Seite auswählen

Mỗi người Việt tị nạn là một câu chuyện để kể. Mỗi câu chuyện đều dẫn lối chúng ta trở về với mái nhà của chính mình, với lý tưởng tự do.“

 

Nguyệt Quỳnh

 

Chuyện kể cho K & T là những câu chuyện của người mẹ kể cho hai con, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên bên ngoài tổ quốc. Là tiếng ầu ơ bên nôi ấm khi ngoài trời tuyết đang rơi. Là tiếng lòng của hàng triệu con người bị bứt rời khỏi mảnh đất thương yêu, khỏi căn nhà yêu dấu. Là suy tư của cả một thế hệ muốn truyền đạt lại cho các con nguồn gốc của chúng. Là những gì đã xảy ra trong cuộc đời, trong hành trình gian nan của người Việt tị nạn. Là những câu chuyện của sự sống còn, là sức mạnh đương đầu với nghịch cảnh, là tất cả … tất cả những gì đã hình thành nên một cộng đồng từ cách sống, cách hành xử, cách biết ơn, cách trả ơn, …

 

Đó là những câu chuyện của những con người bình thường bị cuốn đi trong một cơn lốc. Một cuộc di cư vĩ đại, có máu, nước mắt, và ước mơ!

 

Ngày 30/4/75, miền nam Việt Nam mất vào tay cộng sản, hàng triệu con người bị đánh dạt ra khỏi đất nước mình. Thế nhưng, cuộc chiến đã không ngừng lại ở đó như cái nhìn của thế giới. Người Việt tị nạn vẫn hiện hữu cho lý tưởng Tự Do trên quê hương mình, dù đã cách xa hằng mấy đại dương. Cộng đồng người Việt hải ngoại là một cộng đồng đã không ngừng vươn lên, không ngừng yêu thương, không ngừng tranh đấu để mà gìn giữ nguồn cội và hình thành nên một thế hệ trẻ với ý thức sẽ góp tay xây dựng lại Việt Nam – một nơi chốn mà cha mẹ họ mang nặng món nợ máu xương với những người đã ngã xuống.

 

Như những phụ nữ Ukraine lưu vong, khi được hỏi họ sẽ chọn học gì để ổn định cuộc sống. Thật bất ngờ! Câu trả lời của họ là “học gỡ mìn”. Chia sẻ với các nhà báo, những phụ nữ này nói rằng  Nga đã phát động cuộc chiến ở Crimea vào năm 2014. Theo ước tính của chính phủ họ, khi  chiến tranh chấm dứt, phải mất 20 năm mới gỡ được hết bom mìn do cả hai phía cài đặt trên khắp đất nước Ukraine xinh đẹp. Học gỡ mìn sẽ là môn học duy nhất mà họ chọn. Ôi! đẹp làm sao những phụ nữ dũng cảm. Những giấc mơ hồng Ukraine.

 

Chúng ta cũng từng có những ước mơ tương tự như thế. Dù năm tháng trôi đi, không ai có thể quên được bao ước vọng những ngày đầu tị nạn. Nhớ những hy sinh vô bờ bến của một lớp người. Những mái ấm chỉ còn lại người mẹ đơn độc và các con. Những người đàn ông đã rời mái nhà, rời tình yêu của họ cho món nợ với quê hương, với đồng đội ở quê nhà. Ngày ấy, người ra đi không mong cầu sẽ có người biết đến mình. Ngoài một số ít những cái tên quen thuộc được nhắc nhở như Trần văn Bá, Mai Văn Hạnh, Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh, Võ Hoàng, … còn có hàng trăm nấm mồ hoang vu ở vùng rừng núi Thái Lan. Chim ở đó, nắng ở đó còn nhớ bóng dáng họ, lá rừng ở đó còn ủ ấp hình hài, xương thịt họ. Ôi! những người con của đất mẹ. Những giấc mơ xanh Việt Nam.

 

Ru Mi, nhà huyền môn người Ba Tư bảo rằng: “Khi ánh sáng ở trong tim, bạn sẽ tìm thấy đường về nhà”. Mỗi người Việt tị nạn là một câu chuyện để kể. Mỗi câu chuyện đều dẫn lối chúng ta trở về với mái nhà của chính mình, với lý tưởng tự do. Và dường như khi con người có đủ thành tâm, khi tha thiết, sắt son với một điều gì, chúng ta có thể biến những điều không thể trở thành có thể. Đó là câu chuyện về lá cờ của miền nam tự do.

 

Vào lúc 11 giờ 30 sáng ngày 30/4/75,  quân đội bắc Việt cho hạ lá cờ màu vàng ba sọc đỏ trên nóc Dinh Độc Lập xuống để thay bằng lá cờ của “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam”. Cùng lúc ấy, nhiều người dân miền nam cũng lặng lẽ đem cờ vàng ra đốt cùng những bộ quân phục của người thân trong gia đình. Nước mắt thầm lặng của họ và những đám khói dang dở trên lối đi tưởng đã là dấu chấm hết cho lá cờ ấy. Thế nhưng mười năm sau, lá cờ ấy lại xuất hiện trên một bản vẽ của cậu bé gốc Việt tại một lớp tiểu học ở Hoa Kỳ.

 

Cô giáo của em, một giáo viên trẻ người Mỹ, trao lại bức vẽ cho cậu bé, cô dịu dàng giải thích:

 

  • Em vẽ sai rồi, về nhà vẽ lại đi, đây không phải là lá cờ Việt Nam.

 

Hãy tưởng tượng đến đôi mắt ngơ ngác của cậu bé. Có thể cả thế giới đã quên rồi lá cờ ấy, nhưng riêng đối với em, từ thuở còn ngồi trong xe đẩy em đã thấy lá cờ ấy tung bay rợp phố trong các cuộc xuống đường cùng ba mẹ.Và lá cờ ấy, chính là lá cờ của đất nước nơi ba mẹ được sinh ra như đầu đề của bài tập về nhà: “em hãy vẽ lá cờ quốc gia, nơi ba mẹ của em sinh ra”.

 

Rồi đến khi cậu bé vẽ lại bức vẽ bằng cờ đỏ sao vàng theo lời cô giáo thì mẹ em không đồng ý. Bà quả quyết với em rằng chỉ có cờ vàng mới là lá cờ của người Việt, mới là biểu tượng của người Việt Nam. Lạ lùng làm sao, như một câu châm ngôn “Hãy vươn đến bầu trời, dù không thể hái được vì sao sáng nhất nhưng ít ra, bạn cũng có thể đứng giữa muôn vàn tinh tú để thắp sáng ước mơ của bạn”. Người Việt tị nạn đã thắp sáng lý tưởng tự do của mình. Họ đã làm được điều họ muốn là lên tiếng cho một miền nam bị bức tử. Và nước Mỹ đã lắng nghe họ, tiếng nói của những người Việt Nam yêu chuộng tự do.

 

Dù cộng sản đã nhuộm đỏ quê hương, nhưng chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ thực sự chiếm được niềm tin yêu của người dân cả hai miền, nếu không muốn nói là ngược lại. Và lá cờ đỏ sao vàng dù được thế giới công nhận nhưng vẫn hoàn toàn vắng bóng ở những nơi có mặt người Việt hải ngoại. Một dạo ở trong nước, có một số bạn trẻ miền bắc đã lén lút treo cờ vàng. Họ không có món nợ máu xương với cuộc chiến quá khứ, theo tôi, họ chỉ muốn thể hiện lòng yêu mến về một chính thể tự do đã từng hiện diện trên quê hương mình. Tôi ước mong một ngày nào đó, người Việt trong và ngoài nước cùng có chung một biểu tượng. Khi ấy, màu cờ sắc áo không còn quan trọng nữa như suy tư của Hoàng Anh, một bạn trẻ trong nước, nói với phóng viên của Cali Today:

 

… Nếu có một ngày nào đó chế độ VNCH có thể trở lại trên quê hương Việt Nam thì đó thực sự là điều rất tuyệt vời, còn nếu không thì bất kỳ một Đảng phái nào mang lại tự do, dân chủ, nhân quyền cho Quốc gia và dân tộc Việt Nam tôi cũng sẽ hết lòng yêu mến”.

Trong rất nhiều năm sau này, với những nỗ lực không ngừng của người Việt tị nạn, Nghị Quyết Cờ Vàng ra đời như một tuyên ngôn tự do. Lá cờ của miền nam tự do, ngày nay không những được công nhận trên nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ mà còn lan sang đến các quốc gia khác như Canada và Australia.

 

***

 

Suốt hai năm trong đại dịch Covid, con đường Bolsa, đại lộ Trần Hưng Đạo vắng tanh. Không ai còn được nhìn thấy màu cờ vàng rợp phố cùng những buổi xuống đường để phản đối những đàn áp ở quê nhà. Chạnh nghĩ, mai này khi chúng ta không còn hiện diện nơi đây. Khi bóng dáng chúng ta chỉ là bụi mờ trên những con phố ở Bolsa, ở Tuly, ở Bellair, … thế hệ mai sau sẽ biết gì về những điều từng xảy ra nơi này, vì sao lại có ngôi tượng Đức Thánh Trần và đại lộ mang tên ngài!?

 

Mỗi chúng ta đều có một câu chuyện để kể. Và mỗi câu chuyện đều mang một ý nghĩa, một lời nhắn nhủ cho các thế hệ tương lai. Xin hãy góp những câu chuyện của bạn với chúng tôi, như góp một đoá hồng tươi thắm dưới chân tượng đài người mẹ Tự Do. Những đoá hồng mà suốt nửa thế kỷ qua, chúng ta đã cùng nhau đặt trên cái nền gạch được xây nên bởi tình yêu và lòng biết ơn.

 

Nguyệt Quỳnh