Seite auswählen

Chụp lại hình ảnh, Bốn nhà hoạt động môi trường (từ trái qua): Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương, Ngụy Thị Khanh cùng chịu án tù vì tội trốn thuế. Trong số này, bà Khanh và ông Lợi đã được trả tự do.

 

Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc hôm 14/2 đã gửi báo cáo kêu gọi Chính phủ Việt Nam ngừng nhắm mục tiêu, kết án và ngược đãi những người bảo vệ nhân quyền sau khi ông Đặng Đình Bách bắt đầu tuyệt thực lần thứ ba để phản đối điều kiện giam giữ.

“Chúng tôi vô cùng quan ngại về sự an toàn và phúc lợi của luật sư, người bảo vệ nhân quyền môi trường, luật sư Đặng Đình Bách. Ngoài tình trạng phân biệt đối xử trong giam giữ, còn có thông tin cho rằng ông Bách bị hành hung, đánh đập trong tù,” các chuyên gia cho biết.

Ông Đặng Đình Bách từng là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD).

Ông bị bắt vào ngày 24/6/2021 và bị kết án năm năm tù về tội “trốn thuế theo điều 200 Bộ luật Hình sự”.

“Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tác động đáng sợ mà việc ngược đãi và tước đoạt tự do đối với ông Bách gây ra đối với các quyền tự do cơ bản về hội họp và biểu đạt ôn hòa ở Việt Nam, những quyền rất quan trọng để người dân được tham gia vào các vấn đề chung, kể cả liên quan đến biến đổi khí hậu,” các chuyên gia nêu rõ.

Trong Bản Ý kiến số 22/2023Tổ Công tác về Giam giữ Tùy tiện của LHQ đã kết luận việc tước quyền tự do của ông Đặng Đình Bách là tùy tiện.

Ông Bách bị biệt giam trong thời gian bị giam giữ trước khi xét xử và sau khi tuyên án, bị truy tố trong một phiên tòa kín và không được phép tiếp xúc đầy đủ với luật sư của mình.

Ông Đặng Đình Bách hiện đang bị giam tại Nhà tù số 6 tỉnh Nghệ An, trong khu dành riêng cho tù nhân chính trị. Ông Bách phụ thuộc vào thực phẩm gia đình gửi vào để có thể theo chế độ ăn chay của mình. Ông không có bất kỳ nguồn cung cấp nào khác, bao gồm sách hay vật dụng vệ sinh. Ông cũng không được cấp nước nóng và các loại thuốc cổ truyền. Gia đình và luật sư chỉ được thăm gặp ông rất hạn chế.

“Ông Bách lẽ ra không cần phải tuyệt thực để yêu cầu pháp luật phải được thực thi đúng đắn và điều kiện nhà tù phải được cải thiện,” các chuyên gia của Liên Hợp Quốc nêu rõ và khẳng định việc tước đoạt tự do và ngược đãi trong tù không nên được chính phủ Việt Nam sử dụng như một công cụ để bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền và thành viên các tổ chức xã hội dân sự đang làm việc liên quan đến các vấn đề nhạy cảm.

“Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu chính quyền Việt Nam ngừng ngược đãi ông Bách trong trại giam và đảm bảo các điều kiện cũng như việc tiếp cận của ông phù hợp với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam”.

Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã liên hệ với Chính phủ Việt Nam về Nghị định số 80/2020, hạn chế tiếp cận viện trợ nước ngoài, về việc bắt giữ tùy tiện và tước đoạt tự do của 18 người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và nhà hoạt động, giam giữ dài hạn và bị cáo buộc giam giữ tùy tiện 43 người bảo vệ nhân quyền và tiếp tục giam giữ ông Đặng Đình Bách.

 

‘Phản đối bản án bất công’

Ông Đặng Đình Bách tuyên bố thông qua gia đình về việc tuyệt thực hồi giữa năm 2023 nhằm “phản đối bản án bất công” và “yêu cầu được trả tự do ngay lập tức”.

Trả lời BBC hồi tháng 5/2023, bà Trần Phương Thảo, vợ ông Bách, nói rằng ông đã tuyệt thực từ hồi tháng Ba và rằng ông nói ‘sẽ tuyệt thực đến chết’ để đòi công lý phải được thực thi.

Trước đó, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội yêu cầu truy thu số tiền cáo buộc trốn thuế 1,381 tỷ đồng, nhưng ông Bách nói: “Tôi không đồng ý với bản án sơ thẩm và phúc thẩm.”

Ông Đặng Đình Bách là thạc sĩ luật về hành chính và quản lý nhà nước.

Ông từng làm việc tại Bộ Nội vụ, sau đó làm việc tại Thời báo Kinh tế trực thuộc Bộ Công thương, là trưởng ban Trị sự Tạp chí Pháp luật và Phát triển thuộc Hội Luật gia Việt Nam.

Ông Bách đồng thời là điều phối viên quốc gia của mạng lưới Pháp luật Mekong nhằm bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực lên môi trường của các tập đoàn quốc tế.

Ông Bách, cùng ông Mai Phan Lợi, là thành viên của Dự án Chính phủ Mở, một mạng lưới không chính thức dành riêng cho xã hội dân sự, dân chủ hóa, minh bạch… cùng một số mạng lưới khác.

Trong số đó, một diễn biến quan trọng được coi là có thể liên quan đến việc ông Bách bị bắt giữ là việc ông đang vận động để tham gia vào Nhóm Tư vấn trong nước (DAG) nhằm yêu cầu chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho các tiêu chuẩn lao động và bền vững mà họ đặt ra trong hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU).

 

BBC (15.02.2024)

 

 

 

 

Bao giờ thì các tổ chức độc lập đại diện người lao động được thành lập?

Để thực thi những cam kết về lãnh vực lao động sau khi tham gia vào những hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP, nhà nước Việt Nam sửa đổi Bộ luật lao động 2019, cho phép thành lập các “tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp“. Các tổ chức này được hoạt động độc lập, được bình đẳng với Công đoàn cơ sở –  là tổ chức trực thuộc đảng CSVN – về quyền và nghĩa vụ. Đồng thời Việt Nam cam kết phê chuẩn các Công ước cơ bản của tổ chức lao động quốc tế (ILO).

 

Nhà nước trì hoãn việc thành lập tổ chức độc lập đại diện người lao động tại doanh nghiệp

 

Thế nhưng, tại thời điểm đầu năm 2024, Công ước ILO quan trọng nhất là Công ước 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ Quyền Tổ chức vẫn chưa được phê chuẩn. Các tổ chức đại diện người lao động vẫn chưa thành hình bởi nhà nước Việt Nam không ban hành các Nghị định hướng dẫn việc đăng ký các tổ chức này, mặc dù Bộ luật lao động đã cho phép.

Trên giấy tờ thì nhà nước đã có những văn bản về việc ban hành Nghị định hướng dẫn thành lập những tổ chức đại diện người lao động cũng như việc phê chuẩn các Công ước ILO theo thứ tự thời gian như sau:

 

11/03/2019: 

Văn bản số 290/QĐ-LĐTBXH do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) với tên gọi: “Quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP)“ Trong Quyết định này có phần nội dung xây dựng hồ sơ và tiến hành các công việc trình phê chuẩn Công ước 98,105 và 87 của ILO. Đơn vị chủ trì là Vụ Pháp chế. Thời gian thực hiện 2019-2023.

Quyết định này đặt ra vấn đề cần có cơ quan thực hiện việc đăng ký hoạt động đối với những tổ chức của người lao động nằm ngoài hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt nam“. Đơn vị chủ trì là Cục Quan hệ lao động và tiền lương+Vụ Tổ chức cán bộ. Thời gian chuẩn bị 2019-2020.

 

03/09/2020:

Bộ LĐ-TB&XH ban hành Văn bản Số 1061/QĐ-LDTBXH) với tên gọi “Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)“. Trong văn bản này có đề mục xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình gia nhập Công ước số 87 của ILO về tự do hiệp Thời gian thực hiện 2020-2023. Một đề mục khác là: Rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động. Thời gian thực hiện 2020-2025.

 

27/3/2023:

Một văn bản của Bộ Tư pháp mang tên “Dự thảo Đề án ban hành chương trình hành động quốc gia, hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam“ cho biết là Bộ LĐ-TB&XH sẽ “chủ trì nghiên cứu xây dựng và trình chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp“ với mốc thời gian hoàn thành là năm 2025 (1).

 

14/07/23:

Dự thảo nói trên trở thành văn bản chính thức số 843/QĐ-TTg với tên gọi: “Quyết định ban hành chương trình hành động quốc gia… giai đoạn 2023-2027“ do Phó thủ tướng Trần lưu Quang ký. 

 

Trong lãnh vực lao động, Quyết định này, khác với Dự thảo, không đề cập tới tổ chức đại diện người lao động. Câu viết ở Dự thảo có tính ràng buộc: “trình chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về thành lập tổ chức và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp“ bị gạch bỏ hoàn toàn, được thay thế bằng một đoạn có tính cách chung chung như sau:

“Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các luật, quy định liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền lao động, phúc lợi của người lao động trong quan hệ lao động, việc làm đảm bảo tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam đã tham gia (gồm: Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành)“(2).

Đáng chú ý là Luật Lao động không nằm trong số các luật sẽ được “rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung“ mặc dù Bộ luật này có nhiều bất cập.

 

Quốc tế quan tâm tới việc thành lập các tổ chức đại diện người lao động ở Việt Nam như thế nào?

Việc tuân thủ những cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do EVFTA, TPTPP bảo đảm một môi trường công bằng trong việc sản xuất và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia thành viên với nhau. Mỗi quốc gia không được gia tăng lợi thế cạnh tranh của mình bằng cách hạ giá thành của sản phẩm qua việc bóc lột sức lao động của công nhân hay tàn phá môi trường.

Do đó vấn đề Việt Nam phê chuẩn các Công ước ILO cũng như việc thực thi Bộ luật Lao động 2019 được Tổ chức Lao động Quốc tế ILO cũng như các quốc gia thành viên khác của các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP) lưu tâm theo dõi:

 

Tổ chức lao động Quốc tế (ILO):

Trong năm 2023 tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã 2 lần tiếp xúc với Ủy ban xã hội Quốc hội Việt Nam:

Sáng 21/02/2023 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tiếp bà Chihoko Asada-Miyakawa Giám đốc ILO khu vực Châu Á -Thái Bình Dương (3).

Chiều 18/10/2023 đoàn Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) do bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam làm trưởng đoàn, đã làm việc với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong. Hai bên đã trao đổi về các nội dung liên quan tới Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng như quyền tự do hiệp hội của người lao động (4).

 

Chính phủ Canada:

Ngày 15/03/2023 chính phủ Canada đồng ý xét đơn của một hội đoàn người Việt tại Canada tố cáo chính phủ Việt Nam vi phạm quy định về lao động trong chương 19 của Hiệp định CPTPP. Tới nay chưa có thông tin thêm về vụ việc này(5). 

 

Bộ Lao động Hoa kỳ:

Ngày 15/11/2023 “Đối thoại lao động Việt Nam – Hoa Kỳ” lần thứ 17 giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động Hoa Kỳ đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hai bên đã thảo luận các nội dung về việc thực thi Bộ Luật lao động sửa đổi năm 2019, nhất là các nội dung liên quan đến tổ chức đại diện của người lao động, kế hoạch sửa đổi Luật Công đoàn và cập nhật về các lĩnh vực hợp tác với Hoa Kỳ.

Tại “Đối thoại“ này, ông Ngô Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) biện hộ về việc trì hoãn ban hành Nghị định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể. Ông Ngô Hoàng hứa hẹn “sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan để hoàn tất quy trình tham vấn nội bộ và các thủ tục theo quy định để trình Chính phủ ban hành Nghị định trong thời gian sớm nhấtdự kiến nửa đầu năm 2024“(6). 

 

Liên minh Âu châu/ Báo cáo của nhóm tư vấn trong nước DAG (EU Domestic Advisory Group)

Ngày 27-28/11/2023 vừa qua tại Bruxels, nhóm EU DAG và Việt Nam DAG đã có phiên họp chung lần thứ 3. Báo cáo của nhóm EU DAG trong dịp này nhấn mạnh: nhân quyền là một yếu tố thiết yếu của Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU-VN và do đó bao trùm toàn bộ EVFTA. 

Về vấn đề lao động, Báo cáo viết tiếp bằng một ngôn từ mạnh mẽ hiếm thấy như sau:

“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam thực hiện đúng cam kết đã đưa ra trước khi thực thi EVFTA và phê chuẩn Công ước C87 của ILO về Tự do Hiệp hội ngay lập tức. Chúng tôi cũng mong muốn thấy kế hoạch làm việc về Quyền lao động được triển khai hiệu quả và nhanh chóng, cũng như việc thông qua và đưa vào hiệu lực nghị định về đại diện của người lao động và thương lượng tập thể.“(7).

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW)

Ngày 04/01/2024 ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW kêu gọi khối 27 quốc gia của EU nên có các hành động cụ thể đối với sự vi phạm nhân quyền của Việt Nam:

Thay vì tiếp tục bị đùa giỡn, EU nên bắt đầu vạch ra các biện pháp để bắt đầu thu hồi các lợi ích theo EVFTA cho đến khi Hà Nội thực sự duy trì các cam kết bảo vệ quyền lợi, cho phép thành lập các công đoàn độc lập và thực hiện các cải cách môi trường thực sự, song hành với xã hội dân sự”(8).

 

Bao giờ Việt Nam ban hành Nghị định hướng dẫn thành lập các tổ chức đại diện độc lập?

Từ khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực đến nay đã hơn 4 năm mà vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn việc thành lập các tổ chức đại diện độc lập.Người viết cho rằng việc nhà nước Việt Nam ban hành Nghị định có thể tùy thuộc những yếu tố sau

 

Tùy thuộc vào việc thông qua Luật Công đoàn sửa đổi

Về phía Việt Nam, để bào chữa cho việc trì hoãn ban hành nghị định, đại diện Bộ LĐ-TB&XH “phân bua“ với Bộ Lao động Hoa kỳ trong phiên họp ngày 15/11/2023 rằng:  “Đây cũng là Nghị định có nhiều nội dung mới, phức tạp, lần đầu tiên được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam nên cần có quá trình nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng sao cho vừa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm và trình độ phát triển của quan hệ lao động của Việt Nam nên cần thêm thời gian để trao đổi, thảo luận…“. “Ngoài ra, Nghị định có một số nội dung liên quan đến Luật Công đoàn trong khi Luật Công đoàn cũng đang trong quá trình xem xét để sửa đổi, bổ sung nên cần có sự phối hợp, điều phối bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật“(6).

 

Tùy thuộc vào tiến trình “đổi mới“ của Công đoàn Việt Nam

Đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam thì việc phải cạnh tranh với các tổ chức khác “là nhiệm vụ mới, khó khăn, nặng nề, chưa có tiền lệ“ (9). Để đáp ứng với những đòi hỏi của tình hình mới này, Công đoàn phải đổi mới từ chủ trương tới phương thức hoạt động. Đồng thời Công đoàn phải chiêu dụ thêm nhiều đoàn viên (chỉ tiêu thêm 1 triệu đoàn viên trong năm 2024, đưa tổng số đoàn viên lên tới 15 triệu trong năm 2028), cũng như 100% doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở như nghị quyết của Đại hội Công đoàn kỳ thứ 13 đề ra. Đó là chiến thuật “lấy thịt đè người“ trong cuộc cạnh tranh sau này với các tổ chức độc lập. 

Thêm vào đó nhà nước yểm trợ tối đa Công đoàn bằng cách trì hoãn lâu như có thể việc ban hành Nghị định thành lập hợp pháp các tổ chức đại diện độc lập. 

Ta có thể cho rằng các tổ chức độc lập chỉ sẽ được phép hoạt động sau khi Công đoàn có đủ sức mạnh đè bẹp các tổ chức độc lập này. Mốc thời gian có thể là 2028. Vào thời điểm này Công đoàn có thể sẽ có 15 triệu đoàn viên và 100% doanh nghiệp có thể sẽ có Công đoàn cơ sở.

 

Tùy thuộc vào việc thực thi nghiêm chỉnh các hiệp định thương mại tự do 

Những hiệp định thương mại tự do (EVFTA, TPTPP) mà Việt Nam đã ký kết đều có những điều khoản về lao động.

Liên quan tới EVFTA, những báo cáo về lao động của cơ quan giám sát DAG sẽ được chuyển đến “Ủy ban Thương mại và phát triển bền vững“. Nếu có những bất đồng, cơ chế “tham vấn chính phủ“ và “hội đồng chuyên gia“ sẽ tìm kiếm một giải pháp hay hành động thích hợp.

Hiệp định CPTPP có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Việt nam có thời hạn ân huệ 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (14/01/2019) để chuẩn bị, thay đổi luật pháp tương ứng. Trong thời gian này những vi phạm cam kết về tự do liên kết và thương lượng tập thể không bị trừng phạt.

Trong 2 năm tiếp theo đó (cụ thể là từ 14/01/2024 tới 14/01/2026) những vi phạm sẽ được các bên rà soát trong khuôn khổ Hội đồng lao động theo điều 19.12 hiệp định CPTPP. Bước kế tiếp là đối thoại có tính chất hợp tác với quốc gia vi phạm. Sau đó là bước tham vấn có khả năng giảng hòa, nơi mà đôi bên có thể sử dụng chuyên gia độc lập, tư vấn. Bước cuối cùng là cơ chế giải quyết tranh chấp, có thể dẫn tới đình chỉ ưu đãi hay trừng phạt thương mại.

 

oOo

Tóm lại, trên giấy tờ Việt Nam đã có những văn bản chuẩn bị cho việc thành lập các tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp với những mốc thời gian khác nhau:2020, nửa đầu năm 2024 hoặc 2025. Sau này mốc thời gian không còn được nêu lên. 

Tương tự như vậy, Công ước ILO 87, thoạt tiên được cam kết phê chuẩn trong quãng thời gian 2020-2023, nhưng cho tới nay vẫn chưa được bàn thảo, nói chi tới việc phê chuẩn.

Điều đó có nghĩa là Việt Nam không thực tâm sớm cho phép thành lập các tổ chức độc lập đại diện người lao động cũng như không muốn đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Hiện nay, kể từ ngày 14/01/2024, thời hạn 5 năm ân huệ của hiệp định CPTPP đã qua và để tránh bị trừng phạt thương mại thì Việt Nam phải tuân thủ cam kết trong hiệp định, muộn lắm là thời điểm 2026, sau khi Hội đồng lao động rà soát các vi phạm và các quốc gia thành viên khác của các hiệp định thương mại không nhân nhượng Việt Nam.

Quan trọng là những tiếng nói phản biện cần liên tục cất lên báo động cho dư luận quốc tế và quốc nội, tạo áp lực để Việt Nam nghiêm chỉnh thi hành những cam kết đã ký.

 

T.K.Tran

 

____________________

Nguồn:

  1. https://vibonline.com.vn/du_thao/du-thao-quyet-dinh-ban-hanh-chuong-trinh-hanh-dong-quoc-gia
  2. https://baocaotaichinh.vn/thu-vien/quyet-dinh-so-843-qd-ttg-ban-hanh-chuong-trinh-hanh-dong-quoc-gia-hoan-thien-chinh-sach-va-phap-luat-nham-thuc-day-thuc-hanh-kinh-doanh-co-trach-nhiem-tai-viet-nam-giai-doan-2023—2027-2108502745-235473
  3. https://quochoi.vn/uybanvecacvandexahoi/tintuc/Pages/hoat-dong-doi-ngoai.aspx?ItemID=1710.
  4. https://quochoi.vn/uybanvecacvandexahoi/tintuc/Pages/hoat-dong-doi-ngoai.aspx?ItemID=1798
  5. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/canada-to-review-the-denouncement-of-vn-s-violations-of-cptpp-labor-stipulations-03232023084551.html
  6. https://tapchilaodong.vn/doi-thoai-lao-dong-viet-nam-hoa-ky-gop-phan-lam-sau-sac-hon-nua-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-giua-hai-nuoc-1329529.html
  7. https://www.eesc.europa.eu/sites/default/files/files/eu-vn_dag_-_3rd_dag-to-dag_meeting_2023_-_eu_dag_statement_final.pdf
  8. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hrw-urges-eu-to-revokei-benefits-under-evfta-due-to-human-rights-violations-in-vietnam-01042024070641.html?fbclid=IwAR3qZk9InxMqWY_w7613X-WfXNdE5J6JoNEIwL-3TuRzgtOJmx8hgcBO7Pk
  9. https://www.vietnam.vn/8-kien-nghi-cua-doan-vien-nguoi-lao-dong-va-to-chuc-cong-doan-doi-voi-dang-nha-nuoc/

 

 

VNTB (16.02.2024)

 

 

 

 

 

Việt Nam: Chuyên gia Liên Hiệp Quốc quan ngại về tình trạng của nhà hoạt động Đặng Đình Bách

 

Trong thông cáo hôm 14/02/2024, các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại về tình trạng của nhà hoạt động bảo vệ môi trường Đặng Đình Bách và kêu gọi Việt Nam ngừng « truy bắt », ngừng « giam giữ trong những điều kiện tồi tệ » những nhà hoạt động nhân quyền và môi trường.

 

Luật sư, nhà bảo vệ môi trường Đặng Đình Bách, bị bắt ngày 24/06/2021. © twitter.com/IHSR

 

Luật sư Đặng Đình Bách là một nhà hoạt động đã lên tiếng về nạn ô nhiễm môi trường tại Việt Nam và những ảnh hưởng đến đời sống của người dân từ các dự án điện than và dự án công nghiệp gây ô nhiễm khác.

Ông đã bị bắt hồi tháng 6/2021 và sau đó bị tuyên án 5 năm tù vì tội « trốn thuế ». Trong phiên xử phúc thẩm tháng 8/2022, tòa đã xử y án. Luật sư Bách đã ba lần tuyệt thực để phản đối bản án này.

Trong bản thông cáo, 10 chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc bày tỏ « quan ngại sâu sắc về mức độ an toàn và những điều kiện giam giữ nhà bảo vệ môi trường Đặng Đình Bách ». Bản thông cáo nói rõ là ông Đặng Đình Bách bị « phân biệt đối xử trong trại giam », hay « có thông tin cho rằng ông bị hành hung và đánh đập trong nhà tù ».

Vẫn theo các chuyên gia nói trên, nhà hoạt động môi trường này đã bị « tước đoạt một số quyền tự do cơ bản », trong đó có « quyền hội họp và bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa ». Họ kêu gọi chính quyền Việt Nam « ngừng ngược đãi » luật sư Đặng Đình Bách, « không nên dùng việc tước đoạt tự do và ngược đãi tù nhân như một công cụ để bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền và những tiếng nói trong xã hội dân sự dám đề cập đến những vấn đề nhạy cảm. »

Nhóm chuyên gia độc lập, hay báo cáo viên đặc biệt, tuy làm việc theo ủy quyền của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhưng không phát biểu nhân danh Liên Hiệp Quốc. Các báo cáo viên đặc biệt này tham gia «Thủ tục Đặc biệt » của Hội đồng Nhân quyền (Special Procedures), tức « cơ quan chuyên gia độc lập lớn nhất trong hệ thống các cơ quan phụ trách Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc », có nhiệm vụ « giám sát và tìm hiểu một cách độc lập » về thực trạng nhân quyền tại các nơi trên thế giới.

 

RFI (15.02.2024)

 

 

 

 

 

Nghị viện EU thảo luận cơ chế giám sát nhân quyền, xoáy vào Việt Nam

Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện EU hôm 14/2/2024 thảo luận về cơ chế giám sát việc thực hiện Điều khoản Nhân quyền. Photo Europa.

 

Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Liên hiệp Châu Âu (EU) hôm 14/2 thảo luận về cơ chế giám sát việc thực hiện Điều khoản Nhân quyền trong các hiệp định với nước ngoài, trong đó nêu bật tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như là trường hợp điển hình.

Trong hội thảo về các công cụ và cơ chế thực hiện điều khoản nhân quyền trong các thỏa thuận của EU với các nước đối tác, các nghị viên thuộc Tiểu ban Nhân quyền đã thảo luận với các chuyên gia về các chính sách của EU, bao gồm các nghiên cứu điển hình về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, Ethiopia và Tunisia.

Trong thông cáo đưa ra ngay sau phiên họp, tiểu ban này tuyên bố đã phát hiện ra khoảng cách giữa các quy định pháp lý của EU đối với các chính sách đối ngoại và việc thực thi hiệu quả điều khoản nhân quyền với các quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam.

“Xem xét tính hiệu quả của các đề xuất nâng cấp các điều khoản nhân quyền trong các hiệp định của EU với Việt Nam, Ethiopia và Tunisia, ba quốc gia có tình hình nhân quyền xấu đi trong những năm gần đây”, thông cáo viết.

“Tại Việt Nam, cuộc đàn áp xã hội dân sự ngày càng gia tăng và chính phủ tiếp tục đàn áp các quyền dân sự và chính trị cơ bản”, Tiến sĩ Narin Idriz, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện T.M.C. Asser ở Hà Lan, phát biểu tại phiên thảo luận được Nghị viện EU tường thuật trực tiếp.

Bà Gaelle Dusepulchre, phó chủ tịch của tổ chức phi chính phủ Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), phát biểu rằng cơ chế hiện tại chưa hiệu quả để giám sát việc thực thi Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), trong đó có yêu cầu đảm bảo nhân quyền và quyền của người lao động.

“FIDH không tin rằng các cơ chế hiện có có đủ khả năng để đảm bảo việc thực hiện đúng đắn các cam kết nhân quyền”.

Bà Dusepulchre hiện là Phó Chủ tịch Nhóm Tư vấn Nội địa (DAG) của EU cho việc thực thi EVFTA.

Các chuyên gia và các nghị viên kết luận rằng việc giám sát và thực thi các điều khoản nhân quyền của EU chưa đạt hiệu quả, vẫn theo thông cáo.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về buổi hội thảo này của Tiểu ban Nhân quyền thuộc Nghị viện EU, nhưng chưa được phản hồi. 

 

Hiệp định EVFTA, được EU và Việt Nam ký vào ngày 30/6/2019 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, bao hàm không chỉ các quy định về thương mại theo nghĩa rộng, mà cả các quy định về quyền con người. Trong đó, EVFTA yêu cầu tôn trọng các quy định về nhân quyền là một nguyên tắc cốt lõi.

Có thế mạnh là một thị trường chung rộng lớn gồm 27 quốc gia thành viên, EU là một trong những đối tác thương mại có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới và luôn gắn các giá trị về nhân quyền, phát triển bền vững trong các chính sách kinh tế đối ngoại.

“Chúng ta có triển vọng bước vào một thế giới đa cực, nơi các cấu trúc cạnh tranh và hợp tác mới sẽ được thiết lập. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của EU trong những năm tới là phát triển các chính sách đối ngoại theo mục tiêu và theo cam kết quốc tế của chúng tôi, trước hết là bảo vệ một trật tự dựa trên luật lệ đa phương, thực hiện công bằng xã hội và nhân quyền”, ông Udo Bullmann, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền EU đưa ra nhận định trong thông cáo.

Cuối buổi thảo luận, các nghị viên và các chuyên gia đưa các khuyến nghị về cách thực thi và giám sát việc thực hiện điều khoản nhân quyền.

Họ yêu cầu rằng các kết quả của các cơ quan giám sát phải dễ tiếp cận và minh bạch; các nhóm DAG nên có thẩm quyền rộng hơn để tập trung vào trọng tâm nhân quyền cụ thể; cần thiết lập một cổng thông tin giải quyết khiếu nại mới và riêng biệt; cũng như cần có sự tham gia tích cực với các tổ chức xã hội dân sự.

Như VOA đã đưa tin, hồi tháng 4/2023, phái đoàn gồm 6 nghị viên của Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện EU có chuyến công du đến Việt Nam và sau đó đưa ra nhận định bày tỏ “quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam”.

Thông cáo của các nghị viên EU đặc biệt quan ngại về không gian dành cho xã hội dân sự bị thu hẹp, việc lạm dụng “các quy định mơ hồ” của Bộ Luật Hình sự để đàn áp những tiếng nói phản biện, sách nhiễu các nhà hoạt động, đàn áp về quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là trong không gian trên mạng, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng nước này tôn trọng các quyền căn bản của con người, chỉ bắt giam và xét xử “những ai vi phạm pháp luật”.

 

VOA (15.02.2024)

 

 

 

 

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ quan ngại về sự an toàn trong tù của ông Đặng Đình Bách

Tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách Ảnh do gia đình cung cấp

 

Các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc hôm 14/2 lên tiếng quan ngại về trường hợp của nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách sau khi ông này bắt đầu cuộc tuyệt thực mới nhất để phản đối cách đối xử trong tù.

Ông Đặng Đình Bách bị bắt giam hôm 24/6/2021 và bị tuyên án năm năm tù với cáo buộc tội “Trốn thuế”.

Ông Bách đã tuyên bố bắt đầu tuyệt thực hôm 2/2 nhằm đòi quyền  lợi của tù nhân và phản đối việc bị đố xử hà khắc bởi cán bộ trại giam.

“Chúng tôi bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về những ảnh hưởng liên quan đến cách đối xử hà khắc và tước đoạt tự do của ông Bách lên các tự do cơ bản bao gồm lập hội và bày tỏ ý kiến ôn hòa ở Việt Nam. Sự tham gia của công chúng trong vấn đề này là hết sức quan trọng bao gồm cả vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.” – các chuyên gia của LHQ viết trong thông cáo báo chí.

Luật gia Đặng Đình Bách – nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) – hiện đang bị giam giữ ở Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, nơi cũng đang giam giữ một số tù chính trị khác. Ông phải phụ thuộc vào thực phẩm gia đình cung cấp cho chế độ ăn chay của mình và ông đang không được cung cấp các nhu yếu phẩm bao gồm sách và đồ vệ sinh. Ông cũng không được cung cấp nước nóng cũng như thuốc chữa bệnh. Các liên lạc và thăm gặp của gia đình và luật sư đối với ông Bách cũng bị hạn chế.

Các chuyên gia LHQ trong lĩnh vực nhân quyền trong thông cáo báo chí mới cũng đề cập đến thông tin ông Bách bị tấn công và đánh đập trong tù. Các chuyên gia LHQ bày tỏ quan ngại về sự an toàn của tù nhân lương tâm này.

“Việc tước đoạt các quyền tự do và đối xử hà khắc trong tù không nên được sử dụng như công cụ bởi Chính phủ Việt Nam nhằm bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền và các thành viên xã hội dân sự làm việc trong các lĩnh vực nhạy cảm” – thông cáo báo chí viết.

 

RFA (14.02.2024)