Seite auswählen

Hồi ký về một đời lưu vong của bà Ngô Đình Lệ Quyên

 

Khi ở tận cùng màn đêm, ta dù mất tất cả cũng không mất chính mình.

Cuốn sách “Au bout de la nuit” (tạm dịch: Tận cùng của màn đêm) là hồi ký viết bằng tiếng Ý của bà Ngô Đình Lệ Quyên, người con gái út của ông cố vấn Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Nhu và bà Trần Lệ Xuân. Cuốn sách được người thân và bạn bè của bà Lệ Quyên tập hợp từ những kỷ niệm thời thơ ấu, lúc trưởng thành, và suốt quá trình công tác của bà.

Sinh thời, bà từng được Tổng thống Cộng hòa Italia Giorgio Napolitano trao tặng danh hiệu công dân danh dự vì những cống hiến xuất sắc của bà cho nước Ý nói riêng và châu Âu nói chung vào năm 2008. Đáng tiếc thay, chính tác giả cũng không có dịp chứng kiến đứa con tinh thần của mình ra đời vào năm 2014, bởi vì bà ra đi trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc vào năm 2012, chỉ một năm sau cái chết của mẹ bà.

 

Tác phẩm được bắt đầu viết vào năm 2007. Phần một (Infanzia – Thời thơ ấu) bắt đầu từ những ngày Lệ Quyên cùng mẹ và ba anh chị em đặt chân tới Ý theo diện tị nạn chính trị, ngay sau khi cha và bác ruột – Tổng thống Ngô Đình Diệm – bị ám sát năm 1963. Phần hai (L’adolcenza – Thời niên thiếu) thuật lại quá trình trưởng thành của tác giả tại nhiều quốc gia trên thế giới. Phần ba (La Giovinezza – Thời thanh xuân) kể lại những tháng ngày học tập gian nan để trở thành một luật sư trên quê hương thứ hai. Phần cuối (Per amore di patria acquisita – Tình yêu với quê hương thứ hai) nói về công việc của bà với những người tị nạn tại châu Âu.

 

Bà Ngô Đình Lệ Quyên tại Ý. Ảnh: Steven R. Hieu Bailey.

Phải tiến về phía trước

Ngày bác và cha bị ám sát và cũng là bà ngày bước vào đời sống lưu vong, lúc này Lệ Quyên mới chỉ bốn tuổi. Từ Dinh Tổng thống Sài Gòn, gia đình được cha xứ Ngô Đình Thục tại Vatican (trước đó ông là Tổng Giám mục Giáo phận Huế) hỗ trợ và đưa đến miền Nam nước Ý.

Ngay từ nhỏ, Lệ Quyên đã học cách kiên cường trong những ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời: “Lúc này không phải là lúc để kể lể than vãn: chỉ mấy ngày trước thôi anh em tôi vẫn còn lang thang trong rừng chẳng có gì vào bụng, đến tính mạng còn khó giữ. Lúc đấy trong tôi chỉ có một ý nghĩ: Phải tiến về phía trước và kiên trì lên.”

Chưa kịp thích nghi với Roma thì bà cùng mẹ, chị, và hai anh trai phải lên đường sang Paris, tại đây bà chủ yếu kiếm sống bằng nghề trả lời phỏng vấn. Từ những ngày đầu tiên đến trường, Lệ Quyên đã bị bạn cùng trường bắt nạt vì bà là đứa trẻ da vàng. Gia đình bà nằm trong số những tị nạn nhân chính trị đầu tiên ở đất nước hình chiếc ủng. Lệ Quyên không muốn chuyện của mình làm mẹ buồn, nên đã tìm cách làm bạn với tri thức.

Tại Paris, nơi ông Ngô Đình Nhu từng sống và làm việc, cả nhà được những người bạn cũ của ông Nhu cưu mang giúp đỡ. Lệ Quyên phát hiện những khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và các nước châu Âu, trong lòng bà vẫn hoài niệm văn hoá Việt. Rất nhiều trang viết chứa chan tình cảm với Huế, nơi bà gắn bó lúc còn thơ, là nơi bà gần gũi với bà ngoại, và là nơi mà bà vĩnh viễn không thể quay trở lại trước khi qua đời.

Khi ở Việt Nam, Lệ Quyên hiếm khi được gần gũi với mẹ do bà Lệ Xuân quá bận rộn với công việc điều hành đất nước, do vậy cuộc đoàn tụ gia đình ở Ý là một sự tụ họp đau đớn. Bà viết trong sách: “Mẹ tôi luôn giữ tôi bên cạnh bà càng nhiều càng tốt, khác với những gì xảy ra ở Việt Nam, nơi chúng tôi sống cách biệt. Nỗi sợ mất tôi đã đánh thức bản năng bảo vệ con cái mạnh mẽ mẹ trong bà.”

Lấy tri thức làm bạn

Lúc Lệ Quyên lên mười tuổi, mẹ dẫn anh trai và chị gái đến Paris học còn bà quyết định ở lại Roma để tự lực cánh sinh. Bà đã học cách trung thực với cảm xúc của mình: “Tôi không đồng ý và tôi nói thẳng: tôi có ký ức tồi tệ về trường mẫu giáo Pháp và tôi thích ở Rome. Hơn nữa, tôi không dám hoặc không cố gắng đủ để nói ra một điều, rằng tôi muốn trưởng thành độc lập, tôi muốn người ta biết về tôi hơn là thân phận con gái của Madame Nhu. Tôi cảm thấy cần một không gian riêng của mình, dù cho điều đó có thể là một ước muốn viển vông ở tôi khi mới mười tuổi.”

Tuy nhiên, bất ngờ là người mẹ đã tôn trọng ý kiến của con gái, giúp bà tìm được một ngôi trường tốt và ở lại Roma một mình. Ở đó, một tu viện đã cho Lệ Quyên đến học tập miễn phí vì thành tích học tập nổi trội. Bà kể: “Tôi không biết bao nhiêu người mẹ sẽ làm như bà ấy và tôi mãi mãi biết ơn bà ấy vì đã cho phép tôi, ở tuổi mười, bước vào quá trình giải phóng bản thân.” Đó cũng chính là thời điểm mà Lệ Quyên lần đầu tiên “tiếp xúc với thực tế phương Tây toàn thời gian”, bởi lẽ trước đó, bà và mẹ cùng các anh chị em vẫn ăn đồ Việt và suy nghĩ như người Việt. Đó cũng là khi bà tự rèn luyện kỷ luật cho chính bản thân.

Chính bà đã thừa nhận, một phẩm chất quan trọng được thừa hưởng từ cha và mẹ đó là niềm say mê tri thức và tính kỷ luật trong học tập. Bà luôn nhấn mạnh những giá trị truyền thống châu Á: kính lão đắc thọ, hiếu thuận, hiếu học. Và nhờ người mẹ mà bà đã hình thành tính yêu sách, say mê khám phá những tác phẩm kinh điển thế giới và các tài liệu về quan hệ quốc tế. Bà được mẹ khuyến khích học, thi, và thưởng thức nghệ thuật. Lệ Quyên chia sẻ: “Ban ngày tôi là một chiến binh, và vào buổi tối tôi là một nghệ sĩ. […] Trong thơ ca, tôi đã và vẫn luôn tìm thấy sự an ủi cho những bất hạnh của cuộc đời.”

 

Ảnh chụp gia đình ông Ngô Đình Nhu. Bà Ngô Đình Lệ Quyên là cô con gái út, mặc váy trắng trong ảnh.

Phải thông minh lên 

Nhờ mối quan hệ của gia đình mà Lệ Quyên được trải nghiệm nhiều nền giáo dục khác nhau. Bà học tập cách giao tiếp của nam giới, thẳng thắn, khách quan, tập trung, và đi vào đúng vào chủ đề. Bà Trần Lệ Xuân, mỗi lần thăm con gái Lệ Quyên, đều quan sát và huấn luyện con mình cách trả lời câu hỏi và bày tỏ ý kiến của mình. “Câu trả lời không được ngờ nghệch hay nhạt nhẽo, mà phải thông minh. Không có định nghĩa chính thức thế nào thông minh, nhưng một câu trả lời thông minh có thể được nhận biết ngay lập tức.” Trong ký ức của bà, lời dặn của người mẹ Trần Lệ Xuân lúc nào cũng văng vẳng bên tai: “Lệ Quyên, phải thông minh lên con!”

Học giỏi với Lệ Quyên, không phải là vấn đề của tố chất hay thành tích, mà đó là một quyết định. “Tôi đã quyết định trưởng thành ở Roma, tôi phải diễn đạt mình như thế và tốt hơn người Ý. Đó là một quyết định của trí óc giống như nhiều quyết định khác trong cuộc đời.” Bà tập trung vào ghi nhớ bằng cách phát biểu độc thoại qua nhiều ngôn ngữ, tập thói quen cầu nguyện bằng năm ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Latin, và tiếng Anh).

Bà tâm niệm, không điều gì là miễn phí, không tin tưởng bất cứ ai ngoài bản thân và Chúa.

Bà cũng lý giải niềm đam mê thần thoại Hy Lạp và lịch sử vì muốn được sống trong thế giới của người hùng, cũng như người cha của bà. “Nếu cha tôi không phải là một người hùng, ông sẽ đầu hàng với áp lực của người Mỹ và chúng tôi sẽ sống trong một cuộc lưu vong vàng son. Giống như nhiều người lưu vong xa xỉ khác, đang chờ đợi sự trở lại chẳng thể có được.”

Hướng về phương Đông

Tự kiểm soát là từ khóa trong văn hóa Đông phương, nó cũng đúng cho những người không phải là người Đông phương, để đối mặt với nhiều thách thức của thế giới hiện đại, từ sinh thái đến xung đột dân sự. Sự ưu tiên của cộng đồng so với cá nhân được xác định rõ ràng, cá nhân phải hòa hợp và đưa ước mơ của mình vào trong ước mơ của cộng đồng chứ không phải ngược lại. Bà chia sẻ: “Chúng tôi đã sâu sắc tiếp thu được mô hình văn hóa này và trước hết là giá trị, dù nó cách xa thực tế phương Tây – nơi mà chúng tôi đã sống trong suốt mười lăm năm qua.”

Trong trái tim của bà luôn có chỗ cho đất nước Việt Nam, mặc dù bà chưa một lần định nghĩa đầy đủ cái tên đó có nghĩa là gì. “Tôi vẫn nghĩ và luôn nghĩ đến Việt Nam, nhưng tôi quyết tâm có được kiến thức về đất nước của tôi từ vị trí của tôi, thu thập dữ liệu 360 độ rồi sau đó xử lý chúng, kiểm tra với mẹ khi bà ở Roma hoặc với anh Trác.”

Bà tâm sự trong qua những trang sách: “Tôi sống đầy đủ nhưng phân chia rạch ròi: trường học là một chương, gia đình là chương khác, những mối quan hệ là chương thứ ba và Việt Nam là một cuốn bách khoa toàn thư để đọc và viết về. Và vẫn luôn như thế.

Cuộc sống lưu vong đã làm tôi trở nên mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc tận dụng nó để tiếp lực cho chính mình. Khác với cách mà một cô gái trong gia đình tử tế sẽ thường suy nghĩ, tôi không tin tưởng vào sự bảo vệ của bất kỳ ai khác ngoài Đấng tối cao. Tất nhiên, tôi không gọi Ngài ra để giải quyết những vấn đề vụ việc nhỏ nhặt.”

 

Bà Trần Lệ Xuân và cô con gái út Ngô Đình Lệ Quyên trong một tu viện tại Rome, cuối năm 1963. Ảnh: Lawrence Schiller/Polaris Communications.

Trở thành luật sư 

Bà Trần Lệ Xuân định hướng cho con gái mình theo ngành luật quốc tế. Bà Lệ Quyên sau này làm luận văn tiến sĩ với đề tài: “Các hiệp ước ‘hòa bình’ trong Chiến tranh Việt Nam: Hiệp định Genève 1954 và Hiệp định Paris 1973”. Những người giúp đỡ bà tiếp cận tài liệu ở Pháp là những người bạn cùng ngành lưu trữ chữ viết cổ của ông Ngô Đình Nhu.

Những ngày tháng miệt mài đèn sách tại Paris cũng thấm đậm nỗi nhớ người cha đã ra đi bi thảm. Bà nói về ông: “Đôi khi vào những lúc đi dạo trên các đại lộ lớn, tôi tự hỏi liệu cha tôi có từng ở đây vào những năm 1930 như tôi – một sinh viên nước ngoài đang mở rộng tương lai. Trước khi định mệnh và chính trị đã cướp đi tính mạng của ông.”

Lệ Quyên cũng kể lại những bất công của giới học thuật tại nước Ý, và sự im lặng của những người đồng nghiệp ngành luật xung quanh bà không dám đấu tranh cho những bất công. Ngay cả những người thầy về pháp luật trên bục giảng – những con người thuộc tầng lớp quý tộc có điều kiện để phơi bày cái xấu – cũng không dám bảo vệ một sự thật nhỏ nhất.

Hòa giải với phương Tây

Lệ Quyên không bao giờ dập tắt niềm hy vọng của mình, mà bà luôn nuôi dưỡng tri thức, bất chấp những rào cản của một người sống lưu vong. Lệ Quyên đã gặp những con người kỳ thị bà, nhưng cũng gặp những tấm lòng cao thượng. Đó là những người ở tổ chức Caritas đã truyền cảm hứng cho bà, những người đã mở rộng bàn tay và trái tim để giúp đỡ những người tị nạn – ngay khi chính phủ châu Âu và Bắc Mỹ không hào hứng và thậm chí thờ ơ với họ.

Thân phận người nhập cư sau hơn bốn thập niên mới có được tấm hộ chiếu đã khiến bà trở thành một nhà hoạt động xuất sắc. Bà nhìn nhận: “Không gì trong những gì tôi đã trải qua là bình thường. Những điều phi thường là kết quả của một hành trình dài, trong đó chúng ta cày, gieo, tưới, và chờ đợi. Một sự chờ đợi đầy niềm tin và hy vọng vào điều gì đó chúng ta chưa biết và có thể không xảy ra. Nhưng không có sự chờ đợi, không bao giờ có điều gì lớn lao xảy ra.”

“Tận cùng của màn đêm” là một cuốn sách đậm trí tuệ, lòng nhân ái, và đầy chất thơ. Qua cuốn sách, độc giả có thể thấy được những nét thấp thoáng miêu tả về hai nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Việt Nam Cộng hòa: Cố vấn Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân – người đóng vai trò như một đệ nhất phu nhân. Họ xuất hiện không phải với tư cách là những chính trị gia mà là người cha, người mẹ.

Tác phẩm là một cuốn hồi ký tràn đầy nghị lực sống và niềm lạc quan, qua đó ta thấy được tác giả sẵn sàng chuẩn bị cho những biến cố cuộc đời, như chính bà Lệ Quyên viết khi khép lại cuốn sách: “Lúc bình minh chưa tới, chúng ta chưa biết điều gì đang chờ đợi.”

NGÔ ĐÌNH SƠN – Cháu Ngoại của ông bà NGÔ ĐÌNH NHU

Ngô Đình Sơn là Con trai duy nhất của Luật Sư Ngô Đình Lệ Quyên. Cha của cháu Ngô Đình Sơn là người Ý (Italian).
“Ngô Đình Lệ Quyên lấy chồng người Ý nhưng vẫn giữ họ mình chứ không mang họ chồng. Bà cũng cho con lấy họ bên ngoại, đặt tên cho con trai duy nhất là Ngô Đình Sơn. Ông chồng người Ý của Lệ Quyên cũng phải chấp nhận.” (Theo bài: “Về người con gái út của ông bà Ngô Đình Nhu” của báo Ngô Tộc. https://ngotoc.vn/…/ve-nguoi-con-gai-ut-cua-ong-ba-ngo-dinh…
Ngô Đình Lệ Quyên sinh năm 1959 tại Sài Gòn, là con gái út của ông Ngô Đình Nhu và bà Trần Lệ Xuân, người từng được mệnh danh là Đệ nhất phu nhân của Chính quyền Sài gòn cũ. Gia đình ông bà Nhu có 4 người con, 2 gái, 2 trai là: Ngô Đình Lệ Thủy, Ngô Đình Trác, Ngô Đình Quỳnh và Ngô Đình Lệ Quyên.
Ngô Đình Lệ Quyên là một người phụ nữ sống kín đáo và khép mình với báo chí, nên những thông tin về bà đến với độc giả rất ít ỏi. Không giống như các anh, chị của mình, khi thể chế của ông Ngô Đình Diệm bị sụp đổ, Ngô Đình Lệ Quyên mới 4 tuổi, nên bà hầu như không có ký ức gì nhiều về quãng thời gian khi gia đình, dòng họ ở trên đỉnh cao quyền lực. Ký ức tuổi thơ của bà là những ngày tháng sống lưu vong ở châu Âu, hết Paris đến Rome.

Ngô Đình Lệ Quyên đang được Bác Ngô Đình Diệm chụp hình

Năm 1963, khi anh em ông Diệm – Nhu bị lực lượng của các tướng lĩnh làm đảo chính sát hại, bà Trần Lệ Xuân và con gái đầu Ngô Đình Lệ Thủy đang ở Mỹ. Bà đã nhanh chóng đưa con rời khỏi nơi đây vì cho rằng: “không thể chấp nhận lưu trú tại một đất nước mà chính phủ của nó đã đứng sau lưng âm mưu đảo chính”. Sau cuộc đảo chính, các con của ông Nhu cũng được phép rời Sài Gòn đến gặp mẹ tại Paris, nơi bắt đầu cuộc sống lưu vong của mấy mẹ con.
Thời gian này người anh của ông Diệm và ông Nhu là Ngô Đình Thục đang làm giám mục ở Tòa thánh Vatican. Trong hoàn cảnh không còn chỗ nương tựa, bà Trần Lệ Xuân đã đưa 4 người con đến xin tị nạn tại Rome, cậy nhờ giám mục Ngô Đình Thục giúp đỡ..
Nhiều người cho biết: lúc còn ở Việt Nam hay khi sống lưu vong ở nước ngoài, giám mục Ngô Đình Thục luôn rất yêu thương các cháu, con của chú Nhu nên ở nơi đất khách quê người này ông là thân nhân, cũng là chỗ dựa duy nhất của mẹ con bà Trần Lệ Xuân. Người ta nói, nhà cửa, tiện nghi của mẹ con bà Lệ Xuân ở La Mã đều do giám mục Ngô Đình Thục mua sắm, ông còn cung cấp tiền bạc cho các cháu ăn học.
Ngô Đình Lệ Quyên theo học trường Đại học Rome và lấy bằng Tiến sĩ Luật tại đây rồi trở thành một luật sư ngành công pháp quốc tế rất nổi tiếng. Tuy nhiên, bà chỉ được mời thỉnh giảng tại Đại học Rome chứ không thể làm giáo sư chính thức, bởi một trong những điều kiện bắt buộc ở Đại học Rome là giáo sư giảng dạy trong trường phải có quốc tịch Italia, trong khi Ngô Đình Lệ Quyên lại kiên quyết không xin gia nhập quốc tịch nước này.
Ngô Đình Lệ Quyên đã về sống và làm việc ở Rome từ những năm 1990. Đây cũng là nơi người anh trai Ngô Đình Trác sinh sống, còn anh trai Ngô Đình Quỳnh thì làm việc cho một công ty Mỹ có trụ sở ở Vương quốc Bỉ.
Đối với bà Trần Lệ Xuân , những năm gần cuối đời khi sức khỏe suy yếu, bà cũng chuyển từ Paris sang Italia sống gần các con trong một ngôi nhà ở Rome, nên năm 2011 khi bà qua đời, con trai, con gái cùng các cháu nội ngoại đều có mặt.
Ngô Đình Lệ Quyên từng làm Giám đốc phụ trách vấn đề di dân của tổ chức Caritas, một tổ chức thiện nguyện thuộc Tòa thánh Vatican. Theo những người quen biết với Lệ Quyên thì người phụ nữ này có một gương mặt đặc biệt giống cha là ông Ngô Đình Nhu.. Năm 20 tuổi người ta bảo Lệ Quyên trông giống cha như đúc. Bà không chỉ có nét mặt giống cha mà còn giống cả về tính cách. Bà có cá tính rất đặc biệt, rất cương quyết và nổi tiếng là người cứng đầu. Có lẽ bởi vậy, nên hai mẹ con bà Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Lệ Quyên thường xảy ra xung khắc, không hòa hợp với nhau trong quan điểm sống.
Ngô Đình Lệ Quyên lấy chồng người Ý nhưng vẫn giữ họ mình chứ không mang họ chồng. Bà cũng cho con lấy họ bên ngoại, đặt tên cho con trai duy nhất là Ngô Đình Sơn. Ông chồng người Ý của Lệ Quyên cũng phải chấp nhận.
Cháu Ngô Đình Sơn và Bác Ngô Đình Quỳnh
Ở tổ chức Caritas, nơi Ngô Đình Lệ Quyên làm Giám đốc phụ trách vấn đề di dân, bà được biết đến như một người lãnh đạo cương quyết, nhưng ăn nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường và có lối sống rất chuẩn mực. Nữ Giám đốc này đóng góp vai trò to lớn trong chính sách của Caritas nên được nhiều nhân viên của tổ chức này kính trọng.
Ngô Đình Lệ Quyên dấn thân vào những công việc giúp đỡ người nghèo và người khốn khó, làm việc với lòng hăng say và tin tưởng. Bà luôn bênh vực những người di dân nghèo khó. Từ năm 2002 đến 2007, Lệ Quyên từng là thành viên Ủy ban Di dân thuộc Caritas châu Âu và sau đó là Chủ tịch ủy ban này.
Ngô Đình Lệ Quyên nổi tiếng ở Rome và ở Caritas vì rất cứng đầu trong việc không xin nhập quốc tịch Italia, mặc dù nếu có quốc tịch Italia, con đường sự nghiệp của bà sẽ tươi sáng hơn rất nhiều. Lệ Quyên đã chối bỏ con đường đó để làm công tác thiện nguyện, sống một cuộc đời khá ẩn dật.
Dẫu vậy, vì những đóng góp nổi bật của bà cho đất nước Italia nên năm 2008 theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Tổng thống nước này đã ký sắc lệnh cấp quốc tịch Italia cho bà. Đây là một vinh dự mà chi một số ít người ngoại quốc có được ở đất nước Italia.
Ngô Đình Lệ Quyên sống rất giản dị và thân thiện với người xung quanh. Ở Italia, Lệ Quyên thường đi làm bằng xe mô tô. Chính vì vậy mà ngày 16/4/2012 bà đã tử nạn trong một tai nạn giao thông. Theo tin từ các phương tiện truyền thông thì vụ tai nạn xảy ra lúc 8h30 ở ngoại ô Rome, khi Lệ Quyên trên đường vào trung tâm thành phố làm việc. Sau cú va chạm giữa chiếc xe máy của bà với một xe bus chở học sinh đi ngược chiều, hậu quả là xe máy của bà chui vào gầm xe bus, còn bản thân bà thì bị hất văng ra khoảng 7m. (Cũng có một số nguồn tin nói rằng, chiếc xe máy do Lệ Quyên điều khiển đã bị ngã ở vùng ven nội thành Rome, bà bị một chiếc xe buýt chở học sinh cán phải và tử vong tại chỗ).
Ngày 16/4/2012 và mấy ngày sau đó, nhiều tờ báo ở Rome và các trang mạng xã hội đã đưa tin, bình luận về cái chết thương tâm của Ngô Đình Lệ Quyên. Lãnh đạo thành phố Rome đã có lời chia buồn sâu sắc đến gia đình bà. Một số trang tin cho biết, Phó Thị trưởng thành Rome, Sveva Belviso phát biểu: “Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đối với cái chết bất ngờ của bà Ngô Đình Lệ Quyên, một người phụ nữ đã hết sức chuyên nghiệp trong công việc trên cương vị trưởng bộ phận giúp di dân tại Caritas, hỗ trợ những người khó khăn trong xã hội”. Trang web của tổ chức Caritas cũng dành những dòng chữ thương tiếc trang trọng để nói về Ngô Đình Lệ Quyên. Cùng với đó, gia quyến bà cũng nhận được nhiều lời chia buồn từ các chức sắc tôn giáo, quan chức địa phương và những người đã nhận được sự giúp đỡ của bà.
Nhiều người nói gia đình bà Trần Lệ Xuân có một “lời nguyền tháng Tư” vì nhiều người trong gia đình đều chết vào tháng Tư, theo đó người con gái đầu Ngô Đình Lệ Thủy mất tháng 4/1967, bà Trần Lệ Xuân tháng 4/2011, và nay là Ngô Đình Lệ Quyên.
Đó có thể chỉ là những lời đồn đoán. Dẫu sao, bằng sự dấn thân, với những gì đã đóng góp cho xã hội, sự giúp đỡ tận tâm cho những người nghèo khổ, cái chết của Ngô Đình Lệ Quyên cũng để lại cho nhiều người sự xót thương, nhớ tiếc.
Ngô Xuân tổng hợp
https://m.facebook.com/groups/472959926209829/permalink/2480615618777573/