Seite auswählen

Hội thảo về UPR tổ chức bởi UNDP và Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội cuối tháng tư 2023 VietnamNet

 

Ba tổ chức nhân quyền đã gửi hai báo cáo chung tới Liên Hiệp quốc (LHQ) về tình trạng nhân quyền của Việt Nam, kêu gọi Nhà nước độc đảng ở Hà Nội phóng thích tù nhân lương tâm (TNLT) và sửa đổi, xây dựng luật theo hướng tôn trọng các quyền phổ quát của con người. 

Nhân dịp Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) lần thứ tư của Việt Nam diễn ra vào tháng tư năm tới tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva (Thuỵ Sĩ), tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền cùng hai tổ chức khác là Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Hội Anh em Dân chủ đã gửi hai báo cáo chung cho cơ quan nhân quyền LHQ trong phần đóng góp của khối xã hội dân sự trong kiểm điểm định kỳ tình hình nhân quyền Việt Nam kể từ kỳ kiểm định lần thứ ba (UPR3) năm 2019.

Cụ thể, trong báo cáo chung thứ nhất, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở ở Hoa Kỳ và Người Bảo vệ Nhân quyền có trụ sở ở Việt Nam đưa ra báo cáo về việc Việt Nam đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, và tự do hội họp. Trong báo cáo thứ hai, Hội Anh em Dân chủ, có trụ sở ở Việt Nam và đang hoạt động bí mật do sự đàn áp khốc liệt từ 2015 và Người Bảo vệ Nhân quyền đưa ra báo cáo về việc Hà Nội sử dụng các điều luật mơ hồ trong chương An ninh quốc gia để đàn áp giới bất đồng chính kiến, người hoạt động nhân quyền, và blogger…

 

Việt Nam vi phạm nghiêm trọng ba quyền cơ bản

Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, cho biết trong UPR3, Nhà nước Việt Nam có cam kết tôn trọng các quyền phổ quát và ban hành các luật để người dân dễ dàng thực thi những quyền này.

Tuy nhiên, theo ông, trên thực tế, trong bốn năm qua, Hà Nội tiếp tục gia tăng đàn áp và vi phạm trầm trọng các quyền cơ bản như quyền tự do ngôn luận, hội họp và lập hội, và trì hoãn các luật về lập hội và biểu tình.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về báo cáo của hai tổ chức mới gửi cho LHQ:

Báo cáo lần này chúng tôi chỉ tập trung vào bãi quyền cơ bản là quyền tự do ngôn luận quyền tự do hồi họp và quyền tự do lập hội. Đó là ba quyền trong thời điểm này và trong thời gian vừa qua cộng sản Việt Nam đã vi phạm rất là trầm trọng.

Trong kỳ kiểm điểm cách đây 4 năm, năm 2019 thì chính quyền Việt Nam đã hứa cam kết sửa đổi luật về quyền tự do ngôn luận cũng như tự do lập hội và tự do biểu tình nhưng mà cho đến nay tất cả những điều đó đã không được thực hiện.

Đặc biệt họ đã sử dụng những cái điều khoản rất là mơ hồ trong Luật Hình sự chẳng hạn như Điều 88, 117, và 331 để bắt bớ những người dám lên tiếng có lập trường và chính kiến khác với của đảng cầm quyền.

Dẫn thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng cho biết hiện nay Việt Nam đang giam giữ khoảng 260 tù nhân lương tâm, trong đó có 63 người bị cáo buộc hoặc đã bị kết án về “tuyên truyền chống nhà nước” và 44 người bị bắt vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ” chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận, 39 người bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” vì thực hành quyền tự do lập hội, 55 người bị cầm tù vì “phá hoại chính sách đoàn kết” do thực hành tự do tôn giáo, và nhiều người bị án “phá rối an ninh” khi thực thi quyền biểu tình ôn hoà.

Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng nói về khuyến nghị cho chính quyền Việt Nam mà hai tổ chức đưa ra trong báo cáo:

Chúng tôi có đưa ra một số khuyến nghị. Thứ nhất là thả những cái người tù bị bắt bớ vì họ sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp chẳng hạn như là Hội Anh em Dân chủ và những người bị bắt i khi mà họ đã sử dụng quyền tự do ngôn luận

Thứ hai nữa là phải sửa đổi và tiến hành thật gấp những luật mà họ đã hứa trong kỳ kiểm điểm lần thứ ba.”

 

 Việt Nam sử dụng luật để bảo vệ chế độ

Trong UPR3, mười quốc gia trong đó có Úc, Vương quốc Anh, Pháp, Hà Lan và Nauy đã đề nghị Việt Nam xem xét và sửa đổi Bộ luật Hình sự, đặc biệt là nhiều điều luật mơ hồ trong chương An ninh quốc gia, để bảo đảm quyền con người phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, Hà Nội không hề sửa đổi cho dù chấp nhận nhiều khuyến cáo của một số quốc gia. Trái lại, Việt Nam tăng cường sử dụng các điều luật này đển trấn áp giới bất đồng chính kiến và blogger, với số người bị bắt vì “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng quyền tự do dân chủ” ngày càng tăng và những bản án kết tội họ có xu hướng nặng nề hơn.

Trong báo cáo chung của mình, hai tổ chức Hội Anh em Dân chủ và Người Bảo vệ Nhân quyền đã nêu rõ tình trạng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam ngày càng trầm trọng.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, đồng sáng lập và hiện là chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, nói với RFA:

Trong bản báo cáo này chúng tôi có viết một cách rất là tổng quát về Bộ luật Hình sự Việt Nam trong đó nêu bật những điều luật hết sức mơ hồ mà được coi như là công cụ của Nhà nước Cộng sản Việt Nam dùng để bảo vệ chế độ cũng như là bảo vệ Đảng Cộng sản chứ nó không phải mục đích là bảo vệ an ninh quốc gia như là họ thường rêu rao.”

Trong chương An ninh quốc gia, Hà Nội thường sử dụng Điều 117 “tuyên truyền chống nhà nước” để tống giam người bất đồng chính kiến, Điều 109 “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” để trừng trị những người tham gia các tổ chức chính trị độc lập với nhà nước như Hội Anh em Dân chủ.

Những người hoạt động về tự do tôn giáo thuộc các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên hoặc miền núi phía Bắc thường bị bắt về cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 116.

Tuy không nằm trong phần An ninh quốc gia, Điều 331- lợi dụng quyền tự do dân chủ cũng được nhà nước sử dụng thường xuyên để giam cầm Facebookers chia sẻ các thông tin không có lợi cho chế độ trên mạng xã hội.

Việt Nam cần phải xoá bỏ các điều khoản này để bảo đảm quyền cơ bản của con người, theo luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng bị kết án 15 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” cùng với mười thành viên khác của Hội Anh em Dân chủ.

Trong báo cáo này chúng tôi cũng đưa ra nhiều khuyến nghị là để mà bảo đảm những quyền tự do ngôn luận tự do báo chí quyền tập hội hội họp – nói chung những quyền chính trị cơ bản của dân thì nhà nước độc tài sản Việt Nam cần phải ở gỡ bỏ tất cả những điều luật đó ở trong Bộ luật Hình sự và thay thế vào đó là những điều luật bảo vệ những quyền con người cơ bản của người dân.”

Ông kêu gọi các tổ chức quốc tế và chính phủ các quốc gia tiến bộ cùng lên tiếng để yêu cầu Hà Nội xoá bỏ những điều luật mơ hồ của Bộ luật Hình sự để bảo đảm việc thực thi ôn hoà các quyền cơ bản của người dân mà không sợ bị trừng phạt.

Chia sẻ chung quan điểm, ông Andrea Giorgetta, Giám đốc Văn phòng Châu Á của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) thúc giục cộng đồng quốc tế sử dụng UPR4 để yêu cầu Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền. Ông nói với RFA qua tin nhắn:

“Khi Chính phủ Việt Nam tăng cường đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa, Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là một trong số ít diễn đàn còn lại để cộng đồng quốc tế xem xét kỹ lưỡng hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hà Nội.

Chúng tôi kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ sử dụng việc xem xét định kỳ hồ sơ nhân quyền của Việt Nam để thể hiện mối quan ngại của họ về những vi phạm trong nước và yêu cầu Hà Nội tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình.

Các quốc gia thành viên LHQ cũng nên tận dụng cơ hội này để kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, sửa đổi luật pháp hà khắc và đảm bảo tôn trọng nhân quyền của mọi người dân trong nước.”

FIDH cùng Ủy ban Quyền làm người Việt Nam (VCHR) từ Pháp hôm 11/10 đệ trình một báo cáo về việc Việt Nam không thực hiện nhiều khuyến nghị quan trọng mà Hà Nội đã chấp nhận trong UPR3. 

RFA (23.20.2023)

 

 

 

Cựu admin Nhật Ký Yêu Nước bị tra tấn, ép cung

Phan Tất Thành được cho là cựu admin của trang Nhật Ký Yêu Nước

 

Vài năm trở lại đây, Phan Tất Thành không còn hoạt động nào liên quan đến vấn đề nhân quyền, dân chủ. Gia đình Thành hoàn toàn không biết về các việc anh từng làm trước đó.

 

Phan Tất Thành, người được cho là cựu admin của trang Nhật Ký Yêu Nước (hiện đã bị đổi thành Văn Toàn) đang bị tra tấn, ép cung trong nhà tù (trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, Sài Gòn). Hơn ba tháng kể từ khi bị bắt đến nay, Phan Tất Thành vẫn chưa được gặp luật sư và người thân của anh vẫn thường xuyên bị khủng bố.

Phan Tất Thành, tức Facebook Black Aaron, 37 tuổi, bị bắt cóc, giam giữ trái pháp luật từ ngày 5/7/2023. Theo giấy tờ, thì Thành bị tạm giam từ ngày 13/7, trong khi thực tế anh đã bị bắt cóc, bị giam giữ trước đó tám ngày (từ ngày 5/7) tại 161 Nguyễn Du, quận 1, Sài Gòn. Sau nhiều ngày “đi đòi”, gia đình mới “được” công an đưa tờ quyết định tạm giam đối với Thành.

Đây vừa là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vừa là việc làm khuất tất có phần hèn hạ của cơ quan an ninh điều tra.

Trong thời gian này, Thành liên tục bị công an điều tra đánh đập, tra khảo. Không những thế, an ninh điều tra còn triệu tập mẹ và em trai của Thành lên trụ sở cơ quan an ninh điều tra để thẩm vấn. Tại đây, cả hai mẹ con đều bị đánh đập. Mẹ Thành ngoài 70 tuổi, bị ít nhất hai công an đánh đến ói máu, ngất xỉu tại chỗ.

Em trai Thành bị một nhóm công an viên thay nhau đánh, thậm chí chích điện.

Cần lưu ý rằng, khoảng vài năm trở lại đây, Thành không còn hoạt động nào liên quan đến vấn đề nhân quyền, dân chủ. Gia đình Thành hoàn toàn không biết về các việc anh từng làm trước đó.

Hiện gia đình Thành rất lo lắng cho tính mạng của anh và cần sự lên tiếng, sẻ chia, đồng hành từ bạn bè và công luận.

 

Phạm Thanh Nghiên

Đất Việt (23.20.2023)

 

 

 

 

Biểu tình phản đối phái đoàn tôn giáo Việt Nam đến Mỹ

 

Ông Nguyễn Thanh Giàu phát biểu tại cuộc biểu tình ở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco, ngày 19/10/2023. YouTube Viem Mai Vlog.

 

Hàng chục người gốc Việt tập trung biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco hôm 19/10 phản đối sự can thiệp của chính quyền đối với các nhóm tôn giáo độc lập trong nước.

Cuộc biểu tình diễn ra khi Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên cử một đoàn công tác liên ngành cấp Bộ sang thăm Hoa Kỳ, được tháp tùng bởi các chức sắc tôn giáo mà người biểu tình gọi là “sư quốc doanh”.

Ông Thanh Quách, một người tham gia cuộc biểu tình, nói với VOA chiều ngày 19/10:

“Được cộng đồng Bắc California báo tin, một phái đoàn “Tôn giáo vận” của Việt Cộng đang thăm viếng Hoa Kỳ và ghé San Francisco sáng nay và chặng chót sẽ qua Washington, DC”.

“Ở trong nước bị đàn áp về nhân quyền, về tôn giáo. Do đó anh em tập hợp biểu tình nói lên thông điệp chống lại chế độ độc tài, đàn áp nhân quyền, cũng như đàn áp tôn giáo”.

Những người biểu tình phản đối một đoàn do Thứ Trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng dẫn đầu, bao gồm các quan chức phụ trách tôn giáo và lãnh đạo các nhóm tôn giáo được cho là được nhà nước hậu thuận.

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng là quan chức cấp bộ cao nhất trực tiếp chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ quan quản lý các nhóm tôn giáo ở Việt Nam.

Các trang mạng xã hội đăng tải các video clip với hàng chục người tham gia cuộc biểu tình, mang băng-rôn và bản hiệu phản đối các nhóm tôn giáo “quốc doanh”.

Trong một clip đăng trên YouTube, ông Nguyễn Thanh Giàu, Hội trưởng Hội Phật giáo Trung ương Hòa Hảo, kiêm Tổng thư ký Hội đồng Liên tôn Hải ngoại, phát biểu qua loa phóng thanh trước cơ quan ngoại giao của Việt Nam, nơi đang tiếp phái đoàn tôn giáo.

“Phản đối sự hiện diện của phái đoàn, trong đó có những người lãnh tụ các tôn giáo tại Việt Nam. Ngày hôm nay sở dĩ chúng tôi có mặt tại đây là chúng tôi muốn nói lên sự đàn áp của Cộng sản Việt Nam đối với tôn giáo một cách tinh vi”.

VOA đã liên lạc Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco và Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ Việt Nam, và đề nghị họ cho ý kiến về cuộc biểu tình này, nhưng chưa được phản hồi.

Vào đầu tháng 10, một phái đoàn khác do Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc dẫn đầu cũng đã đến Mỹ, tham Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ 30 về Luật pháp và Tôn giáo tại bang Utah. Tại hội thảo này, ông Bắc có bài phát biểu về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và “những thành tựu đã đạt được trong thời qua”, theo Ban Tôn giáo Chính phủ.

Tại cuộc gặp ở Hà Nội vào hồi đầu tháng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã trao đổi với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper về chuyến công du của phái đoàn ông đế Mỹ, dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến ngày 23 tháng 10.

Tại cuộc gặp này, ông Thắng đề nghị phía Mỹ hỗ trợ để đoàn công tác “hoàn thành các nhiệm vụ trong chương trình đề ra”, theo thông tin của Bộ Nội vụ.

Ngoài ra, ông Thắng cũng hối thúc ông Knapper vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để “sớm đưa Việt nam ra khỏi “Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”.

Vào tháng 12/2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách trên do có các vi phạm về tự do tôn giáo nghiêm trọng, điều mà Hà Nội bác bỏ.

 

VOA (20.10.2023)

 

 

 

Việt Nam kỳ thị sắc tộc với người Thượng và người H’mông như thế nào?

 

 

Ngày 29-30/11/2023 sắp tới, nhà nước Việt Nam sẽ có phiên rà soát ở Geneva về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc (International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination, CERD).

BPSOS đã gửi cho Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc (Committee on the Elimination of Racial Discrimination, hay CERD) 3 tài liệu đóng góp về tình trạng kỳ thị sắc tộc ở Việt Nam, đặc biệt với người Thượng và người H’mông (xem ở đây). 

Nhưng nhà nước Việt Nam kỳ thị sắc tộc ra sao?

 

Chính sách phân biệt về nhiều mặt

Anh Y Quynh Buondap, người Êđê và đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, cho biết người Thượng bị phân biệt đối xử về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, và đất đai.

 

Ngôn ngữ và điều kiện trường học

Một trường mầm non ở Đắk Lắk (ảnh cho anh Y Quynh Buondap cung cấp). 

 

Theo anh Y Quynh Buondap, sau năm 1975, tiếng Êđê không còn được dạy ở trường học—chỉ một số trường dạy ở bậc tiểu học—lên cấp hai, cấp ba không còn.

Ông Ma Seo Cháng, người H’mông từng sống ở Tiểu khu 179, Tỉnh Lâm Đồng, nói trong phỏng vấn ngày 28/9/2023 “Năm 2012, cả làng chúng tôi, con em không được đi học, nên bà con chúng tôi dựng lên một cái trường bằng ván gỗ. Nếu chính quyền không đưa giáo viên đến dạy, anh em chúng tôi có thể thuê người ngoài để dạy con em cái chữ đầu tiên.”

Xã lúc đầu không cho, nhưng người dân vẫn dựng trường vì “Con em lớn lên rồi, không được tiếp xúc con chữ.”

Cuối cùng Phòng Giáo dục gửi giáo viên đến nhưng chỉ dạy bậc tiểu học và dạy hai môn là Toán và Tiếng Việt.

 

Đàn áp tôn giáo

Công an đến tịch thu lịch và Kinh Thánh của Hội thánh Tin lành tại làng Buôn Čuôr Knia tháng 4/2023 (ảnh do anh Y Quynh Buondap cung cấp). 

 

Anh Y Quynh Buondap nói trong phỏng vấn ngày 28/4/2023 “Sau tháng 4/1975, các nhà thờ Thiên Chúa giáo và Tin lành Tây Nguyên bị nhà nước cộng sản Việt Nam đóng cửa và nhiều người Thượng, trong đó có các thầy truyền đạo và mục sư, bị bỏ tù và thậm chí bị giết chết, hay bị đuổi ra khỏi các vùng đất trồng trọt của họ.”

Các tín đồ Tin lành theo các hội thánh độc lập, có hoạt động tôn giáo tại gia đều bị đàn áp. Ngay cả các tín đồ thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc hay Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam—được nhà nước công nhận—vẫn bị công an địa phương sách nhiễu và gây khó khăn.

Chẳng hạn như anh Vừ Bá Súa, người H’mông từng ở Nghệ An, tham gia Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc và bị công an xã và ban quản lý bản mời lên làm việc, cưỡng ép bỏ đạo, và đòi lại con bò đã cấp trước đó vì gia đình anh Vừ Bá Súa thuộc hộ nghèo.

Theo bản kiến nghị của anh ngày 25/8/2022, ngày 11/6/2022 ông Mùa Bá Kỷ, trưởng Công an xã, nói anh “theo đạo là chống lại chính quyền và phá hoại sự đoàn kết phong tục tập quán của dân tộc H’mông”.

Một tháng sau đó, gia đình anh bị cắt điện.

Anh Vừ Bá Súa hiện nay đang tỵ nạn tại Thái Lan.

 

Tước đi, hoặc không cung cấp, giấy tờ tùy thân

Ông Y Dú Ksơr, người Êđê từng ở Phú Yên, từng đi tù vì tham gia biểu tình ở Đắk Lắk năm 2004 để đòi lại đất đai, đòi tự do tôn giáo, và đòi thả tự do cho tù nhân lương tâm.

Theo ông cho biết trong phỏng vấn ngày 26/5/2023, sau khi ông ra tù lần đầu tiên, công an địa phương tới nhà và tịch thu mọi giấy tờ, bao gồm giấy khai sinh. Khi đưa giấy khai sinh mới, họ đổi năm sinh từ 1953 thành 1963, và nói “Nếu ông muốn khai sanh cũ của ông, ông phải bỏ đạo.”

Hai ông Ma A Sính và Ma Seo Cháng, người H’mông, đều bị tước đi giấy tờ tùy thân khi theo đạo. Họ cho biết nhiều người H’mông theo đạo Tin lành đều không có giấy tờ và bị đẩy vào tình trạng vô quốc tịch: không được làm thẻ ngân hàng, không được đăng ký kết hôn, không được bảo hiểm y tế, con cái chẳng được đi học, thậm chí đứng tên mua xe máy cũng không thể…

Tại Tiểu khu 179, họ nhiều lần xin chính quyền địa phương cấp hộ khẩu nhưng không thành công.

Nhưng không chỉ người lớn—anh Vừ Bá Súa cũng cho biết địa phương nhiều lần từ chối cấp giấy khai sinh cho con anh.

 

Cưỡng ép bỏ đạo hoặc đuổi khỏi làng

Ông Ma Seo Cháng sinh ra lớn lên ở Hà Giang, bị đàn áp tôn giáo nên phải trốn sang Điện Biên (khi đó thuộc tỉnh Lai Châu), lại bị “chính quyền đến từng nhà và cầm theo giấy bắt họ ký cam kết bỏ đạo, nếu không chính quyền sẽ đuổi họ ra khỏi địa bàn cư trú”, từ đó chuyển đến huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, “được hai tháng thì bị chính quyền đốt phá nhà”, và dọn đến Tiểu khu 179 ở tỉnh Lâm Đồng.

Ở Tiểu khu 179, ông tiếp tục bị đàn áp và chính quyền huyện Đam Rông muốn giải tỏa khu vực, cưỡng chế đất của người dân.

“Họ cứ đuổi ra khỏi đấy thôi. Anh em tôi đã khổ từ ngoài Bắc để vô đấy rồi, không biết đi đâu nữa, cố ở đấy.”

Lưu lạc từ Bắc vào Nam, hết nơi này đến nơi khác mà vẫn không được yên, đến năm 2023 ông cùng gia đình sang Thái Lan tỵ nạn. 

 

Cưỡng đoạt đất

Cưỡng chế đất ở làng Buôn Dhia, xã Cư Ne, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk tháng 5/2019 (ảnh do anh Y Arôn Êban cung cấp). 

 

Anh Y Quynh Buondap, người Êđê, cho biết “Chính quyền hứa là hợp đồng 20 năm hoặc 30 năm hoặc 15 năm sẽ trả lại cho người dân, nhưng sau giải phóng thì họ trưng dụng các đất đai đó… Người Kinh từ phía bắc có quyền phát nương làm rẫy, còn những người tại chỗ phát nương làm rẫy thì bị kiểm lâm và bị chính quyền tịch thu, bắt bỏ tù. Đó là những vấn đề kỳ thị rất rõ ràng.”

Ông Vàng Đức Sơn, người H’mông, nói trong phỏng vấn ngày 18/9/2023 “Anh em người H’mông ở Mường Nhé bị chính quyền cướp đất cho các công ty trồng cây cao su.”

Họ cho xe ủi qua nương rẫy của người dân, ủi qua lúa, qua ngô, qua sắn…

 

Đánh đập, tra tấn

Anh Y Arôn Êban, người Êđê từng ở Đắk Lắk, từng nhiều lần bị công an đánh khi thẩm vấn.

Khi được phỏng vấn ngày 19/5/2023 về câu chuyện của mình, anh cho biết “họ đánh vào đầu nhiều nhất”, đặc biệt vào mặt và tai, và “từ đó tai bên trái của tôi hơi điếc.”

Anh cũng bị người tù đánh “dập đùi bầm tím” và nói “Tôi nghĩ là công an cho phép đánh, họ mới dám đánh.”

Ông Y Dú Ksơr, người Êđê từng ở Phú Yên, nói mình bị điều tra và đánh đập suốt một năm trước khi ra tòa: “họ đánh tôi bằng dùi cui, vào xương sườn, xương sống… Họ cũng đá vào hòn dái, đánh vào ngực, tát vào miệng… tôi cũng bị gãy răng.”

Trong một năm đó, ông bị nhốt trong hầm “tối tăm, mịt mù… Nhốt ở dưới lòng đất, mịt mù, không thấy mặt trời mặt trăng, giống bị điên khùng luôn… Một hầm chỉ có một người, không có hai, không có ba. Chỉ ở trong đó, ăn trong đó, kinh khiếp luôn.”

 

 Trừng phạt vì liên lạc với quốc tế

Trước sự đàn áp của nhà nước Việt Nam, nhiều người lên tiếng và tìm cách liên lạc với quốc tế, báo cáo với LHQ.

Ông Y Khương Êban, người Êđê đang tỵ nạn tại Thái Lan, cho biết hai vợ chồng ông Y Sĩ Êban (họ hàng ông) “bị tra tấn và đánh đập” sau khi gặp Mục sư Gene Lathan từ thành phố Charlotte, bang North Carolina, Hoa Kỳ.

Ngày 6/11/2022, ông Y Sĩ Êban bị bắt ở phi trường Tân Sơn Nhất khi trên đường đi Bali, Indonesia dự Hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm tin Đông Nam Á (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief Conference, hay SEAFORB). Theo báo cáo của ông cho biết, ông bị cấm xuất cảnh, bị thu giữ căn cước, hộ chiếu, điện thoại, bằng lái xe, và bị đánh bầm tím mặt.

 

Kích động hận thù sau ngày 11/6

Sau vụ xả súng vào trụ sở công an ở xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6/2023, cộng đồng người Thượng cũng bị ảnh hưởng vì truyền thông.

Anh Y Phic H’dok, người Êđê trước đây tỵ nạn ở Thái Lan và giờ đang sống ở Mỹ và đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, nói ngày 12/7/2023:

“Nhiều người Êđê không thể kiếm được việc làm vì các nhà tuyển dụng từ chối khi nghe đến người Êđê, cho rằng họ là người bạo động, khủng bố. Có nhiều người trong gia đình của họ bị bắt oan và chính quyền đe dọa không cho phép cung cấp thông tin ra bên ngoài, nếu không sẽ bị bỏ tù. Chính quyền khuyến khích người Kinh bắt người Êđê khi họ mặc đồ rằn ri dù vô tội, trong khi đó người Kinh thì không bị bắt. Nhân cơ hội này, chính quyền đàn áp lãnh đạo của các hội thánh tư gia càng nhiều hơn.”

Chị Becky, nhà hoạt động nhân quyền người Thượng đang sống tại Thụy Sỹ, cho biết người Thượng ở Thái Lan cũng bị ảnh hưởng: họ nhận được tin nhắn đe dọa, uy hiếp, và nhìn thấy người lạ tới trường học của con cái người tỵ nạn và chụp hình các em.

Sắp tới đây, ngày 29-30/11/2023, nhà nước Việt Nam sẽ phải trả lời CERD về những cáo buộc phân biệt, kỳ thị sắc tộc một cách có hệ thống ở Việt Nam.

Hải Di Nguyễn

Nguồn: Machsongmedia.org

 

 

 

 Một tù nhân chính trị tố cáo tội ác của nhà tù cộng sản

Ông Lê Quý Lộc, 47 tuổi từ Quảng Ngãi đã viết đơn khiếu nại gửi Viện Kiểm sát tỉnh Bình Dương vào ngày 19.10.2023. Ông khiếu nại về hành vi ngược đãi tù nhân của trại giam An Phước thuộc tỉnh Bình Dương đối với ông trong lúc ông bị giam cầm tại nhà tù này.

 

Ông Lê Quý Lộc, gốc Quảng Ngãi tham gia nhóm Hiến Pháp  và xuống đường biểu tình phản ứng dự Luật “đặc khu kinh tế” và luật “an ninh mạng”. Ông Lộc bị bắt ngày 8.9.2018 cùng với các thành viên của nhóm Hiến Pháp. An ninh Việt Nam giam giữ 2 năm một cách bí ẩn và ngược đãi ông. Đến năm 2020 thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mới đưa ông và các thành viên nhóm Hiến Pháp ra xét xử trong một phiên toà mang đậm màu sắc chính trị. Tại phiên toà năm 2020 ông Lê Quý Lộc bị kết án 5 năm tù giam và 2 năm quản chế theo điều 118 với tội danh ” ây rối an ninh”.

Các thành viên trong nhóm Hiến Pháp bị kết án từ 2,5 năm đến 6 năm tù giam. Cũng như các tù nhân chính trị khác, ông Lê Quý Lộc luôn bị tra tấn và chà đạp nhân phẩm kể từ ngày bị bắt về trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, Sài Gòn. Sau khi bị kết án ông Lộc bị đưa đi thụ án ở trại giam An Phước thuộc tỉnh Bình Dương.

Sau khi đi đúng 5 năm tù giam kể từ ngày 8.9.2018, thì ông Lộc được về nhà ở Quảng Ngãi và chịu thêm 2 năm quản chế nữa kể từ ngày 8.9.2023. Sau khi rời trại giam về nhà thì ông Lộc có lên Đài á Châu Tự Do- RFA- trả lời phỏng vấn. Ông đã tố cáo ông là nạn nhân bị ngược đãi, bị đánh đập lúc thì bị đánh đến hộc máu, lúc thì bị đánh ngất xỉu tỉnh dậy thì thấy đang nằm ở trạm xá của trại giam, lúc thì bị đánh vào chỗ hiểm. Còn những lần bị xúc phạm nhân phẩm bị chửi mắng thì không thể nhớ hết. Ra đến trại giam thì bị cưỡng bức lao động không khác gì nô lệ thời trung cố.

Đến ngày 19.10.2023 thì ông Lê Quý Lộc đã chính thức gửi đơn khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ trại giam nhà tù An Phước thuộc tỉnh Bình Dương. Dù biết rằng việc khiếu nại sẽ chẳng được giải quyết đến đâu nhưng ông Lê Quý Lộc vẫn lên tiếng nhằm ngăn ngừa hành động tương tự của công an trại giam, nhà tù đối với các tù nhân chính trị hôm nay và trong tương lai. 

 

Huỳnh Bá Hải  

Facebook của ông Lê Quý Lộc : https://www.facebook.com/profile.php?id=61551362753019

 

 

Trong lá thư cuối cùng trước khi bị thi hành án, tử tù Lê Văn Mạnh vẫn khẳng định bị oan

Gia đình bên mộ của tử tù Lê Văn Mạnh Fb Nguyễn Việt

 

Những lời nhắn nhủ sau cùng của ông Lê Văn Mạnh viết cho gia đình trước khi bị cơ quan chức năng đưa đi thi hành án sau hơn một tháng mới đến được tay người thân, trong đó ông vẫn khẳng định bị oan và nhờ gia đình tiếp tục đi đòi lại công lý.

Ông Lê Văn Mạnh, sinh năm 1982, bị kết án tử hình vì bị cho là thủ phạm trong vụ án “hiếp dâm và giết” một nữ sinh ở cùng thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá năm 2005 cho dù ông liên tục kêu oan và việc kết tội ông không có bằng chứng thuyết phục cũng như có nhiều thiếu sót trong quá trình điều tra.

Ông bị tiêm thuốc độc ngày 22/9 tại một cơ sở thi hành án của Bộ Công an ở tỉnh Hoà Bình. Sau đó, xác của ông được đưa về mai táng tại một nghĩa trang của tỉnh Thanh Hoá.

Sau hơn một tháng, gia đình xuống Trại tạm giam của Công an tỉnh Thanh Hoá để đòi thư và băng ghi âm của ông trước khi bị tiêm thuốc độc. Bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của ông Mạnh, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 24/10:

Em trai của Mạnh hôm qua (23/10- PV) đi xuống đòi mãi mới được là cái thư chứ không có cái ghi âm. Cái ghi âm mở ra chạy được có 18 giây, hắn không có cái gì cả chỉ có nghe tiếng sột soạt là hết.”

Cho rằng phía công an chưa giao băng ghi âm đầy đủ cho thân nhân nên gia đình sẽ tiếp tục đòi. Bà Việt nói tiếp:

Ngày mai con trai tôi em của Mạnh tiếp tục xuống dưới đấy đòi băng ghi âm tiếp, băng ghi âm thì dứt khoát là phải có cái điều gì con trai tôi nói ở trong đó, nên gia đình tôi là phải xuống đòi bằng được cái băng ghi âm.”

Trong lá thư dài khoảng một trang giấy A4 viết ngay trước thời điểm bị đưa đi thi hành án nhưng không đề ngày tháng, tử tù Lê Văn Mạnh khuyên gia đình không nên đau buồn vì bản thân xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Ông khẳng định:

“Con không làm gì nên tội cả nên con không có gì phải hổ thẹn với lương tâm cả. Con chết rồi bố mẹ và các em, các con vẫn phải tiếp tục giúp con kêu nỗi oan này lên các cơ quan pháp luật của nhà nước cho đến khi nào con được minh oan thì thôi vì con bị giết oan thật sự bố mẹ ạ.”

Bà Việt cho rằng con trai mình bị chết oan nên sẽ tiếp tục làm mọi việc có thể để minh oan cho ông.

Gia đình tôi cũng thực hiện di nguyện của con, nếu con bị giết oan thì bố mẹ không đem xác con về, không (tổ chức) ma chay cúng bái gì hết. Khi nào đòi được công lý rồi thì bố mẹ mới đem về thờ cúng ma chay.”

Trên trang Facebook cá nhân của ông Lê Văn Cường, em trai của tử tù cho hay, ông cùng với chị ruột xuống Trại tạm giam của Công an tỉnh Thanh Hoá để đòi thư và băng ghi âm lời nói cuối cùng của anh ruột mình.

Phía công an đưa lại thư (bản gốc) và một đĩa CD mà họ bảo đây là bản ghi âm của ông Mạnh trước khi thi hành án nhưng khi mở ra nghe chỉ có vài câu nói không nghe rõ ràng, nhiều tạp âm và chỉ vỏn vẹn 18 giây. 

Hai chị em chỉ nhận thư và từ chối nhận đĩa CD đó, yêu cầu phía công an giao lại bản ghi âm đầy đủ của người anh, vì họ cho rằng anh mình nói nhiều hơn chứ không thể ngắn thế được.

Theo Khoản 1 Điều 82 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định, trước khi bị đưa đi thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, người chấp hành án được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân.

Lê Văn Mạnh cùng với Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng là những tử tù kêu oan trong nhiều năm qua. Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp quốc, nhiều quốc gia và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi Việt Nam dừng thi hành án tử hình của họ và điều tra về cáo buộc tra tấn ép cung.

Hồ Duy Hải là người bị kết tội giết hai chị em gái nhân viên Bưu cục Cầu Voi, tỉnh Long An năm 2008, còn Nguyễn Văn Chưởng bị cho là thủ phạm giết một sỹ quan công an ở Hải Phòng năm 2007. Cả hai đều có chứng cứ ngoại phạm và đều tố cáo bị tra tấn ép cung nhưng bị các cơ quan tố tụng tảng lờ.

Đầu tháng 8 vừa qua, gia đình Nguyễn Văn Chưởng nhận được thông báo của Toà án thành phố Hải Phòng về việc đăng ký nhận xác về để mai táng. Gia đình người này đã gửi đơn tới nhiều cơ quan trung ương để đề nghị dừng thi hành án đồng thời điều tra lại vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai. Cho tới nay, nhà chức trách Hải Phòng vẫn chưa thực hiện việc thi hành án đối với người này.

Trong thời gian gần đây có nhiều tử tù bị kết tội giết người nhưng sau nhiều năm được minh oan do thù phạm thực sự ra đầu thú. Đó là trường hợp của các ông Hàn Đức Long và Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang,  ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh, và ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận. Những người này đều tố cáo bị tra tấn ép cung nhưng lời khai của họ không được ghi nhận bởi toà án các cấp. 

 

RFA (23.10.2023)

 

 

 

 

Đại sứ Việt Nam tại LHQ: ‘Việt Nam tái khẳng định nỗ lực vì nhân quyền’

 

Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang phát biểu ngày 17/10/2023. Photo Screenshot UN Web TV.

 

Ông Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, ca ngợi thành thích nhân quyền của Hà Nội, đồng thời kêu gọi hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.

Tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, hôm 17/10, ông Giang nói bằng tiếng Anh trong bài phát biểu ở phiên thảo luận nội dung thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người của Uỷ ban về Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa trong kỳ họp 78 của Đại hội đồng LHQ:

“Sau gần bốn thập kỷ cải cách toàn diện và với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền”.

Ông Giang nói rằng với vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam “đã tích cực tham gia, có những sáng kiến cụ thể như chủ trì các nghị quyết đề cao Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, biến đổi khí hậu và quyền con người”.

Nhà ngoại giao Việt Nam cho rằng việc hợp tác để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền là một yêu cầu cần thiết.

Phái đoàn Việt Nam tại LHQ viết trên X, trước đây gọi là Twitter, sau bài phát biểu của Đại sứ Giang: “Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna, Việt Nam tái khẳng định nỗ lực vì nhân quyền, kêu gọi đối thoại và hợp tác có ý nghĩa giữa các quốc gia nhằm thúc đẩy hòa bình, phát triển và các quyền phổ quát”.

Ông Giang kêu gọi tại phiên thảo luận:

“Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên tham gia đối thoại mang tính xây dựng và chia sẻ thông tin với nhau cũng như với các bên liên quan, đặc biệt là trong khuôn khổ các cơ chế nhân quyền của LHQ, trong việc giải quyết những khác biệt…Chúng ta phải ưu tiên nỗ lực nâng cao việc thụ hưởng các quyền cơ bản, bao gồm quyền hòa bình, phát triển, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, việc làm, không phân biệt đối xử và thúc đẩy công bằng xã hội”.

“Việt Nam ủng hộ việc tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”, ông Giang cho biết thêm.

Giới hoạt động cho nhân quyền nhận định rằng chính quyền Việt Nam luôn hô hào về thành tích nhân quyền của mình trong khi thực tế thì ngược lại.

Từ Hà Nội, nhà hoạt động Lê Anh Hùng nói với VOA hôm 19/10:

“Việt Nam luôn phát biểu rất hay về nhân quyền, nhưng những gì diễn ra trong thực tế lại là câu chuyện khác. Họ luôn bị các tổ chức nhân quyền quốc tế phê phán, chỉ trích”.

“Mặc dù nhân quyền là giá trị phổ quát của nhân loại, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam luôn tìm mọi cách để bao biện cho những “chuẩn mực nhân quyền” mang “bản sắc” riêng của mình. Đây là thực tế mà người Việt trong ngoài nước cũng như cộng đồng quốc tế đã quá quen”.

Ông Giang hứa và lặp lại thông điệp nhân quyền quen thuộc: “Với tư cách là thành viên tại Hội đồng Nhân quyền, chúng tôi tiếp tục làm việc chăm chỉ và mang tính xây dựng để thiết lập những cầu nối và thúc đẩy hợp tác, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và hợp tác, đảm bảo mọi quyền cho tất cả mọi người”.

 

VOA (20.10.2023)