Seite auswählen

 

 

Lê Văn Bình (bìa trái) và các bị cáo bị đưa ra xét xử tại phiên tòa xét xử Cimexcol năm 1989. Nguồn phapluattp.vn

Kể từ khi thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam đến nay (1) đã có bao nhiêu cuộc thanh trừng nội bộ, hoặc thủ tiêu các đồng chí của chính họ?

 

Tạ Thu Thâu (1906-1944). Nguồn tusachnghiencuu.org

Câu trả lời là không kể xiết được. Bàn tay sắt của đảng cộng sản với bạo lực và lừa bịp đã kéo dài từ hơn nửa thế kỷ nay. Lúc mà người ta nhận diện ra được thế nào là chủ nghĩa cộng sản thì đã quá trễ… Sở dĩ có tình trạng khai trừ là vì chế độc độc đảng, độc tài đến nỗi con người nghĩ ngợi cũng cần phải xin phép. Con người luôn luôn ở trong tình trạng có tội, bị khai trừ. Đó là một thứ tù nhân trong tương lai.

Và mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, mỗi lần thay đổi chính sách lại có thứ tù nhân mới, có kẻ bị khai trừ mới. Có thứ bị khai trừ trong “thời kỳ” theo đệ tứ hay theo đệ tam, khai trừ “thời kỳ” cải cách ruộng đất, khai trừ “thời kỳ” Nhân Văn Giai Phẩm, khai trừ “thời kỳ” chính sách theo Nga hay theo Tàu, khai trừ “thời kỳ” trong “vụ án chống đảng, chống nhà nước ta đi theo chủ nghĩa xét lại và làm tình báo cho nước ngoài”, khai trừ “thời kỳ” Mặt trận Giải phóng miền Nam, khai trừ “thời kỳ” những người cựu kháng chiến Nam bộ.

Và nay có thêm một thứ khai trừ mới: Phe phái tranh ăn tìm cách loại trừ nhau… Như mới đây, những người dính dáng trong vụ PMU nay bị bắt và bị điều tra. Tướng công an Phạn Xuân Quắc bị điều tra. Hai nhà báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ bị bắt.

Tham Nhũng liên kết với đảng được dịp trả thù đối với những ai đòi công lý.

Thêm nạn nhân, thêm oán hận, thêm tủi nhục, thêm phân hóa, chia rẽ, thêm lãng phi nhân lực. Đã có biết bao gia đình tan nát lầm than trong cải cách ruộng đẩt. Phùng Quán đã diễn tả bản chất đảng cộng sản đối với dân:

Những con người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả

Chúng tôi, xin lược chọn một vài thời kỳ khai trừ chưa được nói tới nhiều mà thôi.

Đối với người cộng sản, họ chia dân chúng ra ba loại người và có ba cách đối xử. Hoặc dân phải “ngoan”, chữ dùng của Vũ Thư Hiên. Ngoan thì tạm yên thân Bảo biểu tình chống Mỹ, chống Tàu thì chống. Bây giờ bảo không được chống thì không đựợc chống. Nghĩa là bảo gì nghe nấy.

Nhưng nếu trong xã hội chẳng may có nmhiều người ngoan thì bướng trở thành một cái tội. Bướng, bất mãn, không “giáo dục” được, tức ngoan cố thì bị khai trừ. Nhưng nếu chống đối nữa thi trở hành phản động sẽ bị thanh trừng, bị tù tội hoặc thủ tiêu, ám sát..

Khai trừ nhóm đệ tứ, còn gọi là Trốt-kít

Vì thế, ngay từ cuối năm 1937, tại Nam phần, đã xảy ra liên tiếp các cuộc thanh trừng nội bộ giữa đệ tam và đệ tứ quốc tế do cộng sản Pháp như Duclos, Gitton giật giây những người cộng sản đệ tam như Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Thạch, Nguyễn Văn Nguyễn. Gitton đã viết thơ cho Nguyễn Văn Nguyễn, đề ngày 19 tháng 5, 1957 như sau:

“Phải chấm dứt sự hợp tác với bọn Tạ Thu Thâu kể từ nay..Phải gấp rút ly khai”.

Chứng cớ là Daniel Guérin, bạn thân của ông Tạ Thu Thâu hồi ở Pháp đã viết như sau:

“Ngoài sự bắt bớ của chính phủ, bọn Stalinist quyết đồ sát Tạ Thu Thâu, vu cáo là Phát Xít. Ấy là, chính ở Paris mà bọn Stalinist mưu đồ sát hại Tạ Thu Thâu và các bạn của Thâu. Các bạn nên hiểu ràng, chính từ trong khám đường sâu thảm, Tạ Thu Thâu, người bạn của chúng ta chỉ còn trông cậy có chúng ta, hy vọng có chúng ta.

(trích dẫn Nguyễn Kỳ Nam, Hồi ký 1925-1964, từ trang 23-25, chưa xuất bản).

Ngoài Tạ thu Thâu, lần lượt đến Phan Văn Hùm, Huỳnh Văn Phương, Trần Quang An, Phan Văn Chánh, Nguyễn Bình hay những người có cộng tác với Việt Minh trong Mặt trận Quốc gia thống nhất như Huỳnh Phú Sổ, Dương Văn Giáo.

Họ đã lần lượt bị sát hại. Vì đối với cộng sản, đệ tứ là kẻ thù trên cả kẻ thù như thực dân Pháp.

Trong dịp Trần Văn Giàu đến Paris hồi tháng 10, 1989, hơn 100 nhân sĩ, trí thức VN ở Pháp đã chất vấn Trần Văn Giàu về vấn đề thủ tiêu ám sát đệ tứ. Theo bác sĩ Trần Ngươn Phiêu cho biết Trần Văn Giàu rất lúng túng. Việc họp này đã được thu băng và còn được lưu giữ. Trần Văn Giàu cũng hứa “rửa” tiếng cho Tạ Thu Thâu, nếu đảng cộng sản VN không “rửa”. Nhưng từ đó đến nay, chưa bao giờ thấy Trần Văn Giàu làm gì để “rửa” cả. (Trích Trần Ngươn Phiêu, Phan Văn Hùm, thân thế và sự nghiệp, trang 358). Ngoài các nhóm đệ tứ bị sát hại ở miền Nam, ngoài Bắc những trí thức miền Bắc như Trương Tửu, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường cũng bị tiếng oan là đệ tứ. Nhất là trường hợp Trần Đức Thảo, một trí thức thân với đệ tam.

Nhưng ai đã giết Tạ Thu Thâu?

Vào năm 1989, tại Pháp, hơn 100 nhân vật chính trị và văn hóa đòi phục hồi danh dự cho Tạ Thu Thâu bị giết tại ven biển Mỹ Khê, Quảng Ngãi vào tháng 9, 1945. Những người giết Tạ Thu Thâu kết tội ông làm Việt gian cho phát xít Nhật. Cuối năm 1939, chính Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo cho quốc tế cộng sản ghi rõ:

Đối với bọn Trốt Kýt, không thể có một thỏa hiệp hay nhân nhượng nào cả. Phải lột mặt nạ chúng như là tay sai của Phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị.

Ông viết tiếp khi ở bên Tàu: “Bọn Trốt kít là một lũ bất lương, những con chó săn của chủ nghĩa Phát xít Nhật và chủ nghĩa Phát xít Quốc tế” (Trích Thành Tín, Mặt Thật, trang 112-113, Turpin Press 1994).

Theo ông Hoàng Hoa Khôi, thuộc nhóm đệ tứ trong tập hồ sơ: Nhìn lại sáu mươi năm tranh đấu cho Việt Nam, ông viết:

“Sau khi điều tra, chúng tôi biết được ba thủ pham. Họ đều là những người cộng sản. Người thứ nhất là Kiều Đức Thắng, trách nhiệm nghiệp đoàn, người thứ hai là Nguyễn Văn Trấn, đã từng được đi học tập ở Moscow, người thứ ba là Nguyễn Văn Tây, cựu bộ Trưởng chính phủ Trần Văn Giàu”.

(trích Hoàng Hoa Khôi, Hồ sơ đệ tứ, trang 228 ).

Cũng cần nói thêm ông Nguyễn Văn Trấn sau này đã phản tỉnh và viết cuốn: Viết cho mẹ và Quốc Hội. Trong sách, ông Trấn né tránh về vai trò sát thủ của ông trong việc thủ tiêu những người CS đệ tứ. Ông là cánh tay mặt của Trần Văn Giàu, người bị coi là có trách nhiệm trong các vụ ám sát nhóm đệ tứ. Ông mất năm 1998.

Cũng có nhiều tài liệu khác viết về cái chết của Tạ Thu Thâu như cuốn Việt Nam 1920-1945 của ông Ngô Văn hay tài liệu: Người Việt ở Pháp 1940-1954 của ông Đặng Văn Long.

Khai trừ nội bộ ở ngoài Bắc

Sau cuộc chiến 1954-1975, theo ông Bùi Tín, có đến hàng trăm vụ án chính trị gọi là “chống lại lãnh đạo”, “chống đảng”, “xét lại”, “phản động” vẫn không được thanh minh để giải tỏa nỗi oan ức. Những người trực tiếp trách nhiệm là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Mà Võ Nguyên Giáp sợ. Mà Hồ chí Minh im lặng. Sau đó, ông Bùi Tín trong bản kiến nghị của một công dân, ông đã đưa ra hằng trăm tên tuổi những người bị tù, bị oan ức, bị xỉ nhục. Gia đình họ bị điêu đứng. Có người đã chết oan ức và tủi nhục. Ông Bùi Tín đã đòi công lý cho các người sau đây: các tướng Đặng Kim Giang, Nguyễn Vinh, Lê Liêm; các đại tá Đỗ Đức Kiên, Nguyễn Minh Nghĩa, Nguyễn Hiếu, Phan Hoàng; các giáo sư: Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh; các nhà báo: Hoàng Thế Dũng, Nguyễn Kiên Giang, Quang Hân, Mai Luân, Mai Hiển, Định Chân, Trần Thư, Khắc Tiếp, Hồng Văn; các văn nghệ sĩ Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Minh Giang, Quang Dũng, Trần Châu, Trần Đĩnh, Hà Minh Tuân, Việt Phương, Anh Chính, Sỹ Ngọc, Văn Cao, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Trần Lê Văn, Chu Ngọc, Trần Tích Linh; vụ trưởng Vũ Đình Huỳnh; các đại tá Ngọc Bằng, Cao Nham, Đỗ Trường, Nguyễn Trần Thiết bị giữ và vụ án ông Ta Đình Đề.

Trong cuốn Án tích cộng sản Việt Nam, tác giả Trần Gia Phụng đã đưa ra một danh sách trong “Thông Điệp xanh” mà nhiều tên tuổi phù hợp với danh sách của ông Bùi Tín. Xin được đưa ra:

Bùi Công Trừng, Bùi Ngọc Tấn, Dương Bạch Mai, Đào Phan tức Đào Huy Dếnh, Đặng Cần, Đặng Đình Cầu, Đặng Kim Giang, Đinh Chân, Đỗ Đức Kiên, Đỗ Văn Doãn, Hoàng Minh Chính, Hoàng Thế Dũng, Huy Vân, Lê Liêm Lê Minh Nghĩa, Lê Trọng Nghĩa, Lê Vinh Quốc, Lưu Động, Mạc Lân, Mai Hiến, Mai Lân, Minh Tranh, Nguyễn Cận, Nguyễn Gia Lộc, Nguyễn Hồng Sỹ, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Minh Cần, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thẩm, NguyễN Văn Vịnh, Phạm Kỳ Vân, Phạm Quang Đức, Phạm Viết, Phan Thế Vấn, Phùng Văn Mỹ, Quảng Hân, Trần Châu, Trần Đĩnh, Trần Minh Việt, Trần Thư, Tuân Nguyễn, Ung Văn Khiêm, Vũ Đình Huỳnh, Vũ Huy Cương, Vũ Thư Hiên.

Đó là những nạn nhân ở phía Bắc mà ông Bùi Tín có giao tiếp, quen biết và biết rõ.

Trong số những người trên, nhà văn Vũ Thư Hiên cho biết bố ông là Vũ Đình Huỳnh bị bắt vì tội thành phần “xét lại”. Ông bị bắt ngày 18/10/1967 vì “chống đảng”. Theo bà Phạm Thị Tề, chồng bà bị còng tay bằng còng số 8, nhưng còng sắt không vừa, họ đã trói giật cánh khủy ông, một ông già đã về hưu. Hình ảnh đó cho đến chết tôi cũng không thể quên, vì nó tàn bạo và man rợ gấp bội phần so với thời thực dân” (trên Diễn đàn số 44).

Ít lâu sau đến lượt Vũ Thư Hiên theo bố vào tù. Bố đi tù thì theo lý lịch, theo luật tru di tam tộc, không tội trở thành có tội, con phải tù theo là phải rồi. Cũng nhờ đó mà sau này Vũ Thư Hiên viết cuốn Đêm giữa ban ngày.

Một cuốn sách làm nên tên tuổi anh.

Mặt trận giải phóng miền Nam

 

Dươnng Quỳnh Hoa tự Bảy Hồng. Nguồn roninfilms.com.au

Phần đông những người của MTGPMN đều là trí thức, chuyên viên. Có tất cả khoảng 30 người vào khu. Chỉ có ba cặp vợ chồng, còn tất cả đi một mình. Có thêm 6 thanh niên chưa quá 30 tuổi. Vào khu rồi bà Dương Quỳnh Hoa mới thành hôn với kỹ sư Huỳnh Văn Nghị. Ngay sau 1975, chừng một tháng, Hà nội đã xóa sổ MTGPMN. Từ đó phần đông những người đã theo Mặt trận bất mãn, chống đối và ly khai. Họ là những người như Lữ Phương, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Nguyễn Trọng Văn, (ba người này không vào khu, vẫn ở thành phố) Trương Như Tảng, Dương Quỳnh Hoa. Trước đây, họ bị coi là bù nhìn, sau họ cảm thấy bị phỉnh gạt trắng trợn. Phần lớn âm thầm, nuốt nhục rút lui, hoặc trốn ra ngoại quốc như bộ trưởng Trương Như Tảng.

Dù sao, bỏ quên là một hình thức khai trừ nhẹ nhàng nhất mà họ may phúc được hưởng.

Hoặc xin ra khỏi đảng như vợ chồng bác sĩ Dương Quỳnh Hoa.

Bà Dương Quỳnh Hoa mất ngày 25/02/2006, tại Sài gòn. Sinh thời, bà theo học ngành thuốc tại Sài gòn và nhất là tại Pháp, gia nhập đảng cộng sản Pháp vào những năm 1948-1954. Với tư tưởng xã hội và cấp tiến như thế, bà tham gia MTDTGPMN. Sau này bà đã thú nhận, đó là một ảo tưởng chính trị trong đời.

Ông Huỳnh Văn Nghị, chồng bà đã phản đối quyết định thống nhất ngay lập tức Mặt trận giải phóng miền Nam và Liên minh các lực lượng dân chủ và hòa bình. Họ bị loại trừ. Bà xin ra khỏi đảng, nhưng thời đó, thủ tướng Phạm Văn Đồng đồng ý với điều kiện bà phải giữ im lặng. Nhưng sư im lặng đó không kéo dài được lâu khi bà phải chứng kiến quá nhiều điều “phản cách mạng” từ khi đảng cộng sản Việt Nam ‘thực thi’ cái lý tưởng mà bà đã hy sinh cả đời sống cho nó. Khi được tờ báo Far Eastern Economic Review (FEER) phỏng vấn vào ngày 17/10/1996: Quel est l’évènement le plus marquant pendant les 50 années passées? Bà trả lời: L’effondement du mur de Berlin qui mit un terme à la “grande illusion” (Tạm dịch. Biến cố nào được kể là nổi bật nhất trong 50 năm qua? DQH: Sự sụp đổ bức tường Bá Linh và chấm dứt một “ảo tưởng” lớn.

Nhất là khi được Stanley Karnow phỏng vấn về sự thất bại của cộng sản Việt Nam (The Failure of Communism in Vietnam, Nguyen Phuc Buu Chanh, Online: http://snipurl.com/29phe [www_freerepublic_com], May 19, 2008) bà Dương Quỳnh Hoa đã trả lời rằng:

Tôi đã là người cộng sản cả đời tôi. Nhưng bây giờ khi chứng kiến những sự thật về chủ nghĩa cộng sản và sự thất bại của nó, quản trị kém, tham nhũng, đặc quyền, áp chế, lý tưởng của tôi đã không còn. (“I have been a Communist all my life, but now I’ve seen the realities of Communism, and it is a failure—mismanagement, corruption, privilege, repression. My ideals are gone.”)

Chủ nghĩa cộng sản là tai họa. Những cán bộ đảng cộng sản không hề hiểu biết về sự cần thiết của việc phát triển một cách hợp lý. Họ bị mê hoặc bởi những khẩu hiệu của Mác Xít đã không còn giá trị nữa, nếu không muốn nói rằng chúng không bao giờ có giá trị. Họ là những kẻ (tàn ác) quá độ. (“Communism has been catastrophic. Party officials have never understood the need for rational development. They’ve been hypnotized by Marxist slogans that have lost validity—if they ever were valid. They are outrageous.”)

Người ta tự hỏi rằng nếu bà Dương Quỳnh Hoa không phải là một khuôn mặt nổi tiếng, một trí thức hàng đầu của MTGPMN thì bà có được bình yên, không bị tù tội sau khi tuyên bố những lời như trên với một ký giả Hoa Kỳ? Nhưng điều này có thể giải thích phần nào vì khi nhà cầm quyền cộng sản nộp đơn kiện chính phủ và một số công ty hoá chất Hoa Kỳ tại toà án New York về những thiệt hại về nhân mạng và nhất là ảnh hưởng tai hại phụ nữ Việt Nam ở những vùng ô nhiễm thường bị xẩy thai hay sinh ra trẻ dị dạng. Một trong ba người đứng tên trong đơn kiện này lại là bà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa.
Những dữ kiện về bà Dương Quỳnh Hoa trong đơn kiện do phía cộng sản đưa ra trước toà án New York đọc được như sau:

Người đi kiện DUONG QUYNH HOA
Điều thứ 135. Năm 1964, plaintiff Duong Quynh Hoa là một người Việt Nam và là một y sĩ cư ngụ tại thành phố Saigon thuộc miền Nam Việt Nam
Điều 136. Trong thời gian này, bà thường đi lại tỉnh Biên Hoà và vùng Sông Bé là những nơi bị nhiễm thuốc độc do những bị cáo trên đây sản xuất.
Điều 137. từ 1968-1976, Dr. Hoa là Bộ Trưởng Y tế cuả CPLT MNVN và sinh sống tại tỉnh Tây Ninh.
Điều 138. Trong thời gian ở Tây Ninh, bà được chỉ thị nhiều lần phải bao đầu bằng bao Plastic vì quân đội Hoa Kỳ sẽ rải hoá chất độc. Trong thời gian này, bà đã trông thấy một thùng đựng chất độc da cam sản xuất bởi những bị cáo được thả xuống từ máy bay quân đội Hoa Kỳ.
Điều 139. Tháng 5, 1970, Dr. Hoa sinh hạ một bé trai tên là Hùynh Trung Son. Plaintiff Huynh Trung Son sinh ra bị dị tật và bị tàn phế.
Điều 140. Plaintiff Huynh Trung Sơn chết khi được 8 tháng tuổi.
Điều 141. Sau chiến tranh, Dr. Hoa bắt đầu có triệu chứng ngứa ngáy và bị lở ngoài da.
Điều 142. Năm 1971, Dr. Hoa có thai và bị sẩy thai vào tháng 7, 1971 sau 8 tuần lễ có thai.
Điều 143. Dr. Hoa có thai lần nữa nhưng lai sầy thai sau sau tuần vào tháng 1 năm 1972.
Điều 144. Sau khi mất đứa con đầu lòng và sầy thai hai lần, Dr. Hoa quyết định sẽ không có con nữa.
Điều 145. năm 1985, sau khi bị ngất xỉu và chóng mặt nhiều lần, Dr. Hoa bị khám phá là bị bệnh tiểu đường.
Điều 146. Năm 1998, Dr. Hoa bị bệnh ung thư vú và phải giải phẫu cắt bỏ ngực.
Điều 147. Năm 1999, Dr. Hoa thử máu và khám phá ra nồng độ chất độc da cam dioxin trong máu bà cao hơn độ bình thường rất nhiều.
Điều 148. Cả hai cái chết của hai người đi kiện, plaintiff Duong Quynh Hoa con trai của ba là Huynh Trung Son là do chất độc da cam do những bị cáo nêu ra ở trên sản xuất.

(trích từ phán quyết cuả toà UNITED STATES DISTRICT COURTEASTERN DISTRICT OF NEW YORK vụ VN xin kiện vụ chất độc da cam)

Năm 2004, mặc dù chi rất nhiều tiền cho các tổ hợp luật sư danh tiếng cuả Hoa Kỳ toà án ờ New York đã bác đơn xin kiện của chính phủ Việt Nam về vụ chất độc da cam. Từ đó đến nay, tuy phía Việt Nam cho biết sẽ kháng án nhưng vấn đề này không còn được đề cập tới sôi nổi như trước đây. Ghi chép lại dài dòng về những chi tiết của đời sống riêng của bà Dương Quỳnh Hoa để thấy rằng dù không bị cộng sản thanh trừng, bà cũng đã phải trả cái giá quá đắt. Bà là một điển hình cho trí thức miền Nam khi chọn sai lý tưởng để theo đuổi và nhất là khi đó lại là chủ nghiã cộng sản. Ít ra thì khi có phán quyết này của toà án Hoa Kỳ, bà Dương Quỳnh Hoa đã qua đời, khỏi phải thêm một lần thất vọng

Trong Hồi ức Nguyễn Thị Bình, một người còn được trọng dụng, dày đến 700 trang, người đã một thời là đồng chí với nhau ở trong bưng là bà Dương Quỳnh Hoa đã không được bà Bình nhắc đến một lần.

Những người khác như quý ông Trịnh Đình Thảo (1901-1982), vợ là bà Ngô Thị Phú, quê quán Sóc Trăng. Ông Lâm Văn Tết ( 1896-1982) Ông bà Phùng Văn Cung, vợ là Lê Thoại Chi. Giáo sư Nguyễn Văn Kiết, Nhà văn Thanh Nghị, Hoàng Trọng Quỳ, vợ là nghệ sĩ Tâm Vấn. Ông bà Trần Kim Bảng, bút hiệu Thiên Giang, vợ là nữ sĩ Vân Trang, thân sinh ra gs địa chất Trần Kim Thạch. Em gái bà Vân Trang là nghệ sĩ Mộng Trung, vợ Trần Văn Khê. Giáo sư Nguyễn Văn Chì, vợ là là bà Nguyễn Đình Chi, Chánh án Phạm Ngọc Thu, Võ Ngọc Thành, dược sĩ Hồ Thu, kỹ sư Cao Văn Bổn, kỹ sư Tô Văn Cang, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, chức sắc Cao Đài Nguyễn văn Ngỡi, bà Bùi thị Nga (vợ của ông kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.)

Sau 1975, sau “ngày giải phóng”, họ làm gì? Họ ở đâu ? Họ chẳng làm gì cả Họ tiếp tục ngồi chơi xơi nước với danh hão? Họ tiếp tục ăn bánh vẽ dù chẳng còn muốn ăn. Bà Bùi Thị Nga có thay chồng viết cuốn Huỳnh Phát, cuộc đời và sự nghiệp, dày trên 600 trang cùng không một chữ cho bà Dương Quỳnh Hoa.

Hồi đó quý vị được đảng bố trí ở biên giới Việt Nam-Campuchia, khoảng giữa bót Tà Xúa tới Chợ Giữa, Kà tum. Nhưng vì vấn đề an ninh,quân sự, chỗ ở cũng bị thay đổi nhiều lần để tránh phi cơ Mỹ ném bom.

Nhiều vị được dẫn đến “Trung ương” MTGPMN, phải vất vả lắm.Trước hết, phải vượt qua kinh Đìa Vàng, đến Ba Thu trong vùng Mỏ Vẹt. Nhà ở là mấy chục nóc nhà ni lông. Ai cũng ngủ võng cả. Nghe tiếng máy bay là lăn từ võng xuống hầm ngay đó. Nhà ăn tập thể thì nóc lợp lá trung quân, chung quanh có nhiều hầm đào sẵn để tránh bom. Nhà này vừa dùng làm chỗ ăn uống đồng thời là chỗ hội họp chính tri. Hằng ngày, Huỳnh Tấn Phát, linh hồn của Mặt trận, họp để đọc tin tức, nghe bá cáo và học tập. Nhất là nhanh chóng “để các vị ổn định tư tưởng và đời sống riêng tư.”

Nhiều vị ra đi tưởng chỉ vài tuần là “Giải phóng xong miền Nam”. Nay nhớ nhà, nhớ cơm, nhớ phở, nhớ điện, nhớ nước, nhớ cầu tiêu, nhớ tiện nghi Sài Gòn Nhiều khi không biết làm gì thì gs Nguyễn Văn Kiết mang triết học của Kant, Hegel ra giảng cho các quý vị nghe đỡ buồn. Vấn đề ăn uống chắc không có trở ngại gì. Chỉ sợ kiến rừng. Đồ ăn dư phải để trong một bát nước, nếu không kiến bò vào bát xơi trước. Nhưng vấn đề tắm rửa cho mấy vị phụ nữ thì thật phiền hà. Người như bác sĩ Dương Quỳnh Hoa mà nay phải ra tắm suối cởi truồng thì coi sao được. Bảo vệ phải làm nhà tắm, đi khuân nước về, rồi phải đun sôi cho vị nữ bác sĩ tắm cho đỡ lạnh. Đối vị nữ lưu như bà, thế là cực khổ lắm rồi.
Công việc chính là ngồi chơi xơi nước. Biết mình bị lợi dụng, biết bị làm cảnh, biết bị lừa.

Nhưng, như nhạc TCS, Tiến thoái lưỡng nan, đi… về… lận đận.

Muốn về cũng không có đường về.

 

Huỳnh Tấn Phát (1913-1989).Nguồn wikimedia.org

Quý vị thì nhàn, không có việc gì làm, họp hành đưa ra nghị quyết, tuyên bố rồi biên bản bị vứt vào sọt rác, vì Trung ương đã soạn sẵn. Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch Hội đồng cố vấn chính phủ cũng nhàn. Ngồi chơi xơi nước đến hai lần. Trong khi đó theo Trần Thanh Quốc, thư ký riêng của Huỳnh Tấn Phát – chủ tịch Phát làm chủ tịch chính phủ cách mạng lâm thời cộng Hòa miền Nam VN – với chức vụ đó ông “không có một chút thì giờ để nghỉ ngơi. Chỉ có thể nói những phút giây rảnh rỗi là khi anh lên yên con ngựa sắt để đi họp. Đó là thời gian nghỉ ngơi thanh thản nhất.” Bận thế đấy.

Trước 1975, 4 vị thanh niên là Trần Quang Long, Trần Triêu Luật, Lê Hiếu Đằng, và Trần Thiên Tứ sang công tác ở tuyên huấn R. Trần Quang Long và Trần Triệu Luật đã chết sau ba đợt bom tại đây.

Hầu hết những vị này, sau 30/04/1975 đều cho ngồi chơi xơi nước. Đó là cách đãi lọc kiểu cộng sản. Chỉ riêng những người đã từng chiến đấu dưới hàng ngũ cộng sản như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Bình còn được giữ chức vụ ngồi chơi nước như Phó Thủ tướng chính phủ. Ông Phát sau này chỉ lo vụ tiêp tân, đón tiếp khách ngoại quốc hoặc có nhiệm vụ đi ra nước ngoài thay mặt chính phủ.

Đó là số phận dành cho những kẻ chạy cờ. Một cách khai trừ “ êm dịu”

Vụ án Cimexcol-Minh Hải: Khai trừ vì tranh ăn

Đối với phe cánh của ông Võ Văn Kiệt thì vụ án Cimexco chỉ là “cơ chế cũ đánh cơ chế mới” hay “ kinh tế bao cấp đánh kinh tế mở cửa”. Trong phiên tòa xử vụ Cimexcol, người ta nhận xét là: Phiên tòa này lấy cái cũ xử cái mới, không đúng pháp luật, không được lòng dân. Tôi tự hỏi lòng dân liên quan gì đến việc các quan lớn “chơi” nhau, giữa cánh Nam với cánh Bắc?

Vụ án xảy ra vào tháng 7/1997. Kết quả vụ án là Dương Văn Ba, lãnh án chung thân khổ sai từ ngày 25/12/1987. (DVB, cựu dân biểu đối lập đệ nhị cộng hòa, miền Nam, thành phần thiên tả, thân cộng sản. Anh ta chỉ bị giam mấy năm và sau đó được thả do sự can thiệp của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt). Bên cạnh Dương Văn Ba có đồng lõa là Trịnh Thị Tuyết Sương, kế toán trưởng mà theo lời khai của đương sự là: Thị Sương bị Dương Văn Ba, (hồi còn sinh viên quen gọi DVB là Ba gà) mưu mô xảo quyệt mua chuộc bằng tiền tài vật chất, tình cảm, dần dần biến thành tay sai đắc lực, mù quáng thực hiện mệnh lệnh của DVB . Thị Sương tỉnh ngộ và đã thành thật khai báo nên cần xem xét giảm nhẹ đặc biệt đối với Thị Sương.

Những người khác cùng bị ra tòa với Dương Văn Ba là Nguyễn Quang Sang, Trương Công Miên, Huỳnh Văn Ngươn, Thạch Phen (cựu dân biểu đối lập, đệ nhị cộng hòa), Lâm Thành Đại, Dương Thị Nhung, Trần Công Thức, Huỳnh Kim Báu, Đặng Hữu Hiền, Trang Trung Trí, Phan Thị Hương Trang, Lương Công Trà, Nguyễn Duy Thưởng, Nguyễn Thanh Hòa, Lê Phương, Tạ Khắc Quyền, Lê Văn Bình. Tất cả là nhóm lãnh đạo miền Nam cộng một số “ngụy quân” , ngụy quyền” cũ. Nhất là con số 2000 công nhân viên mà một số không nhỏ là cựu sĩ quan chế độ miền Nam.

Sau này, vào ngày 9/3/1994, có vụ “làm việc” lại về vụ án Cimexcol, tỉnh Minh Hải với sự có mặt của:

– Bộ chính tri: Có anh Đỗ Mười, anh Võ Văn Kiệt, anh Đào Duy Tùng, anh Lê Phước Thọ ( Sáu Hậu), anh Đỗ Quang Thắng, anh Nguyễn Hà Phan.

– Đại diện các cơ quan pháp luật trung ương có: Viện Kiểm soát nhân dân: Anh Lê Xuân Dục.Tòa án: Anh Phạm Hưng, chánh án TANDTC, người đã xử vụ án, anh Tư Thắng, Phó chánh án TANDTC. Thanh Tra: Anh Tám Thẩm.

– Các ban Đảng: Ban Tổ chức: anh Nọ, anh Ba Niềm. Ban Kiểm tra: anh Sáu Kiến, phó chủ nhiệm và một số cán bộ phụ trách phía Nam. Ban Văn hóa tư tưởng : Anh Lê Thanh Nhàn ( Ba râu)

– Ban Thường vụ tỉnh Minh Hải: Đặng Thành Học, bí thư Tống Kỳ Hiệp, phó bí thư; Ngô Vân, chủ tịch tỉnh, Nguyễn Hoa, trưởng ban tuyên giáo; Nguyễn Văn Út, trưởng ban tổ chức. Trọng Nam, giám đốc sở công an…

– Và Đoàn Thanh Vị, nguyên Ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh uỷ Minh Hải Phạm Văn Hoài, Phó bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, Lê Văn Bình, nguyên phó bí thư, chủ tịch UBND tỉnh.

– Tổng số khoảng 40 người, trong đó có 6 anh Ủy Viên Bộ chính trị, và 8 anh trong Ban chấp hành TU đảng. Lời bình: Toàn thứ chóp bu để giải cái án này cho Dương Văn Ba, một thứ “sâu mọt” bị kẹt giữa hai lằn đạn. Vai trò của ông Võ Văn Kiệt là bênh vực cánh miền Nam, ngay cả “ngụy quân, ngụy quyền” cũ.

Nhận xét: Đây chỉ là một vụ án tranh chấp giữa phe cánh với Võ Văn Kiệt. Khi đọc hồ sơ vụ án, tôi thấy có lời phê duyệt của Nguyễn Văn Linh như sau: Hồ sơ tội trạng đã rõ ràng, cứ thế mà thi hành.

Cứ thế mà thi hành, vậy mà sau đó, vụ án bị đem ra mổ xẻ, xét lại dưới trào Võ Văn Kiệt.

Trong vụ án này có vài việc đáng ghi và viết ra đây:

Thứ nhất, có bị cáo là Ngô Vĩnh Hải, tổ trưởng tổ Kiều hối của Cimexcol. Anh bị truy tố về tội mua bán hàng cấm. Được biết Ngô Vĩnh Hải, trước 1975 là ký giả của tờ Điện Tín. Thẩm phán đã tra vấn anh là có phải anh có người anh là giáo sư đại học ở Mỹ (2) và anh đã được bảo lãnh không? Việc có người anh ở Mỹ có liên quan gì đến vụ án?

Anh đã không nhờ luật sư biện hộ và tự biện hộ trước tòa. Anh phủ nhận các lời khai do công an thẩm vấn anh trước đây. Anh khai:

“Thưa quý tòa, lời khai đó của tôi, nhưng tôi khai theo sự hướng dẫn của An ninh điều tra. Nếu tôi chịu khai như thế thì An ninh sẽ thả tôi về xum họp gia đình trước tết 1988 – tôi bị bắt cuối năm 1987.”

Cả hội trường đều xôn xao. Trên ghế chủ tọa, người ta thấy ông tòa nổi giận nói: “Anh đâu là trẻ con mà người khác bảo anh khai thế nào, anh khai thế nấy”.

Thưa quý tòa, bởi lẽ tôi không là trẻ con, tôi mới làm vậy, vì tôi muốn được thả ra. Nhưng an ninh điều tra không thực hiện lời hứa ấy với tôi, như vậy người thực hiện lời hứa đâu là trẻ con, thưa quý tòa!

Cuối cùng tòa xử Ngô Vĩnh Hải được trắng án. Nhưng ai có thể đền bù cho Ngô Vĩnh Hải bị 16 tháng tù giam trước khi xử trong đó có 10 tháng biệt giam?

Người thứ hai là bị cáo thứ 21, Lê Văn Bình, người duy nhất trong ban Lãnh đạo tỉnh Minh Hải “được chọn” đưa ra xét xử. Ông Bình chỉ bị “một năm tù cho hưởng án treo. Giao cho UBND Phường 1, thị xã Bạc Liêu theo dõi, giáo dục”. Nhưng trước tòa, ông không đóng vai bị cáo mà buộc tội tòa án như sau: “ các anh chỉ biết xử chứ không biết xét, biết kết tội chứ không biết giải oan, chỉ vì mình hơn vì công lý.” Cả phòng im lặng, “tôi không thể hiểu nổi các anh, các anh không đủ tư cách.” Ông Lê Văn Bình mạnh miệng như thế, bởi vì ông còn là nguyên đại biểu Quốc Hội khóa 8 kiêm chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Minh Hải.

Ông mạnh miệng như thế là phải rồi. Một năm tù treo là lối xử mà không xử. Vậy mà ông Lê Văn Bình uất ức mãi. Trong suốt 4 năm ròng, ông Lê Văn Bình phải chịu đựng nỗi oan Khiên và cũng 4 năm đó, ông đội đơn gõ cửa khắp nơi kêu oan, nhưng đến nay nỗi oan khiên vẫn còn đó!

 

02.04.2008 Võ Văn Kiệt đến Bệnh viện Bạc Liêu thăm hỏi Năm Hạnh Lê Văn Bình (chết ngày 01.5.2008). Nguồn phapluattp.vn

Ông Lê Văn Bình mà còn phải chịu đựng như vậy thì dân chúng thấp cổ bé miệng phải chịu đựng ra sao? Sau này khi có cơ hội, ông đã làm cho to chuyện. Lúc Dương Văn Ba bị bắt ra tòa thì ông đang bận họp ở Quốc Hội.

Riêng Dương Văn Ba, thời làm dân biểu VNCH, ăn to nói lớn, miệng hùm gan sứa, trong tòa nhà Quốc Hội đập bàn đập ghế, đánh bạc xì phé như ranh ngay từ thời sinh viên nên chuyện gì cũng dám làm. Chuyện tầy trời cũng không ngại. Nay, biết thân phận mình, anh tỏ ra hiền lành, tịnh khẩu… Anh nhũn như con chi chi.

Người thứ tư là ông Trang Thanh Khả, giám đốc công ty gỗ. Bi kịch của Trang Thanh Khả là ông đã tự sát bằng cách: Trang Thanh Khả “tự cắt lưỡi mình, vì lưỡi để nói mà không được nói. Cắt hai động mạch chủ ở hai tay, để chứng minh hai bàn tay sạch. Mổ bụng, kéo ruột ra cắt một khúc, chứng tỏ lòng dạ tốt mà lãnh đạo không tin.” Sau này thì người ta ca tụng đồng chí Trang Thanh Khả là người can đảm đã dám “lấy cái chết đau thương thảm khốc để cảnh tỉnh người lãnh đạo”, một hành động có một không hai trong lịch sử cận đại, để mà tôn vinh cho xứng đáng.

Bên cạnh đó còn việc chết đuối của Lâm Thành Sự ở Laksao khi công tác ở bên Lào? Có thể là chết đuối là việc tự nhiên, nhưng việc gì cũng có thể là dối trá thì tại sao không nghi ngờ?

Dù sao thì đồng chí Trang Thanh Khả không còn nữa. Nói chi cũng bằng thừa.

Người thứ năm lên tiếng: Quyết định công khai ý kiến là ông Nguyễn Quốc Sử, nguyên viện trưởng, viện kiểm soát nhân dân, tỉnh Minh Hải.

“Trong cuộc đời tham gia làm cách mạng của tôi đến thời điểm này còn 3 tháng 26 ngày nữa là tròn 40 năm, chưa lúc nào tôi hay suy tư hơn lúc này, kể cả những năm tháng tôi bị lưu đầy và lúc được tin những người thân của tôi ngã xuống, mặc dù rơi nước mắt, nhưng ý chí căm thù lại thúc tôi đứng thẳng để trả thù”.

Còn bây giờ làm sao vô tư được?

Sau này, tờ tuần báo Tuần Tin Tức, số 38, ra ngày 19/09/1993 có đưa ra chứng cớ về tiền bạc thiếu hụt của công ty. Theo cáo trạng thì Cimexcol có thiếu hụt 4,62 triệu đô la, nợ nước ngoài 5,1 triệu đô la không có khả năng thanh toán. Nhưng theo kết luận của đoàn Thanh tra của tỉnh Minh Hải thành lập thì đã đưa ra con số nợ chỉ vỏn vẹn có 807.813, 48 đô-la . Mức chênh lệch tới 3,826 triệu đô la. Như vây số hơn 3 triệu đô la đi đâu?

Sau này, nhóm người của ông Võ Văn Kiệt (3) còn đòi truy cứu những ông lãnh đạo Trung ương và địa phương chủ đạo vụ án như ông Trần Kiên, bí thư Trung ương đảng,Trần Đình Hương (Mười Hương), bí thư trung ương đảng; Nguyễn Việt Thắng, Phó chánh án tòa án nhân dân tối cao; Trần Quyết, Viện trưởng viện KSNDTC và những ông thanh tra như Nguyễn Thanh, Đoàn Minh Thuần, Nguyễn Quang Thanh, Lê Xuân Đục, chủ tọa phiên tòa. Ở Minh Hải có Nguyễn Văn Đáng, Đặng Thành Học, Tống Kỳ Hiệp. Những người trong ban giám đốc kế nhiệm bi. tố cáo là đã làm thâm hụt hằng triêu đô la sau vụ án. Những người đứng đơn trong việc kiện ngược lại là quý ông Đoàn Thành Vị, Phạm Văn Hoài, Lê Văn Bình.

Nhưng hồi sau ngã ngũ ra sao thì không ai được biết? (trích theo hồ sơ tài liệu của Hồ Ngọc Nhuận, Chuyện một vụ án).

Đây chỉ là một hình thức thanh trừng nội bộ dựa trên pháp lý để tranh ăn.

(Trích tài liệu in photopy của cựu dân biểu đối lập Hồ Ngọc Nhuận. Sách không được ông Trần Bạch Đằng cho xuất bản)

Vụ án những người kháng chiến cũ

Sau 1975, những kháng chiến cũ cho thành lập một hội lấy tên là: Hội truyền thông kháng chiến thành phố Hồ Chí Minh. Hội đã được Bí thư thành ủy thành phố HCM lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Linh cho phép hoạt động vào năm1985. Chuyển hồ sơ về Trung Ương. Không ai dám quyết định. Một năm sau,16/05/1986, Lê ĐứcThọ mới cho quyết định hoạt động.

Hâu hết họ là người có gốc gác miền Nam.

Hội viên danh dự có Nguyễn Văn Linh, bí thư thành Ủy TPHCM, Võ Văn Kiệt, phó chủ tịch Hội đồng Bộ tưởng, Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch quốc hội và Huỳnh Tấn Phát, phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.

Cố vấn: Thượng tướng Trần Văn Trà, ông Trần Bạch Đằng. Ban chấp hành có: Chủ tịch Nguyễn Hộ.

Các phó chủ tịch: Huỳnh Văn Tiếng, Nguyễn Đức Hùng,Tạ Bá Tòng, Phạm Chánh Trực, Ngô Liên, Nguyễn Thị Tấn, Lê Hồng Tư, Lê Trung Nghĩa.

Các ủy viên: Lê Đình Vũ, Lê Quỳnh Vân, LM Chân Tín, bác sĩ Võ Cương, đại tá Thái Doãn Mẫn, Trần Văn Thơm, Ni sư Huỳnh Liên, HT Thích Thiện Hào, Võ Anh Tuấn, bà Ngô Bá Thành, Phan Kim Phụng, Nguyễn Trọng Xuất, Nguyễn Đăng Nguyệt, Ls Trần Ngọc Liễng, Vũ Hải Sơn.

Có lúc số hội viên Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ (CLNNNKCC) đã lên tới con số trên 20 chục ngàn người, 90% là đảng viên đảng cộng sản. Họ có một số xí nghiệp như phân xưởng nhựa, phân xưởng bột giấy, phân xưởng cơ khí và cơ giới khai thác lâm sản.

Khi Hội đã tạm vững mạnh thì đề ra hai mục tiêu: Đấu tranh đổi mới và chống tham nhũng quan liêu.

Ngày 03/06/1988, họp tại nhà Hữu nghị, 31 đường Lê Duẩn, quận 1 mong Đảng đổi mới. Có khoảng 100 chữ ký. Đặc biệt có chữ ký của Lý Chánh Trung. Tôi dò tìm, nhưng không thấy tên của bất cứ người nào trong ban chủ nhiệm như quý ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng. Kiến nghị gửi đi, chắc không được trả lời.

Ngày 11/06/1988, tống thêm một bản kiến nghị yêu cầu kiểm điểm Bộ chính trị với 44 chữ ký. Lần này, đặc biệt có chữ ký của ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng và Thượng tướng Trần Văn Trà, chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn.

Trước khi gửi kiến nghị, xin ghi lại mấy lời phát biểu rất thẳng và cứng rắn sau đây.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, người đã từng ăn bánh vẽ MTGPMN , ông nói: Nhân dân ai cũng thích cái bánh thật chứ chẳng ai thích cái bánh vẽ. Giáo sư Lý Chánh Trung, phó chủ tịch UBMTTQ thành phố, phó Trưởng đoàn Quốc Hội TPHCM nói:

Trước hết, chúng ta nên dứt khoát trục xuất chủ nghĩa hình thức. Không thể dân chủ hóa, nếu không công khai hóa mọi sự. Mà không thể công khai hóa nếu không có tự do báo chí và tự do ngôn luận.

Bùi Văn Nam Sơn, học Triết ở Đức về mạnh dạn:

Chỉ có đổi mới triệt để bộ máy tổ chức và nhân sự đây lùi xu hướng bảo thủ trì trệ mới có thể phát triên. Một tình trạng tha hóa về chính trị có thể nào quan niệm được trong một chế độ xã hội lấy tinh chân thật và tính nhân dân viết trên ngọn cờ của mình.

Trần Văn Giàu nhận xét:

Càng sống lâu, càng hư, làm quan lâu càng hư. Cách mạng là phải trẻ, phải tiến bộ. Phải tống cổ bọn tham nhũng và quan liêu ra khỏi đảng. Lập pháp trường cát ở Tao Đàn, Bến Thành để xử băn bọn đó.

Đặc biệt có câu hỏi của ông La Văn Lâm chất vấn bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ), vợ ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh:

Tại sao không kiểm điểm ông Đỗ Mười về những sai phạm trong cải tạo Công Thương nghiệp ở miền Nam? Bà Huệ nói ông Lê Duẩn hồi đó bảo bỏ qua. Còn ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh lại bị ông Lê Đức Thọ vô hiệu hóa. Ông Lê Đức Thọ tiết lộ toàn bộ ban chấp hành trung ương đảng cộng sản VN khóa 6, trừ 6, 7 người bị đánh rớt, còn lại hầu hết là người do ông chọn lựa, người của ông do ông sắp xếp. Ông Nguyễn Văn Linh chỉ làm trái độn, sẽ bị gạt đi. Rồi tung tin ông Nguyễn Văn Linh bị bệnh sắp chết, sắp bị từ chức!

Đảng kiểu đó là bè phái, Đảng vô Kỷ luật, Đảng ngồi trên đầu dân, bất chấp ý nguyện của dân.

Đây là những phát biểu mạnh mẽ nhất như cho rằng đảng: Nặng về đổi mới kinh tế, coi nhẹ đổi mới về chính trị. Hay Đảng không thể đứng trên Hiến pháp và luật pháp được.

Đảng viên đã gửi không biết bao nhiêu kiến nghị, nhưng chưa bao giờ được thư trả lời và giải quyết của Trung ương. Chỉ ra mệnh lệnh và biện pháp hành chánh quyền lực và cả vũ khị Thật vậy, dang đã dùng roi điện, chó béc giê, súng đạn để đàn áp các sự kiện xảy ra tại thôn Cộng Hòa (Thanh Hóa), thôn Tú Trình (Thái Bình), ở làng Chuối Nước – Đồng chó ngáp và Đầm Dơi của tỉnh Minh Hải và sự kiện Hồ Kỳ Hòa, Tp. HCM. Bản kiến nghị này mang 76 chữ ký có tên Nguyễn Hộ và Lý Chánh Trung.

Tờ Truyền Thông kháng chiến, cơ quan của Câu lạc bộ kháng chiến đòi Dân Chủ hóa và công khai hóa.

Trước những đòi hỏi, kiến nghị của CLBNNKCC, Trung ương đảng nổi giận và gọi đây là: Đây là vụ chống Đảng sau Nhân Văn giai phẩm.

Nếu nhân văn giai phẩm sau 54 là do các nhà văn đòi tự do tư tưởng, tự do báo chí cho người cầm bút. CLBNNCKCC sau 1975 là do các cựu cán bộ cs đòi tự do chính trị, xét duyệt lại đảng.

Bộ chính trị lậ p tức có biện pháp:
– Cấm CLBNNKCC tổ chức hội thảo.
– Cấm ra Đặc san Truyền thống kháng chiến
– Chỉ thị đấu tranh nội bộ, lọai những phần tử quá khích như Nguyễn Hộ và Tạ Bá Tòng
– Giải thể các tổ chức phụ thuộc như ban liên lạc
– Dẹp Bản tin liên lạc

Phần ông Nguyễn Hộ, không chấp nhận ý kiến của Bộ chính trị. Không chịu quay về thành phố theo lời khuyên của ông Võ Văn Kiệt Ông viết như sau trong tập tài liệu của ông: Quan điểm và cuộc sống (Tin nhà, Paris, xuất bản). Ngay lúc ấy, Trung ương đảng cộng sản Việt Nam đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và bí thư thành ủy Võ Tần Chí cùng nhiều cán bộ khác kể cả Trần Văn Trà (thượng tướng), Trần Bạch Đằng đã họp bàn kế hoạch tỉ mỉ nhằm đàn áp CLBNNKCC thành phố và nhiều nơi khác. Ý kiến phát biểu lên án, buộc tội CLB kháng chiến thành phố của Trần Văn Trà, Trần Bạch Đằng trong cuộc họp nói trên được in ra và phát hành khắp nước… Ông viết tiếp: Sau hơn 70 năm thể nghiệm ở Liên Xô, chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn thất bại. Trong một bài tham luận khác, ông viết: “Tư bản chủ nghĩa – Con đường không thể đảo ngược được. (trích dần từ trang 11 đến trang 21, sách trên)

Thế là Bão tố xảy ra.

Nguyễn Văn Linh đổi giọng: “Chúng ta không cho phép mọi hành động lợi dụng dân chủ để phục vụ cho ý đồ xấu của một cá nhân hoặc một nhóm người chống chế độ xã hội chủ nghĩa.”

Nguyễn Văn Linh là anh hèn nhất trong đám. Ông cố đấm ăn xôi để hy vọng ở lại nắm quyền lực, ông được cử làm Tổng Bí thư Trung ương đảng sau này.

Vô số các biện pháp thanh trừng tiếp theo ngay sau đó.

Lần lượt cách chức, khai trừ đảng, thuyên chuyển, hoặc ngồi chơi xơi nước các ông Nguyên Ngọc, TBT báo Văn Nghệ, Bùi Minh Quốc, TBT báo Langbian, Tô Hòa, TBT báo Sàigòn giải phóng, Tô Nhuận Vỹ, TBT tạp chí Sông Hương, Kim Hạnh, TBT báo Tuổi Trẻ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, TBT báo Cửa Việt, Kim Tinh, phó TBT báo Ấp Bắc, Nguyễn Xuân Quang, TBT báo Sông Bé, Lê Phúc, TBT báo Đối Thoại.

Trần Văn Trà trở cờ bảo ông Nguyễn Hộ là “người nối giáo cho giặc”. Trần Bạch Đằng: “Đáng đời”.

Phạm Khải sau này thay thế ông Nguyễn Hộ nhận định: “Anh Năm Hộ muốn làm một Trung tâm lãnh đạo cả nước”.

Ngày 21/03/1990, ông Nguyễn Hộ bỏ Sài gòn về vùng Sông Bé và tuyên bố: Ly khai đảng Cộng Sản VN. Võ Văn Kiệt đã có lần đi gặp Nguyễn Hộ để thuyết phục ông Nguyễn Hộ. Nguyễn Hộ từ chối tất cả.

Cũng cần hiểu rằng nhiều người sợ quá mà đành lòng phải nói như thế.

Nhưng dù sao cũng ít ra ra vắng bóng một Tố Hữu, một đồ tể trong Nhân Văn Giai phẩm 1955.

Ngày 27/07/1990, Thành Ủy Tp. HCM khai trừ khỏi đảng các ông Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu, Hồ Hiếu và bác sĩ Đỗ Thị Vân, vợ ông Đỗ Trung Hiếu. Các ông Lê Đình Mạnh, Đỗ Ngọc Long, Luật sư Đoàn Thanh Liêm bị bắt giam. Luật sư Liêm bị xử 8 năm tù liên quan đến một vụ án chính trị khác.

Kể từ đấy, cai tên CLBNNKCC dần dần không còn ai nhắc tới nữa. Những kẻ có lòng với đất nước, có lý tưởng mong đất nước mỗi ngày mỗi khá hơn không còn cơ hội cất tiếng nói nữa.

Đảng trở lại nguyên hình là một tên độc tài bất khả xâm phạm. (Tài liêu do ông Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ cộng sản trẻ của CLBNNKCC cũ viết từ trong cuộc tuồn ra bên ngoài và đã được nhóm Tin Nhà ở Paris cho in toàn bộ tài liệu lại)

Đôi lời kết luận

Khai trừ, thanh trừng là chuyện thường tình trong thế giới cộng sản bởi lẽ có độc tài là có thanh trừng. Liên Xô những thập niên 30, 40, 50, Stalin đã giết và đưa đi lưu đầy hằng triệu người. Bên Trung Cộng, những năm 50, 60 trong cuộc Cách mạng Văn hóa, trong việc thành lập công xã nhân dân (Đại nhảy vọt, Great Leap) Mao Trạch Đông, Giang Thanh và lũ tay sai đã giết hại tra tấn, tù đày hàng triệu người dân Trung cộng vô tội. Ngay cả những cán bộ đảng viên kỳ cựu từng sát cánh với Mao Trạch Đông cũng bị thanh trừng sát hại như Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, La Thụy Khanh, Hạ Long. Và cũng không thể quên được biến cố đàn áp dã man sinh viên, học sinh trong biến cố Thiên An Môn ngày 04/06/1989 tại quảng trường Thiên An Môn. Cũng vậy, Pol Pot, Ieng Sary đã phạm tội diệt chủng, giết hại hàng triệu người dân vô tội Kam pu Chia trong những năm sau 1975.

Chúng ta không có hy vọng gì người Cộng sản Việt Nam làm khác hơn. Họ không tệ hơn đã là một điều tốt rồi. Một chế độ độc tài không có chỗ cho người tử tế. Làm người tử tế trong một chế độ xã hội cộng sản là điều không dễ.

Rất nhiều người lương thiện ở VN bây giờ cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong một xã hội xô bồ, vô đạo đức, tranh dành như ăn cướp giựt.

Ông Đỗ Trung Hiếu, một thành viên tích cực trong CLBNNKCC thất vọng đưa ra lời nhận xét:

“Té ra cái gì cộng sản chống là cái Đảng làm. Cái gì đảng luôn luôn nói đến là cái không có trong thực tế. Đảng cộng sản là người họa sĩ đại tài luôn luôn vẽ bánh vẽ cho nhân dân ăn để riêng mình ung dung ăn bánh thật.”

Ông nhận xét tiếp: “Từ việc nhỏ đến việc lớn, từ suy nghĩ đến hành động, cách đối xử thì thấy rằng: Cuộc sống sao mà khó chịu đến cái quần áo, giày dép, đến cái răng, cái hòm cũng có cấp.”

Thật là một nhận xét chua xót.

Ở Việt Nam, kẻ nào bị thanh trừng, kẻ nào bị gán ghép là kẻ có tội. Thì kẻ đó là người liêm chính, là người tử tế. Tội của đệ tứ chỉ vì bọn đệ tam thời Stalin thắng thế nên hết đệ nhất, đệ nhị rồi đến đệ tam. Dừng lại ở đệ tam thì được. Sang đệ tứ là bị thanh trừng ám sát. Thời Andropov và Gorbachev thì Stalin bị lên án, là có tội. Việt Nam là con đẻ của Stalin và Mao Trạch Đông. Nên tội tính theo mùa, theo thời kỳ.

Tội của CLBNNKCC cũ là đi nhanh quá, tội đòi đổi mới khi chưa cho phép đổi mới. Tội đòi đa nguyên, đa đảng trong khi cộng sản muốn độc quyền. Họ là thứ hình thức tự thực dân hóa (autocolonisation) trên chính đất nước của mình.

Trong tương lai, chúng ta còn được chứng kiến nhưng cuộc thanh trừng, đánh đấm, tranh giành giữa bọn họ.

Nhưng nay, họ chỉ còn đánh đấm nhau vì tiền. Và chúng ta sẽ chứng kiến cái cảnh thằng ăn cướp xử thằng ăn cắp dài dài… dài… dài… dài…