Tâm tình với tuổi trẻ về Hồ Chí Minh
14.08.2018
Bùi Tín
Chính ông Hồ từng nói: “Chỉ có con người còn trong bụng mẹ hay con người đã nằm trong quan tài mới không phạm sai lầm.”
DCVOnline | Bài viết dưới đây được trích từ tác phẩm “Tâm tình với tuổi trẻ Việt Nam” của tac giả Bùi Tín với do nhà xuất bản “Tủ Sách Thời Sự VN và Thế Giới”, 6433 Northanna Drive, Springfield, Virginia, USA phát hành năm 2006. Hy vọng những thông tin và phân tích trong bài sẽ giải đáp phần nào nhiều ý kiến bạn đọc trên DCVOnline trong một loạt bài viết về Hồ Chí Minh nhân ngày 19/05.
Ngược hẳn lại, bên tố cáo, lên án, kết tội ông Hồ Chí Minh bằng những danh từ xấu xa nhất: trùm cộng sản khát máu, tội đồ của dân tộc, tay sai cộng sản (CS) Liên Xô, tay sai Trung cộng, bán nước hại dân, với tính khí xảo trá, lật lọng, lừa dối, đạo đức giả, hoang dâm. Tôi kể các dẫn chứng sau đây để bạn đọc, nhất là các bạn trẻ trong nước rộng đường xem xét, theo tinh thần minh bạch, trong sáng, công khai, không thiên vị, không áp đặt và thành kiến.
Bên này đặt ra nhiều câu hỏi, như :
- Sao lại có nhiều ngày khai sinh khác nhau (19 tháng 5, hay 15 tháng 1, hay 20 tháng 9?), các năm sinh khác nhau, 1889?, 1890?, 1892? hay 1895, 1896?; ngày và năm nào là đúng? Việc gì mà khi nắm chính quyền rồi vẫn còn dấu ngày sinh thật? Như thế là không ngay thật, không minh bạch.
- Việc anh thanh niên Nguyễn Tất Thành gửi đơn xin vào học Trường thuộc địa của Pháp (đào tạo quan lại bản xứ cho thực dân) đề ngày 15/9/1911 gửi từ Marseille, còn lưu trữ ở Pháp, sao Hà Nội vẫn không công nhận là có thật? Họ vẫn cứ cố nói lấy được là anh Thành lúc ấy chỉ một lòng đi tìm đường cứu nước!
- Việc ông Hồ có vợ, có nhiều vợ, nhiều mối tình và sống chung với nhiều phụ nữ, từ cô Bière nào đó ở Paris, cô Véra Vassileva ở Moscow, cô Nguyễn Thị Minh Khai ở Hồng Kông và Moscow, cô Tăng Tuyết Minh ở Quảng Châu Trung quốc, cô Nông Thị Xuân ở Hà Nội. Bộ máy tuyên truyền Hà Nội vẫn một mực bác bỏ hết, cố giữ nguyên hình ảnh ông Hồ không hề nghĩ đến tình cảm riêng tư, một lòng hy sinh cho cách mạng. Có vợ, có người tình thì có gì là xấu xa, còn cho thấy ông cũng là con người bình thường, việc che dấu chỉ làm tăng thêm niềm nghi ngờ về những chuyện khác hệ trọng hơn. Chính tiến sĩ sử học Mỹ Sophia Quinn Judge đến Hồng Kông, Quảng Châu, Paris, Moscow để viết rõ ông Hồ chung sống ra sao với bà Minh Khai, 2 người khai rõ với Văn phòng đệ tam Quốc tế và Trường Phương Đông là vợ chồng, ở chung hơn 6 tháng trong một buồng nhỏ ở ký túc xá. Chẳng lẽ đó là tài liệu giả?, “vì hoạt động bí mật nên phải đóng giả vợ chồng”, như một vài cán bộ tuyên huấn chống chế một cách gượng gạo, vì đây là khai với Quốc tế Công Sản kia mà!
- Ông Hoàng Tranh (Huang Zheng) nhà nghiên cứu sử học Trung quốc đăng trên tạp chí Đông Nam Á tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) số tháng 11/2001 bài “Hồ Chí Minh và người vợ Trung quốc Tăng Tuyết Minh” tả rõ đám cưới 2 người vào tháng 10 năm 1926 tại nhà hàng Thái Bình giũa thành phố Nam Ninh, có bà Thái Sương, bà Đặng Dĩnh Siêu vợ ông Chu Ân Lai dự. Ban tư tưởng và văn hoá cấm báo trong nước dịch đăng bài này. Cũng lại sợ một sự thật nữa! Trước đó, hai nhà báo Bùi Đình Kế và Kim Hạnh bị vạ khi đưa tin có thật này trên báo.
- Mối quan hệ giữa ông Hồ và cô gái Tày Nông Thị Xuân cũng cần làm rõ. Sự việc bị tiết lộ khi ông Nguyễn Hữu Thọ, nguyên là Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng sau là Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam, hồi 1983 là Chủ tịch Quốc hội đã nhận một lá đơn-thư đề ngày 29/07/1983 của anh thương binh có vợ là cô Nguyễn Thị Vàng, quê làng Hà Mạ, xã Hồng Việt, huyện Hoà An, tỉnh Cao bằng. Thư kể rằng:
“Cô Vàng có chị họ là Nông thị Xuân, tên khác là Nguyễn thị Minh Xuân. Năm 1955, 2 cô được đưa về Hà Nội ở trên gác số nhà 66 hàng Bông Nhuộm. Cô Xuân buộc phải phục vụ bí mật ông Hồ. Năm 1956 cô sinh con trai, tên là Nguyễn Tất Trung do chính ông Hồ đặt, gởi ông Nguyễn Lương Bằng rồi ông Chu Văn Tấn, và cuối cùng là ông Vũ Kỳ nuôi, đổi tên là Vũ Trung, nuôi cùng 2 con trai ông Vũ Kỳ là Vũ Vinh và Vũ Quang.”
Lá thư tố cáo Trần Quốc Hoàn, uỷ viên bộ chính trị, bộ trưởng Công an đã hãm hiếp nhiều cô gái, trong đó có cô Xuân rồi mang đi thủ tiêu cô Xuân qua một “tai nạn ô tô” đêm 11/02/1957, và cô Vàng sau đó (khi 2 cô 23 tuổi); lá thư khẩn thiết yêu cầu làm rõ vụ án kinh khủng này. Trước khi mất, ông Nguyễn Hữu Thọ chuyển lại cho người thân giữ cẩn mật lá thư, dặn là để công bố khi thuận lợi cho công lý (các bạn có thể tìm đọc lá thư này trên mạng internet đối – thoại , ở mấy trang cuối phụ lục cuốn “Đêm giữa ban ngày” của nhà văn Vũ Thư Hiên. Hiện lá thư là đồ quốc cấm trong nước, mặc dù họ leo lẻo: dân biết, dân làm chủ, quyền được thông tin trung thực, tính công khai, minh bạch, trong sáng!
Có ai tình nguyện điều tra làm rõ vụ án này?
- Các đảng viên các đảng Quốc Dân đảng, Đại Việt, Duy Dân, Phục Quốc, Trốskýt…, các tôn giáo Phật giáo, Công giáo, Tín lành, Cao Đài, Hoà Hảo… lên án ông Hồ về trách nhiệm trong việc thủ tiêu giết hại các đảng viên, thủ lãnh và tín đồ của họ; con số này chưa xác định là bao nhiêu, có thể rất lớn. Họ cho rằng việc đặt cho đường phố các tên Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền… chỉ là đạo đức giả vì nếu các vị này còn sống ắt không “nuốt” nổi chủ nghĩa CS và ắt sẽ bị chung số phận với những Trương Tử Anh, Tạ Thu Thâu, Huỳnh Phú Sổ rồi ! (Bị Việt Minh và đảng CS giết sau Cách mạng tháng Tám 1945).
- Nhiều nhà lãnh đạo các đảng trên đây tố cáo ông Hồ đã mù quáng theo một học thuyết sai lầm có hại, mặc dầu lúc ấy đã có nhiều nhà chính trị văn hoá uyên bác như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký, Phạm Duy Tốn… cảnh báo rõ rằng chủ nghĩa cộng sản là học thuyết sai lầm, nguy hiểm, mục đích nhân từ (xã hội không giai cấp, 4 biển là nhà) không thể đạt bằng bạo lực, chiến tranh, hận thù và đổ máu. Các vị trên đây cùng sách báo Tây phương từng phê phán rất rõ sự kiện Xô viết Nghệ An hồi 1930 đã mù quáng, quá khích ra sao, khi thực hiện khẩu hiệu “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”; khi vô sản, bần cố nông thất học nắm được chính quyền thì tai họa khôn xiết kể! Họ tha hồ lùng giết người có học, đốt sách, phá chùa, chẻ câu đối làm củi, chặt đầu tượng Phật, phá bia, hôi của, kích động hận thù dòng họ. Tai họa Xô Viết gây cho xã hội nông thôn gấp nhiều lần và dai dẳng gấp bội sự đàn áp của thực dân. Tai họa cộng sản cho cả nước là tai họa thời Xô viết Nghệ An nhân lên qui mô cả nước với thời gian 60 năm. Do đó, ông Hồ bị lên án là phạm tội nặng (trọng tội) mang tính chất tội ác dai dẳng và có ý thức, mặc dầu đã được ngăn chặn và cảnh báo trước.
- Quan điểm của các chiến sỹ dân chủ về ông Hồ Chí Minh: việc đánh giá ông cần khách quan, toàn diện, khoa học và công bằng. Không nên có định kiến, theo cảm tính và cực đoan. Việc coi ông như thần thánh, không hề có sai lầm, hay coi ông như hồ quỷ cố tình lao vào tội ác đều là quá đáng. Hai cách nhìn trái ngược ấy lại làm điều kiện cho nhau. Sự tuyệt đối phủ nhận thôi thúc sự chống lại bằng sùng bái tuyệt đối. Sự sùng bái tuyệt đối cũng phi lý như là sự phủ nhận tuyệt đối.
Con người là ở giữa thần thánh và ma quỷ. Ông Hồ là con người. Ông đã thành nhân vật lịch sử. Mặt tích cực của ông Hồ không phải là nhỏ. Ông là người lãnh đạo của cuộc Cách mạng tháng Tám, được toàn dân hưởng ứng, kết thúc thời kỳ thực dân và phong kiến, mở ra thời kỳ mới cho đất nước. Dù cho lúc ấy phát xít Nhật đã làm đảo chính ngày 9/3/1945 lật đổ thực dân Pháp trao “độc lập” cho vua Bảo đại, nhưng vẫn còn viên toàn quyền Nhật ngự trị ở Phủ toàn quyền.
Chủ tịch Chính phủ kháng chiến Hồ chí Minh còn lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, còn gọi là cuộc chiến 9 năm, đến thắng lợi, với chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva, thực dân Pháp phải từ bỏ Việt Nam. Ý kiến cho rằng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp không cần thiết vì các thuộc địa sẽ sớm muộn được trao trả độc lập, như Ấn độ, Nam Dương (Indonesia), Malaysia; ý kiến này không có sức thuyết phục vì thái độ của Pháp lúc ấy khác hẳn với Anh trong chính sách thuộc địa. Như phần trên đã nói, chính giới Pháp rất lạc hậu nghĩ lầm rằng để khôi phục quy chế cường quốc sau khi phải đầu hàng Đức và bị Đức chiếm đóng thì nhất thiết phải phục hồi hệ thống thuộc địa; do đó có chiến tranh Việt Nam và Algeria. Chính giới Anh sau khi đại thắng Hít-le không có mặc cảm như Pháp nên rất rộng rãi với thuộc địa của họ.
Đáng chú ý là 2 thành tựu tích cực trên đây gắn liền với lãnh tụ Hồ Chí Minh không dính dáng trực tiếp gì đến học thuyết cộng sản, thậm chí chính vì không dính dáng trực tiếp với học thuyết cộng sản mà mới có thắng lợi; ông Hồ phải tuyên bố giải tán đảng vào tháng 11/1945, và một mực thanh minh rằng: Không! tôi không phải là người cộng sản. Sự khôn ngoan của ông là ở đó.
Theo các chiến sỹ dân chủ, mặt tiêu cực của ông Hồ là ở chỗ nào? Trước hết có thể nói rằng ông Hồ là người yêu nước, nhưng yêu nước theo kiểu riêng của ông, theo sự hiểu biết và niềm tin của ông. Ông Hồ từng trả lời khi được hỏi: ông Ngô Đình Diệm là người thế nào, rằng: “Ông Diệm là người yêu nước theo kiểu của ông ta,” Không thể nói ông Hồ không yêu nước – như không ít người ở hải ngoại một mực khẳng định, ông từng bị thực dân truy lùng, xử tử hình vắng mặt, bị thực dân Anh bắt giam và xử án ở Hông Kông, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ hàng năm trời…, chỉ vì thật sự ông có ý chí đấu tranh bất khuất cho nền độc lập nước nhà.
Khi 30 tuổi, tự nhận là còn non nớt về chính trị, nghe tiếng Pháp còn chưa rành, ông tham dự một cuộc họp của đảng xã hội Pháp ở Tours năm 1920, được biết đệ Tam Quốc tế Cộng sản chủ trương giải phóng thuộc địa, thế là ông gửi trọn niềm tin vào tổ chức này; sau đó được đọc một luận văn ngắn của Lê-nin cũng về vấn đề giải phóng thuộc địa ông ôm bài báo vào ngực hét toáng lên giữa đêm khuya: “Ánh sáng đây rồi! con đường giải thoát đây rồi!” Để rồi sau đó bắt cả dân tộc đi theo, không còn cựa quậy gì được nữa, suốt hơn 70 năm ròng. Sự hăm hở, bốc đồng, nhẹ dạ của anh thanh niên tự nhận là “non nớt về chính trị” đã quyết định số phận dân tộc ta như vậy.
Các chiến sỹ dân chủ hiện nay đều nhận ra rằng qua thử nghiệm của gần một thế kỷ, chủ nghĩa Mác – Lênin mà Đệ Tam Quốc tế áp dụng đã phá sản triệt để cả về lý luận và thực tiễn, vì nó thiếu cái lõi nhân văn, cái lỗ hổng tệ hại của nó là quyền tự do cho mỗi con người, là xã hội dân sự cho đất nước.
Đây có thể là lầm lẫn lớn nhất của ông Hồ. Con người ai chẳng lầm lẫn!
“Con người có dại mới nên khôn.”
“Ai nên khôn chẳng dại đôi lần!”
Chính ông Hồ từng nói: “Chỉ có con người còn trong bụng mẹ hay con người đã nằm trong quan tài mới không phạm sai lầm.” Nhưng chọn một học thuyết sai lầm, cho riêng mình thì không nói, nhưng cho một tổ chức, cho một chính đảng, lại là một chính đảng cầm quyền, lại là độc quyền không chia sẻ cho ai, không suy suyển trong mấy chục năm dài, thì lầm lẫn “vĩ đại” đến vậy thật là tai họa kinh hoàng.
Lầm lẫn — mà không phải cố tình phạm sai lầm, vì lúc 30 tuổi, anh Nguyễn Tất Thành sau khi có ý định gần mười năm trước vào học trường thuộc địa để thành đạt trong cuộc đời vẫn có thể đổi ý trong môi trường chính trị tự do Pháp để chân thành chọn con đường của Lê-nin như không ít thanh niên và trí thức Pháp hồi ấy.
Anh thật lòng tin rằng con đường Mác – Lênin là con đường đúng nhất, hay nhất, đáng chọn nhất, hơn hẳn con đường của Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Cường Để.
— Nay học thuyết Mác – Lênin đã không còn sức sống ở Liên Xô, đang chỉ còn cái bóng mờ nhạt ở Trung quốc, ta có thể trách ông Hồ là ông từng sống ở Moscow suốt từ 1924 đến 1938, giữa những năm khủng bố đỏ rùng rợn nhất của Staline, khi mỗi ngày báo đảng Pravda đăng tin xử bắn hết uỷ viên bộ chính trị này đến ủy viên trung ương khác, và hàng xâu “tên phản động”, vậy mà ông vẫn sùng bái “trùm tội ác của các thời đại” đến tuyệt đối, sùng bái chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp đến tuyệt đối, thì cái “tâm” và cái “trí” ông ở đâu?
— Tôi từng gặp và nói chuyện với 4 vị luật sư của nước ta: Trần Công Tường, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Thọ, Phan Anh, cả 4 đều nhận xét, ca thán, có lúc phẫn nộ về sự coi thường luật pháp của chính ông Hồ. Việc đóng cửa trường đại học luật ngay sau tháng 8-1945, việc chấm dứt đào tạo và xử dụng luật sư, việc các toà án nhân dân chỉ xử theo chỉ thị của đảng, việc quốc hội dưới thời ông không thực hiện chức năng làm luật, gây nên vô vàn bất công oan trái, người chịu trách nhiệm chính là Chủ tịch nước, chủ tịch đảng Cộng sản Hồ Chí Minh.
Do đó có thể nói lỗ hổng lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tinh thần dân chủ pháp trị, là tinh thần đa nguyên đa đảng, là tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do bầu cử đầy đủ trên cơ sở một nền dân chủ có luật pháp nghiêm, bình đẳng cho mọi công dân. Cái lỗ hổng to tướng ấy con cháu của ông hiện vẫn đang phải ra sức lấp đầy một cách gian truân, trước hết bởi các chiến sỹ dân chủ trong và ngoài nước.
Về tư tưởng Hồ Chí Minh: hiện trong nước tư tưởng Hồ Chí Minh được nói đến nhiều vô kể, những luận văn dài lòng thòng rất ít nội dung thực chất.
Trước hết ông Hồ luôn nói rằng ông không có tư tưởng gì riêng cả. Mọi tư tưởng cách mạng, Mác, Lênin, Stalin và Mao đã nói lên hết rồi.
Ông nói ông chỉ để lại cái tác phong, cái cách sống: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thế thôi.
Nếu mang “Hồ Chí Minh toàn tập” ra đọc, đánh dấu, thống kê, ghi chép thì điều mà ông viết, nói, căn dặn nhiều nhất là: nước ta tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua chủ nghĩa tư bản, hay: bỏ qua chủ nghĩa tư bản tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Do đó mà vừa cải cách ruộng đất xong đã bắt dân vào hợp tác xã. Chưa gì đã ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Chưa gì đã xoá bỏ tư hữu.
Từ năm 1986, Đại hội VI đề ra chủ trương xây dựng “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thì đó là sự từ bỏ tư tưởng trung tâm trên đây của ông Hồ, không bỏ qua nữa mà là quay lại với chủ nghĩa tư bản. Đơn giản thế thôi. Nhưng còn cố đèo thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” chỉ là để chữa thẹn, thế thôi!
Khôn mà không ngoan! Chỉ vì cái đuôi lòng thòng “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà các đoàn thương lượng Việt nam về gia nhập WTO (tổ chức thương mại quốc tế) luôn bị chất vấn là: rõ ràng đây chính là sự can thiệp của nhà nước, cho nên không phải thị trường tự do, từ đó nhà nước luôn tác động về giá cả, thuế khoá, bù giá, định giá, ưu đãi của ngân hàng nhà nước, như trong vụ cá ba sa, quần áo, dày da,… Rõ ràng là cái đuôi lôi thôi, nặng nề, phiền phức vì đến nay chưa có ai định nghĩa nổi thế nào là “xã hội chủ nghĩa”, đang còn phải nghiên cứu, tìm tòi chán!
Thế còn việc UNESCO suy tôn Hồ Chí Minh là “Danh nhân Văn hoá Thế giới” thì thế nào? Người bảo có, người bảo không, sự thật là thế nào? Tôi từng dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội trường Ba đình Hà Nội vào ngày 19/5/1990, có một số bạn bè quốc tế dự đến từ Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào, Cam-bốt, Pháp, Anh, Algeria… Tôi gặp ông A. Patti (người Mỹ, trong tổ chức tình báo OSS từng có mặt ở Việt Bắc và Hà Nội hồi cách mạng tháng Tám 1945) tại đây; có ông R. Chandra, người Ấn độ, nguyên trước kia là chủ tịch Hội đồng Hoà bình thế giới dự. Không có đại diện nào của UNESCO đến Hà Nội dự. Và cũng không ở đâu UNESCO đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm cả. Để trả lời bạn Phương Nam hỏi, tôi đã đến tìm hiểu tại trụ sở chính của UNESCO ở Paris (số 7, place de Fontenay).
Đầu đuôi là thế này. UNESCO có nếp làm việc: nhân kỷ niệm ngày sinh những nhân vật nổi bật của các nước thành viên vào những năm chẵn thứ một trăm (năm sinh lần thứ 1, 2, 3 , 4 hay 5 trăm năm) thì các nước gửi đề nghị đến UNESCO, UNESCO ghi nhận, xem xét và khuyến cáo các nước thành viên tham gia và Chủ tịch UNESCO có thể ủng hộ, hỗ trợ các nước ấy nếu cần. Vì đây là tổ chức về giáo dục, khoa học và văn hoá nên người được đề nghị phải có hoạt động nổi bật về 1 trong 3 mặt này. Cuộc họp của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 từ 20/10 đến 20/11/1987 tại Paris xét thư đề ngày 14/07/1987 của bộ trưởng Võ Đông Giang, chủ tịch UNESCO của Việt Nam, thông báo rằng Việt Nam sẽ tổ chức trọng thể kỷ niệm ngày sinh lần thứ một trăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào dịp 19/5/1990, chủ tịch Hồ Chí Minh còn là “nhà văn hoá xuất sắc của Việt nam”; cuộc họp quyết nghị:
- Ghi nhận (noter) thông báo của Việt nam;
- Khuyến cáo (recommander) các nước hội viên tham gia kỷ niệm;
- Yêu cầu (prier) Ngài Tổng giám đốc UNESCO ủng hộ (soutenir) việc kỷ niệm, nhất là ở Việt Nam.
Do đó có thể nói là UNESCO có ra nghị quyết về việc kỷ niệm này theo đề nghị của đoàn Việt Nam.
— Cùng trong phiên họp này, UNESCO ghi nhận đề nghị của Liên Xô kỷ niệm lần thứ một trăm ngày sinh của “nhà văn và nhà giáo dục lớn” Semionovitch Makarenko; ghi nhận đề nghị của Cộng hoà Liên bang Đức về kỷ niệm lần thứ 500 ngày sinh của nhà “tiên tri cấp tiến” (prédicateur progressiste) Thomas Mùnzer; ghi nhận đề nghị của Thái Lan về kỷ niệm lần thứ 1 trăm ngày sinh của nhà phê bình văn học uyên bác Phya Anuman Rajadhon; và cuối cùng là đề nghị của Thổ nhĩ kỳ (Turquie) về kỷ niệm 4 trăm năm ngày sinh của “nhà kiến trúc kiệt xuất” Sinan, từng xây dựng nhà thờ Hồi giáo kỳ vỹ Suleymaniye giữa thủ đô Istanbul cùng nhiều công trình ở vùng Balkan và các nước Ả-rập, đều vào dịp 1990.
Nhưng… (chính cái “nhưng” này là điều người ta muốn dấu kín) sau đó, một số thư từ, kiến nghị, bài báo gửi đến UNESCO phản đối mạnh mẽ quyết định này, suốt cả năm 1988, 1989 và đầu năm 1990, nêu bật sự kiện thuyền nhân và trại cải tạo, của chính những người trong cuộc với phim ảnh kèm theo, nêu rõ bản chất chế độ đàn áp tàn bạo do ông Hồ Chí Minh lập nên, một chế độ phi nhân – phản văn hoá. UNESCO còn tiếp hàng chục đoàn đại biểu từ Pháp, Mỹ, Anh, Úc chống đối việc UNESCO dính vào một việc không được dư luận tán đồng. Đại biểu Hội cựu chiến binh Pháp do tướng Simon là chủ tịch trực tiếp đến trụ sở UNESCO trình bày rõ gần 9 ngàn tù binh Pháp bị bắt sống ở Điện Biên Phủ chỉ có hơn 5 ngàn trở về là do sự đối xử vô nhân đạo của chính phủ Hồ Chí Minh… Thế là ông chủ tịch UNESCO quyết định lờ đi, thôi, UNESCO không tham gia việc kỷ niệm nữa để bảo toàn uy tín của tổ chức quốc tế này. Còn chính phủ Việt Nam làm gì thì tuỳ họ. Vì chưa đến cuộc họp sau (cách 4 năm mới họp Đại hội đồng) nên vấn đề thay đổi này không kịp đưa ra trước Đại hội đồng UNESCO.
Gần đến ngày kỷ niệm 19/05/1990, 2 sự kiện dồn đến. Bức tường Berlin đổ sập tháng 11/1989; một loạt chế độ cộng sản Đông Âu tan biến, Hà Nội mất một loạt đồng minh; Tổng giám đốc UNESCO Amadou M’Bow người châu Phi (Senegal) bê bối về tài chính bị thay thế bởi ông Frederico Mayor Zaragoza người Tây Ban Nha; ông này ra hẳn chủ trương: UNESCO không tổ chức cũng không tham dự một hình thức nào kỷ niệm ông Hồ; ông cũng nói rõ: không có khoản tiền nào của UNESCO để chi cho việc này nữa.
Đến ngày kỷ niệm, Sứ quán Việt Nam ở Paris vất vả chạy vạy thuê một phòng nhỏ ở trụ sở UNESCO để vớt vát thể diện (phòng họp này bất cứ ai cũng có thể thuê được). Ban quản trị trụ sở UNESCO giao hẹn không được treo ảnh và áp-phích ngoài hành lang, giấy mời chỉ được ghi là dự một tối văn nghệ. Giấy mời của sứ quán in hình Hồ Chí Minh và nền UNESCO bị Văn phòng UNESCO phản đối là “không được phép, không nghiêm chỉnh” (incorrect) phải hủy, và in vội giấy mời khác. Một đoàn múa rối nước từ Hà Nội sang biểu diễn; cuộc kỷ niệm dự định vài trăm, nhưng chỉ có dưới một trăm người Việt của sứ quán và Hội Việt kiều “yêu nước” cùng mươi người của đảng cộng sản Pháp; làm tại trụ sở UNESCO, nhưng không có một quan chức, một nhân viên nào của UNESCO đến dự. Bà giữ thư viện và tư liệu UNESCO trả lời tôi:
“Có văn bản lưu trữ về nghị quyết, nhưng không có văn bản lưu trữ nào nói về sự thực hiện, vì UNESCO đã bất động, không làm gì cả, trên thực tế là coi như không có nghị quyết, do hoàn cảnh đặc biệt xảy ra sau đó.”
Đầu đuôi câu chuyện là thế. Chuyện có có không – không có mà thành không là như thế. Cái gọi là “Bác Hồ chúng ta được UNESCO của Liên Hợp Quốc ra nghị quyết tuyên dương, công nhận là anh hùng dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới, và UNESCO tổ chức long trọng lễ kỷ niệm” hoá ra là thế, đầu và đuôi là như thế. Cần rõ ràng, minh bạch, tỏ tường như thế.
Về tiểu sử Hồ Chí Minh: Đây là vấn đề có nhiều điều mờ ảo, trái ngược và gây tranh cãi. Ngày và năm sinh; động cơ khi xuất dương; nhiều bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc là của chung các ông Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Phan Chu Trinh nữa hay là của riêng ông Hồ; có những năm dài trong tiểu sử tự kể không biết ông làm gì, ở đâu; ông là người có tư tưởng quốc gia hay cộng sản; ông thông minh hay xảo trá; hiền từ hay độc ác; khiêm tốn hay cao ngạo; có tư tưởng riêng hay không; sống đạm bạc khổ hạnh hay ngược lại; đạo đức cao siêu hay đạo đức giả… Xin mời các nhà sử học trẻ nước ta vào cuộc để giải mã những câu hỏi gai góc và lý thú trên đây, với thái độ khách quan khoa học.
Có thể tham khảo rất nhiều sách và tài liệu. Trong nước, có “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch” của Trần Dân Tiên, “Vừa đi đường vừa kể chuyện” của T.Lan, đều do ông Hồ viết; gần đây là những bài viết sâu sắc của nhà nghiên cứu Lữ Phương hiện vẫn sống ở Sài Gòn: Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh và Huyền thoại Hồ Chí Minh. Ở ngoài nước có cuốn Ho Chi Minh của nhà sử học Pháp Pierre Brocheux, những bài nghiên cứu của bà nhà báo Mỹ Sophia Quinn Judge, lý thú nhất là bài “Những năm thiếu vắng của Hồ Chí Minh” (The missing years of Ho); đồ sộ nhất là cuốn “Hồ Chí Minh, một cuộc đời” (Ho Chi Minh, a life) của William J. Duiker, giáo sư sử học Mỹ, dày 690 trang. Bộ thông tin Hà nội định dịch cuốn này để in nhưng lại muốn kiểm duyệt khá nhiều đoạn, bị tác giả phản đối: hoặc là in nguyên bản, hoặc là thôi!
Về câu châm ngôn: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Các cuốn tiểu sử trên đây đều có nhắc đến câu nói trứ danh này của ông Hồ. Câu này được khắc bằng vàng trên tường đá vân ngay phòng lớn của Lăng Hồ Chí Minh. Nhưng các nhà sử học phương Tây đều chú ý đến cách giải thích khá là “lương thiện” của Viện Mác- Lênin kiêm Viện nghiên cứu tư tưởng Hồ chí Minh rồi trở thành Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện tại. Họ giải thích rằng “tự do” đây đi tiếp với “độc lập”, là chỉ tự do chung của dân tộc, của đất nước, không hề có cái nghĩa tự do của cá nhân theo kiểu tư sản đâu, đừng tưởng bở nhé! Quả là vậy. Câu này ông Hồ nói trong thời chiến tranh, chỉ để nói độc lập và tự do của tập thể.
Xin đọc kỹ Hồ Chí Minh toàn tập; ông Hồ tỏ ra phẫn nộ khi người dân thuộc địa ở Senegal, người da đen ở Mỹ, người Annamít ta bị đánh đập, treo cổ, kéo xe , làm phu phen, phục vụ ông Tây bà đầm, bị chửi bới, roi vọt, với thân phận người dân thuộc địa, nô lệ mất tự do. Không thấy một chỗ nào ông bênh vực người dân dưới chính thể của ông bị đàn áp, áp bức, ngược đãi. Thậm chí ông tỏ ra dửng dưng, không chút động lòng khi ông Vũ Đình Huỳnh người thư ký riêng thân cận với ông hơn 20 năm trời bị vu cáo và ngồi tù không xét xử; rồi một loạt uỷ viên trung ương từng bị tù đày thời Pháp thuộc bị nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ hãm hại, như các ông Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Nguyễn Vịnh… Ông hoàn toàn làm ngơ khi ông Nguyễn Mạnh Tường, ông Trần Đức Thảo, 2 trí thức xuất sắc nhất bị đày đoạ; ông cũng tảng lờ khi biết rõ bà Nguyễn Thị Năm là người yêu nước từng cưu mang nhiều chiến sỹ cộng sản, bị tuyên án xử bắn… Nhiều nhà sử học quốc tế cho rằng ông đã thần phục Staline đến độ tuyệt đối vì khi tuổi đến độ chín – từ 35 đến 50 tuổi, ông sống ở Moscow nên đã nhiễm sâu cung cách cầm quyền sắt máu của Staline, coi đó là mẫu mực của chính quyền vô sản. Mọi người được học qua trường đảng cao cấp Moscow đều được học về chỉ thị có tên “Về cuộc khủng bố đỏ” mang lời dạy của Lênin: “Nếu chúng ta ngần ngừ trong việc xử bắn một tên bạch vệ, một tên phá hoại thì cuộc đại cách mạng của chúng ta còn có ý nghĩa gì?” Ông Hồ luôn tỏ ra là con người Lêninít và Stalinít trung kiên; quyền tự do của công dân, xây dựng xã hội dân sự có luật pháp và tình thương là ở ngoài quan niệm chính trị của ông.
Có nhà nghiên cứu nói đến trái tim thép lạnh tanh của ông khi bà vợ cũ có hôn thú Tăng Tuyết Minh dò hỏi về ông suốt từ 1945 đến 1964, ông vẫn làm ngơ, cho đến khi đảng Cộng sản Trung quốc khuyên bà nên quên chuyện này đi, và bà vẫn ở vậy cho đến chết vào tháng 11 năm 1991, thọ 86 tuổi. Cũng có người nói thái độ không bình thường của ông đối với người anh cả Nguyễn Tất Khiêm và với bà Thanh chị ruột ông, cũng như với làng quê Kim Liên, khi ông về Hà Nội từ năm 1945 mà đến tận năm 1957 mới về thăm quê lần đầu!
Đến bao giờ chúng ta mới có một tiểu sử chân thật về Hồ Chí Minh? Có nhà sử học trẻ nào dám lao vào việc khó khăn nhưng hấp dẫn và lý thú này.
Xin giới thiệu với cá bạn trẻ trong và ngoài nước một bản tiểu sử ông Hồ rất đặc sắc, chỉ có 2 trang, một nghìn chữ, in lén theo kiểu “luồn và lách” trên báo Văn nghệ ở Hà Nội rồi bị thu hồi ngay, do nhà văn trẻ Trần Duy Quang nghiền ngẫm trong gần mười năm để phóng ra với dũng khí và tâm huyết của mình, có đầu đề là “Linh nghiệm”, xin mời bạn đọc thưởng thức ở phần phụ lục cuốn sách nhỏ này.
Di chúc của ông Hồ Chí Minh: Ông Hồ mất ngày 2/9/1969, nhưng vì đó là ngày Quốc khánh nên được công bố ngày ông mất là 3/9, để sau này khi bị lộ, dư luận không chịu sự gỉả dối, lại phải sửa lại cho đúng là ngày 2/9. Nhưng điều quan trọng hơn là khi công bố, bản di chúc đã bị “thiến” mất một số đoạn, trong đó có 3 đoạn chính. Phải đến 20 năm sau, tháng 5/1989,: ông Vũ Kỳ đăng bài hồi ký “Bác Hồ viết di chúc như thế nào” trên báo Nhân dân chủ nhật, ám chỉ đến những đoạn bị cắt, công luận tỏ ra phẫn nộ, buộc Bộ chính trị phải đưa ra trước Quốc hội nguyên văn tập di chúc rồi in ra tập di chúc đầy đủ. Đoạn bị cắt đầu tiên là: “Theo ý tôi việc phải làm trước tiên (sau ngày thắng lợi hoàn toàn) là chỉnh đốn lại đảng…” (có gạch bút đỏ ở dưới); đoạn thứ 2 bị cắt là: “tôi đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hể hả, mát dạ mát lòng thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”; đoạn thứ ba bị cắt là: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là hỏa táng, vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất”. Quốc hội họp tháng 12/1989 ra nghị quyết miễn thuế 50 % cho nông dân trong 2 năm 1990 và 1991. Di chúc ông Hồ được công bố toàn bộ, chụp lại nguyên bản viết tay và đánh máy. Ông Vũ Kỳ gặp tôi, cụng ly một vại bia Hà Nội ăn mừng bà con nông dân ta cực nhọc nay đỡ khổ được đôi chút, dù cho 2 chúng tôi bị Ban bí thư trung ương xát xà phòng một trận vì “vô kỷ luật, làm chuyện tày đình mà không xin phép ai cả”.
Về Lăng Hồ Chí Minh: Mặc dù ông Hồ có ý muốn được hoả thiêu, lăng ông vẫn cứ được xây, uy nghi, đồ sộ, phần trên mái có người nói vui là giống chiếc mũ dạ cô-dắc Nga. Gỗ quý nhất, đá vân đủ màu từ khắp nơi được chọn kỹ đưa về Hà Nội. Nhiệt độ trong lăng quanh năm giữ ở khoảng 16 đến 18 °C, với 2 máy điện dự trữ. Cả một Bộ tư lệnh lăng do 2 ông tướng chỉ huy, bằng 2 tiểu đoàn, canh gác, phòng thủ nghiêm mật, tuyển theo lý lịch 3 đời trong trắng, chọn kỹ cả về hình thể: khoẻ, gọn, cao, khôi ngô, bắn súng, võ thuật đều loại ưu; 2 tiêu binh như tượng đất nung, dù nắng chói, mưa dầm, gió mạnh, gác cửa vào. Một đội ngũ kỹ thuật đào tạo từ Liên Xô, với những chuyên gia và chuyên viên thượng thặng, gần một trăm người chia thành nhiều kíp lo việc bảo quản “từng tế bào của lãnh tụ”; có người tán thêm: mỗi sợi tóc, mỗi sợi râu, mỗi móng tay, móng chân của “ông Cụ” đều có một lý lịch.
Thi hài ông Hồ là đề tài cấm kỵ nhưng vẫn được bàn đến từ cơ quan làm việc, gia đình đến vỉa hè. Bác sỹ của ông Mao kể rằng hồi 1976 khi Mao hấp hối, một đoàn Trung quốc sang Hà Nội học cách bảo quản thi hài, thì được biết tai trái của ông Hồ đã rụng ra, phải dán lại; không có cách nào cưỡng lại quy luật sinh – tồn – diệt của tạo hoá. Ngay từ năm 1974 tôi đã nghe mấy cụ lão nông ở làng Kim Liên quê ông Hồ tỏ ra rất không hài lòng khi biết rằng bộ não và bộ nội tạng gồm tim và ruột gan của lãnh tụ đã bị lấy ra và chôn ở một nơi nào đó; các cụ cho rằng điều này là tối kỵ, là xúc phạm thi hài không thể chấp nhận vì “cụ Hồ không còn toàn thân”, có cụ nói không “toàn thây”, ngược lại với đạo lý và tập quán dân tộc. Như vậy gọi là thi hài nhưng thật ra chỉ là cái vỏ bọc cơ thể, hình hài ngoại vi, không còn gì là “cụ Hồ thật”. Vẫn còn mù mờ về bộ xương ông Hồ còn nguyên hay cũng đã rút ra rồi.
Lăng ông Hồ cũng thành sự kiện ngoại giao nhiều khi khó xử, phức tạp. Khách nhà nước thường có mục viếng Lăng Chủ tịch Hồ chí Minh. Thế nhưng có tổng thống, thủ tướng, bà hoàng này, ông vua nọ, đoàn đại biểu cấp cao kia xin miễn, lờ đi, cám ơn … rồi thôi. Tổng thống Pháp và bà Mitterrand được phía Việt Nam nhiều lần gợi ý, một mực “cám ơn”, dù lên Điện Biên Phủ ông vẫn viếng đài liệt sỹ “Việt Minh”. Tổng thống Chirac và Tổng thống Clinton đều chỉ yên lặng liếc nhìn lăng ông Hồ khi qua gần đó; họ nghĩ gì về ông Hồ, về lăng, thật khó đoán.
Tương lai của lăng ông Hồ? cũng khó đoán. Mỗi người một ý.
Nhiều người cho rằng: nó sẽ vĩnh cửu, vì thực sự ông là lãnh tụ vĩ đại, tiêu biểu cho cuộc đấu tranh của dân tộc, chống thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc kiểu mới Mỹ, giành trọn vẹn độc lập, tự do cho đất nước. Ông tiêu biểu cho niềm tự hào dân tộc. Dân tộc nào cũng ước mong có một lãnh tụ tuyệt vời đến vậy. Ta có rồi, sao lại dại dột dèm pha, hạ thấp xuống, có phải là việc làm thiếu suy nghĩ không. Sao lại không tô vẽ thêm cho cao đẹp thiêng liêng hơn lên. Bới móc làm gì những chuyện xưa cũ về sinh hoạt, vạch áo làm gì cho người xem lưng, làm thế là thiếu thiện tâm, là thấp kém, thiếu khôn ngoan.
Ngược lại, có ý kiến là mọi việc phải sòng phẳng, minh bạch, theo giá trị thật, tốt xấu rõ ràng, công tội phân minh; phải làm vậy mới mở đường cho dân tộc tiến lên những tầm cao mới, giải thoát đất nước khỏi sức ỳ tệ hại do lầm lẫn những giá trị, đường sáng không đi, đâm quàng vào bụi rậm, mất bao nhiêu công sức thời gian sinh mệnh, để đến nông nỗi lạc hậu, nghèo khổ, chia rẽ, thua kém xa các nước láng giềng, lạc lõng giữa thế giới văn minh ngày nay! Vậy rồi mà không tỉnh, sao mà “ngu” lâu thế!
Có nhiều bạn trẻ học ở Liên Xô và Đông Âu về cho rằng Staline oai phong là vậy, thế mà cũng bị đưa ra khỏi lăng ở Hồng Trường; nay việc đưa thi hài ông Lê-nin ra khỏi lăng đã được đặt ra, chỉ còn là thời gian thực hiện, khi bước vào thời kỳ “hậu Putin” nay mai thôi. Nay thi hài Lênin là đối tượng tò mò của khách du lịch hơn là di thể vị lãnh tụ kính yêu để chiêm ngưỡng. Ở Bulgaria ông Đimitrov (Dimitrov Georgi Mikhailovich, 1882 – 1949) được sùng bái còn hơn ông Hồ, từng cầm đầu Quốc tế Cộng Sản III, lãnh tụ cấp thế giới, cũng bị đưa ra khỏi lăng; lăng đồ sộ Đimitrov bị đập nát, nhường chỗ cho vườn trẻ đầy hoa, nụ cười và tiếng hát, tràn nhựa sống, có ích cho đời hơn.
Báo “Tuổi trẻ” ở thủ đô Sofia số ra năm 2000 điểm lại các nhân vật thế kỷ 20 và trưng cầu ý kiến bạn đọc, thì chỉ có 13% tỏ ra luyến tiếc cái lăng Dimitrov, 76% tán thành việc phá bỏ, 11% không có ý kiến. Bungaria sau đó có đa nguyên đa đảng, dân có tự do, đổi đời.
Có ý kiến cho rằng chính ông Hồ đã đề ra việc xây lăng cho ông, còn duyệt bản vẽ lăng trước khi ông mất; tôi cho là không có điều ấy, từ trong nước chưa có một dư luận, một tiết lộ, một bằng chứng nào nói vậy. Đây chỉ là một phỏng đoán, giả thuyết. Theo tôi, đối với người dù ta không ưa, vẫn phải công bằng thận trọng khi phán xét. Hồi xưa tôi cả tin, cho rằng ông Ngô Đình Diệm thường ăn nằm, thông dâm với cô em dâu Lệ Xuân, rằng ông Ngô Đình Nhu suốt ngày nằm ngậm tẩu thuốc phiện, ông Ngô Đình Cẩn chuyên ăn gan người bị ông giết… như bộ máy tuyên truyền Hà Nội phổ biến, theo quan niệm vu oan cho kẻ thù là điều tự nhiên, có lợi cho cách mạng, nên làm. Về sau, tôi xác minh đó toàn là chuyện dựng đứng, vu cáo. Tôi nghĩ mong muốn “hoả thiêu” là thành thật của ông Hồ.
Chiến sỹ dân chủ Trần Khuê yêu cầu thực hiện đúng yêu cầu của ông Hồ trong di chúc, là hoả thiêu ông với nghi thức đàng hoàng. Vì theo tập quán Á Đông không gì thiêng liêng hơn là nguyện vọng cuối cùng của người sắp từ giã cuộc đời. Huống gì mong muốn ấy lại cao đẹp, trong sáng, lại “hợp vệ sinh”, như chính ông Hồ viết trong di chúc.
Trong số người mong muốn “hỏa thiêu” thi hài ông Hồ cũng có không ít người duy tâm, nặng về mê tín dị đoan, cho rằng đất nước ta chưa yên ổn, quá nhiều bất an tệ nạn – từ tham nhũng đến nghiện hút, siđa, buôn bán phụ nữ trẻ em… chỉ vì thi hài cực thiêng của “cụ Hồ” bị chia sẻ, toàn thân cụ chưa được nhập vào đất mẹ, vong linh cụ nay đây mai đó, không yên vị, không mồ yên mả đẹp nên đất nước bị “động” trên quy mô lớn, phong tục lễ nghi tuỳ tiện, kỳ cục, bị “sái” về thiên ý nhân tâm (ý trời và lòng người), không chỉnh sửa thì còn là “động” mãi không yên.
“Cháu xin thưa với Bác…”
Trong nước, không ít người quở mắng tôi là lếu láo với lãnh tụ tôi từng kính mến, rằng nhân vật vĩ đại này là bất khả xâm phạm, không ai được động đến! Nếu họ muốn, tôi kính cẩn thưa với Bác rằng:
“Thưa Bác! Cháu luôn nhớ, Bác từng 2 lần họa thơ với bố cháu; bố cháu mất, Bác đến gặp an ủi từng người trong gia đình. Cháu tin rằng Bác không bao giờ có ý định tàn phá đất nước như không ít người nghĩ sai về Bác. Nhưng quả thật Bác đã nhầm lẫn. Bác đã nhầm lớn về học thuyết Mác. Bác đã nhầm khi cố công dịch lịch sử đảng cộng sản Liên Xô do Stalin viết khi Bác ngồi bên bờ suối cạnh hang Pác Bó. Cháu tin rằng nếu Bác còn sống Bác sẽ tỉnh ra khi Liên Xô vĩ đại là thế đối với Bác đã chuyển sang nền dân chủ đa nguyên đa đảng, để hoà nhập với thế giới tiến bộ. Cháu cũng tin rằng Bác rất không hài lòng và rất khổ tâm khi thi hài Bác không còn nguyên vẹn, chỉ còn cái vỏ, chưa được nhập hẳn vào lòng đất, mà lại lãng phí một cách kinh khủng đến vậy – tiền chi phí cho lăng Bác hàng năm có thể dùng để xây dựng hàng trăm trường học và bệnh viện, trong khi sinh thời cháu được biết Bác từng lộn phong bì cũ để dùng lại, làm gương tiết kiệm cho toàn dân… Bác linh thiêng, xin phù hộ để cho những người lãnh đạo hiện nay mau tỉnh ngộ, sớm nhận rõ sai lầm, đi vào con đường dân chủ chân chính!”
2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: Đàn Chim Việt Online Edition, 19/05/2006. Bài viết được trích từ một tác phẩm của tác giả Bùi Tín với tựa đề “Tâm tình với tuổi trẻ Việt Nam” do nhà xuất bản Tủ Sách Thời Sự Việt Nam và Thế Giới, 6433 Northanna Drive, Springfield, Virginia, USA phát hành năm 2006. DCVOnline biên tập và minh họa.