Bức hình trên đây chụp các ông Lý Chánh Trung, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi là những thành phần đại biểu của lực lượng thứ ba của miền Nam ra Bắc trong ngày 2 tháng chín năm 1975. Đây là một vinh dự có chọn lọc và cân nhắc đắn đo lý lịch, thành tích các vị được mời của lãnh đạo Đảng trước khi quyết định ai được mời ra Bắc.
Phần những người được mời đều cảm thấy đây là một vinh dự hiếm hoi cho họ. Bởi vì còn biết bao nhiêu thành viên trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTDTGPMN) đã không có mặt, đã không được vinh dự ấy.
Sự không có mặt của những Trương Như Tảng, Dương Quỳnh Hoa, Lữ Phương là có chủ đích của đảng. Chủ đích đó là loại trừ một số tham vọng của các thành viên MTDTGPMN như bà Dương Quỳnh Hoa muốn dành một vị trí đặc biệt cho miền Nam và đồng thời muốn triển hạn việc thống nhất đất nước. Vai trò trái đệm và bù nhìn của MTDTGPMN trước đây đã đến lúc cần chấm dứt vì sẽ là một chướng ngại vật cho tiến trình thống nhất đất nước. Nói cho cùng, đây là trò đểu cáng chính trị của Hà Nội, dựng lên lá bài MTDTGPMN để lừa bịp thế giới và khi chiếm xong miền Nam thì MTDTGPMN trở thành dư thừa và như một chướng ngại vật! Sự loại trừ phần đông các thành viên MTDTGPMN ra khỏi phái đoàn là một tính toán hiểu được. Việc thống nhất hai miền mà mời đại diện như bà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa thì sẽ nát việc.
Thành phần dư thừa thứ nhất có tên là MTDTGPMN và sau đó có những người thấy rõ mặt trái của cộng sản và đã rời bỏ hàng ngũ Mặt trận Giải phóng như Trương Như Tảng, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa và chồng, cùng Lữ Phương.
Những kẻ còn ngồi lại, ngậm bồ hòn, im lặng, nhẫn nhục.
Nhưng dù sao thì cứ bề ngoài, phái đoàn miền Nam ra Bắc cũng được kể là tuần trăng mật giữa hai miền Nam Bắc, giữa các nhà chính trị, nhà văn miền Bắc và các thành phần trí thức thiên tả miền Nam.
Cái vấn đề là chúng ta thử xem tuần trăng mật ấy kéo dài được bao lâu hay rồi cũng giống như số phận sau này dành cho MTDTGPMN cũng như Câu lạc bộ những Người Kháng chiến Cũ?
Để tạo ra một cái không khí tưng bừng, ăn mừng ngày hội lớn, hầu hết những nhân vật tai mắt của cộng sản miền Bắc lúc bấy giờ đều có mặt. Người ta nhận ra sự có mặt đầy đủ các các thành phần lãnh đạo cộng sản tiêu biểu như các ông Tố Hữu, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chính, Xuân Thủy, Hoàng Văn Hoan, Lê Thanh Nghị, Hoàng Tùng, thiếu tướng Tô Ký, đại tướng Võ Nguyên Giáp và chủ tịch Tôn Đức Thắng!
Họ cũng vận động một số nhà văn miền Bắc có uy tín hàng đầu có mặt như các ông Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hải Triều, Nguyễn Công Hoan, Bảo Định Giang, Tô Hoài, Nguyễn Khắc Viện (chủ báo Le courrier du Viet Nam). Yên Thao và Hồ Đan Tâm, báo Hà Nội mới và giáo sư Phạm Huy Thông.
Về thành phần phái đoàn miền Nam, người tinh ý một chút sẽ thấy Trưởng đoàn miền Nam không phải Lý Chánh Trung hay ai khác. Cộng sản đã cài đặt người của họ là ông Sáu Tường, Nguyễn Vĩnh Nghiệp (người của đảng). Người Phó Trưởng Đoàn là ông Ba Ca, nguyên Bí thư tỉnh ủy Gia Định(1).
Điều này cho thấy mọi quyết định, mọi chương trình ra thăm viếng ngoài Bắc nhất nhất đều do Đảng sắp xếp và cài đặt tổ chức và kiểm soát.
Còn những thành viên khác thì toàn là những gương mặt tranh đấu, xuống đường rất quen thuộc của miền Nam trước 1975 như Lý Chánh Trung, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Ni sư Huỳnh Liên, Vũ Hạnh, bà Ngô Bá Thành, luật sư Trần Ngọc Liễng, thầu khoán Nguyễn Văn Hạnh, hòa thượng Thích Trí Thủ, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng, linh mục Nguyễn Huy Lịch, nghệ sĩ sân khấu Kim Cương(2).
Xin ghi lại đây những phát biểu đầy kịch tính của hai phái đoàn Sài Gòn và Hà Nội. Có những câu phát biểu rất ấn tượng, rất mủi lòng như thể thương nhớ bao nhiêu năm nay mới gặp lại:
Ba chục năm qua một phút này!
Mặc dầu Hồ Ngọc Nhuận cũng đã cố gắng che đấu nhiều sự thật chẳng nên nói ra, nhưng không thể che hết, do sơ hở vô tình đã để lộ nhiều khe hở. Chẳng hạn họ được ở khách sạn Giảng Võ, khách sạn ba sao nên tường vách đều thủng lỗ, vào ban đêm nghe gió mùa lọt qua cửa sổ vi vu giấc ngủ. Khách sạn ba sao nên ly tách chắc đều là ‘thứ tốt’ nên khách nhận một cái ly đều phải ký vào giấy mượn. Cái cung cách phục vụ ấy làm những người Sài Gòn lần đầu ra viếng thăm Hà Nội không thể không thấy lạ! Uống một ly nước phải ghi sổ vì sợ khách ăn cắp ly! Tình trạng ấy gián tiếp phơi bầy một cuộc sống nghèo nàn, khốn khổ.
Trong khi đó, các phái đoàn ngoại quốc lớn như Liên Xô, Trung cộng thì ở riêng, chỗ đặc biệt đâu đến nỗi ban đêm phải nằm nghe gió lùa vào vách tường?
Xin ghi lại vài nhận xét vắn vỏi từ sách của Hồ Ngọc Nhuận:
- Linh mục Nguyễn Ngọc Lan được mời ăn hết tiệc lớn tiệc nhỏ, ông phát biểu: Đi đâu cũng tiệc là tiệc. Cuối cùng ông quyết định rủ Hồ Ngọc Nhuận đi ăn chui. Họ đi đến rã cẳng mà kiếm không ra một nhà hàng để ăn, vì đều là tiệm ăn quốc doanh hay công ty hợp doanh phải có giấy mới được vào. Cuối cùng may mắn gặp nhà văn Hải Triều đưa đến một ‘tiệm ăn chui’. Nó nằm ngay trong một quán nhà, có người ở, không bảng hiệu, kín đáo mà chỉ khách quen mới biết được. Đó là biểu tượng cho một Hà Nội chui. Cái gì cũng chui cả.
- Hình ảnh người trí thức ‘Tìm về dân tộc’ Lý Chánh Trung, miệng ngậm tẩu thì đứng nghe anh Xuân Thủy đọc thơ. Một vinh dự lớn cho Lý Chánh Trung vì được nghe một nhà chính trị ngâm thơ! Tôi được biết sau chuyến đi thì mọi người đều phải có một bài báo cáo về chuyến đi khi trở về Sài gòn..một lần ở rạp Rex cũ do Ủy Ban Mặt Trận Dân Tộc Giải phóng khu Saigòn Gia Định tổ chức và một buổi nữa ở Đại Học.
Theo Lý Chánh Trung kể cho tôi nghe thì phái đoàn trong Nam ra đi đến đâu cũng được dân chúng túa ra đón tiếp nồng hậu. Ông được đi tham quan xã Như Quỳnh, cách Hà Nội 20 cây số, trên đường đi Hải Phòng, thuộc tỉnh Hưng Yên cũ. Ở đây, ông bị một chị trong hợp tác xã đột ngột hỏi:
– Có phải ông là giáo sư Lý Chánh Trung không?
– Thưa phải.
– Thế thì hân hạnh được gặp giáo sư vì tôi đã có đọc bài của giáo sư viết trước đây.
Lý Chánh Trung chắc là phải ngỡ ngàng thôi.
Khi về lại Hà Nội, cũng một lần cả đoàn đang đi thì có một thanh niên chạy vội lại hỏi to:
– Trong đoàn ai là giáo sư Lý Chánh Trung cho tôi gặp mặt.
– Lý Chánh Trung lại tách ra khỏi đoàn trả lời: Tôi đây, tôi là Lý Chánh Trung đây.
– Thưa giáo sư tôi kính phục giáo sư vì trước đây có được đọc bài của giáo sư.
Ông Lý Chánh Trung ngây thơ nhận xét, ngoài Bắc, dù có chiến tranh, nhưng trình độ văn hóa miền Bắc kể là cao hơn miền Nam nhiều lắm. Một người dân thường mà cũng có thể đọc bài viết của Lý Chánh Trung từ trong Nam gửi ra.
Nghe chuyện này của Lý Chánh Trung, tôi chỉ cười.
Vậy mà tôi được biết có lần Võ Văn Kiệt nhận xét cán bộ của ta biết đọc biết viết đã là may. Mấy người đã có cơ hội đọc Thép đã thôi tôi thế đấy, Rừng thẳm tuyết dày.
Lý Chánh Trung hãnh diện là phải, vì thế cộng sản mới thắng được đế quốc Mỹ.
- Hình ảnh chị Kim Cương ngồi ngoan ngoãn nghe đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về vở kịch Lá Sầu Riêng của mình. Chắc là chị phải khóc thôi trước tấm lòng ưu ái của Đảng?
- Cụ Tôn Đức Thắng giọng nói run run của ông Già Nam Bộ bị bỏ ngồi một xó nay phát biểu: một cuộc Bắc Nam xum họp một nhà cảm động và đầy đủ nhất. Muốn hiểu bộ mặt thật của ông già Nam Bộ thì phải đọc Nguyễn Văn Trấn mới được.
- Ni sư Huỳnh Liên ngồi xếp bằng, nghiêm chỉnh nghe Tổng Bí Thư Lê Duẩn nói chuyện. Cuối cùng thì bà đứng lên thật thà phát biểu: “Ông nói gì từ nãy giờ tôi không hiểu!”Ông Lê Duẩn trả lời: “Chắc tại tôi nói tiếng Quảng Trị, lại nói lắp nữa!”
- Phần Hồ Ngọc Nhuận được dẫn đi thăm một xã tiên tiến, điển hình là Như Quỳnh. Xã có 7000 dân thì có 700 bộ đội mới được giải ngũ về. Hồ Ngọc Nhuận nhận thấy nhà nào cũng có một cái chum làm bằng xi măng, nhưng không biết bên trong đựng cái gì. Hỏi ra thì nay người dân xã không còn đói ăn nên mỗi nhà có lúa để dành. Trong Nam chỉ có vựa lúa hay bồ lúa nên không thể ngờ ngoài Bắc đựng lúa vào một cái chum nhỏ, chứa vài chục kilô thóc. Khi về như khám phá ra điều gì mới, ông viết: Tôi khoái nhất là những chum đựng lúa. Sự khác biệt là trong Nam là cái bồ, ngoài Bắc là cái chum. Nói rồi ông cười ha hả(3).
Trước tấm thịnh tình đầy tình nghĩa anh em của miền Bắc, phía miền Nam cũng bắt buộc mỗi người phải lên phát biểu một lần để đáp lễ lại.
Ông Lê Hiếu Đằng là một trong những người trẻ ở trong Nam ra phát biểu hăng say nhất với nhan đề một bài viết, Những giây phút cảm động đó. Trong đó, ông viết:
“Những cái hôn thắm thiết, những bàn tay xiết chặt tưởng chừng như không muốn rời ra, những tràng cười thoải mái, cởi mở. Tất cả tạo nên một bầu không khí thắm đượm tình nghĩa đồng bào, đồng chí!”
Có lẽ Lê Hiếu Đằng là người thuộc bài nhanh nhất khi ông viết!
Quả thật, tuần trăng mật Nam-Bắc kéo dài chẳng dược bao lâu.
Linh mục Chân Tín vốn là Ủy Viên Trung Ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và phó chủ tịch Mặt trận thành phố. Vậy mà có lần cỡi xe Lambretta vẫy tay một người bạn, ông nói to: Tôi được giải phóng rồi. Có nghĩa, ông đã bị đuổi ra khỏi Mặt trận. Ông cũng lên tòa giảng yêu cầu đảng phải biết sám hối và cuồi cùng ông bị giam lỏng ở Cần Giờ.
Nguyễn Ngọc Lan với bài viết khi tham quan Hà Nội trên Đứng Dậy, Hà Nội tôi thế đó! Với bài viết gây ngộ nhận, nó đã làm tiêu ma sự nghiệp chính trị của ông, báo Đứng Dậy bị đình bản sau đó. Từ đó Nguyễn Ngọc Lan trở thành người viết đối lập với nhà nước cộng sản.
Hồ Ngọc Nhuận nay ra khỏi Mặt Trận Tổ quốc và viết lại như sau:
Và tôi nữa, sau 25 năm, khi đọc lại chính mình, tôi tìm thấy được bao nhiêu phần trăm của tôi hôm nay trong đó? Trong những gi mình viết, suy nghĩ, khẳng định năm xưa?(4)
Ông vốn là Phó chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc, ông đã xin từ chức và viết bài Phá Xiềng để ủng hộ luật sư Lê Hiếu Đằng.
Lê Hiếu Đằng cũng là Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và nhiều chức chức vụ chỉ có danh khác nữa – tuyền là những chức vụ hờ, chỉ có tiếng – khi ngã bệnh trước khi qua đời đã chính thức tuyên bố trên đài BBC, ngày 5-12-2013: tuyên bố công khai ra khỏi Đảng Cộng sản vì Quốc Hội chỉ là bù nhìn.
Và tiếp theo sau đó còn nhiều người đã nối đuôi nhau ra khỏi đảng mà danh sách mỗi ngày một dài như trường hợp các ông: Ngô Công Dức, Châu Tâm Luân, v.v.
Đã thế, ngay trong nhóm thiên tả miền Nam, người ta cũng thấy sự chia rẽ, đố kỵ trầm trọng. Lý Chánh Trung kỵ với Nguyễn Ngọc Lan và chắc hẳn trong chuyến ra Bắc, hai người đã không nhìn mặt nhau.
Giữa bộ ba Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba tưởng là tình thân như ruột thịt. Nhưng trong Hồi ký Những ngã rẽ Dương Văn Ba đã tố cáo Ngô Công Đức, làm báo Tin Sáng sau 1975 bao nhiêu bổng lộc hưởng một mình. Tiền bạc ê hề, ăn chơi cờ bạc, mua nhà mua cửa, bao gái đủ cỡ trong khi anh em tòa soạn sống lây lất. Tình cảnh đó đi đến chỗ mâu thuẫn kiện tụng. Và Đảng nhân cơ hội đó đóng cửa luôn tờ báo vào năm 1981 với lời ghi chú, Tờ báo đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử(5).
Thêm nữa, giữa Hồ Ngọc Nhuận và Lý Chánh Trung có mâu thuẫn mà người viết xin ghi lại trong nhật ký Đời của Hồ Ngọc Nhuận. Vốn trong sách của Lý Chánh Trung có cho in một bức hình chụp Hồ Ngọc Nhuận và Huỳnh Tấn Mẫm chụp trước tiền đình Hạ Viện trước 1975, với lời ghi chú đầy ác ý. Cũng theo Hồ Ngọc Nhuận, ông đã viết thư hỏi giáo sư Lý Chánh Trung, tác giả sách có ảnh, ai đã chụp ảnh, ai đã chú thích là hỏi khó giáo sư vậy thôi chứ ai mà không biết chỉ có trời mới biết(6). Chỉ rất tiếc là Hồ Ngọc Nhuận không cho biết nội dung lời chú thích dưới bức ảnh là gì?
Mặc dầu tiết lộ nửa kín nửa hở, người đọc cũng hiểu rằng, Lý Chánh Trung đã chơi xấu bạn bè, nhưng đến lúc bị cật vấn thì chối quanh, mặc dầu hình và chú thích được in trong sách của Lý Chánh Trung. Qua vụ Liên Trường và vụ này, tôi thiết nghĩ Lý Chánh Trung là người tâm địa nhỏ nhen và chơi không đẹp.
Nhưng xem ra trong số những thành phần thứ ba – trừ những thành phần cắc ké như dân biểu Kiều Mộng, Nguyễn Chức Sắc, Lê Tấn Trạng, Đinh Xuân Dũngvv.. có lẽ chỉ còn sót lại một người là Lý Chánh Trung, cố bám trụ, cố theo đảng tới cùng- mặc dầu, chức vụ cao nhất của ông cũng chỉ là được cho đắc cử vào một Quốc Hội bù nhìn và sau đó cho nghỉ hưu.
Nhận xét của tôi về chuyến công du Bắc Kỳ này của đám trí thức thiên tả Sài Gòn là rất quan trọng. Bởi vì đây là màn kịch cuối cùng mà cộng sản Bắc Việt muốn nhóm trí thức này phải đóng tuồng cảnh Nam Bắc thống nhất một nhà.
Điều thứ hai là hầu hết đám trí thức thiên tả này đều không biết dụng ý cũng như kịch bản do Hà Nội đạo diễn. Họ trở thành những tên hề ngớ ngẩn, bị lợi dụng và sau đó lần lượt trở thành những thành phần dư thừa, cùng lắm dùng làm cảnh cho chế độ.
Thật vậy, không một ai trong đám trí thức thiên tả, lực lượng thứ ba này được có một vai trò trong guồng máy cai trị của đảng. Hầu hết đều nắm những chức vụ hữu danh vô thực như đại biểu quốc hội bù nhìn và nhất là các chức vụ phó chủ tịch trong Mặt Trận tổ quốc. Một thứ Mặt trận bù nhìn cho một thứ dân chủ giả hiệu.
Riêng Lý Chánh Trung là đối tượng của bài viết này rất thiển cận chỉ nhắc nhở tới những vinh dự bịp mà họ dành cho ông. Ông không dám bày tỏ hoặc nhận xét gì về thực trạng xã hội miền Bắc trong chuyến thăm viếng này.
Bài viết này, với chủ đích rõ ràng là tìm hiểu con người Lý Chánh Trung trong suốt hành trình từ thời sinh viên đến lúc trở thành dân biểu quốc hội như một người trí thức tiêu biểu thuộc thành phần thiên tả- hay lực lượng thứ ba của miền Nam!
Trong một bài biên khảo nhan đề, 20 năm giới trí thức miền Nam, tôi đã có dịp đề cập đến trường hợp Lý ChánhTrung như một biểu tượng của trí thức thiên tả miền Nam trước 1975. Nhưng nay ông vào tuổi xế chiều mà thời gian còn lại cho ông không còn bao nhiêu nữa. Vinh danh và quyền lực của đảng cộng sản dành cho ông như chức tước đại biểu quốc hội bù nhìn cũng đã đến lúc trắng tay.
Ông trở thành kẻ hết thời hay thứ dư thừa dưới mắt người cộng sản. Số phận những người theo cộng sản thì phải nhận lấy những hậu quả tương tự. Điều chính yếu là bạn bè, đồng chí của ông đã quên ông.
Cuộc sống của ông hiện nay lúc cuối đời xem ra thanh bạch, đạm bạc mà nhiều phần là túng thiếu.
Còn nhớ vào những năm tháng ấy, sau 1975 – quyền lực trong tay cũng có – vậy mà Lý Chánh Trung cảm động và khoe một cách hãnh diện là vừa có học trò cho một bao gạo.
Đại biểu Quốc Hội leo đến chức phó chủ tịch Quốc Hội mà phải ngửa tay nhận một bao gạo bố thí của học trò thì hiện trạng đất nước ấy phải được hiểu là thế nào?
Bao gạo ấy đượm tình nghĩa thầy trò của người miền Nam, nhưng nó tố cáo một cách gián tiếp chế độ bất nhân ấy.
Cái còn lại như chứng tích duy nhất của nền Đệ Nhất Cộng hòa để lại cho ông là căn nhà của ông ở làng đại học Thủ Đức, số 17 đường Công Lý, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, Sài gòn. Chính nơi đây con cái ông lớn lên, được nuôi dưỡng ăn học và nay là cái mái che mưa nắng cho ông lúc tuổi xế chiều(7).
Sự đãi ngộ ấy có thể ông không bao giờ muốn nhìn nhận, có thể ông chỉ coi như một điều đương nhiên là như thế. Nay được biết ông lại bị bệnh lãng trí nặng, đi lang thang quên cả lối về nhà. Chắc nhiều bạn bè thương cảm và buồn cho ông.
Buồn thì đúng rồi.
Nhưng với tôi, tôi nghĩ nó lại là cơ may, là nguồn hạnh phúc cho riêng ông.
Nếu ông còn trí nhớ, còn biết vui buồn, còn biết phân biệt thị phi nhìn thấy cảnh đất nước rã nát như ngày hôm nay – như trường hợp luật sư Lê Hiếu Đằng – thì có khi đến chết ông cũng không nhắm mắt được.
Lý Chánh Trung hơn ai hết là một giáo sư triết hiểu sự mất trí nhớ đôi khi lại là là con đường giải thoát cho riêng ông.
Gần đây nhất, cậu con trai út Lý Trung Dũng, sinh năm 1970, phóng viên báo Tuổi Trẻ trước đây bị xe ô tô cán, sau nhiều năm chữa trị đã qua đời ngày 22 tháng 11-2013.
Cuộc sống vắn vỏi ấy kết thúc một cuộc đời-kết thúc cả cuộc đời tuổi trẻ đến phi lý- phải chăng Lý Trung Dũng như một con chiên làm vật hiến tế thay cho bố?
Tin chắc là ông buồn vô kể. Như một phần đời của ông không còn nữa. Tôi còn nhớ, đến thăm ông, tiếng kêu của Dũng ở trong nhà vọng ra ngoài phòng khách, ông làm như thản nhiên tiếp tục nói chuyện.
Khi buổi chiều ra về, lòng tôi chùng xuống một nỗi buồn. Trên tay cầm cuốn:Một thời bom đạn, một thời Hòa Bình8.
Đây là cuốn sách duy nhất được xuất bản sau 1975 của ông, một cuốn sách mà tự nó cho thấy cái hèn kém của một người trí thức thiên tả miền Nam. Bởi vì đó là cuốn sách hoàn toàn sai sự thật, đánh lận con đen và tự bôi nhọ chính mình.
Lý Chánh Trung trước 1975, khi viết thường luôn luôn kết án chế độ tư bản bóc lột, đã làm tha hóa con người. Theo ông, con người bị vong thân trở thành những công cụ. Đó là hình ảnh của những con sen, thằng ở, cô vũ nữ, anh bồi, anh tài xế. những người lao động là nạn nhận nằm trong mối tương quan: ông chủ-thằng ở.
Hoàn cảnh ấy so với người trí thức miền Nam trở thành công cụ cho chế độ cộng sản thì có khác gì? Nghĩ tới hoàn cảnh người trí thức miền Nam, miền Bắc – hoàn cảnh của một Lý Chánh Trung hiện nay thì cũng chỉ là một công cụ của chế độ? Nói huỵch tẹt là một thứ nô lệ tệ hơn nô lệ. Bảo sao thì phải nói vậy.
Có bao giờ Lý Chánh Trung nghĩ rằng chính ông hiện đang vong thân, tự đánh mất phẩm tính, nhân cách con người, trở thành những con vẹt biết nói?
Vì thế, tôi thiết nghĩ cần có một bài viết đầy đủ về ông – như một nhân chứng sáng giá nhất cũng như bi kịch nhất – của một trí thức miền Nam đã tự vong thân cho cộng sản và nếu không nói bây giờ thì còn có dịp nào để nói?
Một lần nữa, tôi muốn đi lại hành trình trí thức cũng như những hoạt động thời VNCH và thời sau 1975 của ông. Đó là hai thời kỳ, hai chặng đường của một người trí thức tiêu biểu của miền Nam.
Hai thời kỳ ấy, ông đã diễn dịch và phân định bằng hai biểu tượng là MộtThời đạn bom. Một thời Hòa Bình(9).
Một thời đạn bom được hiểu là một thời oan trái do bom đạn Mỹ gây ra. Và một thời Hòa Bình, thời sau 1975 mà dân chúng được hưởng tự do, an bình, hạnh phúc, ấm no.
Thật là mỉa mai quá. Thời bom đạn vì ai nên nỗi. Và thời Hòa Bình, hạnh phúc nơi mô? Hòa bình kiển nào, cho ai sau 1975?
Sự phân hai thời kỳ của Lý Chánh Trung đã giản dị hóa đến cùng cực thực tế đau buồn của cả hai thời kỳ. Nó chỉ còn là những tuyên truyền đầy cảm tính.
Cuộc chiến được tô vẽ như một bên thật giầu, thật lớn, thật mạnh, một bên thật nghèo, thật nhỏ, thật yếu. Một bên thả bom, một bên hứng bom. Một bên đi giầy, một bên chân không, một bên mập lù, một bên ốm nhách. Một bên cỡi máy bay, một bên chạy bộ. Và cứ thế, trong năm năm trời, không bên nào thắng bên nào.
Và ông có một giấc mơ được huyễn hoặc:
“Trên đỉnh núi Sọ, trơ vơ một cây thập giá. Trên cây Thập giá, có một người bị đóng đinh đang hấp hối.. Chung quanh người bị đóng đinh vần vũ một bầy kên lông trắng, lông vàng với những cái cánh bao la che kín mặt trời..
Tôi đến dưới chân Thập giá, ngước mắt nhìn lên.
Người bị đóng đinh là dân tộc tôi.”(10)
Đọc những dòng trên, tôi có cảm tưởng Lý Chánh Trung chả thua gì một Tố Hữu ngoài Bắc.
Tôi không nói oan cho ông đâu. Những Lê Hiếu Đằng, những Hồ Ngọc Nhuận, những Lý Quý Chung cũng đã từng là những con vẹt biết nói tiếng người như thế cả. Nhưng một lúc nào đó, họ dám nói lên sự thật. Nói như Đào Hiếu thì đó là cái bi kịch của loại trí thức miền Nam thiên tả. Bi kịch muôn đời của kẻ làm tay sai?
Nhưng ít ra thì những người trên cũng hơn Lý Chánh Trung một bậc. Bởi vì cuối cùng họ cũng biết phản tỉnh!
Lý Quý Chung trong một dịp trả lời phỏng vấn của Alain Ruscio lập lại nhận xét của Ngô Công Đức, Giám đốc tờ Tin Sáng:
“Như phần đông những người bạn tôi ở đây, tôi đã sống nghiệm trải hai chế độ báo chí..Trước đây chúng tôi đã là những người thợ bửa củi, còn bây giờ, chúng tôi là những người thợ mộc. Thái độ đã hoàn toàn khác. Bây giờ chúng tôi lao mình vào việc xây dựng. Bây giờ tôi cảm thấy mình có ích cho xã hội hơn cho Việt Nam, cho dân tộc tôi, liên hệ gắn bó với dân tộc, trách nhiệm hơn.”(11)
Hãy cứ hỏi 700 tờ báo hiện nay ở VN họ là thợ bửa củi hay họ là thợ mộc?
Chính vì làm báo kiểu thợ mộc Lý Quý Chung mà khi giáo sư Trần Văn Giàu đến thăm tòa báo Tin Sáng lần đâu tiên đã đưa ra lời nhận xét khen mà mỉa mai như sau:
“Các anh làm báo cộng sản như… Cộng sản.”
Lần sau ông đến khen nhiều hơn:
“Các anh làm báo cộng sản hơn.. cộng sản.”(12)
Lời khen này nếu hiểu ra thì quả thực Trần Văn Giàu quá hiểu cộng sản cũng như quá hiểu những kẻ nịnh cộng sản.
Có nghĩa là các anh nịnh giỏi quá.
Vì thế, Hồ Ngọc Nhuận khi viết cuốn Hồi Ký Đời, đã ghi chú thêm: Chuyện về những người tù của tôi.
Những người tù ở đây là ai? Là Nguyễn Ngọc Lan, là Lê Hiếu Đằng, là Ngô Công Đức, là Dương Văn Ba, là Nguyễn Hữu Hiệp mặc dầu họ chưa đi tù một ngày nào trong chế độ mới.
Nói chung, đọc hết các sách của Lý Chánh Trung như Tìm Về Dân tộc, Tôn Giáo và Dân Tộc, Những Ngày Buồn Nôn. Tôi chỉ thấy những lời nguyền rủa và xưng tụng.
Nó thiếu vắng một nụ cười trong sáng của sự thật.
Để cho việc vẽ lại chân dung và diện mạo cũng như hành trình nhận thức hay hành trạng cuộc đời Lý Chánh Trung được đầy đủ, xin chia bài viết làm hai phần:
– Lý Chánh Trung trước 1975 – Thời đạn bom
– Lý Chánh Trung sau 1975 – Thời Hòa Bình
- Cuộc đời hoạt động của ông trước 1975
Lý Chánh Trung và những người trí thức công giáo
Ông đã tự vẽ chân dung của mình là khi từ Bỉ về nước, ông đã về quê ở Vĩnh Bình và dạy cho một trường học là cơ sở của Cách mạng. Một thời gian ngắn sau ông lên Sài Gòn..Năm 1955, ông từ bỏ Vĩnh Bình- quê ông- và gia nhập vào trong nhóm trí thức công giáo Pax Romana với các quý ông như bs Nguyễn Văn Ái, lm Nguyễn Bình An( qua đời rất sớm vì bệnh cancer) bs Nguyễn Văn Thơ, luật sư Nguyễn Văn Huyền, các giáo sư Phạm Thị Tự, Nguyễn Văn Trung, Phó Bá Long, Trần Long, các chuyên viên như Lâm Võ Hoàng, Anh Tôn Trang, Võ Long Triều, Đoản Thanh Liêm, v.v.
Nhóm này đã tổ chức ‘Tuần lễ Hội Học công giáo’ và và cho ra ‘Tủ sách Đạo và Đời’.
Đây là giai đoạn hiền lành và trong sáng nhất của một người trí thức như ông. Nó tiêu biểu cho giới trí thức công giáo thành thị mà phần đông du học ở ngoại quốc về.
Sau đó do sáng kiến phần lớn của Nguyễn Đình Đầu để thể hiện tinh thần Công đồng Vatican 2, ông cùng với Nguyễn Văn Trung Nguyễn Đình Đầu, Anh Tôn Trang chủ trương tờ tuần báo Sống Đạo. Trụ sở tờ báo là mượn văn phòng xã hội của linh mục Parrel, trên đường Nguyễn Du, cạnh nhà thờ Đức Bà.
Tổ chức tờ báo có hai bộ phận. Bộ phận viết bài chủ lực là Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Nguyễn Đình Đầu, Anh Tôn Trang. Bộ phận phát hành do các anh em trong phong trào Thanh Sinh Công, do anh Phong trách nhiệm phân phối báo đi các giáo xứ.
Anh Phong đã ra đi rất sớm khi còn trẻ. Thật đáng tiếc một con người hoạt động xông xáo, lúc nào cũng vui vẻ nhanh nhẹn. Tinh thần của anh Phong là phục vụ. phục vụ cho xã hội, cho con người- và cũng là vâng theo Chúa của anh.
Sau đây, xin trích dẫn vài bài báo của Lý Chánh Trung đã được đăng trên Sống Đạo vào các tháng 7,8,9 năm 1962 như:
- Thân Phận tôi đòi
- Ông chủ xe hơi và cô thư ký
- Hai giới thanh niên
- Những gót chân non
Các bài viết của Lý Chánh Trung trong thời kỳ này đã có những ám ảnh mà chủ yếu đặt nặng vấn đề Công bằng Xã hội – một đề tài quen thuộc và được ông khai thác nhiều lần. Nó phản ánh một phần các tư tưởng xã hội của chủ nghĩa Mác Xít trong đó có các vấn đề Cần Lao, vấn đề Vong Thân, vấn đề Bạo động và vấn đề Tranh đấu giai cấp, vấn đề Bóc lột giữa chủ và thợ, v.v.
Những ý tưởng then chốt về công bằng xã hội sẽ là những bước mở đường cho Lý Chánh Trung một ngày không xa đến thực sự với cộng sản.
Nói như thế chỉ là hoàn cảnh đặc biệt dành cho Lý Chánh Trung thôi.. Những sinh viên nào ngồi trên ghế nhà trường đã bước qua cổng trường của Platon thì không có gì xa lạ với những chủ đề xã hội trên.
Không có điều gì nhất thiết bắt buộc một người trí thức có ý thức thiên tả thì sẽ đi theo cộng sản!
Tôi còn nhớ, lúc bấy giờ Báo Sống Đạo bán rất chạy, gây được tiếng vang lớn. Ai cũng hăng say tin tưởng từ anh em viết bài chủ lực, đến các sinh viên và đến anh em phụ trách phát báo.
Phản ứng của độc giả thì nhiều – đủ loại khen chê tức giận cũng có, đôi khi cấm bán báo nữa. Đó là phản ứng phải có trong một xã hội đang bắt đầu mở ra trước những trào lưu tư tưởng phương Tây xâm nhập vào Việt Nam.
Phần Lý Chánh Trung được anh em đề nghị làm chủ bút.
Nhưng ông thừa biết, bọn trí thức Bắc Kỳ công giáo làm hết mọi chuyện: -Từ sáng kiến cũng do họ – tổ chức do họ – phương tiện vật chất do họ tự liệu – viết cũng do họ. Nhưng họ vẫn đẩy ông ra làm người đứng đầu. Sau này cũng thế khi làm tờ Hành Trình, ông vẫn giữ vai trò chủ bút. Nguyễn Văn Trung vai chủ nhiệm.
Việc thì người khác làm, danh xưng thì ông nhận(13). Điều đó cho thấy yếu tố miền trong nhiều trường hợp trở thành yếu tố căn bản cho mọi hoạt động chính trị, văn hóa và cả tôn giáo.
Lý Chánh Trung đã thừa hưởng một cách tự nhiên các điều kiện thuận lợi ấy của một người trí thức gốc miền Nam.
Và nhóm trí thức nàycũng đã tổ chức được một tuần lễ Hội học xã hội dưới nhan đề: Lương tâm công giáo và công bằng xã hội vào năm 1963, do nhóm Trí thức công giáo Sài Gòn.
Điều hành và tổ chức cũng do tụi công giáo Bắc Kỳ làm hết. Nhưng bài thuyết trình khai mạc cũng dành cái vinh dự đó cho ông. Với sự góp mặt của Lý Chánh Trung, Trần Văn Toàn, Trần Long, Anh Tôn Trang, Võ Long Triều, Mai Văn Lễ, Lm Nguyễn Bình An, Nguyễn Văn Trung.
Lý Chánh Trung với bài tham luận khai mạc: Sự phát triển của ý niệm Công Bằng trong lịch sử. Nguyễn Văn Trung là người kết thúc tuần lễ hội thảo với: Trách nhiệm hiện tại của người công giáo(14).
Xin lưu ý là trong tuần lễ Hội thảo này, ban tổ chức đã chỉ mời giới chức lãnh đạo tôn giáo như TGM Nguyễn Văn Bình, cả Khâm sứ tòa Thánh. Nhưng đã không mời đại diện chính quyền như các ông Trần Kim Tuyến hay Ngô Đình Nhu.
Điều đó muốn nói lên tính cách độc lập của buổi Hội thảo. Tách biệt giữa tôn giáo và chính trị.
Và họ củng thừa biết rằng, dù có mời, ông Ngô Đình Nhu cũng không đi dự vì ông không muốn dính dáng vào sinh hoạt của tôn giáo.
Giữa ông Diệm, ông Hồ, Lý Chánh Trung chọn ai? Một chọn lựa chính trị?
Ông đặc biệt ác cảm với ông Diệm ngay từ lần đầu gặp gỡ khi còn là sinh viên ở Bỉ. Ông kể lại có gặp ông Diệm một lần khi ông nảy đến thăm sinh viên. Ông tỏ ra thất vọng vì ông Diệm thân Mỹ và không am hiểu hết về các vấn đề xã hội.
Trong một bài viết, ông còn tỏ ra bất công và miệt thị ông Diệm một cách nặng nề. Mặc dầu khi về Việt Nam, ông cũng đã được trọng dụng hơn ai hết trong guồng máy giáo dục miền Nam. Ông cũng như ông anh ruột Lý Chánh Đức trở thành những công chức cao cấp trong ngành giáo dục với vị trí giám đốc và Tổng Thư ký Bộ Giáo Dục, rồi giáo sư đại học, có nhà ở khu làng đại học Thủ Đức và đây là những nhận xét đầy miệt thị của ông trước cái chết của ông Diệm:
Nhưng từ đó mà cho rằng chế độ ông Diệm là một thời đại hoàng kim và chỉ cần bắt chước ông Diệm là có thể giải quyết những vấn đề đất nước, như một số tay chân bộ hạ của ông đang tuyên bố rùm beng thì thật là lố bịch và vô liêm sỉ.
Những người đang hò hét khóc lóc chung quanh cái tên ông Diệm như một bầy quạ trên một xác chết.
Và nếu họ không còn chút tự trọng, xin họ dầu sao cũng thương dùm ông Diệm. Tội nghiệp ông! Tôi ứa nước mắt mà viết câu này, xin họ hiểu cho(15).
Nhưng đối với ông Hồ Chí Minh thì ông tỏ ra cung kính hết mực như trong một bài viết của ông nhan đề: Nói chuyện với người đã khuất, nhân dịp Hồ Chí Minh qua đời(16). Ông viết:
Cho nên tôi không tiếc mà cũng không trách cụ Hồ đã lựa chọn con đường cộng sản. Tôi chỉ khâm phục Cụ đã trung thành tuyệt đối với sự lựa chọn của mình. Tôi không thể đi theo con đường của Cụ, nhưng tôi có thể noi gương Cụ để đi tận cùng con đường của tôi, con đường mà tôi đã lựa chọn trước lương tâm tôi, như Cụ đã làm 50 năm trước. 50 năm trước, với sự thành công của Cách Mạng tháng 10, với nhân cách và tài năng vô song của Lê Nin, với cái bầu khí huynh đệ, chí tình, hăng say và tin tưởng trong một đệ tam Quốc tế vừa thành lập với một điểm tựa vững chắc, chủ nghĩa cộng sản đã hiện ra tước mắt Cụ như là con đường duy nhất để giải phóng dân tộc và giải phóng con người.
Những đoạn văn viết như thế này, nếu có dịp đọc lại thấy ngượng- ngượng cho cả người viết lẫn người đọc.
Ông viết như thế mà nhiều người không thù oán ông và chính thể của nền Đệ Nhị Công Hòa cũng để ông yên.
Ông vẫn được làm Đổng lý Văn phòng Bộ Giáo Dục. Đi làm vẫn có tài xế đưa đón.
Ông ăn thóc nhà Chu mà chửi nhà Chu. Hoặc ông rập khuôn cái tinh thần: Nắng được lúc nào thì cứ nắng như trong một bài viết của cụ Phan Khôi chăng?
Nhưng người cộng sản đọc thì đánh giá ông là người cộng sản không có thẻ đảng. Một lời khen hay một lời cảnh cáo?
Thế nhưng, trong cả hai chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị miền Nam, ông đều tạo cho mình một chỗ đứng cao và không phe phái nào oán ghét cả. Và từ chỗ đó, ông là người người miền Nam duy nhất có thể thỏa hiệp, đồng hành với nhiều phía ở ngoài chính quyền. Từ cấp tiến tới khuynh tả rồi cuối cùng tới cộng sản, từ công giáo tới Phật giáo, từ phe cánh miền Nam tới thành phần lực lượng thứ ba thiên tả.
Chỗ nào có chống đối là có ông.
Xem tiếp phần II
————————-
(1) Hồ Ngọc Nhuận ghi lầm, Ba Ka, không phải “Ba Ca”, tên thật là Phạm Khải, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định 1953-1954
(2) Một số chi tiết trong phần này là căn cứ vào Hồi Ký Đời của Hổ Ngọc Nhuận, người có mặt trong đoàn đại biểu miền Nam ra Bắc.
(3) Hồ Ngọc Nhuận, Đời, trang 294
(4) Hồ Ngọc Nhuận, Ibid, trang 295
(5) Hồi Ký Những ngã rẽ, Dương Văn Ba, chương 14. Nội bộ báo Tin Sáng rạn nứt. Tin Sáng chấm dứt vai trò lịch sử
(6) Hồ Ngọc Nhuận, Ibid., trang 296
(7) Làng Đại Học Thủ Đức được thành lập là do một dự án của ông Ngô Đình Nhu muốn đưa một số phân khoa Đại học lên Thủ Đức như một thứ Campus của Tây Phương. Nhưng chỉ mới xây dựng bước đầu làng Đại Học cho các giáo sư thì ông bị thảm sát năm 1963. Chương trình tốt đẹp ấy giống như nhiều chương trình xã hội khác bị bỏ dở. Khu đất làng Đại Học là do đất mua lại của nông dân với giá rẻ. Các giáo sư được cho vay một số tiền rồi được tùy ý xây cất theo ý thích của mỗi người.
(8) Lý Chánh Trung, Một thời đạn bom, Một thời Hòa Bình. Nxb Đồng Nai. Đây là cuốn sách được xuất bản sau 1975 được chính quyền cộng sản cho xuất bản cùng với cuốn Hồi Ký của Lý Quý Chung. Các cuốn Hồi Ký khác của Dương Văn Ba và Hồ Ngọc Nhuận bị cấm xuất bản. Nhưng Hồ Ngọc Nhuận vẫn cho in chui, dưới dạng photocopy. Tôi có được một ấn bản này.
(9) Nội dung cuốn sách chắc được xào nấu kỹ càng chỉ có hai mặt: Chê và khen. Chê miền Nam trước 1975 và khen chế độ XHCN sau 1975 với nhiều phần sai sự thật, lấp liêm, bất công nếu không nói là xuyên tạc.
(10) Lý Chánh Trung, Những ngày buồn nôn, Bầy kên kên và cây thập giá, trang 160
(11) Alain Ruscio, Vivre au Viet Nam, trang 177
(12) Hồ Ngọc Nhuận, Ibid., bản thảo, trang 73
(13) Tờ Hành Trình, tuy chỉ xuất bản được mười số, Nhưng lại gây tiếng vang nhiều nhất. Một bản tin của A.F.P, ngày 12-11-1965 đã đưa tin như sau: Son dernier reproduit un article de revue littéraire mensuelle ‘Itinéraire’ qui semble etr le porte-parole des milieux univertsitaires et intellectuels. (Số ra cuối cùng của tờ báo – chỉ tờ sinh viên Huế – đã in lại một bài bài báo Hành Trình, một tờ báo được coi như phát ngôn viên cho giới Đại Học và trí thức).
(14) Trích Tuần Lễ Hội Học 1963. Nhóm Trí thức công giáo sài Gòn. Lương Tâm Công Giáo và Công Bằng Xã Hội, dưới sự bảo trợ của Tổng Giám Mục giáo khu Sài Giòn, nxb Nam Sơn
(15) Lý Chánh Trung, Những ngày buồn nôn, tạp chí Đất Nước, số 112, trang 138; chủ nhiệm Nguyễn Văn Trung, chủ bút Lý Chánh Trung, Tổng thư ký tòa soạn, Thế Nguyên, tòa soạn, 291 Lý Thái Tổ, Sài gòn
(16) Lý Chánh Trung, Ibid., Nói chuyện với người đã khuất, ngày 21-9-1969, trang 15
Phần II
(tiếp theo phần I)
Sau 1963, tình thế xã hội, chính trị, quân sự có nhiều dấu hiệu xấu đi. Tình thế mỗi ngày mỗi bi quan tỏ ra lúng túng, rối loạn, không đường lối, thiếu cả chính nghĩa đến tính hợp pháp. Sự bất tài càng rõ nét nơi các nhà lãnh đạo miền Nam sau 1963. Họ thay đổi chính phủ như cơm bửa tạo ra một tình thế bất ổn chính trị.
Nghĩ là có một khoảng trống chính trị về quyền lực nên một năm thay đổi ba bốn chính quyền.
Tâm trạng giới trẻ và giới trí thức rơi vào tinh trạng chán nản và mất tin tưởng hay trăn trở muốn đi tìm một giải pháp cứu nguy miền Nam.
Khuynh tả với thành phần thứ ba xuất hiện như một giải pháp của không giải pháp.
Kể từ đây, gió đổi chiều. Lý Chánh Trung nổi bật lên như một người trí thức tiêu biểu nhất! Trí thức khuynh tả đã ra đời trong hoàn cảnh này và thuộc nhiều dạng, nhiều thành phần, nhiều mức độ.
Có loại như Thích Nhất Hạnh, Thích Trí Quang, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh, Thiện Cẩm. Hầu hết thuộc giới tu sĩ công giáo hay Phật giáo. Cái lợi điểm của những vị này là bộ áo nhà tu – mầu nâu hay mầu đen không đáng kể – mặc bộ áo nhà tu như một thứ lá chắn chính trị không ai dám đụng tới họ. Phần lớn chỉ sau 1975, họ mới ló dạng và cho biết họ là ai.
Có loại trí thức tham gia tích cực như Ngô Bá Thành, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung, Trần Ngọc Liễng, Hồ Ngọc Nhuận, Vũ Hạnh, Lý Chánh Trung, Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương, Nguyễn Hữu Hiệp, Trần Hữu Lục, Châu Tâm luân, Ngô Kha, Thế Nguyên.
Họ được coi là trí thức thiên tả và sau tự nhận là trí thức thuộc lực lượng thứ ba -Troisième force – rồi lần lượt ngả theo cộng sản và chịu sự chỉ huy của cộng sản.
Ở miền Trung có Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Mai Văn Lễ, Cao Huy Thuần, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường mà mức độ ngả theo cộng sản cũng khác nhau. Có theo đậm, có theo một cách chừng mực, nửa chân trong chân ngoài. Loại đông nhất chiếm đa số chỉ lên tiếng phản kháng – trí thức thiên tả – mà không hẳn ngả theo cộng sản.
Thành phần đông đảo chiếm đa số của nhóm trí thức thiên tả là thái độ không nhập cuộc. Có thể gọi chung là trí thức sa lông chỉ nói mà không dám làm, chỉ viết mà không thực sự dấn thân nhập cuộc.
Họ là những trí thức, giáo sư, nhà văn, có cả sĩ quan trong quân đội VNCH. Đứng đầu là Nguyễn Văn Trung rồi kéo theo Trần Bích Lan tức Nguyên Sa, Nguyễn Khắc Ngữ, Diễm Châu, Trịnh Viết Đức, Nguyễn Đông Ngạc, Thảo Trường, Nguyễn Tử Lộc, Đỗ Long Vân, Thái Lãng, Thế Uyên.
Và nhiều tên tuổi khác viết cho Đất nước, Hành Trình như Nguyễn Quốc Thái, Du Tử Lê, Bùi Khải Nguyên, Trần Văn Toàn, Huỳnh Kim Khánh, Bùi Tiến, Sầm Thương, Thế Phong, Nguyễn Tử Quý, Ngô Thế Vinh, Trần Tuấn Nhậm, Võ Hồng Ngự, Nguyễn Quốc Thái, Hoàng Ngọc Biên, Cao Thanh Tùng, Chu Vương Miện, Hương Khê, Thái Lãng, Luân Hoán.
Mặc dầu viết cho Hành Trình, Đất Nước hay Trình Bày, mặc dầu bầy tỏ thái độ băn khoăn có thể bất mãn, họ vẫn có tư thế độc lập.
Nhóm Hành Trình không phải đơn độc. Bên cạnh đó còn có nhiểu nhóm khác như Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng, Phong trào Dân Tộc Tự Quyết, Ủy Ban Vận động Hòa Bình, Phong trào Bảo vệ Hòa Bình, Hạnh Phúc dân tộc và cuối cùng là Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc.
Những phong trào này – dù chỉ là những tên gọi khác nhau – có dấu hiệu cho người ta ngờ vực là con bài của cộng sản như trường hợp Thích Quảng Liên.
Bên cạnh đó còn có những phong trào văn nghệ phản kháng, trở về nguồn như Phong trào Du Ca, Tâm Ca, Da Vàng Ca. Những phong trào văn nghệ này thực chất có thể chỉ là những khát vọng Tuổi trẻ và không có những vận động chính trị hay sự xâm nhập của cộng sản.
Và vì thế, nó được nhiều người trong giới trẻ hưởng ứng tham gia.
Cho nên việc phân định ranh giới rõ rệt các nhóm trí thức khuynh tả không phải là một điều dễ dàng gì.
Nhưng nhìn chung, nhóm Hành Trình được coi là nhóm khuynh tả tiêu biểu. Đa số những người trong nhóm đã ở tuổi trưởng thành, có sự nghiệp vững vàng và họ tham gia với tính cách tự nguyện.
Sợi dây nối kết họ lại với nhau chỉ vì họ có một số quan điểm khá tương đồng có thể gói trọn trong một số ý tưởng nòng cốt sau đây:
– Chống mọi hình thức can thiệp của Mỹ vào miền Nam. Điều mà có thể chính ông Diệm, ông Nhu cũng chủ trương như thế.
– Chống lại cuộc chiến tranh đang diễn ra mà theo họ, đó chỉ là một thứ chiến tranh ủy nhiệm.
– Gián tiếp chống lại chính quyền miền Nam mà theo họ chỉ là tay sai bản xứ do Mỹ chỉ đạo.
– Cổ võ cho một quan điểm Cách mạng Xã hội không cộng sản được gọi là đường lối thứ ba.
Phải nhìn nhận rằng đa số thành viên chính của tờ Hành Trình đểu là người công giáo, nhưng với chủ điểm và đường lối của họ đã tách rời khỏi đường lối chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam cũng như giáo dân Việt Nam.
Nhất là nó đi ngược với đa số người công giáo nói chung.
Trên căn bản, những người công giáo đa số thầm lặng này vẫn khẳng định vị thế đối kháng với chính quyền miền Nam. Nhưng không có nghĩa là ngả theo cộng sản.
Nội dung các bài viết nhất là nhóm Đất Nước, Hành Trình thường bầy tỏ nỗi băn khoăn, trăn trở về thời cuộc, về hiện tình đất nước và muốn tìm ra những giải pháp và hướng đi cho mình.
Đó là các bài viết mang tựa đề như: Cùng nhau cảm thức về một nỗi buồn nhược tiểu, Cách mạng của người nghèo, Độc tài hay dân chủ, Tìm một hướng đi cụ thể cho cuộc cách mạng Việt Nam, Cách mạng và dân chủ.
Nhưng chỉ đến đây là điểm chung, điểm dừng lại, điểm rẽ ngoặc giữa Lý Chánh Trung và Nguyễn Văn Trung.
Họ khác nhau vì thái độ chọn lựa dấn thân, hành động hay không hành động.
Lý Chánh Trung cũng như Nguyễn Văn Trung và có thể nhiều người khác như giáo sư Châu Tâm Luân, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, luật sư Trần Ngọc Liễng đều nhận được những bức thư mật gửi đến họ dưới danh nghĩa sinh viên học trò gửi thầy mà thực sự do cộng sản nằm vùng giật giây. Trong đó, đại diện cộng sản tìm cách thúc dục đặt vấn đề tranh đấu, dấn thân cụ thể thay vì chỉ sống trong môi trường đại học viết bài.
Người thảo ra những bức thư ấy có thể là Trần Bạch Đằng, Phạm Chánh Trực hay Năm Nghị. Sau đó được giao những sinh viên như Trần Thị Lan tiếp xúc các vị trên.
Nhiều người trong số đó đã bị mắc bãy và chính họ – như trường hợp Lý Chánh Trung đã thú nhận.
Lý Chánh Trung viết:
“Chính anh em sinh viên đã kéo tôi ra khỏi tình trạng bất động ấy bằng lời mời gọi của họ. Sự dũng cảm ấy đập vào tim óc mọi người và bắt mọi người phải suy nghĩ.”
Nhất là trong bài viết: Nói chuyện với người học trò, ông ghi lại như sau:
“Theo con nghĩ, cần phải có một hành động cụ thể, kịp thời, không trí thức và hữu hiệu. Hành động cụ thể, kẻ cạn suy xét mới không ngộ nhận hành vi của thầy là một phản ứng nhất thời của lương tâm trí thức, hay một sự hiện diện tượng trưng, coi cho được với lịch sử.
Thầy chỉ suy tư về những nỗi đau khổ, những niềm tuyệt vọng của kẻ khác, mà thầy chưa nằm trong những nỗi đau khổ, những niềm tuyệt vọng đó.”
Thế đứng của thầy vẫn là ở ngoài, ở trên.
Thầy cũng đã suy tư về một cuộc cách mạng theo phương cách nào đó cho một lý tưởng công bằng xã hội mà em biết rằng thầy chỉ đứng ngoài cuộc cách mạng lý tưởng đó thôi.(17)
Đây là những lời lẽ khích động, đánh đòn tâm não, đánh vào tự ái của người trí thức. Lý Chánh Trung đã bị kích động và làm theo sự kích động ấy sau nhiều trăn trở, do dự. Ông đã bị đám sinh viên đằng sau là cộng sản giật giây và mua chuộc.
Và cũng kể từ đây có một Lý Chánh Trung đã lột xác, đã dấn thân, nhập cuộc.
Và cũng kể từ đây chia ngã rẽ với những người như Nguyễn Văn Trung.
Một bên rời bỏ tháp ngà suy tưởng, một bên tiếp tục con đường suy tư, nhưng ngại dấn thân, ngại nhập cuộc.
Và dần dần kể từ năm 1968, Lý Chánh Trung đã có thể tự coi mình là người của Đảng – đã tiếp xúc với người của Mặt trận, đã được đưa lên vùng mật khu, đã nhận chỉ thị, đã viết theo đường lối của Mặt trận.
Thay vì được điều động vào mật khu, Lý Chánh Trung được khuyến cáo ở lại thành phố, quấy phá bằng ngòi bút, có mặt trong các cuộc biểu tình, xuống đường của giới sinh viên.
Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thời bấy giờ cùng lúc phải đối đầu với hai mặt trận.
Ngoài Sài gòn, cuộc chiến được giải quyết bằng bom đạn, bằng những trận mưa pháo ban đêm vọng về thành phố ngủ không yên giấc vì những tiếng ì ầm. Binh lính ngày đêm phải đối đầu trực diện với cái chết từng ngày, từng giờ.
Trong thành phố là một trận chiến bằng hàng rào kẽm gai, bằng lựu đạn cay và những biểu ngữ, hô hào đủ kiểu.
Và Lý Chánh Trung đứng bên ngoài cổ võ:
“Khóc đi con, khóc cho quê hương của con đã rách nát như áo ăn mày, cho những cánh đồng loang lổ vỉ bom đan, xơ xác vì thuốc khai quang, cho những thành phố tanh ôi mùi tinh trùng Mỹ, cứt đái Mỹ, rác rến Mỹ, đô la Mỹ..
Khóc đi con, khóc cho các anh các chị con đang bị giam cầm, đánh đập mà không ai biết vì tội gì, và sắp được đưa ra xử trước một tòa án mà không ai tin.”(18)
Có nhiều cách móc nối. Và cộng sản đã móc nối được nhiều người, trên dưới cả trăm người.
Tôi không biết ai đã móc nối Lý Chánh Trung mà cứ như những điều ông trình bày thì có thể là học trò. Trường họp Nguyễn Trọng Văn cũng vậy. Riêng Nguyễn Văn Trung thì có ông Thanh Nghị (chồng bà Tâm Vấn) rủ Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Ngọc Lan vào khu.
Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đình Đầu từ chối tham gia vào sinh hoạt chính trị. Chỉ có Nguyễn Ngọc Lan nhận lời và đã vào khu.
Những việc móc nối này, theo tôi, ngành mật vụ có thể biết, nhưng để yên, chỉ theo dõi. Bởi vì, theo một sinh viên hoạt động trong nhóm A17, đã có chỉ thị theo dõi và bắt Nguyễn Văn Trung. Nhưng rồi việc đó đã không được thực hiện.
Năm 1968 – Tết Mậu Thân là thời điểm quyết dịnh dứt khoát ai theo, ai không theo cộng sản. Có một lằn ranh rõ rệt, lộ mặt và nhiều khi không còn dấu diếm nữa.
Như Lý Chánh Trung tự thú nhận:
“Trong những năm đó, nhất là từ sau tết Mậu Thân, tôi đã tham gia hầu hết các phong trào đấu tranh công khai tại thành phố.”(19)
Ông xác định rõ hơn:
“Nhưng tôi cũng phải vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, và nếu không có sự mời mọc, lôi kéo của những người trẻ tuổi, thì rất có thể tôi đã không tham gia đến mức độ ấy.”(20)
Nhưng những cái chung đó không đủ để nối kết họ làm một.. khi tình thế chuyển biến.
Nguyễn Văn Trung dừng lại ở bình diện nhận thức, phân tích, tra hỏi, bới tìm, chứng minh bằng lý luận.
Lý Chánh Trung viết ít chú ý đến mặt lý luận với nhiều độ cảm tính, viết bằng cả tâm tình, khơi dậy, đánh động và nhất là nhập cuộc, tham gia vào các cuộc biểu tình, xuống đường, và ở cuối đường gia nhập tổ chức cộng sản(21).
Rồi đến 1975 thì kết quả một người bị đi tù, một người được trọng vọng, cất nhắc.
Nhưng số phận sau cùng dành cho họ ra sao. Đó mới là điều quan trọng.
Lý Chánh Trung và nhóm Liên Trường
Nhóm Liên Trường(22) còn được gọi là nhóm Phục Hưng miền Nam. Rất có thể là do những người đứng ra khởi đầu như các ông Nguyễn Văn Lộc, Huỳnh Văn Đạo, Lý Quý Phát. Vả sau đó được sự hỗ trợ của các ông Phan Khắc Sửu, nhất là cụ Trần Văn Hương.
Theo giáo sư Lưu Trung Khảo thì do gợi ý của tướng Mai Hữu Xuân với tướng Trần Văn Đôn như một điều chỉnh lại tình trạng lép vế của người miền Nam so với người miền Bắc.
Sự phục hưng miền Nam thật ra chỉ là đòi quyền lợi, đòi chia ghế, đòi chức vụ mà đăc biệt xảy ra dưới thời cụ Trần Văn Huong – đặc biệt trong ngành giáo dục.
Các trí thức trẻ trong nhóm Liên Trường coi cụ Trần Văn Hương như một mẫu người miền Nam trong sạch, đạo đức, không tỳ vết chính trị. Họ đã ủng hộ cụ trong việc thành lập chính phủ và chỉ thực sự chán nản khi cụ Hương quyết định đứng chung liên danh với ông Nguyễn Văn Thiệu.
Vấn đề Liên Trường mặt trái của nó là vấn đề Nam-Bắc. Mà tiền sử của nó có thể từ thời Đàng Trong và Đàng Ngoài, thời Trinh-Nguyễn kéo dài gần ba thế kỷ.
Nó bắt đầu từ sự khoanh vùng địa lý, sở hữu đất đai và bảo vệ sở hữu đó nên phải đụng đến binh đao. Nhưng để biện minh cho một thứ chính nghĩa thì người ta phải vận dụng đến vấn đề lịch sử, luân lý và ngay cả một số huyền thoại, vấn đề chính tà để biện minh cho những tham vọng của cả hai phía.
Nhà Nguyễn thống nhất ngôi vua chưa đầy 60 năm chưa đủ thời gian để xóa, cào bằng những ranh giới phân biệt địa lý chính trị lịch sử giữa hai miền.
Khi ngưới Pháp chiếm Nam Kỳ, họ đã lợi dụng lá bài Nam-Bắc và chỉ 40 chục năm sau, 1940, họ đã đào tạo được những thành phần tay sai bản xứ có trình độ chuyên môn cho một loại trí thức Nam Kỳ tự trị. Thật sự thành phần này chẳng những kỳ thị Nam-Bắc, còn phân biệt giai cấp giàu-nghèo, giai cấp thống trị-bị trị như một thứ người ngoại quốc trên chính quê hương mình.
Khi người Pháp ra đi thì không có nghĩa là ảnh hưởng văn hóa Pháp không còn nữa. Nó tạo ra một tồn tích mà nay ta gọi là hiện tượng hậu thuộc địa.
Cái chết của Thủ tướng Thinh coi như một lời cảnh cáo cho những ai còn nuối tiếc nó.
Sau 1955, tưởng như vấn đề kỳ thị Nam-Bắc nay nó đã thuộc về lịch sử rồi. Nhưng cuộc di cư 1955 một cách gián tiếp như một cú sốc về văn hóa, xã hội. Cú sốc ấy hiểu được và không tránh khỏi được những đụng chạm phải có.
Ông Diệm có thể là người đã dẹp tan và giải mã được những đợt sóng ngầm ấy.
Sau 1963 – một thời kỳ nhố nhăng, đầy xáo trộn đã tạo dịp cho những cơ mưu chính trị ló đầu lên.
Cái nhen nhúm ấy thật sự chỉ nhằm một thế đứng chính trị chẳng khác gi cái thế đứng dựa vào các tôn giáo lớn như Phật giáo-Công giáo.
Người làm chính trị muốn có cái thế thì phải đi qua cổng nhà chùa hoặc cổng nhà thờ hoặc tính địa phương. Nhiều dân biểu đắc cử vì dựa vào cái thế địa phương của mình.
Theo lời Dương Văn Ba trong Hồi Ký Những ngã rẽ trong chương 5(23), của ông thì vào năm 1965, Lý Chánh Trung có gửi thư mời ba người là: Dương Văn Ba, Trần Bá Phẩm và Lâm Văn Bé đến làng Thủ Đức để dự một buổi họp.
Buổi họp này có đông đủ nhiều cánh miền Nam khác như các ông: Võ Long Triểu, Hồ Ngọc Nhuận, bác sĩ Hồ Văn Minh, Nguyễn Bá Nhẫn, Nguyễn Khắc Thành, Bành Ngọc Quý, Nguyễn Văn Trường, Lê Thanh Liêm, Lê Văn Danh, Lý Quý Chung.
Nói chung phần đông bọn họ tiêu biểu cho trí thức miền Nam được du học ngoại quốc hoặc tốt nghiệp ở Việt Nam.
Buổi họp mặc dầu được tổ chức ở nhà của Lý Chánh Trung, nhưng mọi chuyện ăn uống tố chức do Võ Long Triều đảm nhiệm. Như ăn thịt cừu nướng, uống bia và rượu mạnh. Chắc là do bà Tô Thị Viễn, hiệu trưởng trường anh văn London School thết đãi. Ông Lý Chánh Trung nói: “Tao nghèo không có những thứ này. Đây là của vợ chồng Võ Long Triều lo.”
Hôm đó, trong bữa ăn được coi là rất vui vẻ, ông Võ Long Triều có nói:
“Đã tới lúc anh em mình nên hợp tác làm một cái gì đó có lợi cho dân miền Nam. Không thể để cho nhóm Nguyễn Cao Kỳ muốn làm gì thì làm trên phần đất quê hương của chúng ta.”
Sau đo ông Triều có đề nghị thành lập một mặt trận chính trị công khai hoạt động cho quyền lợi các tỉnh phía Nam. Nhiều người có vẻ tán thành ý kiến của ông Triều. Giáo sư Trần Bá Phẩm hăng hái ủng hộ.
Lý Chánh Trung đưa ý kiến: “mình nên xuất bản một tờ tuần báo và để có ý nghĩa, tuần báo nên đặt trụ sở ở Mỹ Tho.”
Hầu hết mọi người đều đồng ý. Thế là Dương Văn Ba và Trần Bá Phẩm về lại Mỹ Tho mời bác sĩ Trần Văn Tải, đứng tên chủ nhiệm xin giấy phép.
Võ Long Triều gặp Nguyễn Cao Kỳ để xin giấy phép. Chỉ một tuần sau có giấy phép.
Tờ báo lấy tên là: Tiếng gọi Miền Tây với sự cộng tác của Lê Thanh Liêm, Phan Công Minh, Trần văn Nghĩa. Trần bá Phẩm, Nguyễn Ngọc Thạch, Phan Công Minh, Nguyễn Hữu Cầu, Võ Văn Điểm (bút danh Võ Trường Chinh). Đám người này hầu hết là bạn bè Dương Văn Ba lúc còn học ở Đại Học Đà Lạt và sau này hầu hết đều ở lại theo cộng sản. Ngoài ra còn có Âu Trường Thanh, người Gò Công, Trần Ngọc Liễng lo yểm trợ tài chánh.
Ngay sau đó, có phong trào vận động thành lập đại học Cần Thơ.
Kết quả là Nguyễn Cao Kỳ đã mời các nhân vật miền Nam này tham gia nội các chiến tranh.
- Kỹ sư Võ Long Triều, Ủy viên thanh niên
- Giáo sư Nguyễn Văn Trường, ủy viên giáo dục
- Giáo sư Âu Trường Thanh, ủy viên kinh tế
- Trần Ngọc Liễng, Ủy viên xã hội.
Các người khác như bác sĩ Hồ Văn Minh, giáo sư Hồ Ngọc Nhuận được Nguyễn Cao Kỳ giao cho trọng trách chương trình Xây Đời Mới tại quận 8.
Hồ Ngọc Nhuận trở thành quận trưởng quận 8 và kéo thêm một số bạn bè như Hồ Công Hưng, Võ Văn Bé, Uông Đại Bằng, phó đốc sự Mai Như Mạnh, luật sư Đoàn Thanh Liêm và bác sĩ Hồ Văn Minh.
Chương trình đang tiến triển tốt đẹp thì Nguyễn Văn Thiệu nắm quyền đã cử đại tá Đỗ Kiến Nhiễu làm Đô trưởng Đô thành Sài gòn-Chợ Lớn.
Ông Đỗ Kiến Nhiễu buộc nhóm Hồ Ngọc Nhuận phải bàn giao lại chương trình kế hoạch Xây Đời Mới và phát triển cộng đồng về cho Đô thành-Chợ Lớn.
Chương trình Xây đời Mới tan thì nhóm này xoay ra làm chính trị, ứng cử dân biểu và đã đắc cử như Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung ở quận 1, quận 2, Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận ở quận 6, quận 8, Ngô Công Đức ở Trà Vinh, Bành Ngọc Quý ở Gò Công, Dương Văn Ba ở Bạc Liêu, Nguyễn Hữu Hiệp ở Đà Lạt.
Tất cả các ứng cứng cử viên này đền nhận được sự yểm trợ tài chánh của Võ Long Triều mà một phần tiền có thể từ Nguyễn Cao Kỳ, năm 1967.
Đây là cách để ông Nguyễn Cao Kỳ ‘cân bằng lực lượng’ với đám đa số dân biểu thân chính do ông Nguyễn Văn Thiệu đứng đằng sau.
Riêng Lý Chánh Trung được bổ nhiệm làm Đổng lý văn phòng Bộ Giáo Dục. Công việc của ông là dọn dẹp một số chức vụ chỉ huy trong ngành giáo dục và Vụ Học Đường Mới.
Việc làm này của Lý Chánh Trung là ném đá dấu tay, chơi cánh Bắc Kỳ mà không dám lộ mặt. Chỉ sau này, tôi mới biết rõ tâm địa của ông, vì hồi đó, ông chối hết. Đó là hành vi hết sức đáng trách mà một người trí thức không bao giờ làm.
Đây là những công việc trực tiếp do Lý Chánh Trung ký giấy tờ, Sự Vụ lệnh thuyên chuyển:
- Thuyên chuyển giáo sư Đàm Xuân Thiều (gốc Bắc) vốn là một nhà giáo gương mẫu, thanh liêm và đạo đức từ Giám Đốc Nha Trung Học đầy lên Ban Mê Thuột.
- Ông Đặng Trần Thường, cũng bị mất chức giám đốc Nha khảo thí cũng bị đầy lên cao nguyên.
Giáo sư Trần Ngọc Ninh nói với tôi rằng chính ông là người đề ra Chương trình Học Đường Mới, có tên là CPS nhằm đưa giới trẻ vào các sinh hoạt ngoài phạm vi nhà trường. Có khoảng 30 gíáo sư nằm trong chương trình này. Ông đang đi dự một Hội Nghị Quốc tế về Giáo dục do Unesco tổ chức tại Bangkok mà lần đầu tiên Nga tham dự. Khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất – do áp lực của nhóm Liên Trường áp lực ông Nguyễn Cao Kỳ – buộc giáo sư Trần Ngọc Ninh phải từ chức. Họ đã thay thế Tổng trưởng giáo dục bằng một người khác là ông Nguyễn Văn Trường. Ông Trần Ngọc Ninh sau đó lẳng lặng rút lui.
Và những người thay thế là Nguyễn Văn Trường, Lý Chánh Trung đã xóa sạch toàn bộ các chương trình ấy.
Hiệu trưởng các trường trung học gốc Bắc như Hồ Ngọc Cẩn, Trần Lục bị thay thế thế bằng người miền Nam. Trường hợp ông Lâm Phi Điểu – một người bạn tâm giao của ông Võ Long Triều được điều về làm Hiệu trưởng Hồ Ngọc Cẩn. Chẳng may ông này bị tai biến mạch máu não phải ngồi xe lăn. Mặc dầu vậy, ông vẫn giữ chức Hiệu trưởng nên các giấy tờ công văn, tùy phái phải đến nhà ông để ông duyệt xét ký.
Một số hơn 20 giáo sư trung học nằm trong chương trình Học Đường Mới bị trả về nhiệm sở cũ như các các ông Lê Đình Điểu, Hà Tường Cát, Phạm Phú Minh, Đỗ Quý Toàn, Trần Đại Lộc, Phan Văn Phùng.
Chính tôi đã hỏi thẳng ông Lý Chánh Trung về việc thuyên chuyển này, nhưng ông chối quanh và không nhận trách nhiệm do chính tay ông ký Sự Vụ Lệnh thuyên chuyển.
Nhìn lại việc này, tôi vẫn cảm thấy bực bội về thái độ và cách hành xử của giáo sư Lý Chánh Trung và bao nhiêu những cảm tình tốt dành cho ông từ những năm làm báo Sống Đạo tan ra mây khói.
Những việc tranh đấu, những điều ông viết trở thành những dấu hỏi về tính lương thiện trí thức có hay không?(24)
Từ đó nó cũng đặt câu hỏi phải chăng ông là người có tính xu thời, thứ chủ nghĩa cơ hội, gió chiều nào ngả theo chiều đó. Tôi thật sự không dám dấn sâu hơn những suy nghĩ của mình về vấn đề này.
Cũng may là bác sĩ Nguyễn Văn Thơ, một người cũng miền Nam – một tổng trưởng liêm chính – sau đó thay thế ông Nguyển Văn Trường đã không đồng ý các việc giáng chức, bổ nhiệm có tính cách trừng phạt ấy.
Từ thiên tả đến thiên cộng chỉ là một bước nhảy
Sắc thái chung của những trí thức thiên tả, trong đó có Lý Chánh Trung được coi là những người đứng bên lề trái.
Đó là một sinh hoạt đứng bên lề trái, đứng để phê phán, đứng để chống lại cái chính thống. Đó là thái độ bất mãn thường trực với cái đang có, cái trật tự hiện có còn dở dang, chưa hoàn chỉnh, cái chính quyền hiện tại. Chống bất kể là ai, bất kể là đệ nhất hay đệ nhị cộng hòa.
Chống là chống. Hay cũng chống, dở cũng chống, chống một phía.
Người cánh tả thường chỉ nhìn thấy những kẽ hở, những điều xấu, điều tiêu cực-quên đi những điều tốt đẹp – đứng về phía thiểu số hay đứng về phía kẻ bị coi là bị áp bức, người nghèo. Hoặc rộng lớn hơn họ đứng lên bênh vực các nước nghèo, nước bị trị, kém mở mang.
Sau này tạm đủ lớn mạnh, từ thiên tả, ông đã tự khoác cho mình một vai trò. Đó là tự nhận mình là thuộc thành phần lực lượng thứ ba (Troisième Force). Ý thức thiên tả vẫn có thể chỉ ở bình diện lý thuyết, nhưng khi gọi là lực lượng thứ ba có nghĩa là một phong trào hành động, có thực lực.
Tuy nhiên, lực lượng thứ ba là một thực thể hàm hồ, không rỏ rệt. Có chống, nhưng theo hẳn một bên thì không theo, vẫn muốn chọn cho mình một thế đứng độc lập.
Thiên một bên, nghiêng về một phía, nhưng không chọn đứng hẳn về một phía.
Có nghĩa không phải là Quốc gia chống Cộng mà cũng không hẳn là cộng sản. Nhiều chỗ trong những bài báo trên Hành Trình, Đất Nước, Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung gọi đó là một thứ Xã Hội chủ nghĩa không cộng sản.
Trong tình thế đất nước chúng ta, lối hô hào xuông một chủ nghĩa xã hội không cộng sản là một ảo tưởng! Đó là một ước mơ và một đề nghị lơ lửng và còn tin rằng có thể hòa hợp, hòa giải với cộng sản. Ông chọn một thế đứng chênh vênh như thế ở miền Nam trước 1975 cũng có phần nào hiểu được, nhưng nhiều phần đó chỉ là một ảo tưởng, lãng mạn chính trị.
Nhiều phần là không thực tế. Nếu không nói là ngây thơ, khờ khạo vì không hiểu được thực tại chính trị.
Ngay từ thời sinh viên khi còn học triết học ở Louvain vào thập niên 1950 cùng với nhiều sinh viên khác như Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm, v.v. ông đã ngả theo khuynh hướng triết học Mác Xít, chống Pháp.
Sự ngả theo như thế hầu như là một cái mốt của giới trí thức trẻ. Phải tả phái mới được. Tả khuynh mới được coi là có đầu óc, trí thức.
Nó chẳng khác gì cánh trí thức tả của Pháp như A. Camus, Simone de Beauvoir, J.P. Sartre, André Gide hay các nhà báo như Bernard B. Fall, J. Lacouture, Stanley Karnow, Alain Ruscio, David Halberstam, Oriana Fallaci, v.v.
Và nếu nói theo khoa học bây giờ, người ta tìm thấy trong đầu con người có những loại genes đặc biệt như gène de dieu, có tên khoa học là VMT, gène về đồng tính, v.v. Người có gène tôn giáo này có những khuynh hướng thần tính, siêu nhiên khó mà cắt nghĩa được. Cái gène tôn giáo xác định cái căn cước, cái thần linh ngự trị trong cuộc sống của một người?(25)
Nếu đã có những gènes về tôn giáo và đồng tính thì cũng có thể có những loại gènes về chống đối, bất mãn và xung đột.
Nếu thực sự cũng có những gènes như vậy thì có thể lý giải được nhiều điều về cá tính con người cũng như cách hành xử của những người tả phái.
Họ có cái gene bất mãn nên luôn ở thế đối đầu, chống đối.
Phải chăng Lý Chánh Trung về phạm vi tâm sinh lý có một não trạng bất mãn thường trực và điều đó làm nên cá tính, nhân cách của ông chăng?
Nhưng nói chung, trong số thành phần trí thức thiên tả ngả theo cộng sản thì theo tôi người tiêu biểu về mọi phương diện là Lý Chánh Trung.
Tiêu biểu của ông có thể về mặt nhận thức, trí thức, về mặt dấn thân nhập cuộc, tiêu biểu cả về mặt thành thật hoặc không thành thật, tiêu biểu của việc đón chiều gió, tính cơ hội cũng có, khi nào cần phải lên tiếng và khi nào cần biết im lặng.
Có thể ông không phải là loại người quá khích, hung hăng sốc nổi. Trái lại điềm tĩnh và cân nhắc mỗi khi phát biểu, đôi khi dè dặt cẩn trọng, có tính toán, cân nhắc.
Vì ở thế đối lập, ông luôn tỏ ra thái độ từ bất mãn đến chống đối các chính thể từ Đệ Nhất sang Đệ Nhị Cộng Hòa.
Ông luôn có việc để làm, để chống đối mà không bao giờ sợ thất nghiệp.
Vậy mà ông đã thất nghiệp sau 1975, vì không có gì để chống đối nữa. Hay có thấy mà không dám chống đối nữa.
Giữa ông và Nguyễn Ngọc Lan có sự đố kỵ nhau khi cùng viết trên tờ Hành Trình. Ông từng phản đối Nguyễn Văn Trung khi ông này cho đăng bài của Nguyễn Ngọc Lan. Nhưng Lý Chánh Trung tỏ ra hèn khi cúi đầu im lặng thì Nguyễn Ngọc Lan lại có cái can đảm ngoài khuôn khổ chống đối lại chế độ cộng sản công khai mà ít ai có đủ đảm lược để làm như ông.
Chống độc tài, chống kỳ thị tôn giáo, chống gia đình trị, chống cá nhân ông Diệm, chống chiến tranh, chống Mỹ Ngụy, chống tham nhũng, chống cá nhân ông Thiệu như tay sai Mỹ.
Nhưng đó là thứ chống một phía.
Không bao giờ ông dám nhìn nhận sự thật phía cộng sản đang làm gì?
Chống chán rồi đòi. Đòi tự do, tự do báo chí, đòi dân chủ, đòi thả tù nhân chính trị, đòi thả những sinh viên theo cộng cộng sản nằm vùng, ngay cả những đặc công cộng sản. đòi quyền sống cho phụ nữ.
Chống và đòi. Đó là hai công việc đi đôi với nhau của ông Lý Chánh Trung trước 1975.
Chính Lý Chánh Trung sau này cũng phải nhìn nhận rằng:
“Lực lượng hay Thành phần thứ ba chỉ là một khát vọng hơn là một thực lực thực tế. Tổ chức vỏn vẹn có vài trăm người. Nhóm người đó mở ra mọi phía và đón nhận nhiều ảnh hưởng. Vì thế họ không có một ý thức hệ chính xác nào.”(26)
Chính vì mấy chữ này mà ông bị Nguyễn Trọng Văn viết tham luận tố giác ông và Nguyễn Văn Trung sau 1975.
Lý Chánh Trung đồng hành với các sinh viên tranh đấu
Việc từ bỏ tháp ngà của một giáo sư đại học văn khoa cũng như một công chức cấp cao của ngành giáo dục và quyết định dấn thân sát cánh với nhóm sinh viên tranh đấu thân cộng sản là một bước ngoặt trong cuộc đời sinh hoạt chính trị của ông.
Những băn khoăn, thắc mắc của tôi là tại sao ông chọn lựa thái độ dấn thân ấy?
Tôi đã thăm dò nơi một hai người bạn thân của ông nhưng kết quả không là bao nhiêu.
Tôi cũng không bằng lòng với những bài viết như thú nhận tại sao ông đã nhập cuộc và theo cộng sản vì lý tưởng cộng sản hun đúc từ thời sinh viên, vì nghĩ rằng nó có tính cách trang điểm cho những việc làm của ông sau này.
Bài viết của ông nhan đề: Làm Và Tin viết như một thứ trả bài làm tôi nghi ngờ tính lương thiện trí thức ở trong đó, bởi vì nó được nhắc nhở đến ngay từ hồi còn sinh viên mà Lý Chánh Trung đã có niềm xác tín như thế với Đảng cộng sản. Ông đã viết như sau:
“Lúc còn bên Pháp trong những năm 1950, tôi đã nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ thắng trên toàn thế giới như nó đã thắng tại nước Nga, tại các nước Đông Âu và tại Trung Quốc, như nó đã thắng tại Việt Nam, không những vì đó là hướng đi của lịch sử mà còn vì đảng cộng sản là một tổ chức hữu hiệu nhất đã xuất hiện trong lịch sử từ trước đến nay. Riêng tại Việt Nam, hiệu năng ấy còn tăng lên gấp bội vì ở đây, Đảng cộng sản đã lãnh đạo từ đầu cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc và đã thu hút được sự ủng hộ của mọi tầng lớp và mọi giới đồng bào.
Tuy không phải là người cộng sản, tôi thành thật mong muốn sự thắng lợi của chủ nghỉa cộng sản trên thế giới và tại Việt Nam, vì tôi chon rằng chỉ chủ nghĩa cộng sản mới tạo dựng được cái xã hội thật sự tự do, bình đẳng và huynh đệ mà tôi hằng mơ ước. Những tin tưởng hoàn toàn nơi thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản như tin một sự thật khoa học, bất kể những điều kiện khách quan có thể biến đổi ra sao, thì thú thật là tôi chưa tin nổi.”(27)
Tôi đi tìm một lối giải thích khác và tôi nghỉ là nó chính xác hơn.
Ông đã chạy theo những đám thanh niên thiên tả mà một số là cộng sản nằm vùng. Đặc biệt nhất là sinh viên y khoa Huỳnh Tấn Mẫm.
Đối với tôi thì sinh viên này trước 1975 là thứ phá hoại – một thứ phá làng phá xóm do cộng sản giật giây.
Giá trị của anh ta là ở chỗ ấy. Sau 1975, không dùng được vào việc gì cùng lắm dùng làm cảnh. Huỳnh Tấn Mẫm thêm vào danh sách những kẻ dư thừa, không biết dùng vào việc gì sau 1975.
Từ đó đến nay, gần 40 năm, anh sinh viên nay mang thân phận dư thừa. Không có chỗ đứng.
Có dịp đọc lại hết những hoạt động của Thành Đoàn TNCS của thành phố Hồ Chí Minh mới chính thức được thành lập năm 1966, tôi thấy hết được bối cảnh chính trị miền Nam trong những năm tháng cuối cùng.
Chúng ta biết rằng có một cuộc chiến tranh trực diện, cuộc chiến tranh ở ngoài Sài gòn bằng bom đạn, bằng trực thăng, bằng đại bác 105 ly, bằng đô la để đổi lấy những xác chết – và cũng có một cuộc chiến bằng súng cối, bằng hầm chông, bằng ám sát, thủ tiêu và cuối cùng bằng xe tăng đại pháo với những xác người bị phơi thây bên bờ kinh, bờ rạch.
Nhưng có một cuộc chiến tranh thứ hai ngay giữa lòng Sài Gòn bằng biểu tình, tuyệt thực, xuống đường, bằng hô hào đả đảo, bằng lựu đạn cay và nước mắt và bằng những hàng rào kẽm gai. Cuộc chiến cân não này ít ai nói tới vì không thể đếm những xác người.
Nó cũng không có biên giới rõ rệt, trộn lẫn Ta và Địch, vì Địch cũng có thể là Ta.
Cuộc chiến trên đường phố ở Sài Gòn diễn ra ở hai mặt.
Mặt nổi là những cuộc biểu dương lưc lượng của giới sinh viên học sinh như biểu tình, xuống đường, đòi cái này, cái kia, ngay cả việc đòi thả những cán bộ cộng sản như Vũ Hạnh, sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy. Lý Chánh Trung đã có mặt trong những cuộc biểu dương này và ông đã viết như sau trong Một thời đạn bom, một thời Hòa Binh:
“Tôi đã đến đây tham dự buổi tuyệt thực của 20 giáo chức Đại, Trung và Tiểu học tại tỏa Viện trưởng Viện Đại Học Sài Gòn, để yêu cầu nhà cầm quyền trả lại tự do cho các sinh viên, trong đó có anh Huỳnh Tấn Mẫm đã bị giam giữ trái phép đúng một tháng qua và đang tuyệt thực, tuyệt ẩm trong khám Chí Hòa. Trong lúc mấy anh em hát, tôi cảm động không dám nhìn lên, chỉ nhìn xuống.”(28)
Thế nào là trái phép? Bắt giam một anh cộng sản nằm vùng là trái phép? Đã không ai đặt ra câu hỏi này cả. Và sau 1975, Đã bao nhiều người đã vào tù một cách oan khuất, đã có lần nào, Lý Chánh Trung dám lên tiếng một lần?
Mặt thứ hai của cuộc chiến tranh đang diễn ra tại thành phố Sài Gòn là công tác được chỉ huy của các đồng chí như Nguyễn Văn Linh, Trần Bạch Đằng, Phạm Phương Thảo với vô số tên tuổi như Nguyễn Đông Thức, Hồ Dũng, Anh Ngọc, Lê Văn Nuôi, Hàng Chức Nguyên, Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư. Phạm Chánh Trực.
Và với nhiều bí danh như Tám Lượng, Hai Nghị, Út Thu, Mười Hương, Ba Hoàng, Tư Kiên, Mười Hải, Mười Dũng, Ba Liễu, Tư Thanh, v.v. Đã có hằng trăm tên như thế.
Công việc của họ là ám sát các nhân vật có uy tín của miền Nam như giáo sư Nguyễn Văn Bông, ký giả Từ Chung, báo Chính Luận, chủ bút Chu Tử, hai giáo sư Y khoa là giáo sư Lê Minh Trí, giáo sư Trần Anh và sinh viên Lê khắc Sinh Nhật.
Những công tác của các tổ ám sát này sau được phép kể lại công khai trên báo chí như một thứ giải trí hay một thứ thành tích giết người đang được tự hào.
Sau nữa là việc đốt xe Mỹ xảy ra ở nhiều nơi.
Để hỗ trợ cho việc đốt xe Mỹ này, tờ Tin Sáng của nhóm Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung đưa ra một bản tin như sau:
“Phong trảo đốt xe Mỹ càng ngày càng vang dội vả được mở rộng, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Ở Thủ Đức, vào lúc 10 giờ sáng ngày 10 tháng 9 năm 1971, đồng bào đã tự động phóng hỏa đốt một xe Đại Hàn. Hành động này, đồng bào Thủ Đức nói là hỗ trợ cho chiến dịch đốt xe Mỹ của Ủy Ban đòi Quyền sống đồng bào tổ chức nhằm trả thù cho đồng bào Bình Thạnh và các tỉnh miền Trung bị lính Đại Hàn giở trò man rợ.”(29)
Cũng tờ Tin Sáng số ra ngày 21 tháng 10 năm 1971 với hàng tít lớn:
“Từ tờ mờ sáng 20-10, sinh viên học sinh mở cuộc săn đốt xe Mỹ trong khu vực tam giác sắt Trần Quốc Toản- Cao Thắng-Kiều Công Hai.”
Việc đốt xe Mỹ này là do những tổ trinh sát thi hành. Tờ báo Tin Sang đã tuyên truyền bịp bợm đổ cho đồng bào một cách vô tội vạ.
Ngày nay, họ còn tỏ ra hãnh diện và công khai hóa những vụ ám sát này như một thứ thành tích đáng được biểu dương.
Một tờ báo như Tin Sáng thế mà không ai nghĩ đến việc đóng cửa và bỏ tù bọn họ.
Với hai mặt trận như thế mà chúng ta đành thua người cộng sản.
—————————-
(17) Lý Chánh Trung, Những ngày buồn nôn, Nói chuyện với người học trò, trang 80-81
(18) Lý Chánh Trung, Ibid., Khóc đi con, trang 40
(19) Lý Chánh Trung, Trui rèn trong lửa đỏ, Làm và Tin, trang 239
(20) Lý Chánh Trung, Ibid., 239
(21) Lý Chánh Trung, Ibid., trang 240
(22) Nguyễn Văn Lục, Nhìn lại vấn đề kỳ thị Nam-Bắc, DCVOnline.net
(23) Hồi Ký Dương Văn Ba, Những ngã rẽ, chương 5: Làm chính trị. Vào Quốc Hội
(24) Võ Long Triều, Hồi ký Võ Long Triều, trang 329
(25) Dan Burstein et Anne De Keijzen, Les secrets, des Anges & Demons, trang 267
(26) Alain Ruscio, Vivre au Viet Nam, trang 178
(27) Võ Long Triều, Ibid., trang 329
(28) Lý Chánh Trung, Trui rèn trong lửa đỏ, trang 229
(29) Lý Chánh Trung, Một thời đạn bom, một thời Hòa Bình, trang 62