hoặc cho thuê.

Khi chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ sang dạng chung cư mini, đa số tòa nhà không đạt tiêu chuẩn phòng cháy và không đủ điều kiện cấp “sổ đỏ” cho các căn hộ!

Thế nhưng nhiều người có chút tiền dành dụm vẫn mua, bất chấp công trình không bảo đảm các yêu cầu về thiết kế – thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy và cũng không có giấy tờ pháp lý rõ ràng.

Thực tế những vấn đề của chung cư mini đã nảy sinh hàng chục năm nay nhưng cho đến nay nhà cầm quyền vẫn ngó lơ, chưa có giải pháp? Trong khi đó loại hình này về thực tế đã giúp giải bài toán thiếu nhà ở cho người dân thu nhập thấp và trung bình tại các đô thị lớn.

Có một câu hỏi khác từ cộng đồng mạng mà VnExpress không đề cập, đó là vì sao Hà Nội thừa tiền (đương cử là mới dùng ngân sách thành phố xây nhà hát Hồ Gươm của Bộ Công an với 52 cột đá nhập cảng nguyên khối từ Tây Ban Nha, với 900 chỗ ngồi, được ca tụng là có tiêu chuẩn âm thanh, ánh sáng hiện đại bậc nhất thế giới) nhưng tại sao không đầu tư trực thăng chữa cháy như đã hứa từ  Tháng Chín 2020?

Nếu có trực thăng chữa cháy thì chắc chắn số người tử vong và bị thương trong vụ cháy tòa nhà phố Khương Hạ hôm 12 Tháng Chín 2023 sẽ không lên đến hàng trăm con người như vậy. Những cái chết oan ức, là nạn nhân của CHÍNH SÁCH và THỂ CHẾ.

Bị can Nghiêm Quang Minh bị phát hiện là chủ của hàng loạt chung cư mini vượt tầng

 

 

KHÁNH LINH  –  Thứ hai, 18/09/2023
Lao Động

Bị can Nghiêm Quang Minh – chủ chung cư mini bị cháy khiến 56 người thiệt mạng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đã xây dựng ít nhất 8 căn chung cư mini khác tại các quận, huyện.