Seite auswählen

 

Tháng 11 năm ngoái, khi Bob Vander Plaats – nhà lãnh đạo đầy ảnh hưởng của cộng đồng Tin Lành tiểu bang Iowa – tuyên bố ủng hộ Ron DeSantis, Donald Trump đã phản ứng rất… “điển hình Trump”: phẫn hận, tràn đầy nộ khí, xối xả mắng chửi kẻ không còn chung đường với mình là tên “lừa đảo”. [1]

Thì cũng dễ hiểu thôi. Trump có thành tổng thống là nhờ vào sự ủng hộ của cử tri hằng tin tưởng vào sự tuẫn nạn của Chúa Jesus, Plaats làm vậy có khác nào đạp đổ tương lai chính trị của Trump? Nhưng, xa rộng hơn, bao trùm lên tất cả, vấn đề cần đặt ra là cái câu tự vấn mà người Mỹ, suốt cả thế kỷ qua, luôn đặt ra trong những tình thế khó xử, cái câu hỏi đã quen miệng đến độ chỉ đơn giản gói gọn trong mấy chữ viết tắt: “WWJD?”

“What would Jesus do?” – Nếu là Chúa, thì Chúa sẽ làm gì? Liệu Chúa có hành xử như Plaats vào năm 2016 hay, như bây giờ, với những nhà lãnh đạo khác vẫn chưa bị Trump chửi là quân phản bội?

Không ai có thể trả lời thay Chúa nhưng, nếu dựa vào nền tảng đức tin mà những nhà khai sáng Tin Lành đã nhấn mạnh, chúng ta có thể xác quyết cho một lời đáp dứt khoát: KHÔNG!

Lời đáp chắc nịch này gắn chặt với niềm tin đã hình thành nên Tin Lành vào thế kỷ 16 khi nhà thần học Martin Luther bác bỏ xác tín về sự “vô ngộ” của Giáo Hoàng và quyền lực của Giáo hội. “Vô ngộ” là không thể sai lầm và Luther khẳng định rằng chỉ có Kinh Thánh mới là nguồn “vô ngộ” duy nhất của thẩm quyền tôn giáo trong khi cái “chìa khoá đi vào Nước Trời” được Chúa ban phát cho toàn thể con chiên chừng nào họ ăn năn và gìn giữ đức tin, không nhất thiết phải cần đến vai trò trung gian của Giáo hội.

Như thế, để tìm lời đáp trước thùng phiếu của mình, cái mà những cử tri Tin Lành cần làm là suy gẫm những lời Chúa trong Kinh Thánh chứ không phải là ngón tay chỉ đường của mấy nhà lãnh đạo hãy còn vướng nặng danh lợi thế tục. Như ông Plaats kia. Việc ông ta chấm dứt sự ủng hộ với Trump không hề xuất phát từ đạo đức Tin Lành, cũng không phải từ ý thức của một công dân Mỹ nặng lòng với tương lai đất nước. Là một đảng viên Cộng Hòa, từng bon chen với cái ghế thống đốc tiểu bang nhưng thất bại thì nay ông ta, như đã huỵch toẹt trên đài Fox, chối bỏ Trump chỉ vì nhân vật cũ này đầy tai tiếng và rắc rối pháp lý, có thể bị thua trong năm 2024, do đó đảng cần đầu tư vào ứng cử viên có nhiều hy vọng hơn. Như thế, ở đây, không có chuyện đạo mà là chỉ là chuyện đời. Mà, cả trong chuyện đời, cũng chẳng có gì là lý tưởng cả bởi cái trên hết vẫn là đảng, hoàn toàn không có chuyện American First, Nước Mỹ trên hết như vẫn hô hào.

Nhưng nếu phải suy gẫm lời Chúa thì, thích hợp nhất, là những lời nào?

Trước hết, có lẽ là lời dạy liên quan đến thân phận của Trump, một người giàu có. Cái giới mà, theo lời Chúa, rất dễ bị đày xuống hỏa ngục: “Con lạc đà có thể chui qua lỗ kim nhưng người giàu khó mà bước vào Nước Trời” (Matthew 19:24).

Xã hội bây giờ khác xa so với hơn hai ngàn năm trước nên vấn đề không thể chỉ đơn giản là sự giàu mà còn là cách giàu và phong cách sống giàu. Lẽ nào những tỷ phú nổi danh làm từ thiện như Ross Perot, Bill Gate, Ted Turner, Warren Buffett, Mike Bloomberg, Marc Benioff, George Soros, Mark Zuckerberg, Phil Knight v.v. bị đày xuống hỏa ngục chỉ đơn giản là do họ giàu? Họ cũng có gia sản bạc tỷ và, so với Trump, chỉ có thể bằng hoặc hơn nhưng hoàn toàn khác Trump. Làm giàu bằng trí tuệ, bằng năng lực nắm bắt thị trường, họ, trong sự nghiệp kinh doanh, có thể từng có những vướng víu pháp lý như Gate với đạo luật bảo vệ cạnh tranh Anti-Trust v.v nhưng chưa ai từng bị truy tố với cáo buộc lừa đảo.

Trump thì, trong khi chưa hề được xem là nhà từ thiện lại, ít nhất, từng hai lần bị cáo buộc tội danh này. Lần đầu là vụ kiện với cái gọi là “Trump University”, cái tổ chức hiện đã nằm gọn trong hố rác của nền giáo dục Mỹ. Đây là vụ kiện tập thể của các cựu sinh viên mà, trước khi ra tranh cử tổng thống vào năm 2016, Trump đã từ bỏ thái độ cố chịu đấm ăn xôi, âm thầm bồi thường cho từng nguyên đơn để đánh đổi sự im lặng. Mới nhất là vụ kiện sắp sửa đến hồi chung cuộc ở đó chính quyền Tiểu bang New York cáo buộc Trump thổi phồng tài sản nhằm lừa dối các ngân hàng và các công ty bảo hiểm cùng những đối tác kinh doanh khác. Và Trump, từ năm 1991 đến 2009, đã sáu lần khai phá sản công ty, với mục đích dồn các chủ nợ vào thế bị động khi tái thương lượng về điều kiện trả nợ.

Không rộng rãi đóng góp cho xã hội đã đành, Trump còn tận dụng mọi cơ hội để… đục khoét xã hội, đến mức cả khi người vợ cũ Ivana Trump qua đời, Trump cũng chớp cơ hội đăng cáo phó để xin tiền. [2] Là tỷ phú nhưng tiền thuế Trump đóng cho đất nước Mỹ thua xa một công nhân lương thấp và, trong suốt cuộc đời chính trị, từ khi ra vận động tranh vào năm 2015, Trump hầu như không hề xuất ra một xu tiền túi, toàn bòn rút của đám ủng hộ cuồng si. [3]

“Đời nay nhiều kẻ trọng tiền / Ít người sở dụng sĩ hiền như xưa”, “trọng tiền” là một phần của nhân cách và, bao quát hơn, Kinh Thánh đã xác định rất rõ: “Có sáu điều Chúa ghét, bảy điều Chúa khinh: mắt kiêu căng, lưỡi dối trá, tay làm đổ máu người vô tội, lòng đầy thủ đoạn, chân vội vàng làm ác, làm chứng gian và nói lời dối trá, kích động sự bất hòa anh em.” (Proverb 6: 16-19).

Mà Trump thì, như có thể thấy được ngày ngày qua những tin tức tức ngồn ngộn trên đủ phương tiện truyền thông, ngoại trừ “bàn tay vấy máu” liên quan đến hành vi sát nhân, chúng ta có thể nhận ra toàn bộ sáu điều còn lại. Như, ít nhất là từ ba năm nay, khi liên tục rêu rao về những lá phiếu bị đánh cắp, chẳng phải Trump đang sống với cái “lưỡi dối trá” của kẻ “làm chứng gian” hay sao?

Chúa dạy “Nếu ai tát con ở má phải, con hãy chìa má trái cho họ đánh tiếp” (Matthew 5: 39) mà Trump thì, luôn luôn, hung hăng ở vị thế tấn công và phản công. Như trường hợp ông Plaats nói trên: nếu sống theo lời Chúa thì, ít nhất, Trump phải lịch sự “lấy làm tiếc” về sự “thay đổi này” và hy vọng là ông ta sẽ nghĩ lại; đằng này Trump bới móc quá khứ ông ta, rồi mắng ông ta lừa đảo, tức không chỉ tát lại mà là đấm, là ném đá ông ta.

Mà trò ném đá thì, Chúa, trong một câu chuyện khác (John 8:6–7), đã răn dạy là chỉ những kẻ vô tội mới được quyền mà Trump, như có thể thấy trong các dòng tin nhắn trên Truth Social hàng ngày, là kẻ ném đá hàng loạt dẫu mình không hề trong sạch.

Trum, hơn tám năm qua, được xem là yếu tố gây chia rẽ chưa từng thấy cả bên trong lẫn bên ngoài xã hội Mỹ với hệ quả bộc lộ trong từng gia đình, chia rẽ cả anh-em và vợ-chồng. Trên phương diện quốc gia, Trump kích động sự ganh tỵ và thù ghét như một thế mạnh chính trị và, hiện tại, đáng sợ hơn, còn bộc lộ những giọng điệu phát xít để khơi sâu sự chia rẽ với giọng điệu rất là… “vấy máu”.

Mà đó là những gì chúng ta có thể nhận ra trong những lời răn từ Kinh Thánh.

Vụ sát nhân, hay vụ huynh đệ tương tàn đầu tiên của vũ trụ, theo Cựu ước, xuất phát từ sự ganh tỵ giữa hai anh em Cain và Abel (Genesis 4:1-16). Tức giận vì Đức Chúa Trời nhận lễ vật của đứa em Abel làm nghề chăn nuôi mà từ khước của mình, người anh Cain làm nghề trồng trọt đã lập mưu giết em để rồi sau đó bị trừng phạt, lang thang khắp mặt đất. Cũng anh em thù hận, chúng ta còn có lời răn khác với người anh chăm chỉ làm lụng và người em phung phí, hoang đàng trong Tân Ước (Luke 15: 11-32): Chúa không muốn chúng ta giận dữ như người anh khi thấy cha mở tiệc ăn mừng đứa em “đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

Nghĩa là, theo ý Chúa, chúng ta không nên đố kỵ và, trong mọi sự việc, hãy cố nhìn vào mặt sáng, vào khía cạnh lạc quan của vấn đề. Người anh bần tiện đã không vui khi người em sống sót trở về còn Trump thì ráo riết khai thác những khía cạnh tiêu cực của di dân mà cố tình đánh lờ những đóng góp to lớn của họ cho nước Mỹ, một quốc gia hình thành từ chính những di dân.

Như là nhà chính trị “Tôi gây chia rẽ, do đó tôi tồn tại”, Trump sử dụng mọi cơ hội để kích động sự đố kỵ và thù ghét, thậm chí không kiêng kỵ cả trong ngày Chúa ra đời. Giáng Sinh là ngày của sự khoan dung, tha thứ, của những thông điệp yêu thương mà Trump thì, như có thể thấy mới đây, đã liên tiếp chửi bới và nguyền rủa kẻ bất đồng với mình [4].

Trong những tuần lễ cuối cùng của năm 2023, Trump đã cuồng lên với giọng điệu phát xít. Trump gọi các đối thủ chính trị của mình là “lũ sâu bọ” phải “diệt trừ tận gốc”. Trump kết án những di dân là bọn “đầu độc huyết thống của đất nước”, và Trump kêu gọi áp dụng án tử hình cho những tên trộm vặt. Mà không phải bây giờ, hàng chục năm qua Trump đã không ngần ngại vinh danh bạo lực và những nhà độc tài máu lạnh. Năm 1989, cả thế giới dân chủ lấy làm kinh hoàng và ghê tởm khi Trung Cộng sử dụng xe tăng để đàn áp những sinh viên không tất sắt trong tay tại Thiên An Môn ngoại trừ … Trump. Gần một năm sau đó, trong cuộc phỏng vấn trên tạp chí khiêu dâm Playboy, Trump tuyên bố “Đúng là họ tàn nhẫn, hung bạo, nhưng họ đã dập tắt cuộc biểu tình bằng sức mạnh. Điều này cho thấy giá trị của sức mạnh. Đất nước chúng ta hiện đang bị xem là yếu”. Tháng 7/2016 khi ra tranh cử, Trump công khai ca ngợi Saddam Hussein là người “rất giỏi” trong việc tiêu diệt khủng bố và, vài tháng sau khi nhậm chức, lại ca ngợi rằng chiến dịch bài trừ ma túy của nguyên tổng thống Rodrigo Duterte ở Phillippines là “phi thường”, cái chiến dịch tàn bạo đã bắn bỏ hàng ngàn người mà không cần xét xử. [5]

Xem ra, không chỉ là con lạc đà. Những tòa nhà chọc trời ở New York có thể chui qua lỗ kim nhưng một trọc phú như thế khó mà làm lay động cánh cửa dẫn vào Nước Trời. Mà nếu đã không cho vào Nước Trời thì, “WWJD?”, làm sao Chúa có thể ủng hộ? Như thế, câu hỏi cần đặt ra là tại sao, tại sao những nhà lãnh đạo thế tục của cộng đồng Tin Lành tại Mỹ có thể dẫm lên lời Chúa để kêu gọi con chiên bỏ phiếu cho Trump?

Đầu tiên, có lẽ, là do “chí lớn gặp nhau”, với huyền thoại MAGA, Make America Great Again. Nhưng để hiểu ý nghĩa của sự “tương phùng” này thì chúng ta phải xét lại vai trò của huyền thoại.

Huyền thoại hằng chi phối đời sống con người bởi có thể tàm tạm giải thích những thắc mắc của con người, giúp họ nhìn những sự việc hay sự vật chung quanh với những ý nghĩa phù hợp cho đời sống của mình. Trong khi huyền thoại chỉ giải quyết vấn đề ý nghĩa và tinh thần thì, để sống, trên khía cạnh thực tiễn, con người phải dựa vào lý trí. Càng xa rời thời kỳ mông muội, vai trò của lý trí càng lấn át và, như một bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử, đã mở ra kỹ nguyên hiện đại cho nhân loại với thời kỳ Khai Sáng vào thế kỷ 18. Nhưng sự thắng thế của chủ nghĩa duy lý này đã khiến giới chức sắc của nhiều tôn giáo, vốn dựa trên huyền thoại, báo động, dẫn đến trào lưu fundamentalism với ý hướng về nguồn, bám chặt vào những giá trị nền tảng.

Mà lý trí cũng có những hạn chế của nó. Lý trí không thể nào làm khuây khỏa nỗi đau của con người. Lý trí lại bất lực, không thể giải thích những thảm họa mà nhân loại hằng gánh chịu. Khi lý trí đã tỏ ra bất lực thì huyền thoại có cơ hội lấn sân và, ít ra, với những môn đồ fundamentalism, của bất cứ tôn giáo nào, huyền thoại lại đãm nhiệm vai trò của … lý trí. [6] Như thế, nếu MAGA là một huyền thoại thì, theo mối quan hệ trên, nó đang là một thứ “lý trí” của những kẻ điên cuồng hò hét tên Trump.

Nhưng, như sử gia Robert Kagan đã nhấn mạnh, nước Mỹ chưa bao giờ có một thời “hoàng kim” để mà bày tỏ lòng hoài cổ như đám người hò reo kia cả. [7] Bảo nước Mỹ phải quay trở lại những ngày vàng son theo diễn ngôn MAGA thì, cụ thể, quay trở lại bao nhiêu năm, với đời tổng thống nào, Dân Chủ hay Cộng Hòa, và với chính sách nào thì, chắc chắn, chẳng ai giải đáp được.

Nhưng huyền thoại MAGA này, về mặt quyền lực thế tục của tôn giáo, là điều có thực với những chức sắc của cộng đồng Tin Lành. Càng lùi về quá khứ thì tôn giáo của họ, của những tín đồ da trắng, là một đa số tuyệt đối, không có cảm giác bị thách thức với những luồng di dân mới, mang theo những tôn giáo và văn hóa mới. Trước những di dân mới, ngoại đạo, nhưng thành công rực rỡ trên phương diện kinh tế – xã hội, không ít nhà lãnh đạo cảm thấy bị lép vế và không ít tín đồ cảm thấy thua thiệt vì bị giành giật hết cơ hội. Họ và Trump đã gặp nhau ở điều mà Tim Alberta, trong cuốn cuốn sách mới xuất bản The Kingdom, the Power, and the Glory: American Evangelicals in an Age of Extremism, gọi là “Tinh thần quốc gia Cơ đốc giáo” (Christian nationalism).

Như một tín đồ vẫn đều đặn hành lễ và là con trai của một mục sư Tin Lành, Alberta phân tích vấn đề như một người bên trong và cho rằng giới lãnh đạo tôn giáo của mình đã chọn Trump – một kẻ ngoại đạo – để thay mình làm trò bẩn. [8]

Để thành công – trong chính trị hay kinh doanh – thì phải tạo dựng một hình ảnh cao đạo hoặc, ít nhất, không phải là hạng bất lương. Nhưng để thành công thì, nếu cần, phải thủ đoạn, phải sắt máu, phải tàn nhẫn. Như thế, để được cả hai thì nhà chính trị nào cũng dày công nuôi quân trong bóng tối để, khi cần, sẽ thay mình đảm nhiệm những phần việc vô lương. Lịch sử cổ kim luôn luôn thấp thoáng những đội quân như thế. Xưa, ở Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch đã sử dụng các băng đảng xã hội đen Thượng Hải để đàn áp các tổ chức nghiệp đoàn do cộng sản khống chế thì nay, chính quyền cộng sản của xứ sở này lại sử dụng những ngư dân lưu manh nhằm “thực thi chủ quyền” của mình trên Biển Đông bằng trò cướp biển. Thầy nào tớ đó, cái đám du côn sách nhiễu nhà hoạt động Hoàng Minh Chính bằng mắm tôm thối hay phân người, những tên lưu manh dàn cảnh đụng xe và cản đường những nhà nhà bất đồng chính kiến, rồi cả đám dư luận viên vô sỉ nhung nhúc trên mạng Internet là gì nếu không phải là đội quân dơ bẩn mà bộ máy cai trị nuôi dưỡng để sử dụng cho những phần việc vô lương?

Theo Alberta thì những chức sắc thế tục của Tin Lành muốn sử dụng Trump trong thế cách đó nhằm đưa tôn giáo của mình trở lại thời kỳ huy hoàng trên đất Mỹ và đây, xem ra, là một mối nhân duyên dơi chuột. Trump, một kẻ ngoại đạo, không nhất thiết phải tuân thủ đạo đức Tin Lành. Còn những chức sắc này thì, trong khi viện dẫn đạo đức Tin Lành để phản đối luật phá thai, nhân danh tính mạng trẻ em; đã không hề đếm xỉa đến tiêu chí đạo đức này khi dai dẳng bảo vệ luật sở hữu súng, là thứ đã khiến trẻ em Mỹ thiệt mạng còn nhiều hơn các phương tiện phá thai.

Nhưng liệu Chúa có chấp nhận họ, chấp nhận cái giấc mơ khôi phục lại nước Mỹ của cái thời mà người da trắng theo đạo Tin Lành là một đa số tuyệt đối và, mối bận tâm duy nhất, chỉ là làm sao để thanh tẩy người da đen.

Ai cũng từng được ghe giảng rằng Chúa đã hy sinh để “giải cứu nhân loại khỏi tội lỗi”. Và ai cũng biết rằng cây thánh giá chôn chặt trên ngọn đồi Golgotha ngày ấy đã trở thành biểu tượng của sự cứu chuộc. Thế nhưng ở chính nước Mỹ của ngày ấy, biểu tượng cứu chuộc này đã bị sử dụng như là công cụ khủng bố, hành hình. Trước cả Phát xít Đức với những hình tượng swastika rực lửa trong các cuộc tập hợp phô trương thanh thế giữa những quảng trường thành phố, bọn KKK – những thành phần da trắng thượng tôn – đã tẩm dầu vào biểu tượng khổ nạn của Chua rồi châm lửa như một thứ nghi lễ man rợ trong những cuộc hành hình người da đen, giữa đêm khuya trong rừng sâu hay trên đồng vắng, cực kỳ tàn nhẫn nhưng cũng cực kỳ hèn nhát.

Bây giờ, càng ngày Trump càng hung hăng như một tên phát xít nhưng những chức sắc thế tục của Tin Lành vẫn tiếp tục ủng hộ và nếu là Chúa, Chúa sẽ làm gì? Rõ ràng là Chúa sẽ không ủng hộ cái nghi lễ hành hình nói trên và, hẳn nhiên, cả cái thời nói trên nhưng vấn đề là Chúa sẽ can thiệp hay để mặc đám lãnh đạo thế tục kia lôi kéo con chiên vào ván bài chính trị?

Sự thể mà diễn ra như vậy để bọn này hả hê hò hét ăn mừng chiến thắng thì liệu chúng ta, chúng ta có cay đắng suy nghĩ như Issac Newton, theo đó thì Đấng Tối Cao sáng tạo ra vũ trụ này như thể người thợ làm ra cái đồng hồ: vũ trụ vận hành theo những quy luật của nó, cũng giống như cái đồng hồ vận hành theo những quy luật cơ học, không phải theo ý của ông thợ đồng hồ. [9]

Được xem là một trong hai thiên tài khoa học lỗi lạc nhất của nhân loại, Định luật Hấp Dẫn của Newton, cùng thuyết Tương Đối Rộng của Albert Einstein, được xem là hai thành tựu vĩ đại nhất của trí tuệ con người trong nỗ lực khám phá vũ trụ. Thế nhưng ở đây, có lẽ, bộ óc vĩ đại này đã không thấu đáo cho lắm khi không đếm xỉa gì đến yếu tố ma sát trong các định luật về chuyển động của chính mình. Thì cái đồng hồ vận hành theo những quy luật cơ học nhưng, ít ra, thỉnh thoảng cũng phải châm dầu để những cơ phận của nó vận hành trơn tru, không bị lệch giờ chứ? Và Đấng Tối Cao cũng vậy. Đã sáng tạo ra vũ trụ này thì Ngài cũng phải làm sao đó để nó không đi chệch ra ngoài ý đồ thiết kế chứ? [10]

Những gì diễn ra trong những năm qua cho thấy của nhân loại đã bị “chệch” và “lệch” quá nhiều, từ nạn diệt chủng ở Tân Cương đến tội ác chiến tranh ở Ukraine rồi có nạn khủng bố ở Gaza nên, do đó, phải có một thứ “dầu” nào đó để châm. Và ở đây, trong câu chuyện đang bàn, phải có một thứ dầu đặc biệt để châm vào hệ thống tư duy của bọn người vẫn đang hò hét khẩu hiệu MAGA, những kẻ đang mơ về cái thời “vàng son” nhấp nháy ánh đuốc hèn nhát giữa đêm khuya, sâu trong rừng vắng hay đồng không mông quạnh, với những cây thánh giá rực lửa.

Đó, có thể, là một thứ dầu vừa làm trơn, vừa đánh bóng. Trơn để những tế bào thần kinh trong não bộ bớt ma sát, bớt cọt kẹt. Bóng là để sáng lên cho bớt tối tăm, cái sự tối tăm ở lối suy nghĩ nhìn đâu cũng không thấy sáng, nhìn sự thua thiệt nào của mình cũng đều là lỗi lầm và, thậm chí, là tội đồ của người khác.

Nguyễn Hoàng Văn 

2.1.2024

Xem thêm:

Nếu Trump trở lại Tòa Bạch Ốc…

—————–

Chú thích, tài liệu ham khảo:

  1. https://thehill.com/homenews/campaign/4327173-trump-desantis-evangelical-leader-endorsement-2024/
  2. https://www.businessinsider.com/trump-pac-seeks-donations-news-ivana-trump-death-email-2022-7

https://www.nytimes.com/interactive/2020/09/27/us/donald-trump-taxes.html

  1. https://www.politico.com/story/2015/10/donald-trump-fec-fundraising-214838
  2. https://edition.cnn.com/2023/12/26/politics/trump-christmas-rant/index.html
  3. https://www.nytimes.com/2023/12/04/us/politics/trump-2025-overview.html?fbclid=IwAR10B3u696A6Yyox5a4QqL2hjQNsbhuTtBao4FwGjCuVoQpIFxtVvSr9K40
  4. Karem Armstrong (2000), The Battle for God – Fundamentalism in Judaism, Christianity and Islam, HarperCollin Publisher, trang xiii – xv
  5.  https://www.brookings.edu/articles/not-fade-away-against-the-myth-of-american-decline/
  6. Xem bài phỏng vấn tác giả trên đài PBS: https://www.pbs.org/newshour/show/tim-alberta-discusses-his-new-book-exploring-american-evangelicals-and-political-extremism

“And, in some sense, it takes someone like Donald Trump, who’s not a Christian. And because he’s not a Christian, he’s not beholden to Christian values, and, therefore, it makes him almost this mercenary who’s willing to fight on behalf of this beleaguered population who feels under siege, and they have turned to someone like Donald Trump to do the dirty work for them.”

  1.  https://www.gresham.ac.uk/sites/default/files/2018-01-23_AlisterMcGrath_TheClockworkGod.pdf
  2. Đọc “Lá thư bất kính, gửi Giê-su Ki-tô” (“Epístola Irreverente A Jesucristo”) của Romelia Alarcón Folgar, Hoàng Ngọc-Tuấn dịch từ tiếng Tây Ban Nha tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=7134

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen