Seite auswählen
 Khatia Buniatishvili

Rudyard Kipling nói: Đông là đông, tây là tây, đông tây không bao giờ gặp nhau, có thật không ?

Là người Á châu, ta có thể hiểu và cảm được cái hay của âm nhạc cổ điển Tây phương hay không?

Theo GS Trần văn Khê, Sambamoorthy, bậc thầy âm nhạc Ấn Độ, sau khi nghe hát opéra, ông nhận xét: Đó là tiếng ồn (noise) chứ không phải nhạc Sách Music of India viết: Tiếng ca phương tây giống tiếng chó sói tru trong sa mạc!

GS Trần văn Khê lập lại lời của Romain Rolland trong tiểu thuyết Jean Christophe là tên nhân vật chính vốn là nhạc sĩ: “Âm nhạc dẫu sao chăng nữa chưa phải là ngôn ngữ đại đồng, cần phải dùng cây cung lời nói để bắn mũi tên âm thanh vào lòng mọi người (tức là phải giảng giải, người ta mới hiểu được cái hay ở chỗ nào)

Tôi mong bài viết này, là mũi tên âm nhạc tây phương, bắn trúng hồng tâm của độc giả người Việt.

Theo GS Trần Văn Khê, tiết tấu âm nhạc VN rất đặc biệt, chỉ có nhịp 2 ( khôngcó các nhịp 3, 4 như nhạc Tây phương. tqk ) như nhịp đập của trái tim, nhưnước thuỷ triều lên xuống, như tiếng võng đưa kẽo cà kẽo kẹt, cho nên khinghe các nhịp khác nhịp 2, khi tân nhạc VN mới ra đời, chắc thính giả VN thấylạ tai. Nói chi tới các bản hùng ca Tây phương

Mạnh như sấm phũ phàng xé đá

Tiến Phúc bia nổ phá ầm ầm.

(Long thành cầm giả ca. Nguyễn Du)

thì thính giả VN chắc không chịu nổi!

Khi cựu Thủ Tướng Nguyễn xuân Phúc được bà cựu TT nước Đức là bà Merkel mời đi nghe nhạc giao hưởng, ông rất là bức rức, không thoải mái, nên quạt liên tục dẫu nhà hát có máy lạnh, làm phiền khách mộ điệu quanh ông. Người ta cười ông. Theo thiển ý của tôi, nếu lấy 100 người VN, có học, có địa vị xã hội ở các xứ Tây phương mà đặt vào chổ của ông, có bao nhiêu người thật sự thoải mái? Có được 10% không? Có khác là người khác ngồi im chịu trận mà không quạt.

Người ta có thể trách ông NXP về nhiều phương diện, trong cách điều hành đấtnước, nhưng chuyện không hiểu và không thích nghe giao hưởng rất phổ biếntrong cộng đồng người Việt trong cũng như ngoài nước. Ngay ở thế giới Tâyphương ngày nay, thính giả thực sự biết thưởng thức nhạc cổ điển ngày cànghiếm, vì không được rèn luyện từ nhỏ

Có người xuất thân từ nhạc viện Hà Nội, kể tôi nghe thời bao cấp, có ông chỉ đạo nghệ thuật ra sáng kiến ( hay tối kiến ), bắt anh hùng các lực lượng vũ trang, và các anh hùng lao động đi nghe nhạc giao hưởng ! Cứ tưởng tượng các cụ bần cố nông cốt cán mà bắt đi nghe nhạc giao hưởng để làm gì hở trời ? Kết quả là đa số bỏ ra về sau vài giờ bị tra tấn trước khi màn hạ. Lần sau, các cụ chỉ đạo lại mời các anh hùng, nhưng do kinh nghiệm lần trước, các ông dùng lòi tói chặn các cửa ra vào nhà hát tới khi tàn cuộc. may là không có hoả hoạn, nếu không thì từ nhạc trưởng, nhạc công chí tới các anh hùng đều thành bê thui ráo. Các ông chỉ đạo muốn biểu lộ sự ưu ái của đảng ta với giai cấp vô sản công nông, nhưng từ duy vật, các ông thành duy ý chí.

Để tiếp cận một cách dễ dàng với nhạc cổ điển Tây phương, chỉ cần nghe Sérénade của Schubert, Clair de Lune của Debussy, hay Fur Elise của Beethoven, rất lãng mạn, rất trữ tình. Nhưng nếu chỉ nghe đến đấy thôi thì không thể nào hiểu được đỉnh cao của nhạc cổ điển Tây phương ( NCĐTP ).

Chúng ta có khuynh hướng “ Kính nhi viễn chi “ ( ở xa mà nhìn ) đối với NCĐTP.

Nó cao quá, khó tiếp cận, quá sang trọng, quá quí phái, bác học, quá cao siêu v.v.. cho nên e dè tránh xa, mà hể không ở gần , không tìm hiểu, không làm quen, thì sao thương cho được, vì hể ở xa thấy ghét lại gần thấy thương, chứ không phải ở xa thấy ghét, lại gần ghét hơn đâu nhá.

MỘT CHÚT NHẠC LÍ

Điều cần có để hiểu NCĐTP là nhạc lí cơ bản, dẫu rằng khó nuốt, nhưng không hiểu thì không thưởng thức được

Ta nên phân biệt giữa tiếng động và âm thanh.

Như trên đã nói, ông Ấn độ Sambamoorthy nói NCĐTP chỉ là tiếng ồn thì thật thái quá.

Tiếng động, tiếng ồn như: mưa, gió, tiếng máy xe v.v..

Còn âm thanh, được xác định bởi:

1/ Cao độ: từ thấp lên cao.

2/ Cường độ: mạnh ( lớn ) nhẹ ( nhỏ ) là volume trên máy nhạc.

3/ Trường độ: kéo dài lâu ( dài ) mau ( ngắn ).

4/ Âm sắc: ( timbre ) khác nhau tuỳ nhạc khí, ví dụ : đàn tranh, đàn bầu thì não nùng, ai oán, trumpet thì hùng tráng

Nhạc tây phương có 7 nốt, DO, RE, MI, FA, SOL, LA, SI, DO. Hay theo Anglosaxon thì, C, D, E, F, G, A, B. VN theo ngũ cung, chỉ có 5 nốt.

Trường độ: một nốt tròn ngân dài bằng 2 nốt trắng, 4 nốt đen, 8 nốt móc đơn, 16 nốt móc képv.v..Nốt có chấm thì giá trị của chấm bằng1/2 trường độ nốt đó.

Cao độ : có 7 cao độ, xếp trên khuông nhạc từ thấp lên cao, trên bàn phím piano chia đôi 88 phím, ở giửa là nốt DO ( C ), 44 bên trái thuộc âm vực trầm bên phải thuộc âm vực cao.

Cường độ: ( Dynamic hay volume ) đánh mạnh hay nhẹ, sẽ có tiếng lớn hoặc nhỏ. Nhà soạn nhạc sẽ ghi:

ff ( fortissimo ) rất mạnh.

f ( forte ) mạnh

mf ( mezzo forte ) mạnh vừa

mp ( mezzo piano ) nhẹ vừa

p ( piano ) nhẹ

pp ( pianissimo ) rất nhẹ.

QUÃNG:

Quãng quan trọng vì tạo ra cảm xúc âm nhạc.Dùng để đo quãng cách cao thấp giữa 2 nốt nhạc, nếu nốt gốc và nốt ngọn vang lên cùng một lúc thì gọi là quãng hoà điệu ( harmonic interval ) 2 nốt theo chiều dọc . Nếu nốt gốc và nốt ngọn vang lên lần lượt nhau, 2 nốt theo chiều ngang thì gọi là quãng giai điệu ( melodic interval ).

ÂM GIAI TRƯỞNG HOẶC THỨ:

Âm giai trưởng hoặc thứ khác nhau do vị trí các cung và nửa cung sắp xếp theo một trình tự nhất định.

Lấy âm giai DO TRƯỞNG ( C ) làm mẫu, để biết vị trí chổ nửa cung, dùng các dấu thăng, giảm, để có được các vị trí nửa cung giống mẫu để làm ra các âm giai TRƯỞNG khác

C_ D_E-F_G_A_B-C.

Quãng cách giữa EF và BC là nửa cung.

Lấy âm giai LA THỨ làm mẫu, để biết vị trí nửa cung, dùng dấu thăng giảm để làm ra các âm giai thứ khác giống trình tự LA THỨ:

A_B-C_D_E-F_G_A

Quãng cách giữa BC và EFvẫn là nửa cung nhưng vị trí đã đổi.

Cái hay ở đây là khi thay đổi âm giai, nó làm thay đổi cảm xúc mà bản nhạc mang lại cho thính giả:

Tuy nhiên, đây chỉ là tương đối, vì có khi âm giai Trưởng lại diễn tả nét u buồn, trữ tình, trầm lặng, những vấn vương thương nhớ, và ngược lại, vì còn tuỳ theo các yếu tố khác như tốc độ nhanh, chậm, dồn dập hay thư thả.

CẤU TRÚC TRONG MỘT GIÀN NHẠC GIAO HƯỞNG:

Số nhạc công thay đổi tuỳ theo ban nhạc, có khi tới hàng trăm người Giàn nhạc gồm: Một nhạc trưởng, 4 bộ nhạc khí chính, sắp xếp từ trước ra sau, xa dần nhạc trưởng: 1/ Bộ dây, 2/ Bộ gỗ, 3/ Bộ đồng, 4/ Bộ gõ luôn luôn có, còn các thành viên không thường xuyên là: piano, harp, guitar, saxophone v.v..

BỘ DÂY:

Giữ vai trò then chốt, làm nền cho giàn nhạc, được xếp ở phía trái, gần nhạc trưởng, có nhóm Violon thứ nhất, mà Concert master nằm trong nhóm này, ngồi đầu hàng, là người đại diện cho ban nhạc mà ta thấy Soloist đến bắt tay chào trước khi trình diễn, kế đó là nhóm Violon thứ hai, cả hai nhóm violon chơi ở âm vực cao, nhóm Viola, kích thước lớn hơn Violon, cho âm trầm hơn Violon. Sau đó là Cello cho âm trầm. Sau cùng là Doubie bass, to như thùng phuy, cho âm rất trầm, ở phía phải của nhạc trưởng.

BỘ KÈN GỖ:

Nằm sau lưng bộ dây

Ngày xưa, tất cả đều bằng gỗ nên gọi như thế, ngày nay chỉ có ô boa, bassoon làm bằng gỗ, số còn lại đều bằng kim loại gồm: sáo thổi ngang, sáo kim (Piccolo ) có âm vực cao nhất và sau cùng là Clarinet.

BỘ ĐỒNG (BRASS):

Nằm sau lưng bộ gỗ, gồm Cor, âm vực trầm, Trumpet, âm vực giữa, Trombon, kéo ra thụt vào, âm vực trầm thứ hai, Tuba, béo ụ, âm vực rất trầm.

BỘ GÕ :

Chia ra: Định âm ( Điều chỉnh được cao độ ) và không định âm

Nhạc khí gõ định âm: Timbales gồm: trống lớn, trống trung, trống nhỏ, đàn chuông phiến (Glockenspiel), đàn phiến gỗ (Xilophone)

Nhạc khí gõ không định âm : Triangle, Trống lục lạc (Tambourine)

Ngoài ra còn có : Cymbale, Tam Tam, Castanet.

CONCERTO LÀ GÌ ?

gốc la tinh concertare nghĩa là cải nhau, đánh nhau, là cuộc đối thoại giửa một soloist ví dụ, violonist, pianist v.v..với một giàn nhạc do một nhạc trưởng điều khiển.

Thường kéo dài 30 phút, gồm 3 chương (mouvements) : Chương 1 nhanh, dạng sonata, chương 2 chậm, trữ tình, chương 3 lại nhanh, sau đó tới đoạn cadenza rồi chấm dứt. Nên nhớ, giàn nhạc chỉ đệm theo soloist, vị này là nhân vật chính trong tuồng concerto chứ không phải nhạc trưởng hay ban nhạc.

Giới thưởng ngoạn rất hâm mộ các thiên tài biểu diễn, thính giả coi các soloist như minh tinh ( star ). Họ mua vé để vừa nghe nhạc, vừa xem trình diễn thời trang, Như có lần báo chí phê bình cô Yuja Wang, pianist gốc Trung Hoa, mặc cái jube cũn cỡn, ngắn tới nổi không thể nào ngắn hơn, rất chật, đến nổi khi cô nhỏm dậy, phần sau của cô lộ ra hết ( near nakedness ), đấy là phê bình của tờ The New Yorker chứ không phải của tác giả, đối với tác giả chỉ, thấy: y phục không xứng kỳ đức, và tác giả mong các người đẹp đừng làm thính giả mất tậptrung nghe nhạc!

 

Ngược lại, cô pianist Khatia Buniatishvili, ngày nay được mệnh danh là Pop star của NCĐTP, người Pháp gốc Georgia, cô mặc trang phục lúc nào cũng chic, robe dài, rất sang và thật là Paris mode !! Dẫu phô bày cái mà cụ Nguyễn Du gọi là: Dầy dầy sẵn đúc một toà thiên nhiên, nhưng phải công nhận là đẹp, còn cái cô pianist Lola thì thật là Ố là la!!!

Soloist lĩnh từ 30,000 đến 100,000 đô la cho một buổi trình diễn : YO YO MA 50,000 EURO, LANG LANG 60,000 EURO, nếu trình diễn trong một stade thì giá gấp đôi, nên thính giả chờ đợi soloist đàn không được nhìn bản nhạc mà không được sai nốt nào., nghĩa là phải thuộc lòng.

Sau chương 3, thì đến phần cuối gọi là Cadenza hay còn gọi là đuôi Coda, là lúc mà tất cả phải ngưng đàn trừ soloist, họ bắt đầu phô diễn tuyệt kỉ võ công, khoảng 5 phút, đây là lúc soloist “show off”.

Piano concerto số 1, G minor, opus 25, pianist Yuja Wang, Mendelsshons, để nghe 3 chương thật rỏ ràng.

 

 

 

GIAO HƯỞNG LÀ GÌ?

Gốc từ chữ, sym nghĩa là với, phonia nghĩa là âm thanh. Nhiều âm thanh cùng hoà hợp với nhau. Giàn nhạc giao hưởng có nhiều nhạc cụ, giúp người thưởng ngoạn thưởng thức được các âm sắc khác  nhau, muôn màu muôn vẻ của tác phẩm.Hayden và Mozart đã đặt nền móng cho cấu trúc bản giao hưởng. 90% có 4 chương ( mouvements ), 10% còn lại, đôi khi chỉ có 1, 2, 3 chương, hay 5 chương như bản giao hưởng số 9 của Beethoven vì thêm một đội hợp xướng, là một ngoại lệ, hoặc 6, 7, chương lại càng hiếm.

Thính giả không được vỗ tay giữa các lần nghĩ, mà chỉ vổ tay khi bản giao hưởng chấm dứt hoàn toàn.

50% các bản giao hưởng có một giới thiệu chậm ( slow introduction ), 50% vào thẳng chương một.

1/ Chương 1: Ở thể loại Sonata, nhịp độ nhanh, trọng tâm tư tưởng của tác phẩm.

2/ Chương 2: Tương phản với chương 1, gồm chủ đề và các biến thể ( themes & variations ), nhịp độ chậm, trữ tình, diễn tả cảm xúc, theo nhạc trưởng Giancarlo Guerrera bản giao hưởng số 5 của Beethoven có 10 biến thể,

3/ Chương 3: Nhịp độ nhanh, hoặc theo điệu nhảy minuet chậm của Pháp, hay scherzo nhanh hơn, theo nhịp 3/4.

4/ Chương 4: Theo thể sonata như chương 1, hoặc theo thể rondo, hoặc kết hợp rondo- sonata.

Đến đây, chúng ta sẽ khai triển từng chương một.

THỂ LOẠI SONATA :

Gồm 2 chủ đề ( themes ) hay còn gọi giai điệu ( melody ), theo thứ tự 3 phần:

trình bày, phát triển, tái hiện:

1/ Trình bày ( exposition ): Chủ đề 1, lớn, mạnh mẽ, dương tính, như thép. Chủ đề 2 : êm ái, du dương, âm tính như tơ, mục đích để trình bày 2 giai điệu do đó có tên trình bày.

2/ Phát triển ( developpment ) Kế đó 2 chủ đề trên thay đổi, kếp hợp chúng lại

3/ Tái hiện ( re-exposition hay tên khác recapitulation ) Giới thiệu lại phần đầu, đoạn thứ nhất mạnh mẽ, đoạn thứ hai trữ tình, được thay đổi chút ít nhưng đại thể, ta vẫn nhận ra được đoạn trình bày trên trong phần tái hiện này.

THỂ LOẠI MINUET & SCHERZO LÀ GÌ?

Chương 3 của bản giao hưởng, theo nhịp 3/4, khác nhau giữa minuet, dựa theo điệu nhảy của Pháp, nhịp chậm. Trái lại scherzo, nhịp nhanh hơn, ( để nghe điệu nhạc này, lên Youtube, J S Bach / Minuet )

Theo công thức A B A

Scherzo_ Trio _ Scherzo hoặc Minuet _ Trio _ Minuet

Trio là 3 nhạc cụ khác nhau cùng tấu.

Khi nghe giao hưởng, nếu để ý một chút, ta sẽ phân biệt được công thức ABA

HÌNH THỨC RONDO.

Nằm ở chương cuối bản giao hưởng, hoặc theo thể sonata như trên đã nói, hoặc thể rondo.

Ta sẽ nghe lập đi lập lại công thức: AB- AC-AD-và A trong thể rondo.

Lấy một thí dụ vui về lời tuyên bố của cựu TT Bush cha, hứa sẽ không tăng thuế sau khi đắc cử.

A- Tôi sẽ không tăng thuế.

B- Tôi có cá tính.

A- Tôi sẽ không tăng thuế.

C- Tôi sẽ cứng rắn với các tội phạm.

A- Tôi sẽ không tăng thuế.

D- Tôi sẽ làm những chuyện thường lệ tốt hơn bây giờ.

A- Tôi sẽ không tăng thuế.

Rondo là như thế.

Vào Youtube, tìm Mozart Rondo Alla Turca ( Turkish Marche Rousseau ).

CHỦ ĐỀ VÀ BIẾN THỂ LÀ GÌ?

Chương 2 nói về chủ đề và biến thể ( Themes and variations )

Từ một chủ đề, với sự thay đổi thêm bớt nốt, đổi âm giai trưởng qua thứ hay ngược lại, hoặc đổi nhịp 4/4 thành 3/4 hay ngược lại, hoặc đổi các nhạc khí, ta sẽ có các biến thể, biến thể làm cho bản nhạc trở nên phong phú, tránh nhàm chán.

Ví dụ cụ thể, Chủ đề: Cá thu, sẽ có các biến thể như sau:

Cá thu.

Cá thu với sốt tô mát.

Cá thu với đậu.

Cá thu với dấm chua và dược thảo.

Ý NHẠC ( MOTIF ).

Ví dụ, bản giao hưởng số 5 của Beethoven

Chương đầu mỡ ra với 4 nốt gọi là ý nhạc ( motif )

ĐA ĐA ĐA, ĐAAA ! ĐA ĐA ĐA, ĐAAA ! ( Nhanh,Nhanh, Nhanh, Chậm, Nhanh,Nhanh, Nhanh, Chậm )

Ý nhạc này được lập đi, lập lại trong suốt tác phẩm.

PHẦN THỰC HÀNH :

1/ Nên đọc lại vài lần phần sau của bài viết này để hiểu cấu trúc của một bản giao hưởng, và các định nghĩa.

2/ Nghe đi nghe lại vài lần video sau đây sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn bài viết này.

How to listen to classical music symphony 101, do nhạc trưởng Giancarlo Guerrera ( Nasville Symphony ), rất hay, sẽ giúp các bạn rất nhiều. https://youtu.be/FDvSvUmoke4

3/ Nghe đi nghe lại video:

Beethoven 5th symphony Analysis by Gerard Scharz, nhạc trưởng.

Hay vô cùng, giúp ích cho tôi rất nhiều để hiểu bản giao hưởng này.

 

4/ Sau khi đã thuộc bài, lấy 5th symphony làm căn bản, nghe các ban nhạc tấu bản này, bạn sẽ hiểu hơn, càng nghe, càng thấy hay.

Nên nhớ: Các bản giao hưởng đều theo một công thức, trừ chương 3, 4 có hơi khác chút ít.

Chương 1: Sonata.

Chương 2: Chủ đề và các biến thể.

Chương 3: Scherzo_ Trio _ Scherzo hay Minuet _ Trio _ Minuet.

Chương 4: Trở lại Sonata hoặc Rondo để kết thúc.

Độc giả sẽ thấy, trước và sau khi thuộc bài, nghe 2 videos phân tích, tiếng nhạc giao hưởng mà bạn nghe sẽ hay hơn nhiều lắm. Bạn sẽ phân biệt được các chương, biết được khác biệt giữa các đoạn nhạc. Đoán trước phần tiếp đến, vừa hồi hộp. vừa thú vị cho tới khi chấm dứt….

KẾT

Hi vọng bài viết này dẫn độc giả vào khu vườn âm nhạc hứa hẹn đầy hoa thơm cỏ lạ.

Không có tiêng ồn như các nhà âm nhạc Ấn độ nói, Không có tiếng sói tru,độc giả sẽ dõi theo tiếng nhạc từ lúc mở đầu cho tới khi chấm dứt. Không có sợi lòi tói nào xích cửa nhà hát mà thính giả vẫn ở lại cho tới phút cuối cùng vì lòng say mê. Không ai phải quạt vì tiếng nhạc đã đem đến thính giả nhiều luồng gió mát.

Mong độc giả khi nghe NCĐTP sẽ hiểu hơn, nếu xưa ở xa thấy ghét, nay nhích lại gần, đã thấy thương chưa?

Montréal cuối đông 2022

————

TÀI LIỆU THAM KHẢO, Ngoài các tài liệu đã kể trong bài viết, còn các nguồn sau đây:

1/ Classical music for Dummies.

2/ Music theory for Dummies.

3/ Hồi kí GS Trần văn Khê.

4/ Nhạc lí diễn giải Phạm Đức Huyền.

5/ Nhạc lí cơ bản thực hành Ngô ngọc Thắng.

6/ Nhạc lí nâng cao thực hành Ngô ngọc Thắng.

7/ Giao hưởng ,Wikipedia.

8/ 10 nhà âm nhạc lớn thế giới, Phùng lập Bình.

9/ 1000 classical recordings you must hear before you die.

10/ Instruments of the orchestra . Musical-u.com.

11/ This is your brain on music Daniel J. Levitin.

12/ 23 videos” Listening to music with Craig Wright,” GS Yale University.