Mục lục
Pháp : Quốc Hội thông qua luật nhập cư mới, nội bộ đảng cầm quyền gặp khủng hoảng
Tối qua, 19/12/2023, Quốc Hội Pháp đã đạt được đồng thuận và chính thức thông qua dự luật nhập cư mới sau nhiều lần sửa đổi. Tuy nhiên, việc thông qua văn bản này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị trong nội bộ đảng cầm quyền.
Sau 18 tháng thảo luận với nhiều lần sửa đổi, dự luật gây nhiều tranh cãi này đã được thông qua tại Hạ Viện với 349 phiếu thuận và 186 phiếu chống, trong tổng số 573 dân biểu, .
Trước đó, ở Thượng Viện, do phe cánh hữu và cánh trung chiếm đa số, dự luật siết chặt hơn các biện pháp kiểm soát nhập cư đã được thông qua sau nhiều cuộc đàm phán kéo dài và căng thẳng của Ủy ban lưỡng viện đặc biệt, gồm 7 thượng nghị sĩ và 7 dân biểu Hạ Viện..
Đây được coi là chiến thắng của tổng thống Emmanuel Macron tại Quốc Hội, nhưng việc thông qua luật nhập cư mới đã làm lộ rõ những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng cầm quyền, khi vào phút chót một số dân biểu đã quay lưng lại với văn bản được đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN) ủng hộ. Theo France 24, trong cuộc bỏ phiếu hôm qua, trên 251 dân biểu Hạ Viện, 59 người thuộc đảng cầm quyền đã vắng mặt, hay bỏ phiếu chống.
Ngay sau khi văn bản được thông qua, bộ trưởng Y tế Aurélien Rousseau đã đệ đơn từ chức lên thủ tướng. Một số bộ trưởng khác cũng không đồng tình với luật nhập cư mới, như bộ trưởng Giao Thông Clément Beaune, bộ trưởng Nhà ở Patrice Vergriete, hay bộ trưởng Đại học Sylvie Retailleau. Hai trong số những vị này đang cân nhắc về việc từ chức.
Một dấu hiệu khác cũng cho thấy bất ổn trong nội bộ phe đa số cầm quyền, đó là chủ tịch Ủy ban Luật, Sacha Houlié, đã bỏ phiếu chống dự luật, và chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng cánh trung MoDem, Jean-Paul Mattei, đã vắng mặt.
Nếu như luật nhập cư mới được đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc hoan nghênh, thì các đảng cánh tả đã mạnh mẽ lên án đây là một « thắng lợi ghê tởm » như dòng tin nhắn trên mạng X (tức Twitter cũ) của ông Jean-Luc Melanchon, cựu lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI), đồng thời cho đấy là một đạo luật lấy « cảm hứng trực tiếp từ chương trình của Jean-Marie Le Pen », người sáng lập đảng Mặt Trận Quốc Gia, tiền thân đảng Tập hợp Dân tộc hiện nay.
Lãnh đạo đảng Xanh chỉ trích tổng thống Pháp Emmanuel Macron « phản bội cử tri » khi đã cho phép « đưa những tư tưởng của phe cực hữu vào trong dự luật ».
Tuy nhiên, theo một thăm dò do Viện CSA thực hiện cho các trang mạng Journal du Dimanche, CNews, và Europe 1, đại đa số những người được hỏi, dù là theo cánh tả hay hữu, ủng hộ hay chống ông Macron, đều muốn chính phủ Pháp có chính sách cứng rắn hơn với những người nhập cư trái phép.
Tối nay, tổng thống Emmanuel Macron trả lời phỏng vấn trực tiếp trên kênh truyền hình France 5 từ điện Elysée.
Những điểm mới trong luật nhập cư của Pháp
Luật nhập cư mới sẽ tác động trực tiếp đến những người lao động nước ngoài tại Pháp. Cụ thể, văn bản này tạo điều kiện xin thẻ cư trú cho những người nhập cư không giấy tờ, làm việc trong các lĩnh vực mà nước Pháp thiếu lao động.
Nhưng đồng thời các quy định về trợ cấp nhà ở cũng sẽ bị siết chặt. Những người nước ngoài thất nghiệp sống tại Pháp phải đợi 5 năm mới có thể được nhận trợ cấp nhà ở của chính phủ (APL). Đối với những người có việc làm, thời hạn này rút xuống còn 3 tháng.
Sinh viên khi nộp đơn xin cấp thẻ cư trú cũng sẽ phải đóng một khoản tiền thế chân cho những chi phí có thể phát sinh khi sống tại Pháp. Các quy định về đoàn tụ gia đình cũng trở nên khắt khe hơn. Để có thể đưa gia đình sang định cư ở Pháp, người nước ngoài phải chứng minh đã cư trú tại Pháp ít nhất 24 tháng và phải đáp ứng nhiều tiêu chí về thu nhập và bảo hiểm y tế.
Về vấn đề nhập tịch, những người sinh ra ở Pháp có cha mẹ là người nước ngoài sẽ không được tự động cấp quốc tịch Pháp khi đến tuổi trưởng thành, mà họ sẽ phải thực hiện quy trình xin cấp quốc tịch trong khoảng thời gian từ 16-18 tuổi. Trong trường hợp phạm tội, những người thuộc diện này sẽ không được nhập tịch.
Luật nhập cư Pháp: ‘‘Nụ hôn tử thần’’ cực hữu làm chao đảo phe cầm quyền
Hạ Viện Pháp tối qua, 19/12/2023, đã thông qua luật về nhập cư, vốn là một trong các mục tiêu chính trong nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Macron, nhưng gây bất đồng sâu sắc trong chính giới. Đây là chủ đề chính của hầu hết báo Pháp hôm nay. Le Figaro nói đến tình trạng ‘‘hỗn loạn’’ trong phe cầm quyền. Libération tố cáo sự ‘‘phản bội’’ của tổng thống. Les Echos chỉ ra các thủ đoạn gây chia rẽ của đảng cực hữu, trong bối cảnh phe cầm quyền rơi vào khủng hoảng nội bộ.
RFI
”Luật được thông qua, nhưng gây chia rẽ sâu sắc trong liên minh của tổng thống’’ là tựa lớn Le Figaro. Tờ báo thiên hữu rút ra ba nét chính: ‘‘Phe cầm quyền trên bờ tan vỡ’’, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) hoan hỉ với kế sách gây chia rẽ phe cầm quyền gặt hái kết quả, đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) thành công buộc được phe tổng thống phải siết chặt luật nhập cư.
Tổng thống bị lên án ‘‘mù quáng’’ và ‘‘lẩn tránh’’
Bài xã luận của Le Figaro, với tiêu đề ‘‘Đảo lộn hoàn toàn’’, tập trung chỉ trích tổng thống Macron, bị cáo buộc là nguyên nhân dẫn đến tình hình rối loạn trong nội bộ liên minh cầm quyền hiện nay, với việc nhiều bộ trưởng dọa từ chức, chủ tịch ủy ban Tư Pháp Hạ Viện, thuộc đảng cầm quyền, chống lại luật.
Theo Le Figaro, gốc rễ là do thái độ ‘‘mù quáng’’ của tổng thống, đã lẩn tránh vấn đề nhập cư ‘‘trong một thời gian dài’’, rồi buộc phải ra luật dưới áp lực của dư luận. Và trong bối cảnh bị tình thế ép buộc, dự luật đã được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ Viện một cách hết sức thiếu bài bản dẫn đến các phản ứng vượt tầm kiểm soát, khiến ‘‘toàn bộ hệ thống rung chuyển’’.
Nỗ lực của Macron để tránh bị mang tiếng ngả theo cực hữu
Trong một bài viết khác, nhật báo thiên hữu nhấn mạnh đến ‘‘cuộc khủng hoảng chưa từng có’’ của liên minh cầm quyền. Le Figaro thuật lại những diễn biến trước cuộc bỏ phiếu quyết định tại Hạ Viện tối muộn hôm qua. Việc bộ trưởng Y Tế Aurelien Rousseau đe dọa từ chức, cũng như phản ứng dữ dội khác của nhiều nhân vật hàng đầu trong liên minh (như lãnh đạo đảng cánh trung François Bayrou), đã buộc tổng thống phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào cuối ngày với thủ tướng Elisabeth Borne, và các thành viên trụ cột của đa số để tìm giải pháp.
Tổng thống Macron một mặt kêu gọi tất cả hành động đến cùng để luật được thông qua nhanh chóng, nhưng để ngỏ khả năng sẽ đích thân đề nghị Hội Đồng Bảo Hiến hủy bỏ các ‘‘điều khoản gây bất đồng nghiêm trọng’’ (từ phía một bộ phận của liên minh cầm quyền), một khi luật được thông qua. Để tránh bị mang tiếng là bị ngả về cực hữu, nguyên thủ quốc gia Pháp cũng khẳng định có thể sẽ yêu cầu Hạ Viện bỏ phiếu lại lần nữa, nếu luật được thông qua nhờ phiếu bầu của đảng cực hữu RN (với 89 dân biểu), tương tự như lãnh đạo chính phủ Pháp Pierre Mendès France, đã từng từ chối phiếu bầu của đảng Cộng Sản trước đây.
Từ viễn cảnh chiến thắng đến ‘‘thất bại chính trị khủng khiếp’’
Le Figaro trong một bài viết khác, nhận xét, ngày 19/12/2023 tưởng như sẽ có thể đi vào lịch sử như một chiến thắng của tổng thống Macron với nỗ lực kiên quyết đến cùng để thông qua luật về nhập cư rút cục đã kết thúc như một ‘‘thất bại hoàn toàn về chính trị, khủng khiếp nhất kể từ khi ông Macron lên nắm quyền’’ năm 2017.
Đáng sợ nhất với phe tổng thống chính là điều mà Le Figaro, cũng như nhiều báo khác, gọi là ‘’nụ hôn của tử thần’’ dành cho phe cầm quyền, tức tuyên bố của lãnh đạo đảng cực hữu nổi tiếng bài ngoại Marine Le Pen sẵn sàng bỏ phiếu cho văn bản dự thảo luật vừa được ủy ban lưỡng viện đặc biệt CMP thông qua chiều hôm qua.
‘‘Nụ hôn giết người’’ của bà Le Pen
Với sự đồng thuận của đảng đối lập cánh hữu LR, phe cầm quyền không cần đến các lá phiếu của đảng cực hữu để luật được thông qua, nhưng việc lãnh đạo cực hữu tuyên bố ủng hộ luật nhập cư được coi là chiến thuật ‘‘gài bẫy’’ hiệu quả. Chỉ ít phút sau, biện pháp này đã có kết quả. Hàng loạt dân biểu thiên tả trong phe cầm quyền tuyên bố chống lại dự luật, buộc chính quyền phải tổ chức hàng loạt cuộc họp để hóa giải khủng hoảng. Như điển tích ‘‘Hoàng đế trần truồng’’, sự bất lực của tổng thống hiện ra giữa ban ngày, bài viết của Le Figaro kết luận.
Nhật báo kinh tế Les Echos dành mục ‘‘Mỗi ngày một sự kiện chính trị’’ cho bài ‘‘Marine Le Pen : Nụ hôn giết người’’, với nhận định, bằng cách tuyên bố đảng cực hữu sẽ bỏ phiếu cho dự luật, bà Le Pen đã phá tan hình ảnh về một văn bản luật được coi là ‘‘cân bằng’’, đẩy phe đa số vào cảnh chia rẽ. Tương tự như Le Figaro, Les Echos ghi nhận thủ đoạn của lãnh đạo đảng cực hữu đã gặt hái thành công. Tuyên bố bất ngờ của lãnh đạo đảng cực hữu về một ‘‘chiến thắng ý thức hệ’’, ngay sau khi ủy ban lưỡng viện đặc biệt hoàn tất công việc, đã đẩy chính phủ Borne vào thế bị động.
Nỗ lực ra một bộ luật ‘‘cân bằng’’ bị phủ nhận sạch trơn
Bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin ngay sau đó đã vạch mặt đảng cực hữu, phơi bày thái độ giả dối của đảng này, khi cho biết, nếu bỏ phiếu cho luật này, các dân biểu cực hữu sẽ phản lại những nguyên tắc của chính họ, cụ thể như việc hợp thức hóa những người không giấy tờ, điều mà cho đến nay họ vẫn phản đối. Bất chấp các phản công của ông Darmanin, ‘‘đòn đánh tàn khốc’’ của bà Le Pen đã mang lại hiệu quả không ngờ, ‘‘xóa tan đi các nỗ lực giải thích của chính phủ để thu hút sự ủng hộ đối với một dự luật không thiên hữu đến mức như nhiều người vẫn nghĩ’’, theo Les Echos.
Cụ thể, nhiều người tưởng rằng luật nhập cư vừa được thông qua là theo quan điểm cực hữu, khi giới hạn điều kiện hưởng các trợ cấp xã hội với người nước ngoài, căn cứ theo quốc tịch (quan điểm của RN). Trên thực tế, theo phe đa số, điều kiện hưởng trợ cấp gắn với ‘‘việc làm’’. Theo Les Echos, nhiều cách xử lý mang ‘‘tính nhân văn’’ (theo quan điểm của chính phủ) với dân nhập cư nước ngoài đã bị lãnh đạo cực hữu ”phủ nhận sạch trơn chỉ với một tuyên bố”.
Dù sao, theo Les Echos, lãnh đạo cực hữu ‘‘không phải là kẻ tạo ra khủng hoảng, mà chỉ là người châm mồi lửa’’. Theo một người bạn cũ của tổng thống, ‘‘chỉ có một giải pháp duy nhất, đó là không ban hành văn bản này’’. Hiện tại, dự luật đã được thông qua, khủng hoảng không kết thúc.
Macron bị cáo buộc ‘‘phản bội’’ lại cam kết ngăn chặn cực hữu
Trang nhất Libération, với nền màu đen, tố cáo tổng thống đã phản bội cam kết ngăn chặn đảng cực hữu. Nhật báo thiên tả đối chiếu hai tuyên bố. Thứ nhất là tuyên bố của ông Macron khi đắc cử lần thứ hai, vào ngày 24/04/2022 : ‘‘Các vị đã bỏ phiếu cho tôi để ngăn chặn cực hữu. Điều này buộc tôi phải có trách nhiệm’’. Đối diện với tuyên bố của ông Macron là tuyên bố của lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen ngày hôm qua 19/12/2023 : ‘‘Đối với đảng RN, luật nhập cư (sắp được thông qua) là một chiến thắng ý thức hệ’’.
Nhật báo thiên tả điểm ra bốn biện pháp ngả mạnh về hữu trong dự luật mà sẽ để lại những hậu quả lớn với dân nhập cư. Thứ nhất là giới hạn các điều kiện đoàn tụ gia đình với người nhập cư hợp pháp, tăng thời hạn xem xét từ 18 lên 24 tháng, và đòi hỏi các thành viên gia đình muốn đến Pháp phải qua sát hạch về tiếng Pháp. Thứ hai là siết chặt điều kiện được hưởng trợ cấp nhà ở (APL). Thứ ba là siết chặt các điều kiện đến Pháp của sinh viên nước ngoài, với việc tăng học phí và yêu cầu nộp tiền bảo lãnh, sẽ được hoàn trả khi rời Pháp. Và thứ tư là tái lập trở lại tội ‘‘cư trú bất hợp pháp’’, với tiền phạt 3750 euro.
Xã luận Libération, với tựa đề ‘‘Berezina’’ (Đại bại), tỏ ra hết sức bi quan khi nhấn mạnh rằng việc luật nhập cư vừa được thông qua là một ”thất bại của nền dân chủ”, cho thấy liên minh cầm quyền của ông Macron hoàn toàn mất uy tín, và ”kẻ được lợi duy nhất trong thảm bại này là phe cựu hữu’’.
Luật nhập cư phơi bày toàn bộ sự mong manh của phe cầm quyền
Về luật nhập cư Pháp, báo Le Monde hôm nay ra từ chiều hôm trước có bài nhận định của nhà báo Françoise Fressoz, ‘‘Luật nhập cư : Thời khắc của sự thật’’. Nhà bình luận của Le Monde chú ý đến việc khoảng 60% người Pháp, theo một thăm dò dư luận, hy vọng chính phủ và đối lập tìm được thỏa hiệp trong vấn đề luật nhập cư. Vấn đề ‘‘nhập cư’’ vốn không gây phân hóa sâu sắc trong xã hội Pháp như cải tổ hưu trí. Việc không tìm được thỏa hiệp trong dự luật về nhập cư gây suy yếu nặng nề cho liên minh cầm quyền.
Nhà bình luận của Le Monde dự báo trước là, bất chấp kết cục ra sao, khủng hoảng xung quanh luật nhập cư cũng phơi bày toàn bộ sự mong manh của phe cầm quyền : một tổng thống với quyền lực suy yếu, nhưng cố gắng tỏ ra ở thế thượng phong. Tình trạng này buộc tổng thống phải thay đổi. Nhưng liệu còn kịp ?
Ứng xử với dân nhập cư và nguyên tắc bác ái
Nhật báo Công giáo La Croix hôm nay cũng tập trung vào vấn đề trọng tâm trong các đàm phán giữa đa số và đối lập, đó là quyền tiếp cận các trợ cấp xã hội của dân nhập cư. La Croix thừa nhận là, xét về luật pháp của nước Pháp và châu Âu, rõ ràng có sự khác biệt giữa quyền của người Pháp, quyền của công dân các nước thành viên khối 27 nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu, và quyền của người nước ngoài. Phân biệt về quyền của người trong nước và người nước ngoài không phải là bài ngoại.
Tuy nhiên, nhật báo Công Giáo cũng lưu ý đến hai nguyên tắc nền tảng khác, đã được ghi trong Hiến pháp của nước Pháp và chế độ cộng hòa Pháp : Nguyên tắc bình đẳng và bác ái. Nguyên tắc bác ái cũng là một nguyên tắc phổ quát, La Croix nhắc nhở.
Nhập cư không chỉ là vấn đề đau đầu với nước Pháp. Cũng trong số báo này La Croix giới thiệu vấn đề nhập cư nhìn từ châu Âu. Theo một thăm dò dư luận hồi tháng 10 vừa qua, nhập cư cũng là ‘‘vấn đề số một’’ của khối 27 nước, vượt xa nhiều vấn đề quan trọng khác. Nhiều nước châu Âu cũng đang ‘‘siết chặt về các chính sách nhập cư’’.