Seite auswählen

Không khí sắm Tết

GETTY IMAGES Khung cảnh sắm Tết tại Hà Nội

 

 

Nguyễn Mạnh Hà

Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội

 

 

‘Con rồng Quảng Trị đẹp nhất’. ‘Rồng Sài Gòn có tới hai hạt châu, thật là một sáng tạo thảm hại’. Trước Tết Nguyên đán, chuyện linh vật lại trở thành đề tài bàn tán xôn xao trên mạng.

Những năm gần đây đã thành tục lệ, trước thềm năm mới các cụm trang trí con giáp của năm lại được dựng lên ở trung tâm của các thành phố, huyện lị. Một số khu du lịch, trung tâm mua sắm, thậm chí mặt tiền cửa hàng cũng trang trí hình con giáp cầu kỳ để hút khách.

Đáng lưu ý là hầu như không ai nhắc đến tên tuổi của những người làm ra những tác phẩm trang trí được chú ý này.

Đẹp thôi chưa đủ

Mô hình rồng được đặt ở Hoàng Thành Thăng Long, hình ảnh chụp ngày 30/1/2024

GETTY IMAGES Mô hình rồng được đặt ở Hoàng Thành Thăng Long, hình ảnh chụp ngày 30/1/2024

Những hình trang trí (tạm gọi là linh vật) con giáp dù đẹp dù xấu cũng sẽ được báo chí đưa rình rang và trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội trong khoảng thời gian từ Tết tây đến Tết ta. Như năm nay có hình rồng của một khu du lịch ở Quảng Xương bị chê gầy ốm quá nên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa phải cho người xuống kiểm tra… giấy phép xây dựng.

Một số khu du lịch qua lưu trữ hình ảnh của cư dân mạng cho thấy có thâm niên làm linh vật xấu lạ kỳ. Có thể do họ chỉ tín nhiệm đúng tác giả đó hoặc cố tình làm xấu để được nhắc tới.

Rồng là con vật tưởng tượng và về tỷ lệ khá dễ làm so với nhiều con giáp khác. Hầu như chỉ cần tập trung tạo tác phần đầu theo những mẫu có sẵn. Vì thế xác suất linh vật xấu năm nay ít hơn hẳn các năm, như năm hổ chẳng hạn.

Cá hoá Long của hoạ sỹ Lê Thiết Cương

LÊ THIẾT CƯƠNG Cá hoá Long của hoạ sỹ Lê Thiết Cương

Nhưng một điều không thay đổi là vẫn chưa thấy tác phẩm con giáp nào công bố tên tác giả, trừ nghệ nhân Đinh Văn Tâm (Quảng Trị) nổi lên từ 2022.

Dù sao thì nếu linh vật con giáp vẫn có công năng như một tác phẩm điêu khắc tạm thời ngoài trời. Nếu ngoài công dụng trang trí, nó còn chuyên chở một thông điệp văn hóa, nghệ thuật nào đó chẳng phải tốt hơn sao? Nhưng dường như những nghệ sĩ chuyên nghiệp không được tin tưởng để giao công việc này (?).

Rồng mùa xuân của Thái Nhật Minh

THÁI NHẬT MINH Rồng mùa xuân của Thái Nhật Minh

Nhà điêu khắc Thái Nhật Minh công nhận: “Việc có nghệ sĩ chuyên nghiệp được đào tạo làm công trình như thế tôi nghĩ rất khó. Ngoài thẩm mỹ của chính quyền địa phương, các ban ngành, còn mắc ở cơ chế. Ngoài ra, đó cũng chỉ những tác phẩm nhất thời nên để làm thành một cái gì hay mà chuyên nghiệp thì khó.”

Nhưng anh cũng sẵn sàng tham gia nếu nhận được lời mời phù hợp và khẳng định tiền nong không phải vấn đề, chỉ cần đủ kinh phí.

“Tôi sẵn sàng và rất vui được chia sẻ nghệ thuật của mình với công chúng. Đó là điều điêu khắc nên làm. Vì không gian của điêu khắc là công cộng, ngoài trời. Chứ điêu khắc hiện nay ở Việt Nam chỉ bó gọn trong không gian kín, không giống các nước phương Tây, nơi điêu khắc được tiếp cận trực tiếp với công chúng,” anh nói.

Rồng Mùa Xuân #21, Thái Nhật Minh

NVCC Rồng Mùa Xuân #21, Thái Nhật Minh

Năm ngoái, công chúng Đà Nẵng và cả nước đã tình cờ được tiếp cận với linh vật mèo là tác phẩm nghệ thuật hẳn hoi nhưng lại của một tác giả Hàn Quốc.

Địa phương này đã cho nhái lại mà không xin phép hoặc cũng không biết nó có chủ để mà xin phép. Kết quả là Đà Nẵng đã phải gỡ bỏ theo yêu cầu tác giả. Nhưng dù có bị kết luận là vi phạm bản quyền hay không thì mỗi sản phẩm linh vật hằng năm vẫn nặng về sao chép hiện thực hoặc những khuôn mẫu có sẵn.

Thỏa hiệp hay không?

Thái Nhật Minh đưa ra một giải pháp trung hòa: Để cho nghệ sĩ kết hợp, đứng sau đưa ra ý tưởng cho nghệ nhân thực hiện.

Trước câu hỏi nếu tham gia thực hiện linh vật ngày Tết, liệu có đồng ý thỏa hiệp để tác phẩm gần gũi với công chúng hơn, Thái Nhật Minh khẳng định đó là điều đương nhiên: “Khi tác phẩm đặt ở không gian công cộng, đương nhiên phải thỏa mãn những điều kiện nhất định để phù hợp với đại đa số công chúng.

Và đương nhiên sẽ phải đáp ứng những mong muốn của chủ đầu tư trong giới hạn mà mình có thể đảm bảo được tính nghệ thuật của mình, miễn là nó hay ho và có thể chia sẻ.”

Rồng mùa xuân của Thái Nhật Minh

THÁI NHẬT MINH Rồng mùa xuân của Thái Nhật Minh

Họa sĩ Lê Thiết Cương lại có quan điểm khác: “Tôi không thỏa hiệp, tôi làm theo cái tôi thích. Thứ nhất, tôi bán được, tôi có khách hàng của tôi rồi. Năm nay tôi vẽ 13 tranh rồng bán hết, chả còn tranh nào, làm sao phải thỏa hiệp! Thứ hai, tôi không làm to vì tôi là một người Việt toàn tòng về tâm lý sáng tạo. Tôi chỉ làm theo tinh thần tối giản của tôi.”

Họa sĩ cho biết thêm: “Từ thời Đông Sơn cho tới Lý Trần với thạp đồng Đào Thịnh hay tượng A Di Đà chùa Phật tích đã cho thấy cái hay cái đẹp, cái tâm lý sáng tạo của người Việt không nằm ở to. Một con chó đá rất bé nhưng đẹp.

Rồng mùa xuân của Thái Nhật Minh

THÁI NHẬT MINH Rồng mùa xuân của Thái Nhật Minh

Chứ tâm lý dân tộc của người Champa khác mình. Campuchia có Angkor Thom, Angkor Wat cực hoành tráng thì đấy là tạng tính dân tộc của họ… Mấy ông nghệ sĩ hiện đại bảo tôi thích to thì to cũng được nhưng vấn đề là phải đẹp.”

Con giáp năm nay có vẻ là nguồn cảm hứng với không ít nghệ sĩ. Ngoài tranh, Lê Thiết Cương còn trưng bày tượng rồng gò sắt, đĩa gốm vẽ rồng. Anh không chỉ bán được tranh rồng mà còn đưa chúng vào một bộ lịch do một công ty bất động sản đặt in tặng cho khách hàng. Với giá bàn giao khá mềm 160.000 đồng/cuốn.

Thái Nhật Minh giới thiệu bộ tượng Rồng mùa xuân 24 con với những dáng vẻ màu sắc khác nhau. Anh cũng nói rõ nếu làm to đặt ở nơi công cộng thì sẽ phải thiết kế khác đi chứ không thể tự động lấy mẫu bày trong nhà phóng to đưa ra ngoài trời.

Rồng Mùa Xuân #15, Thái Nhật Minh

NVCC Rồng Mùa Xuân #15, Thái Nhật Minh

“Nghệ sĩ mỗi người một lĩnh vực, một kinh nghiệm trong không gian cá nhân của mình. Tìm nghệ sĩ phù hợp với không gian công cộng rất khó. Mỗi một tỉnh thành, địa phương lại có những đặc trưng riêng cần tìm hiểu để làm gì cho hợp,” anh nhấn mạnh.

Đặc tính phù du, nhất thời của các chất liệu dùng để dựng lên linh vật hằng năm cũng không hấp dẫn Lê Thiết Cương: “Nếu tôi làm một tác phẩm linh vật hoặc điêu khắc nói chung, tôi làm theo quan điểm nghệ thuật của tôi. Trước tiên nó là một tác phẩm chứ nó không phải là con rồng hay con Tí con Sửu gì. Và là tác phẩm nên nó tồn tại mãi.”

Tóm lại, chưa biết đến bao giờ thì xã hội và nhu cầu thưởng thức của công chúng Việt Nam mới phát triển đến mức cần các nghệ sĩ chuyên nghiệp trang trí đường hoa xuân hay quảng trường ngày Tết. Hoặc cũng có thể phát triển đến một mức mà người ta thậm chí chẳng còn quan tâm tới những thứ hình thức đó nữa…

Tượng rồng lấy cảm hứng cầu Long Biên của hoạ sỹ Lê Thiết Cương

Tượng rồng lấy cảm hứng cầu Long Biên của hoạ sỹ Lê Thiết Cương

Còn bây giờ, như Lê Thiết Cương kể mấy người bạn văn nghệ sĩ của anh cũng bàn tán rôm rả về linh vật rồng. “Họ nói tại sao Đà Nẵng hay TP HCM phải làm những con rồng to như thế,” họa sĩ thuật lại. “Họ bảo dùng to để khỏa lấp đi cái thấp kém về thẩm mỹ, từ đó suy ra tâm lý thiếu tự tin của cả một dân tộc.

Không chỉ rồng đâu mà ở cái nước này rất hay đưa kỷ lục to chứ không phải kỷ lục hay. Nào là cốc cà phê to, bánh giầy to…”

Những thứ to chưa chắc đã có giá trị sử dụng tương xứng hoặc đơn giản chỉ để làm hình ảnh. Nhưng dù sao cái gì đã xuất hiện cũng có lý do cả. Trước mắt những con rồng to sẽ đem lại niềm vui cho nhiều người có nhu cầu chụp ảnh đăng lên mạng. Và người ta tin rằng việc đó có thể góp phần quảng bá cho địa phương về văn hóa, du lịch…

Rồng của nghệ sĩ chắc gì đã hợp nhãn số đông! Cho nên giới nghệ nhân sẽ còn độc chiếm thị trường linh vật con giáp hằng năm dài dài.

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả Nguyễn Mạnh Hà từ Hà Nội.