Seite auswählen

Tác giả: Marci Shore

Trần Gia Huấn, dịch

Tiếng Dân

26-12-2023

Lời người dịch: Marci Shore, sinh 1972, người Mỹ gốc Do Thái, là giáo sư sử Đại học Yale, Mỹ, chuyên về văn học, lịch sử và chính trị của chủ nghĩa Mác. Bà là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Caviar and Ashes” (Trứng cá muối và Tro tàn) mô tả hàng triệu thân phận trí thức Đông Âu bị cuốn vào chủ nghĩa Cộng Sản, hay “The Taste of Ashes” (Hương vị của Tro tàn) nói về thế giới bên kia của chủ nghĩa toàn trị.

Cuốn “The Ukrainian Night” (Đêm Ukraine) ghi lại những khoảnh khắc trên quảng trường Maidan giữa mùa đông ngiệt ngã 2013-2014. Người Ukraine mất cảm giác ngày đêm, mất cảm giác sợ hãi, đối diện với cái chết. Maidan là sự khởi đầu. Maidan phản chiếu năng lực. Maidan cắt nghĩa sự kháng cự mãnh liệt. Maidan là cái nôi của cuộc chiến chống ngoại xâm Nga. Maidan là ánh sáng soi rọi hiện tại. Maidan là một khao khát hướng về Âu châu. Dưới đây là bài viết của Marci Shore, nhân mười năm sự kiện Maidan. Tựa bài do tác giả đặt.

 

 

Ảnh chụp những người biểu tình xuống đường ngày 8-12-2013 trong cuộc cách mạng Maidan. Nguồn: Wikimedia

***

Không thể nắm bắt được hiện tại; bởi vì nó vô chiều, vô định. Với Jean-Paul- Sartre, hiện tại được hiểu như một đường biên. Một đường biên giữa thực tế và siêu phàm, mở ra một hành lang vượt qua những gì đã có. Cách mạng thắp sáng đường biên này. Đó là khoảnh khắc của lựa chọn.

Năm 2004, ứng cử viên tổng thống Viktor Yanukovych là một “soái Nga” thuộc hạ của điện Cẩm Linh. Hắn cùng với băng đảng gian lận phiếu bầu, và đầu độc đối thủ Viktor Yushchenko bằng dioxin. Yanukovych trở thành tổng thống Ukraine. Nhiều cuộc biểu tình phản đối tại quảng trường Maidan, trung tâm Kyiv, buộc phải bầu cử lại, và Yushchenko thắng áp đảo.

 

Tâm trạng của Kyiv khi đó thật phấn chấn. Sự nghiệp chính trị của Yanukovych dường như đã cáo chung. Thế nhưng, tổng thống đắc cử Yushchenco để lại những thất vọng ê chề. Trong khi, Yanukovych âm thầm khai thác công nghệ PR của Mỹ giành cho băng đảng xã hội đen muốn chen chân vào chính trị. Được phù đạo bởi những cố vấn Mỹ, Yanukovych tái lâm vào 2010, trở thành tổng thống Ukraine một cách hợp pháp.

 

Yanukovych tạ ơn ông thầy Paul Manafort ở Mỹ một lọ trứng cá muối đen trị giá 30,000 Mỹ kim.

Đám trí thức cấp tiến Ukraine ghét cay ghét đắng Yanukovych. Hiển nhiên, khi Yanukovych ngồi ghế tổng thống, ông đã giành phần thưởng an ủi cho họ là viễn cảnh hội nhập Âu châu ngày càng xa thẳm. Với thế hệ trẻ Ukraine thì hội nhập vào Âu châu là khát vọng lớn lao nhất (the greatest desire).

Tháng 11 năm 2013, Ukraine dự định ký một hiệp ước đã được mong đợi từ lâu với Liên Âu. Đúng 11 giờ, ngày 21/11/2013, Yanukovych tuân lệnh Putin, từ chối ký hiệp ước này.

Nỗi thất vọng vò xé thế hệ trẻ Ukraine. Cánh cửa vào Liên Âu đóng sập lại. Tương lai mịt mờ vô định. Tối đó, nhà báo Mustafa Nayyem, 32 tuổi, từ Kabul viết trên Facebook bằng tiếng Nga “Hãy xuống đường!  Hãy nghiêm chỉnh! Ai sẵn sàng tới Maidan vào nửa đêm nay?”

 

Đêm đó, người Ukraine – sinh viên là chính, đã tới Maidan, tay trong tay, hô vang khẩu hiệu: “Ukraine là Âu châu!”

Đúng 4 giờ sáng, ngày 30/11/2013, Yanukovych đưa cảnh sát cơ động tới đàn áp sinh viên. Dùng bạo lực đàn áp cuộc biểu tình ôn hòa là một cú shock. Dường như, Yanukovych sử dụng cú shock này để hù dọa phụ huynh phải đưa con về nhà, nhưng điều này đã trở thành bước ngoặt. Thay vì đưa con về nhà, phụ huynh ở lại cùng tuổi trẻ biểu tình.

Đây là một cuộc nổi dậy lịch sử mang đậm tính sử thi gia đình. Giờ đây, hàng triệu người trên đường phố Kyiv hô vang “Không cho phép đánh đập con cái chúng tôi!”

Một trong những thanh niên bị đánh là Roman Ratushnyy, 16 tuổi. Tôi hỏi em: “Hẳn rằng mẹ của em rất khổ tâm. Bà ấy có bắt em về nhà không?” Cậu ấy trả lời: “Mẹ tôi ấy à? Bà ấy đang làm bom xăng ở đường Hrushevskogo”.

 

Maidan không chỉ là nơi biểu tình, mà trở thành một thành phố nhỏ. Bếp nấu ăn đỏ lửa. Âm nhạc được trình diễn. Họa sỹ vẽ tranh. Bệnh xá mọc lên. Bác sỹ điều trị cho những người ốm hoặc bị thương. Thư viện Đại học được mở. Cây đại dương cầm được dựng lên. Người dựng lều; kẻ đốt lửa; người khác nấu những nồi soup lớn. Tình nguyện viên đào băng cào tuyết. Người đồng tính chuyển đường dây bí mật của riêng mình thành đường dây nóng cấp cứu cho Maidan.

Không ranh giới giữa những con người, trò chuyện với người xa lạ. Một sinh viên tên là Misha nói với tôi: “Họ rất khác nhau. Người Ukraine, người Nga, người Do Thái, người Ba Lan, người Tatars, người Armenia, người Azerbaijan, người Georgia, người nói tiếng Ukraine, người nói tiếng Nga”. Chẳng những ranh giới giữa các sắc tộc, mà ranh giới giữa các đẳng cấp giàu nghèo đã biến mất. Một nhà văn mô tả: “Maidan là một phòng thí nghiệm về những kế ước xã hội. Một công đoàn vĩ đại: những chuyên gia IT đến từ Dnipropetrovsk, người chăn cừu đến từ Hutsul, nhà toán học đến từ Odessa, thương gia đến từ Kyiv, thông dịch viên tới từ Lviv, và những người nông dân Tatar tới từ Crimea”.

Nhà sử học Yaroslav Hrytsak mô tả Maidan giống như hàng người lên con thuyền của Noah lánh nạn Đại Hồng Thủy. Nhà làm phim Oleksiy Radynski nhận xét: Chứng kiến cảnh Ukraine, Âu châu đau khổ giống như Caliban (nhân vật trong vở kịch Bão Tố của Shakespeare) thấy mặt mình trong gương.

 

Vào ngày 16/1/2014, chính quyền của Yanukovych thông qua đạo luật thu hồi quyền tự do biểu tình và ngôn luận. Bất kể ai trên quảng trường Maidan đều trở thành tội phạm. Yanukovych dùng cảnh sát chống bạo động, lựu đạn cay, đạn cao su, đạn gây ngất, vòi rồng, súng phun hơi lạnh. Người biểu tình biến mất. Một thi thể của nhà hoạt động đã bị đánh đến tàn tật và đông cứng, ném trong rừng. Những người trở về được thì cơ thể đã biến dạng, như cắt mất một bên tai.

Hannah Arendt, nữ triết gia người Đức ở thế kỷ trước, mô tả “tính cách đáng kinh ngạc về sự bất ngờ vốn có trong mọi khởi đầu”. Khi người Ukraine đến Maidan vào dêm 21/11/2013, không ai nghĩ rằng họ sẽ chết ở đó. Thế nhưng đến cuối tháng 1/2014, một người biểu tình đầu tiên bị bắn chết bởi cảnh sát, thì cuộc nổi dậy mang đậm tính hiện sinh đã hình thành.

Chất lượng của thì hiện tại đã thay đổi. Mất cảm giác của thời gian, không thể phân biệt giữa ngày và đêm, cả Kyiv không còn ai ngủ nữa. Walter Benjamin, triết gia Đức ở nửa đầu thế kỷ 20, đưa ra khái niệm “Jetztzeit – the time is now time” mô tả sự chín mùi của lịch sử. Số lượng lớn người quyết định: Sẵn sàng chết tại nơi đây nếu cần. Nghệ sỹ Vasyl Cherepanyn tin rằng, đây là thời khắc của xã hội Ukraine tồn tại hôm nay đã ra đời.

 

Tháng 2/2014, số người biểu tình chết do bị bắn lén đã lên đến hàng trăm. Yanukovych trốn qua Nga. Điện Cẩm Linh cưỡng chiếm Crimea và gởi “khách du lịch Nga” tràn qua biên giới, kích động một cuộc chiến ở miền Đông.  Ở đây, nhóm ly khai được điện Cẩm Linh hậu thuẫn tuyên bố: Bảo vệ người nói tiếng Nga đang bị bọn phát xít Ukraine áp bức. Phải tiêu diệt chính quyền do Mỹ thao túng, đã làm cuộc đảo chính mất dạy ở thủ đô – chính cuộc chiến này đã không kết thúc cho đến hôm nay.

Mùa đông 2013 – 2014, các phóng viên Nga cứ tiếp tục hỏi những người tham gia trên quảng trường Maidan, rằng Mỹ đã cho họ những gì. Một phụ nữ trẻ nói: “Người Nga đã không nắm bắt được thời cuộc. Chính chúng tôi là những người tổ chức”. Nhưng tuyên truyền của điện Cẩm Linh tung ra rằng các cuộc biểu tình do tình báo Mỹ và thế lực ngầm giật dây.

Tám năm sau, mùa xuân 2022, lính Nga chiếm đóng Kherson cũng không tin rằng người dân địa phương tự đứng lên, mà không có một thế lực “chủ mưu ngoại lai” nào điều khiển. Một phụ nữ ở Kherson nói với phóng viên: “Người Nga đã mất khả năng nắm bắt vấn đề. Chỉ những người quan tâm tới tự do, dân chủ, và quyền tự quyết đã tự đứng ra tổ chức”.

Roman Ratushnyy thuộc về thế hệ trưởng thành từ Maidan, với di sản của những người làm lên lịch sử chứ không phải là đối tượng của lịch sử. Anh đã trở thành nhà hoạt động bảo vệ môi trường và chống tham nhũng. Khi Nga xâm lược Ukraine, anh tham gia quân đội và hy sinh vào tháng 6/2022.

Hôm nay, người Ukraine không nói chuyện về “sau cuộc chiến” mà họ nói về “sau chiến thắng” —пiсля перемоги (pislya peremohy). Giám đốc nhà hát người Ba Lan Krzysztof Czyżewski đề nghị từ “Peremoha” nên trở thành từ vựng toàn cầu. Tiền tố “pere” ngụ ý một cuộc vượt qua, còn “moha” mang ý nghĩa “tôi có thể”. Peremoha là chiến thắng theo nghĩa đen là sự vượt xa những gì con người có thể.

Kateryna Mishchenko, đồng nghiệp của nhà văn Ukraine, nói về chiến tranh, họ nói về đế quốc Nga, về chủ nghĩa Stalin, về chế độ thuộc địa và chiếm đóng. Kateryna viết: “Với tôi, cuộc chiến của Putin có một điểm để tham chiếu rất rõ là quảng trường Maidan, quay lại nơi này để hướng tới tương lai”.

Đối với Sartre, những người sống trong “đức tin xấu” là phản chiếu hiện thực trong tương lai, là phủ nhận khả năng và trách nhiệm, là mất tính chính trực, là mất quyền tự chủ, là không biết cách lựa chọn căn bản. Bài học ở Maidan là chúng ta có thể vượt xa con người hiện tại của chính mình. Chúng ta có thể ngay cả khi ánh sáng soi rọi rõ biên giới, tỏa sáng dù chỉ trong khoảnh khắc hiếm hoi, lóe lên, rồi biến mất.

Nguồn: 21 November 2014, 10 years later. . . by Marci Shore