Seite auswählen

16 trong hơn 165 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Việt Nam HRW

 

Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ tái ứng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc trong nhiệm kỳ 2026-2028, tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS) nói Hà Nội phải cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình.

Truyền thông nhà nước đưa tin trong Phiên họp cấp cao Khóa 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc tại Geneva vào sáng ngày 26/2, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tuyên bố ý định tái ứng cử của Việt Nam trong nhiệm kỳ 2026-2028 và kêu gọi các nước ủng hộ.

Ông Bùi Thanh Sơn tham dự cuộc họp với tư cách trưởng đoàn của Việt Nam, quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.

Ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của CIVICUS, bày tỏ sự ngạc nhiên về tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam. Ông nói trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 27/02:

Thật sốc khi Việt Nam đang tìm cách tái tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc. Thành tích nhân quyền của quốc gia này thật kinh khủng và tình trạng không gian dân sự ở nước này được CIVICUS Monitor đánh giá là ‘đóng.’

Hơn nữa, Hà Nội đã không thực thi nhiều khuyến nghị do Hội đồng Nhân quyền đưa ra trong kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR- PV) gần nhất vào năm 2019.”

Trong báo cáo công bố hồi tháng 12/2023, CIVICUS xếp Việt Nam là một trong tám quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á có không gian dân sự đóng, đồng nghĩa với việc nhà nước không tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội của dân chúng.

Tổ chức có trụ sở ở Johanesburg (Nam Phi) cho rằng, Hà Nội tiếp tục sử dụng nhiều điều luật hà khắc trong chương An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự để hình sự hoá công việc của giới hoạt động và báo chí, giám sát và cấm xuất cảnh người hoạt động, và ngược đãi tù nhân lương tâm.

Ông kêu gọi chính quyền độc đảng cần thực thi các bước đi nghiêm túc về nhân quyền nếu muốn tiếp tục ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền:

Nếu Chính phủ Việt Nam thực sự nghiêm túc trong việc tái tranh cử, thì nên bắt đầu bằng việc thực hiện các bước cụ thể để bãi bỏ các điều luật hạn chế quyền con người, trả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền đang bị giam giữ, và chấm dứt hành vi quấy rối và trả thù họ. Nếu không, Việt Nam nên tránh xa để các quốc gia nghiêm túc thực hiện cam kết nhân quyền tham gia hội đồng.”

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho rằng Việt Nam chưa bao giờ quan tâm đến việc bảo vệ hoặc thúc đẩy nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, mà có mặt ở cơ quan nhân quyền này để làm chệch hướng và phủ nhận những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà Hà Nội phạm phải hàng ngày, và để giúp đỡ các chính phủ khác vi phạm nhân quyền bằng cách bảo vệ họ khi họ phải đối mặt với sự giám sát tại Hội đồng.

Ông nói trong tin nhắn gửi RFA trong ngày 27/2:

Việt Nam là một thảm họa không thể giải quyết được với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tiến hành cuộc đàn áp quy mô lớn đối với các nhóm xã hội dân sự và các nhà hoạt động ở trong nước, đồng thời tích cực dung túng những hành vi vi phạm nhân quyền của các quốc gia khác được đưa ra trước Hội đồng. Khó có thể tìm ra thành viên nào tồi tệ hơn trong Hội đồng, vì vậy chiến dịch tái tranh cử của Hà Nội phải bị bác bỏ tuyệt đối.”

Trước cuộc bỏ phiếu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 hồi giữa tháng 10/2022, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi không bầu cho Việt Nam vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn được chọn vào cơ quan nhân quyền này và việc này làm thất vọng nhiều nhà hoạt động.

Một nhà hoạt động ở Hà Nội, người muốn ẩn danh vì lý do an ninh, phản ứng khi nghe tuyên bố tái tranh cử của Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn:

Dường như cơ chế nhân quyền của LHQ là một trò hề thì phải? Vì cho một quốc gia suốt ngày vi phạm nhân quyền và không tôn trọng cả môi trường thiên nhiên ngồi vào ghế Hội đồng Nhân quyền LHQ là sao? Nó giống như việc cử một ông nghiện hút đi chống bán ma tuý vậy!”

Nhà hoạt động này kêu gọi cộng đồng quốc tế có trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn các quốc gia vào cơ quan nhân quyền cao nhất của LHQ.

“Nếu cộng đồng quốc tế để Việt Nam tái cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ khoá tới thì quả là đáng buồn khi thay vì gây sức ép buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền trước thì lại cho Việt Nam ngồi vào uỷ ban này để hy vọng Việt Nam cải tổ nhân quyền?”

Người này giải thích:

“Nên nhớ, thế giới đứng trước hiểm hoạ Trung Quốc ngày nay, cũng là do ngây thơ tin rằng mở cửa cho Trung Quốc gia nhập vào thế giới thương mại tự do sẽ làm Bắc Kinh dần cải cách dân chủ nhưng không hề! Ngược lại ngày nay ta thấy một Trung Quốc hung hăng.

Nếu cho Việt Nam vào tiếp HĐNQ mà để  Hà Nội tiếp tục đàn áp nhân quyền, nếu có thảm hoạ nhân quyền trong tương lai gây ra bởi chính quyền độc tài Việt Nam, thì đó là lỗi một phần thuộc về LHQ và những nước cổ suý cho nhân quyền nhưng lại im lặng cho Việt Nam vào.”

Kể từ khi được bầu vào HĐNQ vào tháng 10/2022, tình trạng đàn áp giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội ở Việt Nam vẫn tiếp diễn.

Trong năm 2023, Việt Nam bắt giữ ít nhất 24 nhà hoạt động và Facebooker so với 28 người trong năm trước đó, theo thống kê của RFA. Hơn 20 người bị kết án nhiều năm tù, đa số về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng quyền tự do dân chủ” chỉ vì thực thi các quyền cơ bản của con người như quyền biểu đạt và chia sẻ thông tin.

Hà Nội còn tăng cường trấn áp và bỏ tù một số lãnh đạo xã hội dân sự có đăng ký như Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) luật gia Đặng Đình Bách, anh hùng chống biến đổi khí hậu Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc của Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) Hoàng Thị Minh Hồng, và chuyên gia về năng lượng sạch Ngô Thị Tố Nhiên với cáo buộc “trốn thuế” hoặc “chiếm đoạt tài liệu.”

Hiện Việt Nam đang giam giữ ít nhất 165 tù nhân chính trị, theo thống kê của HRW.

 

RFA (27.02.2024)

 

 

 

 Việt Nam đang tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

 

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đang kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028, để tiếp nối những đóng góp và cam kết của Việt Nam. 

 

 

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ngày 26/2 đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, theo thông cáo Bộ Ngoại giao.

 

Phát biểu tại phiên họp, ông Sơn cho rằng sau hơn 75 năm thông qua Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế, 30 năm thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna về quyền con người, nhân loại vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như cạnh tranh chiến lược, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước và nhiều bất công xã hội khác.

 

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng các quyền con người chỉ có thể được bảo đảm tốt nhất khi hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế được duy trì và tôn trọng, nhà nước đặt người dân vào trung tâm mọi chính sách và bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững.

 

Bộ trưởng Sơn đề nghị Hội đồng Nhân quyền quan tâm thúc đẩy thực thi Nghị quyết 52/19 do Việt Nam chủ trì đề xuất, nhất là kêu gọi các quốc gia thúc đẩy tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, khoan dung, bao trùm, thống nhất và trân trọng sự khác biệt, đối thoại, hợp tác.

 

Về góc độ của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu trong năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 3%, hiện dành trung bình hàng năm khoảng 3% GDP cho an sinh xã hội.

 

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, qua đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực và quyền lương thực cho hàng triệu người ở nhiều khu vực trên thế giới.

 

Ông Sơn tái khẳng định các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người.

 

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết tại phiên họp cấp cao khóa 56 vào tháng 6 tới, Việt Nam sẽ đề xuất nghị quyết hằng năm về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ông Sơn công bố Việt Nam đã nộp báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, trong đó đã thực hiện hoàn toàn gần 90% số khuyến nghị nhận được năm 2019.

 

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026 – 2028, để tiếp nối những đóng góp và cam kết của Việt Nam.

 

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Dennis Francis kêu gọi Hội đồng Nhân quyền đẩy mạnh đối thoại, tìm kiếm giải pháp chung toàn diện, đáp ứng lợi ích của các nước đang phát triển, đảo nhỏ trong vấn đề biển đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, hỗ trợ nhân đạo cho người dân trong xung đột, xử lý nguyên nhân gốc rễ của tình trạng phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và các hệ quả của chủ nghĩa thực dân.

 

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy hòa bình và bảo vệ quyền con người, phát huy vai trò của chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, bảo vệ dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự trong xung đột.

 

Ngày 11/10/2022 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ), Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ sau lần đầu vào năm 2013, nhiệm kỳ 2014-2016.

 

Trí Thức VN (27.02.2024)

 

 

 

 

 

Có những thanh niên như tôi đã biết

Thượng tuần tháng 08/2018, tại TP.Vinh, tòa án tỉnh Nghệ An đưa ông Lê Đình Lượng, một nghi can chính trị ra xét xử theo thủ tục hình sự sơ thẩm.

Bị đánh giá là người đứng đầu Tổng Bộ Việt Tân tại miền Trung, cho nên, chính quyền đã xếp đặt việc xét xử ông Lê Đình Lượng theo cách hết sức nghiêm ngặt.

Đầu tiên, họ ngăn cản luật sư sao chụp hồ sơ vụ án bất chấp pháp luật quy định về việc đó là quyền hạn của luật sư. Chưa hết, cho đến gần ngày xét xử, tòa án gởi văn bản cho Đoàn Luật sư TP.HCM yêu cầu đôn đốc, nhắc nhở luật sư phải bảo đảm thu xếp đến dự phiên tòa. Có thể nói, đây là một động thái “Vô tiền khoáng hậu” của tòa án đối với một luật sư tính cho đến nay và dĩ nhiên, nó không nằm trong bất kỳ quy định pháp luật nào cả.

Trong phiên xử, họ đã cho dẫn giải đến tòa án 2 nhân chứng.

Mọi sự đã sẵn sàng ở mức chu đáo nhất để họ có một màn trình diễn mãn nhãn, từ đó, đưa ra phán quyết khiến cho bị cáo và công chúng cả nước phải tâm phục, khẩu phục.

Hôm xét xử, công an cho phong tỏa mọi ngả đường đi đến trụ sở tòa án từ khoảng cách xa hàng cây số. Luật sư phải lội bộ và trình giấy tờ mấy lượt mới di chuyển đến cổng tòa án. Sau đó, cởi bỏ giày, thắt lưng, điện thoại đi động, laptop, rồi đi qua cổng từ… nghiêm ngặt hơn cả an ninh sân bay.

Lực lượng công an đứng vòng trong, vòng ngoài đen đặc cho đến bên trong khán phòng xét xử.

Chuẩn bị kỹ càng như thế. Tuy nhiên, màn trình diễn lại như một quả pháo xịt vì nhiều lẽ. Chủ yếu, vì chính sự bình thản của ông Lê Đình Lượng (xem tại đây: https://www.facebook.com/manhdang001/posts/pfbid02PYfahfMmDSutECzH5vUnGQu8V48dUFjfDjzb7e6LdrPJAhHu4AWDEvLFQhwSTrDwl…) và sự phản cung kiên cường của 2 nhân chứng.

Hai nhân chứng được dẫn giải đến phiên xử gồm em Nguyễn Viết Dũng (tức Dũng Phi Hổ) và em Nguyễn Văn Hóa. Đây được xem là 2 nhân chứng của bên công tố, giúp cho họ chứng minh một cách mạnh mẽ về các tội trạng cáo buộc ông Lê Đình Lượng.

Thế nhưng, tại tòa, khi trả lời sự xét hỏi của tòa án và công tố, không hẹn mà cả 2 nhân chứng đều phản cung, phủ nhận tất cả những lời khai bất lợi cho ông Lê Đình Lượng!? Như có ai ngầm ra lệnh, sau lời phản cung, công an dẫn giải tiến sát ngay sau lưng nhân chứng như tạo áp lực. Đứng giữa một rừng an ninh, 2 nhân chứng vẫn thản nhiên bác bỏ từng lời dẫn dụ lẫn hàm ý đe dọa công khai của tòa án và công tố.

Vở kịch phá sản với nhân chứng, cả 2 mau chóng bị công an đưa ngay ra ngoài.

Đến phần làm việc của luật sư, chúng tôi yêu cầu đưa 2 nhân chứng trở lại để xét hỏi, thì một công an trong đội dẫn giải cho biết: Nguyễn Viết Dũng bị đau họng đột xuất?! và Nguyễn Văn Hóa cũng bị đau bụng đột xuất, nên cả 2 không thể tiếp tục trở lại làm việc?!

Lo lắng 2 em Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hóa có thể đã bị hành hung trả đũa ngay sau khi lột trần màn “trình diễn” quá tệ của chế độ, tôi kiên quyết yêu cầu chủ tọa cho họ trở lại trước phiên tòa để tự khai báo về tình trạng sức khỏe của mình. Thì vài phút sau, một người mặc áo choàng màu trắng tự giới thiệu là nhân viên y tế khẳng định 2 nhân chứng không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc… Tòa án chấp nhận lời nhân viên y tế, không ra lệnh cho 2 nhân chứng trở lại phiên tòa nữa.

Tuy luật sư không thể khai thác được gì thêm, nhưng rõ ràng, việc phải dùng lời dối trá trắng trợn ngay trước mặt nhau để từ chối dẫn giải 2 nhân chứng trở lại phiên tòa làm việc đã nhanh chóng làm vở diễn sớm hạ màn. Mặc dù sau đó, lời phán quyết bỏ túi với bản án 20 năm tù giam vẫn được tuyên đối với ông Lê Đình Lượng, nhưng đã không còn hương vị ngọt ngào, hoành tráng như kịch bản mà họ đã dày công tạo dựng được nữa.

Kết thúc phiên tòa cho đến nhiều năm sau này, tôi vẫn còn giữ mãi mối băn khoăn rằng 2 em Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hóa đã có từng bị lực lượng an ninh hành hung để trả đũa cho việc phản cung phá bĩnh họ hay không?

Cũng trong năm 2018, nhân chứng can trường Nguyễn Viết Dũng bị tuyên bản án 7 năm tù giam về tội danh theo điều 117 Bộ luật Hình sự “Tuyên truyền chống nhà nước…” trong một vụ án khác tại tỉnh Nghệ An. Năm 2023, em mãn hạn tù, thế nhưng, em ấy vẫn tiếp tục bị lực lượng an ninh địa phương sách nhiễu, đàn áp, đe đọa khiến em ấy phải lánh đi tìm tự do cho mình từ những tháng cuối năm 2023 cho đến nay. Trong hoàn cảnh phải lánh đi, em vẫn tiếp tục lên tiếng về những vấn đề của đất nước, của tù nhân chính trị…

Với nhân chứng can trường Nguyễn Văn Hóa, trước đó, năm 2017 em bị tòa án tỉnh Hà Tĩnh tuyên bản án 7 năm tù giam, cũng tội danh theo điều 117 Bộ luật Hình sự về “Tuyên truyền chống nhà nước…”. Cuối năm 2023, em mãn hạn tù trở về địa phương và đang cố thích nghi dần với cuộc sống hiện tại sau những năm tháng tù đày.

Tất cả những vụ án chính trị đều bị chế độ buông bức màn sắt để che giấu những sự phi lý, phi pháp, bất công, bất nhân. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thông khổng lồ của chế độ với hơn 1.000 báo, đài lại nhận lệnh của an ninh đã nỗ lực bôi nhọ hình ảnh những người đấu tranh, tô vẽ họ như những tội phạm cần phải loại trừ ra khỏi xã hội. Trong hoàn cảnh đó, luật sư không thể chỉ đảm nhận trách vụ bào chữa một cách thuần túy vốn đã bị chế độ vô hiệu hóa bằng những phán quyết bỏ túi. Mà cần phải bạch hóa về chúng, về cả những sự kiên cường, bất khuất của người đấu tranh trước bạo quyền… để công chúng có thể biết điều gì đã từng xảy ra sau bức màn sắt. Vì lẽ, luật sư đã là người chứng kiến tận mắt sự thật của từng vụ án chính trị. Không chỉ thế, bạch hóa về sự thật, cũng chính là cách luật sư bảo vệ thân chủ mình, ít nhất về hình ảnh thật sự của họ trước lịch sử.

 

DC, ngày 25/02/2024

 

LS Đặng Đình Mạnh

VNTB (27.02.2024)

 

 

 

 

 

Yêu cầu trả tự do cho bà Nguyễn Thuý Hạnh chữa bệnh ung thư

Bà Nguyễn Thúy Hạnh và các cháu bé của gia đình dân oan. (Hình: Facebook Huynh Ngoc Chenh)

 

Kính gửi: Ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Bà Nguyễn Thuý Hạnh sinh 25/5/1963, là một nhà hoạt động nhân quyền, người chủ trương Quỹ 50K hỗ trợ các tù nhân lương tâm và gia đình họ. Ngày 7 tháng 4 năm 2021, công an Hà Nội đã bắt giam bà về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” quy định tại điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cuối tháng 4 năm 2022, tuy đã hết hạn điều tra, bà Nguyễn Thúy Hạnh vẫn bị chuyển vào giam giữ tại khoa Chữa bệnh bắt buộc của Viện Pháp y Tâm thần trung ương.

Đến nay, sau gần ba năm bị bắt trong đó có hơn 22 tháng ở bệnh viện, bà Nguyễn Thúy Hạnh chưa bị tòa tuyên án, có nghĩa bà Nguyễn Thúy Hạnh chưa hề là phạm nhân.

Sống hơn một năm trong trại tạm giam Hà Nội trước khi vào Viện Pháp y, bị đưa vào người những thức ăn và nước uống dơ bẩn, độc hại, hậu quả nặng nề là ngày 15/1/2024 bà Hạnh đã được phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn giữa.

Tiếp tục giam giữ bà Hạnh dưới bất kỳ hình thức nào khi đã hết hạn điều tra từ rất lâu và trong tình cảnh bà bị bệnh hiểm nghèo ở tuổi trên 60 là việc làm trái pháp luật và hết sức vô nhân đạo.

Chúng tôi, các tổ chức và cá nhân ký tên dưới đây, khẩn thiết yêu cầu ông chỉ đạo các cơ quan hữu trách trả tự do ngay lập tức cho bà Nguyễn Thuý Hạnh để bà được chữa bệnh một cách thuận lợi.

 

TỔ CHỨC:

  1. Diễn đàn Xã hội dân sự. Đại diện: TS Nguyễn Quang A
  2. Diễn đàn Bauxite Việt Nam. Đại diện: GS Nguyễn Huệ Chi
  3. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Đại diện: Nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi

 

CÁ NHÂN:

  1. Nguyễn Quang A, TS Tin học, Hà Nội
  2. Hoàng Hưng, làm thơ, dịch sách, Sài Gòn
  3. Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ văn, Hà Nội
  4. Nguyễn Đình Nguyên, TS Y khoa, Australia
  5. Phan Hoàng Oanh, TS Hóa học, Sài Gòn
  6. Nguyễn Mai Oanh, Ths Kinh tế Phát triển, Sài Gòn
  7. Hoàng Dũng, PGS TS Ngữ văn, TP.HCM
  8. André Menras Hồ Cương Quyết, cựu Giáo chức, Paris, Pháp
  9. Hà Sĩ Phu, TS Sinh học, Đà Lạt, Lâm Đồng
  10. Nguyễn Nguyên Bình, Nhà văn, Hà Nội
  11. Nguyễn Thị Kim Chi, Nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng
  12. Mạc Văn Trang, PGS TS Tâm lý học, CLB Lê Hiếu Đằng
  13. Lê Thân, CLB Lê Hiếu Đằng
  14. Phan Đắc Lữ, Nhà thơ, CLB Lê Hiếu Đằng
  15. Lê Phú Khải, Nhà báo, CLB Lê Hiếu Đằng
  16. Đỗ Như Ly, Kỹ sư, CLB Lê Hiếu Đằng
  17. Võ Văn Thôn, nguyên giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, CLB Lê Hiếu Đằng
  18. Daniel Thiều Thị Tân, CLB Lê Hiếu Đằng
  19. Vũ Trọng Khải, PGS TS Chính sách nông nghiệp
  20. Bùi Nghệ, Kỹ sư, CLB Lê Hiếu Đằng
  21. Lại Thị Ánh Hồng, Nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng
  22. Kha Lương Ngãi, nguyên phó TBT báo SGGP, CLB Lê Hiếu Đằng
  23. Bùi Minh Quốc, Nhà thơ, Nhà báo, Đà Lạt, Lâm Đồng
  24. Nguyễn Khắc Mai, Nhà nghiên cứu văn hoá, Hà Nội
  25. Nguyễn Thị Khánh Trâm, hưu trí, TP.HCM
  26. Ngô Kim Hoa, TP Hồ Chí Minh.
  27. Vũ Huy Linh, bác sĩ y khoa Hoa Kỳ.
  28. Đào Tiến Thi, Hà Nội.
  29. Hà Dương Tường, nhà giáo Pháp.
  30. Nguyên Ngọc, nhà văn Hội An.
  31. Trần Minh Thảo, viết văn CLB Phan Tây Hồ, Lâm đồng.
  32. Nguyễn Viện, nhà văn, TP.HCM.
  33. Phạm Nguyên Trường, kỹ sư, Vũng Tàu.
  34. Hoàng Thị Hà – Hưu trí – Thanh Xuân, Hà Nội.
  35. Đặng Bích Phượng – Hưu trí, Hà Nội.
  36. Đinh Hoàng Thắng – cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Hà Nội.
  37. Nguyễn Ngọc Giao, nhà giáo, Pháp.

 

 

Bao Tieng Dan  (26.02.2024)

 

 

 

 

 

Người H’mong đòi tự do tôn giáo chứ không “thành lập nhà nước riêng” như Nhà nước vu cáo

Phụ nữ H’mong chơi với trẻ nhỏ ở chợ phiên ở Lào Cai hôm 5/4/2015 (minh họa) AFP

 

Công an tỉnh Điện Biên nói rằng các nhóm tôn giáo của người H’mong muốn ly khai và thành lập vương quốc riêng ở khu vực miền núi phía Bắc, tuy nhiên một số người hoạt động nhân quyền phản bác luận điệu này.

Trong bài viết “Không để tái diễn âm mưu thành lập ‘Nhà nước riêng’ ở Điện Biên” ngày 26/2, báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) viết rằng Công an tỉnh Điện Biên đã làm tan rã ba tổ chức phản động tuyên truyền thành lập “Nhà nước riêng” của người H’mong, bắt giữ 107 người đứng đầu; tuyên truyền vận động, cảm hóa 683 đối tượng…

Dẫn thông tin từ công an, VOV viết rằng trong những năm qua, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, các thế lực thù địch, tổ chức người H’mong lưu vong đã kích động tư tưởng ly khai tự trị dựa vào tuyên truyền dối trá, những lời hứa hão huyền về “Vua Mông.”

Báo còn viết “…các đối tượng dàn dựng kịch bản ‘đón Vua’ một cách rất huyễn hoặc. Chúng tuyên truyền người Mông cứ đến quả núi ở bản Huổi Khon, nếu thấy đám mây từ trên trời sà vào ai thì người đó được chọn làm ‘Vua’. Người Mông đi theo ‘Vua’ thì không cần làm mà vẫn có rượu thịt ăn.”

Tuy nhiên, một người H’mong ở xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, cho biết thông tin trên của chính quyền đưa ra là hoàn toàn bịa đặt.

Ông Giàng A Chín mới phải chạy sang Thái Lan khoảng hai tháng nay để tìm kiếm quy chế tị nạn. Sở dĩ ông và một số thành viên trong gia đình phải bỏ nước ra đi vì có nguy cơ bị công an bắt giữ sau khi ông thu thập thông tin và viết báo cáo về đàn áp tự do tôn giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 26/2:

Vấn đề chính của người H’mong thứ nhất là quyền tự do tôn giáo, thứ hai là đất đai của người H’mong bị thu hồi. Dân tộc H’mong đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi, người H’mong đoàn kết đứng lên đòi đất. Về sau Nhà nước kết tội cho người H’mong là có ý định thành lập vương quốc H’mong và cộng sản Việt Nam bắt đầu đàn áp người H’mong.”

Tuy VOV không nêu tên ba tổ chức bị coi là “phản động” nhưng trong nhiều năm qua, truyền thông nhà nước thường đưa tin về các hoạt động của các cơ quan chức năng ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong việc triệt phá các nhóm tôn giáo như Hội Thánh Giê Sùa và Hội Thánh Chúa Thương Chúng Ta (chính quyền thường gọi là tà đạo Bà Cô Dợ).

Ông Chín thường thu thập thông tin về các vụ đàn áp tự do tôn giáo rồi gửi cho tổ chức Liên minh Nhân quyền người H’mong (Hmong Human Rights Coalition), do một số cá nhân người H’mong đang xin tị nạn ở Thái Lan lập ra. Ông cho biết “Bà Cô Dợ” là nhóm tôn giáo bị đàn áp khốc liệt nhất ở khu vực.

Trong một bài viết hồi năm 2022, RFA đưa tin về việc Công an huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai và Công an huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đàn áp và sách nhiễu tín đồ của nhóm đạo “Bà Cô Dợ.” Chính quyền địa phương buộc tín đồ phải bỏ đạo, nếu không sẽ hứng chịu nhiều hậu quả như bị cấm không được đi trên đường thôn, cấm sử dụng nguồn nước…

Hàng trăm tín đồ theo đạo này ở nhiều tỉnh bị buộc phải bỏ đạo, theo báo cáo của một số nhà hoạt động về quyền tự do tôn giáo.

Bà Cô Dợ là một nhóm tôn giáo theo Kito giáo, được sáng lập bởi bà Vừ Thị Dợ (tiếng Hmong: Nkauj Ntxawm), người H’mong gốc Lào và hiện đang sinh sống ở Wisconsin (Hoa Kỳ). Chính quyền Việt Nam gọi là tà giáo và quyết tâm triệt phá.

Trong email gửi RFA một năm trước, bà Dợ (tên tiếng anh: Klao Jer Vue) cho biết báo chí nhà nước Việt Nam đưa thông tin sai sự thật về nhóm đạo này, khẳng định họ hoàn toàn hoạt động về tôn giáo và không có ý định hoạt động chống lại Nhà nước Việt Nam.

Ông Giàng A Chín, sinh năm 1994, cho biết mặc dù gia đình ông theo Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc, một tổ chức tôn giáo được Chính phủ Việt Nam cho phép hoạt động nhưng vẫn bị truy bức trong những năm đầu của thập niên 1990.

Bản thân ông, để được đi học trường cấp 3, cũng như Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Tây Bắc ở tỉnh Hoà Bình, ông Chín cũng phải làm theo yêu cầu của công an phải khai “không tôn giáo” khi làm giấy Chứng minh Nhân dân.

Bài viết của VOV cho rằng, bên cạnh việc xử lý nhóm đối tượng cầm đầu, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng cũng có những biện pháp hỗ trợ người dân, đặc biệt là người dân tộc để họ ổn định cuộc sống, tập trung làm ăn phát triển kinh tế như hỗ trợ cây giống, con giống, hỗ trợ làm nhà cho các trường hợp bị lầm lỡ trở về địa phương để trở thành công dân tốt…

Tuy nhiên, ông Chín cho biết chính quyền địa phương chỉ trợ giúp các gia đình ký vào cam kết bỏ đạo. Gia đình ông không nhận được trợ giúp gì vì không ký giấy bỏ đạo. Tuy nhiên, việc trợ giúp kinh tế không hoàn toàn đúng như ông Minh nói.

Những gia đình viết cam kết không theo bất cứ tôn giáo nào thì Nhà nước cũng cung cấp một ít tiền để mua trâu bò ngựa. Họ cho vay chứ họ không cho không, khi nào mình làm có tiền thì phải trả lại Nhà nước.”

 

RFA (26.02.2024)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen