Mục lục
Hà Nội nói Mỹ dán nhãn ‘kinh tế phi thị trường’ cho Việt Nam ‘có hại’ cho quan hệ song phương
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ hôm thứ Ba vừa thúc giục Washington đưa nước này ra khỏi danh sách ‘nền kinh tế phi thị trường’. Nhãn hiệu này kéo theo các mức thuế trừng phạt lên hàng hoá Việt Nam mà theo Hà Nội, nếu duy trì sẽ ‘có hại’ cho mối quan hệ song phương đang ngày càng trở nên mật thiết, theo Reuters.
Năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ cho hay họ đang xem xét tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam sau khi Hà Nội nói rằng họ cần phải được đưa ra khỏi danh sách này – vốn được áp dụng với các trường hợp chống bán phá giá – do những cải cách trong nền kinh tế những năm gần đây.
Nhãn hiệu nền kinh tế phi thị trường – cũng được áp dụng cho Nga và Trung Quốc do nhà nước can thiệp sâu vào nền kinh tế – cùng với các nước khác, cho phép Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao hơn đáng kể lên hàng nhập khẩu từ các quốc gia được chỉ định bằng cách dựa vào giá uỷ quyền của nước thứ ba.
Theo luật pháp Hoa Kỳ, việc đánh giá này, được bắt đầu từ 24/10/2023, cần phải được hoàn thành trong vòng 270 ngày, tức khoảng giữa tháng Bảy.
“Tất nhiên, chúng tôi muốn Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường,” đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Dũng nói với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, rằng Việt Nam không còn phù hợp với một nhãn hiệu được áp dụng cho chỉ 12 nước, qua đó, tạo ra những thay đổi và bước tiến đáng kể cho vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.
“Bạn có thể tưởng tượng được không, với cái mà chúng ta vừa làm, cái mà chúng ta nỗ lực để đạt được, và nhìn vào mối quan hệ giữa hai nước, liệu có chấp nhận được rằng Việt Nam nằm trong số 12 nước… tệ nhất trên thế giới?”
“Do đó không thể chấp nhận được,” ông Dũng nói. “Tôi cho rằng nếu Bộ Thương mại Mỹ không chấp thuận việc này, tôi nghĩ điều đó sẽ rất rất tệ cho cả hai nước.”
Năm ngoái, Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính năm ngoái cũng kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này.
Ông Dũng nói rằng Việt Nam mong muốn Mỹ đầu tư nhiều hơn để nâng cao vị thế của Hà Nôi trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu và để đáp ứng các cam kết về phát thải carbon.
“Chúng tôi muốn có nhiều hơn các thị trường thuận lợi và mở cho cả hai quốc gia, hàng hoá và dịch vụ, ông Dũng nói. “Tất nhiên, ít các vụ việc bị điều tra hơn.”
Ông Dũng nói Hà Nội hi vọng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo một ngày nào đó sẽ bao gồm khả năng tiếp cận thị trường, điều mà các nước châu Á đang tìm kiếm.
Ông cũng nói rằng Việt Nam muốn Mỹ giúp nhiều hơn trong việc xử lý bom mìn chưa nổ – di sản của Chiến tranh Việt Nam.
“Những điều mà chúng ta đã làm là rất tuyệt vời, nhưng chúng ta cần phải làm nhiều hơn thế,” ông nói. “Chúng ta cần tăng tốc, và chúng ta cần nhiều kinh phí hơn.”
Ông Dũng được hỏi về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, trong đó cựu Tổng thống Donald Trump, người mà chính quyền của ông ta từng đe doạ sẽ áp thuế lên hàng hoá Việt Nam sau các cáo buộc về thao túng tiền tệ, hiện là ứng cử viên dẫn đầu của Đảng Cộng hoà.
Ông Dũng nói rằng có sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng cho quan hệ đối tác. “Sự nhiệt tình có thể thay đổi theo từng thời điểm, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh. Sự phát triển của thời đại, ở mỗi quốc gia.”
Được công nhận là nền kinh tế thị trường ý nghĩa gì với Việt Nam?
VNExpress
Việc được các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, EU xem là “kinh tế thị trường” giúp Việt Nam có lợi thế trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp.
Đến nay, theo Bộ Công Thương, 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mới nhất, Vương quốc Anh đã có Thư chính thức công nhận quy chế thị trường của Việt Nam.
Đề nghị Mỹ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 19/9 tại Washington. Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden về nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trước đó, cũng đề cập đến vấn đề này.
Ngoài Mỹ, EU cũng giữ nguyên quan điểm xem Việt Nam là kinh tế phi thị trường. Năm 2015, khi đang đàm phán FTA, đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu lưu ý với báo giới, việc ký kết không đồng nghĩa với việc công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường.
Nền kinh tế phi thị trường (non – market economy) dùng để chỉ các nền kinh tế nơi chính phủ có độc quyền hoặc gần như độc quyền về thương mại và nhà nước ấn định giá cả nội địa. Một nước xuất khẩu bị xem là phi thị trường thì các nguyên tắc tính toán giá thông thường sẽ không được sử dụng. Nước nhập khẩu có thể dùng các phương pháp khác mà họ cho là hợp lý. Điều này tạo ra một số bất lợi lớn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu từ các nền kinh tế bị xem là phi thị trường.
Thực tế, mỗi nước, nền kinh tế sẽ có quy định riêng về các tiêu chí xác định kinh tế phi thị trường.
Theo quy định của Mỹ, có 6 tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không, gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.
Với EU, có 5 tiêu chí để xét như: mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong phân bổ các nguồn lực và quyết định của doanh nghiệp (Việt Nam đã thực hiện được, theo đánh giá của EU hồi 2015); không có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp; quản trị doanh nghiệp, kế toán và kiểm toán; sự tồn tại và thực thi một số chế độ pháp lý, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, phá sản và cạnh tranh cũng như các hệ thống tư pháp; lĩnh vực tài chính.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, cho biết trong văn kiện gia nhập WTO những năm 2007, do bối cảnh đàm phán, Việt Nam phải chấp nhận có thể bị coi là kinh tế phi thị trường bởi nước nhập khẩu.
“Trong các vụ điều tra chống bán phá giá, việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn với các doanh nghiệp”, đại diện Cục Phòng vệ Thương mại nói.
Ví dụ khi tính toán biên độ phá giá, Mỹ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có kinh tế thị trường để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì dùng dữ liệu do các đơn vị này cung cấp. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt.
“Chưa kể nhiều khi các nhà sản xuất ở nước thay thế lại chính là đối thủ cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Việt Nam, họ có thể đưa ra các số liệu gây bất lợi trong các điều tra này”, bà Trang giải thích thêm.
Ngoài ra, việc coi Việt Nam là kinh tế phi thị trường cho phép Mỹ áp dụng thuế suất toàn quốc – là mức thuế dành cho các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không chứng minh được họ không chịu sự kiểm soát của Chính phủ. Thuế suất toàn quốc thường được Mỹ tính toán dựa trên dữ liệu sẵn có nên thường bị đẩy lên rất cao, được duy trì trong tất cả đợt rà soát, gây cản trở cho việc xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế.
Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với tổng kim ngạch năm 2022 gần 109,4 USD (chiếm tỷ trọng 29,5% – theo số liệu của Tổng cục Hải Quan). Mỹ cũng khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, trong đó chủ yếu là điều tra chống bán phá giá với 25 trên 56 vụ việc tính đến tháng 8/2023.
Còn EU là thị trường nước ngoài quan trọng thứ ba đối với hàng Việt từ 2020. Số liệu Bộ Công Thương cho biết, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam đã xuất sang thị trường này 128 tỷ USD hàng hóa. Còn số liệu cơ quan Hải quan cho thấy, năm 2022, giá trị hàng Việt sang EU là 46,8 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Vì vậy, việc được hai nền thị trường nhập khẩu lớn công nhận là kinh tế thị trường có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
“Nếu được công nhận, khi đối mặt với các vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá, doanh nghiệp Việt sẽ không chịu cách tính toán bất lợi nói trên. Như vậy biên độ, mức thuế suất tương ứng sẽ được phía Mỹ xác định theo hướng chuẩn mực, công bằng hơn, do đó có thể giảm đáng kể so với hiện tại”, bà Trang nói.
Thực tế, từ năm 2008, sau khi chính thức gia nhập WTO, Việt Nam và Mỹ đã thành lập Nhóm công tác song phương về kinh tế thị trường. Đến nay, thông tin từ Bộ Công Thương – đơn vị đầu mối phía Việt Nam – cho biết hai bên đã tổ chức 10 phiên họp, cập nhật cho Mỹ tình hình kinh tế thị trường của Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, trong những chuyến làm việc tại Mỹ, cũng đề cập đến vấn đề này.
Hôm 8/9, Bộ Công Thương Việt Nam đã chính thức nộp hồ sơ đề nghị Bộ Thương mại Mỹ xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam. “Thời điểm nộp hồ sơ mang tính đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ hai nước được nâng lên tầm cao mới”, Cục phòng vệ thương mại đánh giá.
Theo quy định, Bộ Thương mại Mỹ sẽ quyết định có khởi xướng xem xét lại hay không trong 45 ngày và đưa ra kết luận trong 270 ngày kể từ khi Việt Nam nộp hồ sơ. Trong Tuyên bố chung của hai nước, Mỹ cho biết, sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu công nhận quy chế thị trường. Còn trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh chính vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nói, sẽ tìm cách thúc đẩy, để Mỹ sớm chấp thuận yêu cầu của Việt Nam.