Seite auswählen

Việt Nam tham gia ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ với Trung Quốc chỉ là ‘nỗ lực làm yên lòng Bắc Kinh’ sau khi Hà Nội xích gần về phương Tây, các nhà quan sát nhận định với VOA, và việc này ‘về cơ bản không thay đổi gì quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc hay với Mỹ’.

Hôm 12/12, Việt Nam nhất trí xây dựng ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ với Trung Quốc theo lời đề nghị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc gặp giữa ông Tập với Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Tuyên bố chung của hai nước ghi rằng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc ‘có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại’.

Theo giải thích của ông Tập trong bài viết trên báo Nhân dân của Việt Nam thì ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ có nghĩa là Trung Quốc ‘gắn kết sự phát triển của mình với sự phát triển của các nước láng giềng để mỗi nước đều có cuộc sống tươi đẹp’.

Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tương lai châu Á ‘nằm trong tay người dân châu Á’ trong ngụ ý nhằm loại vai trò của Mỹ ra khỏi khu vực.

Để lôi kéo Việt Nam tham gia ý tưởng này, Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ mở cửa hơn nữa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, nhất là nông sản, và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho Việt Nam để tăng cường kết nối hai nước.

‘Giữ thể diện cho ông Tập’

Việt Nam chấp nhận đề xuất này của Trung Quốc là để ‘giúp ông Tập giữ thể diện’ và ‘giữ ổn định’ sau khi họ đã nâng cấp quan hệ với Mỹ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi đầu tháng 9, ông Greg Poling, giám đốc Chương trình đông nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C., nói với VOA.

“Tất cả thông tin đều cho thấy Hà Nội không muốn gia nhập ý tưởng của Trung Quốc về cộng đồng chung vận mệnh nhưng cuối cùng họ cảm thấy cần phải nhượng bộ trên vấn đề này,” ông Poling nói thêm

Ông lưu ý khái niệm này lúc đầu có tên là ‘Cộng đồng chung vận mệnh’ nhưng sau đó đã được điều chỉnh thành ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ để có sự bao trùm hẹp hơn. Theo lời ông thì khái niệm này chỉ là ‘ngôn từ rất kêu nhưng nội dung không có gì nhiều’.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang từ Viện Nghiên cứu đông nam Á ở Singapore nhắc lại ý tưởng về Cộng đồng chung vận mệnh của ông Tập Cận Bình không phải là điều gì mới mẻ và trước Việt Nam đã có 6 nước đông nam Á ký kết tham gia cộng đồng này.

“Khái niệm rộng và bao trùm nhiều vấn đề nhưng mà trên thực tế thực hiện như thế nào thì không được cụ thể lắm. Cho nên tôi nghĩ việc ký kết này nhìn chung mang ý nghĩa nhiều hơn về hình thức bên ngoài,” ông Giang nói với VOA.

Ông lưu ý cách nói ‘chung vận mệnh’ ‘hơi nhạy cảm với Việt Nam’, khó được Việt Nam chấp nhận, nên phải đổi thành ‘chia sẻ tương lai’.

Khi được hỏi việc Việt Nam đồng ý với ý tưởng này có phải thành công của ông Tập trong chuyến công du Việt Nam hay không, ông Giang nói: “Phần nào đây là động thái tái cân bằng của Việt Nam khi mà trong năm qua Việt Nam đã có rất nhiều những cải thiện đáng kể về quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây.”

Theo lời ông giải thích thì khi chấp nhận ý tưởng này, Hà Nội muốn trấn an Bắc Kinh rằng họ ‘sẽ không bỏ rơi Trung quốc để chạy sang phía bên kia cũng như sẽ không tham gia vào nỗ lực kiềm tỏa Trung Quốc’.

Cho nên chuyên gia cho rằng đây là động thái ngoại giao ‘khá bình thường’ của Việt Nam để đảm bảo an ninh của Việt Nam với Trung Quốc trong khi tạo điều kiện choViệt Nam có bước phát triển mới.

‘Không có gì thay đổi’

“Cho dù là gì đi nữa, cộng đồng này không có ý nghĩa ngoại giao gì đối với Việt Nam – Trung Quốc vẫn chỉ là một đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam giống như Mỹ, Hàn, Nhật,” ông Greg Poling nói và lưu ý rằng các văn kiện được hai nước ký kết ‘đều rất mơ hồ’.

“Việt Nam sẽ tiếp tục vận dụng tối đa đường lối đối ngoại độc lập và tự chủ trong khi đi cùng phe với Mỹ và những nước đồng chí hướng khác trên các vấn đề quan tâm chung, trong đó an ninh trên biển.”

Ông Poling nhấn mạnh Hà Nội đã từ chối ký kết hợp tác với Trung Quốc về khoáng sản trọng yếu, bao gồm đất hiếm, mặc dù chính bản thân ông Tập vận động.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang chỉ ra trong hệ thống phân cấp về quan hệ ngoại giao của Việt Nam, cao hơn Đối tác chiến lược Toàn diện là ‘Quan hệ đặc biệt’ mà Việt Nam có với Cuba hay Lào chứ không phải với Trung Quốc, và ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ không tồn tại trong các khái niệm ngoại giao của Việt Nam.

Dẫn Tuyên bố chung giữa hai nước, ông Giang cho rằng Việt Nam ‘đã cố gắng chèn vào những khái niệm mà Trung Quốc không thích’ như ‘tuân thủ luật pháp quốc tế’ hay Công ước Quốc tế về Luật biển, tức UNCLOS’.

“Khi mà có thêm một cái gọi là ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ giữa Việt Nam và Trung Quốc thì tôi nghĩ không thay đổi nhiều về bản chất mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước,” ông Giang nói.

Khi được hỏi liệu Việt Nam có bị Bắc Kinh lôi kéo khỏi các nước phương Tây, ông Giang nói: “Việc Việt Nam đồng ý tham gia Cộng đồng chia sẻ tương lai này không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn đi vào quỹ đạo của Trung Quốc hay chấp nhận khái niệm của Trung Quốc về trật tự thế giới.”

Lợi ích kinh tế

Ông Giang chỉ ra trong 36 văn bản ký kết thì đa số ‘tập trung chủ yếu vào thương mại, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ’.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho nông sản của Việt Nam. Điển hình là trái sầu riêng, sau khi được Trung Quốc mở cửa thị trường cho nhập khẩu chính ngạch hồi năm 2022, thì chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất gần 2 tỉ đô la Mỹ sầu riêng sang Trung Quốc, theo số liệu của giới chức thương mại Việt Nam.

Trong 36 văn kiện hợp tác được ký kết nhân chuyến thăm của ông Tập, có hiệp định xây cầu đường bộ qua biên giới và bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới.

Trước đó, trả lời báo chí trong nước, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba, nói rằng nước ông sẽ tiến tới cho phép nhập khẩu dừa tươi của Việt Nam và sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tuyến đường sắt từ Nam Ninh (Quảng Tây) đến Hà Nội và từ Hà Khẩu (Vân Nam) qua Lào Cai đến Hà Nội và Hải Phòng.

Ông Nguyễn Khắc Giang nhận định rằng Hà Nội ‘rõ ràng cố gắng giữ ổn định quan hệ kinh tế-thương mại’ với Trung Quốc và ‘đang có nhu cầu rất lớn về vốn’ để chuyển đổi sang năng lượng xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng’ nên cũng muốn thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ Trung Quốc ở những dự án không quá nhạy cảm.

Do đó, ông cho rằng ít nhất cộng đồng này ‘có lợi cho Việt Nam về giao thương và đầu tư với Trung Quốc’.

“Phải đảm bảo làm sao có những chính sách liên quan đến việc thông thương hàng hóa Việt Nam được minh bạch rõ ràng thay vì trở thành công cụ để Trung Quốc gây sức ép khi xảy ra những vấn đề phi kinh tế,” ông lưu ý.

Khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ hồi tháng 9, hợp tác kinh tế là nội dụng chủ đạo được đề cập giữa hai nước. Ông Giang cho rằng nhu cầu tăng trưởng kinh tế trong nước là động lực thúc đẩy Việt Nam có các động thái ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc.

“Với Việt Nam thì trong tất cả các cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn thì Việt Nam ở trong thế rất thuận lợi để thu hút đầu tư và hỗ trợ từ hai bên, và Việt Nam rõ ràng đã rất khôn ngoan trong việc cố gắng đi ở giữa để tận dụng tối đa lợi thế ấy.”

Biển Đông

Cả hai nhà nghiên cứu Greg Poling và Nguyễn Khắc Giang đều cho rằng ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc’ sẽ ‘không thay đổi gì tình hình trên Biển Đông’.

Ông Poling cho rằng không ai ở Việt Nam mong chờ sẽ sử dụng được đường dây nóng về đánh bắt cá giữa hai nước trên Biển Đông vừa được thiết lập còn ông Giang nhấn mạnh lập trường của Bắc Kinh và Hà Nội về Biển Đông vẫn không đổi.

Việt Nam là nước châu Á duy nhất mà ông Tập đến thăm trong cả năm qua, và là nước thứ hai sau Nga ông Tập đến thăm mà không kết hợp các hoạt động đa phương.

“Đây là chuyến công du nước ngoài cuối cùng của tôi trong năm nay,” ông Tập được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV dẫn lời nói với Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng. “Điều này hoàn toàn cho thấy vị trí đặc biệt của mối quan hệ Trung-Việt trong tổng thể ngoại giao Trung Quốc.”

Việt Nam: Không “chung vận mệnh”, nhưng phải “chia sẻ tương lai” với Trung Quốc

 

 

RFI

Trong hai ngày 12 và 13/12/2023, chủ tịch kiêm tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở chuyến viếng thăm cấp nhà nước ở Việt Nam, chỉ vài tháng sau chuyến đi của tổng thống Mỹ Joe Biden. 

China's President Xi Jinping, center left, and Vietnam's Communist Party General Secretary Nguyen Phu Trong, center right, attend a welcome ceremony at the Presidential Palace in Hanoi, Vietnam, Tuesd
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong buổi lễ đón tiếp tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/12/2023. AP – Nhac Nguyen

Khác với tổng thống Biden, ông Tập Cận Bình đã được đón tiếp rất long trọng, với những nghi thức cao nhất dành cho một lãnh đạo nước ngoài, thậm chí thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra tận sân bay để đón chủ tịch Trung Quốc ngay tại chân cầu thang của máy bay.

Chuyến thăm Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc diễn ra sau khi Hà Nội vừa nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”, cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp quan hệ ngoại giao của Việt Nam, và như vậy đặt Mỹ ngang tầm với Trung Quốc. Cho nên, ông Tập Cận Bình đã cố thúc ép Việt Nam tăng cường hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, để Hà Nội không xích lại quá gần Washington, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung vẫn gay gắt. 

Theo Tân Hoa Xã, phát biểu tại Hà Nội ngày 13/12, chính ông Tập Cận Bình cùng đã kêu gọi Việt Nam cùng với Trung Quốc “chống mọi mưu toan nhằm làm xáo trộn vùng Châu Á-Thái Bình Dương”, áp chỉ sự can dự ngày càng mạnh của Hoa Kỳ vào khu vực này.  

Trong bản tuyên bố chung được công bố sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai bên nhắc lại Việt Nam và Trung Quốc là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chế độ chính trị tương đồng”.

Từ “chung vận mệnh” thành “chia sẽ tương lai”

Chính là dựa trên sự tương đồng này mà hai nước “nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Thật ra thì ban đầu Trung Quốc đã muốn ép Việt Nam chấp nhận xây dựng cái gọi là “Cộng đồng chung vận mệnh” như đối với Lào, Cam Bốt và Miến Điện. Nhưng sang đến Việt Nam thì cụm từ này được sửa đổi thành “Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho có vẻ ít mang  tính ràng buộc hơn. Thật ra thì dường như đây là kết quả của nhiều cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng nhằm tìm ra một khái niệm phù hợp nhất để mô tả mối quan hệ mới giữa hai quốc gia “vừa là đồng chí, vừa là anh em”.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 13/12/2023, nhà nghiên cứu Hoàng Việt, thuộc Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:

“ Ở đây chúng ta thấy ít nhất nổi lên hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là Việt Nam đã không chọn cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh”. Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia thứ 8 tham gia vào “cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc. Trong khối ASEAN, trừ Đông Timor, chỉ có 2 quốc gia là Singapore và Philippines chưa tham gia.

Thế thì vì sao khi đến Việt Nam thì Trung Quốc đổi lại thành là “cộng đồng chia sẻ tương lai”? Một là, phía Việt Nam cho rằng “chung vận mệnh” có nghĩa là “anh sống thì tôi sống, anh chết thì tôi chết”, như vậy vô hình chung nó xác định Việt Nam đã chọn bên, dù Việt Nam đã chính thức tuyên bố là không chọn bên nào cả. Chính vì vậy, Việt Nam muốn đổi tên thì mới chấp nhận tham gia “cộng đồng” này.

Lý do thứ hai, nói thẳng là người dân Việt Nam không thích “chung vận mệnh” với Trung Quốc, cho nên phía Trung Quốc phải chiều lòng Việt Nam, chuyển sang cụm từ khác là “chia sẻ tương lai”. Hai bên đều có sự nhượng bộ nhau.

Tôi được biết là trước chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Vương Nghị, đã có rất nhiều trao đổi giữa hai bên, kể cả đến chuyến thăm của ông Vương Nghị để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai bên vẫn tiếp tục bàn luận. Có rất nhiều vấn đề hai bên chưa thống nhất được và có lẽ sau đó mới thống nhất được. Một trong những vấn đề gai góc nhất chính là “cộng đồng chung vận mệnh” hay “cộng đồng chia sẻ tương lai”.

Được tiếp đón long trọng hơn Biden

Như đã nói ở trên, khi sang thăm Việt Nam vào tuần trước, chủ tịch Trung Quốc đã được giới lãnh đạo Hà Nội đón tiếp long trọng hơn nhiều so với khi tiếp tổng thống Mỹ Biden. Vì sao có sự khác biệt này, nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích: 

“ Chuyện này là đương nhiên. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”. Cho đến bây giờ thì đã có 6 quốc gia đã trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam, nhưng Trung Quốc là nước đầu tiên. Trong các phát biểu, các lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Trung Quốc luôn là ưu tiên hàng đầu. 

Điều này cũng hợp lý, bởi vì thứ nhất Trung Quốc là một cường quốc lớn nhất ở châu Á và nhất nhì thế giới. Trung Quốc lại là láng giềng của Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Việt Nam hiểu được cái giá của việc ở bên cạnh một người khổng lồ như thế nào.

Ngay cả giới nghiên cứu ở Việt Nam cũng nói rằng, nếu Việt Nam muốn phát triển thì phải có hòa bình, mà muốn có hòa bình thì Việt Nam phải có quan hệ tốt với Trung Quốc. Đó là lý do vì sao mà Việt Nam luôn đặt vị trí của Trung Quốc lên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.

Đương nhiên là trong buổi đón tiếp ông Tập Cận Bình có những sự khác biệt so với khi đón tiếp ông Biden. Sự khác biệt này không phải là do phía Việt Nam đặt ra. Qua một số tiết lộ, đặc biệt là của thứ trưởng Hà Kim Ngọc, bản thân Hoa Kỳ và ông Biden cũng không đòi hỏi những chi tiết như trải thảm đỏ đón ông Biden từ sân bay, nghi thức bắn 21 phát đại bác, cho nên Việt Nam không sử dụng nghi thức đó.

Còn phía Trung Quốc thì khác. Điều này cũng cho thấy cái tư duy của Trung Quốc và tư duy của Hoa Kỳ có khác nhau. Đối với Hoa Kỳ thì làm được việc mới là quan trọng, chứ không phải là các nghi thức. Nhưng đối với Trung Quốc thì đây là một gặp mang tính biểu tượng rất lớn, vừa là hai nước xã hội chủ nghĩa, vừa là hai nước láng giềng. Và trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung quyết liệt cả về vị thế và ảnh hưởng, phía Trung Quốc phải thể hiện vai trò của mình. Trung Quốc rất coi trọng những nghi thức, mà theo luật về lễ tân của Việt Nam, trong một chuyến thăm cấp nhà nước cao nhất thì các nghi thức được quy định như là khi đón tiếp ông Tập Cận Bình. Cái này là do hai bên thỏa thuận với nhau.”

Trong chuyến thăm của Tập Cận Bình ở Việt Nam, Hà Nội và Bắc Kinh đã đồng ý sẽ gia tăng hợp tác về các vấn đề an ninh, đẩy mạnh quan hệ giữa ngành công nghiệp quốc phòng của hai nước, đồng thời ký hàng chục hiệp định hợp tác. 

Vẫn còn nguy cơ căng thẳng vì Biển Đông

Tuy quan hệ Việt- Trung đang trong giai đoạn hữu hảo như vậy, nhưng cũng không nên quên rằng giữa hai nước căng thẳng có thể bùng nổ trở lại do vấn đề tranh chấp Biển Đông, nhất là do những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở vùng biển mà họ khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ. 

Bản tuyên bố chung được công bố trong chuyến đi Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ghi: “Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.” Nhưng theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, vấn đề là Trung Quốc có thực hiện đúng lời hứa giải quyết tranh chấp “bằng biện pháp hòa bình” hay không: 

“Có hai vấn đề lớn, thứ nhất là tranh chấp Biển Đông, thứ hai xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nhiều lúc gặp khó khăn do những rào cản đặc biệt mà phía Trung Quốc đưa ra.

Tranh chấp Biển Đông là tranh chấp cực kỳ phức tạp và khó khăn. Nhưng quan điểm của Việt Nam là không phải vì tranh chấp Biển Đông mà không thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Chúng ta chỉ nhìn quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines thì sẽ thấy, mặc dù hai nước cho tới nay vẫn căng thẳng hàng ngày trên khu vực Biển Đông, cụ thể là ở Bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough, nhưng quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Philippines vẫn không ngừng tăng trưởng. 

Báo chí Việt Nam có chụp hình ông Tập Cận Bình và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng ngồi dự tiệc trà, xung quanh có mấy cây tre, đó cũng là hàm ý nêu bật chính sách “ngoại giao cây tre” ( giữ thế cân bằng trong quan hệ với các cường quốc ) của Việt Nam. 

Trong vấn đề Biển Đông, thứ nhất là Việt Nam vẫn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, toàn vẹn lãnh thổ, cũng như những quyền mà Việt Nam được hưởng theo quy định của Công ước Luật Biển 1982, đồng thời tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng muốn có những biện pháp để nếu Trung Quốc và Việt Nam có những bất đồng, căng thẳng thì hai bên có thể tìm ra những kênh đối thoại để giảm bớt căng thẳng, ví dụ như kênh chính phủ, hoặc là kênh ngoại giao nhân dân, hoặc là kênh giữa hai đảng Cộng sản. Đó cũng cho thấy Việt Nam muốn giải quyết tranh chấp hòa bình và muốn hòa hoãn với Trung Quốc.

Tranh chấp Biển Đông là vấn đề phức tạp và khó khăn, nhưng không vì thế mà không thúc đẩy những quan hệ khác, đặc biệt là quan hệ kinh tế thương mại, mà hiện còn rất nhiều “dư địa” để phát triển, tại sao hai nước lại không tận dụng. 

Có lẽ vấn đề Biển Đông sẽ còn tồn tại trong tương lai. Đương nhiên phía Việt Nam cố gắng giải quyết bằng bằng những biện pháp hòa bình và qua đối thoại, nhưng điều này còn phụ thuộc vào phía Trung Quốc. Mặc dù phía Trung Quốc cũng đã có những tuyên bố tương tự, tức là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển và hướng tới một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, nhưng chúng ta cũng không chắc là Trung Quốc có giữ được lời hứa của họ không. Nếu xảy ra thì chúng ta sẽ xem Việt Nam ứng xử trong trường hợp này như thế nào.” 

Thật ra, một trong những lý do khiến Việt Nam và Trung Quốc thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương, đó chính là cả hai nước đều quan ngại về các thế lực “thù địch” bên ngoài và sự cần thiết phải bảo vệ sự ổn định trong nước, thể hiện qua thỏa thuận mới về an ninh, được ký kết nhân chuyến viếng thăm của chủ tịch Tập Cận Bình. 

Theo một nhà phân tích Trung Quốc, được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn ngày 14/12/2023, Bắc Kinh và Hà Nội đã đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, đặc biệt là về “an ninh chế độ và an ninh thể chế”. Đây là lần đầu tiên hai nước đề cập đến an ninh của chế độ trong một tuyên bố chung như vậy. Cụ thể, hai bên sẽ “tăng cường giao lưu tình báo và phối hợp chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong các vấn đề chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu” của các thế lực thù địch, phản động”.

Trung Quốc vẫn giữ ‘cộng đồng vận mệnh chung’ với Việt Nam trên văn bản chữ Hán?

VN

VIETNAM NEWS AGENCY Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam thưởng thức trà Việt Nam ở Hà Nội

BBC

Bản tiếng Trung đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ghi lại phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình ở Hà Nội vừa qua dùng khá nhiều lần cụm từ ‘vận mệnh chung’ vốn gây tranh cãi ở Việt Nam dù bản tiếng Anh của bộ này lại dùng ngôn từ hơi khác.

Trang mfa.gov.cn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong văn bản đăng lúc 20 giờ 13 ngày 14/12/2023, giờ Bắc Kinh để ở nhan đề và nhắc lại nhiều lần trong bài cụm từ “cộng đồng vận mệnh chung Trung-Việt” (中越命运共同体-Zhong Yue mingyun gongtong ti).

Ngay ở nhan đề, bài viết dùng khái niệm “cùng chia sẻ vận mệnh tương lai” (命运与共创未来-mingyun yugong chuang weilai) để ca ngợi các tiến triển mới, chiến lược, trong quan hệ hai nước cùng do các đảng cộng sản lãnh đạo.

Đặc biệt, bài của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lời lãnh đạo nước này phát biểu ở Việt Nam, nói rằng đây là thời điểm đặc biệt tốt “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để hai bên xác lập cộng đồng vận mệnh chung (nguyên văn: 中越命运共同体具有天时、地利、人和的独特优势- Trung-Việt mệnh vận cộng đồng thể hữu thiên thời, địa lợi, nhận hòa độc đặc ưu thế).

Tuy thế, bản tiếng Anh mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát hành một ngày trước đó trên cùng trang web mfa.gov.vn thì lại có nhan đề hơi khác. Đó là “Renewing Traditional Friendship and Embarking on a New Journey to Build a China-Viet Nam Community with a Shared Future” (tạm dịch: Làm mới tình hữu nghị truyền thống và bước vào cuộc hành trình mới để xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam với tương lai được chia sẻ).

Như thế, khái niệm ‘vận mệnh’ (mingyun) mà Trung Quốc thường dịch ra Anh ngữ là “destiny” không có ở nhan đề này và không hề thấy ở trong bài (xem toàn văn ở đây).

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng hướng tới giới trẻ Việt Nam, nói rằng họ là những người đi tiên phong trong trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của con người, và đóng góp vào việc “xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung/chia sẻ cùng nhau của nhân loại” (a community with a shared future for mankind).

Peng Liyuan

GETTY IMAGES Thanh niên được cho là đóng vai trò trọng tâm trong quan hệ vì tương lai của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và Trung Quốc, theo các nhà lãnh đạo hai nước. Hình ảnh bà Bành Lệ Viện, đệ nhất phu nhân TQ, vẫy chào các thanh niên VN

Ngôn từ phục vụ các đối tượng khác nhau?

Một biên tập viên ban tiếng Trung của BBC tại Hong Kong đánh giá rằng có thể thấy rõ bản Trung văn của phía Trung Quốc đưa ra giữ nguyên nhiều khái niệm chính quyền nước này tuyên truyền lâu nay, nhưng bản tiếng Anh thì có khác một chút.

Đặc biệt, việc các phát biểu của lãnh đạo Việt Nam không có câu nào nói về “community of common destiny” (cộng đồng vận mệnh chung) là điều đáng chú ý, theo nhà báo ở Hong Kong.

Bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình mà các báo chính thống ở Việt Nam đồng loạt đăng tải cũng chỉ dùng khái niệm “cộng đồng chia sẻ tương lai” trong hai bối cảnh, khi ông Tập nói về “tương lai nhân loại” và về quan hệ Trung-Việt.

Ngoài ra, ông cũng nhắc lại một số lần về “cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương”.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS, Singapore, giải thích với BBC hôm 13/12 về sự “thiếu vắng” khái niệm nhạy cảm từ Trung văn khi chuyển ngữ sang tiếng Việt trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình.

“Vận mệnh hay chung con đường, ngôn từ như thế có thể tạo ra phản ứng không tốt trong chính nội bộ của Việt Nam, khi mà tâm lý không thích Trung Quốc ở Việt Nam còn khá nhiều. Tôi nghĩ đấy là lý do hai bên lái đi một chút để tránh sự nhạy cảm, nghi ngờ từ cả phía nội bộ và người dân Việt Nam.”

Cũng hôm 14/12/2023, một ngày sau khi Chủ tịch Tập về nước, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời câu hỏi của báo chí về “nội hàm của hợp tác Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, giải thích trước câu hỏi từ truyền thông nước ngoài về khái niệm này như sau:

“Đây cũng là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.”

‘Lấy đá ghè chân mình,’ ông Tập có được ‘Cộng đồng chung vận mệnh’ với Hà Nội

 

Blog VOA

Ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng thưởng trà tại Hà Nội, 12/12/23.

Ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng thưởng trà tại Hà Nội, 12/12/23.

Chủ tịch Tập Cận Bình năm lần bảy lượt nhắc đi nhắc lại trên “nhandan.vn” về khái niệm “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, “Sáng kiến Vành đai và Con đường” và bổ sung thêm “bốn kiên trì” khác. Liệu ông đã mãn nguyện sau “chuyến tuần thú phương Nam”?

Đinh Hoàng Thắng

Cuối bài viết 3.123 chữ Tổng bí thư Tập Cận Bình “gửi đăng” trên báo “Nhân Dân” của ĐCSVN ngày 12/2/2023 đã khái quát nên một triết lý Trung Hoa: “Vạn vật đắc kỳ bản giả sinh, Bách sự đắc kỳ đạo giả thành” (Vạn vật sinh ra khi tìm được bản chất thực sự, trăm việc sẽ thành công khi tìm được đạo lý của mình) (1). Từ lâu, số người người đọc “Nhân Dân” vốn không nhiều; nay với bài viết của ông Tập lại càng ít hơn, như một phản ứng tiêu cực tự nhiên đối với báo chí nhà nước, cũng như đối với chuyến thăm vừa qua của ông Tập. Tuy nhiên, trong giới xã hội dân sự đã đọc bài viết, đang lan truyền một thông điệp: Với triết lý trên, ông Tập quả là đã “tự bắn vào chân mình” (shoot yourself in the foot). Vô hình chung, mọi người sẽ đi “tìm bản chất thực sự”, sẽ đi “tìm đạo lý thực sự” trong các ý đồ và mưu toan cũng như trong các tính toán của lãnh đạo Trung Quốc đối với ĐCSVN và người dân Việt Nam, không chỉ trong khuôn khổ chuyến thăm được được truyền thông nhà nước “bốc lên” tận mây xanh.

Theo SCMP, các thảo luận chính thống về cách ứng xử của Việt Nam đối với Trung Quốc thường tràn ngập những điều sáo rỗng. Có câu chuyện kể về hàng ngàn năm Việt Nam đối phó với Trung Hoa. Các tranh chấp biển đảo gay gắt giữa Hà Nội với Bắc Kinh ngày nay thường được coi là sự tiếp nối của các cuộc xung đột dường như vĩnh cửu ấy. Tuy nhiên, thực tế lại có nhiều sắc thái phong phú hơn. Keith Weller Taylor từ Đại học Cornell nhận định, quan hệ Trung – Việt còn được đánh dấu bằng thời gian chung sống hòa bình lâu dài, với quyền tự chủ của Việt Nam, “phụ thuộc vào việc bắt chước thành công” các mô hình Trung Quốc (2). Việt Nam thường chịu lùi một bước, chấp nhận “trong đế ngoài vương” để có thể tồn tại bên cạnh một lân bang mạnh và luôn có ý đồ thôn tính mình. Cái nhìn khái quát này càng chuẩn trong “biến cục ngày nay” – một khái niệm ông Tập mô tả trong bài viết trên “Nhân Dân”. Và cái “biến cục ngày nay” ấy được ông Tập nhận định là “thế giới trăm năm chưa từng có đang diễn biến nhanh chóng”.

Trong “biến cục” này, thế và lực của Việt Nam không như thuở hồng hoang, Trung Quốc không phải muốn làm gì cũng được. Trong một cuộc họp hẹp của một nhóm xã hội dân sự, đã đặt vấn đề, ông Tập sang ta lần này trên tư thế nào? Trung Quốc từng “trỗi dậy mạnh mẽ” sang để trấn áp tiếp Việt Nam, hay là trong tư thế một Trung Quốc bị “tứ bề thọ địch”, sang Hà Nội để chèo kéo Việt Nam cùng trèo lên chiến thuyền đang chòng chành, có nguy cơ bị lật? Lập luận này cũng tương tự như ý kiến của một nhà nghiên cứu từng phát biểu trong Hội luận của VOA tối 12/12. Lần này, ông Tập sang trong thế thủ, chứ không trên thế áp đảo Hà Nội như hai lần trước đây (3). Tuy nhiên, sau năm lần bảy lượt, vừa thuyết phục, vừa ép buộc, “chuyến tuần thú” phương Nam ngày 11 và 12/12 đã mang về cho ông điều mình mong muốn. Tuyên bố chung Trung – Việt cuối cùng đã đồng ý nâng cấp quan hệ, xây dựng “tương lai chung” với Trung Quốc, cho dù trong bản tiếng Hoa vẫn là “cộng đồng chung vận mệnh” (4). Chỉ đánh tráo hai chữ thôi cũng đủ nói lên cuộc kháng cự dai dẳng của “ngoại giao cây tre” suốt những năm qua.

Vẫn theo nhà nghiên cứu Keith Weller Taylor, “tương tự như nhiều nước láng giềng, Việt Nam hiện nay đang cam kết thực hiện chính sách không đứng về phía siêu cường này để chống lại siêu cường kia. Điều này nảy sinh từ trải nghiệm đau đớn của đất nước trong Chiến tranh Lạnh, khi Việt Nam bị kẹt giữa Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Nhưng chính sách đối ngoại của Hà Nội không hề tĩnh tại và nguyên khối. Chỉ riêng trong thập kỷ qua, chiến lược cân bằng đã trải qua nhiều sự chuyển đổi đáng để ý, do những thay đổi mang tính lịch sử trong nước và trong hệ thống quốc tế rộng lớn hơn” (5). Gần đây, chính sách đối ngoại của Việt Nam đã chuyển hướng thân thiện hơn với Trung Quốc, vì ba nguyên nhân. Đầu tiên là do các thành phần thân phương Tây đã bị thanh trừng vì có liên quan đến chống tham nhũng. Thứ hai, ĐCSVN ưa thích một trật tự quốc tế đa cực hơn và đã “ngầm” phản đối phương Tây, không lên án Nga xâm lược Ukraine… Và nguyên nhân thứ ba, hiện tại, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian từ Trung Quốc (Không có nguồn nguyên liệu này, Việt Nam làm sao xuất siêu sang Mỹ được?)

Hệ sinh thái đối ngoại nói trên là không gian ra đời của Tuyên bố chung (TBC) Việt Nam – Trung Quốc “lịch sử” (với 5 nội dung lớn và có độ dài 8.300 chữ). Người bình thường chắc khó đọc nổi toàn văn bản TBC này (6), nhưng giới quan sát chú ý tới 36 văn kiện thỏa thuận hợp tác đã được các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương ký kết trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của ông Tập Cận Bình (7). 36 văn bản này là một hỗn tạp các thỏa thuận không chỉ giữa hai Chính phủ, mà còn giữa Chính phủ Việt Nam với các Chính quyền địa phương (cấp tỉnh) của Trung Quốc. Sự bất tương xứng này còn thể hiện ngay trong “Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dưa hấu xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc”. Tại sao hoa quả trái cây từ Việt Nam qua Trung Quốc thì “yêu cầu kiểm dịch thực vật”, song chiều ngược lại, nếu chẳng may “lọt” các thực phẩm độc hại từ Trung Quốc tràn qua Việt Nam thì sao lại không có kiểm dịch (?!) Điều hiếm hoi là 36 văn bản vừa ký kết lần này đã được công khai hóa. Cùng với 15 thỏa thuận năm 2017 và 13 thỏa thuận năm 2022, nhân các chuyến thăm Bắc Kinh của TBT Nguyễn Phú Trọng, cảm giác sự ràng buộc giữa Việt Nam vào Trung Quốc ngày càng chặt chẽ. Nhìn tổng thể, ngay cả các quan chức cũng ít ai biết được đó là những cam kết gì, chứ đừng nói đến mấy chục triệu dân thường.

Theo đánh giá của chuyên gia, Trung Quốc ép Hà Nội chấp nhận CCD là vì ông Tập Cận Bình cần một thắng lợi tượng trưng, thông qua việc ông đã “nâng cấp” bang giao Trung – Việt, không để nó “bị xếp” ngang hàng với các “Đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) khác giữa Việt Nam với Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, Hàn. Ngoài việc khẳng định Bắc Kinh luôn ở “kèo trên”, lúc nào cũng bảo ban được “đứa con hoang đàng phải trở về đất mẹ” (8), Tập Chủ tịch còn muốn thiết kế một “Trật tự quốc tế mới”, thay bằng tầm nhìn của Trung Quốc, loại bỏ “Pax Americana” (Trật tự Mỹ và thế giới dân chủ). Nói như Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: “Chữ nghĩa ở đây không rõ ràng, lãnh đạo Trung Quốc rất biết, nhưng họ coi đây là khẩu hiệu có lợi cho họ, nên đi đâu cũng tác động để đối tác công nhận. Từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc đã sáu lần đề nghị Việt Nam tham gia ‘Cộng đồng chung vận mệnh’, ba lần do Vương Nghị tác động, ba lần do ông Tập trực tiếp đề nghị” (9). Tuy nhiên, Việt Nam đã kiên cường kháng cự, cho đến ngày 12/12/2023 vừa qua…

(1) https://nhandan.vn/xay-dung-cong-dong-chia-se-tuong-lai-trung-quoc-viet-nam-co-y-nghia-chien-luoc-mo-ra-trang-su-moi-chung-tay-huong-toi-hien-dai-hoa-post787021.html

(2) https://www.scmp.com/comment/opinion/article/3244414/golden-era-china-vietnam-relations-hand-never-mind-west

(3) https://www.youtube.com/watch?v=GwIzbCuoAsQ (Hà Nội tiếp đón hai lãnh đạo Campuchia và Trung Quốc, ý nghĩa – thực chất)

(4) https://www.youtube.com/watch?v=okQjGJyLXrw (Việt Nam tuyên bố xây dựng “tương lai chung” với Trung Quốc, tiếng Hoa vẫn là “chung vận mệnh”)

(5) https://www.scmp.com/comment/opinion/article/3244414/golden-era-china-vietnam-relations-hand-never-mind-west

(6) https://baotintuc.vn/thoi-su/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-20231213162402832.htm

(7) https://baochinhphu.vn/viet-nam-trung-quoc-ky-ket-36-van-ban-thoa-thuan-hop-tac-102231212234902478.htm

(8) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-china-relationship-old-challenges-new-situations-12102023091010.html

(9) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cgrp57mg9vgo (Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thấy Việt Nam trong ‘bức tranh’ của Trật tự Trung Hoa)

Ông Tập yêu cầu Việt Nam ngăn chặn nỗ lực của bên ngoài nhằm ‘làm xáo trộn’ khu vực

Bloomberg

Tác giả: Zibang Xiao

Cù Tuấn, biên dịch

14-12-2023

Tóm tắt:

* Trung Quốc, Việt Nam nhất trí ‘xây dựng cộng đồng có tương lai chung’.

* Chuyến thăm của ông Tập diễn ra sau khi Mỹ tăng cường tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau 6 năm bằng việc kêu gọi quốc gia Đông Nam Á này ngăn chặn các thế lực bên ngoài gây ra vấn đề ở châu Á – Thái Bình Dương.

“Cả hai bên nên cảnh giác và phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây rối loạn khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, ông Tập nói hôm thứ Tư 13/12, một bình luận có thể được coi là ám chỉ Mỹ một cách kín đáo. Nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông cũng kêu gọi hai nước cộng sản láng giềng tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế.

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tuyên bố, quan hệ hai nước chưa bao giờ “toàn diện, sâu sắc và thân thiện” hơn thế, khi chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày của ông Tập kết thúc. Cả hai bên mô tả chuyến thăm là một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương.

Chuyến đi của ông Tập diễn ra chỉ ba tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố có cơ hội “to lớn” với Việt Nam, trong chuyến công du đầu tiên tới quốc gia châu Á này. Chuyến đi đó đã mang lại các thỏa thuận về mọi thứ, từ chất bán dẫn đến an ninh, như một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc đã treo lơ lửng củ cà rốt kinh tế của chính họ. Bắc Kinh đã cam kết tài trợ cho tuyến đường sắt xuyên biên giới Việt – Trung, trong khi cả hai bên nhất trí về kế hoạch 3 năm để thúc đẩy thương mại.

Thể hiện sự đoàn kết là ví dụ mới nhất về cách Hà Nội cân bằng cẩn thận mối quan hệ với các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington, khi các doanh nghiệp chuyển hàng tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc sang quốc gia sản xuất này để bảo đảm chuỗi cung ứng.

Theo Joseph Liow Chin Yong, chủ tịch chính trị so sánh và quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang (Comparative and International Politics at Nanyang Technological University) ở Singapore, ông Tập nên “hài lòng” với kết quả của chuyến đi, báo hiệu sự cải thiện trong quan hệ. Ông nói thêm: “Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng, bản thân Việt Nam đang quản lý khéo léo mối quan hệ với hai cường quốc vì lợi ích của chính mình”.

Tương lai chung

Nếu có bất kỳ căng thẳng nào kéo dài từ lịch sử đối đầu quân sự căng thẳng của Trung Quốc với Việt Nam – hai nước đã xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi vào năm 1979 – thì các mâu thuẫn này đã được giấu đi khi ông Tập đến Hà Nội hôm thứ Ba 12/12.

Lãnh đạo Trung Quốc được chào đón bằng 21 phát đại bác tại Sân bay quốc tế Nội Bài, với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản ra đón tận sân bay. Điều đó trái ngược với sự có mặt của chỉ Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam tại sân bay khi đón Tổng thống Mỹ Biden.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rất chi tiết về chuyến đi của ông Tập tới Việt Nam cho khán giả trong nước. Nhiều người dân cầm biểu ngữ tại sân bay khi ông Tập đến, trong đó có nội dung “Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ tình đồng chí, anh em sâu sắc” và “Tình hữu nghị Trung – Việt sẽ tồn tại mãi mãi”.

Quyết định của ông Tập đến thăm Việt Nam – chuyến đi duy nhất của ông tới một quốc gia châu Á trong năm nay – được đưa ra khi nước láng giềng này của Trung Quốc được cho là đang xích lại gần hơn với Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Sau khi nâng cấp quan hệ với Washington lên ngang hàng với Bắc Kinh, tháng trước Hà Nội đã nâng cấp quan hệ với Tokyo.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Việt Nam cho thấy rằng những mối quan hệ được nâng cao đó không ngăn cản Hà Nội bắt tay với Bắc Kinh và các đồng minh của Trung Quốc. Trung Quốc và Việt Nam đồng ý “xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai”, một khẩu hiệu đề cập đến tầm nhìn chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc ưu tiên giúp đỡ các nước láng giềng châu Á bảo đảm sự phát triển chung của họ.

Theo một tuyên bố chung, hai quốc gia có yêu sách lãnh thổ chồng chéo ở Biển Đông này cũng cam kết “kiểm soát” những bất đồng và tránh “những hành động có thể làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp”. Hai nước sẽ thiết lập một đường dây nóng để xử lý các “sự cố bất ngờ” phát sinh từ hoạt động đánh bắt cá và có những trao đổi “thẳng thắn” về các vấn đề trên biển để giải quyết các bất đồng tốt hơn.

Việt Nam, giống như Trung Quốc, đang phải vật lộn với quá trình phục hồi kinh tế gập ghềnh sau đại dịch, có lý do để giữ Bắc Kinh đứng về phía mình. Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Hà Nội với thương mại song phương đạt 205,6 tỷ USD vào năm ngoái.

Ông Tập cho biết các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm của ông sẽ dẫn đến những chương mới trong mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam.

“Đây là chuyến đi cuối cùng thăm nước ngoài của tôi trong năm nay”, ông Tập nói với Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng hôm thứ Tư, theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV.

“Điều đó thể hiện đầy đủ vị thế đặc biệt của quan hệ Trung Quốc – Việt Nam trong bố cục ngoại giao của Trung Quốc”.

 

Hãy cẩn trọng với mối quan hệ ‘rất hiếm thấy trên thế giới’

Blog VOA

Trân Văn

12-12-2023

Ông bà Nguyễn Phú Trọng đón ông bà Tập Cận Bình tại Hà Nội, ngày 12 tháng 12. Nguồn: Nhac NGUYEN/ AFP

Giới lãnh đạo Trung Quốc – vốn từng đề ra “16 chữ vàng” và “tinh thần bốn tốt” để định hướng cho quan hệ Việt Trung – nay đang quảng bá “bốn kiên trì”.

Ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc – vừa đến Việt Nam (1). Đây là lần thứ ba ông Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam với cả hai tư cách như vừa kể (lần đầu năm 2015, lần sau năm 2017). Vài giờ trước khi chiếc phi cơ chở ông Tập Cận Bình hạ cánh ở phi trường Nội Bài, tờ Nhân Dân giới thiệu một bài viết được cho là của ông Tập Cận Bình, trong đó, ông ta nhấn mạnh, ông ta cảm thấy Việt Nam “vô cùng thân thiết”, đến Việt Nam “giống như đến thăm họ hàng, láng giềng (2).

Giới lãnh đạo Trung Quốc – vốn từng đề ra “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và “tinh thần bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) để định hướng cho quan hệ Việt Trung – đang quảng bá “bốn kiên trì” (tin cậy lẫn nhau, hài hòa lợi ích, hữu nghị thân thiết, đối xử chân thành). Trong thư gửi cho tờ Nhân Dân để cơ quan ngôn luận của BCH TƯ đảng CSVN giúp quảng bá trước chủ trương, đường lối đối ngoại của Trung Quốc, Tập Cận Bình vỗ về người Việt: “Người thân mong người thân tốt, láng giềng mong láng giềng tốt”!

***

Cũng thời điểm này, Stars and Stripes giới thiệu bài tổng kết về va chạm giữa Trung Quốc và Philippines ở biển Đông trong 2023. Từ đầu năm đến nay, các tàu có vũ trang của Trung Quốc (hải quân, hải cảnh, dân quân biển) đã có năm loại hành động gây hấn đáng chú ý ở khu vực biển Đông: Phóng laser vào tàu công vụ của Philippines khiến thủy thủ đoàn quáng (tháng 2/2023). Vây tàu, vây đảo (tháng 3/2023 và tháng 12/2023). Dùng súng phun nước tấn công tàu công vụ của Philippine (tháng 8/2023 và tháng 12/2023). Lắp đặt chướng ngại vật (hàng rào nổi) để cản trở hoạt động của ngư dân Philippine (tháng 9/2023). Liên tục hăm dọa tàu đánh cá, khiêu khích tàu công vụ của Philippine.

Jonathan Malaya – Phát ngôn viên của lực lượng đặc nhiệm tại biển Đông của Philippine – nhận định: Các hành động của Trung Quốc ở biển Đông cho thấy họ thực sự muốn gia tăng căng thẳng (3). Người Việt, đặc biệt là ngư dân Việt không lạ lẫm gì với những loại hành động này của Trung Quốc. Ít nhất chúng đã xuất hiện và tồn tại trên biển Đông khoảng hai thập niên. Tuy nhiên Philippine khác Việt Nam ở chỗ công bố tất cả các hành động hung hăng của Trung Quốc và vừa kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ bảo vệ chủ quyền, vừa hỗ trợ ngư dân nhằm duy trì “bình thường hóa” di chuyển tại biển Đông.

***

Trong “bốn kiên trì” mà ông Tập Cận Bình vừa sử dụng cơ quan ngôn luận của BCH TƯ đảng CSVN để giới thiệu đường lối, chủ trương đối ngoại của giới lãnh đạo Trung Quốc trong “tình hình mới”, người ta không thấy Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc đề nghị hai bên cùng “kiên trì” về… “chủ quyền” ở biển Đông – yếu tố quan trọng nhất. Nếu chỉ có Trung Quốc “kiên trì” với những yêu sách về chủ quyền thì “bốn kiên trì” (tin cậy lẫn nhau, hài hòa lợi ích, hữu nghị thân thiết, đối xử chân thành) có khác gì bịp bợm?

Nếu trong các cuộc hội đàm riêng biệt giữa Tổng Bí thư đảng CSVN, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam, Thủ tướng Cộng hòa XHCN Việt Nam với ông Tập Cận Bình mà tất cả cùng lờ đi, không “kiên trì” nêu ra để cùng thảo luận một cách rạch ròi, sòng phẳng về “chủ quyền” thì… chẳng lẽ đó là lý do để Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam tự tin đến mức không ngại tuyên bố với báo giới rằng: Quan hệ giữa hai đảng, hai nước là “rất đặc biệt và có thể nói là rất hiếm thấy trên thế giới (4)?

***

Ngày 8/12/2015, khi gặp gỡ ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN – như đại biểu, đại diện cho cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm của thành phố Hà Nội tại Quốc hội, nhiều cử tri vốn là cựu viên chức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã nhắc đến những yếu tố (như Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt từ đầu tháng 5/2014 cho đến giữa tháng 7/2014,…) khiến họ cũng như nhiều người Việt khác lo ngại cho chủ quyền quốc gia.

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì lúc đó ông Trọng khẳng định: Càng ngày càng thấy cách giải quyết vấn đề biển Đông của đảng CSVN là đúng đắn. Thay vì trực tiếp trả lời những cử tri dù lợi ích của cá nhân và gia đình luôn luôn gắn chặt với sự tồn vong của đảng CSVN nhưng không tránh khỏi hoang mang về cách hành xử của đảng CSVN trong quan hệ với Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông, ông Trọng vặn lại: Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không? Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vừa qua như thế hợp lý không?

Ông Trọng tỏ ra rất tự tin và tự hào khi tự trả lời câu hỏi do chính ông nêu ra: “Ta” chơi với tất cả mà họ đều phải nể trọng. Không phải vô tình mà vừa qua cùng lúc chúng ta đón ba nguyên thủ lớn cùng đến Việt Nam. Vừa đón ông Tập Cận Bình xuống sân bay lại thay cờ, trang trí ngay để đón Tổng thống Italia… (5). Không rõ ông Trọng quan niệm như thế nào về “nể trọng”, đặc biệt là sự “nể trọng” mà Trung Quốc cũng như ông Tập Cận Bình dành cho Việt Nam và cho chính ông?

Cần nhớ, cho dù ông Tập Cận Bình được Việt Nam tiếp đón trọng thể, được mời trò chuyện với Quốc hội vào ngày 6/11/2015, công khai hứa hẹn sẽ cùng Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau” (6) nhưng ngay hôm sau (7/11/2015), khi đến thăm Đại học Quốc gia của Singapore, ông Tập Cận Bình khẳng định: Biển Đông của Trung Quốc, một số đảo của Trung Quốc đang bị các nước khác ‘xâm chiếm’, do vậy hoạt động của Trung Quốc tại biển Đông là nhằm bảo vệ chủ quyền (7)! Hi vọng, lần này, ông Trọng và đảng của ông không mắc lỡm vì lý do khiến quan hệ giữa hai đảng, hai nước trở thành “rất đặc biệt và có thể nói là rất hiếm thấy trên thế giới”.

Chú thích

(1) https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-tap-can-binh-va-phu-nhan-den-ha-noi-bat-dau-tham-viet-nam-2225850.html

(2) https://nhandan.vn/xay-dung-cong-dong-chia-se-tuong-lai-trung-quoc-viet-nam-co-y-nghia-chien-luoc-mo-ra-trang-su-moi-chung-tay-huong-toi-hien-dai-hoa-post787021.html

(3) https://www.stripes.com/theaters/asia_pacific/2023-12-11/philippines-south-china-sea-tensions-12325268.html

(4) https://tuoitre.vn/dai-su-hung-ba-tong-bi-thu-tap-can-binh-rat-nho-mong-gap-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-2023121020331695.htm

(5) https://soha.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-neu-dung-do-tren-bien-ta-co-ngoi-day-duoc-khong-20151208144743885.htm

(6) https://vnexpress.net/ong-tap-can-binh-viet-nam-trung-quoc-can-xuat-phat-tu-dai-cuc-de-xu-ly-bat-dong-3307934.html

(7) http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20151107-tap-can-binh-lai-khang-dinh-bien-dong-la-cua-trung-quoc

Ông Tập được gì ở Hà Nội?

 

Jackhammer Nguyễn

15-12-2023

Ông Tập nhận được sự đồng ý của các nhà lãnh đạo Hà Nội rằng, hai bên sẽ “Nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc”.

Đây có vẻ như là một lời hứa để cứu vớt sĩ diện cho ông Tập với các đồng chí của ông trong nước, rằng ông là một nhà lãnh đạo ngoại giao đại tài của đảng, bắt được anh láng giềng phương nam cứng đầu cứng cổ phải… hứa. Đây cũng có thể là sĩ diện của Hoa Lục với các nước nho nhỏ ở châu Á, rằng: Thấy chưa? Thằng Việt Nam ba gai cũng đi với chúng tôi đó!

Không có gì là thực chất ở cái lời hứa nhất trí mang tính khẩu hiệu cộng sản đó. Ai từng sống đủ lâu trong xã hội cộng sản Việt Nam cũng đều biết câu đùa vui của đám công nhân viên chức sau các cuộc họp… “Chúng ta đồng ý nhất trí, mỗi người một ý!

Giới bỉnh bút tốn rất nhiều công sức, bàn luận những cách tu từ, thay đổi từ ngữ, tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Anh… thế nào là chung vận mệnh, rồi chung tương lai, tại sao không chung vận mệnh nữa, rồi nào là destiny (vận mệnh), hay là future (tương lai)… Tóm lại, chỉ là những khẩu hiệu, như ông Alexander Vuving nói với BBC Việt ngữ, rằng Trung Quốc chỉ có cái bình không!

Mà người Tàu cũng lạ, họ cứ lấy hết những mỹ từ có trong … Liên Hiệp Quốc, về loài người nói chung, mà xài. Thế thì cớ gì phải theo họ cho mắc công vậy, có Liên Hiệp Quốc rồi. Tôi nghĩ ý của họ là thế này, trong cái vận mệnh nhân loại đó, mặc dù có Liên Hiệp Quốc rồi, nhưng nước Tàu là quan trọng, vì chính mồm nước Tàu nói ra, nước Tàu sẽ dẫn dắt nhân loại, chứ không phải bọn phương Tây.

Tóm lại là nước Tàu, khi đưa ra những cái rối rắm… tương lai, vận mệnh, nhân loại, cộng đồng,… là họ muốn đòi một chỗ ở chiếu trên, giống như Mỹ chẳng hạn. Họ nhân danh nhân loại để muốn giành phần có lợi cho họ, chơi theo kiểu của họ.

Thế nhưng, cụ thể thì ông Tập có được gì không?

Cái cụ thể đầu tiên là Bắc Kinh sẽ thúc đẩy tuyến đường sắt Côn Minh – Hải Phòng. Nhiều người Việt lo ngại chuyện này, nhưng thực ra con đường sắt đó đã có từ thời hỏa xa Điền Việt thời thực dân Pháp, nó vẫn nằm đó cả trăm năm rồi.

Kế đến là hai bên sẽ kềm chế những bất đồng trên biển. Thật ra điều này có lợi cho người bạn láng giềng phương Nam anh em thù hận hơn, vì Bắc Kinh có sức mạnh hơn hẳn trên thực tế.

Tổng cộng chỉ có 36 văn bản thỏa thuận được ký, thay vì 45 như dự định ban đầu.

Trong những thỏa thuận dự định, quan trọng là những dự án về đất hiếm. Đây là những nguyên liệu ngày càng có giá trong cuộc cạnh tranh kinh tế, kỹ thuật, quân sự trên thế giới. Việt Nam là quốc gia có trữ lượng lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, mà Trung Quốc lại rất có kinh nghiệm trong việc khai thác, xử lý… các loại quặng đất hiếm này. Có thể nói không ngoa rằng, ngoài vị trí địa lý, thì trữ lượng đất hiếm của Việt Nam, góp phần đưa quốc gia này vào tâm điểm của cuộc cạnh tranh.

Ông Tập hớt hơ hớt hải đến Việt Nam, ba tháng sau khi Mỹ – Việt nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất, vì rằng nước này, một lần nữa lại lọt vào tâm điểm một cuộc chiến tranh lạnh, vẫn còn lạnh, chứ chưa nóng hừng hực như chiến tranh Việt Nam.

Ba tháng trước, sau chuyến thăm lịch sử đến Hà Nội của tổng thống Mỹ Joe Biden, các công ty Việt – Mỹ bắt đầu bàn luận nhau về khai thác và xử lý đất hiếm. Ngay khi ông Tập Cận Bình hãy còn trên trời thì báo New York Times có nhận định rằng, nếu ông Tập làm cho Hà Nội hoãn các dự án đất hiếm, các kế hoạch sản xuất chất bán dẫn, sản xuất chip của các đại công ty Mỹ, thì đó là thành công của ông Tập. Thế nhưng, ngay trước khi ông Tập đặt chân tới Hà Nội, tin tức loan báo, hai đại công ty Nvidia và Apple của Mỹ bắt đầu các dự án lớn của họ ở Việt Nam. Không có gì thay đổi sau khi ông Tập rời Việt Nam.

Không thấy ông Tập làm được gì liên quan đến đất hiếm của Việt Nam.

Không rõ là các văn bản giấy tờ thắm tình hữu nghị, các đội duyệt binh kiểu cẳng ngỗng, 21 phát đại bác… có làm ông Tập hài lòng, dù có những điều quan trọng ông không làm được. Ta cũng có cơ sở để tin rằng ông OK, vì dù sao ông cũng là con cháu của AQ mà.

Đương nhiên con rồng tre Việt Nam không phải là mục đích lớn nhất của các hoàng đế Trung Nam Hải. Mục đích lớn nhất của họ là một thế giới mới (hay cũ) do người Tàu lập ra, chơi theo kiểu có lợi cho họ, trong đó có con rồng tre Việt Nam (con gấu trúc Panda, đại diện cho người Tàu, khó có thể xơi được mấy miếng trúc bonsai già chát cong quèo).

Thế nhưng, ông Tập lại đến và rời khỏi Việt Nam trên một chiếc máy bay có in cái logo của Star Alliance, một liên minh hàng không có trụ sở ở Tây Âu, một định chế do phương Tây tạo ra. Thôi thì tạm thời ông Tập cứ hài lòng với cái bình … tương lai chung nhân loại của ông vậy.