Tra tấn và án oan – ‘Cặp song sinh’ trong nền tư pháp Việt
Đặng Đình Mạnh
29 tháng 9, 2023
Báo chí trong nước đưa tin về việc Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đăng bản dự thảo thực thi Công ước chống tra tấn, đồng thời, cho biết Việt Nam từng ban hành 56 văn bản để ngăn ngừa, trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn. Như vậy, văn bản dự thảo thứ 57 được kỳ vọng giúp giải quyết tình trạng lạm dụng tra tấn.
Điều khá khôi hài khi mà văn bản pháp luật ban hành nhiều đến như thế, mà vẫn không ngăn chặn được án oan và người chết trong đồn công an, xảy ra tràn lan vì tình trạng công an lạm dụng tra tấn?
Đến mức độ, chỉ khoảng vài tuần hoặc chậm hơn là vài tháng, thì công chúng lại nghe có thông tin nghi can bị tra tấn chết trong trại tạm giam hoặc tạm giữ tại đồn công an. Do vậy, thật khó hình dung rằng có thêm một văn bản mới, văn bản thứ 57 sẽ giải quyết được vấn đề, nếu nguyên nhân cốt lõi vẫn tiếp tục bị phớt lờ.
Nguyên nhân từ con người
Trong khá nhiều vụ án liên quan đến việc công an dùng biện pháp tra tấn để phá án, điều dễ nhận thấy rằng chúng đều được thực hiện ngay tại nơi tạm giam, tạm giữ của cơ quan công an. Do vậy, không thể nào nói thủ trưởng của cơ quan công an hoặc đồng nghiệp không biết.
Họ đều biết cả và đều im lặng chấp nhận sự việc, thật ra, vì tất cả đều một giuộc với nhau về cách họ lạm dụng bạo lực tra tấn nghi can. Do đó, khi xảy ra sự việc chết người, thì họ và kể cả cấp trên đều nhân danh việc giữ uy tín cho ngành công an, tìm cách ém nhẹm, chối từ trách nhiệm. Thậm chí, họ dựng cả hiện trường giả hoặc đưa ra kết luận giả mạo cho rằng nghi can “xấu hổ vì hành vi phạm tội” nên đã tự tử. Dù vậy, vẫn khó thuyết phục thân nhân của họ khi khắp người nạn nhân đầy những vết thâm tím, hậu quả của những trận tra tấn như kẻ thù.
Từ các vụ án oan từng được chính thức minh oan như vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén… hoặc công chúng từng biết như vụ án Lê Văn Mạnh (đã tử hình), Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải… cho thấy, tình trạng điều tra viên dùng nhục hình, tra tấn nghi can xảy ra hết sức phổ biến trong tất cả trại tạm giam hoặc đồn công an.
Những trường hợp cụ thể trên, khiến công chúng không thể nghi ngờ, rằng tại các trường đào tạo nghiệp vụ điều tra hình sự… công an có học về các biện pháp điều tra nào khác không? Hay chỉ học có mỗi biện pháp duy nhất là dùng nhục hình tra tấn nghi can để phá án thôi hay sao?
Thủ phạm các vụ dùng nhục hình tra tấn nghi can không bị trừng phạt, điều đó tựa như được dung dưỡng, khiến cho tình trạng tra tấn không thể chấm dứt.
Khi tình trạng án oan quá phổ biến, chính quyền đưa ra quy định ghi âm, ghi hình các buổi lấy cung, được cho là một trong các giải pháp hạn chế lạm dụng tra tấn. Thế nhưng, thực tế nhiều năm áp dụng quy định ghi âm, ghi hình cũng vẫn không làm giảm tình trạng lạm dụng tra tấn.
Trong phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm vào năm 2020 gây rúng động dư luận xã hội khi ấy, thì rất nhiều clip ghi hình các bị cáo khai nhận tội đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội mang ra trình chiếu trước tòa. Thế nhưng, nhiều bị cáo trong vụ án ấy, khi trả lời câu hỏi của luật sư vào tối ngày 08 Tháng Chín 2020 rằng: “Ai không bị tra tấn thì giơ tay”, thì chỉ có 10 cánh tay trong tổng số 29 bị cáo giơ tay. Chứng tỏ, có đến 19 người dân Đồng Tâm còn lại đã bị các điều tra viên thuộc công an Thành phố Hà Nội dùng nhục hình tra tấn trong quá trình điều tra vụ án.
Thực tế đó cho thấy, trong khá nhiều trường hợp, các clip ghi âm, ghi hình về buổi điều tra hình sự chỉ là kết quả của việc tra tấn để khuất phục người bị tạm giam, tạm giữ trước đó khi chưa ghi âm, ghi hình mà thôi. Dĩ nhiên, cảnh điều tra viên dùng nhục hình tra tấn đã không được ghi âm, ghi hình.
Nhiều bị cáo trong vụ án Đồng Tâm thuật lại với luật sư rất rõ về điều này (trích từ tin nhắn):
“… Chúng xích hai tay xích chân dùng dùi cui thúc vào ngực dùng gót giày đạp vào ngực chích điện vào khắp cơ thể, thậm chí tên đào quang huy điều tra viên pc01 còn đổ nước vào vùng kín của tôi rồi chích điện quên làm sao được” (trích nguyên văn, tác giả tin nhắn không viết hoa tên riêng và không dùng dấu phẩy). Đó là “nghiệp vụ phá án” của công an Hà Nội đối với một phụ nữ là nghi can trong vụ án Đồng Tâm.
Tình trạng lạm dụng tra tấn được… làm ngơ
Bên cạnh yếu tố con người, thì yếu tố trại tạm giam, tạm giữ thuộc quản lý của Bộ Công an cũng là một phần của nguyên nhân gây ra tình trạng lạm dụng tra tấn đối với nghi can. Vì lẽ, do cùng ngành công an, hoặc đã được “quán triệt quan điểm” từ trước, nên quản giáo các trại tạm giam, tạm giữ đã hầu như nhắm mắt làm ngơ về tình trạng lạm dụng tra tấn.
Thế nên, vào khoảng năm 2006, trong một số phiên thảo luận về luật hình sự tại Quốc hội Việt Nam, từng có đề xuất chuyển quản lý các trại tạm giam, tạm giữ cho Bộ Tư Pháp. Thế nhưng, các đề xuất này đã sớm “chết yểu” vì sự phản đối quyết liệt của nhiều đại biểu Quốc hội đang là quan chức ngành công an. Điều này khá dễ hiểu, vì các trại tạm giam, tạm giữ đều đang là những “con gà đẻ trứng vàng”, tạo nguồn thu tài chính khổng lồ cho các quan chức trong ngành. Thế nên, không dễ gì mà họ buông ra.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp giúp hạn chế tình trạng lạm dụng tra tấn đã từng được các luật sư nhắc đến nhiều lần, như: Cần có sự hiện diện của luật sư ngay từ khi bắt giữ nghi can và lấy lời khai. Hoặc, cần công bố ngay cho nghi can về các quyền của họ, trong đó bao gồm quyền nhờ luật sư bảo vệ. Thế nhưng, cho dù có các quy định này được điển chế trong luật tố tụng hình sự, các cơ quan điều tra và các điều tra viên đều phớt lờ hoặc dùng thủ thuật tìm cách vô hiệu hóa. Vì lẽ, một khi có mặt luật sư, thì các điều tra viên không thể buộc con thỏ tự đấm ngực nhận mình là gấu được.
Cho nên, câu chuyện lạm dụng tra tấn và án oan sẽ mãi mãi là cặp song sinh tồn tại trong nền tư pháp Việt Nam. Theo đó, nhân dân, người chủ đất nước sẽ tiếp tục là nạn nhân dưới bàn tay bạo lực của đám đầy tớ trung thành của mình.
Washington DC, Tháng 9-2023