Seite auswählen

Cù Mai Công

Saigon Nhỏ

(ảnh: CMC)

 

Thiên hạ khắp nơi chứ không chỉ là người Sài Gòn, có cả những bậc trí giả, túc nho… đang nổi giận về cái cụm từ “Ga tàu thủy Bạch Đằng.”

Cơn giận có cơ sở vì đây là một cụm từ kỳ dị, kết hợp một mớ từ “hổ lốn”, “hằm bà lằng” gồm cả từ gốc tiếng Pháp (gare), tiếng Tàu (thủy 水) lẫn tiếng Ta (tàu).

Ai học, chú ý ngôn ngữ tiếng Việt đều biết có một nguyên tắc cơ bản trong tiếng Việt: từ gốc Việt đi với từ gốc Việt, từ gốc Hán Việt đi với từ gốc Hán Việt.

Trước 1975, ở miền Nam, người ta dùng từ Hán Việt, chưa phải đã hay, nhưng ít ra từ Hán Việt đi với từ Hán Việt, không Tây – Tàu – Ta lẫn lộn và thống nhất cách gọi: hải cảng (cảng biển), giang cảng (cảng sông), xa cảng (cảng xe), phi cảng (cảng bay – dịch từ air port).

Không lung tung như hiện nay: bến xe, ga hành khách, ga hàng không, ga tàu hỏa, ga tàu thủy, cảng biển, cảng sông, sân bay…

Hẳn có người cũng cố biện bạch ga (gare) trong từ nguyên (tiếng Pháp) bao gồm cả những công trình, nhà cửa cho xe cộ, xe lửa… lẫn tàu thuyền. Đây là cách hiểu “học đã sôi cơm nhưng chửa chín” khi không nắm được một nguyên tắc nữa trong mọi ngôn ngữ: mỗi vùng đất, mỗi xứ sở, mỗi dân tộc… đều có cách hiểu khái niệm một từ nào đó của riêng mình.

Có những từ Hán Việt được người Việt hiểu khác với từ Hán gốc. Với người Việt xưa nay, không chỉ người Sài Gòn/người miền Nam, ga vốn chỉ dành cho (bến) xe lửa.

Đọc bài thơ, nghe nhạc phẩm “Chiều sân ga”, “Tàu đêm năm cũ”người ta đều hiểu ga này là ga xe lửa, không phải “ga hành khách” như tấm bảng trước bến xe buýt quận 8, càng không phải “ga tàu thủy Bạch Đằng” đang “dậy sóng: sông Sài Gòn hiện nay.

Với người Việt xưa nay, không chỉ người Sài Gòn/người miền Nam, nơi đưa đón hành khách đi đường sông, đường biển, đường bộ… đều gọi là bến: ngoài Bắc có bến Bính (Hải Phòng), bến Xanh (Ninh Bình), bến xe Mỹ Đình, bến xe Gia Lâm, bến xe Nước Ngầm…; trong Nam có bến xe miền Tây, bến xe miền Đông, bến xe Tây Ninh, bến xe Cần Thơ và bến Bạch Đằng, bến Chương Dương, bến Hàm Tử, bến Nhà Rồng, bến Ninh Kiều… Không sao kế xiết vì đâu đâu cũng nói vậy.

“Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai…” (nhạc phẩm “Sài Gòn đẹp lắm”), “Về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu” (nhạc phẩm “Chiếc áo bà ba”)… Vô số người biết, từng hát những lời hát, bài hát này.

Trong đó từ “bến” là cách gọi rất Việt cho từ “quai” của tiếng Pháp vốn dành cho cả bến xe lẫn bến tàu.

Câu thơ đầu tiên trong bài thơ nổi tiếng “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị: “Tầm Dương giang đầu dạ tống khách 潯陽江頭夜送客”(Đầu sông Tầm Dương, đêm tiễn khách) không có bến.

Nhưng tác giả Phan Huy Thực (1778 – 1846; con trai thứ hai Phan Huy Ích, anh Phan Huy Chú) khi dịch sang chữ Nôm cũng nổi tiếng đã thêm “bến” vào: “Bến Tầm Dương, canh khuya đưa khách.”

Bộ phim “Thượng Hải than” 上海灘 trong đó “than” 灘 hàm nghĩa một vùng đất ven nước (ví dụ “sa than” 沙灘 cồn cát, “hải than” 海灘 bãi biển…), sang tiếng Việt phải là “Bến Thượng Hải.”

Với người Việt, với tiếng Việt, dưới có ghe, có thuyền, có tàu bè, ca nô… thì trên phải là bến. “Trên bến dưới thuyền”

“Thuyền về có nhớ bến chăng?

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền” (ca dao)

Giờ bỗng dưng người ta đẻ ra cái gọi là “Ga tàu thủy”. Có lẽ từ suy nghĩ đơn giản và ngô nghê: có “ga tàu hỏa” thì có “ga tàu thủy” cũng bình thường (may mà người ta chưa sáng tạo ra “ga tàu bay”).

Thiên hạ đã, đang nổi giận và hoàn toàn có cơ sở thực tế lẫn lý luận của cơn giận chính đáng trước cụm từ phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt này. Nó kỳ quặc kiểu lai căng vì khác cách nói của dân Việt chứ không chỉ người Sài Gòn.

Đó là chưa nói “Bến Bạch Đằng” ai cũng biết xưa giờ đã là một cụm từ quen thuộc, mang tính văn hóa của người Sài Gòn.

Ngành chức năng và tác giả cụm từ này tới giờ vẫn im lặng kiểu “chắc nó trừ mình ra”. Truyền thông báo chí tới giờ cũng chưa lên tiếng. Lẽ nào chỉ dân biết, dân bàn, dân nghe; còn cái bảng chữ Tây – Tàu – Ta kỳ dị ấy vẫn sờ sờ ra đó, làm gì nhau?!

“Ga Tàu Thủy Bạch Đằng”: ai là tác giả?

Blog RFA

Mấy ngày qua mạng xã hội sôi sùng sục vì hình ảnh biển hiệu trái tai gai mắt “Ga Tàu Thủy Bạch Đằng”. Người Việt xưa nay quá quen với từ BẾN gắn với nơi ghe tàu neo đậu đón khách, tiếp nhận bốc dỡ hàng hóa như bến sông, bến tàu, bến cảng. Sài Gòn có biết bao nhiêu cái Bến: Bến Nghé, Bến Hàm Tử, Bến Chương Dương, Bến Vượt (Củ Chi) quan trọng nhất là Bến Nhà Rồng… Miền Bắc cũng đâu thiếu Bến. Bến Thủy di tích phong trào Xô Viết Nghệ Tỉnh đã thành tên một phường của thành phố Vinh. Hà Nội vẫn xài Bến Chèm , Bến Phà đen, Hải Phòng vẫn gọi Bến Bính

Riêng Bến Bạch Đằng ở Sài Gòn đã thành đia danh quen thuộc, cảnh quan đặc trưng. Hơn thế nữa, nơi đây có tượng đức Trần Hưng Đạo uy nghi, từng bị dời lư hương gây xáo động lòng người nên càng thêm nhạy cảm. Bến Bạch Đằng của Sài Gòn không chỉ là cái tên vô cảm mà mang hơi thở của lịch sử, tâm thức giữ nước của cha ông truyền lại. Biển hiệu Ga Tàu Thủy Bạch Đằng xa lạ lừng lửng phá nát không gian quen thuộc cứ như cái gai đâm vô mắt vô tim, như thách thức lòng dân.

Nhà báo Tâm Chánh, nguyên Tổng Biên Tập báo Sài Gòn Tiếp Thị lừng lẫy một thời đã lên tiếng cảnh báo một dự cảm chính trị tinh tế “Các anh chị lãnh đạo Sài Gòn đừng giỡn, đề biển Bến tàu Bạch Đằng là Ga tàu thuỷ Bạch Đằng. Mất gốc đó đa!” (1)

Nhà thơ Đỗ Trung Quân hóm hỉnh viết stt diễn dịch hệ quả trớ trêu của việc quy đổi từ Bến thành Ga trong âm nhạc “Thí sinh cho biết tên ca khúc của ns Văn Cao – Phạm Duy mở đầu bằng “ nhà tôi bên chiếc cầu soi nước …”

– GA XUÂN !

Hãy điền vào chỗ trống ca từ của “ Sài Gòn đẹp lắm SG ơi ! SG ơi ! “ ( Y Vân )

“ dừng chân trên … khi chiều nắng chưa phai …”

– dừng chân trên GA khi chiều nắng chưa phai … “ (2)

Thật vậy, với lo gích đó, đâu chỉ có bài Bến Xuân đổi thành Ga Xuân, đâu chỉ “dừng chân trên Bến” mà cuộc cách mạng ngôn từ này sẽ làm đảo lộn bao nhiêu danh tác khác như “khi xuân sang trên Ga cảng…”…. “Ga nước gió rét đò đưa khách sang sông”…

Từ chuyện đổi Bến thành Ga, nhà giáo, nhà báo Nguyễn Thông còn chỉ ra tình trạng sự dụng tiếng Việt tùy tiện trong lĩnh vực giao thông và đặt vấn đề: “Mọi thứ, nghĩa của các từ ga, bến, cảng, sân bay đều rất rõ ràng, rành mạch, chuẩn mực như thế, chả hiểu đứa chết mẹ nào (từ của ông hàng xóm nhà tôi) thay đổi, gọi thành “Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, “Cảng hàng không Tân Sơn Nhất/Nội Bài”, “Ga tàu thủy Bạch Đằng”, “Cảng xe khách miền Đông”. Từ ông chủ tịch nước, ông thủ tướng, ông bộ trưởng giao thông tới đám quan chức lau nhau dưới (tôi không quan tâm tới ai đứng đầu đảng bởi đảng chả là gì với tôi), cả báo chí nữa, đều hết sức bát nháo khi dùng những từ “ga, bến, cảng” mặc dù đó là tiếng mẹ đẻ của họ. Chính họ phá tiếng Việt chứ không phải ai khác.

Nếu vị nào đem những từ nói trên so với tiếng nước ngoài, rồi lấy lý do này nọ để bào chữa cho cái sai, chẳng hạn nói thời hội nhập thì phải thế, thì tôi xin nói ngay: người Việt cứ phải dùng tiếng Việt cho đúng cái đã.” (3)

Mắng hết cả bộ máy lãnh đạo của đất nước “chiều nay” chẳng oan tí nào nhưng thử tìm xem từ khi nào và ai là tác giả biến Bến thành Ga là việc đáng làm.

Tra khảo tên thóc mách u gồ, hóa ra, từ Ga Tàu Thủy không chỉ mới xuất hiện năm 2024 mà đã có mặt trên đời ít nhất từ năm 2017. Ngày  23/11/2017. báo Lao Động đã có bài “Lung linh ga tàu thủy hiện đại ngay trung tâm Sài Gòn”. Trong đó bài báo nêu rõ “Chỉ còn vài ngày nữa Ga tàu thủy Bạch Đằng chính thức đi vào hoạt động sau nhiều năm chờ đợi. Ga tàu thủy này nhằm phục cho tuyến buýt đường sông đầu tiên của TPHCM, dự kiến đưa vào hoạt động từ ngày 25.11.” (4)

Liên tục từ ấy đến nay, từ này không chỉ được sử dụng trên báo chí mà còn được chính thức hóa trong các văn bản hành chính nhà nước với biến dạng khác là “bến thủy nội địa ga tàu cao tốc Bạch Đằng”

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (GTVT TP.HCM) vừa ra quyết định bến thủy nội địa ga tàu cao tốc Bạch Đằng được phép tiếp tục hoạt động từ ngày 14/4 – 30/12.

Bến tàu cao tốc này nằm ở cầu tàu số 2 – Công viên bến Bạch Đằng, Quận 1. Đây là loại bến hành khách, phương tiện cập bến đưa đón hành khách, khách du lịch; tiếp nhận phương tiện cho sức chở đến 151 người  (5)

Trên trang web của công ty Sai Gon Waterbus người ta còn cho biết không chỉ có Ga Tàu Thủy Bạch Đằng mà còn có Ga Tàu Thủy Bình An, Linh Đông, Thủ Thiêm, Hiệp Bình Chánh.  (6)

Với những thông tin toét loẹt có hệ thống suốt 7 năm qua từ ông Gồ thì từ quái lạ Ga Tàu Thủy không thể là lỗi của thằng đánh máy, đích thị là sản phẩm của lãnh đạo ngành giao thông. Thật ra trí tuệ các ông này cao lắm, chuyện khó như thu phí đường bộ đổi thành thu giá để qua mặt Quốc Hội, các ông còn làm được thì Ga Tàu Thủy chẳng là cái đinh rỉ gì.

Nhưng về học thuật thì sao? Các giáo sư, tiến sĩ, Viện Ngôn Ngữ, Viện Hàn Lâm Khoa Học đông như vịt Tàu đâu mà lại để các ngài kỹ sư chân vịt, máy tàu dùng cơ lê mỏ lết bẻ chữ tiếng Việt thành méo mó dị dạng như vậy?

Thử điểm qua ba bộ từ điển tiếng việt của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ (LVD) ở Miền Nam trước 1975, Từ điển Hoàng Phê bản in 2003 (HP) và Từ Điển Bách Khoa của Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (VHL) với hai mục từ Bến và Ga ta sẽ thấy kết quả hải hùng.

Với mục từ Bến, LVD giải thích có ba nghĩa: Nơi tàu, thuyền xe đậu để đưa rước hành khách và chất hàng. Muốn cho gần bến gần thuyền. Gần cha gần mẹ nhân duyên cũng gần. (CD) // Chỗ nước sông ăn sâu vô một khoảng cạn để thuyền ghé hay để tắm ngựa// Tiếng dùng trong văn chương để ví với người chờ người đi xa hay đã phụ tình. Thuyền dời nào bến có dời. Khăng khăng một lời quân tử nhất ngôn. CD

LVD còn dẩn thêm những từ ghép như bến xe, bến thuyền, bến mê…

HP giải nghĩa từ Bến: 1 Chỗ bờ sông thường có bậc lên xuống để lấy nước. 2 Nơi quy định cho tàu thuyền xe cộ dừng lại để hành khách lên xuống bốc dở hàng hóa. Bến đò ngang. Tàu cập bến. Bến ô tô

 HP cũng dẫn thêm nhiều từ ghép Bến bờ, bến lội, bến nước, bến tàu…

VHL không có mục từ Bến độc lập mà chỉ có một số từ ghép như Bến Phà, Bến tàu, Bến Vượt và một số danh từ riêng như Bến Tre, Bến Thủ

Với mục từ Ga: LVD giải thích có ba nghĩa 1- Hơi tống máy chạy. Đạp ga, nhả ga, bờt ga, thả ga (gaz) 2- Vải thưa được hấp khử trùng dùng băng bó (gaze) 3-Trạm xe lửa nơi hành khách lên xuống (gare)

HP có hai mục từ Ga

Ga là công trình kiến trúc làm nơi hành khách lên xuống hoặc bốc xếp dở hàng hóa ở những nơi quy định dành cho xe lửa, xe điện, máy bay đỗ trên đường bay đường đi. Ga xe lửa, hành khách vào ga sân bay. 2 Khoảng cách giữa hai xe lửa, xe điện kế tiếp nhau. Tàu đã đi được 2 ga

Mục từ Ga khác HP giải thích về khí ga chất đốt và khí ga để uống.

VHL giải thích mục từ Ga rất bác học, chi tiết và quan trọng là đã mở rộng chức năng. Công trình kiến trúc nằm trong hệ thống giao thông (sắt, thủy, bộ, hàng không)….. Tùy theo phương tiện giao thông mà có ga đường sắt, ga hàng không.

So sánh ba từ điển trên, tuy có khác nhau về địa lý về thời gian chênh nhau gần nửa thế kỷ nhưng LVD và HP có điểm chung xác định Bến gắn với nước, Bến là nơi đón hành khách hàng hóa đường thủy và bộ. Ga là nơi đón khách của đường sắt. HP có thêm đường không. Hoàn toàn sát hợp với đời sống ngôn ngữ người Việt, thi ca, nghệ thuật người Việt.

VHL không xác định được mục từ Bến và mở rộng từ Ga thêm chức năng đón khách đường bộ và đường thủy mặc dù thực tế này chưa từng xảy ra ở Việt Nam. VHL cũng không đưa ra dẫn chứng nào. Đọc VHL người ta có cảm giác mục từ Ga được dịch từ sách vở nước ngoài thành tiếng Việt chứ không phải giải nghĩa từ tiếng Việt, của đời sống người Việt.

Hóa ra tác giả của cụm từ Ga Tàu Thủy phản cảm, tréo miệng, chói tai người Việt không chỉ là những quan chức chân vịt bánh xe mà còn có những viện sĩ của cái Viện lẫy lừng là lò ấp mỗi năm hàng ngàn tiến sĩ. Hơn ai hết, chính họ đã dùng hàng ngàn tỉ đồng ngân sách đầu tư nghiên cứu để tù mù hóa, rối rắm hóa sự trong sáng của tiếng Việt.

1https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/pfbid02ifuz9s7xBZguQoamx9pkv…

2https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0egHEhEE8YRGAc4m1…

3https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02xuyo85aLDEuXWoa…

4https://laodong.vn/xa-hoi/lung-linh-ga-tau-thuy-hien-dai-ngay-trung-tam-…

5https://dangcongsan.vn/kinh-te/tpho-chi-minh-ben-thuy-noi-dia-ga-tau-cao…

6https://mia.vn/cam-nang-du-lich/den-ga-tau-thuy-binh-an-ngam-nhin-song-s…

Các nhà ngôn ngữ học ơi ời, bận ngủ hở

 

Nguyễn Thông

27-2-2024

Đành rằng ngôn ngữ (trong đó có tiếng Việt) luôn vận động, phát triển, đổi thay, mỗi thời mỗi khác (như ông hàng xóm nhà tôi bảo, chế độ còn thay đổi được, huống chi ngôn ngữ) nhưng không phải cứ đổi lung tung xòe, loạn cào cào như xứ ta thời nay rồi biện bạch là phát triển.

Ngày xưa, cụ thể là thời phong kiến, rồi kế tiếp là thời thuộc Pháp, ngôn ngữ được dùng rất chuẩn mực, mọi cách tân, thay đổi đều phải hết sức hợp lý, có cơ sở thì mới được chấp nhận. Ngôn ngữ đã đạt được sự trong sáng, chính xác, chuẩn, cả cộng đồng thừa nhận.

Thời ấy, những người trong bộ máy cầm quyền hầu hết đều học hành bài bản, trình độ cao, nắm chắc ngôn ngữ. Họ viết một chữ, dùng một từ, đặt một câu, diễn đạt một ý… đều rất cân nhắc. Rồi những người sống bằng việc sử dụng ngôn ngữ, như nhà báo, nhà văn đều là tấm gương về sự chuẩn mực dùng tiếng Việt mặc dù họ thông thạo chữ Hán hoặc tiếng Pháp, tiếng Anh. Không cần phải ai đó kêu gào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, gần như mọi người, kể cả người học nhiều lẫn học ít, đều tự ý thức về việc bảo vệ ngôn ngữ cho trong sáng, chuẩn xác.

Còn bây giờ thì khác. Tiếng Việt đang bị người ta làm cho nó méo mó, biến dạng, hỏng. Thủ phạm rất đa dạng, đông đảo, kể từ bộ máy cai trị trung ương trở xuống, rồi báo đài, trường học, cả mạng xã hội nữa. Thôi thì tùm lum tà la, mạnh ai nấy dùng, mạnh ai nấy đặt, sư nói sư phải vãi nói vãi hay, chả mèo nào chịu mỉu nào.

Và rất lạ, xứ này có cả viện ngôn ngữ, hội ngôn ngữ học, rất nhiều giáo sư tiến sĩ về ngôn ngữ, nhưng không biết họ bận gì, chỉ biết họ kệ cho ngôn ngữ như cái chợ giời. Tôi xin đưa ra vài ví dụ, mà ông hàng xóm nhà tôi bảo là dạng “hiếp dâm tiếng Việt”. Đó là mấy từ “ga, cảng, bến, sân bay” bị “hiếp”.

– Ga: Theo “Từ điển tiếng Việt” (của Viện Ngôn ngữ, do GS Hoàng Phê chủ biên, 1996) thì ga chỉ các công trình kiến trúc, nơi để hành khách đi/ đến bằng xe lửa, xe điện, tàu điện, máy bay cho các tuyến đường bộ, đường bay. Ví dụ ga xe lửa, ga tàu điện ngầm, ga hành khách sân bay Tân Sơn Nhất… Những ga nhỏ xe lửa ít dừng thì gọi là ga xép.

Truyện “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam viết rất cảm động về mấy chị em con nhà nghèo ở một ga xép tuyến đường xe lửa từ Hà Nội về Hải Phòng, cụ thể là ga Cẩm Giàng, nơi hiện còn di tích của Tự lực Văn đoàn. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh có tập thơ rất hay tên gọi “Sân ga chiều em đi”. Phim Liên Xô “Sân ga chỉ có hai người”. Nguyễn Bính nổi tiếng với “Những bóng người trên sân ga”…

Ga Hàng Cỏ tới nay vẫn còn hằn trong ký ức nhiều người ở miền Bắc (nói thêm, cái tên hay thế, dễ thương, gần gũi thế, mà chúng nó bỏ, thay bằng cái tên sách vở, chuồi chuội. Tên Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội cũng vậy, đứa nào quyết định bỏ cần lôi ra phết nát đít cho chừa). Nói chung, ga không để chỉ những chỗ có nước, trừ nước mắt.

– Cảng: Cũng theo từ điển Hoàng Phê, là nơi công trình cho tàu thuyền, ghe, ca nô ra vào, neo đậu, xếp dỡ hàng hóa hoặc hành khách lên xuống.

Cảng là từ chỉ chỗ dùng của các loại phương tiện giao thông thủy. Nơi có nước mới là cảng, chẳng hạn bờ sông, bờ biển. Ven sông thì cảng sông, ven biển thì cảng biển. Ví dụ cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đình Vũ, cảng Vũng Tàu. Nhạc sĩ Hồ Bắc có bài hát “Bến cảng quê hương tôi”, “khi xuân sang trên bến cảng, đàn hải âu tung cánh bay rợp trời”. Không có cảng nào nằm trên đất không sông không biển bao giờ. Gọi những chỗ trung chuyển hàng từ cảng biển cảng sông về là “cảng trung chuyển” là hết sức bậy.

– Bến: Theo GS Hoàng Phê và cộng sự, bến là chỗ bờ sông thường có bậc lên xuống để người ta lấy nước, tắm rửa, giặt giũ. Nhưng định nghĩa như vậy chưa đủ, bởi trên thực tế có cả bến cạn và bến nước.

Bến là nơi quy định để tàu thuyền, xe cộ dừng lại cho hành khách lên xuống, xếp dỡ hàng hóa, cho tàu thủy hoặc xe đậu lại. Bến để chỉ cả chỗ giáp nước (ven sông, biển) hoặc trên cạn chứ không phải chỉ là ven bờ nước. Đồ Sơn có bến Nghiêng, một di tích lịch sử, nơi người lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc sau 300 ngày tạm cư.

Bến cho ô tô, xe khách đậu gọi là bến xe, cho tàu đậu là bến tàu. Hải Phòng có bến Sáu Kho, ven sông Bến Hải ở phía bắc vĩ tuyến 17 có bến Hiền Lương, thành ngữ có câu “trên bến dưới thuyền”, những bến xe ở Hà Nội để đi các tỉnh có bến Nứa, bến Kim Liên, bến Kim Mã, ven hồ Gươm có bến tàu điện… Xe điện từ bến Bờ Hồ đi Hà Đông qua nhiều ga, như ga Cửa Nam, ga Ngã tư Sở, ga Cầu Mới, ga Thanh Xuân… rồi mới tới bến Hà Đông.

– Sân bay: Mọi người đều hiểu đây là chỗ cho máy bay/ tàu bay/ phi cơ đậu, đi hoặc đến. Đã nói tới sân bay thì phải hiểu rằng nó chỉ dành cho máy bay. Miền Nam hồi trước thường dùng từ Hán Việt gọi là phi trường (phi là máy bay, trường là khu đất rộng, phi trường là nơi dành cho máy bay lên xuống). Khu vực để sân bay chuyên đưa đón khách bay gọi là nhà ga hành khách, ví dụ ga hành khách sân bay Nội Bài, đưa đón khách trong nước là ga nội địa, khách từ nước ngoài về hoặc bay đi nước ngoài là ga quốc tế.

Mọi thứ, nghĩa của các từ ga, bến, cảng, sân bay đều rất rõ ràng, rành mạch, chuẩn mực như thế, chả hiểu đứa chết mẹ nào (từ của ông hàng xóm nhà tôi) thay đổi, gọi thành “Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, “Cảng hàng không Tân Sơn Nhất/ Nội Bài”, “Ga tàu thủy Bạch Đằng”, “Cảng xe khách miền Đông”…

Từ ông chủ tịch nước, ông thủ tướng, ông bộ trưởng giao thông, tới đám quan chức lau nhau dưới (tôi không quan tâm tới ai đứng đầu đảng bởi đảng chả là gì với tôi), cả báo chí nữa, đều hết sức bát nháo khi dùng những từ “ga, bến, cảng” mặc dù đó là tiếng mẹ đẻ của họ. Chính họ phá tiếng Việt chứ không phải ai khác.

Nếu vị nào đem những từ nói trên so với tiếng nước ngoài, rồi lấy lý do này nọ để bào chữa cho cái sai, chẳng hạn nói thời hội nhập thì phải thế, thì tôi xin nói ngay: Người Việt cứ phải dùng tiếng Việt cho đúng cái đã.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen