Seite auswählen

Tại sao một nhà nước Palestine là giải pháp an ninh tốt nhất cho Israel?

Nguồn: Josep Borrell, “Why a Palestinian state is the best security guarantee for Israel,” Financial Times, 26/11/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nghiên Cứu Quốc Tế

Khoảng trống quyền lực ở Gaza sau cuộc chiến hiện tại có thể sẽ lại gây ra một chu kỳ bạo lực và khủng bố mới.

Tôi vừa trải qua năm ngày ở Trung Đông. Cùng với Ukraine, nơi đây đã trở thành một trong những khu vực bất ổn nhất thế giới. Một vài khoảnh khắc bình yên có thể tạo ấn tượng rằng căng thẳng đang giảm bớt, nhưng xung đột Israel-Palestine vẫn đang lan rộng hơn bao giờ hết và vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Sự thiển cận về mặt chính trị của chúng ta, khi cho rằng cuộc xung đột này có thể giải quyết được chỉ bằng cách nói suông về giải pháp hai nhà nước mà không chịu bắt tay “chữa lành vết thương,” phải chấm dứt. Không chỉ vì lý do nhân đạo, công lý, hay đạo đức, mà còn bởi nếu chúng ta không giải quyết vấn đề ngay bây giờ, nó có thể dẫn đến một làn sóng di dân, bao gồm cả hướng về châu Âu, đồng thời làm trầm trọng thêm nguy cơ khủng bố và căng thẳng giữa các cộng đồng.

Khu vực này một lần nữa bị ám ảnh bởi đau thương và phẫn nộ. Người Israel đã bị tác động sâu sắc bởi vụ tàn sát ngày 7/10, khiến hơn 1.200 người thiệt mạng và hơn 200 con tin bị bắt giữ. Về phần mình, người Palestine phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, một cuộc tàn sát khác với hơn 13.000 nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, cùng với các cuộc tấn công của những người định cư Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem bị chiếm đóng. Một lệnh ngừng bắn tạm thời và trao trả một nhóm con tin vừa có hiệu lực vào thứ Sáu. Tôi hy vọng điều này sẽ tạo ra động lực tích cực dẫn đến việc thả tất cả con tin và chấm dứt tình trạng thù địch.

Nỗi kinh hoàng do Hamas và các nhóm cực đoan khác tạo ra đang gây bất lợi cho người Palestine. Những nhà lãnh đạo tôi gặp ở Ramallah đều thừa nhận điều này. Tuy nhiên, đối với họ, vấn đề cơ bản nằm ở sự chiếm đóng của Israel. Những nhà lãnh đạo này đã phải chật vật giải thích cho cử tri lý do tại sao quyền tự do đi lại của họ bị hạn chế, trong khi các khu định cư bất hợp pháp lại nở rộ và những người định cư có thể tự do tấn công họ. Giới lãnh đạo Palestine cũng không thể đảm bảo an ninh ở Bờ Tây bị chiếm đóng, trong khi Israel đang giữ lại tiền thuế của người Palestine mà họ đã thu hộ Chính quyền Dân tộc Palestine.

Không thể đem nỗi đau này ra biện minh cho một nỗi đau khác. Nhưng mỗi bên chỉ đang chăm chăm nhìn vào bi kịch của mình, vào những gì đã xảy ra hôm qua, hoặc những gì đang xảy ra hôm nay. Tuy nhiên, còn có một ngày mai mà cả hai bên đều chưa thể hình dung được. Người Israel tin rằng họ cần phải loại bỏ Hamas để đảm bảo an ninh cho mình, trong khi người Palestine ưu tiên chấm dứt thảm họa nhân đạo và hành động khiêu khích của nhóm người định cư ở Gaza

Bất chấp những thách thức này, chúng ta phải luôn để ngỏ khả năng hòa bình. Chuyến đi gần đây của tôi tới khu vực này đã củng cố niềm tin của tôi rằng sự đảm bảo tốt nhất cho an ninh của Israel là thành lập một nhà nước Palestine. Và, trong ngắn hạn, chúng ta nên tránh làm suy yếu Chính quyền Dân tộc Palestine.

Các khoảng trống không thể tồn tại lâu trong tự nhiên hoặc trong chính trị. Nếu cả Hamas và Israel đều không quản lý Gaza, thật ra họ không nên làm vậy, khoảng trống quyền lực sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi các lực lượng không kiểm soát được, những người có thể biến Gaza thành một lãnh thổ thất bại và mở đường cho một chu kỳ bạo lực và khủng bố khác. Kể từ thời Hobbes, chúng ta đã biết rằng một xã hội không có Leviathan – một nhà nước – sẽ phải gánh chịu bạo lực và hỗn loạn.

Chúng ta đã chứng kiến những tình huống tương tự xảy ra quá nhiều lần trước đây. Chúng ta đã chứng kiến dòng người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria tiến vào Lebanon, Jordan, và Thổ Nhĩ Kỳ. Những quốc gia này không thể đón thêm một làn sóng người tị nạn Palestine nữa. Như lời của một trong những người đối thoại với tôi vào tuần trước, chúng ta sẽ không thể sống sót sau một Nakba nữa. Và châu Âu cũng như cộng đồng quốc tế sẽ không và không thể chấp nhận một cuộc di dời hàng loạt người Palestine một cách cưỡng bức.

Để ngăn Gaza rơi vào tay các nhóm vũ trang không được kiểm soát có thể gây bất ổn cho toàn bộ khu vực lân cận, bắt đầu từ Israel, lãnh thổ này phải được quản lý bởi một nhà nước đại diện cho người dân của mình. An ninh của chính Israel đòi hỏi phải thành lập một nhà nước Palestine ở Gaza và khu Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem.

Làm thế nào và khi nào chúng ta đạt được mục tiêu này? Câu trả lời phụ thuộc vào tất cả chúng ta. Có một điều rõ ràng: tất cả những người đối thoại với tôi ở thế giới Ả Rập đều chấp nhận sự tồn tại của Israel và muốn can dự với nước này. Họ nhận ra cơ hội to lớn nằm ở một khu vực hòa bình, hợp tác xuyên biên giới, và vai trò tiềm năng của Israel là động lực kinh tế khu vực. Nhưng tất cả cũng đồng ý rằng sự hợp tác Ả Rập-Israel phụ thuộc vào việc giải quyết vấn đề Palestine. Đơn giản là không có đường tắt.

Để tiến về phía trước, chúng ta phải hướng tới một giải pháp dựa trên công lý và quyền bình đẳng cho cả hai dân tộc. Điều này trước hết có nghĩa là nhu cầu về an ninh trong toàn khu vực và ở châu Âu, nơi phải đối mặt với những hậu quả tức thời của sự bất ổn. Là những nước láng giềng, chúng ta phải hợp lực với các đối tác trong khu vực và trên toàn thế giới để đạt được một giải pháp chính trị khả thi, lâu dài, vì lợi ích của người Israel, người Palestine, và khu vực. Đây cũng là vì lợi ích tốt nhất của chúng ta. EU, cùng với một số quốc gia Ả Rập, đã khởi xướng những nỗ lực hướng tới mục tiêu này thông qua Nỗ lực Ngày Hòa bình (Peace Day Effort), được trình bày tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 9, ngay trước khi “cơn bão” bắt đầu. Và chúng tôi quyết tâm tiếp tục làm việc hướng tới mục tiêu này.

Josep Borrell là Cao uỷ EU về chính sách đối ngoại và an ninh.

Giải pháp ‘một nhà nước’ cho Israel và Palestine là gì?

israelobama

Nguồn: Why is there talk of a “one-state solution” for Israelis and Palestinians?”, The Economist, 20/03/2013.

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Nghiên Cứu Quốc Tế

Tổng thống Barrack Obama gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Israel lần đầu tiên hồi tháng 3/2013. Họ đã trao đổi về nhiều vấn đề khác nhau, nhưng một mục tiêu đối ngoại của Mỹ là việc Tổng thống Obama sẽ nêu vấn đề tạo ra một nhà nước Palestine riêng biệt song song với Israel- tức giải pháp hòa bình “hai nhà nước” nổi tiếng ở Trung Đông. Tuy nhiên, gần đây người ta cũng đã thảo luận nhiều về một giải pháp “một nhà nước” cho vấn đề nan giải này. Điều gì đang xảy ra?

Trong thực tế đây là một ý tưởng kiểu “bình mới rượu cũ”. Một số người Do Thái đã ủng hộ việc thành lập một nhà nước duy nhất cho cả hai dân tộc ở vùng Đất Thánh từ lâu trước khi Israel ra đời. Ngày nay, đối với những người sống ở Israel và ở nước ngoài, những người thấy việc mọi người phải chia sẻ duy nhất một bản sắc sắc tộc hay tôn giáo trong một quốc gia đồng nhất đã trở nên lỗi thời, thì ý  tưởng về một nhà nước chung (cho cả người Do thái và người Palestine) có vẻ hấp dẫn. Những người Israel nào ghét ý tưởng từ bỏ bất cứ vùng lãnh thổ nào cho người Palestine cũng thích ý tưởng này vì nó có vẻ như là họ vẫn giữ được những vùng lãnh thổ mà họ có. Và đối với một số người bên ngoài, giải pháp “một nhà nước” cũng hấp dẫn vì việc đàm phán để thành lập hai nhà nước riêng biệt là hết sức khó khăn và đạt được rất ít tiến bộ.

Vì vậy, những người nói về giải pháp một nhà nước có thể hiểu nó theo những nghĩa hoàn toàn khác và không tương thích với nhau. Ở phía cánh hữu của chính trị Israel, nó có nghĩa là trục xuất người Palestine tới một số nước thứ ba (Jordan thường xuyên được đề cập đến, mặc dù Jordan đã không hứng thú với ý tưởng này). Đối với những người cánh tả, điều đó đồng nghĩa với một một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo, nơi một người Hồi giáo Palestine có thể một ngày nào đó trở thành thủ tướng. Hai bên sẽ khó đạt được nhận thức chung về giải pháp này.

Tại một thời điểm nào đó trong tương lai, yếu tố nhân khẩu học sẽ buộc Israel phải lựa chọn giữa một nhà nước chủ yếu là người Do Thái với một nền dân chủ (đa sắc tộc), bởi vì người Israel gốc Palestine đang có tỉ lệ sinh nở lớn hơn so với người Do Thái. Cách duy nhất để tránh phải đưa ra lựa chọn này là tạo ra một nhà nước lâu dài và riêng biệt cho người Palestine. Điều này có nghĩa là người ta sẽ lại sớm quay về với giải pháp “hai nhà nước” trong tương lai.

29/11/1947: Liên Hợp Quốc bỏ phiếu phân vùng Palestine

israel-palestine-flag

Nguồn: U.N. votes for partition of Palestine,” History.com (truy cập ngày 28/11/2015).

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Nghiên Cứu Quốc Tế

Vào ngày này năm 1947, bất chấp sự phản đối từ phía các nước Ả-rập, Liên Hợp Quốc đã tiến hành bỏ phiếu về việc phân vùng Palestine và thành lập một nhà nước Do Thái độc lập.

Cuộc xung đột hiện đại giữa người Do Thái và người Ả-rập ở Palestine bắt nguồn từ những năm 1910, khi cả hai nhóm tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của Anh này. Người Do Thái là những người phục quốc (Zionist), di dân từ châu Âu và Nga về quê hương cổ xưa của mình để thành lập một nhà nước Do Thái. Người Ả-rập Palestine bản địa đã tìm cách ngăn chặn cuộc di cư của người Do Thái và thiết lập một nhà nước Palestine thế tục.

Bắt đầu từ năm 1929, người Ả-rập và người Do Thái công khai xung đột với nhau ở Palestine, và Anh đã cố gắng hạn chế người Do Thái nhập cư để làm vừa lòng người Ả-rập. Cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã ở châu Âu đã buộc nhiều người Do Thái nhập cư bất hợp pháp vào Palestine trong Thế chiến II. Các nhóm Do Thái cực đoan đã sử dụng khủng bố để chống quân đội Anh ở Palestine, lực lượng mà họ cho là đã chống lại lý tưởng phục quốc. Cuối Thế chiến II, năm 1945, Hoa Kỳ ủng hộ lý tưởng của người Do Thái. Không tìm được một giải pháp thiết thực, Anh đã đưa vấn đề này lên Liên Hợp Quốc, dẫn đến cuộc bỏ phiếu quyết định phân vùng Palestine vào ngày 29 tháng 11 năm 1947.

Người Do Thái sở hữu hơn một nửa diện tích Palestine, dù họ chiếm chưa đến một nửa dân số Palestine. Được hỗ trợ bởi tình nguyện viên đến từ các nước khác, người Ả-rập Palestine đã chiến đấu với lực lượng Do Thái phục quốc, nhưng người Do Thái vẫn bảo đảm được quyền kiểm soát đầy đủ đối với phần lãnh thổ Palestine được Liên Hợp Quốc phân bổ và cả một số phần lãnh thổ Ả-rập. Ngày 14 tháng 5 năm 1948, Anh rút quân sau khi hết thời hạn ủy trị, và Chủ tịch Cơ quan Do Thái David Ben-Gurion tuyên bố thành lập Nhà nước Israel. Ngày hôm sau, các lực lượng từ Ai Cập, Transjordan, Syria, Li-băng, và Iraq tiến hành xâm chiếm nhà nước mới này.

Tuy được trang bị kém hơn, người Israel đã trụ vững trước người Ả-rập và sau đó chiếm thêm các vùng lãnh thổ quan trọng như vùng Galilee, khu vực bờ biển Palestine, và một dải đất nối vùng ven biển với Tây Jerusalem. Năm 1949, lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc dàn xếp đã giúp Nhà nước Israel có quyền kiểm soát thường trực đối với những khu vực đã chinh phục được. Việc hàng trăm ngàn người Ả-rập Palestine rời khỏi Israel trong chiến tranh đã khiến đất nước này có dân Do Thái chiếm đa số.