Mục lục
Thỏa thuận hợp tác tuần duyên Việt- Phi Luật Tân có nguy cơ làm Trung cộng nổi giận
Tàu hải cảnh Trung cộng chặn tàu tuần duyên của Phi Luật Tân khi tàu này đang đi theo một tàu dân sự để tiếp tế cho tàu của hải quân Phi Luật Tân ở Biển Đông hôm 22/8/2023 (minh hoạ) AFP
Việt Nam và Phi Luật Tân đồng ý tăng cường hợp tác tuần duyên qua thỏa thuận sẽ được ký kết vào tuần tới. Đây là động thái có nguy cơ làm Trung cộng nổi giận.
Reuters loan tin dẫn thông báo chính thức của Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân ngày 25/1 về việc ký kết thỏa thuận hợp tác tuần duyên giữa hai phía nhân chuyến công du Việt Nam hai ngày của Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. bắt đầu vào thứ hai, ngày 27/1.
Cả hai nước Việt Nam và Phi Luật Tân đều có tranh chấp lãnh hải chồng lấn với Trung cộng tại Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Phi Luật Tân.
Chưa rõ thỏa thuận hợp tác tuần duyên giữa Hà Nội và Manila có những điều khoản cụ thể gì; tuy nhiên sự hợp tác như thế được cho là thiết yếu để giảm nguy cơ đụng độ giữa các tàu cá bị cho xâm phạm lãnh hải nước ngoài.
Vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Phi Luật Tân cho biết đã tiếp cận Việt Nam và những nước láng giềng khác để bàn thảo về một bộ quy tắc ứng xử riêng tại Biển Đông. Động thái này cũng được cho có thể làm Trung cộng tức giận khi mà Bắc Kinh lâu nay cổ xúy cho một bộ quy tắc nhưng chưa đạt kết quả gì.
Trung cộng đơn phương tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông qua đường đứt khúc mà Bắc Kinh tự vạch ra. Đường này bị Phi Luật Tân kiện ra Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế ở La Haye. Vào tháng 7/2016, Tòa tuyên đường đứt khúc đó của Trung cộng không có giá trị cả về mặt lịch sử và pháp lý.
RFA (25.01.2024)
Trung cộng bác bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Uông Văn Bân.
Bộ Ngoại giao Trung cộng hôm thứ Tư (24/1) nói các yêu sách chủ quyền của Trung cộng đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông đã được “lịch sử” chứng minh, sau khi Việt Nam vào cuối tuần qua nhắc lại rằng mình có đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo này.
Hôm 20/1, khi trả lời câu hỏi của giới truyền thông nhân sự kiện 50 năm Trung cộng xâm lược quần đảo Hoàng Sa năm 1974, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa được xác lập ít nhất từ thế kỷ XVII, phù hợp với luật pháp quốc tế và được các nhà nước kế tiếp nhau của Việt Nam thực hiện một cách hòa bình, liên tục, công khai”.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung cộng nói tuyên bố của Trung cộng “hoàn toàn được lịch sử và luật pháp chứng minh”.
“Trung cộng là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, phát triển và quản lý các đảo và quần đảo này, đồng thời tiếp tục thực thi quyền tài phán chủ quyền đối với chúng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 24/1 khi được đặt câu hỏi về khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
“Trung cộng phản đối các yêu sách bất hợp pháp của các nước liên quan đối với lãnh thổ Trung cộng và sẽ tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền của mình”, đại diện của Bộ Ngoại giao Trung cộng nói thêm.
Sự kiện Việt Nam tái khẳng định các yêu sách chủ quyền của mình diễn ra nhân dịp 50 quần đảo Hoàng Sa bị Trung cộng đánh chiếm dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời cũng trùng hợp với việc Phi Luật Tân trong những tháng qua liên tục tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ ở các khu vực khác trên Biển Đông sau các cuộc chạm trán kịch tính trên biển giữa các tàu Trung cộng và Phi Luật Tân gần khu vực tranh chấp.
Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr dự kiến sẽ có chuyến công du Việt Nam vào tuần tới và một thỏa thuận về hợp tác quân sự giữa lực lượng hải cảnh của hai nước được cho là sắp được triển khai, theo truyền thông Phi Luật Tân.
Theo bản sao dự thảo cuối cùng của Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa hai nước mà tờ Inquirer có được nêu rõ rằng mục tiêu hợp tác hàng hải giữa lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân và cảnh sát biển Việt Nam là nhằm “tăng cường hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau và tin cậy hợp tác… hướng tới thúc đẩy, duy trì và bảo vệ lợi ích chung của họ ở khu vực Đông Nam Á”.
Trước đó, Tổng thống Phi Luật Tân cũng đề cập đến việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử riêng với Việt Nam, Malaysia và các quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung cộng cũng trải nhiều giai đoạn căng thẳng trong những năm qua vì vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Mặc dù tình trạng căng thẳng này đã phần nào giảm bớt sau khi Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình đến thăm Hà Nội vào tháng 12 vừa qua, nhưng Hà Nội có thể vẫn sẵn sàng đối mặt với những thách thức trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung cộng ở Biển Đông, theo Reuters.
Trong chuyến thăm của ông Tập, Việt Nam và Trung cộng đã ký thỏa thuận hướng tới xây dựng một cộng đồng “chia sẻ tương lai”, nhưng theo chuyên gia Greg Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ, thì đây là một “lựa chọn chiến lược rõ ràng để xoa dịu Bắc Kinh trong khi tích cực theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Washington, Tokyo, Canberra và các nước khác”.
VOA (24.01.2024)
Biển Đông: Việt Nam và Phi Luật Tân muốn sớm ký kết ‘‘Bản ghi nhớ’’ về hợp tác tuần duyên
Thứ trưởng thường trực bộ Ngoại Giao Việt Nam đến thăm trụ sở Tuần duyên Phi Luật Tân tại Manila hôm nay, 23/01/2024. Theo báo Phi Luật Tân Manila Bulletin, hai bên mong muốn sớm ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Tuần duyên Phi Luật Tân.
Ảnh minh họa: Một tàu tuần duyên Phi Luật Tân (P) đang làm nhiệm vụ bị các tàu hải cảnh Trung cộng chặn tại Bãi Cỏ Mây, Biển Đông, ngày 10/11/2023. AP – Joeal Calupitan
Chuẩn đô đốc Armando Balilo, phát ngôn viên Tuần duyên Phi Luật Tân, cho biết: “Bản ghi nhớ nhằm mục đích tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược giữa Tuần duyên Phi Luật Tân và Cảnh sát biển Việt Nam, thúc đẩy, duy trì và bảo vệ lợi ích chung ở khu vực Đông Nam Á”. Theo phát ngôn viên Tuần duyên Phi Luật Tân, trong buổi làm việc giữa Tuần duyên Phi Luật Tân và phái đoàn Việt Nam, ‘‘phía Phi Luật Tân đã giải thích một cách toàn diện về các hoạt động bảo vệ an ninh hàng hải ở Biển Tây Phi Luật Tân (tức Biển Đông) nhằm tránh xung đột bùng phát’’.
Theo người phát ngôn của Tuần duyên Phi Luật Tân, hai bên cũng đã thảo luận về việc cập nhập dự thảo Bản ghi nhớ hợp tác. Trong số các nước ASEAN có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác tuần duyên với Indonesia hồi 2021, và cũng đang hướng tới ký kết một Bản ghi nhớ tương tự với Malaysia.
Theo báo Phi Luật Tân Inquirer, Phi Luật Tân và Việt Nam dự kiến sẽ ký Bản ghi nhớ nói trên trong chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đầu tuần tới, chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2024 của ông.
Manila và Hà Nội có nhiều tranh chấp về chủ quyền tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, nhưng cả hai đều đối mặt với áp lực gia tăng từ phía Trung cộng. Trong khi đó, đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), giữa ASEAN và Trung cộng, để tránh xung đột bùng phát, đang dậm chân tại chỗ.
Phi Luật Tân lại lên án Trung cộng quấy rối tại quần đảo Trường Sa
Ít ngày sau khi Manila và Bắc Kinh tỏ thái độ hòa dịu về Biển Đông, đồng ý ‘‘cải thiện đối thoại’’, hôm qua 22/01/2024, Phi Luật Tân một lần nữa lên án các hành động quấy rối của Trung cộng mà nạn nhân là ngư dân Phi Luật Tân.
Theo báo chí Phi Luật Tân, Hội đồng An ninh Quốc gia nước đã ‘‘phàn nàn’’ là các hành vi quấy rối của hải cảnh Trung cộng diễn ra ngay sau khi hai bên tổ chức hội nghị về ‘‘cơ chế tham vấn song phương’’ Trung cộng-Phi Luật Tân về Biển Đông hôm 17/01.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Phi Luật Tân, Jonathan Malaya, nhấn mạnh là việc Hải cảnh Trung cộng tiếp tục ngăn chặn và gây khó khăn cho ngư dân khiến Manila ‘‘lo ngại’’. Ông Malaya cũng nhắc lại một báo cáo của tuần duyên Phi Luật Tân về sự cố ngày 12/01, khi Hải cảnh Trung cộng buộc ngư dân Phi Luật Tân phải trả lại vỏ sò khai thác được gần bãi cạn Scarborough, quần đảo Trường Sa, nơi Manila khẳng định chủ quyền.
RFI (24.01.2024)
Ngư dân Phi Luật Tân đối đầu với hải cảnh Trung cộng tại bãi cạn tranh chấp: ‘Hãy cút đi’
Các tàu cá Phi Luật Tân neo đậu gần Bãi cạn Scarborough, do Trung cộng kiểm soát, vào ngày 21 tháng 9 năm 2023. Ngư nhân Phi Luật Tân và hải cảnh Trung cộng vừa có cuộc đối đầu tại đây vào ngày 12/1/2024.
Một thuyền trưởng tàu đánh cá Phi Luật Tân hôm 23/1 đã phản đối hành động gây hấn của lực lượng hải cảnh Trung cộng ở Biển Đông đang tranh chấp. Ông nói hải cảnh Trung cộng đã đuổi ông và các thuyền viên của ông ra khỏi bãi cạn tranh chấp và ra lệnh cho họ thả xuống biển những sản phẩm đã đánh bắt.
Cuộc đối đầu trực tiếp diễn ra vào ngày 12/1 nhưng ngư dân Phi Luật Tân Joely Saligan và thuyền viên của ông sau này mới báo cáo lại cho lực lượng tuần duyên Manila khi trở về sau chuyến đi biển. Vụ việc đang thử thách những nỗ lực của Trung cộng và Phi Luật Tân nhằm giảm căng thẳng tại một điểm nóng tiềm tàng ở châu Á.
Tại cuộc họp ngày 17/1 ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Manila đã đồng ý thực hiện các bước nhằm giảm bớt căng thẳng sau một năm xảy ra các cuộc đối đầu về lãnh thổ trên biển giữa các tàu của họ trên tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới. Sự thù địch đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang lớn có thể liên quan đến Washington, đồng minh hiệp ước lâu năm của Manila.
Các ngư dân, do ông Saligan dẫn đầu, đã báo cáo với lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân rằng lực lượng hải cảnh Trung cộng đã đuổi họ ra khỏi Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp ở ngoài khơi phía tây bắc Phi Luật Tân vào ngày 12/1 và ra lệnh cho họ thả cá và sò đã đánh bắt được xuống biển.
Cuộc đối đầu xảy ra trên một mỏm san hô nhô ra khỏi biển giống như một hòn đảo nhỏ khi thủy triều xuống. Ông Saligan và người của ông đã lấy một chiếc xuồng ba lá từ thuyền mẹ của họ để đi lượm vỏ sò và cá làm thức ăn trong chuyến hành trình trên biển. Tuy nhiên, 5 hải cảnh Trung cộng, trong đó có 3 người được trang bị dùi cui thép, đã đi thuyền theo xuống đảo và ra lệnh cho ngư dân rời đi.
Một nhân viên hải cảnh Trung cộng định tịch thu điện thoại di động của một ngư dân Phi Luật Tân nhưng người này chống cự bằng cách đẩy tay viên chức này ra. Ông Saligan cho biết cả hai bên đều ghi lại cuộc đối đầu bằng máy quay video hoặc điện thoại di động.
“Đây là lãnh thổ của Phi Luật Tân. Hãy cút đi!”, ông Saligan cho biết ông đã nói với lực lượng hải cảnh Trung cộng như vậy và quả quyết rằng họ rời khỏi bãi cạn ngay lập tức. Ông nói người Trung cộng không nói gì và ra dấu bằng tay.
“Họ trông có vẻ giận dữ. Họ muốn chúng tôi thả sản phẩm đánh bắt được về biển”, ông Saligan nói với một nhóm nhỏ các nhà báo, bao gồm cả hãng thông tấn AP, ở Manila. “Điều đó thật vô nhân đạo vì đó là thực phẩm mà con người không nên bị tước đoạt”.
Ông Saligan cho biết ông quyết định vứt một số vỏ sò và cá mới lượm được xuống biển rồi dùng thuyền quay trở lại tàu mẹ của mình, chiếc F/V Vhrayle, để ngăn tranh chấp leo thang.
Các quan chức Trung cộng không bình luận ngay lập tức về những điều ông Saligan kể. Tuy nhiên, trong các tranh chấp trước đây về Bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh đã khẳng định chủ quyền của Trung cộng và quyền bảo vệ đảo san hô giàu dinh dưỡng này khỏi bị xâm lấn.
Người phát ngôn lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân Commodore Jay Tarriela cho biết những lời khai bằng văn bản và video do ông Saligan và người của ông cung cấp đã được lực lượng bảo tuần duyên xác nhận là chính xác.
Một báo cáo sẽ được đệ trình lên một nhóm liên ngành của chính phủ đang giải quyết các tranh chấp lãnh thổ vốn âm ỉ kéo dài để có những hành động khả thi, bao gồm cả việc trình kháng thư mới chống lại Trung cộng.
“Những hành động đó thực sự bất hợp pháp, và hành vi quấy rối mà họ gây ra với ngư dân Phi Luật Tân của chúng tôi là không thể chấp nhận được,” ông Tarriela nói trong một cuộc họp báo.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Phi Luật Tân hôm 22/1 nói rằng Phi Luật Tân lên án “hành động khiêu khích” mới nhất của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung cộng đối với ngư dân Phi Luật Tân, theo Reuters.
Hãng tin Anh cho biết rằng ông Jonathan Malaya, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, đã đề cập đến báo cáo của lực lượng bảo vệ bờ biển Phi Luật Tân hồi cuối tuần về sự cố ngày 12/1, trong đó lực lượng bảo vệ bờ biển Trung cộng đã chỉ đạo ngư dân trả lại vỏ sò thu được gần Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp, sau đó đuổi họ đi.
Theo ông Tarriela, lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân vẫn tự tin rằng thỏa thuận giữa Trung cộng và Phi Luật Tân nhằm giảm căng thẳng sẽ “có tác động tích cực” và thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp sôi sục kéo dài.
Các tàu hải cảnh của Trung cộng và Phi Luật Tân đã tham gia vào một loạt các hành động thù địch căng thẳng đáng báo động vào năm ngoái, chủ yếu ở ngoài khơi Bãi Cỏ Mây, một khu vực tranh chấp nóng bỏng khác ở Biển Đông.
Chính phủ Phi Luật Tân liên tục phản đối việc lực lượng hải cảnh Trung cộng sử dụng vòi rồng, tia laser cấp quân sự và các hoạt động ngăn chặn nguy hiểm gây ra những va chạm nhỏ ngoài bãi cạn do Phi Luật Tân chiếm đóng.
Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng họ có nghĩa vụ phải bảo vệ Phi Luật Tân, đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á, nếu lực lượng, tàu và máy bay của Phi Luật Tân bị tấn công vũ trang, kể cả ở Biển Đông.
Trung cộng đã nhiều lần cảnh báo về những tình huống không cụ thể nếu Mỹ và các đồng minh tiếp tục can thiệp vào tranh chấp.
VOA (24.01.2024)
Việt Nam liệu có tham gia cùng Phi Luật Tân xây dựng Quy tắc ứng xử Biển Đông riêng?
Một vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung cộng (phải) và tàu tiếp tế của Phi Luật Tân (trái) gần Bãi Cỏ Mây trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông vào ngày 23/10/2023.
Tổng thống Phi Luật Tân rằng việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là một nhu cầu rất cấp thiết.
Một Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông riêng biệt giữa một số quốc gia có tuyên bố chủ quyền, nhưng không bao gồm Trung cộng, có thể là một biện pháp khả thi và cho thấy phản ứng rõ ràng của các quốc gia trước tình trạng trì trệ không mấy hy vọng của quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung cộng, theo một số chuyên gia.
“Chắc chắn là nó khả thi hơn, và nó là một bước tiến, không phải là bước tiến lớn nhưng là một bước tiến”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu cấp cao khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói với VOA.
Đề xuất xây dựng một COC riêng ở Biển Đông giữa một số thành viên ASEAN được Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr đưa ra hôm 20/11 khi ông cho biết Phi Luật Tân đã tiếp cận các nước láng giềng như Việt Nam và Malaysia cho mục tiêu này.
“Chúng tôi đã chủ động tiếp cận các quốc gia khác trong ASEAN mà chúng tôi đang có xung đột lãnh thổ, Việt Nam là một trong số đó, Malaysia là một quốc gia khác, và xây dựng quy tắc ứng xử của riêng chúng tôi”, Reuters dẫn lời ông Marcos nói tại một sự kiện ở Hawaii được truyền hình trực tiếp.
“Hy vọng việc này sẽ tiến triển và mở rộng sang các nước ASEAN khác”, ông Marcos nói, đồng thời thêm rằng “Chúng tôi vẫn đang chờ đợi bộ quy tắc ứng xử giữa Trung cộng và ASEAN và đáng tiếc là tiến trình này diễn ra khá chậm”.
Kể từ khi lên nắm quyền tại Phi Luật Tân, ông Marcos đã nhiều lần kêu gọi thúc đẩy các cuộc đàm phán COC với các nước láng giềng của Phi Luật Tân giữa bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông giữa nước này và Trung cộng ngày càng gia tăng. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan tại Phnom Penh, Campuchia, vào ngày 11/11/2022, ông Marcos từng nói rằng có “nhu cầu cấp thiết” về COC nhưng không đề xuất về một COC riêng.
Việt Nam có tham gia?
Theo TS. Hà Hoàng Hợp, sáng kiến lập quy tắc ứng xử trực tiếp giữa các nước Đông Nam Á như Phi Luật Tân, Việt Nam, Indonesia trên Biển Đông là một “dấu hiệu tích cực”, và nó mang lại một số tác dụng tích cực như giúp giảm bớt căng thẳng và ngăn ngừa xung đột giữa các nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông, giảm bớt những hiểu lầm và tính toán sai lầm, tăng cường hợp tác và đối thoại trực tiếp giữa các nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông thay vì chỉ phụ thuộc vào các cường quốc bên ngoài. Điều này sẽ nâng cao vai trò và tiếng nói của khu vực; thúc đẩy phát triển kinh tế biển cùng có lợi ở Biển Đông thông qua hợp tác trực tiếp giữa các nước Đông Nam Á về thăm dò, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển…; góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực khi các nước Đông Nam Á tự thiết lập các “luật chơi” chung về Biển Đông, tránh bị các thế lực bên ngoài lôi kéo vào xung đột nảy sinh.
- Hà Hoàng Hợp cho rằng với những tác dụng tích cực trên, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tham gia hợp tác cùng Phi Luật Tân xây dựng COC riêng.
“Chắc chắn là (Việt Nam) sẵn sàng hợp tác với Phi Luật Tân trong việc thúc đẩy để nếu như ASEAN không sớm đạt được Quy tắc ứng xử trên Biển Đông với Trung cộng, thì một nhóm nhỏ hơn trong ASEAN phải đạt được với nhau, bởi vì về bản chất, có thể thấy rõ rằng Trung cộng cứ nói là họ muốn có quy tắc ứng xử ấy nhưng họ đặt ra những điều kiện mà không bao giờ có thể xây dựng và đồng thuận được”.
Trong khi đó, chuyên gia Greg Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ, cho rằng khả năng Việt Nam tham gia sẽ cao hơn khi có hơn 2 quốc gia cùng tiến hành thực hiện nỗ lực này.
“Có khả năng là nếu hai hoặc nhiều quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác như Phi Luật Tân và Indonesia tiến hành một nỗ lực nhỏ ở Biển Đông thì Việt Nam sẽ muốn tham gia”, chuyên gia Greg Poling nói với VOA. “Điều này xảy ra gần nhất là vào năm 2015 khi ngoại trưởng Việt Nam, Malaysia và Phi Luật Tân gặp nhau nhiều lần để đàm phán ngoài khuôn khổ ASEAN vì họ ngày càng thất vọng trước việc nhóm này không có khả năng giải quyết vấn đề Biển Đông”.
Tiến sĩ Jay Batongbacal, giáo sư về An ninh biển và Giám đốc Viện Nghiên cứu Vấn đề Hàng hải và Luật biển tại Đại học Phi Luật Tân, thì cho rằng trên thực tế, giữa các thành viên ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông đã có sẵn những “chuẩn mực ứng xử bất thành văn”.
“Mặc dù chưa được hệ thống hóa, nó giúp họ duy trì mối quan hệ tốt đẹp bất chấp sự tồn tại của cạnh tranh lãnh thổ và hàng hải”, ông nói, và dẫn chứng mối quan hệ giữa Phi Luật Tân và Việt Nam hay giữa Myanmar và Việt Nam lâu nay “không có những đụng độ ở Biển Đông với nhau như với Trung cộng”.
“Điều này thực tế chứng tỏ rằng COC giữa ASEAN và Trung cộng không phải là quy tắc độc quyền chi phối cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, TS. Batongbacal nói thêm.
Theo TS. Hà Hoàng Hợp, lý tưởng nhất vẫn là có được một COC giữa khối ASEAN với Trung cộng, nhưng một biện pháp khác cũng từng được đề ra trước đây là chỉ cần 5 quốc gia thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông có được thoả thuận COC với Trung cộng.
“Đó sẽ là bước tiến rất dài, và nếu có được, nó sẽ đóng góp rất nhiều cho an ninh và ổn định của khu vực Đông Nam Á và đặc biệt cho những hoạt động sống còn ở Biển Đông”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của Việt Nam, Trung cộng dĩ nhiên sẽ không đồng ý với những hướng mục tiêu trên và sẽ tìm cách can thiệp. Nhưng một khi COC giữa một số thành viên ASEAN đã được ký kết thì việc một nước bên ngoài muốn phá bỏ các điều khoản quy định trong COC sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý quốc tế “không nhỏ”.
Ngay sau phát biểu của Tổng thống Phi Luật Tân, Trung cộng tuyên bố không ủng hộ động thái của Manila về việc đưa ra COC riêng ở Biển Đông với một số nước láng giềng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Mao Ninh nói trong cuộc họp báo ngày 20/11 rằng “Bất kỳ bước nào đi chệch khỏi khuôn khổ và trái ngược với tinh thần của Tuyên ngôn về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOD), khuôn khổ cho COC, đều không có giá trị và không có hiệu lực”. Phát ngôn viên này nói thêm rằng Trung cộng coi việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho các bên ở Biển Đông là nhiệm vụ quan trọng đối với Trung cộng và các nước ASEAN.
Phản ứng trước sự vô vọng trong đàm phán COC với Trung cộng
Đề xuất về một COC riêng biệt, theo TS. Hà Hoàng Hợp, là một phản ứng rõ ràng của Phi Luật Tân trước tình trạng leo thang căng thẳng vì tranh chấp trên Biển Đông giữa nước này với Trung cộng trong khi quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung cộng “hầu như không có hy vọng” đạt được sau hơn 2 thập niên khởi sự.
Tiến sĩ Jay Batongbacal cho rằng nguyên nhân dẫn đến tốc độ đàm phán chậm chạp của COC là do sự thiếu tin cậy lẫn nhau, cùng với những quan điểm, mục tiêu khác nhau mà các bên theo đuổi.
“Bất chấp những nỗ lực thúc đẩy quá trình này, những vấn đề thực chất vẫn tồn tại và không có dấu hiệu nào cho thấy Trung cộng sẵn sàng nhượng bộ bất cứ điều gì với ASEAN trong khi vẫn khẳng định rằng ASEAN chấp nhận lập trường của mình trong nhiều vấn đề khác nhau”, ông nói với VOA.
Trong khi đó, một số nước thành viên hoàn toàn không có quyền lợi tranh chấp ở Biển Đông nên không thể đòi hỏi cả khối dốc toàn lực để thúc đẩy cho vấn đề này, chưa kể khả năng không đồng thuận cao hơn nếu có sự tác động từ phía Trung cộng hay do các yếu tố khác, TS. Hà Hoàng Hợp bổ sung thêm.
“Trong ASEAN có những nước không có quyền lợi gì ở Biển Đông cả thì một điều rất vô lý là họ phải ngồi ở đấy, như Campuchia, Lào, Myanmar… chẳng hạn, họ chẳng có lợi ích gì ở Biển Đông mà họ ngồi ở đấy, mà theo nguyên tắc đồng thuận của khối này, chỉ cần một trong những nước đó không đồng ý với những tuyên bố về Biển Đông thôi, chứ chưa nói gì đến COC, thì đã là thất bại rồi”, chuyên gia của Viện Đông Nam Á nói.
Ông dẫn chứng “bài học” thực tế là sự kiện ASEAN không thể ra tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN năm 2012 khi Campuchia, năm đó giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, đã không đồng ý đưa nội dung về tranh chấp Biển Đông với Trung cộng vào trong Tuyên bố chung.
Hiện chưa có thông tin chi tiết nào về kế hoạch hành động cho một COC riêng được đưa ra sau tiết lộ của Tổng thống Phi Luật Tân, nhưng có những dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng một số “hành động cụ thể” giữa Phi Luật Tân, Indonesia, Việt Nam… xung quanh vấn đề này sẽ diễn ra vào quý hai năm nay, TS. Hà Hoàng Hợp đưa ra dự đoán.
VOA (22.01.2024)
Bắc Việt từ chối xác nhận chủ quyền Hoàng Sa 50 năm trước
“Miễn bình luận” – các quan chức cộng sản của Việt Cộng và Bắc Việt Nam trả lời trong một cuộc họp báo vào ngày 19 tháng 1 năm 1974
50 năm trước, Trung cộng chiếm quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa trong một cuộc chiến kéo dài chỉ vỏn vẹn hai ngày. Nó đánh dấu một trong những cuộc xung đột vũ trang đầu tiên liên quan tới tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Đến nay, Bắc Kinh vẫn nắm toàn quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và thậm chí còn mở rộng tuyên bố chủ quyền xuống quần đảo Trường Sa và xa hơn nữa về phía Nam. Và họ không ngần ngại đối đầu với các nước láng giềng khác có tuyên bố chủ quyền chồng chéo, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo này và rằng đây là một lập trường nhất quán đã được duy trì từ lâu. Nhưng 50 năm trước, Bắc Việt Nam và các đồng minh cộng sản của họ ở miền Nam Việt Nam từ chối bình luận khi được hỏi về chủ quyền của Hoàng Sa vào lúc chiến sự đang diễn ra.
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, tại một cuộc họp báo với các phóng viên quốc tế ở Sài Gòn, các quan chức Việt Cộng lẫn Bắc Việt Nam đều hai lần trả lời “Miễn bình luận” khi được hỏi ai sở hữu quần đảo Hoàng Sa, giữa lúc Trung cộng tấn công các vị trí mà các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa nắm giữ trên các đảo này.
Cuối cùng, khi câu hỏi được lặp lại lần thứ ba, quan chức Việt Cộng, Tướng Hoàng Anh Tuấn, trả lời qua người thông dịch: ‘Tôi tin rằng ‘Miễn bình luận’ là đủ rồi,” theo tờ Times.
Một bản tin khác của nhật báo này vào ngày 25 tháng 1 năm 1974 cho biết một số quan chức Mỹ lưu ý rằng Bắc Việt Nam đã không nói gì về tranh chấp giữa Nam Việt Nam và Trung cộng. Họ cho rằng sự im lặng đó “cho thấy Bắc Việt Nam lâm vào thế khó là không muốn lên tiếng ủng hộ việc Trung cộng chiếm đảo mà lâu nay Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng lại không thể chỉ trích Trung cộng.”
Về phần mình, Việt Nam Cộng Hòa nỗ lực kháng cự cuộc tấn công của Trung cộng trên biển và lên tiếng trước cộng đồng quốc tế, nhưng cuối cùng phải chấp nhận thất bại. Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc “tấn công tàn khốc” khiến Sài Gòn bị áp đảo ngay từ đầu.
VOA (21.01.2024)