Seite auswählen

Về sự thành lập „Liên hiệp Hội Phụ nữ VN tại Đức“

 

3.10.2023

 

BBT: Bài đăng lên để cho người Việt ở hải ngoại mong mỏi đất nước được tự do dân chủ thấy sự cần thiết phải làm gì để cộng đồng mình ở đây không bị chi phối bởi chế độ độc tài trong nước.

Facebook NguoiViet.de xin giới thiệu cảm nhận cá nhân của nhà thơ Sa Huỳnh về sự kiện thành lập mái nhà chung cho chị em phụ nữ người Việt ở Đức vừa diễn ra cuối tuần qua.

Hôm Chủ nhật, ngày 01.10.2023, tại Berlin có một sự kiện sinh hoạt cộng đồng tương đối quan trọng, với sự tham dự của khoảng 350 người, mà đại đa số là phụ nữ, từ nhiều vùng trên nước Đức, đã tụ họp để chính thức cho ra đời một tổ chức, lấy tên là „Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức“ (LHHPNVN).

Tân Chủ tịch Trịnh Thị Mùi ở giữa và 8 Phó Chủ tịch LHHPNVN

Đây là một sinh hoạt mới nổi bật, sau sự kiện thành lập „Ban trù bị Liên hiệp hội người Việt tại Đức“, mà doanh nhân Nguyễn Văn Hiền được bầu làm Trưởng ban, vào dịp tháng 9 năm 2022 vừa qua.

Nhìn chung, sự tổ chức lần này bài bản hơn, chuyên nghiệp và theo đúng qui trình pháp luật cho một hội đoàn dân sự tại Đức.

Nếu như lần trước, việc tổ chức phần lớn do nhà nước Việt Nam, đại diện là Đại sứ quán tại Berlin, đứng ra lo hầu hết mọi việc từ A đến Z, từ khâu giới thiệu nhân sự vào Ban trù bị, đến khâu tổ chức bầu, rồi đến khâu kiểm phiếu và tuyên bố kết quả, đã gây ra bất bình cho những người tham dự, lẫn phê phán từ trong dư luận cộng đồng, vì sự thiếu minh bạch, nhiều yếu tố bất ngờ gây khó chịu, cũng như không tuân đúng điều lệ thành lập hội dân sự tại Đức, thì lần này mọi việc đã nghiêm chỉnh hơn.

ĐS Vũ Quang Minh và phu nhân, Chủ tịch Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu Nguyễn Việt Triều và UV UBTU MTTQVN Phan Bích Thiện cùng phu quân Chủ tịch Trịnh Thị Mùi chụp ảnh lưu niệm với BCH LHHPNVN

Nhìn bên ngoài, mọi người thấy Đại sứ quán không đóng vai trò chỉ đạo chủ chốt như lần trước nữa, mà chủ yếu do các chị em phụ nữ gánh vác mọi công việc, mọi khâu, với nhiều áp lực về thời gian. Theo lời bà Trịnh Thị Mùi, người đứng đầu Ban trù bị trước đây và hiện là Tân Chủ tịch, đó là 32 ngày đêm không ngủ vì lo lắng. Ngày thứ 33 là ngày bầu cử, chọn ra trong số 132 hội viên có mặt, một Ban chấp hành gồm 29 phụ nữ, trong đó có 1 Chủ tịch và 8 Phó chủ tịch, để đảm đương công việc của Liên hiệp trong tương lai. Họ là lãnh đạo các Hội đoàn, doanh nhân thành đạt, hay thành phần trí thức, của nhiều thế hệ, từ 5x đến 8x.

Ban chấp hành gồm 29 phụ nữ.

Cách trang trí Hội trường lần này cũng rất nhẹ nhàng. Không nhiều hoa, không biểu ngữ, không cờ xí lòe lẹt. Cũng theo bà Trịnh Thị Mùi, Ban tổ chức đã cố đơn giản, bỏ những hình thức vô bổ này, và cũng để tiết kiệm mọi chi phí. Cả màn chào cờ nặng nề, mà những hội đoàn khác hay làm, Ban tổ chức cũng không thực hiện trong phần khai mạc.

Trong chương trình ca-vũ-nhạc giúp vui, khi mở đầu hay khi chờ đợi kết quả bầu cử, bà cũng chú ý đến nội dung, tránh nhũng bài ca „máu lửa“. Bà bảo tôi rằng, rất quan tâm đến một chính sách đoàn kết, hòa hợp hòa giải trong phong trào chị em phụ nữ. Bởi con đường phát triển hội viên, đến được với mọi người, mọi vùng miền trên quê hương nước Đức, còn rất dài và phức tạp ở phía trước.

Và cũng theo bà, LHHPNVN phải là một mái nhà chung, phục vụ lợi ích cho cộng đồng, lan tỏa yêu thương, góp phần làm cộng đồng vững mạnh và đoàn kết, không phân biệt Đông-Tây-Nam-Bắc.

Phần khó khăn và phức tạp nhất là chương trình thông qua điều lệ, và phần giới thiệu các ứng viên vào Ban chấp hành, cũng đã diễn ra nhanh gọn, vì Ban tổ chức đã chuẩn bị chu đáo từ những ngày qua. Hơn nữa nhờ sự dẫn dắt chương trình rất khéo léo, đầy kinh nghiệm của MC Phạm Gia Hậu, nên mọi việc cũng diễn ra trong một trình tự suôn sẻ.

Theo thông tin từ người tham dự, khâu kiểm tra an ninh ra vào hội trường, do một bộ phận người Đức đảm nhiệm, rất chu đáo và kỹ càng. Theo người này, có thể mục đích là nhằm ngăn chặn những người không có giấy mời.

Sự đề phòng như vậy cũng có lí do của nó. Vì trước ngày tổ chức, trên cộng đồng mạng đã có nhiều thông tin gây nóng dư luận. Cụ thể có thông tin cho rằng, có chị xin đăng kí tham gia từ sớm, thế mà bị từ chối, lí do Ban tổ chức nêu ra là đã đủ người, không còn chỗ trong Hội trường. Ngược lại, có chị, dù đã được mời trở thành hội viên, nhưng lại từ chối tham gia, vì Ban tổ chức không thỏa mãn được những yêu cầu chị đã đặt ra. Có chị cũng từ chối không vô hội, vì Ban tổ chức không thể dành cho một vị trí đúng mức, thích hợp với nghiệp vụ của chị, trong Ban chấp hành tương lai. Ở đây chúng ta không bàn cãi ai đúng ai sai, nhưng điều này chừng mức nào cũng gây xôn xao…

Đấy là chưa kể đến tâm lí của một số bà con cộng đồng, khi nhìn lại vết xe đổ của Liên hiệp ngày xưa, do Giáo sư Nguyễn Văn Thoại làm Chủ tịch, họ lo ngại chính đáng rằng, rồi mọi việc lại sẽ gây chia rẽ, thất vọng và chán nản cho mọi người, tạo tai tiếng không tốt cho cộng đồng người Việt, dưới cái nhìn của chính quyền Đức. Từ tâm lí đó, họ thấy không cần thiết phải thành lập ra một LHPN như thế. Chưa kể những chị đầu đàn nay đã luống tuổi hết, sức lực cũng sắp lụi tàn.

Một số người đi xa hơn, đặt câu hỏi: Còn lớp trẻ sinh ra ở Đức thì sao? Để trả lời câu hỏi này, một số bà con cho rằng, những bậc cha mẹ có con đều dễ nhận biết, chúng nó chẳng cần!

Vì cuộc sống ở Đức đã cho chúng nó mọi điều cần thiết, từ nhà trường cho đến ngoài xã hội. Chúng nó không có rào cản ngôn ngữ như cha mẹ. Đủ khả năng tiếp xúc và tự bảo vệ được mình. Quyền lợi chúng nó được pháp luật, hay công đoàn bảo vệ, chẳng ai áp bức chúng nó được chuyện gì, nên chẳng cần phải qua một LHPN.

Thành ra, trong cộng đồng hình thành 2 xu hướng.

Một số khách mời nam chụp ảnh cùng chị em

Nhóm có cái nhìn tích cực, cho rằng sự ra đời của LHHPNVN là một bước tiến, nhằm tạo sân chơi chung cho chị em, phát triển và bảo vệ quyền lợi trước nhà nước Đức và Việt Nam; giúp chị em giải quyết một số vấn đề từ trong gia đình, hay ngoài xã hội; giúp có nơi tụ họp vui chơi, trao đổi kinh nghiệm làm việc hay kinh doanh. Và trong những trường hợp đặc biệt trong quá khứ, như tổ chức biểu tình bảo vệ biển đảo quê hương, hay chung tay, góp sức tương trợ trong đại dịch Covid, chị em có thể vận động nhanh chóng và hiệu quả.

Nhóm khác thì lại bảo, đây lại là một tổ chức… háo danh, đánh bóng tên tuổi, lợi dụng chức vị để được lợi cái này cái nọ.

Khi nói chuyện với bà Chủ tịch về vấn đề này, bà bảo, anh Sa Huỳnh chắc thừa biết, không ai hoàn hảo để có thể làm vừa lòng hết mọi người, nhất là trong một cộng đồng phức tạp, như cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức.  Chính vì vậy nhiều khi mình phải chấp nhận bỏ người này, sánh bước cùng với người kia, chỉ vì muốn giữ lấy sự thành công chung của tổ chức. Bà cũng nói thêm rằng, theo kinh nghiệm bản thân, những ai cố làm vừa lòng hết tất cả mọi người, thường là sẽ chuốc lấy thất bại mà thôi.

Với cái nhìn khoa học khách quan, chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng, có hai luồng suy nghĩ trái chiều nhau như thế, đang hiện diện trong cộng đồng người Việt ở Đức.

Và ngược lại, cộng đồng cũng phải thừa nhận, là LHHPNVN đã thành lập xong, cùng với một Ban chấp hành gồm 29 người, sẽ kiện toàn tổ chức với các ban bệ rõ ràng từ nay cho đến cuối năm. Đầu năm sau sẽ xin đăng kí chính quyền sở tại, theo lời bà Chủ tịch.

Thêm một thực tế nữa là, nước Đức là một xứ sở tự do, không muốn vô hội này thì ta vô hội khác. Và nếu ai muốn thì cứ một nhóm 7 người, có thể xin lập hội. Điều quan trọng là hoạt động của hội phải tôn trọng nền tự do dân chủ của nước Đức, tôn trọng những giá trị phổ quát mà dân chúng Âu Châu đã đấu tranh gian khổ mới dành được, như quyền con người, nhà nước pháp quyền, tự do bầu và ứng cử, sự độc lập của tôn giáo với nhà nước, tư duy khoa học hợp lý, và phẩm giá con người.

Cuối cùng thì sự thành công hay thất bại của một tổ chức, được đánh giá dựa vào những kết quả cụ thể, so sánh với chương trình hành động mà tổ chức đã vạch ra.

Song song theo đó là sự chấp nhận của cộng đồng đến mức độ nào. Bởi con số trên 130 hội viên hiện nay, so với ước chừng cả trăm ngàn phụ nữ trên toàn nước Đức, thực ra là một con số vô cùng nhỏ bé.

Vì vậy sự lan tỏa, yêu thương, đoàn kết được nhiều hội viên, từ mọi thành phần xã hội, cũng như từ những ý thức chính trị khác nhau, cũng là những chỉ số quan trọng, để các chị em có thể khẳng định được sự thành công của mái nhà chung.

Sa Huỳnh – Berlin, ngày Lễ Thống nhất nước Đức – 03.10.2023

Ảnh: Lương Đình Cường

 

Ra đời tại Đức Liên Hiệp Hội Phụ nữ người Việt toàn Liên bang

 

Nguyễn Hùng
2.10.2023
Chiều ngày 01.10.2023 tại Thủ đô Berlin hàng trăm phụ nữ người Việt từ nhiều vùng miền khác nhau của nước Đức đã tập trung cùng đứng ra thành lập tổ chức phụ nữ đầu tiên mang tầm vóc toàn Liên bang với tên gọi Liên Hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại CHLB Đức.
Được biết, ý tưởng thành lập Liên hiệp hội phụ nữ người Việt tại Đức được bắt đầu từ bà Trịnh Thị Mùi và chỉ được hiện thực hóa bắt đầu từ cuộc họp chung của nhiều đại diện phụ nữ tiêu biểu vào ngày 28.08.2023. Như vậy chỉ trong “chiến dịch” 32 ngày đêm một tổ chức mang tầm cỡ toàn liên bang từ trong ý tưởng đã trở thành hiện thực. Thật ngẫu nhiên khi nhớ lại, một năm trước cũng vào ngày 28.08, tại một cuộc họp được gọi là “Hội nghị Diên Hồng” 77 thành viên tiêu biểu của cộng đồng, trong đó có bà Trịnh Thị Mùi, đã biểu quyết để chuẩn bị cho ra đời một tổ chức Liên hiệp hội người Việt toàn liên bang. Thấm thoát đó mà đã hơn một năm.
Sau chương trình văn nghệ chào mừng rộn ràng và đầy màu sắc của chị em là diễn văn khai mạc của trưởng ban trù bị – bà Trịnh Thị Mùi. Trong diễn văn của mình, bà khẳng định: sự kiện ngày hôm nay không chỉ là việc cho ra đời một tổ chức mà là để cùng nhau xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự kết nối, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm nhằm bảo vệ lợi ích của người phụ nữ Việt Nam trước các cấp chính quyền sở tại. Đại hội cũng là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết và lòng nhiệt huyết của phụ nữ Việt Nam mang trong mình tình yêu quê hương đất nước và đang phấn đấu không ngừng nghỉ trên quê hương thứ hai.
Ngay sau diễn văn khai mạc của trưởng ban trù bị là phát biểu chúc mừng của Đại sứ Vũ Quang Minh với nhiều tình cảm và những lời tâm huyết dành cho chị em phụ nữ. Đại sứ cũng khẳng định việc cho ra đời một tổ chức vì phụ nữ ở một đất nước luôn ủng hộ và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ như nước Đức là việc làm phù hợp và cần thiết. Đại sứ mong rằng, Liên hiệp hội phụ nữ người Việt tại Đức sau khi được thành lập sẽ trở thành một bộ phận quan trọng và không thể thiếu của Liên hiệp hội người Việt toàn Liên bang. Bởi vì chỉ có đoàn kết chúng ta mới làm nên sức mạnh và tạo nên vị thế xứng đáng cho cộng đồng người Việt trên nước Đức.
Nội dung chính của đại hội tập trung vào 2 nội dung chính là thông qua điều lệ hội và bầu BCH. Ở nội dung đầu tiên việc thông qua khá nhanh gọn. Có thể vì điều lệ đã được soạn thảo quá kỹ càng nên đoàn chủ tịch cứ đọc đến điều khoản nào là đại hội thông qua ngay điều khoản đó. Duy điều khoản về thời hạn nhiệm kỳ BCH, có ý kiến để nghị nên kéo dài thành 5 năm.
Sang phần bầu cử không khí khá căng thẳng. MC điều khiển đại hội yêu cầu chỉ có hội viên có thẻ mới được tham gia bầu cử. Hội viên phải xuất trình thẻ hội viên mới được ban bầu cử phát phiếu bầu. Trước khi bầu cử BTC có trình chiếu trên màn hình tiểu sử và thành tích hoạt đông của từng ứng cử BCH để cho đại hội có căn cứ lựa chọn.
Phần chờ đợi kết quả bầu cử cũng đem lại khá nhiều hồi hộp. Một ban bầu cử khoảng 8 người trong 2 tiếng làm việc nghiêm túc và cật lực cuối cùng cũng thông báo cho đại hội kết quả bầu cử như sau: 130 phiếu thu vào, trong đó 123 phiếu hợp lệ, 7 phiếu không hợp lệ. 29 trên tổng số 35 ứng viên đã đắc cử vào BCH đầu tiên của Liên hiệp hội phụ nữ toàn Liên bang.
Bà Trịnh Thị Mùi với số phiếu tín nhiệm cao nhất 121/123 được BCH bầu vào vị trí Chủ tịch.
Tân Chủ tịch ngay sau khi nhậm chức đã chỉ định 8 phó chủ tịch và 4 thành viên trong ban kiểm toán. Tất cả đều được BCH đồng thuận.
Điều dễ nhận thấy ở BCH đầu tiên này là phân bổ khá đều về mặt địa lý, đa dạng về lứa tuổi, phong phú về thành phần, nghề nghiệp. Hy vọng với những thế mạnh đó, BCH sẽ xây dựng Liên hiệp hội phụ nữ người Việt tại Đức thật sự trở thành một sân chơi bổ ích, một ngôi nhà chung ấm áp, một tổ chức hoạt động vì quyền lợi của chị em.