Seite auswählen

Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện EU hôm 14/2/2024 thảo luận về cơ chế giám sát việc thực hiện Điều khoản Nhân quyền. Photo Europa.

 

Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Liên hiệp Châu Âu (EU) hôm 14/2 thảo luận về cơ chế giám sát việc thực hiện Điều khoản Nhân quyền trong các hiệp định với nước ngoài, trong đó nêu bật tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như là trường hợp điển hình.

 

Trong hội thảo về các công cụ và cơ chế thực hiện điều khoản nhân quyền trong các thỏa thuận của EU với các nước đối tác, các nghị viên thuộc Tiểu ban Nhân quyền đã thảo luận với các chuyên gia về các chính sách của EU, bao gồm các nghiên cứu điển hình về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, Ethiopia và Tunisia.

 

Trong thông cáo đưa ra ngay sau phiên họp, tiểu ban này tuyên bố đã phát hiện ra khoảng cách giữa các quy định pháp lý của EU đối với các chính sách đối ngoại và việc thực thi hiệu quả điều khoản nhân quyền với các quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam.

 

“Xem xét tính hiệu quả của các đề xuất nâng cấp các điều khoản nhân quyền trong các hiệp định của EU với Việt Nam, Ethiopia và Tunisia, ba quốc gia có tình hình nhân quyền xấu đi trong những năm gần đây”, thông cáo viết.

“Tại Việt Nam, cuộc đàn áp xã hội dân sự ngày càng gia tăng và chính phủ tiếp tục đàn áp các quyền dân sự và chính trị cơ bản”, Tiến sĩ Narin Idriz, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện T.M.C. Asser ở Hà Lan, phát biểu tại phiên thảo luận được Nghị viện EU tường thuật trực tiếp.

 

Bà Gaelle Dusepulchre, phó chủ tịch của tổ chức phi chính phủ Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), phát biểu rằng cơ chế hiện tại chưa hiệu quả để giám sát việc thực thi Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), trong đó có yêu cầu đảm bảo nhân quyền và quyền của người lao động.

“FIDH không tin rằng các cơ chế hiện có có đủ khả năng để đảm bảo việc thực hiện đúng đắn các cam kết nhân quyền”.

Bà Dusepulchre hiện là Phó Chủ tịch Nhóm Tư vấn Nội địa (DAG) của EU cho việc thực thi EVFTA.

Các chuyên gia và các nghị viên kết luận rằng việc giám sát và thực thi các điều khoản nhân quyền của EU chưa đạt hiệu quả, vẫn theo thông cáo.

 

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về buổi hội thảo này của Tiểu ban Nhân quyền thuộc Nghị viện EU, nhưng chưa được phản hồi.

 

Hiệp định EVFTA, được EU và Việt Nam ký vào ngày 30/6/2019 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, bao hàm không chỉ các quy định về thương mại theo nghĩa rộng, mà cả các quy định về quyền con người. Trong đó, EVFTA yêu cầu tôn trọng các quy định về nhân quyền là một nguyên tắc cốt lõi.

 

Có thế mạnh là một thị trường chung rộng lớn gồm 27 quốc gia thành viên, EU là một trong những đối tác thương mại có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới và luôn gắn các giá trị về nhân quyền, phát triển bền vững trong các chính sách kinh tế đối ngoại.

 

“Chúng ta có triển vọng bước vào một thế giới đa cực, nơi các cấu trúc cạnh tranh và hợp tác mới sẽ được thiết lập. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của EU trong những năm tới là phát triển các chính sách đối ngoại theo mục tiêu và theo cam kết quốc tế của chúng tôi, trước hết là bảo vệ một trật tự dựa trên luật lệ đa phương, thực hiện công bằng xã hội và nhân quyền”, ông Udo Bullmann, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền EU đưa ra nhận định trong thông cáo.

 

Cuối buổi thảo luận, các nghị viên và các chuyên gia đưa các khuyến nghị về cách thực thi và giám sát việc thực hiện điều khoản nhân quyền.

 

Họ yêu cầu rằng các kết quả của các cơ quan giám sát phải dễ tiếp cận và minh bạch; các nhóm DAG nên có thẩm quyền rộng hơn để tập trung vào trọng tâm nhân quyền cụ thể; cần thiết lập một cổng thông tin giải quyết khiếu nại mới và riêng biệt; cũng như cần có sự tham gia tích cực với các tổ chức xã hội dân sự.

 

Như VOA đã đưa tin, hồi tháng 4/2023, phái đoàn gồm 6 nghị viên của Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện EU có chuyến công du đến Việt Nam và sau đó đưa ra nhận định bày tỏ “quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam”.

 

Thông cáo của các nghị viên EU đặc biệt quan ngại về không gian dành cho xã hội dân sự bị thu hẹp, việc lạm dụng “các quy định mơ hồ” của Bộ Luật Hình sự để đàn áp những tiếng nói phản biện, sách nhiễu các nhà hoạt động, đàn áp về quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là trong không gian trên mạng, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng nước này tôn trọng các quyền căn bản của con người, chỉ bắt giam và xét xử “những ai vi phạm pháp luật”.

 

VOA (15.02.2024)