Seite auswählen
Bãi Cỏ Mây được giới quan sát quốc tế đánh giá là một Đài Loan thứ hai có thể dẫn tới xung đột nóng giữa Trung Quốc và Mỹ

 

Huỳnh Hoa

Saigon Nhỏ
Hình chụp hôm 22 tháng Chín 2023 cho thấy tàu tuần dương Trung Quốc ngăn chặn tàu chở hàng của Philippines gần Bãi Scarborough của Philippines ở Biển Đông. Ảnh Ted ALJIBE / AFP via Getty Images

Bãi Cỏ Mây – một bãi ngầm trong quần đảo Trường Sa được giới quan sát quốc tế đánh giá là một Đài Loan thứ hai có thể dẫn tới xung đột nóng giữa Trung Quốc và Mỹ. Lợi dụng lúc thế giới đang tập trung chú ý vào các cuộc chiến tranh ở Trung Đông và Ukraine, Trung Quốc đẩy mạnh đối đầu với Philippines ở Bãi Cỏ Mây lên tới đỉnh điểm trong cuối tuần qua.

Bãi Cỏ Mây, tên quốc tế là Second Thomas Shoal, người Phi gọi là Ayungin Shoal, còn Trung Quốc gọi là Renai Jiao, là một bãi san hô ngầm, chỉ nổi lên khi thủy triều xuống thấp, cách bờ biển Palawan khoảng 194 km về phía Tây và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1,000 km về phía Đông Nam. Theo Công ước Quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 ((UNCLOS), bãi cạn này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Philippines. Tuy nhiên, bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra cũng bao trùm luôn khu vực này.

Năm 1999, để phòng Trung Quốc lấn chiếm Bãi Cỏ Mây sau khi đã chiếm được Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở cách đó chỉ 17 hải lý, Philippines đã cho một chiếc dương vận hạm cũ từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, có tên BRP Sierra Madre (LT-57), lao lên Bãi Cỏ Mây, mắc cạn và biến nó thành một tiền đồn nhỏ, có một đội quân nhỏ đồn trú trong con tàu cũ để thực thi chủ quyền lãnh thổ và từ đó hàng tháng người Phi đều cho tàu chở vật phẩm ra cung cấp cho lính.

Những chuyến tiếp tế của Philippines luôn bị Trung Quốc ngăn cản và đôi khi xảy ra va chạm. Trung Quốc sử dụng một số lượng tàu tuần duyên, tàu dân quân đông hơn, lớn hơn, bắn vòi rồng hoặc chiếu tia laser vào tàu tiếp tế của Philippines nhưng chưa có vụ nào gây chết người hoặc hư hại nặng.

Chuyến tiếp tế mới nhất diễn ra hôm thứ Sáu ngày 10 tháng Mười Một 2023. Năm tàu của Philippines, gồm hai tàu chở hàng và ba tàu tuần dương – trên đó có nhiều phóng viên báo chí của các hãng thông tấn và tòa báo lớn trên thế giới, bị 38 tàu Trung Quốc vây hãm và cản trở. Báo Inquirer của Philippines ghi nhận Trung Quốc đã điều động 28 tàu dân quân, năm tàu tuần dương và năm chiến hạm hải quân để bao vây ngăn chặn đoàn tàu tiếp tế, 11 chiếc trong số tàu đó “tích cực tham gia” quấy nhiễu và cản trở đoàn tàu tiếp tế, bắn “vòi rồng” vào tàu vận tải ML Kalayaan của Phi. Đáng chú ý là tàu của Trung Quốc không chỉ đông gần tám lần về số lượng mà còn to lớn hơn tàu của Phi nhiều lần. 

Nhưng chuyến tiếp tế đã diễn ra trót lọt. Phóng viên hãng tin Bloomberg trên tàu tuần dương của Philippines nhận định:

“Thành công của chuyến đi là sự thể hiện quan hệ đối tác ba bên giữa Philippines, Hoa Kỳ và Nhật Bản trong việc thách thức cố gắng của Trung Quốc nhằm kiểm soát khu vực tranh chấp. Sau khi Washington tái cam kết bảo đảm an ninh cho Manila, bãi cạn hẻo lánh này đã trở thành điểm nóng chủ yếu của cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ trong khu vực, có nguy cơ sánh ngang với xung đột kéo dài lâu nay ở Đài Loan”.

 

Tại cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Philippines hôm 7/8/2023, Manila đã trình bày nhiều hình ảnh về hành vi “gây hấn bất hợp pháp” của tàu tuần dương Trung Quốc nhằm ngăn chặn việc tiếp tế cho Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông, Ảnh Ezra Acayan/Getty Images

Thành công của chuyến tiếp tế ngày 10 tháng Mười Một cũng cho thấy một sự thay đổi so với chuyến tiếp tế trước, vào ngày 22 tháng Mười 2023. Vụ va chạm ngày 22 tháng Mười, trong đó tàu tuần dương Trung Quốc đâm trực diện và gây hư hại nặng một tàu chở hàng tiếp tế của Philippines, đã buộc Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp các tướng lĩnh quân đội và an ninh để bàn biện pháp đối phó.

Ngay sau vụ va chạm ở Bãi Cỏ Mây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng cảnh cáo rằng tấn công tàu thuyền công của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt hành động của Washington theo cam kết của Hiệp ước Phòng Thủ Chung Mỹ – Philippines có từ năm 1951. Trong chuyến tiếp tế tuần trước, giữa lúc tàu Trung Quốc bao vây, cản trở đoàn tàu của Phi trên mặt biển thì một phi cơ trinh sát P3-Orion của hải quân Hoa Kỳ bay vòng vòng trên trời để theo dõi tình hình.

Hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson của Hải quân Hoa Kỳ cũng đang có mặt trên Biển Đông, tham gia tập trận cùng với các chiến hạm của Nhật Bản, Canada và các đồng minh khác. Có thể sự hiện diện hùng hậu của hải quân các nước đã làm cho Trung Quốc không dám manh động như những lần xung đột trước.

Về phần mình, Trung Quốc tố cáo Philippines “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc” qua việc chuyên chở vật liệu xây dựng để sửa chữa và gia cố con tàu cũ BRP Sierra Madre và điều đó là “trái với luật pháp quốc tế”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Bảy, khẳng định: “Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết và phù hợp với pháp luật để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền hàng hải và các lợi ích khác”, theo Bloomberg.

Lực lượng tuần dương Trung Quốc cũng ra tuyên bố nói họ đã “theo dõi và giám sát” hai tàu chở hàng, ba tàu tuần dương Philippines “vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và thúc giục Manila chấm dứt ngay các hành động vi phạm đó”.

Về cáo buộc của Trung Quốc, ông Colin Koh, nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Singapore, chỉ ra ba điểm phi lý: Một là, Philippines không vi phạm pháp luật do hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Hai là, Manila không việc gì phải xin phép Bắc Kinh khi thực thi chủ quyền của mình trên biển Đông và ba là, chính Trung Quốc mới là bên vi phạm pháp luật khi can thiệp vào hoạt động của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. 

Rõ ràng, ở đây Trung Quốc vừa ăn cướp vừa la làng, luôn to mồm viện dẫn luật pháp quốc tế trong khi Bắc Kinh vẫn không tôn trọng phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài quốc tế của UNCLOS tháng Bảy 2016, theo đó yêu sách chủ quyền theo đường lưỡi bò chín đoạn của Bắc Kinh là vô giá trị.

Để bảo vệ lãnh thổ quốc gia, đối phó với một đối thủ to xác, tham lam và lật lọng như vậy, gần đây Philippines đã thay đổi sách lược. Cơ quan biên phòng Philippines đã mời các nhà báo quốc tế và địa phương tham gia các chuyến tiếp tế ra Bãi Cỏ Mây, sử dụng flycam để ghi lại hình ảnh các hành vi cản trở của Trung Quốc, làm bằng chứng cho những tuyên bố và công hàm phản đối của chính phủ Manila; đồng thời quảng bá rộng rãi trên truyền thông thế giới.

Quan trọng hơn, Philippines đã mở rộng và củng cố quan hệ quốc phòng với các đồng minh Mỹ và Nhật Bản, làm chỗ dựa cho sự nghiệp bảo vệ đất nước trước âm mưu và thủ đoạn bành trướng của Trung Quốc. Sau khi nhậm chức tháng Năm năm ngoái, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã đảo ngược chính sách thù địch với Mỹ và thân Trung Quốc của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, củng cố Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Phi 1951 và gia hạn một số hiệp ước quốc phòng khác, cho phép quân đội Mỹ sử dụng chín căn cứ quân sự của Philippines và gia tăng các cuộc tập trận giữa quân đội hai nước. 

Mới đây, Philippines đã vận động và được Nhật Bản đồng ý cung cấp viện trợ quân sự, trước mắt là cung cấp tàu tuần dương để giúp Manila nâng cao năng lực tuần tra, kiểm soát vùng Biển Đông. Trong chuyến thăm Philippines hồi đầu tháng Mười Một, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã đồng ý với Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cùng thúc đẩy một mối quan hệ quốc phòng ba bên Mỹ-Nhật-Philippines để ứng phó với Trung Quốc. Sự kiện các hàng không mẫu hạm Mỹ và tàu chở phi cơ trực thăng Nhật Bản phối hợp tập trận trên Biển Đông gần Philippines trong tuần này là một ví dụ cho thấy nếu quân đội ba nước cùng phối hợp hoạt động thì tình trạng tranh chấp trên Biển Đông có thể có dấu hiệu tích cực.

 

Phó Đề đốc Jay Tarriela, phát ngôn viên Lực lượng tuần dương Philippines (giữa) khẳng định với báo chí “Chúng tôi vẫn sẽ thực hiện sứ mệnh nguy hiểm này”. Ảnh Ezra Acayan/Getty Images

Cho đến nay, sách lược mới của Philippines dường như có hiệu quả. Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Úc nhận xét, các nỗ lực của Manila công khai và minh bạch hành vi xâm lấn của Trung Quốc đã được nhiều nước khác ủng hộ và gây “một số tổn thất” cho uy tín của Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo giáo sư Thayer, Bắc Kinh có thể sẽ điều động “nhiều hơn nữa tàu tuần dương và tàu dân quân đến khu vực, hành động hung hăng hơn nữa để ngăn chặn các chuyến tiếp tế của Philippines trong tương lai.” 

Nhưng với sách lược đối phó mới, Philippines đã lấy lại được dũng khí để đương đầu với đối thủ lớn mạnh hơn. Người phát ngôn của lực lượng tuần dương Philippines, Phó Đề đốc Jay Tarriela nói với báo chí hôm thứ Bảy ở Manila: “Ngay cả khi Trung Quốc tăng gấp ba số tàu thuyền mà họ điều động, tuần dương Philippines cũng sẽ không bị ngăn cản khi thực hiện chiến dịch tái cung cấp. Chúng tôi vẫn sẽ thực hiện sứ mệnh nguy hiểm này cho dù số tàu thuyền của chúng tôi bị hạn chế,” Reuters cho biết.

Trong lúc lãnh đạo Philippines cứng rắn với Trung Quốc thì Việt Nam ngày càng ngả về phía Trung Quốc, nhân nhượng tối đa các yêu sách của Bắc Kinh để duy trì chế độ độc tài toàn trị. Không có các thế lực cường quốc chống lưng và không được dư luận quốc tế ủng hộ như Philippines, khó mà hy vọng Hà Nội tránh được thảm cảnh đất đai biển đảo của tổ tiên ngày càng rơi dần vào tay kẻ thù phương Bắc mà người dân không thể làm gì được, thậm chí không được biểu lộ tình yêu nước chống xâm lăng.