Seite auswählen

Ông Trần Huỳnh Duy Thức (trái) và ông Đặng Đình Bách RFA edited

 

Ông Đặng Đình Bách, người đang thụ án tù năm năm, tuyên bố tuyệt thực từ ngày 02/02 để tiếp sức bạn tù cùng phòng Trần Huỳnh Duy Thức nhằm đòi quyền lợi của tù nhân, cũng như phản đối việc bị đối xử hà khắc bởi cán bộ Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người chỉ còn hơn một năm nữa sẽ mãn án tù 16 năm, cũng đã tuyệt thực từ ngày 27/1 để phản đối căng-tin từ chối bán thức ăn cho ông, trong khi ông cùng ba bạn tù khác ở cùng Phân trại 1 không nhận thức ăn của trại giam từ tháng 9/2023.

Trong cuộc thăm gặp ngày 01/2, bà Trần Phương Thảo đã được chồng là luật gia Đặng Đình Bách chia sẻ kế hoạch của ông:

Anh Bách tuyên bố là sẽ bắt đầu tuyệt thực từ ngày 02/2 bởi vì Trại giam số 6 đã không tuân thủ pháp luật, không đảm bảo quyền của tù nhân.”

Bà Thảo ngày 02/02 cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết, mặc dù cán bộ trại giam kiểm soát chặt chẽ cuộc trò chuyện giữa hai người, thế nhưng ông Bách vẫn chia sẻ được lý do vì sao ông lại làm như vậy. Bà thuật lại thông tin nghe từ chồng:

Anh Thức đã nhịn ăn từ ngày 27/01 và hiện nay anh mệt lắm rồi, anh ấy yếu lắm và có những lúc anh ấy không thở được.

Anh Bách khuyên anh Thức dừng tuyệt thực từ hôm nay, anh Bách muốn tiếp sức để có thể thuyết phục được anh Thức dừng tuyệt thực và anh Bách sẽ tiếp sức để vẫn giúp đạt được mục đích.”

Bên cạnh lý do trên, ông Bách cũng muốn phản đối việc trại giam không bảo đảm quyền lợi trong việc gửi thư và gọi điện về nhà, cũng như căng-tin của trại giam không bán rau và hoa quả cho ông.

Ông Bách cho vợ biết trong tháng 12/2023, ông viết hai bức thư gửi về cho gia đình nhưng cho đến nay gia đình vẫn chưa nhận được.

Cuối tháng 1 vừa qua, ông đăng ký gọi điện về cho gia đình nhưng trại giam chỉ cho phép ông gọi về để trao đổi thông tin về sức khoẻ trong khi ông muốn nói những nội dung mà pháp luật không cấm. Do ông không đồng ý nên trại giam đã cắt quyền được gọi điện về nhà.

Bà Thảo cho biết từ tháng 9, ông Bách cùng ba bạn tù chính trị khác trong Phân trại 1 không nhận khẩu phần ăn từ trại giam.

Ông chỉ ăn thức ăn khô từ gia đình gửi vào, và muốn mua thêm rau và trái cây từ căng-tin của trại giam, tuy nhiên căng-tin luôn trả lời không có hàng để bán cho nhóm tù nhân chính trị này. Ông cho rằng đây là sự trù dập của cán bộ trại giam đối với bốn người tù bất khuất luôn phản đối sự đối xử vô nhân đạo của cơ sở giam giữ.

Trại giam còn không cung cấp nước sôi để ông Bách có thể chế biến đồ khô như bột đậu, bún miến khô… mà gia đình gửi vào, buộc ông phải dùng nước lạnh trong điều kiện mùa đông rét mướt ở khu vực miền núi của tỉnh Nghệ An.

Tuyên bố sẽ tuyệt thực đến cùng để đòi quyền lợi, ông Bách nói với vợ:

Nhà nước Việt Nam trên tinh thần xây dựng nhà nước pháp quyền cần đảm bảo thực thi nghiêm túc hiến pháp và pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người điều mà bấy lâu nay tạo ra những bức xúc và bất công trong toàn xã hội nói chung và những người đang bị giam giữ nói riêng.”

Phóng viên không thể liên lạc với Trại giam số 6 qua điện thoại để hỏi về tình hình của ông Bách và ông Thức cũng như kiểm chứng tố cáo của hai ông.

Như đã đưa tin, ông Bách và ông Thức báo với gia đình việc có một nhóm người cầm dao nhảy vào khu giam giữ tù chính trị của Phân trại 1 trong một đêm cuối tháng 8/2023 để đe doạ bốn tù nhân ở đây sau khi họ đòi nhà tù niêm yết công khai khẩu phần ăn của tù nhân.

Ông Bách tố cáo đã bị quản giáo đánh vào đầu, gây thương tích nghiêm trọng khi ông thông báo tin này cho gia đình. Tuy nhiên, trại giam luôn bác bỏ cáo buộc của ông.

Gần đây, đại diện Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An có vào trại làm việc nhưng không gặp ông Bách để làm việc về đơn tố cáo của ông. 

Ông Bách nhiều lần tuyệt thực dài ngày để phản đối việc bị đối xử bất công và vô nhân đạo ở Trại giam số 6. Lần gần đây nhất kéo dài một tháng và kết thúc giữa tháng 7/2023.

 

Không được cấp sổ hồng cho căn hộ trả góp và hệ luỵ

Ngoài việc bị kết án 5 năm tù giam, ông Bách còn bị buộc phải nộp số tiền 1,4 tỷ đồng trong vụ án “trốn thuế” cho các khoản tài trợ của các dự án xã hội thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), nơi ông Bách làm giám đốc.

Trong nhiều tháng qua, Cục Thi hành án dân sự của Hà Nội đã yêu cầu bà Thảo nộp số tiền phạt nói trên. Gần đây, cơ quan này đã yêu cầu chủ toà nhà nơi có căn hộ trả góp của vợ chồng ông Bách bà Thảo không giao sổ hồng cho bà để gây sức ép.

Bà Thảo cho biết gia đình bà không thể đăng ký hộ khẩu thường trú do không có sổ hồng, dẫn đến hậu quả là con trai gần ba tuổi không thể đăng ký học trường công ở khu vực, ngoài ra gia đình bà không thể ký hợp đồng mua nước sạch với giá ưu đãi cho cư dân chung cư mà bị buộc phải trả tiền với giá cao.

Hiện tại, bà nuôi con nhỏ và không có thu nhập gì trong khi phải thăm nuôi chồng ở trại giam.

Phóng viên gọi điện đến Cục thi hành án dân sự của thành phố Hà Nội để hỏi về trường hợp của ông Bách thì người trực điện thoại yêu cầu phóng viên đến trụ sở cơ quan để được làm việc trực tiếp.

 

RFA (05.02.2024)

 

 

 

 

Facebooker Trần Văn Khanh ở An Giang bị khởi tố, bị bắt theo Điều 117

Ông Trần Văn Khanh Công an An Giang

 

Ông Trần Văn Khanh- sinh năm 1962, trú tại phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau- vào chiều ngày 2/2 bị khởi tố và bị bắt giam theo cáo buộc có hành vi “phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an tỉnh An Giang cho biết các biện pháp vừa nêu đối với ông Trần Văn Khanh.

Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp cũng phê chuẩn các quyết định do phía Công an đưa ra.

Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh An Giang kết luận rằng từ năm 2021, ông Trần Văn Khanh sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook để kết bạn với nhiều tài khoản mạng xã hội ở trong và ngoài nước. Ông Trần Văn Khanh đã sử dụng tài khoản Facebook để bình luận, chia sẻ, phát tán nhiều tài liệu bị cho có nội dung phản động, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, hệ thống chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, kích động, gây chia rẽ, mất đoàn kết tôn giáo, dân tộc… để nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước… 

Từ đầu năm 2024 đến nay, một trường hợp tương tự khác cũng bị khởi tố và bị bắt giữ như ông Trần Văn Khanh theo Điều 117, Bộ Luật Hình sự, là, ông Phạm Văn Chờ- 64 tuổi ngụ tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Vào ngày 30/1 ông Phạm Văn Chờ bị Công an tỉnh Hưng Yên khởi tố và bắt giam theo cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Cơ quan này cho biết vừa qua Phòng An ninh Mạng & Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện ông Phạm Văn Chờ từ năm 2020 đến tháng 11/2023 đã quản lý và sử dụng tài khoản Facebook “Chờ Phạm Văn” và “Nguyễn Minh Tân” phát livestream cũng như chia sẻ nhiều video clip bị cho có nội dung “bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN, và xúc phạm lãnh tụ”.

Cơ quan An ninh Điều tra đã làm rõ bảy video clip do ông Phạm Văn Chờ đăng trên tài khoản Facebook cá nhân mà nội dung bị xác định “xuyên tạc tình hình thực tế, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh tụ”.

Những video clip của ông Phạm Văn Chờ còn bị cho có tính chất kích động kêu gọi chống đối.

 

RFA (03.02.2024)

 

 

CSVN bắt 2 người ‘chống phá’ trong 1 tháng

Ông Trần Văn Khanh (trái) và ông Phạm Văn Chờ

 

Cả hai người bị bắt đều hơn 60 tuổi, và bị nhà cầm quyền cáo buộc hành vi “phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước”.

 

Trường hợp mới nhất là ông Trần Văn Khanh, 62 tuổi, ở thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, bị bắt ngày 2/2.

Công an tỉnh An Giang kết luận rằng từ năm 2021, ông Trần Văn Khanh dùng trang cá nhân bình luận, chia sẻ, phát tán nhiều tài liệu bị cho có nội dung phản động, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, hệ thống chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, kích động, gây chia rẽ, mất đoàn kết tôn giáo, dân tộc…

Vài ngày trước, một trường hợp tương tự bị bắt, khởi tố là ông Phạm Văn Chờ, 64 tuổi, ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Ông Phạm Văn Chờ bị Công an tỉnh Hưng Yên vu cho tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước.”

Hồ sơ của công an quy chụp rằng từ năm 2020 đến tháng 11/2023, ông Chờ dùng Facebook “Chờ Phạm Văn” và “Nguyễn Minh Tân” phát livestream, chia sẻ nhiều video clip bị cho có nội dung “bôi nhọ Đảng CSVN và xúc phạm lãnh tụ”.

 

Đất Việt (03.02.2024)

 

 

 

 

Hai tổ chức nhân quyền kêu gọi trả tự do cho thầy truyền đạo Nay Y Blang

Ông Nay Y Blang tại phiên tòa ở Phú Yên ngày 26/1/2024. Photo Công an Phú Yên.

 

Tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu và Qũy Nhân quyền vừa lên tiếng quan ngại về bản án 4 năm rưỡi tù đối với thầy truyền đạo Nay Y Blang ở tỉnh Phú Yên với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông.

Trong thông cáo hôm 1/2, tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) có trụ sở ở London, Anh, nói rằng ông Nay Y Blang, 48 tuổi, một tín hữu của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, bị chính quyền kết án 4 năm rưỡi tù chỉ vì ông bị xem là “truyền đạo trái phép và xúi giục nhiều người tham gia” vào các buổi cầu nguyện tại nhà mình.

“CSW quan ngại sâu sắc về việc thiếu thủ tục tố tụng hợp pháp trong phiên tòa xét xử ông Blang”, ông Mervyn Thomas, Chủ tịch sáng lập CSW, nói trong thông cáo. “Chính phủ Việt Nam coi hành động cầu nguyện đơn giản là mối đe dọa trực tiếp đến quyền lực và tính hợp pháp của họ. Không ai phải sợ bị bỏ tù vì thực hiện quyền tự do tôn giáo hay tự do tín ngưỡng”.

Nhà sáng lập tổ chức CSW đánh giá rằng những diễn biến gần đây cho thấy “tình hình nhân quyền ở Việt Nam tiếp tục xấu đi”, nhấn mạnh rằng đây là một phần của mô hình “nhắm mục tiêu rộng hơn vào các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số trên khắp Việt Nam, thường nghiêm trọng hơn ở các vùng nông thôn”.

Ông Thomas kêu gọi chính quyền Việt Nam “chấm dứt mọi hành vi quấy rối đối với các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số trên khắp đất nước”.

Qũy Nhân quyền (HRF) có trụ sở ở New York, Mỹ, hôm 31/1 viết trên trang X, trước đây là Twitter, rằng ông Blang bị tòa án ở Việt Nam xét xử hôm 26/1 và việc kết tội ông chỉ vì ông có liên hệ với Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo tại gia không được nhà nước công nhận.

“HRF mạnh mẽ kêu gọi chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo mà mọi cá nhân đều được hưởng và kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nay Y Blang”.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về sự quan ngại và những lời kêu gọi của CSW và HRF, nhưng chưa được phản hồi.

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền hay vi phạm tự do tôn giáo, nói rằng các quyền căn bản của người dân “luôn được đảm bảo”.

Mục sư A Ga, sáng lập viên Hội Thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, hiện sinh sống ở bang North Carolina, Mỹ, nói với VOA rằng phiên tòa xử ông Blang không có mặt luật sư bào chữa như gia đình đã chỉ định, và gia đình cũng không được dự phiên tòa. Ông gọi đó là phiên tòa “bất công, xử không công bằng, không minh bạch”.

Các hình ảnh đăng trên Cổng thông tin Công an tỉnh Phú Yên cho thấy có mặt một người ngồi vào vị trí người bào chữa tại phiên xử ông Blang, nhưng ông A Ga khẳng định rằng đó không phải là luật sư do gia đình chỉ định.

Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên chưa trả lời ngay khi VOA đề nghị họ bình luận.

Cổng thông tin Công an tỉnh Phú Yên nói rằng Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên là tổ chức “phản động núp bóng tôn giáo”, điều mà các tín hữu và người sáng lập bác bỏ.

Trang này nói rằng bản án đối với ông Blang là “bài học thích đáng cho đối tượng ngoan cố chống đối như Nay Y Blang và cũng là bài học cảnh tỉnh cho những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng mạng xã hội có những hành vi chống phá, xuyên tạc”.

 

VOA (02.02.2024)

 

 

 

Từ phiên tòa Ngọc Trinh: bất bình đẳng trong xét xử quan chức và thường dân

NGUỒN HÌNH ẢNH,CỘNG TÁC VIÊN Chụp lại hình ảnh, Hình ảnh phiên tòa xét xử Ngọc Trinh ngày 2/2

 

Phiên tòa xét xử người mẫu Ngọc Trinh gợi lên nhiều vấn đề về thực hành tư pháp và truyền thông liên quan đến quyền nhân thân, hình ảnh cá nhân.

Sáng 2/02/2024 sẽ là một ngày rất đáng nhớ trong cuộc đời của người mẫu Ngọc Trinh. Cô bị dẫn giải ra trước một phiên tòa hình sự để nhận hình phạt trước sự soi mói của một rừng ống kính.

Nó càng đáng nhớ hơn khi hình ảnh kém duyên dáng nhất, kém xinh đẹp nhất của một cô người mẫu sẽ tràn ngập trên hệ thống truyền thông nhà nước, bất chấp việc cô vẫn chưa phải là tội phạm vì chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật.

Công chúng không thể không so sánh khi nhớ lại về hình ảnh ông cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ông này cũng ra tòa hình sự nhưng đã được báo Nhân Dân ưu ái, nhân đạo như thế nào khi làm mờ đi khuôn mặt.

Cho dù tội trạng của ông này nguy hiểm cho xã hội gấp ngàn lần so với Ngọc Trinh. Đọc bài viết của nhà thơ Khải Đơn, tôi nghĩ mình cần bàn thêm đôi lời về vấn đề này.

 

Vận dụng pháp luật tùy tiện

Phải chăng quan chức cấp cao được biệt đãi trước pháp luật? Còn dân thường thì phải chịu sự thiệt thòi?

Tham chiếu các nguyên tắc pháp luật, câu trả lời là không.

Luật pháp chúng ta chưa hoàn hảo, nhưng qua nhiều lần tu chính, luật pháp đã ngày một tiến bộ hơn, tiệm cận hơn với các quy chuẩn pháp lý văn minh của thế giới. Thế nhưng, sự vận dụng, diễn giải pháp luật tùy tiện trong thực tế đã và đang làm méo mó, biến tướng đi những tiến bộ ấy. Mà theo đó, người mẫu Ngọc Trinh đang là nạn nhân thực tế đáng chê trách ấy.

Thỉnh thoảng đến cơ quan công quyền, ắt hẳn công chúng đã từng có dịp đọc thấy những dòng khẩu hiệu: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.

Thế nên, không cần hiểu biết luật pháp sâu sắc như một quan tòa hoặc một luật sư, công chúng vẫn có thể ung dung đánh giá khi so sánh bối cảnh ra tòa của ông cựu quan chức cấp cao Nguyễn Thanh Long và cô người mẫu thường dân Ngọc Trinh, nó đã bất bình đẳng như thế nào.

Không chỉ thế, nếu chúng ta biết hình ảnh của một người nó thuộc về quyền nhân thân vĩnh viễn của người ấy, đến mức, nếu có hình ảnh của ai đó, thì cho dù họ có là tội phạm, chúng ta cũng không có quyền tự tiện phát tán công khai hoặc đăng tải trên các trang mạng xã hội.

Tại pháp đình Việt Nam, không chỉ đối với trường hợp cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mà ít nhất hai lần trước đó, tòa án đã từng minh thị bảo vệ quyền về hình ảnh của công dân khi họ ra trước phiên tòa hình sự.

Một lần vào tháng 2/2003, khi ấy pháp đình tại Sài Gòn đưa ra xét xử vụ án ông Trương Văn Cam (Năm Cam), một vụ trọng án chiếm hàng loạt kỷ lục trong lịch sử pháp đình, mà cho đến nay, các kỷ lục ấy vẫn giữ nguyên.

Thời điểm ấy, báo giấy vẫn là phương tiện truyền thông phổ biến. Thế nên, theo dõi và đưa tin về phiên tòa trở thành nhiệm vụ chính yếu đối với hầu hết các tờ báo.

Rõ ràng, vụ án về ân oán trong giới giang hồ xã hội đen đã trở thành một mỏ vàng làm tăng số lượng xuất bản báo giấy hàng ngày. Bên cạnh những thông tin được công bố chính thức, thì những câu chuyện tiền, tình xung quanh vụ án cũng trở thành nguyên liệu màu mỡ cho các ký giả mặc sức khai thác.

Cho đến một hôm hôm trong chuỗi 100 ngày xét xử vụ án, vào đầu giờ làm việc sáng, tòa án thông báo cho giới ký giả đang tác nghiệp về việc cấm chụp ảnh một nữ công dân tên là Nguyễn Thị Thanh Tuyền tham gia phiên tòa với tư cách người bị hại. Ông giải thích, đây là quyền hợp pháp của công dân mà báo giới phải có trách nhiệm tôn trọng.

Sau đó, câu chuyện tình, tiền của bà ấy chìm khuất trong vô số câu chuyện nóng bỏng khác trong vụ án. Tuy nhiên, đã không có một tấm ảnh nào của vị nữ công dân kia lọt lên được mặt báo. Nữ công dân kia đã biết về quyền của mình và đã tận dụng quyền ấy để giữ gìn thanh danh, hình ảnh sạch đẹp của mình trước công chúng một cách hiệu quả. Bà cũng là một trong số rất ít người đã từng nêu yêu cầu như thế tại pháp đình Việt Nam.

 

‘Tử hình thanh danh’

Vật đổi sao dời.

Đến thượng tuần tháng 3/2022, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền bị bắt giữ trong danh tính mới là Nguyễn Phương Hằng. Thay cho tư cách người bị hại năm nào, thì nay, với tư cách bị can trong một vụ án đình đám, bà đã không thể bảo vệ, giữ gìn được hình ảnh của chính mình lần nữa trước sự tấn công có chủ đích của cơ quan điều tra.

Ngay trong ngày nghe đọc lệnh khởi tố, khám xét nhà, bắt giữ và tạm giam… thì hình ảnh chụp khuôn mặt mà người phụ nữ muốn che giấu nhất trong đời của bà đã bị cơ quan điều tra cho phát tán tràn ngập các trang báo điện tử và mạng xã hội.

Trong một vụ án khác xét xử ở tỉnh Khánh Hòa về tội danh “Trốn thuế” vào trung tuần tháng 11/2019, một nữ bị cáo cũng đã yêu cầu được bảo về quyền về hình ảnh và đã được tòa án chấp thuận. Thế nên, đã không có một tấm ảnh nào của bà bị đăng tải trên mặt báo.

Rõ ràng, sự hành xử bất nhất của pháp đình Việt Nam trước yêu cầu bảo vệ hình ảnh cá nhân là sự vận dụng, diễn giải luật pháp theo cách vô pháp và hết sức tùy tiện. Trong đó, bao hàm sự cố ý xúc phạm hình ảnh cá nhân của chính cơ quan điều tra kết hợp với truyền thông vô đạo đức.

Người mẫu Ngọc Trinh hôm nay và bà Nguyễn Phương Hằng cách nay không lâu, cùng hàng vạn công dân đã từng khoác chiếc áo bị cáo tại phiên tòa hình sự đã sớm bị truyền thông “kết tội và thi hành bản án tử hình” đối với thanh danh, hình ảnh của họ trước cả khi có bản án kết tội họ.

Có thể nói, từ những giờ đầu tiên của tiến trình tố tụng, các nguyên tắc “Suy đoán vô tội”, hay “Một người chỉ bị xem là có tội khi đã có bản án kết tội tuyên có hiệu lực pháp luật”, hoặc “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” chỉ còn là khẩu hiệu đẹp trên bức tường vô tri mà thôi.

Một nữ doanh nhân sở hữu cả ngàn tỷ đồng, hoặc một nữ người mẫu xinh đẹp ấy có nằm mơ cũng không thể đoán định được tương lai bi đát của mình vào ngày hôm nay, thì ai trong số công chúng có thể đoán định được tương lai của mình vào ngày mai?

Bảo vệ các nguyên tắc pháp luật hôm nay là bảo vệ cho chính tương lai của mình vào ngày mai.

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh

BBC (02.02.2024)

 

 

 

 

Việt Nam “lẫn lộn” giữa luật dân sự và luật hình sự?

Ảnh minh họa chiếc cân biểu tượng cho công lý Photo: RFA

 

Viện KSND TP.HCM mới đây truy tố bà Đặng Thị Hàn Ni về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Theo kết quả điều tra được truyền thông Nhà nước trích dẫn, bà Hàn Ni đã đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư nhằm xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín của bà Nguyễn Phương Hằng và chồng bà Hằng là ông Huỳnh Uy Dũng, gây ảnh hưởng đến quỹ từ thiện Hằng Hữu, Công ty cổ phần Đại Nam.

Trước đó, bà Nguyễn Phương Hằng bị Tòa án Nhân dân TP.HCM kết án ba năm tù do thực hiện nhiều buổi live stream có nội dung bị cho là bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của các ông, bà: Võ Nguyễn Hoài Linh, Nguyễn Thị Mỹ Oanh, Đặng Thị Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển, Trần Thị Thủy Tiên, Lê Công Vinh, Huỳnh Minh Hưng, Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Thị Việt Hà.

Cả hai bị truy tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.  

Thực tế trong cuộc sống, khi người dân có sự chỉ trích lẫn nhau, hoặc có ý kiến gì đó không tích cực đối với nhà nước thì lập tức chính quyền sẽ áp dụng Điều 331 và Điều 117 để bỏ tù người dân. Khi áp dũng như vậy, họ vi phạm luôn Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là thành viên. – Luật sư Nguyễn Văn Miếng

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, từng có gần 30 năm làm việc ở Việt Nam, hiện đang ở Hoa Kỳ, nói với RFA hôm 1 tháng 2 năm 2024:

“Việc Việt Nam áp dụng Điều 331 và Điều 117 là nhằm mục đích bảo vệ chế độ và đàn áp người dân. Thế nhưng họ lại áp dụng một cách quá nặng nề, bởi vì hiến pháp nước CHXHCNVN cho người dân tất cả các quyền tự do dân chủ, cũng như quyền đóng góp ý kiến xây dựng nhà nước. Đó là quyền công dân.

Thực tế trong cuộc sống, khi người dân có sự chỉ trích lẫn nhau, hoặc có ý kiến gì đó không tích cực đối với nhà nước thì lập tức chính quyền sẽ áp dụng Điều 331 và Điều 117 để bỏ tù người dân. Khi áp dũng như vậy, họ vi phạm luôn Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là thành viên.

Giữa hai người dân có thể mạ lị, phỉ báng nhau trên không gian mạng. Trong trường hợp này, bộ luật dân sự của nước CHXHCNVN cũng cho họ quyền kiện ra tòa dân sự, yêu cầu bên kia bồi thường. Mình có quyền chứng minh thiệt hại và yêu cầu bên kia bồi thường. Hiện nay, họ áp dụng tràn lan Điều 331 và Điều 117 là do có bàn tay của công an, có bàn tay của nhà nước.”

Để chứng minh có bàn tay công an, Luật sư Miếng kể về trường hợp ông Đinh Nhật Uy, người được coi là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam sử dụng Facebook bị kết tội vi phạm Điều 258 (bây giờ là Điều 331) cách đây 10 năm:

“Nhân ngày lễ 2 tháng 9, ông Uy viết bài trên Facebook nói rằng bà tổ trưởng không có việc gì làm, chỉ có mỗi việc nhắc người ta treo cờ và thu tiền… Khi ông Uy bị bắt thì có một lá đơn của bà tổ trưởng tố cáo Uy xúc phạm bà trên không gian mạng. Tôi là luật sư của Đinh Nhật Uy. 

Bà tổ trưởng khai rằng, bà không sử dụng Facebook, không sử dụng internet. Bà cũng không biết ông Uy viết gì về bà. Bà được công an gọi lên báo là có người xúc phạm bà trên mạng và yêu cầu bà làm đơn tố cáo bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Rõ ràng, đây là công an xúi giục bà làm đơn tố cáo!”

 

Bà Nguyễn Phương Hằng tại tòa ngày 21/9/2023. Photo: CAND

 

Một số chuyên gia luật pháp cho rằng, tội xúc phạm danh dự người khác nằm trong khung luật dân sự, phải bồi thường danh dự cho người khác bằng một số hình thức, nhưng không bị tù như bên luật hình sự.

Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên từng có nhiều năm làm phó khoa trường luật ở California, Hoa Kỳ (Lincoln Law School of San Jose) nói với RFA hôm 1 tháng 2 năm 2024:

“Hệ thống pháp lý của các nước phương Tây, Hoa Kỳ hay những nước có hệ thống pháp lý tương tự Tây phương như Nam Hàn hay Đài Loan, tội phỉ báng, mạ lị, vu khống… chỉ là tội dân sự mà thôi. Còn Việt Nam, họ ra luật một cách tùy tiện với những tội danh này với mục đích là để bảo vệ cho mấy ông quan chức, cán bộ.

Vì thế họ tự động đưa những người phạm tội mạ lị, vu khống…vào khung tội hình sự. Ai mà nói xấu ông Tổng bí thư Đảng hay ông Thủ tướng chẳng hạn là sẽ bị tù. Do đó, không thể dùng tiêu chuẩn luật pháp của các nước độc tài hay các nước cộng sản mà so sánh với các nước phương Tây được”.

Hệ thống pháp lý của các nước phương Tây, Hoa Kỳ hay những nước có hệ thống pháp lý tương tự Tây phương như Nam Hàn hay Đài Loan, tội phỉ báng, mạ lị, vu khống… chỉ là tội dân sự mà thôi. Còn Việt Nam, họ ra luật một cách tùy tiện với những tội danh này với mục đích là để bảo vệ cho mấy ông quan chức, cán bộ. – Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên

Nói về luật pháp của Hoa Kỳ, tháng 9 năm 2019, báo Người Việt có bài viết “Bắc California: Thắng kiện ‘mạ lỵ, vu khống,’ một phụ nữ gốc Việt được bồi thường $545,625”.

Bà Thanh Nga, người thắng kiện kể với RFA rằng, tuy bà bị xúc phạm nặng nề trên mạng xã hội, ảnh hưởng tới cuộc sống của bà, nhưng do đây là tội về dân sự nên bị đơn chỉ bồi thường cho bà chứ không bị kết án tù. Bà nói với RFA sáng ngày 1 tháng 2 năm 2024:

Thật sự ra, chuyện mạ lị, vu khống nó chỉ nằm trong khung dân sự thôi. Mình phải kiện, và muốn thắng kiện thì mình phải chứng minh là mình bị ảnh hưởng tai tiếng, bị mất danh dự. Nhất là những người làm kinh doanh mà bị thất thoát, mất thu nhập. Khi mình bị mang tiếng và được bác sĩ tâm lý chứng minh sự mạ lị, vu khống ảnh hưởng đến tinh thần của mình, ảnh hưởng đến công việc, đến kinh doanh của mình thì người bị kiện không chỉ phải bồi thường danh dự cho mình, mà người bị kiện còn bị phạt răn đe, tức là bị cảnh cáo. Cái này nó còn nặng hơn cả cái bồi thường danh dự.”

Trong Bộ Luật Hình sự 2015, Điều 117 quy về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Điều 331 về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.     

Người nào bị kết tội lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Người nào bị kết tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

 

RFA (01.02.2024)

 

 

 

 

Người gốc Việt vận động cho tự do tôn giáo tại Hội nghị IRF 2024

Phái đoàn người gốc Việt chụp hình lưu niệm sau buổi cầu nguyện đa tôn giáo bên lề Hội nghị Thượng đỉnh IRF 2024, khách sạn Washington Hilton, Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 30/1/2024. Photo: Đinh Thị Ngọc Tuyết.

 

Hàng chục các nhà hoạt động vì tự do tôn giáo cho Việt Nam tập hợp ở thủ đô Washington trong 3 ngày qua để vận động các nhà lập pháp, hành pháp và các tổ chức quốc tế nhân dịp họ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF) 2024 tại Mỹ.

Theo ban tổ chức, Hội nghị Thượng đỉnh năm nay có các buổi thảo luận về tự do tôn giáo trong bối cảnh an ninh quốc gia, văn hóa hiện đại, và nhân quyền với chủ đề đa dạng, trong đó có tự do tôn giáo, luật báng bổ và bội đạo; vấn đề vi phạm với các cộng đồng tôn giáo bản địa và bị chiếm đóng.

Ngoài các sự kiện chính với sự góp mặt của các diễn giả quốc tế bao gồm các chính khách, các nhà làm luật, các nhóm nhân quyền, viện nghiên cứu diễn ra từ ngày 30-31/1, phái đoàn người Việt hải ngoại còn tổ chức các cuộc vận động tại Quốc hội Mỹ vào ngày 29/1 để gây chú ý về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Bà Đinh Thị Ngọc Tuyết, một cư dân ở thành phố Louisville, bang Kentucky, thành viên của tổ chức Vận động cho Đức tin và Công lý tại Việt Nam, chia sẻ với VOA hôm 31/1 về các hoạt động của đoàn trong 3 ngày qua.

“Vào ngày 29/1 chúng tôi chia ra rất nhiều nhóm để gặp gỡ các vị dân biểu và các thượng nghị sĩ để nêu các trường hợp tiêu biểu về đàn áp tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam”.

“Sang đến ngày 30-31/1, chúng tôi tổ chức các hội luận tại phòng dành cho giới trẻ (Youth Track) ở hội nghị IRF với các sự kiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh để đưa tiếng nói của cộng đồng các tôn giáo tại Việt Nam, đưa tiếng nói của các nạn nhân bị áp bức đến với cộng đồng quốc tế”.

Thượng đỉnh IRF là một hội nghị của giới xã hội dân sự và được tổ chức thường niên, cũng như được hỗ trợ bởi một liên minh đa dạng gồm các đối tác quan tâm sâu sắc đến việc thúc đẩy sự nghiệp tự do tôn giáo quốc tế, theo trang web của hội nghị này.

Mục sư Vàng Chí Mình, sinh sống tại bang Minnesota, một nhà hoạt động cho tự do tôn giáo của người dân tộc H’mong ở miền bắc Việt Nam, nêu ý kiến cá nhân của ông với VOA:

“Đồng bào của chúng tôi ở Việt Nam rất mong muốn có được một đất nước tự do về tôn giáo, nhưng chúng tôi bị nhà cầm quyền Việt Nam quản lý rất chặt chẽ, nên chúng tôi đến muốn đây để xem quốc tế có thể làm gì để giúp chúng tôi”.

 

Bà Tanya Nguyễn-Đỗ, sinh sống ở thành phố Sarasota, bang Florida, cho VOA biết rằng khi bà tham gia sự kiện này bà không chỉ cất tiếng nói đòi công lý cho các nạn nhân trong vụ Thiền Am ở Long An – nơi 6 thành viên bị kết án tổng cộng hơn 23 năm tù về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” – mà còn còn đồng hành với các nhóm tôn giáo khác được nhìn nhận là “bị tấn công” tại Việt Nam.

“Tôi tham gia với tính cách không phải là vì Thiền Am không thôi mà còn lên tiếng cho những người dân tộc thiểu số theo đạo như người H’mong, Khmer, người Thượng Tây Nguyên… bị tấn công. Chúng tôi bắt tay đa tôn giáo để lên tiếng nói đại diện cho các nạn nhân của các nhóm Hòa Hảo, Cao Đài, Công giáo… để cùng chung một tiếng nói”.

 

“Ở Việt Nam các tôn giáo độc lập đều bị nhà cầm quyền đàn áp vì vậy chúng tôi cùng chia sẻ mối quan tâm chung là các tín hữu trong đạo của mình được tự do thực hành tín ngưỡng. Vì hoạt động riêng không hiệu quả nên chúng tôi muốn thành lập mạng lưới gồm các tôn giáo, các đạo ở Việt Nam để cùng làm việc và lên tiếng nói cho đồng bào Việt Nam bị bách hại vì tự do tôn giáo”, bà Đinh Thị Ngọc Tuyết, một thành viên của Mạng lưới, nói với VOA.

VOA đã liên lạc Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho ý kiến về các sự kiện của phái đoàn người Mỹ gốc Việt tại IRF và tại Quốc hội Mỹ, nhưng chưa được hồi đáp.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay phản bác các cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo, nói thêm rằng các quyền tự do tín ngưỡng của người dân luôn được “đảm bảo”. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên án việc Bộ Ngoại giao Mỹ liên tiếp trong hai năm đã đưa Hà Nội vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) vì các vi phạm “nghiêm trọng” về tự do tôn giáo.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson, Đại sứ Lưu động về Tự do tôn giáo của Mỹ Rashad Hussain, cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Thượng nghị sĩ James Lankford, các Dân biểu French Hill, Chris Smith… có bài phát biểu tại hội nghị IRF 2024, diễn ra tại khách sạn Washington Hilton.

Trong một sự kiện chính của IRF vào sáng ngày 31/1, ông Mike Johnson phát biểu đưa ra cảnh báo về nạn “thu hoạch nội tạng” ở Trung Quốc mà trong đó ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do tôn giáo, theo trang Newsweek.

Liên quan đến kinh tế và tự do tôn giáo, ông Johnson nói: “Kinh tế thịnh vượng khi mọi người được phép thực hành đức tin của mình”, theo trang Facebook IRF Summit.

 

VOA (01.02.204)

 

 

 

 

Nhân quyền Việt Nam: ‘Cần phi chính trị hóa’

Chụp lại hình ảnh, Ba nhà hoạt động môi trường (từ trái qua): Bà Hoàng Thị Minh Hồng bị tuyên 3 năm tù với tội danh trốn thuế năm 2023; bà Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt tháng 9/2023 và bị truy tố với tội danh ‘chiếm đoạt tài liệu’, ông Đặng Đình Bách bị tuyên 5 năm tù với tội danh trốn thuế năm 2022

 

Mặc dù là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ), Việt Nam liên tục không được đánh giá cao trong bảng xếp hạng của quốc tế về nhân quyền. Bức tranh nhân quyền Việt Nam năm qua được đánh giá là ‘u ám’, theo báo cáo toàn cầu công bố hồi đầu năm 2024 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).

Trong chuyến đi cuối năm 2023 tới Đức tìm hiểu về cuộc sống một số nhà hoạt động Việt Nam sau khi tỵ nạn tại đây, BBC News Tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Mạng lưới Những người Bảo vệ Nhân quyền (VETO!) – tổ chức từng tham gia vận động để kêu gọi trả tự do thành công cho một số nhà hoạt động bị chính quyền Việt Nam bỏ tù, trong đó trường hợp của bà Đỗ Thị Minh Hạnh, bà Mai Thị Dung, ông Nguyễn Bắc Truyển và ông Nguyễn Văn Đài,…

 

BBC: Nhận định của ông về tình hình nhân quyền tại Việt Nam hiện nay?

 

Ông Vũ Quốc Dụng: Cái tôi thấy là tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong mấy năm vừa qua xấu đi rất nhiều.

Bây giờ làn sóng đàn áp đã lan sang các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký. Đây là các tổ chức hoạt động hợp pháp từ nhiều năm qua trong các lĩnh vực ‘không nhạy cảm’ đối với chính quyền Việt Nam, chẳng hạn trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa, chứ không phải quyền dân sự hay chính trị.

Nhiều cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, khí hậu, như bà Hoàng Thị Minh Hồng, Ngụy Thị Khanh, ông Đặng Đình Bách,… đã bị bắt với những tội danh hình sự mà chúng tôi cho là có động cơ chính trị. Bởi vì đối với những người có đóng góp cho việc cải thiện khí hậu, môi sinh như vậy thì không cần phải dùng đến các biện pháp hình sự như thế.

Điều đó là sự quan ngại chung.

 

BBC: Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?

 

Ông Vũ Quốc Dụng: Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, theo tôi thì có mấy tầng.

Vấn đề thứ nhất là nội luật hóa. Việt Nam không chỉ khó khăn về mặt thích ứng với luật quốc tế mà còn khó áp dụng luật quốc tế.

Luật Điều ước quốc tế của Việt Nam đã quy định rằng trong trường hợp luật Việt Nam, về mặt nội dung, nếu khác với luật quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, hay ký kết, thì ưu tiên áp dụng điều luật quốc tế.

Thế nhưng việc này hiện không được áp dụng trên thực tế.

Chụp lại hình ảnh, Một trường hợp bị bắt cuối năm 2023 vì đăng các thông tin ‘nhạy cảm’ lên Facebook cá nhân

 

Vấn đề thứ hai là ý thức về nhân quyền.

Việc bảo vệ nhân quyền chưa nằm sâu trong ý thức của người cầm quyền trong khi người dân cũng không được phổ biến hay hiểu sâu về quyền của mình. Chuyện đó thì không trách được vì nó liên quan đến việc quốc gia đó giáo dục về nhân quyền cho người dân như thế nào.

Vấn đề thứ ba là cách diễn dịch các luật quốc tế về vấn đề nhân quyền sang tiếng Việt chưa đúng. Ví dụ bản dịch tiếng Việt Điều 18 Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị – mà Việt Nam tham gia từ 1982 – chỉ đề cập quyền tự do tư tưởng, quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do tôn giáo.

 

Còn trong luật gốc quốc tế thì Điều 18 đó bao gồm quyền tự do lương tâm. Đây là một điều rất quan trọng. Tại sao chúng ta nói đến những tù nhân lương tâm? Bởi vì đó là những người hoạt động vì lương tâm của họ. Họ bị bắt, quốc tế xem họ là tù nhân lương tâm.

Nếu trong các bản dịch mà thiếu quyền tự do lương tâm thì làm sao trong đời thường người ta có thể áp dụng được các quyền tự do lương tâm? Ví dụ trên thế giới, ở nhiều nước, người dân sử dụng quyền này để từ chối đi nghĩa vụ quân sự. Vì lý do tôn giáo của họ, vì lý do nhân sinh quan của họ, họ từ chối không cầm súng để bắn người khác. Cái đó là quyền tự do lương tâm.

Ở Việt Nam, người dân không có quyền từ chối đó. Tức là họ không được công nhận quyền tự do lương tâm của họ.

Có lẽ muốn cải thiện vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì phải thay đổi rất nhiều, về khung luật, về nội luật hóa, thực thi luật và ý thức về quyền của mình trong dân chúng.

 

BBC: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc?

 

Ông Vũ Quốc Dụng: Tôi nghĩ rằng Việt Nam mong muốn hội nhập quốc tế về kinh tế nhưng không thực tâm hội nhập về nhân quyền.

Thành ra nếu không có sự bắt buộc thì Việt Nam không tự nguyện cải thiện nhân quyền và cũng cho rằng không cần cải thiện.

 

Do đó đó mới có những cái đợt đàn áp như nói ở trên. Tôi nghĩ rằng các quốc gia, tổ chức quốc tế cần phải để ý nhiều hơn đến việc giúp cho Việt Nam hội nhập nhiều hơn, thực chất hơn trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền.

Có thể có nhiều lý do khiến quốc tế xao nhãng trong việc nhắc nhở Việt Nam trong vấn đề cải thiện nhân quyền. Có thể có những lý do nội bộ mà mình không thể hiểu hết được, rồi lý do mâu thuẫn giữa các quốc gia phương Tây và Trung Quốc và dịch Covid.

Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Theo quy chế, các quốc gia thành viên phải làm gương cho các quốc gia khác trong vấn đề bảo vệ nhân quyền.

Nếu so sánh thành tích của Việt Nam trong việc bảo vệ nhân quyền với lời hứa của họ khi làm đơn ứng cử vào ghế thành viên hội đồng này thì có sự khác biệt một trời một vực.

Do đó, thời gian vừa rồi chúng ta thấy các tổ chức của Liên Hợp Quốc gia tăng những đề nghị, câu hỏi, yêu cầu cho chính quyền Việt Nam trả lời.

Nhưng trong một số trường hợp mà chúng tôi biết, những câu trả lời của Chính phủ Việt Nam không đúng sự thật, xa thực tế và chỉ nhằm mục đích chống chế.

Chờ đợi của quốc tế đối với một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong trường hợp Việt Nam, đã không được thỏa mãn.

 

BBC: Trong trường hợp như vậy, liệu Liên Hợp Quốc có các biện pháp trừng phạt hay không?

 

Ông Vũ Quốc Dụng: Trong quy chế hoạt động của các cơ quan Liên Hợp Quốc thì thường không có những quy định về xử phạt. Ngoại lệ duy nhất là Tòa án Hình sự Quốc tế có nhiệm vụ xử các vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng, thí dụ như tội ác chiến tranh, tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại.

Có lẽ là nhiều người chờ đợi Liên Hợp Quốc gia tăng các cái hình thức xử phạt. Nhưng vấn đề đó đã tồn tại 75 năm nay, chưa được giải quyết một cách thỏa đáng.

Do đó, tôi cho rằng bổn phận của các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc là phải thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc bằng những phương tiện mình đang có trong tay.

Ví dụ, khi một quốc gia có các quan hệ ngoại giao, kinh tế, tài chính hay quân sự với một quốc gia khác thì họ cần dùng các quan hệ đó để thúc đẩy quốc gia đó cải thiện nhân quyền. Như vậy mới hi vọng tình trạng nhân quyền được cải thiện từ từ.

NGUỒN HÌNH ẢNH,VQD Chụp lại hình ảnh,Ông Vũ Quốc Dụng trao đổi với đại diện Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) ngày 18/11/2015 tại Washington

 

Nhưng đó là cách mình trông chờ ở một tác nhân khác để giúp đỡ mình.

Tôi nghĩ nhiều hơn đến những người ở trong nước, trong một cách thức nào đó họ vẫn đóng góp cho việc cải thiện nhân quyền. Ví dụ, các tổ chức bảo vệ môi sinh mà tôi đề cập ở trên.

Họ không ồn ào nhưng làm được rất nhiều việc trong 10 năm qua, trước khi một số lãnh đạo bị bắt. Họ đào tạo người, họ kết nối với những đối tác ở trong nước và ngoài nước, họ đối thoại với chính quyền và phần nào đó xây dựng được ý thức về môi trường.

Đây là bước tiến trong mảng vận động quốc nội.

Mình cần phải biết rằng là trong hoàn cảnh tại Việt Nam thì khung pháp luật, chính sách, cách ứng xử của các viên chức như thế nào trong vấn đề nhân quyền.

Sau đó thì tùy vào năng lực, mỗi tổ chức chú ý vào giáo dục cho các viên chức, như công an chẳng hạn, hoặc vận động chính phủ để tổ chức các khóa học về nhân quyền.

BBC: Theo ông, các tổ chức nhân quyền cần có những thay đổi gì trong đường hướng hoạt động để giải quyết được gốc rễ vấn đề, thay vì chỉ kêu gọi trả tự do cho một vài trường hợp nhỏ lẻ?

 

Ông Vũ Quốc Dụng: Với những tổ chức bảo vệ nhân quyền, tôi nghĩ rằng họ phải có nhiều sáng kiến, phải nghiên cứu những sách lược phù hợp để mà trong bất cứ tình huống nào họ vẫn có thể hoạt động được chứ không trông chờ thời cơ thuận lợi thì mới hoạt động.

Đây là bài toán không đơn giản được đặt ra đối với tất cả những người bảo vệ nhân quyền. Sẽ không có một phép màu hay một công thức cố định, mà cần có sự đầu tư về trí tuệ để có thể tồn tại hoặc cải thiện dù tình hình quốc tế và tình hình chính trị ở quốc gia đó không thuận lợi.

Cuối cùng, nhân quyền là một mảng của xã hội dân sự để vận động cho những giá trị đạo đức và sự tuân thủ về mặt luật pháp. Nó không phải là một vấn đề đe dọa đến an ninh quốc gia, đến sự tồn tại của một thể chế. Vận động nhân quyền không phải là vận động chính trị mà nhằm bảo vệ nền tảng giá trị chung của nhân loại, để xã hội được phát triển trong hòa bình và đem lại tiến bộ chung. Cho nên chúng ta không nên nhìn nhân quyền dưới lăng kính chính trị. Mà cần nhìn nhân quyền như một điều đương nhiên mà con người phải có. Những quyền này một phần cũng đã được quy định trong luật pháp và hiến pháp Việt Nam.

Vấn đề bây giờ chỉ là thực hiện nó. Còn những điểm chưa phù hợp thì phải tiếp tục hoạt động để thay đổi, cải thiện. Tôi cho rằng cần phi chính trị hóa nhân quyền.

 

BBC (01.02.2024)