Seite auswählen

Tuấn Khanh

Saigon Nhỏ

 
Cảnh trong ‘Alamo Bay’ (file photo)

Cuộc di dân vĩ đại của người Việt sau Tháng Tư 1975 đã để lại không ít dấu ấn khắc khoải trong nền điện ảnh, âm nhạc của Hoa Kỳ. Những điều được kể lại dưới đây cho thấy cách người dân Việt du nhập vào các tiểu bang, tác động đến đời sống và cả tiến trình phát triển của địa phương.

Âm nhạc

Ít ai biết, ông hoàng nhạc rock và tình ca đồng quê Bruce Springsteen từng cảm hứng viết nên bài hát Galveston Bay, phát hành vào Tháng Mười Một 1995, từ một câu chuyện chấn động nước Mỹ về cuộc đấu tranh sinh tồn của người Việt, trong những ngày đầu học cách bám rễ ở vùng đất mới.

Cần phải biết là Bruce Springsteen là một nhạc sĩ thành danh với khuynh hướng thiên vị dành cho người Mỹ da trắng, nhưng bài Galveston Bay, nằm trong album The Ghost of Tom Joad (1995) là chặng thay đổi lớn trong nhận thức về thế giới của ông. Không chỉ hát và đấu tranh cho quyền lợi của người lao động Mỹ da trắng, Bruce thể hiện suy nghĩ đầy trải nghiệm về sự xung đột của nhân loại, mà màu da nào cũng cần phải được nhìn thấy trọn nỗi niềm.

Bài hát của Bruce Springsteen có cái gì đó bàng bạc và đầy nghẹn ngào như Hai người lính của Phạm Duy. Bruce kể lại câu chuyện có thật về một di dân miền Nam Việt Nam, tên Lê Bình Sơn (?). Là một cựu chiến binh của quân đội VNCH buộc phải rời bỏ đất nước sau khi miền Bắc chiếm đoạt Nam Việt Nam, Sơn đến định cư ở một bờ biển Texas để kiếm sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Bài hát kể rằng Sơn, như mọi ngư dân Hoa Kỳ, đều thức dậy lúc ban mai, hôn lên trán đứa con và rời đi để ra biển.

 

Bruce Springsteen, 1970’s (ảnh: Michael Ochs Archives/Getty Images)

Billy Sutter, cũng là một cựu binh chiến tranh Việt Nam, nay nhận ra rằng, để kiếm sống, ông và Sơn đã trở thành đối thủ của nhau. Định kiến nghề nghiệp, màu da, những xáo trộn sinh hoạt địa phương… đã bị đẩy lên đến mức trở thành một cuộc chiến, được khai mào từ nhóm KKK theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Texas. Người Việt phải kháng cự và cuối cùng bắn chết hai người Mỹ. Phiên tòa xử Sơn là ngày báo chí và giới truyền thông Hoa Kỳ tranh cãi không ngừng. Cuối cùng Sơn được trắng án do được xét về quyền tự vệ.

Billy sat in front of his TV as the south fell
And the Communists rolled into Saigon
He and his friends watched as the refugees came
Settle on the same streets and worked the coast they grew up on

Soon in the bars around the harbor was talk
Of America for Americans
Someone said, “You want ’em out, you got to burn ’em out”
And brought in the Texas klan

Bài hát của Bruce Springsteen được đẩy lên cao trào bằng đoạn Billy Sutter quyết sẽ giết Sơn bằng một con dao, để trả thù cho những người đã chết. Thế nhưng đoạn kết, Billy đã bỏ ý định giết người đàn ông Việt đã chạy xa khỏi quê hương mình, bị dồn đến đường cùng và phải nổ súng một lần nữa. Chắc chắn là không có ý nghĩa hòa giải trong bài hát này, nhưng rõ ràng xét về nhân tính, cả hai người đàn ông đã chọn cùng tồn tại với nỗi đau hiện thực của đời mình.

One late summer night Le stood watch along the waterside
Billy stood in the shadows
His K-bar knife in his hand
And the moon slipped behind the clouds

Le lit a cigarette, the bay was as still as glass
As he walked by Billy stuck his knife into his pocket
Took a breath and let him pass

Bài hát kết thúc bằng hình ảnh người ngư dân Mỹ lại lặng lẽ ra khơi, sau khi hôn lên trán đứa con của mình. Đó chắc cũng là hình ảnh của anh ngư dân Việt. Lối tường thuật bậc thầy của Bruce Springsteen đã mang lại cảm giác hy vọng giữa những điều tuyệt vọng, theo một phong cách ẩn dụ và mang tính phổ quát.

In the early darkness Billy rose up
Went into the kitchen for a drink of water
Kissed his sleeping wife
Headed into the channel
And casts his nets into the water

Of Galveston Bay

___________________

Vào giai đoạn bài hát ra đời, phong trào phản ứng với làn sóng nhập cư của người Việt đang bùng nổ. Nhiều lời kết tội những di dân ngơ ngác mới đến này có thể nghe khắp nơi, rằng họ đang phá hỏng việc làm, lối sống, phong cách sinh hoạt và cả những giá trị truyền thống của nước Mỹ… Trong bối cảnh đó, bài hát của Bruce Springsteen, Galveston Bay, có tác động làm dịu lại những lời chỉ trích.

Nhiều nhà phê bình nhận định câu chuyện của Lê Bình Sơn thậm chí trở nên sống động hơn trong bối cảnh nước Mỹ hiện nay, khi thế kỷ 21 tiếp tục đối diện các làn sóng người tị nạn khắp nơi trên thế giới và nước Mỹ vẫn chứng kiến cảnh những người nhập cư mới liên tục xuất hiện trên đất nước mình. Chủ nghĩa nhân văn và tính bao trùm của Galveston Bay chưa bao giờ gần gũi hơn vào lúc này để nhận diện những con người ở mọi nơi trong khốn khó.

Điện Ảnh

Theo thống kê của Houston – thành phố đông dân nhất tiểu bang Texas, cho đến cuối Tháng Năm 1975, người Việt ở đây chỉ có hơn 100 người, chủ yếu là sinh viên. Nhưng sau đó, chính sách phối trí định cư của chính phủ Mỹ đã đưa khoảng 25,000 người Việt đến Houston, từ năm 1978 đến 1982. Con số này tăng dần về sau, do nhiều người thấy nơi này có khí hậu ấm áp. Với những người xuất thân từ miền Trung Việt Nam vốn quen nghề biển, họ cảm thấy có thể bắt tay vào ngay việc ổn định cuộc sống. Họ nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh của ngư dân Mỹ.

 

Một góc khu chợ người Việt ở Bellaire, Houston, Texas (ảnh: MKim)

Thế là nảy sinh hiềm khích lớn giữa các cộng đồng Mỹ trắng, Mỹ gốc Phi và Mỹ gốc Tây Ban Nha… với người Việt. Hàng ngàn người tị nạn Việt Nam được đưa đến làng Allen Parkway đã đụng độ căng thẳng với những cư dân da đen. Tại các khu vực thuộc Greater Houston dọc Bờ Vịnh, một số cư dân da trắng cũng bày tỏ ác cảm với ngư dân Việt. Khoảng cuối những năm 1970 tại Seabrook, Texas, một nhóm Ku Klux Klan đã tổ chức các cuộc biểu tình chống Việt Nam, và để cảnh cáo, khi yêu cầu ngư dân Việt phải rời bỏ nơi này, hai tàu đánh cá của người Việt đã bị đốt cháy.

Một phần của những diễn biến trên đã được thuật lại trong bộ phim Alamo Bay của đạo diễn Louis Malle, với sự tham gia của ngôi sao điện ảnh Ed Harris, Amy Madigan… cùng vài diễn viên Việt Nam. Phim được phát hành năm 1985. Toàn bộ khung cảnh được quay tại một địa điểm gần Rockport, Texas. Trong chín tuần từ Tháng Ba đến Tháng Năm 1984, đoàn làm phim đã quay tại các thị trấn và làng chài, nơi báo chí địa phương ghi nhận các vụ bạo lực ngoài đời thực đã nổ ra giữa ngư dân Texas và cộng đồng tị nạn Việt Nam.

Trong phim có cảnh những kẻ phân biệt chủng tộc KKK đội mũ và áo choàng trắng đối diện với cộng đồng người Việt. Họ đốt thánh giá và đòi những người nhập cư Việt phải ra đi. Theo lời kể của các vị cao niên từng sống qua thời gian đó, mọi chuyện diễn ra còn đáng sợ hơn trong phim. Nhiều gia đình Việt Nam nửa đêm chợt phát hiện cây thánh giá được trồng trước cửa nhà mình bỗng cháy ngùn ngụt…

 

Một góc khu chợ người Việt ở Bellaire, Houston, Texas (ảnh: MKim)

Viết trên tờ The New York Times xuất bản vào ngày 3 Tháng Tư 1985, nhà báo Vincent Canby nhận định thêm về phim Alamo Bay:

“Năm 1975, sau sự sụp đổ ở Sài Gòn, hơn nửa triệu người tị nạn Việt Nam đã đến Mỹ, với khoảng 100,000 người định cư ở Texas và nhiều người trong số này sống dọc bờ biển Vịnh Mexico. Họ đánh cá và tôm, và bằng sự nỗ lực làm việc, họ dần trở nên khấm khá.

Vì rào cản ngôn ngữ, người Việt Nam, hầu hết theo Công giáo, sống khép kín trong cộng đồng tạm bợ của họ. Khi giá cá và tôm giảm, sự cạnh tranh giữa người Việt và người bản địa ngày càng gay gắt. Năm 1979, một cuộc chiến nổ ra. Suốt vài năm, KKK liên tục tấn công và phá hoại tàu thuyền và nhà cửa của người Việt.

Uất ức, năm 1980, một thanh niên Việt Nam bắn chết một ngư dân tên Billy Joe Aplin. Với những người da trắng đang gặp khó khăn về kinh tế, và nhiều người trong số họ từng tham chiến ở Việt Nam, thì những người tị nạn Việt Nam là bọn “gook” (hạ đẳng da vàng) và trong đó có thể có Cộng sản. Theo cách nhìn của người da trắng thì những người tỵ nạn này, được Chính phủ Hoa Kỳ cứu, bằng máu Mỹ, đã đến đây chỉ để bòn rút miếng ăn của người bản xứ…”

Lịch sử người Việt tỵ nạn nhập cư ở Houston nói chung còn có những điều không được nói rõ, đặc biệt những gì xảy ra vào những ngày đầu khi người Việt đặt chân đến đây. Trong nhiều năm hùng cứ, băng đảng KKK luôn gây khiếp sợ cho các nhóm dân thiểu số. Chỉ khi người Việt đến, sự tung hoành của KKK mới bị đẩy lùi. Sự quyết liệt và sẵn sàng đối đầu của những người Việt mất quê hương đang tuyệt vọng, phải cố bám vào cuộc sinh tồn khốc liệt mới, đã khiến các vụ đáp trả KKK trở thành sống còn.

Hình ảnh những cuộc xung đột trong phim và nhạc giữa người Việt tỵ nạn và những kẻ phân biệt chủng tộc quá khích không được tô đậm nhưng đó dù sao cũng là phần tái hiện chính xác lịch sử cuộc đấu tranh của những người tỵ nạn Việt Nam chống lại KKK vào những năm 1980.

Ngày hôm nay, giữa những con đường lớn ở Houston, ít người nhận ra rằng, sự hòa trộn bình đẳng sinh hoạt như đang thấy thật ra ẩn chứa một lịch sử đầy cam go và khiêm nhường ít được biết, được góp phần tạo nên từ sự hình thành của cộng đồng người Việt tỵ nạn trên đất Mỹ trong những ngày đầu mà sự sinh tồn của họ đồng nghĩa với việc bảo vệ nhau và đoàn kết cùng nhau.