Mục lục
60 năm Đảo chính 1-11-1963 lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm (Kỳ 1)
31-10-2023
Kỳ 1: BA ĐẠI TÁ DÂN ÔNG TẠ ĐƯỢC “ÔNG CỤ” ĐẶC BIỆT TIN CẨN
(Tôi không viết sử mà chỉ ghi nhận thông tin từ góc người Ông Tạ. Nhưng lịch sử Việt Nam Cộng hòa chắc chắn sẽ phải viết lại hoàn toàn nếu các mưu sự, tính toán của ba vị đại tá ấy thành công).
Trên đường Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình, TP.HCM), có hẻm An Tôn (nay là hẻm 947 Cách Mạng Tháng Tám). Hẻm này dài hơn hai trăm thước, cuối hẻm, nhìn xéo bên phải là Trường trung tiểu học Mai Khôi (nay là Trường tiểu học Bành Văn Trân). Xưa tôi học tiểu học ở Mai Khôi, nhiều lúc qua lại hẻm này vì trong đó có nhà cô giáo lớp Bốn của tôi. Cô tên Bùi Mai Phương, ba cô là giáo sư Bùi Ngọc Liên, anh ruột giám mục Bùi Tuần, cũng dạy ở Mai Khôi (và nhiều trường khác).
Cùng dãy nhà với nhà cô tôi có một ngôi nhà giữa hẻm khá lặng lẽ, cửa nẻo thường đóng, người ra vô cũng ít nói. Dân trong xóm này gọi bà chủ nhà lịch thiệp, lộ rõ nét sang trọng này là o Khôi. Ít ai biết đó là vợ đại tá Việt Nam Cộng hòa Lê Quang Tung – tư lệnh Lực lượng Đặc biệt kiêm chỉ huy trưởng Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống thời Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Gia đình ông Tung mộ đạo, gần nhà có đền thánh An Tôn (nay là nhà thờ An Tôn), nhà thờ Thánh Mẫu và nhà thờ Chí Hòa.
Trong bài “Giải mã cái chết của Lê Quang Tung và Hồ Tấn Quyền trong vụ đảo chính Ngô Đình Diệm” trên báo Công An Nhân Dân ngày 17-3-2017, tác giả Nông Huyền Sơn viết: Trước khi cuộc đảo chính nổ ra hơn 2 tháng, vào ngày 27-8-1963, từ Trung tâm điều khiển CIA tại Sài Gòn đã gởi một công điện về Trung tâm CIA ở Langley báo cáo một bản tường trình của Lucien Conein (trung tá tình báo, ông trùm của cuộc đảo chính 1-11-1963) về cuộc họp của Hội đồng Tướng lãnh (Committee of Generals) như sau: “Ủy ban (tức Hội đồng Tướng lãnh) quyết định rằng đại tá Lê Quang Tung được coi là mục tiêu đầu tiên của Ủy ban Đảo chánh và sẽ bị tiêu diệt cùng với toàn trại của ông ta như là một trong những hành động đầu tiên của cuộc đảo chánh”.
Tinh thần của cuộc họp này thật ra chỉ là thực hiện ý đồ của người Mỹ khi trước đó, CIA đã chốt danh sách những người cần phải giết, trong đó đại tá Lê Quang Tung (tư lệnh Lực lượng Đặc biệt) và đại tá Hồ Tấn Quyền (tư lệnh Hải quân).
“Trên thế giới, nơi nào có mặt ông ta, nơi đó có lật đổ chính trị” – tác giả Nông Huyền Sơn viết va nói thêm: “Khi Lucien Conein bắt đầu soạn thảo kế hoạch đảo chính Ngô Đình Diệm, dòng đầu tiên được viết bằng mực đỏ: Phải giết Lê Quang Tung”.
Đại tá Lê Quang Tung được CIA lẫn chính giới coi như nhân vật quyền lực thứ ba của nền Đệ nhất Cộng hòa, sau hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.
Phó của ông Tung là đại tá Trần Khắc Kính, con rể ông bà lý Sóc trong ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám). Nhà ông bà lý Sóc cách nhà cũ của nhà thơ Đỗ Trung Quân năm bảy chục thước; gần nhà cụ Vũ Hữu Soạn, cha đại tá Vũ Hữu San, hạm trưởng HQ4 – Trần Khánh Dư tham gia Hải chiến Hoàng Sa 1974. Sau 1975, học tập cải tạo về, gia đình ông Kính định cư bên Mỹ, mở hệ thống Phở 79 lừng lẫy ở quận Cam (Orange county, California); là nhà hàng đầu tiên ở quận Cam chiến thắng giải thưởng danh giá James Beard, thường được xem là “Oscar về ẩm thực”.
Ông nhà này tên Trần Phương Sóc, gốc xứ Sa Châu, Nam Định chuyên nghề làm nước mắm. Nhà ông bà bán nước mắm, mắm tôm và cả cao hổ cốt. Sau nhà ông bà là cánh đồng rau muống An Lạc. Mưa lớn, nước rạch Nhiêu Lộc gần đó tràn lên, ngập hết. Con nít xung quanh hay lội bắt cá, trong đó có tôi. Trời mưa, nhưng mùi nước mắm Sa Châu nồng nồng của ông bà cụ lý vẫn ngửi rõ.
Ông lý hiền lành, bà lý giỏi giang buôn bán và nghiêm tính với con cái. Cả nhà chí thú làm ăn và “siêng năng việc Đức Chúa Trời”. Nếp nhà vậy nên mấy người con trai, ai cũng nên danh nên phận. Người con trai đầu là bác sĩ Tòng, kế là bác sĩ Bách. Ông Bách lấy vợ, con một chủ tiệm vàng lớn ở chợ Bến Thành, mua nhà cuối đường Pasteur, sang Mỹ nổi danh “mát tay”.
Con trai thứ ba là giáo sư Trần Đình Thọ, thành viên đồng sáng lập và điều hành tập san Sử Địa cùng giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử, Hoàng Sa nổi tiếng Nguyễn Nhã. Nhà giáo sư Nhã trong hẻm 158 Thoại Ngọc Hầu, cách đó ít bước chân. Giáo sư Thọ lập gia đình với con gái một chủ tiệm vàng khá lớn ngay ngã ba Ông Tạ (ngôi nhà này sau 1975 có lúc là trụ sở của Nông trường Duyên Hải, rồi báo Pháp Luật Việt Nam). Hai con trai tiếp là dược sĩ Hùng, bác sĩ Cường.
Hai cô con gái, chị cả nên duyên với đại tá Kính, út nữ gá nghĩa với trung tá Trần Khắc Nghiêm, em ruột ông Kính. Ông Nghiêm là thiết đoàn trưởng thuộc sư đoàn 18 của thiếu tướng Lê Minh Đảo, chỉ huy trận Xuân Lộc hồi 1975.
Ông Kính Bắc 54, Ngọc Cục, Nam Định. Khi lấy con gái ông bà cụ lý Sóc, ông ở khu A cư xá sĩ quan Chí Hòa (nay là cư xá Bắc Hải) – cũng khu Ông Tạ, gần ngõ Con Mắt cho tiện đường thăm viếng cha mẹ.
Dân trong ngõ chỉ biết ông Kính là đại tá, còn binh chủng cụ thể thì ai chú ý lắm mới biết ông làm Sở Liên lạc, sau này đổi tên là Sở Khai thác Địa hình, đơn vị đặc biệt nhưng tên nghe rất bình thường.
Cả ông Kính, Nghiêm lẫn tướng Đảo đều là dân Ông Tạ, nhà trong khu cư xá sĩ quan Chí Hòa. Gần nhà hai ông là tướng Phạm Văn Phú, Bắc 54 Hà Đông, ở khu G (sau này ông Phú lên tướng, về ở trên đường Gia Long – nay là Lý Tự Trọng). Ông Kính và ông Phú cùng đơn vị “nhảy Bắc” (Lực lượng Biệt kích xâm nhập miền Bắc).
Ông Kính là người nắm nhiều bí mật của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, từ các phi vụ tung biệt kích, gián điệp ra Bắc, vụ hai anh em Lê Quang Tung – Lê Quang Triệu bị sát hại đến hậu trường tướng lĩnh. Ông cũng là một cây bút sắc sảo. Vậy nên, sau khi rời trại cải tạo năm 1985, sang Mỹ, ông có một số bài viết trên báo tiếng Việt ở nước ngoài, ký tên Tiên Châu, Kim Thạch: “Lật một trang sử cũ”, “Gánh vàng đi đổ sông Ngô”, “Nhân đọc cuốn Những huyền thoại & sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm của Vĩnh Phúc”…
… Trở lại với o Khôi, vợ đại tá Tung. Hai vợ chồng có sáu con, ba trai ba gái. Cô con gái đầu là chị Lan, tới anh Lê Hồng Phúc, chị Nhàn, chị Nguyệt, anh Lê Duy Linh, anh Lê Duy Tâm. Chồng chị Lan là đại tá Cầu, sĩ quan thuộc quyền đại tá Tung. Sau này, cả nhà o Khôi đi định cư ở Marseille (Pháp), nhà thuộc nhà nước. Phần sau nhà để lại cho một người giúp việc lâu năm của gia đình tên Thôi. Bà Thôi có tật nhẹ, chân đi hơi cà nhắc. Bà sống một mình, hàng xóm không thấy có anh em thân thích gì nên khi bà mất, cả xóm An Tôn xúm lại lo tang cho bà.
Trước khi đi Pháp, o Khôi hay đi bộ từ hẻm An Tôn đến thăm gia đình một người bạn rất thân, đồng hương, là bà đại tá Bùi Dzinh, nhà mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình, đối diện hồ tắm Cộng Hòa; cách nhà bà trăm thước.
Đại tá Bùi Dzinh, tư lệnh Sư đoàn 9 Bộ binh, vốn là võ khoa (thủ khoa) khóa 3 Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt tháng 7-1951. Khi tốt nghiệp, ông được Quốc trưởng Bảo Đại trao kiếm và được đại diện anh em trong khóa bắn cung “tang bồng hồ thỉ”. Ông cùng lứa tuổi và thân với đại tá Lê Quang Tung.
Như vậy, ba ông đại tá Lê Quang Tung, Bùi Dzinh, Trần Khắc Kính cùng là dân Ông Tạ và nhà này cách nhà kia chỉ vài ba trăm thước và đều là giáo dân Công giáo nhiệt thành.
Ba vị đại tá này có thể nói, nằm trong số các sĩ quan trung thành bậc nhất với nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm, được “ông cụ” đặc biệt tin cẩn.
Trong Giáo hội Công giáo Rôma, có ba ngày lễ lớn liên tiếp, gọi là Tam nhật Các thánh (Allhallowtide): đêm 31-10 là đêm Vọng các thánh (Halloween – All Hallows’ Eve), 1-11 lễ Các thánh, 2-11 lễ Các đẳng (hay Lễ Các đẳng linh hồn, lễ Các linh hồn)..
Và cách đây đúng 60 năm, đêm Halloween 31-10-1963 là đêm nhóm tướng lĩnh tham gia đảo chính do trung tướng Dương Văn Minh, cầm đầu đã hoàn tất các công việc chuẩn bị cho ngày đảo chính: 1-11-1963.
60 năm Đảo chính 1-11-1963 lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm (Kỳ 2)
1-11-2023
Kỳ 2: ĐẠI SỰ BẤT THÀNH, NGÀY LỄ ĐẪM MÁU
Trong giới Công giáo, lễ Các thánh 1-11, lễ Các linh hồn 2-11 là lễ lớn. Nếu không có ngăn trở quan trọng, giáo dân buộc phải dự lễ. Cả Tổng thống Diệm lẫn ba vị đại tá đều là người Công giáo nhiệt thành, khó bỏ qua việc này. Thực tế sáng 2-11, ngay trong cơn dầu sôi lửa bỏng, thập tử nhất sinh, trước khi quyết định gọi điện thoại cho phe đảo chính báo nơi ẩn náu của mình, ông Diệm và em trai là ông Nhu vẫn bí mật dự lễ Các linh hồn ở nhà thờ Cha Tam.
Cuộc đảo chính của nhóm các tướng lĩnh, do tướng Dương Văn Minh cầm đầu, có lẽ đã tính toán cả chuyện này khi quyết định chọn ngày D cho cuộc đảo chính: 1-11-1963.
Ông Dzinh, ông Tung không chỉ Công giáo nhiều đời như dòng tộc Tổng thống Ngô Đình Diệm mà còn đồng hương Lệ Thủy (Quảng Bình), Huế với ông Diệm nên không khó để biết hai vị này rất trung thành với ông Diệm. Ông Tung còn được ông Ngô Đình Nhu giao nhiệm vụ thành lập Quân ủy Trung ương đảng Cần Lao.
Ông Dzinh và ông Kính sinh cùng năm 1929, ông Tung lớn hơn vài tuổi, cũng coi là đồng trang lứa. Cuối năm 1956, ông Tung được đích thân Tổng thống Diệm gọi vào Dinh Độc Lập phỏng vấn rất lâu, sau đó phong trung tá, đưa làm giám đốc Sở Liên lạc. Phó giám đốc là ông Kính, lúc đó mới đại úy. Sau đó sở này đổi tên Sở Khai thác Địa hình.
Ngay sau đó, ông Tung đi Honolulu học khóa đặc biệt về hoạt động bí mật và xâm nhập. Ông Kính và em ông Tung là trung úy Lê Quang Triệu cũng đi Saipan (một hòn đảo thuộc đảo Guam) học về tình báo.
Ngày 15-3-1963, Tổng thống Diệm đổi Sở Liên lạc thành Lực lượng Đặc biệt, thăng ông Tung lên đại tá, tư lệnh Lực lượng Đặc biệt. Thiếu tá Trần Khắc Kính là phó. Đại tá Tung lo về hoạt động tình báo, gián điệp ở miền Bắc; việc tổ chức, huấn luyện Lực lượng Đặc biệt thuộc ông Kính.
Ông Tung cũng đồng thời là chỉ huy trưởng Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống, lực lượng tinh nhuệ nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa; trang bị hỏa lực rất mạnh, có cả xe tăng lẫn cao xạ bắn máy bay.
ĐẠI SỰ BẤT THÀNH
Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống đóng ở thành Cộng Hòa (nay là khu vực Trường đại học Dược và Đại học Khoa học xã hội – Nhân văn) trên đại lộ Thống Nhứt (nay là đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM); cách Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) vài trăm thước.
Lực lượng Đặc biệt và Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống là nỗi ám ảnh thất bại của nhóm tướng lĩnh đảo chính với hậu thuẫn của Mỹ – như đã từng thất bại trong cuộc đảo chính năm 1960. Thậm chí, theo tác giả Nông Huyền Sơn, “một kế hoạch do Ngô Đình Nhu soạn thảo giao cho Lê Quang Tung thực hiện là sử dụng Lực lượng Đặc biệt cải trang tiếp cận tòa đại sứ Mỹ phóng hỏa, gây rối loạn an ninh rồi ám sát đại sứ Henry Cabot Lodge cùng một vài nhân vật quan trọng của tòa đại sứ Mỹ. Kế hoạch này được ấn định thực hiện trong tháng 9-1963”.
Cũng theo đó, “Không may cho Nhu, một sĩ quan của lực lượng đặc biệt có người yêu làm nhân viên ở tòa đại sứ đã tiết lộ kế hoạch này. Bị bại lộ, Ngô Đình Nhu rút lệnh thực hiện”.
Ngày 19.10.1963, tướng Paul D. Harkins, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ ở Việt Nam Cộng hòa thông báo cho Tổng thống Diệm biết, ngân khoản Hoa Kỳ dành cho Lực lượng Đặc biệt bị cắt giảm.
Và nhóm tướng lĩnh âm mưu đảo chính, với hậu thuẫn của Mỹ và đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge, Jr., ra tay trước.
NGÀY LỄ CÁC THÁNH 1-11-1963 ĐẪM MÁU
Sáng 1-11-1963, dù là thứ Sáu, nhưng do là ngày lễ Các thánh, ông Tung và ông Kính dự lễ ở nhà thờ cùng gia đình xong đã ở nhà nghỉ lễ. Đại tá Bùi Dzinh lúc ấy đang ở Sa Đéc, chỉ huy Sư đoàn 9, kiêm tư lệnh Khu 42 chiến thuật.
Cũng trong buổi sáng này, tại Bộ Tổng tham mưu (nay là Bộ Tư lệnh Quân khu 7) sát bên vùng Ông Tạ, nhóm tướng lĩnh làm đảo chính chính thức bắt tay vào việc: Gởi danh sách các sĩ quan ủng hộ Tổng thống Diệm “phải mời cho bằng được” đến Bộ Tổng tham mưu họp, trong đó có đại tá Lê Quang Tung – chỉ huy Lực lượng Đặc biệt, trung tá Nguyễn Ngọc Khôi – tư lệnh Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống. Ông Khôi gốc Quảng Trị, Công giáo; cùng khóa 3 Võ bị Đà Lạt với đại tá Bùi Dzinh. Lý do triệu tập: Nghe nói có một cuộc đảo chính Tổng thống Diệm nên trung tướng Trần Văn Đôn, quyền tổng tham mưu trưởng triệu tập tất cả các vị tư lệnh mọi quân binh chủng và giám đốc nha, sở ở Sài Gòn về họp ở Bộ Tổng tham mưu.
Trước đó, nhóm tướng lĩnh đảo chính đã tạo tin giả: “Việt cộng đang tập trung quân ở Hố Bò, Củ Chi, chuẩn bị tấn công Sài Gòn”. Lực lượng Đặc biệt của đại tá Tung đã bị điều ra đây. Sư đoàn 5 Bộ binh về bảo vệ Đô thành Sài Gòn. Tổng thống Diệm không ngờ tư lệnh Sư đoàn 5, đại tá Nguyễn Văn Thiệu (sau là tổng thống nền Đệ nhị Cộng hòa) thuộc nhóm tướng lĩnh làm đảo chính.
Tại cuộc họp, một quyết nghị của Hội đồng Quân nhân Cách mạng, do trung tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch đã được công bố: “Truất phế ông Ngô- Đình-Diệm và bãi bỏ chế độ Tổng-thống” (nguyên văn).
Năm sĩ quan đứng lên phản đối là đại tá Lê Quang Tung, đại tá Cao Văn Viên – chỉ huy Lữ đoàn Nhảy dù, đại tá Huỳnh Hữu Hiền – Không quân, trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, thiếu tá Nguyễn Đức Xích – tỉnh trưởng Gia Định. Theo tác giả Nông Huyền Sơn, ông Tung “trợn mắt”: “Tụi bây đeo lon, mặc áo, thụ hưởng phú quí, lạy lục để được Tổng thống Diệm ban ơn mà nay lại giở trò bất nhân bất nghĩa…”.
Đại tá Tung “chưa dứt câu đã bị đại úy Nguyễn Văn Nhung kè vai, khóa tay lôi xểnh ra khỏi phòng họp. Một nhóm Quân cảnh khác cưỡng bức ba người còn lại (trừ đại tá Cao Văn Viên) đi theo đại úy Nhung (sĩ quan tùy viên tướng Dương Văn Minh)” đưa sang tạm giam trong phòng “cô lập các sĩ quan chống đối“. Chiều 1-11, em đại tá Tung là thiếu tá Triệu – tham mưu trưởng Lực lượng Đặc biệt đến Bộ Tổng tham mưu tìm anh, cũng bị tạm giữ.
Theo đại tá Phạm Bá Hoa, lúc đó là đại úy, người được thiếu tướng Trần Thiện Khiêm yêu cầu gọi điện thoại “mời” các tướng tá về họp và có mặt ở buổi họp đó nói, ông Tung bị Quân cảnh gác phòng họp còng tay đưa ra ngoài bắn chết. Nhưng cũng có thông tin nói, tối 1-11-1963, Nguyễn Văn Nhung đưa hai anh em ông Tung và Triệu ra nghĩa trang Bắc Việt tương tế, bên cạnh Bộ Tổng tham mưu, cùng một quân cảnh dùng lê đâm chết, vùi xác vào một đống cỏ rác. Đến giờ vẫn còn ý kiến khác nhau về chuyện này.
Trước cuộc họp, sáng 1-11, đại tá Hồ Tấn Quyền – tư lệnh Hải quân đã bị hai sĩ quan thuộc quyền lừa, rời Bộ Tư lệnh Hải quân đi Biên Hòa mừng sinh nhật ông và sát hại ở Thủ Đức.
Trước đó, chiều 1-11-1963, Tổng thống Diệm đã ra lệnh cho “các đại đơn vị và các đơn vị quân đội, các lực lượng địa phương” về “giải phóng Thủ đô”. Hồ sơ lưu trữ của Quân đội Việt Nam Cộng hòa ghi chú: “Trong số này có gọi đại tá Bùi Dzinh và thiếu tướng Cao đem 4 tiểu đoàn về giải phóng Thủ đô vào 4 giờ chiều ngày 1-11-1963”. (Thiếu tướng Cao không rõ ai, có lẽ là Huỳnh Văn Cao – tư lệnh Quân đoàn IV, một trong số ít tướng trung thành với ông Diệm).
Nhận lệnh, đại tá Bùi Dzinh đã lập tức điều động Trung đoàn 15 thuộc Sư đoàn 9 bộ binh và một pháo đội của Tiểu đoàn 9 pháo binh về Sài Gòn phản đảo chính. Đây là lần thứ hai ông tham gia phản đảo chính. Trước đó, khi là tư lệnh phó Sư đoàn 21, ông đã cùng đại tá tư lệnh Trần Thiện Khiêm đưa Sư đoàn 21 từ miền Tây về Sài Gòn ứng cứu Tổng thống Ngô Đình Diệm, phản đảo chính thành công trước nhóm sĩ quan do đại tá Nguyễn Chánh Thi (chỉ huy trưởng Lữ đoàn Nhảy dù) cầm đầu, tổ chức đảo chính ngày 11-11-1960.
Lần này, ông Khiêm lại thuộc phe đảo chính. Và đại tá Nguyễn Hữu Có thuộc phe đảo chính đã dàn lính Sư đoàn 7 bộ binh chặn ở ngã ba Trung Lương sau khi ra lệnh cho tỉnh trưởng Định Tường – trung tá Nguyễn Khắc Bình rút hết phà tại bến bắc Rạch Miễu và Mỹ Thuận về bờ phía Mỹ Tho để ngăn Sư đoàn 9 vượt sông Tiền.
Trong lúc này, đến tối 1-11, dù cả chỉ huy trưởng (Lê Quang Tung) lẫn tư lệnh (Nguyễn Ngọc Khôi) bị bắt giữ, binh sĩ Liên đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống với trang bị mạnh vẫn kháng cự lực lượng đảo chính rất quyết liệt bằng đại bác và đại liên, thậm chí còn đưa một đại đội tái chiếm (không thành công) Đài Phát thanh Sài Gòn gần đó, vốn đã bị lực lượng đảo chính do đại tá Phạm Ngọc Thảo tấn công, chiếm giữ.
Sự kháng cự này tạo điều kiện cho 20g30 tối 1-11, Tổng thống Ngô Đình Diệm, cố vấn Ngô Đình Nhu và hai đại úy tùy viên lặng lẽ rời Dinh Gia Long vô Chợ Lớn…
60 năm Đảo chính 1-11-1963 lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm (Kỳ 3)
2-11-2023
Kỳ 3: TỔNG THỐNG VÀ BÀO ĐỆ BỊ SÁT HẠI TRONG NGÀY LỄ CÁC LINH HỒN 2-11
Có nhiều đánh giá khác nhau, tranh cãi về công, tội của nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm; đúng sai của cuộc đảo chính… Đó không phải là chủ đích của loạt bài này như đã nói từ đầu: “Tôi không viết sử mà chỉ ghi nhận thông tin từ góc người Ông Tạ”.
Nhưng có một thực tế khó ai phủ nhận: Đây là thời kỳ phát triển hoàng kim của miền Nam trước 1975, cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục… lẫn nền nếp, trật tự xã hội. Những thành quả, hình ảnh, tư liệu… của miền Nam trước 1975 hay được nhắc tới hiện nay thường nằm trong thời kỳ này. Và nó kết thúc vào sáng 2-11-1963, ngày lễ Các linh hồn của Công giáo.
Sáng sớm ngày 2-11, Tổng thống Ngô Đình Diệm rời nơi mình tạm lánh từ tối 1-11: Một ngôi nhà xây thời Pháp của ông Mã Tuyên (một bang trưởng người Hoa ở Chợ Lớn) ở số 36A Đốc Phủ Thoại (nay là Vũ Chí Hiếu) đi dự lễ ở nhà thờ Cha Tam cách đó vài trăm thước.
Cũng trong lúc này, binh sĩ Sư đoàn 5 Bộ binh do đại tá Nguyễn Văn Thiệu làm tư lệnh vẫn tiếp tục tấn công và chuẩn bị tiến vào Dinh Gia Long (nay là Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh trên đường Lý Tự Trọng) và thành Cộng Hòa (nay ở góc ngã tư Lê Duẩn – Đinh Tiên Hoàng) do Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ phủ Tổng thống trấn đóng.
Điều ngẫu nhiên là nhà của ông Thiệu và ông Trần Thiện Khiêm ở gần đầu đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) – trục đường chính, qua trung tâm vùng Ông Tạ, trong cư xá sĩ quan Trần Hưng Đạo. Lễ vu quy của con gái ông Thiệu ở nhà này và hai ông Thiệu, Khiêm di tản hồi 1975 cũng từ ngôi nhà này. Bà Thiệu và bà Khiêm hồi đầu thập kỷ 1960 thường đi chợ Ông Tạ chung bằng ngồi xe xích lô đạp. Em họ ông Thiệu là Hoàng Đức Nhã, sau này là bí thư, kiêm tham vụ báo chí (press secretary) cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, có nhà ở cư xá Việt Nam Thương Tín trên đường Thoại Ngọc Hầu, đối diện trường Ngô Sĩ Liên tôi học cho tới 1975. Nhà riêng của ông bà Khiêm ở sau nhà thờ Chí Hòa.
Dự lễ Các thánh xong, từ nhà thờ Cha Tam, ông Diệm gọi điện thoại cho nhóm sĩ quan lực lượng đảo chính, đề nghị cử người đến nhà thờ Cha Tam gặp ông đang ở đó.
Thiết vận xa (xe bọc thép) M113 của phe đảo chính đã tới đây để đưa hai anh em ông Diệm và Nhu về Bộ Tổng tham mưu, trụ sở của Hội đồng Quân nhân Cách Mạng. Trên đường đi, vị Tổng thống của nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm và bào đệ là ông cố vấn Ngô Đình Nhu bị sát hại man rợ trong một chiếc M113. Một ngày sau khi hai anh em ông Tung – ông Triệu bị thảm sát ngày 1-11 trước đó.
Hình chụp thi thể cho thấy cả hai ông đã bị trói ngoặt tay ra sau. Khám nghiệm tử thi, trên người hai ông Diệm và Nhu đầy vết bầm dập, vết đâm và những phát đạn. Ai là thủ phạm trực tiếp, tới giờ cũng chưa rõ, dù đa số dư luận cho đó là đại úy Nhung nổi tiếng hiếu sát – cận vệ của tướng Dương Văn Minh theo mật lệnh “hai ngón tay” của ông Minh. Đại úy Nhung cũng là nghi can số một trong vụ giết hai anh em ông Tung và ông Triệu trước đó một ngày.
Sau những ngày lịch sử đó cho tới giờ những sĩ quan trong Hội đồng Quân nhân Cách Mạng đều không ai nhận mình là chủ mưu hai cuộc thảm sát này, dù sách giáo khoa miền Nam sau đó viết cuộc đảo chính 1-11 là “lật đổ chế độ độc tài”. Ông Minh đến cuối đời cũng không nhận mình chủ mưu hai cuộc thảm sát dù nhiều ý kiến ám chỉ, nói thẳng ông.
Nhưng thôi, đó là lịch sử mà tôi không có ý định viết và xin không tranh luận về sự thật lịch sử. Cái tôi biết đó là thân xác của hai anh em ông Tung và ông Triệu bị vùi đâu đó ở khu vực nghĩa trang Bắc Việt (nay là khu vực chùa Phổ Quang, Tân Bình), bên hông Bộ Tổng tham mưu. Đây là nghĩa trang xưa có từ ít nhất đầu thập kỷ 1920, gần đầu đường Thoại Ngọc Hầu. Khi hay tin dữ, gia đình ông Tung từ vùng Ông Tạ tất tả lên đây tìm kiếm nhưng không thấy.
Điều trùng hợp là thoạt đầu, thân nhân hai ông Diệm – Nhu do e ngại những người giận dữ hai ông quật mồ, xúc phạm thi thể nếu thời điểm nhạy cảm đó chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám) nên đề nghị được an táng tạm trong khuôn viên trại Trần Hưng Đạo (Bộ Tổng tham mưu).
“Hồ sơ an táng hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu”, đóng dấu “mật” do trung tá Lê Soạn, ban Nghi lễ Bộ Tổng tham mưu thực hiện ghi: “Hai chiếc huyệt được đào tai khu đất sau chùa Hưng-Quốc-Tự, bên cạnh mồ của ông Lê-Văn-Phong (triều thần đời Nguyễn và là bào đệ của Đức Tả quân Lê-Văn-Duyệt). Đây là khu đất thuộc khu lăng mộ danh tướng Võ Tánh (lăng Võ Tánh vẫn còn trong hẻm 19 đường Hồ Văn Huê, nhưng khuôn viên lăng đã bị thu hẹp. nơi chôn cất hai anh em ông Diệm – Nhu ban đầu đã thành nhà cửa).
Mộ hai ông Diệm – Nhu rất gần nơi hai anh em ông Tung – Triệu bị giết một ngày trước đó. Nếu nghĩa trang Bắc Việt ở bên hông một cạnh trại Trần Hưng Đạo thì cạnh đối diện, nhưng trong khuôn viên trại là mộ hai ông Diệm – Nhu.
Sáu tháng sau, ngày 22-4-1964, em trai Tổng thống Diệm là ông cố vấn miền Trung Ngô Đình Cẩn bị Tòa án Cách mạng tuyên án tử hình. Ông Cẩn đệ đơn lên Quốc trưởng Dương Văn Minh xin ân xá. Tổng giám mục Sài Gòn là Phaolô Nguyễn Văn Bình cũng gửi một lá thư tới Dương Văn Minh xin ân xá với lý do ông Cẩn đang bị bệnh rất nặng, không còn sống được bao lâu cho nên không cần thiết phải hành quyết. Ông Minh bác đơn. Ngày 9-5-1964, ông Cẩn bị xử bắn, chôn cất cũng ở nghĩa trang Bắc Việt.
Đại úy Nhung sau đảo chính lên thiếu tá, sau đó vài tháng đã “lấy dây giày thắt cổ tự tử” khi bị tướng Nguyễn Khánh ra lệnh bắt giam, điều tra để “trả thù cho ông cụ” (cụm từ của tướng Nguyễn Khánh đã nói với bà Trần Trung Dung – cháu gọi ông Diệm bằng cậu). Thiếu tá Nhung khi bị giam ở đây đã viết tờ khai nhận chỉ có mình giết hai ông Diệm – Nhu, không ai chỉ đạo. Sự thật như thế nào, chỉ ông Nhung xuống tay hay còn ai nữa? Ai chỉ đạo? Ông Nhung có bị bức cung, ép khai hay không? Tự tử hay bị tra tấn chết… Tới giờ vẫn còn những ý kiến khác nhau. Chỉ biết là vợ ông Nhung, theo bài viết “Người bắn hạ hai anh em ông Ngô Đình Diệm nói gì trước khi chết?” trên báo Dân Trí ngày 18-8-2014, “bà Huỳnh Thị Nhi cho biết thêm khi khâm liệm ông Nhung bà thấy trên mặt trên đầu trên thân thể ông có hàng chục vết bầm tím, có vết còn in nguyên dấu đế giày bốt-đờ-xô”.
Sau cuộc đảo chính, đại lộ Ngô Đình Khôi trước mặt Bộ Tổng tham mưu đổi thành Cách Mạng 1 Tháng 11 (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi). Ngô Đình Khôi là con đầu của quan đại thần nhà Nguyễn, Ngô Đình Khả, anh các ông Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Luyện. Ông Khôi bị lực lượng Việt Minh ở Hiền Sĩ, Huế bắt, kết tội “nội ứng cho Pháp” và xử tử ngay sau Cách mạng Tháng Tám cùng với thượng thư nhà Nguyễn, nhà văn hóa Phạm Quỳnh – cùng tội danh.
Một trùng hợp ngẫu nhiên, trong chuyến đi Pháp năm 1922, ông Phạm Quỳnh cũng từng ghé nghĩa trang Bắc Việt sát bên đường Ngô Đình Khôi sau này. Ông viết “Pháp du hành trình nhật ký” mô tả: “5 giờ chiều (ngày 14/2/1922) cùng mấy ông ngoài ta (người Bắc) đi xem vườn Bắc kỳ nghĩa trang, cách thành phố 6 – 7 kilomet. Ðó là nơi nghĩa địa của người Bắc ở Sài Gòn. (…) Tình đồng quận, nghĩa tử sinh, thật là một việc đáng khen lắm”.
Năm ngày sau, 6-11-1963, đại tá Bùi Dzinh phải bàn giao Sư đoàn 9 cho tư lệnh phó là trung tá Đoàn Văn Quảng, về trình diện Hội đồng Quân nhân Cách mạng tại Bộ Tổng tham mưu. Tại đây, ông đã có cuộc tranh luận dữ dội với thiếu tướng Tôn Thất Đính khiến ông Đính nổi nóng, móc súng đòi bắn. Tướng Lâm Văn Phát nhảy vào can thiệp và tướng Khiêm kéo ông Dzinh sang phòng khác, rồi mời “về nhà nghỉ ngơi”.
Mấy ngày sau nữa, đại tá Bùi Dzinh có tên trong danh sách 31 sĩ quan cao cấp (thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, đại tá Cao Văn Viên, đại tá Bùi Đình Đạm, đại tá Nguyễn Văn Phước…) nhận quyết định “Nghỉ dài hạn không lương”.
60 năm Đảo chính 1-11-1963 lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm (Kỳ 4)
4-11-2023
Kỳ 4: SAU ĐẢO CHÍNH, PHẢN ĐẢO CHÍNH LẠI LIÊN TIẾP ĐẢO CHÍNH VÀ PHẢN ĐẢO CHÍNH
Cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm tạo ra hai luồng cảm xúc đối nghịch cả trong lẫn ngoài nước: Một, vui mừng khi lật đổ chế độ “gia đình trị”; hai, bàng hoàng khi ông Diệm bị giết.
Người Mỹ đứng sau lưng, bật đèn xanh cho nhóm sĩ quan làm đảo chính lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm thì ai cũng rõ rồi. Nhưng khi nghe tin ông Diệm bị giết, Tổng thống Mỹ Kennedy cũng bần thần. Đa số người Bắc di cư vốn hàm ơn ông Diệm đưa mình vào Nam thì bàng hoàng.
Khi nghe ba tôi nói ông Diệm bị giết, mẹ tôi thốt lên “Giêsu Maria, lạy Chúa tôi” rồi vào ngồi trong góc nhà, đầm đìa nước mắt, đấm ngực than: “Hết về Bắc lại rồi ông ạ”. Chả là nhiều người Bắc 54 đến lúc đó vẫn tin sẽ có ngày ông Diệm đưa mình về lại quê hương.
Phải chăng vì vậy, không nói đâu xa, ngay chính vùng Ông Tạ là vùng Bắc 54 làm ăn phát triển nhất trong các khu Bắc 54 ở miền Nam trước 1975 nhưng nhà cửa cơ bản vẫn chỉ xây tạm bợ. Nhiều nhà vẫn nhà lá hoặc nhà gỗ, mái tôn… Tiền bạc làm ra dành dụm cho ngày về lại quê xưa. Ông Diệm không còn, nhiều nhà cửa vùng Ông Tạ bỗng vọt lên nhà đúc, nhà bê tông ba, bốn tầng. Năm 1964, nhà ảnh Á Đông ở ngã ba Ông Tạ là cả một “tòa cao ốc” năm tầng. Có lẽ họ đã thôi nghĩ chuyện về Bắc mà ở lại miền Nam lâu dài…
Nhưng sự giận dữ phe đảo chính vẫn còn đó, có dịp là bùng lên. Một đêm đầu tháng 9-1964, hàng ngàn người dân các khu xóm trong vùng Ông Tạ và lân cận kéo nhau đến trụ sở Bộ Tổng tham mưu đầu đường Thoại Ngọc Hầu, cách ngã ba một cây số, phản đối tướng Nguyễn Khánh. Tướng Khánh không thuộc nhóm đảo chính 1-11-1963, nhưng ngay sau đó phát biểu ủng hộ Hội đồng Quân nhân Cách mạng và là người ủng hộ việc Mỹ đưa quân vào miền Nam.
Tuy nhiên vài tháng sau, có vẻ như tướng Khánh có cảm nhận mình bị đối xử không tốt. Cạnh đó, tướng tham gia đảo chính là Trần Thiện Khiêm cũng cảm thấy mình bị coi nhẹ nên hai người bắt tay nhau làm đảo chính Hội đồng Quân nhân Cách mạng sáng sớm 30-1-1964, truất phế các tướng lĩnh chủ chốt cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 là Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn và Mai Hữu Xuân. Nhóm này gọi đây là Chỉnh lý.
Không chỉ bắt thiếu tá Nhung – nghi can số một đã giết hai anh em đại tá Tung – thiếu tá Triệu, Tổng thống Diệm – cố vấn Nhu, tra tấn đến chết để “trả thù cho ông cụ” mà còn bắt hai tướng Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim của Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Trung tướng Khánh lên nắm chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng thay trung tướng Dương Văn Minh.
Bộ chỉ huy cầm đầu cuộc Chỉnh lý đặt trong Tòa hành chính tỉnh Gia Định (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh). Khi đó, đại tá Huỳnh Văn Tồn làm tỉnh trưởng Gia Định. Nhà ông Tồn trong cư xá Thoại Ngọc Hầu (nay trong hẻm 15 Phạm Văn Hai), cách nhà tôi hơn hai trăm thước, tôi đi học qua lại hàng ngày.
Không hiểu sao, ba tuần sau, ngày 13-9-1964, đảng Đại Việt lại làm cuộc binh biến, cầm đầu là đại tá Huỳnh Văn Tồn, tư lệnh Sư đoàn 7 và trung tướng Dương Văn Đức, tư lệnh Quân đoàn IV. Tướng Nguyễn Văn Thiệu dù đang là tham mưu trưởng liên quân ở Bộ Tổng Tham mưu nhưng không có quân trong tay nên cầu cứu với thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh Sư đoàn 1 về Sài Gòn phản đảo chính thành công.
Trở lại cuộc biểu tình của dân Ông Tạ. Đoàn biểu tình phá rào, tràn vào cổng. Mười năm sau di cư, dân Ông Tạ mới có một đêm náo động như vậy. Đi suốt đêm, đến sáng thì hung tin báo về: Sáu người biểu tình bị bắn chết.
Lại biểu tình tiếp, diễu hành tới Tòa Đô chánh (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh). Dân di cư các xóm đạo cũng kéo tới tiếp viện. Chính quyền Sài Gòn lúc ấy phải xoa dịu bằng cách cho chôn sáu nạn nhân ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi – chủ yếu dành cho sĩ quan cấp cao và người nổi tiếng thời Pháp, thời Việt Nam Cộng hòa. Linh mục Trần Ngũ Nhạc, chánh xứ An Lạc lên tới nghĩa trang làm lễ tang.
Như đã nói, tư dinh của ông Thiệu, ông Khiêm ở cư xá sĩ quan cao cấp Trần Hưng Đạo – Bộ Tổng tham mưu. Con gái ông Thiệu làm lễ vu quy ở nhà này và ông cũng di tản cùng ông Khiêm hồi 1975 từ đây. Bà Thiệu và bà Khiêm hồi hai ông chưa làm tổng thống, thủ tướng thường ngày đi chợ Ông Tạ chung.
Ông Thiệu trước đảo chính 1-11-1963 cũng lân la tính mua khu đất của bà con người Nam cố cựu xã Tân Sơn Hòa, cạnh khu đất của trung tá Dư Quốc Đống, tư lệnh phó Lữ đoàn Nhảy dù (sau lên trung tướng). Sau đảo chính, thấy ông Đống bán đất cho trung tá Huệ, xây rạp Đại Lợi (nay là trung tâm hội nghị tiệc cưới trước chợ Phạm Văn Hai), ông Thiệu bỏ ý định này. Miếng đất đó ông Huệ mua luôn xây building Đại Lợi cho Mỹ thuê. Sau 1975 là trại giam Đại Lợi của quận Tân Bình, hiện là chung cư.
Còn ông Khiêm có nhà riêng sau nhà thờ Chí Hòa, sát tường rào phía sau trại dù Phạm Công Quân (năm 1971, bà Thiệu tổ chức quyên góp, làm hội chợ xây bệnh viện Vì Dân, nay là bệnh viện Thống Nhất). Ba má bà Khiêm có một khu đất khá rộng sát bên vùng Ông Tạ xây cho thuê trên đường Huỳnh Quang Tiên (nay là Đặng Văn Ngữ), gần cơm tấm Ba Ghiền hiện nay. Khu đất này sau 1975 một thời gian là Công an quận Phú Nhuận, hiện là cao ốc 40 Đặng Văn Ngữ. Chị bà Khiêm là giám thị trường Ngô Sĩ Liên vùng Ông Tạ tôi học.
Đối diện trường Ngô Sĩ Liên là cư xá Việt Nam Thương Tín, trong đó có nhà em họ ông Thiệu là Hoàng Đức Nhã, bí thư kiêm tham vụ báo chí (press secretary) của Tổng thống Thiệu; sau đó làm tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi. Gia đình ông Nhã ở đây từ đầu thập niên 1960 đến 1975.
Trong khi đó, sau khi phản đảo chính thất bại và bị Hội đồng Quân nhân Cách mạng của tướng Dương Văn Minh tước binh quyền, đại tá Bùi Dzinh – viên sĩ quan trung thành tuyệt đối với nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm, nhà cửa cho tới nay vẫn ở vùng Ông Tạ đã lên kế hoạch “trả thù cho ông cụ” bằng việc âm thầm chuẩn bị cho cuộc đảo chính của chính mình, cùng với tướng Lâm Văn Phát và đại tá Phạm Ngọc Thảo (sau 1975 mới biết là đại tá Thảo là tình báo của phía bên kia).
(Còn nữa)
Kẻ đã ra lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Đặng kim Thu
LTS: Tác giả bài viết dưới đây là Ông Đặng Kim Thu, cựu SVSQ/TVBDL/K19, cựu tùy viên của Đại Tướng Cao Văn Viên, cựu quận trưởng quận Chợ Gạo. Tóm tắt, vụ 1-11-1963 hoàn toàn do Mỹ chỉ đạo. Nhưng Mỹ không chủ trương giết anh em ông Diệm-Nhu mà chính là tướng Dương Văn Minh.
* * *
Từ đơn vị tác chiến (tiểu đòan 41 BĐQ), tôi được lệnh về làm Sĩ quan Tuỳ Viên cho Đại Tướng Cao văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng vào cuối năm 1966. Vì tôi không có nhà ở Sài Gòn nên ông bà Đại Tướng cho tôi tạm ở trong tư dinh thời gian đầu.
– Thông thường các tướng lãnh khác tôi đều tiếp họ tại văn phòng, ngoài giờ làm việc tôi không tiếp ai ở nhà riêng cả, nếu có vị tuớng tá nào muốn gặp tôi ngoài giờ làm việc, mà không có hẹn, chú không được mở cổng, mà phải báo tôi trước để tôi quyết định có tiếp họ hay không, đặc biệt chú phải quan sát, xem vị tướng đó có đem theo lính hộ tống hay không. Trong mọi trường hợp chú đừng cho lính hộ tống vào bên trong dinh, cổng phải luôn luôn khóa chốt. Nhưng đặc biệt có hai vị cựu tướng lãnh khi tới nhà muốn gặp tôi bất cứ lúc nào, chú cũng mở cổng mời vào phòng khách rồi báo tôi ra tiếp, không cần phải hỏi tôi trước, hai vị đó là Trung Tướng Trần văn Đôn và Trung Tướng Tôn thất Đính. Mà chú có bao giờ thấy hai vị tướng đó chưa?
– Dạ chỉ biết qua hình ảnh trên báo chí.
– Cũng tốt, vậy thi ráng nhận diện nếu hai vị đó tới.
– Chú muốn biết tại sao tôi đối xử với hai ông đó đặc biệt như thế chứ gì, được rồi để mai tôi kể cho chú nghe vì mai là Chúa nhật có nhiều giờ rảnh hơn.
– Họp hành khỉ mẹ gì, ai chủ toạ phiên họp sao chưa tới mà họ khoá cửa nhốt mình rồi, chuyện gì đây!
– Mời Đại Tá Lê quang Tung – Lực Lượng Đặc Biệt và Đại Tá Cao văn Viên Nhẩy Dù lên lầu gặp Trung Tướng Dương văn Minh.
– Hôm nay moa (fr “moi”) và một số các tướng lãnh đảo chánh ông Diệm toa (fr “toi”) nghĩ sao?
– Chuyện quan trọng như vậy mà tới giờ này Trung Tướng mới cho tôi biết thì tôi đâu có quyết định được gì.
– Đại Tá có theo Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng không?
– Tinh thần của quân nhân thuộc binh chủng nhẩy dù không trả lời trước áp lực.
Thiếu tướng Đính thấy vậy bảo tên Trung úy Lập đừng hỗn với cấp trên, rồi tướng Đính dẫn tôi về lại phòng sô 1 đóng cửa lại.
– Có một tiểu đoàn nhẩy dù theo “Chiến Đoàn Vạn Kiếp” của Trung Tá Vĩnh Lộc từ Bà Rịa về tới Sài Gòn, nhưng không chịu tấn công vào Dinh Gia Long, đòi phải được liên lạc trực tiếp với “toi”, vậy nếu “toi” chịu làm 2 việc như sau: Thứ nhất tuyên bố theo Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, thứ hai ra lệnh cho tiểu đoàn nhẩy dù ở Bà Rịa về tấn công vào Dinh Gia Long, khi thành công “moi” gắn lon thiếu tướng cho “toi” liền.
– Trước khi tiến hành cuộc “cách mạng” anh (ông Minh) có hứa với chúng tôi hạn chế tối đa vìệc gây đổ máu các sĩ quan cấp tá không ủng hộ chúng ta, anh đã cho giết Đại Tá Hồ tấn Quyền, giết Đại Tá Lê quang Tung, bây giờ anh muốn giết luôn Đại Tá Viên nữa sao? Hơn nữa dù luy (fr “lui”) không hợp tác với mình nhưng “lui” đâu có chống mình mà giết “lui”.
Đại Tướng Viên kể rằng:
“Tôi đáp: xin tr/tg hỏi ngay tr/tg Khiêm, còn tôi chỉ thi hành lệnh.
– Thưa Đại Tướng, em nghe nói ngày đảo chánh 1-11-1963 có một người Mỹ ở trong phòng của Đại Tướng ngay từ giờ phút đầu để theo dõi cuộc đảo chánh, em muốn biết lời đồn đó có đúng không?
– Lời đồn đó đúng, người Mỹ đó là Trung Tá Conein, ông ta ở trong 1 phòng nhỏ sát phòng làm việc của tôi sau tấm vách ngăn mà không hề bước qua phòng tôi trong thời gian tiến hành đảo chánh. Tôi cho chú biết thêm, ông Conein này là 1 sĩ quan trưởng của 1 toán tình báo Mỹ đã từng nhẩy dù xuống vùng Việt Minh kiểm soát ở miền Bắc, Việt Nam năm1945 để giúp Hồ chí Minh đánh Nhật, ông ta là người biết nhiều về Hồ chí Minh và mặt trận Việt Minh.
– Thưa Đại Tướng, em được biết, sau khi Đại Tướng làm cuộc chỉnh lý ngày 30-1-1964 Thiếu Tá Nhung khai, ông Minh đã ra lệnh cho ông ta giết ông Diệm, ông Nhu, lời khai đó chân thật không? Liệu sau lưng ông Minh có 1 thế lực nào khác thúc đẩy ông Minh làm chuyện đó không?
– Chú nghe kỹ tôi nói đây: “trước ngày đảo chánh (1-11-1963) tôi đưa ra 1 điều kiện tiên quyết với ông Minh, liên quan đến Tổng Thống Diệm như sau: phải bảo đảm sinh mạng Tổng Thống Diệm và để T/T Diệm bình an xuất ngoại. Ông Minh và ông Kim đều đồng ý, sở dĩ có ông Kim vì mới đầu ông Kim có 1 nhóm riêng cũng âm mưu đảo chánh, về sau 2 nhóm mới kết hợp lại.
– Tôi ở văn phòng của tôi trên lầu. Còn ông Minh, ông Kim, ông Đôn ngồi ở phòng của Đại Tướng Tỵ, lúc đó Đại Tướng Tỵ đang dưỡng bệnh, nên ông Đôn làm quyền Tổng Tham Mưu Trưởng. Họ hành động lén lút, giấu không cho tôi biết rồi họ quyết định với nhau tôi có hay biết gì đâu.
Đặng kim Thu Cựu Sĩ quan tùy viên