Seite auswählen

„Có lẽ đã đến lúc trong mỗi câu chuyện, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng mỗi người chúng ta, cũng như mọi người khác, đều có những thành kiến và sai sót trong nhận thức và định kiến, làm hạn chế mức độ hiểu biết và cảm thông của mình.“

 

Hoà Bình Lê

 

 

“Và những người đang nhảy múa dập dìu – bị cho là điên rồ – bởi những người điếc không nghe được tiếng nhạc.” ― Friedrich Nietzsche

 

Chiều cuối năm, chúng tôi một nhóm bạn bè có đầu óc tương đối  “thoáng” tụ họp trò chuyện ăn tối. Câu chuyện trước sau gì cũng quay về bổn cũ, tình hình phân rẽ chính trị hiện tại luôn là đề tài rôm rả. Sau một lúc tranh luận, một người bạn kết luận: “Cái gì cũng có giới hạn. Với tôi, một người có thể thán phục Bush cha hay Bush con, Clinton hay Obama, nhưng nếu mê Trump, hay thán phục Hitler, không thể cùng bàn chung chén…” Mọi người có vẻ đồng lòng, tôi cũng bắt gặp chính mình gật gù nâng chén, nhưng rồi… khựng lại.

 

Ai cũng biết tôi không thuộc phe cuồng si, hơn thế, những cử chỉ, lời nói và việc làm của cựu tổng thống Trump thường đi ngược lại với những giá trị sống căn bản của chúng tôi. Vậy thì người bạn nói đúng tim đen chứ có gì mà phải suy nghĩ? Nhưng tôi nghĩ đến một câu của Mark Twain: “Bất cứ khi nào bạn thấy mình thuộc về số đông, đó là lúc nên dừng lại và suy gẫm.”

 

Số đông? Theo thống kê cuối năm 2023, có thể nói rằng số đông hay “đại-đa-số” người dân Hoa Kỳ đang ủng hộ, ưa thích Trump. Vậy tôi không thuộc đại số đông. Nhưng nếu tính theo dân số tại bàn tiệc tối nay, tất cả hay đa số được mời đến đây ăn tối đều không ưa Trump, vậy thì tôi đang thuộc về một “tiểu” số đông, và tôi đang gật gù mở lòng mình ra chấp nhận một quan điểm cùng chiều với quan điểm của chính tôi.

 

Câu hỏi lóe lên trong đầu là từ bao giờ, chúng ta, những người bạn thân lại phải sàng lọc phe nhóm ngồi cùng bàn trà rượu để tránh né xung đột. Từ bao giờ chúng ta, những người miền nam may mắn không bị bắt chọn “yêu bác Hồ hơn yêu mẹ yêu cha” lại tự đặt mình vào một trận cuồng si yêu Trump ghét Trump. Từ bao giờ chúng ta phải áp dụng các nguyên tắc để “bảo vệ” thứ tình cảm dễ suy suyển giữa bạn bè, gia đình, nhằm giữ hòa khí trong bàn tiệc như: 

 

  1. Tuyệt đối không bàn luận chuyện chính trị hay tình hình thời sự khi gặp nhau. 
  2. Không biểu lộ ý tưởng đảng phái, nói trắng ra là không nên lộ ra mình thuộc phe theo hay phe nghịch, tả hay hữu. 

 

  1. Giữ lại ý riêng, không bày tỏ quan điểm của mình về bất kỳ một vấn đề nào dẫn đến tranh cãi. 

 

  1. Cẩn thận giữ kẽ, phải thế này, không thế nọ, phải thế kia…danh sách còn dài những giới hạn vô hạn, dài đến nỗi một số trong chúng ta đã mệt mỏi đến nỗi những buổi tiệc cuối năm như buổi tiệc này chỉ mời phe ta, loại bỏ phe “địch”, để tha hồ được nói mà không sợ phật lòng ai.

 

Câu hỏi đặt ra vẫn là từ bao giờ, chúng ta – trên phương diện cá nhân, gia đình, bạn bè, đoàn thể, xã hội, loại bỏ khả năng tranh luận, loại bỏ khả năng chấp nhận hai ý tưởng trái chiều? Từ bao giờ những bài bình luận trên báo chí hay những cuộc đối thoại luôn bắt đầu và kết thúc bằng một khăng khăng đúng sai không ngoại lệ. Làm thế nào có thể chỉ ra phần sai nếu luôn nhận phần đúng về mình. Làm thế nào, để chúng ta có thể thành thực bày tỏ quan điểm khác biệt, mà vẫn giữ được tôn trọng dành cho nhau. Và nhất là làm thế nào để giữa bạn bè và người thân không cần phải cắn lưỡi ba lần nên nói hay không nói, làm thể nào để có thể thành thực nêu lên suy nghĩ của mình mà không sợ mất bạn.

 

Ai đó đã nói, cách đo trí thông minh tốt nhất của một người là khả năng ghi nhận hai ý tưởng trái ngược nhau cùng một lúc mà vẫn giữ được khả năng hấp thụ.

 

Năm mới là lúc dành thời giờ để suy gẫm, chiêm nghiệm, là lúc con người mưu cầu thay đổi sao cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Thay vì bắt đầu năm 2024 bằng những ý định thông thường như giảm cân, làm đẹp, tập thể dục cho thân thể khỏe mạnh cường tráng, có lẽ chúng ta cũng nên nghĩ đến một thay đổi thân tâm, bắt đầu bằng sự khiêm-tốn-trí-tuệ.

 

Có lẽ đã đến lúc trong mỗi câu chuyện, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng mỗi người chúng ta, cũng như mọi người khác, đều có những thành kiến và sai sót trong nhận thức và định kiến, làm hạn chế mức độ hiểu biết và cảm thông của mình.

 

Hiểu được rằng“Cần phải có một chút tài trí – và rất nhiều can đảm để có thể đi theo hướng ngược lại.” (Albert Einstein), chúng ta sẽ cố gắng bắt đầu bằng việc quan tâm tìm hiểu về niềm tin và suy nghĩ của người thân trong cuộc trò chuyện trong các buổi họp mặt, thay vì tránh né mọi đề tài, và lắng nghe đến cuối cùng thay vì cắt ngang để chứng minh mình đúng họ sai.

 

Cũng giống như việc xem xét giá trị của một quan điểm khác về một vấn đề chính trị đương thời và tìm hiểu tại sao những người thông minh, đáng kính có thể không đồng ý với mình. Tham gia vào những cuộc thảo luận đầy thử thách với sự tò mò, và khiêm tốn, cởi mở và nhận rõ tốt xấu từ hai phía sẽ biến chúng thành cơ hội để học hỏi và phát triển.

 

Lịch sử chứng minh rằng bất kỳ bước đột phá quan trọng nào trong y học, khoa học hay văn hóa đều đến từ việc ai đó thừa nhận họ không biết hay sai về điều gì đó. Sự tiến bộ đòi hỏi phải thừa nhận những gì chúng ta không biết và tìm cách học hỏi điều mới hay thừa nhận mình sai và tìm cách sửa sai.

 

Quan hệ và tình thân được cải thiện và nuôi dưỡng khi con người cư xử với nhau bằng sự khiêm tốn trí tuệ. Nghiên cứu cho thấy những người khiêm tốn về mặt trí tuệ sẽ dễ chấp nhận hơn những người có quan điểm tôn giáo và chính trị khác nhau. Phần trọng tâm là sự cởi mở với những ý tưởng mới hay ý tưởng khác lạ, nhờ vậy ít phòng thủ hơn trước những quan điểm có khả năng thách thức trí óc, nhiều khả năng cảm thông, đối với một người khác màu da, chủng tộc, tôn giáo, giới tính…

 

Sự khiêm tốn trí tuệ còn giúp tạo điều kiện cho phát triển cá nhân, cho phép con người có cái nhìn chính xác hơn về bản thân, giúp dễ dàng đón nhận thông tin mới và không sợ thay đổi suy nghĩ cổ hữu.

 

Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua.

 

Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.

 

Hòa Bình Lê

 

Việt Báo