Seite auswählen

Tàu của Trung cộng (bên trái phía trên) và tàu của Phi Luật Tân va chạm gần Bãi Cỏ Mây, ngày 22/10/2023.

 

Căng thẳng đang gia tăng trở lại ở Biển Đông sau hai vụ va chạm hôm 22/10 giữa các tàu của Phi Luật Tân và Trung cộng gần Bãi Cỏ Mây, một rạn san hô đang tranh chấp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila.

Các vụ va chạm xảy ra khi Manila đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho Sierra Madre, một tàu chiến thời Thế chiến Thứ hai mà Manila cố tình neo đậu tại Bãi Cỏ Mây như một tiền đồn quân sự để bảo vệ yêu sách lãnh thổ của mình.

Cả hai bên đều đưa ra những tuyên bố có lời lẽ mạnh mẽ để chỉ trích đối phương và tung ra các video để ủng hộ cáo buộc của mình. Hôm 23/10, Phi Luật Tân đã triệu tập đại sứ Trung cộng để bày tỏ quan điểm của mình về rạn san hô đang tranh chấp.

Bà Teresita Daza, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân dùng tên Philippine cho bãi cạn này: “Bãi cạn Ayungin là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng tôi và chúng tôi có quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán đối với bãi cạn đó”. Bà mô tả hành động của Tuần duyên Trung cộng là “bất hợp pháp, nguy hiểm, khiêu khích và đáng trách”.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung cộng đã đưa ra một tuyên bố hôm 22/10, cáo buộc các tàu Phi Luật Tân xâm nhập vào vùng biển “Ren’ai Jiao”, thuật ngữ của Trung cộng chỉ Bãi Cỏ Mây, và “đụng chạm nguy hiểm” với các tàu tuần duyên Trung cộng tại hiện trường. Phát ngôn viên này kêu gọi Phi Luật Tân xem xét nghiêm túc những lo ngại của Trung cộng, “ngưng gây rắc rối và khiêu khích trên biển”.

Một số nhà phân tích cho rằng vụ việc mới nhất giữa Trung cộng và Phi Luật Tân, xảy ra sau một loạt các cuộc đối đầu giữa hai bên trong những tháng gần đây, phản ánh mức độ gây hấn ngày càng tăng từ Bắc Kinh trên vùng biển tranh chấp vào thời điểm Mỹ đang bị phân tâm bởi các cuộc chiến tranh tại Trung Đông và Ukraine.

Ông Collin Koh, một học giả quốc phòng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nói với VOA qua điện thoại: “Người Trung cộng có thể đã cảm nhận được cơ hội để kiểm tra xem Mỹ có thể giúp Phi Luật Tân đẩy lùi Trung cộng ở Biển Đông ở mức độ nào vào thời điểm Mỹ đang đầu tư quá nhiều vào cuộc xung đột ở Trung Đông”.

 

Vòi rồng, phong tỏa

Cuộc đối đầu mới nhất xảy ra sau khi quân đội Phi Luật Tân cáo buộc tàu tuần duyên Trung cộng phun vòi rồng vào tàu Phi Luật Tân trong nhiệm vụ tiếp tế cho Sierra Madre hồi tháng 8. Việc này cũng diễn ra sau một cuộc đối đầu khác giữa các tàu Phi Luật Tân và Trung cộng gần Bãi Cỏ Mây hồi đầu tháng này, trong đó các tàu Phi Luật Tân được cho là đã phá vỡ nỗ lực phong tỏa do tàu tuần duyên Trung cộng áp đặt.

Một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể nghĩ rằng Phi Luật Tân sẽ bị ngăn cản trong việc bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của mình đối với các rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông sau khi các tàu tuần duyên Trung cộng sử dụng một loạt chiến thuật gây hấn để làm gián đoạn sứ mệnh tái tiếp tế của Manila.

“Trung cộng nghĩ rằng Phi Luật Tân [sẽ] nhận ra rằng họ bị áp đảo và cần phải có cách tiếp cận phục tùng hơn, nhưng Phi Luật Tân vẫn tiếp tục đưa ra bằng chứng [về những hành động hung hăng của Bắc Kinh],” ông Ray Powell thuộc Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot tại Đại học Stanford cho biết.

Ông nói quyết định của Phi Luật Tân liên tục công bố các hình ảnh và video về việc lực lượng tuần duyên Trung cộng chặn sứ mệnh tiếp tế của Phi Luật Tân tới Bãi Cỏ Mây đã tạo ra nhiều sự ủng hộ quốc tế hơn cho Manila, điều này được phản ánh qua các tuyên bố do các quốc gia khác đưa ra, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Ông nói với đài VOA qua điện thoại: “Mỹ hiện nay liên tục đề cập đến hiệp ước phòng thủ chung khi nói về Biển Tây Phi Luật Tân. “Các chính phủ ở thế giới phương Tây đã thể hiện một cách rất mạnh mẽ và một số sự hỗ trợ này đang trở thành vật chất. [Các quốc gia này] hiện đang thảo luận về các cuộc tuần tra chung và cũng có những cuộc thảo luận về việc Phi Luật Tân sẽ leo lên vị trí nào trong danh sách các quốc gia sẽ nhận được hỗ trợ quân sự quốc tế”.

Sau vụ việc hôm 22/10, Mỹ, Nhật, Úc và Anh đều đưa ra tuyên bố lên án hành vi của Trung cộng gần Bãi Cỏ Mây. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết lực lượng tuần duyên và dân quân biển Trung cộng “vi phạm luật pháp quốc tế khi cố tình can thiệp vào hoạt động tự do hàng hải trên biển của các tàu Phi Luật Tân”.

 

Kiểm tra quyết tâm của Washington

Bất chấp những tuyên bố ủng hộ từ các đồng minh, ông Koh ở Singapore cho rằng Mỹ cần thực hiện lời hứa hỗ trợ Phi Luật Tân thông qua các hành động cụ thể vì Trung cộng có thể sẽ tiếp tục thử thách ranh giới đỏ của Washington.

Ông nói với VOA: “Nếu người Mỹ dường như không làm nhiều hơn những gì họ đang làm hiện nay, thì điều đó có thể là tín hiệu không chính xác cho người Trung cộng rằng họ đang thành công trong việc vượt giới hạn”. “Người Trung cộng có thể sẽ đẩy nó đi xa hơn nữa. Người Mỹ phải lo lắng về độ tin cậy của họ.”

Trong khi Bắc Kinh ngày càng hung hăng gần các rạn san hô đang tranh chấp trong những tháng gần đây, ông Koh nghĩ rằng Trung cộng chưa sẵn sàng sử dụng vũ lực chống lại Phi Luật Tân.

Ông nói: “Đâm tàu và phun vòi rồng là những chiến thuật phổ biến được người Trung cộng sử dụng và chúng tôi không thấy có dấu hiệu leo thang toàn diện”, đồng thời cho biết thêm rằng tính toán của Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Washington.

Nhưng khi cả Bắc Kinh và Manila đang tăng cường nỗ lực bảo vệ yêu sách lãnh thổ của mình, với việc lực lượng tuần duyên Trung cộng áp đặt các cuộc phong tỏa để làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế của Phi Luật Tân và lực lượng quân sự Phi Luật Tân triển khai các tàu lớn hơn để hộ tống sứ mệnh tiếp tế, một số nhà phân tích lo ngại rằng hai bên đang lâm vào cảnh “ngày càng leo thang.”

Ông Justin Baquisal, một nhà phân tích địa chính trị ở Manila, nói với VOA qua điện thoại: “Trong vài tuần qua, cả Trung cộng và Phi Luật Tân đều bị áp lực phải tăng cường hành động và họ bị mắc kẹt trong vòng xoáy leo thang rất khó gỡ rối”.

Thay vì chỉ thách thức quyết tâm của Phi Luật Tân trong việc tuân thủ cách tiếp cận hiện tại, ông Baquisal cho rằng Bắc Kinh cuối cùng đang thử thách quyết tâm của Washington. Ông nói: “Trung cộng đang cố tình làm điều này để xem liệu Mỹ có sẵn sàng mở mặt trận thứ ba trong cuộc xung đột của mình hay không”, đồng thời cho biết thêm rằng những nỗ lực này đang khiến hoạt động hậu cần của Washington bị dàn mỏng.

 

VOA (25.10.2023)

 

 

 

 

Biển Đông: Vì sao Phi Luật Tân và Trung cộng đang trên đà xung đột?

Chụp lại video, Biển Đông: Tàu cảnh sát biển Trung cộng va chạm với tàu tiếp tế Phi Luật Tân

 

Hãy xem kỹ đoạn video về “vụ va chạm” hôm Chủ nhật giữa một tàu tuần duyên Phi Luật Tân và một tàu cảnh sát biển Trung cộng ở Biển Đông.

Khi đuôi tàu này va vào boong tàu kia, ngay giữa khung hình là đoàn truyền hình Phi Luật Tân đang cố gắng để có được thứ mà giới báo chí gọi là “dẫn trước ống kính”.

Cuộc đối đầu giữa Manila và Bắc Kinh ở các bãi cạn chìm ở Biển Đông đã diễn ra trong nhiều thập kỷ.

Nhưng trong những tháng gần đây có điều gì đó đã thay đổi.

Các cuộc tranh chấp trên biển hiện đang diễn ra dưới sự chú ý cao độ của giới truyền hình. Đây là lần thứ hai trong nhiều tuần, các nhà báo Phi Luật Tân quay được một cuộc chạm trán ở cự ly gần, cạnh một rạn san hô đặc biệt nhạy cảm được biết đến với nhiều cái tên khác nhau như Bãi Cỏ Mây, Bãi cạn Ayungin hay Nhân Ái Tiêu (Ren Ai).

Đây là hoạt động có chủ ý, một phần trong chính sách của chính phủ Phi Luật Tân nhằm thu hút sự chú ý vào điều mà họ gọi là “sức mạnh vũ lực” của Trung cộng trong việc khẳng định quyền kiểm soát đối với những gì Manila nói là vùng biển của mình.

Đại tá đã nghỉ hưu Raymond Powell thuộc Trung tâm Gordian Knot của Đại học Stanford cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta đã thấy một sự thay đổi đáng kể trong năm nay. Đó là điều mà tôi gọi là một chiến dịch minh bạch đầy quyết đoán”.

Bắt đầu từ tháng Giêng, chính phủ Phi Luật Tân đã bắt đầu cung cấp thêm các video về những cuộc chạm trán cho truyền thông địa phương. Vào mùa hè, ngày càng có nhiều nhà báo, trong đó có BBC, được lên thuyền và máy bay của Manila tiến vào vùng biển tranh chấp.

“Nó giống như bật đèn chiếu lên để cho thấy các hoạt động vùng xám của Trung cộng,” Đại tá Powell nói. 

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS Chụp lại hình ảnh, Tàu Phi Luật Tân đang trên đường tới đồn trú của mình ở Bãi Cỏ Mây vào Chủ nhật

 

Trung cộng dường như đã bị bất ngờ trước những chiến thuật mới này.

Trong một thời gian, có vẻ như chiến lược này đã đạt được hiệu quả, theo Oriana Skylar Mastro, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli, bà nói thêm rằng: “Chúng tôi thấy các hoạt động của Trung cộng có phần tạm lắng”.

Bắc Kinh đã giảm bớt căng thẳng và Manila đã có thể thực hiện một số chuyến tiếp tế tới một đồn trú mà nước này có trên Bãi Cỏ Mây – một tàu mắc cạn cũ kỹ có từ thời Thế chiến thứ hai mang tên Sierra Madre.

Chiếc tàu được cố tình neo đậu trên rạn san hô vào năm 1999. Kể từ đó, một nhóm nhỏ thủy quân lục chiến Phi Luật Tân đã đơn độc canh chừng con tàu rỉ sét khi nó dần bắt đầu mục rã.

Vào năm 2014, một nhóm BBC đã lên con tàu này. Thậm chí khi đó nó vẫn giữ nguyên trạng tồi tệ với những lỗ thủng lớn ở hai bên và sóng bắn xuyên qua tàu.

Hầu hết các nhà phân tích tin rằng Trung cộng đã bằng lòng chơi một trò dài hơi. Khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila tốt đẹp, lực lượng cánh sát biển của Trung cộng đã cho phép việc tiếp tế cho tàu Sierra Madre. Khi quan hệ trở nên căng thẳng, họ chuyển sang chặn các chuyến tiếp tế.

Nhưng đánh giá chung của Bắc Kinh là Sierra Madre không thể tồn tại mãi, và đến một lúc nào đó, Phi Luật Tân sẽ buộc phải sơ tán thủy quân lục chiến, khi con tàu vụn thành từng mảnh xuống biển.

Trong sáu năm dưới thời cựu tổng thống Rodrigo Duterte, giả định đó có vẻ có cơ sở. Nhưng kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đắc cử năm ngoái, chính sách đối ngoại của Phi Luật Tân đã quay ngoắt 180 độ.

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS Chụp lại hình ảnh, Một số ít quân Phi Luật Tân đang đóng quân trên Sierra Madre đổ nát

 

Tổng thống Marcos không chỉ đảo ngược chính sách nồng ấm với Bắc Kinh của Duterte, mà ông còn quay lại ủng hộ hoàn toàn việc liên minh với Mỹ và bắt đầu lớn tiếng phản đối việc Trung cộng xâm nhập Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila.

Còn nữa. Các nguồn tin ở Manila tiết lộ rằng đồ ăn và nước uống không phải là thứ duy nhất Phi Luật Tân mang đến tiếp tế cho Sierra Madre. Họ nói rằng họ đã âm thầm vận chuyển vật liệu xây dựng, bao gồm cả xi măng và giàn giáo. Mục đích: chống đỡ cho con tàu rỉ sét.

Đại tá Powell nói: “Thật khó để biết họ có thể kéo dài hơi sức của con tàu bằng cách nào. Tôi nghĩ chúng ta đang đi đến điểm khủng hoảng. Ngày tàn của Sierra Madre đã gần kề. Nó có thể vỡ vụn sớm thôi.”

Có lẽ chính cảm giác cấp bách mới này đang thúc giục cả Manila lẫn Bắc Kinh trở nên quyết liệt hơn. Phi Luật Tân đang cố gắng duy trì sự hiện diện ở Bãi Cỏ Mây. Bắc Kinh một lần nữa nhắc lại quyền lực của mình, xác định rằng Sierra Madre sẽ không tồn tại được.

Nhưng nếu Sierra Madre cuối cùng chìm xuống vùng nước màu xanh ngọc của Biển Đông – hay Biển Tây Philippine như cách gọi của Manila – thì điều gì sẽ xảy ra?

Liệu Bắc Kinh có nhảy vào và cố gắng giành quyền kiểm soát rạn san hô như họ đã làm ở những nơi khác ở Biển Đông không? Manila sẽ cố gắng neo đậu một tàu khác trên Bãi Cỏ Mây? Và Washington sẽ phản ứng thế nào?

Không ai biết nhưng ngày đó sẽ đến, có lẽ sớm thôi.

 

Rupert Wingfield-Hayes

BBC (25.10.2023)

 

 

 

 

 

Biển Đông: Phi Luật Tân gia tăng tuần tra hàng hải sau các hành động ‘‘hung hăng’’ của Trung cộng

 

Căng thẳng Phi Luật Tân và Trung cộng gia tăng những ngày gần đây. Một quan chức Phi Luật Tân hôm nay, 24/10/2023, cho biết Manila sẽ gia tăng các cuộc tuần tra hàng hải, và bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Tây Phi Luật Tân (tức Biển Đông) với‘‘quy mô hạn chế”, sau các hành động hung hăng của Trung cộng nhằm vào một đoàn tàu tiếp tế cho đơn vị đồn trú ở Bãi Cỏ Mây, quần đảo Trường Sa hôm Chủ nhật, 23/10. 

Tàu cảnh sát Trung cộng (màu trắng) chặn một chiếc thuyền mang cờ Phi Luật Tân dẫn đến sự cố va chạm ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh chụp màn hình từ video phát ngày 22 tháng 10 năm 2023 via REUTERS – CHINA COAST GUARD

 

Trang mạng ABS-CBN news dẫn lời ông Jonathan Malaya, trợ lý tổng giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Phi Luật Tân, cho biết quyết định nói trên được đưa ra khi Phi Luật Tân ghi nhận “một số lượng lớn tàu dân quân biển Trung cộng” đang hoạt động không chỉ gần Bãi Cỏ Mây (tức Second Thomas Shoal), mà còn tại Bãi cạn Scarborough và Bãi Sabin (Sabina). Phía Phi Luật Tân kêu gọi Trung cộng “hành động có trách nhiệm”, tuân thủ luật pháp quốc tế, lưu ý rằng Bắc Kinh là một bên ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Phi Luật Tân Eduardo M. Año có cuộc điện đàm hôm qua, 23/10, về tình hình Biển Đông. Sau cuộc điện đàm, Washington ra thông báo ‘‘tái khẳng định ủng hộ của Hoa Kỳ đối với đồng minh Phi Luật Tân sau các hành động nguy hiểm và bất hợp pháp của Lực lượng tuần duyên Trung cộng và lực lượng dân quân biển Trung cộng vào ngày 22/10, nhằm cản trở hoạt động tiếp tế thường lệ của Phi Luật Tân cho Bãi cạn Second Thomas’’. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh là theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Phi Luật Tân, Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh, ‘‘nếu các tàu công vụ, chiến đấu cơ và lực lượng vũ trang của Phi Luật Tân, bao gồm cả lực lượng cảnh sát biển của Phi Luật Tân bị tấn công.’’

Về phía Bắc Kinh, theo nhật báo Anh ngữ China Daily của đảng Cộng sản Trung cộng, trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng Mao Ninh đã lên án ‘‘các nỗ lực nham hiểm’’ của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ các hành vi khiêu khích của Phi Luật Tân tại Đá Nhân Ái (Ren’ai), tên Trung cộng dùng để chỉ Bãi Cỏ Mây, và khẳng định Trung cộng có chủ quyền tại vùng biển này. Báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay dẫn lời Ding Duo, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Biển Nam Hải (tức Biển Đông), thuộc đảo Hải Nam (Trung cộng), cảnh báo ‘‘các khẩu chiến Trung cộng, Phi Luật Tân về va chạm ở Biển Đông’’ có thể làm gia tăng nguy cơ ‘‘xung đột’’.

 

RFI (24.10.2023)

 

 

 

 

Biển Đông: Căng thẳng Trung cộng-Phi Luật Tân gia tăng

 

Lợi dụng lúc Hoa Kỳ chú tâm vào cuộc chiến mới bùng phát ở Trung Đông, Trung cộng đẩy mạnh thủ đoạn xâm chiếm Biển Đông bằng việc gia tăng các hành động gây hấn với Phi Luật Tân.

Hình chụp ngày 22 Tháng Mười cho thấy tàu tuần duyên Trung cộng chặn tàu Phi Luật Tân gần Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông. (Hình: Ted Aljibe/AFP via Getty Images)

 

Vụ va chạm tại Bãi Cỏ Mây ngày 22 Tháng Mười

Xung đột giữa Trung cộng và Phi Luật Tân trên Biển Đông không mới, nhưng đột ngột nóng lên vào cuối tuần khi tàu tuần duyên Trung cộng đâm vào một tàu tiếp tế của Phi Luật Tân chuyên chở nhu yếu phẩm cho một đơn vị quân đội Phi Luật Tân đồn trú trong một con tàu cũ trên bãi cạn Second Thomas Shoal mà Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây (Phi Luật Tân gọi là Ayungin Shoal). Vụ va chạm nghiêm trọng tới mức Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr. của Phi Luật Tân phải triệu tập phiên họp khẩn cấp các giới chức lãnh đạo Bộ Quốc Phòng cùng các sĩ quan quân đội và nhân viên an ninh cao cấp nhằm thảo luận biện pháp đối phó với các hành động thù nghịch mới nhất của Trung cộng.

Bãi Cỏ Mây nằm cách bờ biển Palawan của Phi Luật Tân khoảng 194km về phía Tây và cách đảo Hải Nam của Trung cộng hơn 1,000km về phía Đông Nam. Theo Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) năm 1982, bãi cạn này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Phi Luật Tân. Nhưng do Trung cộng tuyên bố chủ quyền bãi cạn và thường xuyên cho tàu thuyền đến hoạt động, năm 1999 Phi Luật Tân quyết định cho chiến hạm cũ BRP Sierra Madre (LT-57) lao lên bãi và biến nó thành một tiền đồn của quân đội. Một đơn vị nhỏ Thủy Quân Lục Chiến của Phi Luật Tân đóng trong con tàu cũ để thực thi chủ quyền lãnh thổ và từ đó hàng tháng người Phi Luật Tân đều cho tàu chở vật phẩm ra cung cấp. Những chuyến tiếp tế của Phi Luật Tân luôn bị Trung cộng ngăn cản và đôi khi xảy ra va chạm. Trung cộng sử dụng một số lượng tàu tuần duyên, tàu dân quân biển đông hơn, lớn hơn, bắn vòi rồng hoặc chiếu tia laser vào tàu tiếp tế của Phi Luật Tân nhưng chưa có vụ nào gây chết người hoặc hư hại nặng.

Trong vụ va chạm mới đây, các video quay bằng máy bay không người lái (drone) mà Phi Luật Tân công bố cho thấy có tám tàu của lực lượng cảnh sát biển Trung cộng bao vây ba tàu của Phi Luật Tân. Sau đó, tàu cảnh sát biển Phi Luật Tân bị một tàu Trung cộng đâm vào phía bên trái tại một địa điểm cách Bãi Cỏ Mây khoảng 6.4 hải lý về phía Đông Bắc. May mắn là cả hai phía không có người nào thiệt mạng hoặc bị thương.

Sau vụ này, Bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân triệu tập đại sứ Trung cộng là ông Hoàng Khê Liên đến trao công hàm phản đối hành động gây hấn. Đây là công hàm phản đối thứ 55 trong năm nay. Trong cuộc họp báo ngày hôm đó, bà Teresita Daza, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân, nói rằng: “Tất cả những vụ này sẽ củng cố luận điểm rằng không phải Phi Luật Tân mới là kẻ xâm lược mà là bên kia, đó là Trung cộng.”

Về phía Trung cộng, ngay hôm đó, cảnh sát biển nước này nhanh chóng ra tuyên bố đổ lỗi cho Phi Luật Tân  “xâm nhập trái phép” lãnh thổ Trung cộng dẫn tới sự việc nêu trên. Bắc Kinh từ lâu vẫn nói Bãi Cỏ Mây thuộc lãnh thổ “lịch sử” của họ, cáo buộc Phi Luật Tân chiếm đóng trái phép và luôn đòi Manila phải di chuyển xác tàu Sierra Madre đi nơi khác. Trung cộng biện hộ cho hành động của mình là ngăn cản Phi Luật Tân vận chuyển vật liệu xây dựng tới bãi cạn để xây dựng công sự kiên cố.

Lời qua tiếng lại giữa hai bên thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đang lo ngại Biển Đông – cùng với Đài Loan – có thể trở thành một điểm nóng mới trong một thế giới đang rất lộn xộn vì chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông.

Phi Luật Tân là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ. Hôm Thứ Hai, 23 Tháng Mười, Bộ Ngoại Giao Mỹ ra tuyên bố nhấn mạnh Hoa Kỳ sát cánh cùng Phi Luật Tân để “đương đầu với các hành động nguy hiểm và bất hợp pháp của lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển Trung cộng ngăn chặn việc tiếp tế của Phi Luật Tân tới Bãi Cỏ Mây hôm 22 Tháng Mười.” Tuyên bố của Mỹ “tái khẳng định rằng Điều 4 của Hiệp Ước Phòng Thủ Chung Mỹ – Phi Luật Tân (Mutual Defense Treaty – MDT) năm 1951 áp dụng đối với cả các cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, các tàu, và máy bay công cộng – bao gồm cả các phương tiện thuộc lực lượng Bảo Vệ Bờ Biển – ở bất cứ đâu trong khu vực Biển Đông.” Điều 4 của MDT cũng đã được Phó Tổng Thống Kamala Harris và Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin của Mỹ nhắc lại trong các chuyến thăm Phi Luật Tân trong năm nay.

 

Có Mỹ chống lưng, Phi Luật Tân thay đổi chiến thuật

Không khó nhận ra cái bóng của Hoa Kỳ sau lưng Phi Luật Tân và làm cho nước này trở nên cứng rắn hơn trong đối sách với Trung cộng ở Biển Đông, nhất là từ khi ông Ferdinand Marcos Jr. lên làm tổng thống Tháng Năm năm ngoái. Trái với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, vốn có chủ trương thân thiện với Bắc Kinh, ông Marcos “xoay trục” càng lúc càng cứng rắn với Trung cộng, dựa vào hai nền tảng quan trọng là hiệp ước đồng minh với Hoa Kỳ và phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế Thường Trực (PCA) năm 2016 có lợi cho Phi Luật Tân và bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung cộng qua “đường lưỡi bò chín đoạn” mà nay thành 10 đoạn.

Vững tin vào lẽ phải và vào liên minh với Hoa Kỳ, Phi Luật Tân đã thay đổi chiến thuật đối phó với các hành động hung hăng của Trung cộng. Thay vì lặng lẽ chở hàng ra biển tiếp tế cho lính, tránh né những vụ ngăn cản của tuần duyên Trung cộng, gần đây, Phi Luật Tân luôn công khai kế hoạch tiếp tế và mời các cơ quan truyền thông quốc tế tham gia các chuyến đi biển để trực tiếp chứng kiến và tường trình tới thế giới. Sau mỗi cuộc chạm trán trên biển, các lực lượng vũ trang Phi Luật Tân đều tổ chức họp báo, công bố đầy đủ video, hình ảnh từ hiện trường để hỗ trợ cho các thông tin chính thức. Cách làm này giúp Phi Luật Tân tạo được sự ủng hộ của quốc tế và khiến Trung cộng phải ngần ngại mỗi khi ra tay. Theo ông Ray Powell, trưởng dự án Myoushuu (Biển Đông) tại đại học Stanford University, Manila “đã bắt đầu một chiến thuật minh bạch và quyết đoán” để đối phó với chiến thuật “vùng xám” của Bắc Kinh. “Điều mới mẻ là Phi Luật Tân giờ đây đang cho thế giới thấy điều gì đã và đang xảy ra ngay trước mũi của chúng ta trong nhiều năm và thế giới sẽ phải quyết định cần phải làm gì về điều này,” ông Powell nói, theo RFA.

Thái độ cứng rắn của Phi Luật Tân cùng sự quyết đoán và hung hăng của Trung cộng khiến tình hình Biển Đông luôn căng thẳng. Mấy tháng gần đây, Trung cộng gia tăng đối đầu ở khu vực Bãi Cỏ Mây như một phản ứng chống lại việc Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr. đồng ý cho phép Hoa Kỳ sử dụng chín căn cứ quân sự của Phi Luật Tân theo Thỏa Thuận Hợp Tác Quốc Phòng Tăng Cường (EDCA). Ba trong số các căn cứ quân sự này nằm trên đảo lớn Luzon gần Đài Loan và một căn cứ ở Palawan gần quần đảo Trường Sa sẵn sàng ứng phó với Trung cộng ở cả Đài Loan và Biển Đông.

Trung cộng một mặt đẩy mạnh việc ngăn chặn hoạt động tiếp tế của Phi Luật Tân trên Bãi Cỏ Mây, một mặt hối thúc Manila tháo dỡ tàu BRP Sierra Madre, khôi phục nguyên trạng Bãi Cỏ Mây trả lại cho Trung cộng. Các nhà quan sát dự đoán Bắc Kinh sẽ phải đưa ra một tối hậu thư để buộc Phi Luật Tân phải “chấp hành” nhưng động thái đó sẽ biến Trung cộng thành trò cười vì không bao giờ Manila thực thi một yêu sách quái đản như vậy. Còn nếu Trung cộng hung hăng động thủ, vượt qua lằn ranh đỏ, gây tổn hại cho người và tàu thuyền của Phi Luật Tân thì hậu quả sẽ rất khó lường vì quân đội Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không ngồi yên.

 

Hy vọng nào cho vấn đề Biển Đông

Cùng với Phi Luật Tân, Việt Nam là một nạn nhân của chính sách bành trướng của Trung cộng trên Biển Đông. Việt Nam không chỉ bị Trung cộng chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974, một phần quần đảo Trường Sa năm 1988, mà còn thường xuyên bị Trung cộng xâm chiếm vùng đặc quyền kinh tế. Chuyện ngư dân Việt Nam bị tàu dân quân, tàu tuần duyên Trung cộng đâm chìm, quấy nhiễu, cướp bóc tài sản đánh đập đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” mà không được nhà cầm quyền quan tâm ngoài những lời tuyên bố “quan ngại” nhắc đi nhắc lại như một chiếc đĩa hát đã mòn vẹt. Đi xa hơn, Trung cộng còn ngăn cản các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và buộc các công ty dầu khí nước ngoài phải rút khỏi các dự án, gây thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế đất nước.

Đúng vào lúc Phi Luật Tân và Trung cộng va chạm ở Bãi Cỏ Mây như nêu trên thì hàng chục tàu đánh cá của ngư dân Trung cộng ngang nhiên xâm nhập và hoạt động trong vùng biển Việt Nam, khu vực đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn im lặng. Một bản tin trên báo Người Việt ngày 22 Tháng Mười dẫn nguồn từ ông Ray Powell cho biết: “Ngày 18 Tháng Mười, một đoàn tàu đánh cá Trung cộng hoạt động ở phía Đông đảo Phú Quý, giữa khoảng 50 đến 100 hải lý,” tức là hoàn toàn nằm trong phạm vi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trong hoàn cảnh Việt Nam không có một thế lực cường quốc chống lưng và không được dư luận quốc tế ủng hộ như Phi Luật Tân, khó mà hy vọng Hà Nội có thái độ cứng rắn với Bắc Kinh. Trái lại, “ngoại giao cây tre” của Việt Nam ngày càng ngả về phía Trung cộng, nhân nhượng tối đa các yêu sách của Bắc Kinh để duy trì chế độ độc tài toàn trị thì người Việt Nam chỉ có thể đau lòng nhìn những tấc biển tấc đất của tổ tiên rơi dần vào tay kẻ thù truyền kiếp phương Bắc.

Nhưng trường hợp Phi Luật Tân có thể làm dấy lên một tia hy vọng. Giải pháp lâu dài cho hòa bình ở Biển Đông chỉ có thể là Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện ở khu vực, hợp tác với các nước nhỏ đang bị Trung cộng chèn ép. Một sự liên kết chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ với Phi Luật Tân, Việt Nam, Malaysia, Indonesia mới có thể ngăn chặn mưu đồ bành trướng của Trung cộng và buộc Bắc Kinh phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

 

Hiếu Chân

Người Việt (24.10.2023)

 

 

 

 

 

 

Phi Luật Tân triệu tập Đại sứ Trung cộng vì những va chạm ở Biển Đông

 

Các nhà phân tích cho rằng Manila đang áp dụng chính sách minh bạch quyết đoán khi đương đầu với những hành động của Bắc Kinh trong khu vực.

Tàu mang cờ Phi Luật Tân bị chặn bởi một tàu Cảnh sát Biển Trung cộng trong một vụ việc ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông vào ngày 22/10/2023 Cảnh sát Biển Trung cộng/ Reuters

 

Manila trong ngày thứ Hai (23/10) đã triệu tập Đại sứ Trung cộng tại Phi Luật Tân để phản đối về hai vụ việc xảy ra ở Biển Đông hôm Chủ Nhật. Đây là hai vụ việc, mà theo giới phân tích, đã cho thấy rõ sự “đạo đức giả” của Trung cộng cũng như sự tăng cường “chiến dịch minh bạch quyết đoán” của Phi Luật Tân trong các vùng biển tranh chấp.

Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân thông báo nước này đã ra một công hàm ngoại giao mới phản đối hành động của Trung cộng, công hàm thứ 55 của nước này trong năm nay.

Các nhà chức trách Phi Luật Tân cho biết một trong những tàu hợp đồng làm nhiệm vụ tiếp tế đến Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) của nước này – nơi Manila duy trì một tàu hải quân làm tiền đồn quân sự – đã bị một tàu Cảnh sát Biển Trung cộng chặn lại, dẫn đến va chạm.

Cũng trong chuyến tiếp tế này, phía mạn trái của một tàu Cảnh sát Biển Phi Luật Tân đã “bị đâm bởi bởi tàu dân quân biển Trung cộng mang số hiệu CMMV 00003 khi tàu này đang nằm cách Bãi Ayungin (tên địa phương của Bãi Cỏ Mây) khoảng 6,4 hải lý về phía đông bắc” – Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia Philipplines phụ trách khu vực Biển Tây Phi Luật Tân (Biển Đông) cho biết.

Được biết không có ai bị thương trên các tàu của cả hai phía.

Cảnh sát Biển Trung cộng ngay hôm Chủ Nhật đã nhanh chóng ra tuyên bố, đổ lỗi cho tàu Phi Luật Tân vì đã “xâm nhập trái phép”.

Báo chí nhà nước Trung cộng trích tuyên bố cho hay hai tàu vận tải và hai tàu Cảnh sát Biển của Phi Luật Tân đã ‘xâm nhập trái phép” vào vùng biển gần Bãi Cỏ Mây hay còn được gọi là Bãi đá Ren’ai trong tiếng Trung.

Tuyên bố này cũng nói rằng bất chấp những cảnh báo liên tục từ phía các nhà chức trách Trung cộng, tàu tiếp tế của Phi Luật Tân “đã cố tình vượt qua mũi tàu Cảnh sát Biển số 5203 của Trung cộng một cách không chuyên nghiệp và nguy hiểm vào lúc 6:14 sáng, dẫn đến một va chạm nhỏ.”

Khoảng hai tiếng sau, tàu Cảnh sát Biển Phi Luật Tân số hiệu 4409 “cố tình gây rắc rối” bằng cách đi lùi lại và va chạm với một tàu cá của Trung cộng đang ở khu vực biển lân cận, tuyên bố nói tiếp.

Đại sứ quán Trung cộng “đã đưa ra ý kiến phản đối chính thức với phía Phi Luật Tân, bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và sự phản đối kiên quyết đối với việc xâm nhập trái phép này” – Tờ Thời báo Hoàn Cầu viết trên mạng xã hội X, tên mới của mạng Twitter.

Cả hai phía đều công bố các video clips để chứng minh cho những lập luận của mình.

Năm 1999, Hải quân Phi Luật Tân đã cố tình đưa tàu BRP Sierra Madre thuộc thế hệ tàu thời Thế chiến thứ II ra Bãi Cỏ Mây để làm tiền đồn quân sự và chủ quyền của mình và vì vậy, lực lượng quân đội đóng trên tàu này cần được tiếp tế thường xuyên. Phía Trung cộng thì cho rằng tàu Sierra Madre đã được “neo đậu một cách bất hợp pháp”.

Trong những tháng gần đây, các tàu Cảnh sát biển và các tàu dân quân biển Trung cộng đã liên tục bám theo và chặn các tàu Phi Luật Tân làm nhiệm vụ tiếp tế cho tàu Sierra Madre, trong đó phía Trung cộng đã từng bắn vòi rồng vào một trong những tàu tiếp tế diễn ra hồi tháng 8 năm nay.

Đoạn video được quay và công bố vào ngày 22/10/2023 này cho thấy một vụ va chạm giữa tàu Cảnh sát biển Trung cộng (bên trái) và tàu tiếp tế (bên phải) của Phi Luật Tân trong chuyến tiếp tế gần Bãi Cỏ Mây. Ảnh: Lực lượng Vũ trang Philipipines.

 

“Chiến dịch Minh bạch” của Manila

Mỹ nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Phi Luật Tân – đồng minh hiệp ước của mình.

Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay: “Hoa Kỳ sát cánh cùng các đồng minh Phi Luật Tân của chúng tôi khi phải đương đầu với các hành động nguy hiểm và bất hợp pháp của lực lượng Cảnh sát Biển và dân quân biển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm ngăn chặn hoạt động tiếp tế của Phi Luật Tân tới khu vực Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông hôm 22/10”. 

Phía Mỹ “tái khẳng định rằng Điều 4 của Hiệp ước Phòng thủ Chung Mỹ – Phi Luật Tân năm 1951 áp dụng đối với cả các cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, các tàu và máy bay công cộng – bao gồm cả các phương tiện thuộc lực lượng Bảo vệ Bờ biển – ở bất cứ đâu trong khu vực Biển Đông.”

Tuyên bố cáo buộc các tàu Trung cộng đã vi phạm luật pháp quốc tế và cho rằng các yêu sách lãnh thổ của Trung cộng là không có cơ sở vì Bãi Cỏ Mây là ‘một thực thể nằm sâu trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân và trên thêm lục địa của Phi Luật Tân.”

Theo nghiên cứu viên cao cấp Thomas Shugart – người hiện đang phụ tá cho Chương trình Quốc phòng của Trung tâm An ninh Hoa kỳ Mới – các cơ quan chính phủ Mỹ, bao gồm cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã làm được việc “lên án sự đạo đức giả của PLAN”. PLAN là tên viết tắt mà ông này dùng để chỉ Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.

“Trung cộng tuyên bố có quyền quy định và kiểm soát các hoạt động hải quân trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của mình – điều mà họ không làm và rồi tự do hoạt động như họ muốn trong vùng Đặc quyền Kinh tế của các quốc gia khác” – ông Shugart nói.

Một nhà phân tích khác, ông Ray Powel từ Trung Tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford, lưu ý rằng Manila “đã bắt đầu một chiến thuật minh bạch quyết đoán” trong việc thông tin về vụ việc xảy ra trong các khu vực biển tranh chấp.

“Nó đã trở thành bình thường … Việc một nước lớn có thể ngáng chặn tiền đồn của một nước nhỏ mà không phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nào” – ông Powell nói. “Điều mới mẻ là Phi Luật Tân giờ đây đang cho thế giới thấy điều gì đã và đang xảy ra ngay trước mũi của chúng ta trong nhiều năm và thế giới sẽ phải quyết định cần phải làm gì về điều này”.

Gần như ngay lập tức sau hai vụ việc này, Lực lượng Vũ trang Phi Luật Tân đã công bố trên các xã hội những bức ảnh và video clip do họ ghi lại cũng như cảnh quay bằng máy bay không người lái (drone) đi kèm với các tuyên bố chính thức.

Một trong những bức ảnh này cho thấy rõ 3 tàu của Phi Luật Tân đang bị bao vây bởi 8 tàu của Lực lượng Cảnh sát Biển Trung cộng.

Chiến thuật này sẽ giúp “tăng cường sự kiên cường của quốc gia, tạo dựng sự ủng hộ của quốc tế và khiến Trung cộng phải trả giá về danh tiếng” – nhà phân tích này nói.

“Nếu các nước khác cũng làm như vậy thì sẽ khiến Trung cộng phải tính toán lại rằng: Cái giá mà họ đang phải trả cho những chiến thuật vùng xám của mình có tương xứng với những lợi ích mà họ hy vọng nhận được từ những chiến thuật này” – ông Powel nói.

Hiện có sáu bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong đó yêu sách của Trung cộng cho đến nay là rộng lớn nhất. Bắc Kinh đã từ chối chấp nhận một phán quyết quốc tế năm 2016 rằng tuyên bố chủ quyền của họ là không có cơ sở pháp lý.

Bãi Cỏ Mây cách đảo Palawan của Phi Luật Tân khoảng 200 km (124 dặm) và cách đảo Hải Nam của Trung cộng hơn 1.000 km.

 

RFA (24.10.2023)

 

 

 

 

Trung cộng hung hăng ở Biển Đông, Mỹ nhắc sẽ bảo vệ Phi Luật Tân

 

Hôm Thứ Hai, 23 Tháng Mười, Hoa Kỳ tái xác nhận lời cảnh cáo rằng họ sẽ bảo vệ Phi Luật Tân trong trường hợp nước này bị bên ngoài tấn công võ trang chiếu theo một thỏa ước phòng thủ song phương được ký kết từ năm 1951, sau khi các tàu Trung cộng chặn đường rồi húc vào hai chiếc tàu của Phi Luật Tân bên ngoài một bãi cạn mà hai bên đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, tức Biển Nam Hoa (South China Sea).

Bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân đã triệu vời một giới chức Trung cộng đến để phản đối sự kiện xảy ra sau cuộc đụng tàu tại Bãi Cạn Second Thomas vào hôm Chủ Nhật. Mặc dù không có ai bị thương nhưng vụ đụng độ đã làm hư hại một tàu duyên phòng Phi Luật Tân và một tàu sườn gỗ chở hàng tiếp tế do Hải Quân Phi Luật Tân vận hành, các giới chức cho hay.

Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr. đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp gồm các giới chức lãnh đạo Bộ Quốc Phòng cùng các sĩ quan quân đội và nhân viên an ninh cao cấp nhằm thảo luận về các hành động thù nghịch mới nhất trong vùng biển bị tranh chấp.

Thủy thủ chuẩn bị cho chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet cất cánh từ chiến hạm USS Ronald Reagan (CVN 76) ở Biển Đông hôm 21 Tháng Mười, 2023 (Hình: Keyly Santizo/U.S. Navy)

 

Phi Luật Tân cùng các lân bang của họ đều chống đối những đòi hỏi chủ quyền vung vít của Trung cộng trên gần như toàn bộ Biển Đông, và một số chính phủ, như Manila chẳng hạn, đã phải trông cậy vào sự ủng hộ của quân đội Hoa Kỳ phòng khi các sự việc như thế tăng lên.

Sau phiên họp, Bộ Trưởng Quốc Phòng Gilberto Teodoro đã lên tiếng đả kích Trung cộng tại một cuộc họp báo, cho rằng họ đã ỷ mình có “sức mạnh tàn độc” để gây nguy hại cho các thủy thủ Phi Luật Tân và để bóp méo thực tế chủ quyền nhằm che đậy cuộc xâm lược của họ.

“Chúng tôi đưa các vụ đụng độ nghiêm trọng như thế lên tầm mức cao nhất trong mối bang giao giữa các nước,” vị bộ trưởng Phi Luật Tân tuyên bố. “Chính quyền Trung cộng đã cố tình chà đạp lên sự thật,” ông nói.

Chính quyền Manila cũng có kế hoạch lên tiếng báo động về các hành động nguy hiểm của tàu Trung cộng trong các cuộc đối thoại giữa Trung cộng và Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) liên quan tới “nguyên tắc ứng xử” của các bên liên hệ nhằm ngăn ngừa một cuộc đụng độ võ trang lớn trên Biển Đông.

Bắc Kinh sẽ chủ trì các cuộc thương lượng kéo dài ba ngày về tình hình Biển Đông giữa Trung cộng với Khối ASEAN vào Thứ Hai này, các giới chức Phi Luật Tân, yêu cầu được ẩn danh, tiết lộ với thông tấn xã AP. 

 

Người Việt (23.10.2023)

 

 

 

 

Tàu cá Trung cộng ngang nhiên đến gần Phú Quý, CSVN câm nín

 

Tàu cá Việt Nam bị tàu Hải Cảnh Trung cộng đâm chìm được kéo về bến

 

Tin về tàu Trung cộng ngang nhiên hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác nhận chỉ hai ngày trước khi Võ Văn Thưởng đến Bắc Kinh dự cuộc họp ca ngợi kế hoạch kết nối “Vành Đai – Con Đường” bành trướng thế lực kinh tế và chính trị trên thế giới của Trung cộng.

 

Nhiều tàu đánh cá Trung cộng ngang nhiên hoạt động gần đảo Phú Quý của Việt Nam, nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn nín lặng.

Ông Ray Powell, người đứng đầu dự án Project Myoushu theo dõi tình hình thời sự Biển Đông tại đại học Stanford, California, viết trên mạng X (trước đây là Twitter) rằng, “Ngày 18 Tháng Mười, một đoàn tàu đánh cá Trung cộng hoạt động ở phía Đông của đảo Phú Quý, giữa khoảng 50 đến 100 hải lý,” tức là hoàn toàn nằm trong phạm vi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ông Powell chỉ đưa tin vắn tắt như trên, không xác định bao nhiêu tàu Trung cộng xâm phạm và cũng không nói gì về sự có mặt hay không của lực lượng Cảnh Sát Biển hoặc Kiểm Ngư của Việt Nam.

Ông chỉ nêu ra sự kiện các tàu đánh cá Trung cộng hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyến kinh tế 200 hải lý của Việt Nam mà không thấy có phản ứng gì của Bộ Ngoại Giao CSVN.

Đảo Phú Quý là một huyện đảo, gồm 12 đảo lớn nhỏ, thuộc tỉnh Bình Thuận có 28,000 dân hầu hết sống về nghề biển, cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (104 km) về hướng Đông Nam.

Mới ngày 21 Tháng Chín, tướng Bùi Quốc Oai, chính ủy Cảnh Sát Biển, đến đảo Phú Quý “tuyên truyền chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cho ngư dân huyện đảo Phú Quý.”

Trong khi đó, không thấy tướng Cảnh Sát Biển vừa kể có một lời nhắc nhở nào liên quan tới việc đề phòng tàu đánh cá nước ngoài khai thác thủy sản bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền kinh tế của nước mình. Nơi đây Việt Nam đặt một đài radar theo dõi các hoạt động trên không và trên biển ở khu vực, được khoe là “mắt thần” canh giữ biển trời quê hương.

Hiện nhà cầm quyền CSVN đang cố gắng ngăn chặn ngư dân đánh cá bất hợp pháp ở vùng biển các nước khác để gỡ “thẻ vàng” bị Liên Âu đe dọa cấm xuất cảng thủy sản. Mấy năm trước, báo chí trong nước thỉnh thoảng đưa tin chận bắt một vài chiếc tàu đánh cá Trung cộng hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam.

Như hồi Tháng Tám 2020, một tàu đánh cá Trung cộng vào đánh cá sâu trong vùng biển Việt Nam chỉ cách đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị có 11 hải lý hướng Đông Bắc. Tàu này chỉ bị cảnh cáo rồi đuổi đi trong khi rất nhiều tàu đánh cá của Việt Nam đã bị tàu Hải Cảnh Trung cộng đâm chìm khi hoạt động trong vùng biển quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.

Tin về tàu Trung cộng ngang nhiên hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác nhận chỉ hai ngày trước khi Võ Văn Thưởng đến Bắc Kinh dự cuộc họp ca ngợi kế hoạch kết nối “Vành Đai – Con Đường” bành trướng thế lực kinh tế và chính trị trên thế giới của Trung cộng.

Guồng máy tuyên truyền của CSVN thuật lời ông Thưởng “đề nghị hai bên nỗ lực tạo không khí thuận lợi cho tổng thể quan hệ song phương đang tiến triển tốt đẹp, tăng cường tuyên truyền hữu nghị, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân, thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực hợp tác thực chất…” đi kèm những lời kêu gọi “tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau…” dù trên thực tế hoàn toàn ngược lại.

 

Theo Người Việt (23.10.2023)