Cuộc tuần hành trước Tòa Bạch Ốc và hiện tình vụ kiện Formosa
Nguyễn Khanh (thực hiện)
Người Việt
LTS: Ngày 12 Tháng Giêng vừa qua, Hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa (JFFV) và Liên Minh Quốc Tế Giám Sát Formosa (IMFA), cùng với sự hỗ trợ của Break Free From Plastic (BFFP), Friends of the Earth (FoE), Earth Works (EW), và cộng đồng người Việt vùng thủ đô Washington, DC, tổ chức cuộc tuần hành và vận động công lý cho nạn nhân của thảm họa môi trường do công ty Formosa, một công ty Đài Loan, gây nên hồi năm 2016. Vụ này được chính nhà nước Việt Nam gọi là “Thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.” Formosa đã thải hàng trăm tấn chất thải độc hại vào biển khiến hàng trăm tấn cá chết nổi trắng bụng trên bờ biển dài trên 200 cây số của bốn tỉnh miền Trung bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, ảnh hưởng gần 4.8 triệu người dân. Nhân dịp này, ký giả Khanh Nguyễn phỏng vấn nhà báo Triều Giang, người có mặt cuộc tuần hành.
Nguyễn Khanh: Được biết bà và Hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa và các hội đoàn khác có tổ chức cuộc tuần hành trước Tòa Bạch Ốc, bà có thể cho biết mục đích của của việc làm này?
Triều Giang: Cuộc tuần hành này có mục đích hỗ trợ và gây tiếng vang cho hai cuộc vận động tại Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 11 Tháng Giêng và tại Tòa Bạch Ốc ngày 12 Tháng Giêng.
Mục đích gồm ba điểm chính: Yêu cầu Quốc Hội và hành pháp can thiệp với Công Binh Mỹ rút giấy phép xây dựng vĩnh viễn nhà máy Formosa Plastic trị giá $12 tỷ tại St. James County, Louisiana, vì Formosa đang tìm đủ cách để xin hủy bỏ lệnh cấm này.
Hai yêu cầu còn lại liên quan đến thảm họa môi trường năm 2016 do Formosa gây nên cho miền Trung Việt Nam. Đó là chấm dứt ngay những vụ đàn áp, đe dọa, bắt bớ, ngăn chận, bỏ tù những nạn nhân đang bổ túc hồ sơ theo lệnh tòa án Đài Loan và Hoa Kỳ. Và thả lập tức và vô điều kiện những tù nhân lương tâm hiện đang còn bị giam giữ vì họ đã lên tiếng bênh vực cho các nạn nhân.
Nguyễn Khanh: Xin bà có thể cho biết chi tiết vụ kiện tại tòa án Đài Loan và tại Hoa Kỳ đang tiến triển ra sao và vì sao hội lại phải có cuộc vận động này. Liệu lập pháp và hành pháp Mỹ có quyền gì để can thiệp vào vụ kiện xảy ra tại Việt Nam, phần đông những nạn nhân là người ở Việt Nam do một công ty Đài loan gây ra?
Triều Giang: Vụ 7,875 nạn nhân Việt Nam kiện công ty Formosa tại Đài Loan đang được tòa thượng thẩm cứu xét. Tòa đang cần các nguyên đơn bổ túc hồ sơ. Riêng tại Hoa Kỳ, các nạn nhân đang được các luật sư hoàn thiện hồ sơ để mở lại vụ kiện do các luật sư Hoa Kỳ đại diện cho các nguyên đơn kiện Formosa vào ngày 27 Tháng Sáu, 2019. Tháng Mười, 2019, luật sư của Formosa tại Hoa Kỳ, và của nạn nhân, đồng ý với sự chứng nhận của tòa liên bang tại New Jersey tạm hoãn để chờ kết quả của phiên tòa tại Đài Loan. Nếu vì bất kỳ lý do nào đó mà nguyên đơn không đồng ý về kết quả của tòa án Đài Loan thì có thể mở lại vụ kiện. Vì vụ kiện tại Đài Loan kéo dài quá lâu nên nạn nhân và các luật sư quyết định chuẩn bị mở lại phiên tòa tại New Jersey. Lý do luật sư và nguyên đơn Việt Nam chọn tòa án liên bang tại New Jersey vì đó là nơi Formosa USA có văn phòng chính. Và khi vụ kiện tại Hoa Kỳ được mở lại, thì Formosa sẽ phải đối đầu với hai vụ kiện cùng một lúc, tại Đài Loan và tại Hoa Kỳ. Điều sẽ gây ra bất lợi và tốn kém cho Formosa rất nhiều.
Mặc dù được thành lập tại Việt Nam với tư cách là công ty cổ phần 100% vốn ngoại quốc, trong 18 công ty làm nên công ty Formosa Gang Thép Hà Tĩnh có ba công ty và tư cách pháp nhân là người Mỹ và công ty Mỹ. Tối Cao Pháp Viện Đài Loan đã ra một phán quyết lịch sử, làm thành một án lệ quan trọng cho các tòa án toàn thế giới, đó là chấp nhận thụ lý 13 công ty Đài Loan là con dân của họ, bắt các công ty này phải chịu trách nhiệm cho những việc sai phạm của mình dù sự việc xảy ra bất kỳ ở đâu. Do đó, tư pháp, hành pháp, và lập pháp Hoa Kỳ đều có tiếng nói trong thảm họa môi trường Formosa tại Việt Nam năm 2016.
Nguyễn Khanh: Bà có thể cho biết về những cuộc vận động tại Quốc Hội và đại diện của Tổng Thống Joe Biden? Kết quả của những vận động này ra sao?
Triều Giang: Cuộc tuần hành biểu dương lực lượng trước Tòa Bạch Ốc theo ý kiến của riêng chúng tôi thật thành công, thu hút người tham dự đông đảo nhất so với các cuộc biểu tình khác trước Tòa Bạch Ốc hôm đó. Có năm người phát biểu là bà Diane Wilson, cư dân Texas, người lãnh giải Goldman Environmental Prize, vẫn được gọi là Nobel Xanh năm 2023. Bà Sharon Lavigne, cư dân Louisiana, người lãnh giải Nobel Xanh năm 2021. Luật Sư Đặng Đình Mạnh, người đại diện cho một số không ít các nhà tranh đấu cho nạn nhân Formosa, và ông John Hòa Nguyễn, hội trưởng hội JFFV, đã lên tiếng đòi hỏi Formosa và nhà nước Việt Nam thực thi công lý và yêu cầu Tổng Thống Biden dùng ảnh hưởng của mình để khiến hai nhóm người này phải làm cho đúng. Ca nhạc sĩ Việt Khang, ca sĩ Thái Hà, hợp ca cùng với cộng đồng người Việt địa phương và ban nhạc Jazz “Too Much Talent” của New Orleans đã đem lại những giây phút cảm động và hào hứng của buổi tuần hành được nhiều người nhận định là đã thu hút được nhiều truyền thông Mỹ-Việt chưa từng thấy.
Về việc vận động tại Quốc Hội, một ngày trước cuộc tuần hành, ngày 11 Tháng Giêng, nhóm vận động gồm 10 người thuộc những tổ chức đã nêu trên, đến thăm văn phòng sáu dân biểu Hạ Viện, bao gồm Troy Carter (Louisiana), Lou Correa (California), Zoe Lofgren (San Jose), Chris Smith (New Jersey), Ro Khanna (California), Lloyd Doggett (Texas), và tại Thượng Viện, chúng tôi đến thăm Thượng Nghị Sĩ Tina Smiths (Minnesota).
Theo cái nhìn của cá nhân tôi thì cuộc vận động hai ngày vừa qua đem lại những kết quả khả quan. Chúng ta đã tìm đến tận nơi nói chuyện với những người có thể đưa ra những quyết định thực tiễn để giải quyết vấn đề. Vì là nước dân chủ những quyết định của họ phải dựa trên những yếu tố khách quan khoa học và luật pháp, nên công việc sắp tới của các nhà đấu tranh còn cần rất nhiều nỗ lực và kiên trì hợp tác với các viên chức của hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ.
Nguyễn Khanh: Phản ứng của công ty Formosa ra sao, xin bà chia sẻ?
Triều Giang: Họ vẫn chọn yên lặng và tìm mọi cách để gây khó khăn cho nạn nhân như vụ yêu cầu tòa Đài Loan đòi hỏi các nạn nhân phải công chứng giấy ủy quyền qua nhà nước Việt Nam và Văn Phòng Kinh Tế và Văn Hóa tại Hà Nội, điều mà họ biết rằng các nạn nhân sẽ gặp khó khăn hầu như không thể thực hiện được vì sự đàn áp của nhà nước Việt Nam. JFFV và các liên minh đã tranh đấu quyết liệt. Qua sự can thiệp của Quốc Hội Hoa Kỳ với lá thư ký của bảy dân biểu lưỡng đảng, Bộ Ngoại Giao Đài Loan đã gỡ bỏ cho nạn nhân điều kiện phải qua sự công chứng của nhà nước Việt Nam. Đây là một thắng lợi không nhỏ của JFFV và IMFA.
Nguyễn Khanh: Về phía nhà cầm quyền Việt Nam họ có phản ứng gì không?
Triều Giang: Họ vẫn tiếp tục chối bỏ những vấn đề còn tồn đọng của thảm họa môi trường Formosa năm 2016. Họ vẫn lớn tiếng tuyên bố là họ đã lo cho người dân từ những ngày đầu thảm họa, việc đền bù đã hoàn tất, biển đã trở lại bình thường, cá đã trở về và ngư phủ Việt Nam sinh sống bình thường như xưa. Những người đã và đang bị tù là những người vi phạm luật pháp. Nhưng điều khiến mọi người không thể tin vào những tuyên bố của họ là họ đã từ chối nhiều lần một cuộc khảo sát độc lập được hỗ trợ của các tổ chức bảo vệ môi trường và nhân quyền bảo trợ. Và họ tiếp tục hăm dọa, bắt bớ gây hoang mang sợ hãi khiến các nạn nhân không thể hoàn tất giấy tờ cho các tòa án. Và đó là lý do chính khiến JFFV và IMFA tổ chức cuộc vận động cả Quốc Hội lẫn hành pháp Hoa Kỳ can thiệp.
Nguyễn Khanh: Phía nạn nhân hiện ra sao?
Triều Giang: Họ lo sợ dù rất muốn và rất cần bổ túc hồ sơ để được tòa giải quyết thỏa đáng để họ có phương tiện xây dựng lại gia đình và cộng đồng. Một số đã bổ túc được hồ sơ, nhưng sự đàn áp, theo dõi, đe dọa khiến nhiều người còn sợ hãi. Chúng tôi đã đưa vấn đề này ra trước Quốc Hội và Tổng Thống Biden nhờ can thiệp.
Nguyễn Khanh: Bà, JFFV, và IMFA hy vọng gì qua những cuộc tranh đấu mạnh mẽ vừa qua?
Triều Giang: Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng vấn đề của các nạn nhân sẽ được giải quyết, vì sự vô lý và vô pháp của nhà nước Việt Nam sẽ không được bất cứ một quốc gia dân chủ nào có thể chấp nhận, khi một nhà nước đàn áp người dân chỉ vì họ lo làm giấy tờ cho một vụ kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại. Không chỉ riêng các chính phủ, các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, dân quyền và môi trường cũng đã được cung cấp đầy đủ thông tin về những gì đã và đang xảy ra tại Việt Nam. Họ rất bất bình và tuyên bố không thể chấp nhận những hành động của Formosa và nhà nước Việt Nam. Họ đã giúp việc tổ chức cuộc tuyệt thực 30 ngày của bà Diane Wilson trước nhà máy Formosa tại Point Comfort, Nam Texas. Bà Diane Wilson là một nhà tranh đấu trên 35 năm với Formosa, vì Formosa đã làm ô nhiễm vùng Nam Texas, quê hương của bà và bà đã thắng $50 triệu cộng thêm điều kiện Formosa không được phép xả thải nữa. Hơn ba năm qua, Formosa đã vi phạm trên 560 lần và bị phạt thêm trên $14 triệu cho tới hôm nay.
Nguyễn Khanh: Bà nói rằng cuộc tranh đấu này đã kéo dài gần tám năm, bà có thể cho biết bà và JFFV sẽ đấu tranh cho đến bao giờ?
Triều Giang: Thưa nhà báo Khanh Nguyễn, chúng tôi không tính ngày, tính tháng mà chỉ chỉ tính kết quả của cuộc đấu tranh. Chúng tôi sẽ đấu tranh cho tới khi đem lại công lý cho nạn nhân của thảm họa môi trường tại miền Trung Việt Nam, trong đó có biển Việt Nam và những nhà tranh đấu trong nước còn đang bị ngồi tù, tìm được công lý. Và chúng tôi không đang tranh đấu một mình. [đ.d.]