Seite auswählen

Bà Hoàng Thị Minh Hồng phát biểu tại Hội nghị tại Zerokonferansen ở Oslo tháng 11 năm 2019 Change.org

Một nhóm chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp quốc cho rằng, việc bắt giữ bà Hoàng Thị Minh Hồng mang động cơ chính trị và có liên quan đến việc nhà hoạt động môi trường này thực hiện các quyền tự do hội họp, lập hội ôn hoà, và quyền tự do ngôn luận.

Ba báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, về quyền tự do hội họp và lập hội, và về nghĩa vụ nhân quyền liên quan đến việc hưởng một môi trường an toàn, sạch sẽ, lành mạnh và bền vững đã gửi một thư chung đến Chính phủ Việt Nam.

Thư chung đề ngày 28/7 và được công bố bởi Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ ngày 26/9 chỉ hai ngày trước phiên xử sơ thẩm bà Hồng với tội danh “trốn thuế” bày tỏ, “đặc biệt lo ngại rằng cáo buộc trốn thuế dường như có động cơ chính trị và nhắm vào công việc chính đáng của bà Hồng là bảo vệ môi trường.

Các chuyên gia liên hệ việc bắt giữ bà Hồng với nhiều vụ bắt giữ lãnh đạo một số tổ chức xã hội dân sự có đăng ký với nhà nước gần đây như bà Nguỵ Thị Khanh, luật sư Đặng Đình Bách, nhà báo Mai Phan Lợi, và ông Bạch Hùng Dương. 

Chúng tôi xin lưu ý thêm rằng việc truy tố hình sự bà Hoàng Thị Minh Hồng không diễn ra riêng lẻ mà là một phần của cuộc trấn áp rộng rãi hơn đối với những người bảo vệ quyền môi trường và chống lại không gian dân sự ở Việt Nam.”

Các chuyên gia đề nghị Chính phủ Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến cơ sở pháp lý cho việc bắt giữ bà Hoàng Thị Minh Hồng và mức độ phù hợp của các biện pháp này với các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Họ cũng đề nghị Hà Nội cung cấp thông tin về việc bà Hồng có hay không được tiếp cận luật sư và chăm sóc y tế, cũng như gặp gỡ với người thân trong thời gian tạm giam

Chính phủ Việt Nam cũng bị chất vấn về những biện pháp đã thực hiện nhằm bảo đảm rằng các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và tất cả những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam có thể thực hiện công việc ôn hòa của mình mà không sợ bị đe dọa, bạo lực , quấy rối hoặc trả thù dưới bất kỳ hình thức nào.

Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ cho biết các chuyên gia nhân quyền đề nghị Hà Nội phản hồi trong thời hạn 60 ngày, tuy nhiên cho đến nay họ vẫn chưa nhận được hồi âm.

Phóng viên cũng gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về thư chung của ba chuyên gia nhân quyền LHQ, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Việt Nam không nên tảng lờ thư ngỏ của LHQ

Bình luận về vụ bắt giữ bà Hoàng Thị Minh Hồng, ông Josef Benedict- nghiên cứu viên về Đông Nam Á của tổ chức nhân quyền CIVICUS, nói với RFA qua tin nhắn ngày 26/9:

Vụ bắt giữ nhà hoạt động môi trường Việt Nam Hoàng Thị Minh Hồng vào tháng 6/2023 về cáo buộc trốn thuế nêu bật một xu hướng đàn áp mới của chính quyền. Bà là một trong số những người hoạt động môi trường và khí hậu đã trở thành mục tiêu trấn áp kể từ đầu năm 2022, với các vụ truy tố có động cơ chính trị, theo điều luật mơ hồ và thiếu sót này.”

Đại diện cho tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Nam Phi nói bằng việc sử dụng cáo buộc “trốn thuế” để trấn áp giới hoạt động môi trường và xã hội, Việt Nam muốn thế giới nhìn nhận việc đàn áp này như chiến dịch chống tham nhũng.

Nếu Chính phủ Việt Nam nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình, với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thì chính phủ nên phản hồi những thông tin gần đây từ các chuyên gia LHQ xung quanh trường hợp của bà, thay vì phớt lờ.”

Thay mặt tổ chức CIVICUS, một liên minh các tổ chức xã hội dân sự toàn cầu, ông Josef Benedict kêu gọi Việt Nam phóng thích bà Hồng ngay lập tức và vô điều kiện, hủy bỏ cáo buộc và chấm dứt việc hình sự hóa những người bảo vệ nhân quyền khi họ thực hiện công việc của mình.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng là người bảo vệ nhân quyền môi trường ở Việt Nam. bà là người sáng lập và giám đốc của tổ chức bảo vệ quyền môi trường CHANGE VN có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh. Sứ mệnh của CHANGE VN là thúc đẩy và khuyến khích việc bảo vệ môi trường thông qua giáo dục và truyền thông đổi mới nhằm thay đổi thói quen và truyền cảm hứng cho hành động cộng đồng ở Việt Nam.

Tổ chức này hoạt động tại Việt Nam từ năm 2013 đến năm 2022, trong thời gian đó tổ chức đã thực hiện hơn 200 dự án và chiến dịch liên quan đến môi trường. Bà Hoàng Thị Minh Hồng quyết định đóng cửa CHANGE VN vào cuối năm 2022, một phần do vụ bắt giữ một số nhà bảo vệ nhân quyền môi trường vào năm 2021 và 2022.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng trước đây từng làm việc cho Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF), nơi bà thực hiện nhiều dự án về môi trường và động vật hoang dã. Năm 2015, Climate Heroes đã vinh danh bà là anh hùng vì đã làm việc không mệt mỏi để bảo vệ môi trường và năm 2018, bà đã nhận được khoản tài trợ từ Chương trình học giả của Quỹ Obama đầu tiên tại Đại học Columbia.

Năm 2019, bà được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. Năm 2023, bà Hoàng thành lập công ty tư vấn về vấn đề môi trường mang tên CHOICE.

Theo thông tin mà các chuyên gia nhân quyền LHQ nhận được, bà Hồng bị công an bắt giữ vào ngày 31/5/2023 với cáo buộc “trốn thuế” và khoản tiền bị cho là trốn thuế lên tới 5,2 tỷ đồng.

Cả chồng bà và nhiều nhân viên của CHOICE đã bị câu lưu và thẩm vấn trong nhiều giờ. Công an đã khám xét tư gia và văn phòng làm việc của bà, và thu giữ nhiều giấy tờ và thiết bị như máy tính và điện thoại.

Sau năm ngày bị tạm giữ, bà bị khởi tố và tạm giam sau khi chồng bà đã nộp số tiền 200 triệu đồng để khắc phục. Đến ngày 14/6, bà bị chuyển từ khám Chí Hoà tới Trung tâm tạm giam T30 của Công an thành phố Hồ Chí Minh.

Trong hai năm vừa qua, bốn lãnh đạo tổ chức xã hội dân sự có đăng ký đã bị kết án tù về tội “trốn thuế” với mức án từ 21 tháng đến năm (05) năm.

Nhiều chính phủ dân chủ và tổ chức nhân quyền quốc tế thúc giục Việt Nam trả tự do cho bà Hồng và những lãnh đạo xã hội dân sự bị cầm tù trong thời gian gần đây.

Mới đây, Việt Nam phóng thích nhà báo Mai Phan Lợi sớm 18 tháng so với mức án tù 45 tháng tù giam, và trước đó là bà Nguỵ Thị Khanh, sớm hơn thời hạn năm tháng.

Tuy nhiên, ngày 18/9 vừa qua, Hà Nội lại bắt giam chuyên gia năng lượng sạch Ngô Thị Tố Nhiên, cũng với cáo buộc “trốn thuế.”

RFA (26.09.2023)

Giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước bị tòa phúc thẩm tuyên y án

 

Giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước trong một tấm hình chụp vào tháng 11/2021 Fb Đăng Phước

 

Giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước bị tòa phúc thẩm tuyên y án 8 năm tù giam

Trong phiên phúc thẩm chỉ kéo dài hai giờ đồng hồ vào sáng 26/9, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng bác bỏ kháng cáo kêu oan của giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước, giữ nguyên mức án tám năm tù giam và bốn năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Bà Lê Thị Hà, vợ của ông Phước, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết chỉ có bà và một vài người bạn trên Facebook của ông mới được vào phòng xử án tại trụ sở của Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk với tư cách là nhân chứng và người có quyền lợi liên quan.

Bà Hà nhận xét về phiên toà phúc thẩm:

“Tôi đã được dự hai phiên toà, một là sơ thẩm, hai là phúc thẩm. Với hai phiên toà này thì tôi chẳng thấy có gì khác biệt cả, phiên toà hoàn toàn không công bằng.

Ba luật sư Nguyễn Hà Luân, Lệ Quyên và Lê Xuân Anh Phú đều đưa ra những chứng cứ và các bài viết bài đăng của anh Phước không có chứng cứ buộc tội nhưng toà vẫn phán quyết theo kiểu của người ta.”

Bà khẳng định chồng mình vô tội, không làm điều gì sai như bản án đã tuyên. Bà cho biết ông Phước bất bình với phán quyết cuối cùng và sẽ tiếp tục kháng cáo lên cấp cao hơn.

“Anh Phước nói rằng bản án không công bằng, quy chụp và chụp mũ kết tội anh nên anh sẽ kháng cáo lên toà án cấp cao.”

Theo Bộ luật tố tụng Hình sự Việt Nam năm 2015, chỉ có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị.

Tuy nhiên, trong hầu hết các vụ án chính trị, phán quyết của toà án cấp cao khu vực thường là phán quyết cuối cùng, và chưa có trường hợp nào được xem xét giám đốc thẩm trong nhiều năm gần đây.

Trong phiên xử, ông Phước khẳng định mình không có ý định chống phá nhà nước như cáo trạng, mà chỉ góp ý và phản biện bằng các bài viết để có một chính quyền tốt hơn nhằm đưa đất nước phát triển cũng như hạn chế bất công trong xã hội. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng giữ nguyên quan điểm rằng những hành động của ông đủ cấu thành tội “tuyên truyền chống nhà nước.”

Ông Phước, 61 tuổi, là giảng viên âm nhạc của Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.

Ông bị bắt ngày 08/9/2022 và trong phiên sơ thẩm đầu tháng 6 vừa qua, ông bị Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk kết tội cho dù ông và luật sư luôn khẳng định ông chỉ thực thi quyền tự do biểu đạt một cách ôn hoà, ủng hộ tự do, dân chủ, nhân quyền, trợ giúp dân oan, và bảo vệ môi trường cũng như chủ quyền quốc gia.

Cáo trạng cho rằng ông Phước đã “viết hoặc tải từ mạng Internet nhiều bài viết có nội dung không khách quan, không đúng sự thật; vu khống, xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân… gây kích động, hoang mang trong nhân dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội.”

Nội dung của cáo trạng cũng đề cập đến sự kiện đàn áp Đồng Tâm, hoà hợp dân tộc, chống tham nhũng, phê phán chính sách đối phó với đại dịch COVID…

Ông còn bị cho là sử dụng thư điện tử để gửi nhiều bài viết có nội dung nêu trên đến nhiều cơ quan, tổ chức, và cá nhân trong và ngoài nước cũng như ký tên vào 20 kiến nghị, kháng thư, và tuyên bố của các nhân sĩ trí thức đề nghị sửa đổi Hiến pháp, phản đối Trung Quốc, bãi bỏ Điều 258 “lợi dụng quyền tự do dân chủ” của Bộ luật Hình sự 1999…

Ông cũng bị cáo buộc trực tiếp hát và đánh đàn cho người khác hát nhiều bài hát với nội dung “gây chiến tranh tâm lý nhằm mục đích chống Nhà nước và lôi kéo người nhẹ dạ để diễn biến hoà bình.”

Một ngày trước phiên phúc thẩm, tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam huỷ bỏ mọi cáo buộc chống lại nhà giáo Đặng Đăng Phước và trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện. Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London (Anh Quốc) nói:

Việt Nam phải chấm dứt việc giam giữ các nhà hoạt động chỉ vì họ thực hành quyền tự do biểu đạt của mình. Đồng thời, phải trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người đang bị giam giữ tùy tiện.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) coi ông là nhà hoạt động chống tham nhũng và chống lạm quyền, người bảo vệ nhân quyền và môi trường. Một ngày trước phiên phúc thẩm, tổ chức này cũng thúc giục Việt Nam phóng thích ông ngay lập tức và vô điều kiện.

Theo thống kê của RFA, ông Phước là nhà hoạt động thứ 11 bị kết án trong năm nay và là người thứ sáu bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, một điều khoản được sử dụng để bịt miệng giới bất đồng chính kiến.

Nhiều quốc gia dân chủ kêu gọi Việt Nam sửa đổi hoặc xoá bỏ Điều 117 và một số điều khoản khác trong chương An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự để tương thích với các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

RFA (26.09.2023)

 

 

 

Việt Nam hành quyết Lê Văn Mạnh bất chấp phản đối của các nước phương Tây và gia đình

Tử tù Lê Văn Mạnh tại trại giam ở Thanh Hóa trong một lần được thăm gặp gia đình. Chính quyền Việt Nam cho biết họ đã hành quyết ông hôm 22/9.

 

Chính quyền Việt Nam vừa hành quyết tử tù Lê Văn Mạnh bằng thuốc độc sau hơn 18 năm giam giữ ông bất chấp gia đình kêu oan cho ông và những lời kêu gọi ngừng thi hành án từ các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền trong nhiều năm qua.

Gia đình ông Mạnh hôm 25/9 cho VOA biết họ nhận được thông báo việc ông bị thi hành án hôm 23/9 dù gia đình đã và đang đi kêu oan không ngừng nghỉ cho ông, người bị kết án tử hình tội “giết người” và “hiếp dâm”, trong gần hai thập niên qua.

“Nhận được tin như vậy gia đình cực kỳ sốc, không bao giờ ngờ lại như vậy,” ông Lê Văn Cường, em trai ông Mạnh, nói với VOA và cho biết trong nhiều tháng trước đó gia đình không được thăm gặp anh trai ông tại trại giam ở Thanh Hóa. “Họ giấu, lúc thì bảo là trại có COVID không cho thăm gặp, lúc thì bảo trại đang họp, rồi thì họ lại bảo đang sửa chữa trại. Họ tạo lý do (để) không cho gặp.”

Trong các giấy tờ mà gia đình ông Mạnh nhận được về việc thi hành án mà VOA được xem, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết bản án tử hình ông Mạnh “được thi hành hồi 7 giờ 00 ngày 22 tháng 9 năm 2023.” Thông báo, do gia đình cung cấp, cho biết ông Mạnh đã được chôn cất tại nghĩa trang Chợ Nhàng ở thành phố Thanh Hóa.

Kèm thêm thông báo thi hành án là giấy chứng tử do Ủy ban Nhân dân xã Thu Phong của tỉnh Hòa Bình cấp, trong đó cho biết ông Mạnh “đã chết lúc 08 giờ 45 phút, ngày 22 tháng 09 năm 2023”. Theo trích lục khai tử này, ông Mạnh chết tại “nhà thi hành án tử hình” của Công an tỉnh Hòa Bình, cách Thanh Hóa, nơi ông sinh sống và sau đó được chôn cất, khoảng 150km.

Gia đình Lê Văn Mạnh khóc bên mộ, nơi ông được chôn sau khi bị thi hành án, ở Nghĩa trang Chợ Nhàng ở TP Thanh Hóa.

 

Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thi hành án tử hình ông Mạnh hôm 18/9 nhưng theo gia đình cho biết, họ không thông báo thời gian thi hành án. Thông báo này cho gia đình biết họ có thể làm đơn xin nhận tử thi của ông Mạnh với hạn chót vào ngày 21/9. Bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của ông Mạnh, hôm 19/9 nói với VOA rằng gia đình bà không chấp nhận quyết định này vì cho rằng con trai bà bị kết án oan.

Vào ngày 20/9, phái đoàn Liên minh châu Âu và các cơ quan đại diện ngoại giao của Canada, Na Uy và Anh Quốc đưa ra lời kêu gọi tới chính phủ Việt Nam, yêu cầu họ dừng thi hành án tử hình ông Mạnh. Cùng ngày, nhóm các luật sư ở Hà Nội đại diện cho gia đình ông Mạnh gửi thư tới Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị đình chỉ việc thi hành án và yêu cầu xem xét lại bản án mà họ cho là có “sai sót” và “vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng.”

Ông Mạnh bị kết án tử hình vào năm 2005, lúc 23 tuổi, vì bị kết tội “hiếp dâm” rồi “giết hại” Hoàng Thị Loan, sinh năm 1991, trong vụ án ở xã Yên Thịnh thuộc huyện Yên Định ở Thanh Hóa. Trong 7 phiên tòa xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, ông Mạnh đều nói mình vô tội. Tòa án Thanh Hóa kết tội ông Mạnh dựa trên lời khai “nhận tội” của ông mà ông nói là ông bị tra tấn và nhục hình để phải nhận tội.

Tổ chức Ân xá Quốc tế hồi năm 2015 đã kêu gọi chính phủ Việt Nam cho phép một cuộc điều tra độc lập trước các cáo buộc về việc ông Mạnh bị bức cung để phải nhận tội.

Sau những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế và phản đối từ gia đình, án tử hình ông Mạnh được hoãn lại vào cuối năm 2015. Nhưng tử tù này cuối cùng đã bị hành quyết mà gia đình không được biết.

“Vụ hành quyết Lê Văn Mạnh là một ví dụ nổi bật về mọi điều sai trái trong hệ thống tư pháp Việt Nam,” ông Phil Robertson, phó giám đốc ban Á châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW), nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 23/9, và cho rằng “Việt Nam đang cố che giấu sự thật rằng họ là một trong những quốc gia sử dụng án tử hình nhiều nhất ở châu Á và trên thế giới.”

Ông Robertson kêu gọi chính phủ Việt Nam “cần ngay lập tức giảm bớt tất cả các án tử hình để ngăn chặn những vụ xét xử sai lầm này và tiến tới bãi bỏ án tử hình ngay lập tức.”

Trước đó, các phái đoàn ngoại giao của 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu cùng 3 nước Canada, Na Uy và Anh cũng kêu gọi Việt Nam xóa bỏ hình phạt tử hình khi thúc giục chính quyền ngừng thi hành án ông Mạnh, vì cho rằng hình phạt tử hình không có tác dụng răn đe tội phạm hơn hình phạt tù và không thể sửa chữa được nếu có sai sót mà một khi được thi hành.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về lời kêu gọi của các nước phương Tây và đề nghị của các luật sư tới Chủ tịch nước.

Ông Cường cho biết gia đình ông sẽ tiếp tục đi kêu oan cho anh trai ông dù đã bị hành quyết.

“Lời dặn của anh (tôi) là khi con chết rồi thì bố mẹ với các em vẫn phải đi kêu oan cho con,” ông Cường cho biết về lời dặn của anh trai ông với mẹ trong những lần thăm gặp trước đây. “Cái án oan này, nếu họ giết con rồi mà bố mẹ không đi kêu oan cho con, thì bản án oan này cả đời sẽ đi theo con và theo gia đình mình.”

VOA (25.09.2023)

 

Ân xá Quốc tế: “Thật kinh tởm” khi chính quyền Việt Nam thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh!

Gia đình ba tử tù Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải biểu tình đòi công lý cho họ FB Nguyễn Trường Chinh/ RFA edited

 

Các tổ chức quốc tế lên tiếng sau khi tử tù Lê Văn Mạnh bị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc bất chấp sự lên tiếng của các phái đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế.

Bà Chiara Sangiorgio, chuyên gia về án tử hình của tổ chức Ân xá Quốc tế, trong email gửi tới RFA trong ngày 25/9 khẳng định, mặc dù biết chi tiết rằng vụ án Lê Văn Mạnh có nhiều vi phạm nghiêm trọng và vi phạm quyền được xét xử công bằng, trong đó có cáo buộc tra tấn để buộc nhận tội nhưng chính quyền Việt Nam vẫn xử tử ông chỉ vài ngày sau khi báo cho gia đình biết việc làm đơn nhận thi hài.

Và điều này theo bà Sangiorgio thì “thật là kinh tởm,” bà nói:

“Việc nhẫn tâm theo đuổi việc thi hành án sau các thủ tục tố tụng bất công khiến cho việc tước đoạt mạng sống trở nên tùy tiện.

Vụ án này thật đau lòng và phẫn nộ, đồng thời là một dấu hiệu đáng ngại cho thấy Việt Nam sẵn sàng coi thường hoàn toàn các biện pháp bảo vệ cơ bản nhất của thủ tục tố tụng hợp pháp, ngay cả khi mạng sống bị đe dọa.”

Đại diện của tổ chức quốc tế hoạt động nhằm xóa bỏ án tử hình trên toàn thế giới, cho rằng Việt Nam đang tụt lại phía sau vì vẫn duy trì hình phạt tàn khốc và hèn hạ nhất vào thời điểm mà các nước khác đang xoá bỏ nó.

“Chúng tôi phản đối án tử hình trong mọi trường hợp. Việt Nam phải dừng tất cả các vụ hành quyết như một bước quan trọng đầu tiên trước khi thiết lập lệnh cấm và tiến tới bãi bỏ như hơn 2/3 số quốc gia trên thế giới đã làm.

Các quốc gia không được giết người nhân danh an toàn xã hội và án tử hình không bao giờ là giải pháp cho tội phạm,” đại diện tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London (Anh Quốc) nói.

Trong ngày 23/9, ngay sau khi có thông tin các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh sau 19 năm kêu oan, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã có phản ứng. Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của HRW, nói trong tuyên bố gửi đến RFA:

Việt Nam cố gắng che giấu sự thật rằng họ là một trong những quốc gia áp dụng nhiều án tử hình nhất ở châu Á và trên thế giới, nhưng vụ hành quyết Lê Văn Mạnh là một ví dụ nổi bật về mọi điều sai trái trong hệ thống tư pháp Việt Nam.

Việc công an thường xuyên sử dụng biện pháp tra tấn và hệ thống tòa án không độc lập khác xa với hệ thống tòa án độc lập dẫn đến loại hình phạt cao nhất không thể thay đổi được trong trường hợp bằng chứng ngoại phạm mạnh mẽ của bị cáo bị coi thường.”

Ông kêu gọi Việt Nam ngay lập tức giảm bớt án tử hình để ngăn chặn những vụ án oan và tiến tới bãi bỏ án tử hình ngay lập tức.

Hãng tin AFP dẫn phát biểu của tổ chức Uỷ ban Luật gia Quốc tế (ICJ) cho rằng, việc xử tử Lê Văn Mạnh “là vi phạm quyền sống và quyền tự do khỏi những hình phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục theo luật nhân quyền quốc tế.”

Người phát ngôn của ICJ khẳng định, “Việt Nam phải tham gia vào xu hướng toàn cầu hướng tới việc bãi bỏ án tử hình và thiết lập lệnh cấm sử dụng án tử hình.”

“Báo động” tính mạng của hai tử tù đang còn kêu oan

Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng báo động về tình trạng của con ông và tử tù Hồ Duy Hải đang rất nguy cấp sau khi Lê Văn Mạnh bị tiêm thuốc độc.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 25/9:

Hiện nay tôi rất lo lắng cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải vì mục tiêu của chúng nó là giết thằng Mạnh trước để thăm dò dư luận rồi giết tiếp thằng Chưởng và thằng Hải.”

Lê Văn Mạnh, sinh năm 1982, người liên tục kêu oan trong 19 năm qua sau khi bị kết án tử hình vì bị cho là thủ phạm hiếp dâm và giết chết một bé gái trong năm 2005 ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, đã bị thi hành án vào sáng ngày 22/9.

Ba ngày trước đó, toà án tỉnh Thanh Hoá có thông báo thi hành án gửi cho gia đình căn cứ vào công văn của Tòa án nhân dân tối cao ngày 11/8/2023, đồng thời yêu cầu làm đơn nếu muốn nhận xác về để mai táng.

Trong khi đó, Hồ Duy Hải bị kết án tử hình trong vụ án Bưu điện Cầu Voi với hai nhân viên nữ của cơ quan này bị giết chết. Việc kết án người thanh niên này có nhiều sai sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra và kết án, tuy nhiên, bản án vẫn được giữ nguyên qua nhiều phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm ở bốn cấp, kể cả giám đốc thẩm thực hiện bởi Toà án Nhân dân Tối cao.

Ông Nguyễn Trường Chinh nói rằng ông rất bức xúc với cách hành xử độc ác của nhà chức trách, vì ngày 18/9 toà án mới thông báo cho gia đình và chiều 21/9 mới hết hạn nộp đơn mà họ đã tiến hành tiêm thuốc độc ngay trong sáng sớm ngày 22/9.

Ông kêu gọi cộng đồng trong nước và quốc tế tiếp tục lên tiếng và mạnh hơn nữa để cứu lấy cuộc sống của hai tử tù còn lại.

Rất mong cộng đồng mạng và mọi người yêu công lý và tự do trên thế giới cố gắng lên tiếng cứu giúp hai từ tù còn lại, hai tử tù oan là Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải vì hiện nay cuộc sống của họ là tính từng giây từng ngày.”

Bà Nguyễn Thị Việt cho RFA biết gia đình bà rất bất ngờ về việc con trai Lê Văn Mạnh bị thi hành án nhanh như vậy.

Ngay khi gia đình nhận được thông báo làm đơn đăng ký nhận xác, bà đã đi ra Hà Nội để kêu oan cho con trai mình ở một số cơ quan trung ương như Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước.

Sáng 23/9, gia đình tôi mới nhận được cái giấy nói thi hành Lê Văn Mạnh rồi, thi hành án ở ngoài nhà tiêm thuốc độc tỉnh Hòa Bình, đem xác về chôn cất ở (nghĩa trang-PV) Chợ Nhàng, thành phố Thanh Hóa.

Hắn đưa giấy thông báo Lê Văn Mạnh đã thi hành rồi cho con trai tôi ở nhà, có kèm theo trích lục án tử.

Gia đình tôi không được gặp mặt lần cuối mà nó cũng không thông báo là ngày thi hành án. Gia đình tôi đâu có biết mãi đến khi có giấy thông báo thi hành án và chôn xác ở (nghĩa trang-PV) Chợ Nhàng thôi.”

Bà cho biết trong hai tháng qua, gia đình bà có đến trại giam để thăm con trai nhưng trại giam không cho gặp, nói là đề phòng lây lan COVID. Bà nghẹn ngào cho biết, gia đình cũng không được mời đến để chứng kiến việc thi hành án bằng tiêm thuốc độc.

Trước đó, Phái đoàn ngoại giao của Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán các nước Vương quốc Anh, Vương quốc Na Uy và Canada đã ra một thông cáo chung kêu gọi Việt Nam dừng thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh và điều tra về cáo buộc tra tấn để bức cung người này, tuy nhiên Việt Nam phớt lờ kiến nghị này.

RFA (25.09.2023)

 

LHQ quan ngại việc Việt Nam bắt giữ chuyên gia năng lượng Ngô Thị Tố Nhiên

Ông Volker Türk, Cao ủy Nhân quyền LHQ (phải) và bà Ravina Shamdasani, người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ.

 

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc bày tỏ quan ngại về việc chính quyền Việt Nam bắt giữ chuyên gia năng lượng xanh Ngô Thị Tố Nhiên, người từng cộng tác với các cơ quan của LHQ và Hoa Kỳ, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội và ký các thỏa thuận kinh doanh và nhân quyền, theo Reuters.

Bà Ravina Shamdasani, người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) nói với Reuters trong một tuyên bố: “Chúng tôi đã biết về vụ bắt giữ này và đang theo dõi diễn biến với sự quan ngại”.

Ngày 15/9, Công an Hà Nội bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Điều hành Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE), một tổ chức tư vấn độc lập tập trung vào chính sách năng lượng xanh, Reuters đưa tin tuần trước trích dẫn một tổ chức nhân quyền và một nguồn tin.

Theo hồ sơ của bà Nhiên trên trang LinkedIn, bà từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID).

Bà “đã tham gia các sự kiện quốc tế và trong nước, bao gồm các cuộc tham vấn do UNDP tổ chức về chủ đề chuyển đổi năng lượng”, UNDP tại Việt Nam xác nhận trong một email gửi tới Reuters.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội chưa trả lời các yêu cầu bình luận.

Trong hai năm qua, Việt Nam bắt giữ 5 nhà bảo vệ nhân quyền môi trường với cáo buộc “trốn thuế”, người phát ngôn của OHCHR cho biết vào tháng 6, lưu ý rằng các vụ bắt giữ này xảy ra trong khi Việt Nam đang đàm phán để nhận tài trợ quốc tế cho quá trình chuyển đổi năng lượng khỏi than đá, trong đó Việt Nam là quốc gia sử dụng than đá chính.

Bà Nhiên rất kín đáo trước công chúng và được xem như là một chuyên gia chứ không phải một nhà hoạt động.

Chính phủ Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào về việc bắt giữ bà Nhiên và không trả lời yêu cầu bình luận.

Hôm 22/9, Việt Nam cũng xử tử một người đàn ông tên Lê Văn Mạnh, người bị kết án tử hình vào tháng 7/2005 sau khi ông bị kết tội “giết người, hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản”.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi tạm dừng việc xử tử ông Mạnh.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết ông Mạnh có bằng chứng ngoại phạm mạnh mẽ nhưng bị bỏ qua.

VOA (25.09.2023)

 

 

Báo cáo LHQ: Không gian cho tổ chức xã hội dân sự Việt Nam ‘bị thu hẹp’

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,

 

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, việc chính phủ Việt Nam tăng cường kiểm soát hoạt động các tổ chức xã hội dân sự đã ngăn cản họ cùng tham gia với Liên Hiệp Quốc

Không gian hoạt động cho các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã bị thu hẹp, dưới sự kiểm soát ngày càng mạnh tay từ chính phủ, theo UN Secretary-General’s 2023 report on reprisals (Báo cáo về sự trả đũa năm 2023 do Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc công bố).

Theo báo cáo vừa được công bố vào ngày 19/09, chính phủ Việt Nam đã tăng cường kiểm soát hoạt động các tổ chức xã hội dân sự, ngăn cản họ tham gia vào nỗ lực chung của Liên Hiệp Quốc.

Việc áp đặt các luật pháp mang tính hạn chế cũng đã tác động một cách tiêu cực đến khả năng và tính sẵn sàng của các tổ chức dân sự trong việc tham gia chung này với Liên Hiệp Quốc, theo báo cáo.

Một số đối tác xã hội dân sự lâu năm của Liên Hiệp Quốc, theo báo cáo, đã bị hạn chế trong việc tham gia công khai trong các cơ chế nhân quyền, bao gồm các cuộc báo cáo xem xét do Ủy ban Nhân quyền và Ủy ban về Quyền Trẻ em của Liên Hiệp Quốc mang tính thường kỳ, dẫn đến chu kỳ thứ tư xem xét thường kỳ toàn diện về Việt Nam phải diễn ra từ tháng Tư đến tháng 05/2024, vì lý do sợ bị chính quyền trả đũa.

Tên của các tổ chức này cùng chi tiết đồng thời cũng không được Liên Hiệp Quốc công bố với cùng lý do trên.

Báo cáo được Liên Hiệp Quốc thực hiện trong thời gian từ 01/05/2022 đến 30/04/2023, bao gồm từ các nước Afghanistan, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Maldives, Myanmar, Pakistan, Philippines, và Việt Nam.

Bình luận về báo cáo này hôm nay 25/09 với BBC News Tiếng Việt, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói:

“Chính phủ Việt Nam nhúng tay vào việc trấn áp mang tính hệ thống nhằm vào tổ chức dân sự trong nước, và việc Liên Hiệp Quốc cuối cùng đề cập đến vấn đề này là rất đáng hoan nghênh. Đảng Cộng sản Việt Nam đang nhắm đến các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân được xem là nhân tố mà đảng gọi là ‘bị diễn biến hòa bình’ và huy động tất cả các công cụ và bộ máy chính phủ nhằm vào họ.

Vấn đề là rất nhiều chính phủ như Mỹ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) đang bận rộn nhìn theo một chiều hướng khác vì họ xem Hà Nội là một đối tác thương mại quan trọng, và là một nơi phòng hộ ngoài Trung Quốc. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc nên được xem là một lời kêu gọi cộng đồng quốc tế đứng lên và đòi hỏi chính phủ Việt Nam chấm dứt làn sóng đàn áp và tôn trọng quyền của các nhà hoạt động lẫn các tổ chức phi chính phủ làm việc để hỗ trợ người dân Việt Nam.”

Chính phủ Việt Nam cho đến nay, chưa đưa ra phản hồi chính thức về báo cáo mới được công bố của Liên Hiệp Quốc.

Luật trốn thuế ‘phức tạp và không rõ ràng’

NGUỒN HÌNH ẢNH,GOETHE INSTITUTE Chụp lại hình ảnh,

 

Bà Ngô Thị Tố Nhiên là nhà hoạt động môi trường thứ sáu bị bắt giữ trong vòng hai năm qua, sau các trường hợp bà Hoàng Thị Minh Hồng, Ngụy Thị Khanh, Bạch Hùng Dương, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách

Theo 2022 United Nations Country Annual Results (Báo cáo Thường niên Quốc gia năm 2022 của Liên Hiệp Quốc) được công bố vào tháng 6/2023, trước sự kiểm soát ngày càng gia tăng của chính phủ Việt Nam trong các hoạt động đã dẫn đến kết quả là nhiều tổ chức đã tránh né việc đăng ký với danh nghĩa là tổ chức phi chính phủ (NGO) hoặc tổ chức xã hội dân sự (CSO) và tìm kiếm các hình thức pháp lý khác.

Vào tháng Sáu, báo cáo cũng nêu rõ các tổ chức phi chính phủ bị ảnh hưởng nhiều nhất là thuộc lĩnh vực nhân quyền, bình đẳng và chống phân biệt giới, pháp quyền và quản trị. Các đối tác chính phủ và tổ chức phi chính phủ đã thể hiện sự chần chừ tham gia các cơ chế nhân quyền quốc tế, bao gồm các cơ quan theo công ước của Liên Hiệp Quốc.

Theo thông tin mà Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) nhận được, việc áp đặt các điều luật hạn chế mang tính tranh cãi, bao gồm các điều khoản trong Bộ luật Hình sự được định nghĩa không rõ ràng liên quan đến tuyên truyền chống phá nhà nước và các khung quy định của những NGO, đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng và tính sẵn sàng trong việc tham gia vào các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc.

Trong thời gian từ 01/05/2022 đến 30/04/2023, báo cáo nêu rằng các tổ chức nhân sự bị cho đã lưỡng lự trong việc “bắt tay” với Liên Hiệp Quốc như một đối tác để nhận nguồn quỹ từ Liên Hiệp Quốc vì lo sợ bị điều tra hoặc vi phạm các luật trốn thuế phức tạp và không rõ ràng.

Việt Nam hiện là một trong 14 quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025.

Ngày 15/09, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE), hôm 15/9, ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden tới Hà Nội, theo tin từ Dự án 88 (The 88 Project).

Vào thời điểm bị giam giữ, bà Nhiên đang hợp tác với văn phòng Việt Nam của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) để thực hiện chương trình Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), một cam kết trị giá 15,5 tỷ USD của G7 và các nước khác nhằm giúp Việt Nam giảm sử dụng than, vẫn theo Dự án 88.

Bà Ngô Thị Tố Nhiên là nhà hoạt động môi trường thứ sáu bị bắt giữ trong vòng hai năm qua, sau các gương mặt nổi trội như bà Hoàng Thị Minh Hồng, Ngụy Thị Khanh, Bạch Hùng Dương, Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách.

Cả năm vụ trước đây đều bị cáo buộc trốn thuế.

Bà Ngụy Thị Khanh đã được trao trả tự do sau 16 tháng tù vào tháng Năm, lý do được thả trước hạn của bà Khanh đã không được đề cập.

Vào ngày 10/09, theo Reporters Without Borders, nhà báo Mai Phan Lợi đã được trả tự do sau 18 tháng tù giam, trước chuyến đi của Tổng thống Biden đến Việt Nam.

Trước đó, ông Mai Phan Lợi, cựu Chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng – MEC bị kết án 48 tháng tù giam vào tháng 7/2021, và được giảm xuống còn 45 tháng vào tháng 8/2022 cùng vì tội trốn thuế.

Nhân quyền bị Mỹ gạt ra rìa?

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,

 

Theo Human Rights Watch, Việt Nam đang giam giữ hơn 160 tù nhân chính trị

Phụ lục số II của báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng bao gồm những thông tin về tình hình của ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban, tín đồ theo đạo Tin Lành, người Thượng sinh sống tại Đắk Lắk và nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang.

Cụ thể ngày 28/04/2023, ông Y Khiu Niê và ông Y Sĩ Êban, hai hoạt động nhân quyền người Thượng đã bị chính quyền không cho xuất cảnh để giảm dự Hội nghị (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief Conference – SEAFORB) được tổ chức ở Bali (Indonesia) vào tháng 11/2022.

Báo cáo nêu chi tiết, vào ngày 06/11/2022, ông Niê và ông Êban bị chặn lại và thẩm vấn ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo báo cáo của OHCHR vào ngày 28/04/2023, cảnh sát Việt Nam bị cáo buộc đã đe dọa ông Y Khiu Niê về khả năng bỏ tù và ép ông phải ký một tài liệu có nội dung sẽ dừng mọi liên lạc với các tổ chức nhân quyền, đặc biệt có mục đích đưa thông tin lên Liên Hiệp Quốc và các chính phủ nước ngoài.

Theo OHCHR, trong các cuộc thẩm vấn, cảnh sát được cho là đã thông báo với ông Y Khiu Niê rằng ông bị theo dõi. Ông Y Khiu Niê và ông Y Sĩ Êban được thả vài giờ sau đó.

Về trường hợp nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt giữ vào tháng 10/2020, báo cáo cũng nêu về việc bà Trang được cho phép gặp mẹ và em trai lần đầu tiên gần một năm sau đó – ngày 07/09/2022.

Vào ngày 01/10/2022, bà Trang bị chuyển tới trại giam An Phước, ở tỉnh Bình Dương mà gia đình không hề nhận được thông báo. Vào tháng 10/2022, gia đình bà Trang được phép thăm gặp. Bà Trang bị cho đã không nhận được đầy đủ sự chăm sóc y tế trong tù, theo nội dung báo cáo của Liên Hiệp Quốc.

Trong tuyên bố chung nâng cấp mối quan hệ lên tầm ‘Đối tác chiến lược toàn diện’ vào ngày 10/09 dài 2.600 từ của Việt-Mỹ sau chuyến đi của Tổng thống Biden đến Hà Nội, phần về cho nhân quyền chỉ chiếm 112 từ, bao gồm cả phần tiêu đề, cụ thể:

“Tổng thống Biden nhấn mạnh tính phổ quát trong lĩnh vực nhân quyền và tầm quan trọng trong sự hợp tác song phương của hai nước để thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do mang tính nền tảng, bao gồm tự do biển đạt, lập hội, tự do hội họp, và tôn giáo hay niềm tin, ở trong nước và nước ngoài.”

Tuyên bố này đã khiến một số tổ chức bảo vệ nhân quyền chỉ trích.

Trong chuyến công du đến Hà Nội khoảng 24 giờ đồng hồ, người đứng đầu Nhà Trắng có vẻ không gặp gỡ nhóm các tổ chức xã hội dân sự hay các nhà hoạt động, vốn là một thông lệ thường thấy của các quan chức cấp cao Mỹ khi đến Việt Nam.

Tháng 8/2021, Phó Tổng thống Kamala Harris có gặp đại diện gồm những người làm việc trong những lĩnh vực môi trường, bình đẳng giới, vấn đề chuyển giới, vấn đề người đồng tính, cũng như những tổ chức hỗ trợ những người khuyết tật. Điều này cũng được cho là một động thái chỉ chạm vào phần nổi của vấn đề xã hội dân sự ở Việt Nam.

Khác với hồi Tổng thống Obama thăm Việt Nam vào năm 2016, ông đã gặp sáu nhà hoạt động và nói rằng có “những lãnh vực quan trọng cần quan tâm” về tự do chính trị. Ông cũng thẳng thắn lên tiếng việc một số thành viên của xã hội dân sự tại Việt Nam đã bị chặn lại khi gặp ông – đơn cử là nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang.

Reuters ngày 12/09 dẫn lời bà Carolyn Nash, Giám đốc châu Á từ Amnesty International nói “Chính quyền của ông Biden rõ ràng đang gạt vấn đề nhân quyền ra bên lề vì lợi ích thúc đẩy hợp tác với các chính phủ được xem có tầm quan trọng về mặt chiến lược – và phát đi một thông điệp Mỹ sẵn sàng chấp nhận việc ngang nhiên không bảo vệ và tôn trọng nhân quyền.”

Theo Human Rights Watch, Việt Nam đang giam giữ hơn 160 tù nhân chính trị. Chỉ tính riêng trong tám tháng đầu năm nay, đã có 15 người bị kết án.

BBC (25.09.2023)

 

 

Nhiều tù nhân bị kết án oan – sai bởi điều luật hình sự 109, 117

Oan án vì… chính trị hóa

Trả lời phỏng vấn của đài VOA Hoa Kỳ số phát hành ngày 21-9-2023, ông Nguyễn Bắc Truyển đã chia sẻ câu chuyện ông được phóng thích sang Đức, với những ý như sau:

“Vào ngày 3-9-2023 Bộ công an đã vào trại giam Gia Trung để làm việc trực tiếp với tôi và đề nghị tôi hai vấn đề: Một là, điền vào đơn để cấp hộ chiếu, hai là, làm đơn tạm hoãn thi hành án với lý do xuất cảnh định cư. Và tôi đã đáp ứng được yêu cầu thứ nhất là điền vào đơn xin cấp hộ chiếu.

Tuy nhiên, đơn xin tạm hoãn thi hành án gửi Tòa án Tối cao thì tôi không làm. Bởi vì đối với bản án đã buộc tội oan sai tôi, tôi không công nhận từ khi vào trại tạm giam. Từ khi bị bắt cho tới nay thì tôi vẫn không công nhận bản án đó”.

“Tôi là một nhà hoạt động về nhân quyền, chú trọng của tôi là hoạt động về vấn đề quyền tự do tôn giáo. Tôi luôn luôn nghĩ về mục đích và trách nhiệm của mình trong vấn đề hoạt động nhân quyền. Nên khi Nhà Nước Việt Nam buộc tội tôi là có “âm mưu lật đổ chính quyền” tôi cảm thấy rất là oan sai. Bởi vì tôi không bao giờ có ý định đó. Tôi cũng không có khả năng để làm cái chuyện đó. Tôi chỉ hoạt động nhân quyền”.

Lúc còn ở Việt Nam, trong một chia sẻ với thân hữu báo chí, luật sư Đặng Đình Mạnh từng đưa ra nhận xét: “Tôi tin rằng cả ba người, ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đã phải chịu một bản án hết sức bất công. Các ông ấy chỉ thực hiện những quyền do Hiến pháp Việt Nam quy định: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội. Nhưng rất tiếc là những điều đó bị đẩy đi quá xa, đến mức ba ông phải ra tòa như những người vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Hiện tại thì cả 3 người đàn ông được kể tên đó đều trong vòng lao lý, nhưng có lẽ nếu họ được hỏi tương tự như vấn đề mà VOA đã nêu với ông Nguyễn Bắc Truyển, chắc hẳn họ cũng sẽ có chung câu trả lời là công việc của họ, đúng ra thì nhà nước Việt Nam phải ủng hộ thay vì kết án. Bởi nhà nước Việt Nam cũng đã ký kết những vấn đề nhân quyền với quốc tế, do vậy nên tôn trọng và thực hiện đầy đủ các quyền này để cho người dân mình có một cuộc sống tự do, hạnh phúc và thịnh vượng.

Như vậy, nếu hiểu thuần theo cách diễn giải ngôn từ pháp lý, ở đây các ông Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn đã bị cáo buộc oan – sai về tội danh mà họ không thực hiện.

Thế nào được xem là “án oan” – “án sai”?

Theo từ điển tiếng Việt thì “oan” là bị quy tội không đúng, phải chịu sự trừng phạt một cách sai trái, vô lý. Ví dụ: Kết tội một người khi người đó không thực hiện hành vi phạm tội, hoặc kết án họ ở một tội nặng hơn so với hành vi mà họ đã thực hiện. Chẳng hạn như: kết tội họ phạm tội “Giết người” trong khi các chứng cứ cho thấy họ phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Nghĩa thông thường của từ “sai’’ được hiểu là “không phù hợp với cái hoặc điều có thật, mà có khác đi”. Trong tố tụng hình sự việc giải quyết vụ án sai là trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được giao một cách không khách quan, trái với những quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, oan và sai trong tố tụng hình sự là hai hiện tượng hoàn toàn khác nhau, nhưng có mối quan hệ với nhau: Việc làm “oan” người vô tội luôn luôn là hệ quả của hành vi trái (sai) pháp luật, còn “sai” được hiểu là tính chất của hoạt động hoặc chất lượng giải quyết vụ án hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp hành vi sai pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng không dẫn đến việc làm oan người vô tội. Ví dụ: Trong quá trình điều tra, điều tra viên đã  hỏi cung bị  can không đúng quy định của luật tố tụng hình sự như hỏi cung ban đêm,… hoặc do thiếu trách nhiệm trong việc đánh giá chứng cứ của vụ án, thẩm phán đã áp dụng điều luật quy định tội phạm của Bộ luật hình sự không phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo.

Những trường hợp sai kể trên không thuộc nội hàm khái niệm oan. Do vậy, “oan” và “sai” không được đồng nhất với nhau. Cần thiết sử dụng cụm từ “oan, sai” hoặc oan, sai độc lập trong những tình huống thích hợp. Sự nhầm lẫn trên mặc dù chỉ là về mặt ngôn ngữ, nhưng trong khoa học pháp lý thì ngôn ngữ pháp lý phải được sử dụng một cách chính xác, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Thay cho lời kết

Trong một trả lời với kênh BBC Tiếng Việt, dân biểu Đức – bà Renate Künast, người đang nhận bảo trợ cho các nhà báo độc lập Việt Nam, cho rằng “Tội tuyên truyền chống nhà nước” là một sự quy kết dễ dãi, nhằm ngăn chặn những người phê phán chính phủ.

Quy việc phê phán chính phủ thành một tội là không phù hợp với khuôn khổ của một nhà nước pháp quyền”, bà nói.

“Để quyền tự do biểu đạt được thực hiện thì các phóng viên cần phải có quyền đánh giá, đưa tin về các vấn đề chính trị. Cho dù mỗi phóng viên là một phần trong hệ thống truyền thông của chính phủ hay đứng ở phía đối lập, thì họ cũng cần có quyền phân tích, phê bình một cách độc lập, không bị nhà nước kiểm soát. Đó là điều bình thường. Đó chính là công tác kiểm tra và duy trì cân bằng trong một nền dân chủ” – nghị sĩ Đảng Xanh của Đức Renate Künast ý kiến.

Trần Dzạ Dzũng

Tham khảo:

https://www.voatiengviet.com/a/nha-hoat-dong-nguyen-bac-truyen-chia-se-cau-chuyen-ong-duoc-phong-thich-sang-duc/7277903.html

https://www.bbc.com/vietnamese/world-55813029

VNTB (23.09.2023)

 

 

Tử tù Lê Văn Mạnh bị thi hành án tử hình vào sáng ngày 22/9

Tử tù Lê Văn Mạnh khi còn ở với gia đình  Công An TPHCM

 

Tử tù Lê Văn Mạnh đã bị thi hành án tử hình vào sáng ngày 22/9 sau hơn 18 năm kêu oan trong một vụ án có nhiều tình tiết, bằng chứng không rõ ràng mà theo các luật sư là không đủ để kết tội.

Luật sư Lê Văn Luân thuộc Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long ở Hà Nội – nơi gia đình tử tù Lê Văn Mạnh đã đến nhờ nộp đơn kêu oan hôm 20/9 – vừa đăng dòng trạng thái trên Facebook cá nhân với nội dung: “Tin và văn bản chính thức cho biết, bị án Lê Văn Mạnh đã bị thi hành án tử hình vào sáng ngày 22/9/2023.”

Trên các trang mạng Facebook đồng thời đăng tải một văn bản “Trích lục khai tử” đề ngày 22/9/2023 của UBND xã Thu Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình cho biết tử tù Lê Văn Mạnh (sinh năm 1982) đã chết vào 8 giờ 45 phút ngày 22/9/2023 tại nhà thi hành án tử hình, Công an tỉnh Hòa Bình, xã Thu Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình.

Trích lục khai tử

 

Trước đó, vào ngày 18/9, gia đình tử tù Lê Văn Mạnh đã nhận được giấy báo có chữ ký của Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh Thanh Hoá về việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với Lê Văn Mạnh.

Ngay sau khi nhận được tin này, gia đình tử tù Lê Văn Mạnh đã nói họ không chấp nhận bản án vì đây là án oan sai và tiếp tục ra Hà Nội để kêu oan cho con.

Năm 2005, khi mới 23 tuổi, Lê Văn Mạnh bị kết tội tử hình về hành vi “hiếp dâm và giết” một nữ sinh ở cùng thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá trong vụ án xảy ra hồi đầu năm đó.

Mẹ của Mạnh là bà Nguyễn Thị Việt cho biết, trong đúng ngày xảy vụ án, bà cùng Mạnh giúp chuyển đồ cho con gái bà cả ngày, và khi trở về nhà vào chiều muộn thì mới nghe tin thiếu nữ ở cùng thôn tên Lan bị giết chết. Bà đã giục con trai và chồng ăn cơm rồi cùng bà con trong thôn đi mò xác của người xấu số trên con sông ở làng.

Bà cho biết vì quần áo của con trai mình đã đem đi giặt trước đó nên Mạnh buộc phải mặc quần đùi rách để đi phụ giúp.

Người trong thôn mò được xác, Mạnh lên bờ với cái quần rách đó nhưng sau đó cởi ra vứt vào bụi cây để mặc quần khác vì bị trêu.

Khi công an về khám nghiệm tử thi và khám nghiệm hiện trường, họ tìm thấy cái quần đùi rách của Mạnh cách đó không xa, cho rằng đó là quần của thủ phạm và từ đó họ bắt người thanh niên này.

Vụ án xảy ra từ ngày 21/3/2005 nhưng đến ngày 20/4 công an Thanh Hóa mới bắt Mạnh về cáo buộc “cướp tài sản” trong một vụ án khác xảy ra ở Đồng Nai.

Sau bốn ngày bị tạm giam, Lê Văn Mạnh tiếp tục bị khởi tố bị can về cáo buộc “giết người, hiếp dâm trẻ em” vì một lá thư gửi cho gia đình thú nhận hành vi phạm tội.

Bà Việt cho biết, con trai bà kể lại là bản thân đã bị điều tra viên tra tấn, đánh vào chỗ hiểm để buộc phải nhận tội, và Mạnh phải viết giấy nhận tội theo ý của điều tra viên nếu không khó có thể bảo toàn tính mạng.

Trong các phiên toà, Mạnh liên tục kêu oan. Luật sư của Mạnh yêu cầu giám định thân thể của bị cáo để xác định liệu có bị tra tấn trong quá trình điều tra không nhưng toà bác bỏ.

Hôm 21/9, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) cùng với Đại Sứ quán của Canada, Vương quốc Anh và Vương quốc Na Uy tại Việt Nam ra tuyên bố chung kêu gọi Hà Nội dừng việc thi hành án đối với ông Lê Văn Mạnh.

Tuyên bố chung đăng tải trên trang Facebook của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đại diện ngoại giao của khối 27 quốc gia và ba quốc gia khác viết:

“Chúng tôi cực lực phản đối việc áp dụng hình phạt tử hình trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, đây là một hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và không bao giờ có thể biện minh được, đồng thời vận động Việt Nam hoãn thi hành tất cả các án tử hình.”

Đây là tuyên bố chung thứ hai của EU và Anh quốc, Na Uy và Canada về án tử hình ở Việt Nam trong hai tháng gần đây. Cuối tháng trước, các quốc gia trên đã ra tuyên bố kêu gọi nhà chức trách Việt Nam dừng thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng, người cũng bị kết tội giết người trong một vụ án hình sự ở Hải Phòng năm 2007.

RFA (22.09.2023)