Seite auswählen

Nguyễn Quí Đức: ‘Nhà’ là nơi mình sinh ra

 

Bui Van Phu

BUI VAN PHU Nguyễn Quí Đức trong buổi giới thiệu sách của tác giả Pháp gốc Việt Line Papin tại San Francisco ngày 25 tháng 3, 2023

 

Bùi Văn Phú

Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Berkeley, California

Tháng 3-1975 bộ đội cộng sản tiến vào Đà Nẵng, Nguyễn Quí Đức theo thân nhân di tản về Sài Gòn rồi ra Phú Quốc. Khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ ngày 30-4-1975 thì Đức rời Việt Nam trên con tàu Challenger.

Đến Mỹ vào tuổi 17, lúc đầu định cư ở Ohio, rồi qua Virginia và như nhiều người tị nạn khi đó sống rải rác ở nhiều tiểu bang miền đông, Đức đã di cư lần thứ hai, tây tiến về California, nơi có đông người Việt, có nắng ấm, nơi cùng san chia biển mặn Thái Bình Dương với quê nhà Việt Nam.

Sau 30 năm ở Mỹ và có lúc sống bên Indonesia, Anh và Morocco, từ năm 2006 anh về sống ở Hà Nội và qua đời ở đó hôm 22-11-2023.

‘Nhà truyền thông’

Nguyễn Quí Đức là một nhà làm truyền thông, một nhà văn yêu nước Việt, văn hoá Việt và người Việt. Tôi gặp anh lần đầu năm 1981, khi anh đang phụ trách một chương trình phát thanh tiếng Việt ở San Francisco và mời tôi lên sóng thảo luận về sinh hoạt cộng đồng vì tôi là thành viên trong ban chấp hành của Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học U.C. Berkeley và cũng là trưởng nhóm của Bút nhóm Ý Thức.

Anh là người tiên phong thực hiện các chương trình phát thanh tiếng Việt ở thành phố này.

Lần đầu tiên trong đời có cơ hội đến trụ sở một đài phát thanh, nên tôi hình dung trong đầu là một nơi rộng lớn với máy móc tối tân. Nhưng không phải thế, đây là phòng ghi âm và phát thanh của đại học nơi anh đang học, rộng chừng 5 mét vuông, vừa đủ chỗ cho dàn máy và hai ghế ngồi, kiểu ghế trong lớp học có bàn để ghi nốt, nhưng thay vì để tập vở thì có microphone trên ghế.

Chúng tôi trò chuyện về hoạt động sinh viên, sinh hoạt văn hoá, báo chí của người Việt tại vùng Vịnh và rộng ra là ở tiểu bang California. Đức có giọng Huế, không nặng lắm mà truyền cảm, dễ nghe. Tiếng Anh thật trôi chảy cho tôi cảm tưởng như anh là sinh viên du học trước năm 1975. Đức theo học ngành truyền thanh tại Đại học San Francisco State University, với giọng tốt và đam mê nên sau này anh đã thành đạt trong nghề theo đuổi.

Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau trong các sinh hoạt cộng đồng, thường là các buổi lễ truyền thống Việt do Trung tâm Định cư Đông Nam Á tổ chức ở San Francisco, lúc đó do anh Michael Huỳnh làm giám đốc điều hành và là một người anh tinh thần của Đức.

Hè 1983 tôi qua Togo, châu Phi dạy học trong chương trình Peace Corps. Sau đó nghe tin Đức qua làm việc bên trại tị nạn ở Đông Nam Á.

Bui Van Phu

BUI VAN PHU Nguyễn Quí Đức, thứ hai từ phải, trong một hội thảo tại San Jose năm 2000

Cuối năm 1985, không hẹn trước chúng tôi gặp lại nhau tại trụ sở đài BBC, trong Bush House ở London. Đức đang làm biên tập viên cho ban Việt ngữ, còn tôi vừa hết thời gian dạy học ở châu Phi và cũng muốn làm việc với chương trình Việt ngữ của BBC và đã gửi đơn xin việc trước khi rời Togo. Hôm đó tôi đến đài để làm bài thi và thử giọng.

Đức đưa tôi xuống căng-tin ăn trưa. Hỏi về công việc, Đức nói với văn bằng khoa học, về Mỹ chắc chắn tôi có việc mà còn lương cao nữa, chứ bên này chỉ đủ sống và buồn vì người Việt ở đây không đông như ở California. Điều này phó ban Việt ngữ cũng vừa nói với tôi mấy phút trước trong khi phỏng vấn xin việc. Anh kể cho tôi nghe vài chuyện thích thú như đi làm phóng sự gặp bộ trưởng từ Việt Nam qua mà anh có gặp mặt, phỏng vấn. Những quan chức cộng sản mà chúng tôi đã coi như kẻ thù.

Tôi cũng hỏi Đức về việc làm bên trại tị nạn ra sao vì tôi cũng muốn làm việc ở đó, Đức nói anh không thích các chương trình hướng dẫn hội nhập dành cho người tị nạn được Mỹ nhận cho định cư mà anh cho là một hình thức “cultural indoctrination” – nhồi sọ văn hoá.

Mấy năm sau, từ trại tị nạn ở Đông Nam Á về Hoa Kỳ tôi có dịp gặp lại Đức trong các sinh hoạt văn hoá nghệ thuật của cộng đồng khi anh làm việc với đài phát thanh KALW-FM ở San Francisco.

Là người gốc Việt có khả năng làm truyền thanh dòng chính nên khi Việt Nam mở cửa chào đón du khách phương Tây, anh đã về làm phóng sự về sinh hoạt đời sống, về những thay đổi đang diễn ra trên quê hương nguồn cội sau ngày có chính sách “Đổi mới”. Loạt phóng sự đem đến cho anh giải thưởng xuất sắc của Overseas Press Club. Anh cũng còn là một nhà bình luận trong chương trình “All Things Considered” trên hệ thống truyền thanh National Public Radio.

Giao tiếp với bên ngoài, anh có tên Duke Nguyễn, thường mặc trên người chiếc áo măng-tô trông rất mốt như dân Tây và hút thuốc lá liền tay, ngay cả trong lúc anh là mẫu hình trên những tấm bảng lớn của chương trình Sức Khoẻ Là Vàng khuyên cư dân không hút thuốc lá.

Từ năm 2000 đến 2006 anh phụ trách chương trình Pacific Time, mỗi tuần 30 phút vào chiều thứ Năm trên đài KQED-FM, chú trọng đến cộng đồng người Mỹ gốc châu Á, trong đó có sinh hoạt của người Việt và được phát thanh tại nhiều tiểu bang.

Đức còn có nhiều bài viết trên các báo Asian Wall Street Journal, New York Times, Los Angeles Times, Smithsonian, Mekong Review, San Francisco Examiner, San Jose Mercury News.

Hoạt động văn học, nghệ thuật

Ngoài lãnh vực truyền thông, Nguyễn Quí Đức bước vào sinh hoạt văn học với thơ văn, dịch thuật. Tác phẩm “Where The Ashes Are” [Nxb Addison & Wesley 1994] – Ở đâu có tro than – là một tự truyện về những gì gia đình anh đã trải qua trong thời chiến tranh và riêng anh đã hội nhập vào đời sống mới như thế nào từ khi đến Mỹ.

Với người cha là phó tỉnh trưởng hành chánh của Huế đã bị bắt đi khi Việt Cộng tấn công vào thành phố trong Tết Mậu Thân 1968, nhưng sau Hiệp định Paris 1973 cha của anh không được trao trả mà tiếp tục bị cầm tù ở miền Bắc cho đến năm 1980 mới được Hà Nội thả và gia đình qua Mỹ định cư năm 1984.

Trở lại quê nhà lần đầu tiên năm 1989, anh thấy “Việt Cộng” cũng là người thường, đâu có ghê sợ như anh thường nghe nói hay gặp trong những cơn ác mộng. Đức về quê nhà cũng là để mang tro than của người chị mắc bệnh tâm thần đã qua đời để được gần bên bố mẹ và anh em bên Mỹ.

Trở lại quê hương đã cho anh một cái nhìn thân thương hơn về đất nước, về con người Việt Nam. Ý tưởng dùng văn học làm nhịp cầu hoà giải và hàn gắn thương đau nẩy sinh và anh đã cùng một số bạn yêu thích văn học Việt lập nhóm Ink and Blood – Mực và Máu – tạo cơ hội thảo luận về dòng văn học Việt quá khứ cũng như tương lai. Nhưng dự án gặp sự phản đối của nhiều văn nghệ sĩ và cộng đồng người Việt tại hải ngoại khi hội thảo có các nhà văn từ trong nước.

Trong nhiều sinh hoạt văn học nghệ thuật khác, dù có những khuyên can không nên tham dự vào, không cho “Việt Cộng có cơ hội tuyên truyền”, nhưng anh vẫn đến nói chuyện về sự thiếu tự do ở quê nhà, lên tiếng cho văn nghệ sĩ còn bị cầm tù.

Năm 1999 anh có bài nói chuyện tại Bảo tàng Bowers ở Quận Cam, thủ phủ của người Việt tị nạn, khi có triển lãm chủ đề “The Winding River” – Dòng sông uốn khúc – với tranh ảnh của những hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia từ trong nước và tại Hoa Kỳ. Anh không tán đồng quan điểm tẩy chay hay đòi hỏi ban tổ chức phải kiểm duyệt các tác phẩm được chọn trưng bày.

Giao tiếp với bên ngoài, anh có tên là Duke Nguyễn, thường mặc trên người chiếc áo măng-tô trông rất mốt như dân Tây và hút thuốc lá liền tay, ngay cả khi anh được chọn làm mẫu hình trên những tấm bảng lớn của chương trình Sức Khoẻ Là Vàng được treo quanh vùng Vịnh San Francisco khuyên cư dân không hút thuốc lá.

Nguyễn Quí Đức cũng là một dịch giả đã chuyển sang Anh ngữ văn, thơ, kịch bản của Hữu Thỉnh, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nhã Thuyên, Dạ Thảo Phương, Nguyễn Thúy Hằng, Bùi Thạc Chuyên, Đặng Nhật Minh, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp; đã giới thiệu với độc giả tiếng Anh về tranh của Trần Tuyết-Mai, Lê Thanh Minh, Thượng toạ Viên Thức.

Trở về Việt Nam

“Bún chả” Hà Nội được anh giới thiệu ra thế giới từ đầu thập niên 1990, mà hai mươi năm sau Tổng thống Barack Obama cùng Anthony Bourdin đã thưởng thức khi thăm Hà Nội.

Ba của anh, ông Nguyễn Văn Đãi qua đời năm 2000. Năm 2006 Đức quyết định đưa người mẹ đau yếu về Việt Nam sống tuổi già. Xây nhà cho mẹ trên đồi núi Tam Đảo, một căn nhà do chính anh vẽ kiểu với lối kiến trúc lạ, đẹp đã được lên báo New York Times và các tạp chí về kiến trúc, nhà cửa.

Chọn Hà Nội làm nơi mở quán rượu và nhà hàng Tadioto, mục đích không phải kinh doanh mà anh muốn tạo không gian sinh hoạt văn nghệ cho thủ đô, là nơi có những đêm nhạc sống, là chỗ gặp gỡ cho văn nghệ sĩ. Tadioto mang sắc thái nghệ thuật riêng của Đức, là điểm hẹn của nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ quốc tế khi đến Hà Nội, dù quán đã phải đổi chỗ đến bốn lần trong hơn mười năm.

Năm 2014, phóng viên chuyên mục ẩm thực đường phố của CNN là Anthony Bourdin đã mời Nguyễn Quí Đức đi chung để giới thiệu ông với cố đô và các món đặc sản Huế. Xem chương trình, tôi ngạc nhiên nghe anh kể lại chuyện Mậu Thân 68 khi cha của anh bị Việt Cộng bắt đem đi và mấy nghìn dân lành bị Việt Cộng giết chết khi đó.

Một lần gặp lại khi anh về vùng Vịnh, tôi hỏi nhà nước có làm khó dễ vì chuyện kể Mậu Thân, anh cho biết họ không hài lòng. Tôi cũng hỏi anh có dự định phát hành tác phẩm “Where The Ashes Are” bản tiếng Việt, anh trả lời khó thực hiện vì Mậu Thân ở Huế còn là vấn đề nhạy cảm.

Dịp kỷ niệm 50 năm biến cố Mậu Thân, trên tạp chí Smithsonian tháng 1-2018 Nguyễn Quí Đức thuật lại chuyện đã bị cán bộ nhà nước công khai ngăn cản không cho anh kể lại chuyện Mậu Thân và còn doạ nạt phóng viên từ Đức-Pháp đến gặp anh tại nhà ở Hà Nội để làm phóng sự về Việt Nam.

Anh không ngại nói lên những sự thực. Qua bài viết về chính sách kiểm duyệt văn hoá tại Việt Nam trên báo New York Times ngày 27-4-2014, anh kể rằng những năm khi mới về Hà Nội sinh sống thì luôn có công an theo dõi, họ cũng tra vấn anh về những gặp gỡ với trí thức trong nước hay với nhà báo quốc tế.

Chào đời tại Đà Lạt năm 1958, lớn lên ở Huế, Đà Nẵng và năm 17 tuổi rời bỏ quê hương ra đi. Sau ba mươi năm phiêu bạt anh đã trở về, sống 17 năm cuối đời trên đất nước Việt Nam, dù nơi đó ra sao đi nữa thì cũng đã thực sự là “Nhà” của anh.

Tác giả Bùi Văn Phú là một giảng viên đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco.

 

Nơi chốn của Manchurian

Dạ Thảo Phương

“I’d like to see you in a dream, as a red crowned Manchurian crain, spreading your wings up there in a marvellous and joyful dance…”

Ta mong thấy bạn trong giấc mơ, hoá thành con hạc mào đỏ Manchurian, tung cánh trong một điệu múa tuyệt diệu và đầy vui thích…

Sáng 22.11. Tôi thức giấc vì tin nhắn của chị gái nhà văn Nguyễn Quý Đức:

“Đức đi rồi.

10 phút trước”.

Sau phút lặng người, tâm trí tôi chợt thấy vút lên cánh hạc tuyệt vời tự do trong những dòng Đức viết về một cuộc- sống- sau- cuộc- sống.

DI TRÚ

Nguyễn Quý Đức sinh ra ở Đà Lạt, trong một gia đình gốc Huế (mẹ là hiệu trưởng một trường trung học nổi tiếng, cha là một trí thức, một viên chức cấp cao của chính quyền cũ). Lớn lên trong thời kỳ lịch sử nhiều biến động thảm khốc, Đức cùng người thân đã trải qua không ít bi kịch mà thế hệ tôi nghe kể lại thấy như là không tưởng. Nhưng anh đã biến số phận mình thành một cuộc hiện hữu đầy phong vị, không quên lãng nhưng không có hận thù.

Đến Mỹ tị nạn năm 1975, suốt mấy chục năm làm báo, gặt hái nhiều giải thưởng từ báo viết đến báo nói, báo hình, từng đặt chân đến nhiều quốc gia, Đức luôn muốn tìm hiểu tiếng nói của người tị nạn thuộc những sắc dân khác nhau, và tìm thấy bản thân mình trong sự giao thoa tự do của nhiều nền văn hóa. Các bài viết của anh được biết đến nhiều trên các tạp chí như New York Times, The Asian Wall Street Journal, San Francisco Chronicle, San Jose Mercury News, v.v.. Bộ phim tài liệu “Shanghai nights” (Đêm Thượng Hải) của anh được phát trên “FRONTLINE/World của PBS và nhận Giải thưởng Edward R. Murrow về Phim tài liệu truyền hình xuất sắc của Câu lạc bộ Báo chí Nước ngoài của Mỹ năm 2005. “Where the Ashes Are: The Odyssey of a Vietnamese family” (Nơi chốn của tro tàn- Khúc sử thi của một gia đình người Việt) – Cuốn tự truyện của anh được xuất bản năm 2009 – là một trong những cuốn sách bằng tiếng Anh đầu tiên của người Việt ở Mỹ*. Những chương trình phát thanh của anh trên KQED-FM, đài NPR cách đây hơn 20 năm vẫn để lại ấn tượng sâu sắc cho nhiều người nghe gốc Á cũng như nhiều đồng nghiệp phương Tây. “Nguyễn có biệt tài đặt ra những câu hỏi đào sâu hơn và làm sáng tỏ những suy nghĩ chưa được khám phá mà tất cả chúng ta đều ấp ủ”. – Cynthia Gouw, phóng viên của Pacific Time nói về anh.

NGƯỜI THÂN

Với vợ chồng tôi, Đức chỉ đơn giản là như một người thân. Có lúc thân gần, có lúc thân xa, nhưng lúc nào cũng là người thân. Anh đã tự nhiên tham dự vào các ký ức gia đình, mê hoặc chồng và các con tôi, là bạn thân của các bạn thân của chúng tôi. Anh giăng mắc sự hiện diện khắp những năm tháng của chúng tôi, nay một chiếc bàn cổ sơn ta, mai một chiếc mũ vải thổ cẩm anh mua cho con tôi trong một chuyến đi, mốt một kỳ nghỉ chung, kia một lời nói làm tôi thất vọng, kìa một chia sẻ khi mất người thân. Với tôi, anh là một phần của Hà Nội, của một quãng tuổi trẻ.

Năm đó, đám cưới rất nhỏ gọn của tôi bỗng trở nên không đơn giản như tôi tưởng. Có lẽ vì cô dâu còn làm trong một tờ báo lớn của báo chí Cách mạng mà chú rể lại là người phụ trách một văn phòng báo chí lớn của phương Tây. Sợ gia đình hai bên lo lắng, tôi không nói với ai, nhưng nói với Đức. Hồi đó, Đức mới chuyển từ Mỹ về sống ở Việt Nam, cũng thuộc diện “được quan tâm đặc biệt”, chưa có VISA dài hạn. Tôi không muốn anh vì đến dự cưới tôi mà gặp rắc rối. Đức cười nhẹ: “Phương cứ lo làm cô dâu thôi nhé”. Anh đứng ra làm chủ hôn, tự phiên dịch cho mình, phiên dịch luôn cho cả nhà trai, nhà gái, rồi làm “tiếp tân” cho khách hai bên. “Người ta cứ hỏi anh là đại diện bên cô dâu hay chú rể. Anh có biết đâu”- Đức làu bàu. (Mỗi khi nói gì về mình, Đức hay có kiểu hoặc tự giễu cợt, hoặc làu bàu như vậy).

405023914_334069252580219_5617089547026907786_n

Ông chủ hôn khổ nhất khối xã hội chủ nghĩa vì bị mắc dịch… thơ – trước giờ đám cưới cô dâu chợt bảo không hẹn thề gì hết, chỉ đọc một bài thơ… vừa làm chưa xong

Trước ngày tôi đi lưu diễn ở Anh, cũng là Đức, bỏ ăn tối, nửa nằm nửa ngồi trên sàn gỗ nhà tôi ở 76 Ngô Quyền, dịch thơ tôi trong tiếng chuông dội từ nhà thờ Hàm Long hòa với tiếng bụng sôi.

Chẳng gì không có giá, sự ân cần của Đức với tôi cũng thế. Hễ ở Việt Nam, tôi gần như “mất trắng” cả chồng và con vào tay Đức. Đội này cứ “ở chỗ bác Đức” là quên hết mọi sự trên đời. Nhiều khi, tôi phải gọi điện cho Đức: “Anh làm ơn cho em nói chuyện mấy phút với chồng hợp pháp của em được không ạ?”. Thỉnh thoảng, Đức thủ thỉ bằng chất giọng ngọt kỳ lạ, pha vừa Huế vừa Bắc vừa Nam vừa Kiều: “Phương ơi, anh không hiểu làm sao anh cứ bị mê chồng với con em quá. Anh xin phép em cho bọn anh yêu nhau nhé”. Cứ làm như tôi vẫn còn quyền quyết định.

Một lần về thăm Hà Nội, chồng tôi tự kiểm điểm là ngày nào cũng “lêu lổng” với Đức quá nhiều, nên tuyên thệ sẽ ở nhà ngày cuối cùng trước khi bay. Bồn chồn đến ba giờ chiều, anh bèn ăn vận lộng lẫy, thậm chí còn đem xe máy đi rửa, rồi bảo: “qua chào Đức một câu xong về ngay”. Sáu giờ sáng hôm sau, chồng tôi về đến nhà, trông mệt nhưng hạnh phúc: “Có thể em không tin, nhưng anh và Đức thật sự đã chào tạm biệt vào lúc một giờ sáng, mà không hiểu sao bây giờ mới tạm biệt xong. Đồng hồ của anh có vấn đề”.

ĐIỆU MÚA CỦA MANCHURIAN

Những năm đó, không chỉ chồng tôi mà rất nhiều người khác đều “đồng hồ có vấn đề” khi ở bên Đức. Bất kể nam, phụ, lão, ấu, Tây, ta, Tàu, Nhật. Bất kể nhà văn nhà thơ nhà báo hoạ sĩ nhạc sĩ ca sĩ nhà ngoại giao nhà làm phim nhà viết kịch nhà thiết kế thời trang kiến trúc sư nghệ sĩ biểu diễn,… Đức đa tài mà không khoa trương, nhã nhặn mà ngỗ nghịch, tinh tế mà tinh quái. Đi nhiều, trải nhiều, đọc nhiều, nói đẹp được nhiều thứ tiếng, anh là một từ điển đa văn hoá phần Đông sâu, phần Tây sắc, ai cũng có thể tra cho mình một điều gì đó thích thú, có giá trị.

Đức có tư duy sắc sảo và cởi mở của văn hoá phương Tây, có cách hành xử uyển chuyển của văn hoá Việt, lại có lối làm việc cầu toàn đến khắc nghiệt của văn hoá Nhật. Đức duy mỹ. Anh chạm tay vào đâu, ở đó biến thành một tạo vật đẹp đẽ mang chữ ký của anh. Từ cách thả mấy cánh đào vào đĩa bánh mang vội mời bạn, cách anh xắn tay áo sơ mi tưởng như xuề xoà, cho đến mọi tác phẩm kiến trúc, nội thất của anh… tất cả đều mang tâm tính của một lữ khách từng trải qua nhiều không gian lịch sử và văn hoá. Căn biệt thự ở Tam Đảo mà anh tự tay thiết kế – nổi tiếng khắp các tạp chí kiến trúc quốc tế và Việt Nam – là một trong rất nhiều ví dụ.

Đức có kho ý tưởng không giới hạn, và là người lao động không ngừng nghỉ. Trong những cuộc chơi, Đức vẫn đang cùng lúc nung nấu các ý tưởng công việc, và trong các công việc Đức làm luôn lấp lánh niềm mê thích của một kẻ ham chơi.

Tôi tin rằng, đời sống văn hoá nghệ thuật “phi mậu dịch” ở Hà Nội cùng những giao thoa Đông – Tây của nó đã khác đi nhiều nếu hai mươi năm qua thiếu đi phần tham dự thầm lặng của Nguyễn Quý Đức và không gian văn hoá nghệ thuật Tadioto của anh.

Nhưng đóng góp lớn nhất của anh không chỉ thông qua các hoạt động nghề nghiệp, các kết nối giữa văn nghệ sĩ và các tổ chức văn hoá, ngoại giao cả hai bờ Đông – Tây. Cống hiến đẹp đẽ, đáng nhớ nhất của Đức chính là sự hiện diện của con người cá nhân đầy tài hoa và cá tính của anh.

Tôi nghĩ về điệu múa Manchurian trong những dòng Đức viết. Tại sao một người có giọng nói đẹp, có biệt tài trò chuyện, cả đời làm việc với ngôn ngữ như Đức lại có giấc mơ lý tưởng dưới hình hài một điệu múa chứ không phải âm thanh?

Tôi chợt nhận ra, cả cuộc đời anh đã là một hành trình thầm lặng bất tuân các giới hạn, kể cả các giới hạn của quốc tịch, ngôn ngữ và văn hoá, đập vỡ chúng rồi biến chúng thành chất liệu của tự do bên trong mình.

Cảm ơn anh đã vô tình ghé qua và trở thành một người mãi mãi quan trọng trong ký ức của gia đình chúng tôi.

Cảm ơn bạn bè, người thân của anh, những người đã ở bên anh những ngày tháng qua – điều chúng tôi luôn mong muốn được làm với những người thân của mình ở Việt Nam mà không có điều kiện thực hiện.

Anh Đức ơi, “I’d like to see you, as a red crowned Manchurian crain, spreading your wings up there in a marvellous and joyful dance…”

——-

* Theo nhà văn Nguyen Thanh Viet

Nguồn: FB Dạ Thảo Phương

Nhớ Nguyễn Quí Đức

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Ngày 22 Tháng Mười Một, nhà báo-nhà văn Nguyễn Quí Đức đã qua đời ở Hà Nội, vì bị ung thư máu!

Nhà báo Nguyễn Quí Đức trong quán Tadioto ở Hà Nội. (Hình: Đỗ Lê Anhđao/Da Màu)

Thật vô cùng sửng sốt: anh còn quá trẻ, mới 65 tuổi.

Tôi quen Nguyễn Quí Đức qua nhà văn Nguyễn Mộng Giác, chủ bút tạp chí Văn Học (California), vào thập niên 1990, khi cả hai chúng tôi đang cùng cộng tác với tạp chí này. Anh là một người đa năng, đa tài. Thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, anh vừa sáng tác vừa dịch thuật đủ loại: bình luận tin tức, tiểu luận, truyện ngắn, bút ký, thơ… đăng tải trên báo chí Hoa Kỳ cũng như trên một số tạp chí văn chương hải ngoại, báo giấy lẫn báo mạng.

Một trong số khá nhiều bài viết của anh mà tôi thích nhất, ngoài “Ngao Du,” một truyện ngắn viết theo hình thức “hiện thực hoang đường” đi trên trang mạng Talawas, là bút ký “Revisiting Vietnam 50 Years After the Tet Offensive” (Nhìn lại Việt Nam 50 năm sau Cuộc Tổng Tấn Công Tết), xuất hiện trên tạp chí Smithsonian (Washington, DC) số tháng 1 và 2, 2018. Qua bút ký này, anh kể lại câu chuyện gia đình anh trong bối cảnh của cuộc thảm sát Mậu Thân tại Huế do Cộng Sản Việt Nam tiến hành ngay trong dịp Tết.

Đầu năm 1968, Nguyễn Quí Đức – lúc đó, anh mới lên 9 tuổi – cùng với gia đình từ Đà Nẵng, nơi thân phụ anh làm việc, ra Huế ăn Tết. Vì thân phụ anh là một công chức cao cấp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (nếu tôi nhớ không làm thì lúc đó, ông là Đại Biểu Chính Phủ), nên cả gia đình được cư trú tại Nhà Khách chính phủ, chỉ cách Tòa Tỉnh Trưởng một đoạn đường ngắn.

Khuya Mùng Một Tết (31 Tháng Giêng, 1968), bộ đội Cộng Sản đánh chiếm Huế. Anh chứng kiến cảnh bộ đội vào Nhà Khách bắt cha anh đi: “Tôi leo lên giường và cố nhìn ra ngoài. Đám bộ đội bắt những người đàn ông sắp thành hàng và trói khuỷu tay họ sau lưng. Một lúc sau, họ dẫn giải những người đàn ông đi. Tôi nhìn thấy cha tôi trong đó.”

Sau khi Cộng quân rút lui gần một tháng sau đó, gia đình anh trở lại Đà Nẵng, sống trong một cơn khủng hoảng nặng nề: không biết cha anh sống chết ra sao. Vài tháng sau, khi nghe tin ở Huế, người ta khám phá những mồ chôn tập thể do bộ đội Cộng Sản sát hại, mẹ anh về Huế mong tìm xác chồng. Sau nhiều lần đi đến các nơi khai quật mà không tìm được gì, lại quá “khiếp hãi khi nhìn thấy những thây ma thối rữa và đầy thương tật,” nên bà không dám trở lại nữa. Bắt đầu từ đó, “Trong khi những gia đình khác đã chôn cất người thân của họ, lập bàn thờ và đã phần nào khép lại nỗi buồn, thì gia đình tôi vẫn sống trong nỗi đau thầm không giấu giếm (open secret).”

Năm năm sau khi hiệp định Paris được ký kết (1973) và hai bên trao trả tù binh, gia đình anh mới biết tin là thân phụ anh còn sống, nhưng bị đày ải ở một trại tù nào đó ở vùng biên giới Trung Quốc. Mãi đến năm 1980, ông mới được tha về và cho phép qua Hoa Kỳ định cư, nơi Nguyễn Quí Đức đã đến ở từ Tháng Tư, 1975, do mấy người chú tìm cách đưa anh sang.

Gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách, hai cha con nói chuyện với nhau về quá khứ, nhưng “không bao giờ nói về năm 1968” vì điều đó quá nặng nề. Ông đọc sách, xem phim và cho in một tập thơ gồm những bài thơ mà ông đã làm khi bị giam cầm với bút hiệu Hoàng Liên, trong đó, lời đề tựa chỉ ghi một câu: “Tôi đau khổ, vậy tôi hiện hữu.”

Ông qua đời vào năm 2000. Dù đau đớn, nhưng theo anh, gia đình anh có lẽ là may mắn và “có hậu” nhất trong số không biết bao gia đình có thân nhân bị Cộng Sản bắt năm 1968.

Nhìn lại thời kỳ đó, Nguyễn Quí Đức cho rằng “cuộc Tổng Tấn Công Tết và 1968 là cuộc chiến của chúng ta: Người Việt chúng ta đã giết lẫn nhau.” Ấy thế mà ở Việt Nam hiện nay, biến cố 1968 được mô tả như một chiến công anh hùng, và bộ máy tuyên truyền nhà nước cứ vài năm một lần vẫn cứ tiếp tục tăng tốc ca ngợi nó.

“Nhưng về cuộc tàn sát hàng ngàn người dân Huế thì sao? Không một lời,” theo anh. Huế bây giờ có rất nhiều khách du lịch. Họ viếng thăm lăng tẩm, hoàng thành, đền đài miếu mạo. Các “Hướng dẫn viên du lịch nói với họ về quá khứ, nhưng họ làm như không biết những lỗ đạn chọc thủng những bức tường thành bên trong Hoàng Thành và ở khắp nơi. Không có du khách nào được dẫn đi xem những khu mộ tàn sát tập thể y như họ được dẫn đi thăm những ‘cánh đồng chết’ nổi tiếng của Khmer Đỏ ở Cam Bốt.”

Đã hơn nửa thế kỷ rồi, trong khi cuộc thảm sát Mậu Thân không thể thoát khỏi ký ức của anh và của người dân Huế, thì cuộc thảm sát đó vẫn bị nhà nước Cộng Sản che giấu, mà anh gọi là một “sự im lặng toàn quốc về biến cố 1968” (The national silence about 1968) và tự hỏi chẳng biết bao giờ sự im lặng đó mới được giở bỏ.

Mấy năm trước đó, theo Nguyễn Quí Đức, một nhóm phóng viên truyền hình Pháp-Đức đã phỏng vấn anh về tình hình hậu chiến ở Việt Nam. Anh trao đổi nhiều điều với nhóm truyền hình, đặc biệt nhấn mạnh đến biến cố Mậu Thân. Cuộc phỏng vấn ấy được chiếu ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng không hề được chiếu tại Việt Nam. Chính quyền Việt Nam hoàn toàn im lặng. Nhưng Nguyễn Quí Đức không chịu im lặng, mà lên tiếng bằng cách viết.

Thay vì viết để “vinh danh một phiên bản lịch sử do những người còn sống, những người chiến thắng viết,” mà để “vinh danh những người đã chết và tưởng niệm họ,” như lời khuyên của một nhà văn quen. Đó là lý do khiến cho bút ký “Revisiting Vietnam 50 Years After the Tet Offensive” xuất hiện trên tờ Smithsonian.

Nhà báo Nguyễn Quí Đức. (Hình: GoFundMe)

Trong một email trao đổi với tôi về bài viết này ngày 26 Tháng Giêng, 2018, Nguyễn Quí Đức viết: “Em ước gì trong những người bộ đội đã tham gia vào vụ giết chóc đó đủ can đảm để nói lên câu chuyện này, bày tỏ một cảm xúc nào đó.  Em chưa hề đọc được một bài nào như vậy nói đến một chút ăn năn, hối hận. Hoặc ít nhất nhìn nhận sự thật.

Đôi khi em cũng bị dằn xé giữa những vết thương cũ, nhu cầu nói lên câu chuyện ngày xưa, và

cái ước mong cho có một thế hệ trong sáng, không bị cái quá khứ đè nặng trong tâm tưởng. Nhưng em nghĩ sự trong trắng đó phải bắt nguồn từ một lương tâm đã biết nhìn nhận sự cuồng điên, cái ác của quá khứ, để sau đó hướng đến cái thiện trong tương lai, như ở nước Đức, hay phần nào ở Nhật.

Em ít về Huế vì nhiều khi không dám đương đầu với ký ức, uất ức và u ám ở đó.

Chính em cũng biết mình đã cúi mặt làm ngơ.

Đức.”

***

Nguyễn Quí Đức sinh ở Đà Lạt năm 1958, con của ông Nguyễn Văn Đãi và bà Nguyễn Khoa Diệu Liễu. Định cư ở Hoa Kỳ năm 1975, anh tốt nghiệp đại học ngành truyền thanh và truyền hình tại San Francisco State University.

Anh bắt đầu làm việc cho đài BBC, đài phát thanh KALW-FM tại San Francisco và bình luận viên cho National Public Radio từ năm 1989. Các bài bình luận tin tức, các tiểu luận, truyện ngắn và thơ được đăng trên các tạp chí Mỹ như The Asian Wall Street Journal Weekly, The New York Times Magazine, The San Francisco Examiner, The San Jose Mercury News… và trên các tạp chí và trang mạng Việt Nam như Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Da Màu, Talawas…

Anh được trao tặng một số giải thưởng về báo chí và phim ảnh ở Hoa Kỳ, trong số đó có “Citation of Excellence” của Overseas Press Club, “One of 30 Most Notable Asian Americans” của A-Media, “Distinguished Service Award” của  the Society of Professional Journalists…

Anh đã xuất bản nhiều tác phẩm, trong đó có: “Where the Ashes Are: The Odyssey of a Vietnamese Family” (Tro Tàn Nơi Đâu: Cuộc Phiêu Lưu Của Một Gia Đình Việt Nam); “Behind The Red Mist” (Phía Sau Màn Sương Đỏ) truyện dịch của Hồ Anh Thái; “A Traveler’s Literary Companion” (Người Đồng Hành Văn Chương Của Lữ Khách) và “Once Upon A Dream, The Vietnamese American Experience” (Giấc Mơ Xưa, Kinh Nghiệm Người Mỹ Gốc Việt) – hai tuyển tập dịch các truyện ngắn của nhiều tác giả Việt Nam; “Người Lính Tên Tony D.” (kịch), sáng tác dựa trên truyện ngắn của Lê Minh Khuê; “Đêm Thượng Hải” (phim tài liệu).

Anh đến Mỹ năm 1975, nhưng trở về sống ở Hà Nội từ năm 2006.

Tại Việt Nam, anh từng mở nhà hàng có tên Tadioto ở Hà Nội và Hội An.

“Việt Nam là nhà, và đó là một nơi lý thú nhất lục địa,” nhà báo Nguyễn Quí Đức từng nói với nhật báo The San Francisco Chronicle năm 2006. “Tôi có rất nhiều cơ hội tại đất nước này, một nơi cho tôi rất nhiều. Ở đó, tôi cảm thấy ấm áp hơn. Tôi có thời gian cho bạn bè.” [qd]

Nguyễn Quí Đức, với quán nhậu đã trở thành điểm tụ tập ở Hà Nội, qua đời ở tuổi 65

 

New York Times

Tác giả: Seth Mydans

Cù Tuấn, dịch

7-12-2023

Tóm tắt: Từng là người tị nạn và phát thanh viên thành công trên đài phát thanh ở Mỹ, ông đã mở một không gian triển lãm tại quê hương Việt Nam, thu hút các nghệ sĩ và đại sứ. Anthony Bourdain đã từng ghé chơi chỗ này.

Nguyễn Quí Đức, chủ sở hữu của một quán nhậu và không gian triển lãm đã trở thành địa danh của Hà Nội, nơi cả người Việt và người nước ngoài tụ tập để thưởng thức âm nhạc, thơ ca và những đêm dài uống rượu và sushi, đã qua đời vào ngày 22/11 tại một bệnh viện ở Hà Nội, thọ 65 tuổi.

Nguyên nhân cái chết là do ung thư phổi, em gái ông và là người còn sống duy nhất trong gia đình, bà Nguyễn Diệu Hà, cho biết.

Là một người tị nạn chiến tranh khi còn là một thiếu niên, ông Đức đã thành công với vai trò bình luận viên đài phát thanh ở Mỹ trước khi trở về Việt Nam vào năm 2006 để bắt đầu cuộc sống mới ở đó. Tính cách lôi cuốn của ông đã thu hút một lượng khách hàng đa dạng đến quán, từ các nghệ sĩ hoạt động ngầm đến các đại sứ.

Salon của ông “cung cấp nơi trú ẩn và tình bạn cho những tiếng nói sáng tạo mới ở Việt Nam nở rộ sau chấn thương chiến tranh”, Tom Miller, một luật sư người Mỹ và một người bạn lâu năm, viết trong email.

Các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mang tính thử nghiệm mà ông Đức trưng bày đã thử thách những giới hạn chính thức ở Việt Nam, nhưng trong cái mà ông Miller gọi là trò chơi mèo vờn chuột với chính quyền, giống như trò chơi của nghệ sĩ Ngải Vị Vị ở Trung Quốc, ông Đức đã tìm ra cách để tiếp tục tồn tại.

Ông đặt cho tiệm của mình một cái tên hay, lấy từ sách giáo khoa Việt Nam: Tadioto, có nghĩa là “ta đi ô tô”.

“Đó là câu đầu tiên cậu bé Đức học đọc”, Trần Thị Nhu, một người họ hàng cho biết, “và khi về Việt Nam, Đức giống như học đọc lại vậy”.

Ông Đức từng miêu tả Tadioto là “một phòng trưng bày, một không gian tổ chức sự kiện, một điểm gặp gỡ của những người sáng tạo và không chính thống, và là không gian thoải mái cho người nước ngoài”.

Là nơi ẩn náu khỏi sự hỗn loạn của Hà Nội đang hiện đại hóa nhanh chóng, Tadioto, với đầy đủ các món sushi-ramen và whisky, là một phiên bản êm dịu của Rick’s Cafe Americain trong bộ phim “Casablanca”, nhưng không có sự hối hả và hấp dẫn của Rick’s.

Tadioto trở thành điểm dừng chân bắt buộc của các nhà báo, nhà ngoại giao và du khách nổi tiếng, như đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain, người được ông Đức hộ tống quanh Hà Nội, và ca sĩ Tom Waits, người từng biểu diễn không chính thức ở đó.

Tadioto thể hiện hai mặt của một người, giống như nhiều người tị nạn, tiếp tục tìm kiếm danh tính rất lâu sau khi bị nhổ bỏ rễ.

“Tôi không còn có một bản sắc duy nhất”, ông viết trong một tiểu luận năm 2008 có tựa đề “Nước Mỹ bên trong tâm hồn người Việt” đăng trên trang web của loạt phim tài liệu “Frontline” của PBS.

Tôi bị chia làm hai phần – một phần vẫn đậm chất Việt, một phần vẫn đậm chất Mỹ. Có những lúc tôi khó có thể giải thích được cho chính mình”.

Trong một bài chia sẻ trên Facebook, Kim Ninh, từng là một người tị nạn đại diện cho Tổ chức Châu Á ở Hà Nội trong nhiều năm, đã viết về cảm giác chung của họ về sự lạc lõng.

Bà viết: “Nỗi đau đớn của con người đã tô điểm cho cuộc đời ông, một phần lịch sử gia đình, một phần lịch sử quốc gia, một phần thế giới mà ông đã cố gắng để hiểu. Hoặc ít nhất, để ghi chép lại. Cho đến cuối cùng, chúng tôi vẫn nói về nỗ lực chung của mình để tìm ‘về nhà’. Chúng tôi biết đó là một nỗ lực vô ích, nhưng nó thấm vào mọi thứ: công việc của Đức với tư cách là một nhà báo và một nhà văn; những chuyến đi của ông ấy, cảm giác thẩm mỹ phi thường nơi tình yêu bóng tối luôn hiện hữu”.

Ngoài công việc ở đài phát thanh — ông còn là phát thanh viên của KALW và KQED ở San Francisco, đóng góp cho NPR và sau đó có chương trình NPR của riêng mình, “Pacific Time” — ông Đức đã xuất bản thơ và truyện trên nhiều tạp chí, trong đó có City Lights Review ở San Francisco; đã viết một vở kịch; sản xuất một bộ phim tài liệu truyền hình; và dịch thơ và tiểu thuyết tiếng Việt để xuất bản bằng tiếng Anh.

Đức là người thời Phục hưng, làm nghệ thuật, làm robot, làm điêu khắc, thiết kế nhà cửa, thiết kế mọi thứ”, bà Nhu nói. “Đầu óc nhanh nhạy của anh ấy luôn hướng tới điều tiếp theo”.

Nhưng cuộc đời của ông không chỉ là tổng số các phần của nó. Với tư cách là một người bạn, tiểu thuyết gia đoạt giải Pulitzer Việt Thanh Nguyễn đã viết trên Facebook: “Tôi coi cuộc đời của Đức là tác phẩm nghệ thuật quan trọng nhất của anh ấy”.

Nguyễn Quí Đức sinh ra ở Đà Lạt, miền Nam Việt Nam, vào ngày 16 tháng 9 năm 1958, trong một gia đình quý tộc. Cha ông, Nguyễn Văn Đài, là thống đốc dân sự của thành phố Huế, và mẹ ông, tên khai sinh là Nguyễn Khoa Diệu Liễu, là hiệu trưởng một trường học; bị mất việc sau năm 1975, bà phải bán mì sợi để trang trải cuộc sống .

Ông Đức kể lại câu chuyện ly biệt và chịu đựng của gia đình trong cuốn hồi ký không chính thức năm 2009, “Tàn tro: Cuộc phiêu lưu của một gia đình Việt Nam”.

Ông mới 10 tuổi khi quân Bắc Việt bắt giữ người cha trong một chiến dịch quân sự năm 1968 được gọi là cuộc tấn công Tết Mậu Thân và giam cầm ông trong hơn một thập kỷ. Khi chiến tranh kết thúc, Đức, khi đó 17 tuổi, đã tự mình chạy trốn bằng tàu thủy sang Mỹ và sau đó lên đường đến bang Ohio, nơi anh cùng với một anh chị em đã chuyển đến đó.

Mẹ anh ở lại Việt Nam cùng với một người chị khác là Nguyễn Thị Diệu Quỳnh, đã qua đời vì suy thận năm 1979 sau một thời gian chống chọi với bệnh tâm thần.

Ông Đức hoàn thành chương trình giáo dục trung học ở Virginia và trở thành công dân Mỹ vào năm 1981. Sau đó, ông dành một năm ở Indonesia làm việc trong một trại tị nạn để giúp đỡ những người được gọi là thuyền nhân Việt Nam đã cập bến ở đó.

Năm 1984, sau khi cha được thả, ông được đoàn tụ với cha mẹ ở San Francisco, nơi ông bắt đầu sự nghiệp phát thanh của mình với tư cách là một phóng viên và bình luận viên.

Đối với một người không có bản sắc rõ ràng, ông Đức cho biết, ông thấy việc làm tại đài phát thanh là một phương tiện lý tưởng. “Tôi thích việc bạn trở nên vô danh, gần như vô danh và chỉ là một giọng nói”, ông nói với tạp chí trực tuyến And of Other Things vào năm 2015. “Bạn có thể trở nên thân mật, uy quyền, thân thiện, được nghe nhưng không được nhìn thấy… một giọng nói vô danh, vô danh cho phép con người tưởng tượng”.

Khi ở San Francisco, ông Đức đã kết hôn với một phụ nữ người Anh, nhưng họ ly hôn một cách thân thiện ngay sau đó.

Ông Đức trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1989 để ghi hình cho Đài phát thanh quốc gia. Khi ở đó, ông đã lấy tro cốt của em gái mình từ một ngôi chùa Phật giáo và lén lút mang chúng về San Francisco, tượng trưng cho sự đoàn tụ gia đình.

Ông chuyển hẳn về Việt Nam vào năm 2006, mang theo người mẹ góa bụa (người cha mất năm 2000) mắc chứng mất trí nhớ, và đưa bà đến một nơi ẩn dật ở ngoại ô Hà Nội cho đến khi bà qua đời vào năm 2011.

Ông quyết định ở lại, nói với NPR điều đó năm 2015, để “hoàn thiện con người mà tôi muốn trở thành”, sau khi con người cũ “bị gián đoạn để đến Mỹ và trở thành một người khác”.