Seite auswählen

„Mình viết những lời này để cảm ơn các anh chị sinh viên dạo đó đã cố gắng gây dựng lại niềm tin cho cộng đồng người Việt sau khi Sàigòn đầu hàng. Tết năm 76 của tổng hội sinh viên tại Paris thực hiện đã giúp mình tìm lại niềm tin của kẻ vô tổ quốc sau khi đến pháp được vài tháng. Họ không gieo rắc hận thù, chỉ nêu cao tình người Việt Nam thương yêu nhau, cùng chung xây dựng lại Việt Nam tươi sáng.“

 

Nguyễn Hoàng Sơn 

 

 Có người nhắn tin hỏi mình về tổng hội sinh viên Việt Nam tại Paris khiến mình ngọng. Lý do là mình chưa bao giờ tham gia hội đoàn sinh viên hay người Việt ở hải ngoại, tại những nơi mình từng sinh sống. Thêm nữa mình chỉ ở Paris có 8 năm, không quen người Việt nhiều nên không biết về sinh hoạt người Việt tại pháp. Tại Ý Đại Lợi thì có quen vài du học sinh, tại Thuỵ Sĩ và Luân đôn thì quen vài người ở chùa. Lý do mình đi làm được một năm hay vài tháng thì bị chuyển đi nơi khác.

 

Mình sang Paris vào cuối năm 1974 nên trễ niên học. Do đó mình ở lại Paris đi làm kiếm tiền thay vì lên Roubaix học ngành kỹ sư dệt như đơn xin đi du học. Tính hè 1975, lên Roubaix chuẩn bị vào năm học tới, ai ngờ 30/4/75 ụp xuống nên mình bỏ mộng trở thành kỹ sư, ở lại Paris, học trường cao đẳng quốc gia mỹ thuật Paris, đến khi tốt nghiệp thì sang Thuỵ Sĩ làm việc rồi cuộc đời đưa đẩy mình qua Luân Đôn rồi đến NEw York. Sau đó dọn qua Cali lập gia đình, xin chọn Hoa Kỳ làm quê hương thứ 3.

 

Học kiến trúc thì ít có sinh viên gốc Việt, mình chỉ quen trong trường hai người học trên mình vài năm, họ sang Tây từ bé thời ông Diệm. Tết năm 75, mình mới sang nên không ăn tết gì cả vì đi làm cũng không nhớ cho đến tết năm 1976 thì hai sinh viên quen, rủ đi hội chợ tết ở Maubert de Mutualité, khu La-tinh. Lúc đó mới hiểu người Việt ở Paris không đơn thuần. Người Việt tại đây được chia làm hai nhóm; một nhóm thân Hà Nội, được gọi là Việt kiều yêu nước, qua hội người Việt tại Pháp với tờ báo Đoàn Kết và một nhóm chống Hà Nội, đa số là sinh viên miền nam du học, không thân cộng qua một tổ chức gọi là Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris với tờ báo Nhân Bản, được thành lập năm 1964. Năm nay đánh dấu 60 năm tổng hội sinh viên Việt Nam được thành lập. Một chặng đường dài, trải qua bao thăng trầm của đất nước vẫn trụ được đến nay, cho thấy đường lối của tổng hội đưa ra khi mới thành lập, có hiệu lực đến bây giờ.

 

Năm ngoái mình đọc đâu đó tờ Đoàn Kết rên vì thiếu hội viên, không như xưa, dân đi từ miền nam tham gia đông như quân Việt, ăn cơm quốc gia thờ mà cộng sản. Thời đó ở Pháp có đến 25% người Pháp là đảng viên đảng Cộng Sản cho nên tinh thần người Pháp rất thiên cộng. Pháp là nước đù tiên lật đổ chế độ quân chủ, chém đầu vua, dần dần đưa đến Mặt Trận BÌnh Dân, tranh đấu quyền lợi cho nhân công thợ thuyền. Ngày nay, thiên hạ được đi nghĩ hè là nhờ Mặt Trận Bình Dân khởi đầu. Tương tự 35% người Ý Đại Lợi bầu cho đảng Cộng Sản. Ở đâu quen đó. Tương tự ngày này người Mỹ gốc Việt, chống đối và ủng hộ ông Trump, chửi bới nhau dù chả có lợi lộc gì cho cộng đồng người Việt.

Sinh viên Việt Nam biểu tình để tang cho Việt Nam Cộng Hoà ngày 27/4/1975 tại Paris, hình như tấm ảnh lịch sử này do một sinh viên kiến trúc, tên Trần Đình Thục chụp. 

 

Mình nhớ trước khi đi tây, có chương trình dân vận của ông Hoàng Đức Nhả, tổ chức các chuyến du lịch được gọi Trại Hè Nối Vòng Tay Lớn cho các sinh viên và kiều bào tại Pháp, âu châu và Hoa Kỳ về thăm Việt Nam. Lý do người Việt Hải ngoại bị ảnh hưởng truyền thông Ngoại quốc nên có một số thiếu thông tin, chống chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, bị Hà Nội dụ dỗ. Phái đoàn có lên Đà Lạt họp mặt với sinh viên đại học Đà Lạt, thấy có một sinh viên tên Trần Văn Bá, con một chính trị gia tại Sàigòn bị Việt Cộng sát hại, được phỏng vấn. Hình như họ có đi Huế và Cần Thơ thì phải. Mình chỉ nhớ dạo ấy xem truyền hình và báo chí nói về vụ này. Mình mơ du học rồi hè, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cho về thăm quê nhà, ai ngờ 20 năm sau mới về lại Đà Lạt. 

 

Dạo ấy ông cụ kể có ông nào quen, con đi du học ở Hoa Kỳ về thăm, được đem một chiếc xe cũ về tặng bố mẹ không phải đóng thuế khiến ông cụ mơ ngày nào đó mình đi Tây về thăm nhà, mua chiếc xe Renault hay Citroen cho ông cụ. 

 

Dạo ấy, có người cậu bà con đi du học ở Pháp từ năm 1955, lấy vợ đầm, đưa vợ con về thăm gia đình tại Đà Lạt. Nhờ cậu mà mình được đi Tây vì có ông bố vợ người Tây bảo lãnh và một cậu ở Lille nạp đơn cho mình học đại học Roubaix, nay về hưu, sinh sống tại Đà Lạt, mình có liên lạc, hẹn lần sau về Đà Lạt, sẽ ghé thăm cậu. Cậu kể là chống Việt Nam Cộng Hoà nhưng vẫn được tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hoà cấp chiếu khán về thăm quê hương. 

 

Sau 1975, cậu có về lại Đà Lạt theo phái đoàn Hội người Việt Nam tại Pháp thì thất kinh. Lý do là khi xưa chống Sàigòn nhưng vẫn được về, ở nhà không ai tới làm khó dễ dù thân cộng, đi chơi khắp Việt Nam, không bị cấm đoán dù đấu tranh chống Sàigòn, nay về Đà Lạt theo phái đoàn Việt kiều yêu nước thì công an mỗi ngày đến nhà ngồi từ sáng đến tối. Có tiền mà cũng không có gì để mua. Thấy sự khác biệt của hai thể chế trong vòng 4 năm trời. Sau chuyến đi ấy cậu bị mất lập trường chính trị rồi qua đời. Nhờ chuyến đi này mình mới được biết gia đình còn ở Đà Lạt, và ông cụ mình ở trại cải tạo.

 

 Năm 1976, mình được gia đình hai tên quen độc nhất tại Paris, mời đến nhà ăn Tết rồi đi hội chợ Tết do hai hội người Việt tại París tổ chức. Cả hai đều được tổ chức tại rạp Maubert de Mutualité. Chỉ cách nhau 1 tuần. Đêm Đầu tiên do hội người Việt tại Pháp tổ chức khiến mình thất kinh khi thấy họ chào cờ Mặt trận Giải phóng và Hà Nội. Mình ớn da gà khi thấy hai lá cờ xuất hiện trên sân khấu rồi anh rể của tên quen lên sân khấu hát nhạc đỏ. Sau đó thì mọi người nhảy đầm như có bác hồ trong ngày vui đại thắng. Mình không biết nhảy đầm nên lấy métro về nhà ngủ. 

 

Tuần sau, lại được một tên khác rủ đi hội chợ Tết do tổng hội sinh viên tại Paris tổ chức. Mình cảm thấy rợn rợn trong lòng khi cùng mọi người trong rạp đứng lên hát quốc ca Việt Nam Cộng Hoà trong khi lá cờ vàng ba sọc đỏ được đưa lên cao. Lâu quá mình không nhớ rõ chỉ nhớ là từ từ lá cờ được thả ra do một sinh viên cầm. Câu nói khiến mình nhớ nhất đêm đó là khi mấy người đóng kịch, có người nói quê hương mình bị Việt Cộng chiếm đoạt thì có một chị nói giọng Bắc, kêu quê hương mình thì mình muốn về lúc nào ai cấm cản được thiên hạ vỗ tay nức nở. 

 

Đêm đó mình khóc nhiều vì chương trình đã nói lên tâm sự của mình từ ngày 30/4. Lo Âu vì mất liên lạc gia đình, không biết sống chết ra sao nhưng đem lại cho mình niềm tin vào tương lai cho quê hương và chính mình. 

 

Chương trình văn nghệ bắt đầu với hợp ca bài “Nuôi chí vững bền

 

Chị vẫn còn sống 
Anh vẫn còn sống 
Tôi vẫn còn sống
Mà chúng mình không lẽ lại ngồi yên
Ngàn lầm than sao không cùng lên tiếng
Vai chung vai ta nổi dậy ba miền (2)

ĐK. Còn đôi chân xin mời anh đứng dậy 
Với thân mình này chị hãy vùng lên
Lòng hăng say ngọn đuốc hồng sáng cháy
Vì quê này mà nuôi chí vững bền

 

Ngày nay, nhìn lại thì công nhận đêm văn nghệ của tổng hội sinh viên mang tựa đề “ta còn sống đây” với những bài hát lời ca như “vì ta là những người không biết quay lui….” làm mình nổi da gà khi họ cất tiếng hát nhưng đem lại niềm tin cho mọi người về tương lai. 

 

Mình không nhớ Tết năm nào nhưng khi nghe bài hát Ai trở về xứ Việt do ông Phan Văn Hưng phổ nhạc thơ của cô Minh Đức Hoài Trinh, dạy mình đàn tranh khi mình dọn qua Cali thì khóc như mưa bất, nhất là bài Tiễn em trại K18 khi nghĩ cảnh bà cụ đi thăm nuôi ông cụ rồi ông cụ kêu:

 

Em về đi, thôi đừng lên thăm trại K18.
Anh ngoài đây như chết thật rồi,
Đừng xót thương đời một tên tù K18
Nhắn mẹ rằng anh vẫn nhớ đến me.
Về đi em, đừng lên thăm nữa em ơi,
Còn thương nhau thì xin sống nuôi con,
Đừng đến nữa, van em đừng đến em ơi,
Đường gian lao, vùi mạng dốc Ô Ba.

 

(Cậu mình bị nhốt mấy năm ở trại K18.)

 

Sau 75, các sinh viên miền nam đều chới với, không biết tin tức gia đình, tiền bạc không có, tương lai mịt mờ nhưng khi nghe những ca từ như “chân trời trước mặt của quê hương ta sẽ nở hoa, .. những đôi mắt này còn nhìn nhau còn hẹn ngày về” đã giúp họ nuôi chí vững bền tại Pháp. Những bài hát này đã theo mình đến ngày nay, giúp mình tin vào tương lai tươi sáng của Việt Nam. Mỗi khi gặp khó khăn trong công việc mình vẫn nuôi chí vững bền cho một ngày mai tươi sáng.  

 

Về mặt cá nhân đã giúp mình phấn đấu một thân một mình tại quê người. Những lời ca như “Tự do như con đường soi sáng lối anh đi, tự do như hy vọng, tự do như niềm tin”. Các sinh viên làm nhạc không cổ võ chém giết, kêu gọi hận thù, họ chỉ kêu gọi giữ vững niềm tin, tin vào ngày mai tươi sáng, đất nước thanh bình. 

 

Đó là những gì mình nhớ về tổng hội sinh viên tại Paris trong thời gian đi học. Ra trường thì mình đi tứ xứ. Mình viết những lời này để cảm ơn các anh chị sinh viên dạo đó đã cố gắng gây dựng lại niềm tin cho cộng đồng người Việt sau khi Sàigòn đầu hàng. Tết năm 76 của tổng hội sinh viên tại Paris thực hiện đã giúp mình tìm lại niềm tin của kẻ vô tổ quốc sau khi đến pháp được vài tháng. Họ không gieo rắc hận thù, chỉ nêu cao tình người Việt Nam thương yêu nhau, cùng chung xây dựng lại Việt Nam tươi sáng. Từ đó mỗi năm dù ở xứ nào mình đều về Paris tham dự hội chợ Tết của tổng hội sinh viên tại Paris đến khi qua Hoa Kỳ làm việc. 

Trên đỉnh Kilimanjaro, Tanzania, cao nhất phi châu năm 2022

 

Có cô em hỏi mình lý do sao đem theo cờ Việt Nam Cộng Hoà khi leo núi rất cao. Mình nói ông cụ mình bị du kích tìm giết ở quê, chạy trốn vào nam. Sau 75 thì bị đưa đi cải tạo 15 năm do đó lá cờ tượng trưng cho ý chí của ông cụ qua bài ca “cha tôi” của văn đoàn Lam Sơn. 

 

Cha tôi đã lớn lên trong niềm cay đắng

Tai tuổi thơ vang tiếng bom người Mỹ 

Nay bàn chân xích gông xiềng nga tàu

Lớn lớn lên trong tiếng bom người Mỹ 

Lớn lớn lên trong gông xiềng nga tàu…

 

Cha ơi đã có con lên đường theo cha

Con đường sáng với biết bao niềm tin

Con đường mới dắt ta về tình người 

Có có con đi tìm xây niềm tin 

Có có con đi xây tình người. 

 

 

Nguyễn Hoàng Sơn 

 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen

 

 

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen