Seite auswählen

LTS: Một bộ phim tuyên truyền của Hà Nội vừa được tung ra và được bao bọc bằng một đội ngũ dư luận viên điên cuồng. Ai chê và chỉ trích thì bị gọi là “không yêu nước”, “ba que”… cùng với những ngôn từ thù ghét, xúc phạm nặng nề. Tuy vậy, dòng ngôn luận đó vẫn bị chọc thủng bởi những người tỉnh táo và có tư duy độc lập.

Trong hai ngày liên tiếp, tôi đi xem hai bộ phim và cũng là tình cờ cả hai phim đều là phim về chiến tranh.

Tôi không phải là người say mê cinéma nên chỉ đi xem phim rất ngẫu hứng khi có thời gian. Có mặt ở Hà Nội trong dịp Tết, tôi có nghe nói loáng thoáng về một bộ phim được coi là rất hay, rất hot đang được trình chiếu tại Hà Nội. Trong đó có cả cảnh nóng tình yêu lãng mạn, có cả phở và cũng có cả âm nhạc. Ôi thích quá.

Được một người bạn thân có nhã ý rủ đi xem, tôi đã chấp nhận ngay. Đất nước mình bây giờ đổi mới rồi, chắc tư duy làm phim cũng khác hoàn toàn. Không như cái hồi tôi còn nhỏ và thời thanh xuân của tôi, toàn chỉ được xem phim tuyên truyền, chán đến mức tôi không bao giờ đi xem phim nữa. Bây giờ mà còn làm phim tuyên truyền thì chó nó xem. Hoàn toàn với tinh thần như vậy, tôi hồ hởi đi nhanh đến rạp.

Đây là một bộ phim dài 1 giờ 45 phút, về một câu chuyện hoàn toàn hư cấu, nhưng thực sự chỉ có 5 phút đáng xem ban đầu. Bỏ qua tất cả các lỗi liên quan đến tất cả mọi chuyện mà tôi không muốn nói đến ở đây cho mất thì giờ, toàn bộ nội dung của phim chỉ nhằm mỗi một mục đích để tuyên truyền, và còn tuyên truyền sống sượng hơn cả thời xưa của tôi.

Để đạt được mục đich tuyên truyền, từng chuyện nhỏ trong bộ phim đều được hư cấu một cách phi logic. Không ai đòi hỏi phim ảnh phải như cuộc sống thật. Tuy nhiên, khi chúng ta học về nghệ thuật thì bài học đầu tiên chúng ta học là nghệ thuật xuất phát từ cuộc sống. Từ đó nghệ thuật phải phản ánh cuộc sống nó phải gần với cuộc sống. Ngược lại ở đây, trong bộ phim này, tất cả đều là sự phi lý đến phát rồ.

Tất cả những chuyện đó đều không thể và hoàn toàn không có thể xẩy ra.

Câu chuyện kể về một anh lính đang chiến đấu ở một góc phố Hà Nội với bọn Tây. Tại đây có những người kháng chiến lập chiến lũy để đánh nhau với quân Pháp. Quân ta hết đạn, anh lính tự động rời chiến lũy để đi tìm súng đạn cho bên ta. Dọc đường đi tìm, anh ta phải vượt biết muôn vàn khó khăn để tránh sự truy lùng của quân Pháp, nhiều lúc còn phải đi cả trên mái nhà, chui xuống cống, đục tường mà đi. Nên nhớ là lúc đó Tây bao vây tứ bề và làm chủ Hà Nội. Hơn thế nữa anh ta phải nhờ một em bé đánh giầy thạo đường dắt đi.

Cuối cùng thì anh ta cũng tìm thấy được chỗ quân ta đã từng sản xuất vũ khí ở đó. Nhưng quân ta đã bỏ đi hết rồi, ở đó chẳng còn gì, anh ta lấy được một quả lựu đạn và một cành đào. Anh ta muốn quay trở lại chiến lũy với cành đào đó. Trên đường về, anh được một tay chơi nhà giầu Hà Nội chở trên một cái ô tô cổ.

Xe đi qua “bốt” Tây, bị Tây chặn lại. Tây mất dậy, sàm sỡ cô gái trên xe. Anh tức quá tung một chưởng, Tây ngã vật. Sau đó cái xe ô tô cổ ấy chạy như bay trên đường phố Hà Nội. Xe nhà binh kia đuổi theo vãi đạn như mưa, nhiều lúc hai xe chỉ cách nhau vài centimet. Vậy mà chẳng ai chết và họ đã chạy thoát ngay trong thành phố Hà Nội, lúc đó chỉ bé tí.

Đúng là một màn rượt đuổi hơn cả phim của Hollywood ở Los Angeles.

Trong khi anh ta đang đi tìm súng đạn, thì người yêu anh từ đâu đó trở về nhà của cô ta ở ngay đúng nơi chiến lũy đổ nát đó. Cô biết chơi piano và bộ đội lúc đó đang không có gì ăn, đang không có đạn, thiếu thốn đủ đường, cái chết cận kề, thì họ lại được lệnh chở cây đàn piano cho cô ta về nơi cô ấy muốn (Việt Nam mới là đỉnh, biết yêu và tôn trọng âm nhạc). Họ đang ròng dây hạ piano từ tầng 3 qua cửa sổ xuống phố, đúng chỗ chiến lũy, thì bọn Tây (khốn nạn, vô học, vô văn hóa, không yêu âm nhạc, không biết gì về nhạc) đã nã đạn làm nát cái piano.

Họ đang bị bao vây và hoàn toàn không có phương tiện gì. Vậy, chắc khi hạ được piano xuống đất thì họ sẽ gọi trực thăng để chở piano đi? Khó thế mà cũng làm được. Tương tự như vậy, nếu anh kia có tìm được súng đạn thì chắc anh ta cũng sẽ gọi trực thăng chở về chiến lũy?

Piano vỡ rồi, cô gái tức quá ở lại chiến lũy chiến đấu cùng bộ đội, trong khi người tình vẫn đang tìm cách trở lại chiến lũy với cành đào.

Bất thình lình, bộ đội tại chiến lũy được lênh ngừng chiến đấu, rút lui sang bên kia sông Hồng để đi kháng chiến lâu dài. Ra đến bờ sông, tay chỉ huy nói một câu xúc phạm người lính tự ý đi tìm súng đạn. Cô người yêu, tức quá không đi theo đơn vị qua sông mà quay trở lại chiến lũy.

Tại đây, chiến lũy bỏ hoang, không một bóng người, hai người đã gặp lại được nhau, rồi đi thuyết phục được một ông cha đến để làm lễ cưới cho họ. Ông cha đến chiến hào cắt tay lấy máu để cho một ông họa sĩ vẽ cờ đỏ sao vàng. Ông cha đại diện cho nhà thờ, ông họa sĩ đại diện cho chính quyền làm lễ cưới cho hai người. Lễ cưới chỉ có bốn người, kể cả dâu rể. Hai người cưới nhau xong thì ân ái với nhau để sáng ngày hôm sau quyết đánh nhau với Tây.

Cả một đơn vị mấy chục người đánh nhau với tây không nổi, phải rút lui. Hai người này quyết tâm chiến thắng quân thù bằng một quả bom ba càng. Trước khi đánh nhau, anh chàng này quấn một băng đỏ lên đầu, một hành động giống hệt quân Taliban trên mấy chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi ở bên Mỹ. Hành động của đôi vợ chồng này hoàn toàn phi lý, không thể có trong thực tế, nó thể hiện tinh thần duy ý chí của nhân vật. Người làm phim chỉ chú ý đến khía cạnh tuyên truyền mà không nhận thấy hành động tự chết một cách vô ích, trái cả lệnh của cấp trên chỉ là một hành động ngu xuẩn vô tác dụng.

Kết quả của bộ phim là gần như toàn bộ các nhân vật chính trong phim đều bị bọn Tây giết hại, hãm hiếp một cách dã man. Riêng cô người yêu thì chết bằng cách ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch.

Hai bên đang giao tranh ở góc phố đó mà tự nhiên ông hàng phở rong lại mang phở đến đó để bán. Cũng là chuyện vô lý đến thế mà cũng dựng lên được. Kết quả ông hàng phở cũng cầm dao chém Tây rồi chết thảm thương. Ông họa sĩ thì bị thằng Tây chỉ huy cầm lê đâm thẳng vào bụng, máu me tóe loe.(Tây biết gì về nghệ thuật, giết cả họa sĩ).

Những bộ phim lớn và hay trên thế giới bây giờ người ta rất tránh những cảnh bạo lực máu me. Ngay cả những phim võ thuật Jacky Chan, đánh nhau loạn xạ nhưng cũng không có máu. Tôi cứ tưởng ta văn minh hơn Tây rồi, sẽ không có máu. Ai ngờ máu vẫn đổ ướt đẫm màn hình. Kinh.

Chiến tranh Pháp-Việt đã qua lâu lắm rồi. Quan hệ ngoại giao Pháp-Việt cũng rất tốt. Pháp đã giúp Việt Nam rất nhiều trên mọi lĩnh vực. Nhưng vì mục đích tuyên truyền, nhà nước không ngần ngại đặt làm bộ phim này với kinh phí khủng để thực sự đốt lên ngọn lửa của lòng căm thù ngút trời. Để làm gì ? Lòng căm thù, nhất là vì những chuyện đã quá cũ, không bao giờ là một giải pháp cho một quan hệ bền vững giữa hai dân tộc, và càng không là một phương pháp giáo dục cho thế hệ trẻ.

Cứ cho là nước Pháp đã xâm lược nước ta đi, đã làm những chuyện nhảm nhí đi. Với từng ấy thời gian đã trôi qua, với tất cả những gì nước Pháp đã làm cho chúng ta, chúng ta bây giờ lại muốn giáo dục thế hệ trẻ căm thù người Pháp ? Ngay cả với người Mỹ, trực tiếp gây ra cuộc chiến làm chết hàng triệu người Việt Nam, chúng ta cũng đã bình thường hóa quan hệ và vừa ký kết nâng quan hệ lên mức hợp tác chiến lược toàn diện.

Rất nhiều người đã khóc trong rạp. Điều đó đúng, đúng lắm và tôi cũng thông cảm cho những người khóc. Họ thấy cảnh chết chóc, cảnh giết người thì đương nhiên họ khóc. Không phải ai cũng từng trải như tôi, biết nhiều như tôi để mà không khóc.

Tôi cũng khóc khi ra khỏi rạp. Tôi khóc là vì thấy trước tiên tôi đã bị lừa, bị lừa rất nhiều lần, bị lừa cả cuộc đời, lần này lại đi xem phim lại bị lừa nữa. Tôi muốn nôn ọe khi bị xem, bị thấy những cảnh tuyên truyền. Thế mà lần này tôi lại tự dẫn mình đi xem!

Tôi khóc cho tôi rất ít mà tôi khóc cho đồng bào tôi rất nhiều vì họ vẫn tiếp tục bị lừa mà không biết. Đáng ra họ phải khóc cho thân phận của họ.

Hãy suy nghĩ sâu xa thêm một chút, đồng bào ơi. Có thể chúng ta đang làm những việc hại cho chúng ta mà chúng ta không biết. Trong hoàn cảnh thế giới hiện nay, « Nước Lạ » bên cạnh chúng ta rất mong muốn chúng ta căm thù « thực dân Pháp » và « đế quốc Mỹ ». Họ sẵn sàng làm tất cả vì điều đó. Tôi cho rằng đây là một âm mưu của họ, nhằm gieo rắc hận thù đó vào thế hệ trẻ của chúng ta. Không đúng à?

Tại sao không có một phim nào tố cáo tội ác của giặc Tầu trong chiến tranh biên giới mới đây thôi và hàng ngàn vụ sát hại ngư dân trên biển diễn ra hàng ngày?

Không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả người dân chúng ta đều bị lừa, không trừ một ai.

Trước đó một ngày, tôi đã đi xem một bộ phim tài liệu về tội ác của quân đội Nga với trẻ em ở Ukraina, nhân kỷ niệm 2 năm ngày nước Nga của Putin đem quân xâm lược Ukraina. Ba sứ quán nước ngoài tại Hà Nội : Ukraina, Bỉ và Cộng Hòa Séc cùng nhau tổ chức buổi chiếu này, ngay trong khuôn viên của đại sứ quán Cộng Hòa Séc. Phim được quảng cáo phục vụ cho đại chúng, mở cửa tự do, không cần đăng ký trước.

Tuy nhiên, chỉ có lác đác vài người Việt Nam đến xem. Rất nhiều người Việt Nam biết sự kiện này nhưng sợ không dám đến xem. Tất cả những gì dính dáng đến chính trị, kể cả chính trị của nước khác thì tất cả đều nói NIET (NO, NON). Trong khi đó chúng ta luôn luôn tự tự hào là một dân tộc anh hùng. Chúng ta anh hùng ở chỗ chúng ta sợ tất cả, sợ cả cái không đáng sợ. Ủng hộ Ukraina thì có gì đáng sợ. Chính lúc chiến sự căng thẳng nhất, thủ tướng của ta đã đi bắt tay Zelenski cơ mà.

Phim về người thật, việc thật, tội ác thật và mới ngay đây thôi ở một nước bạn của ta đang chống ngoại xâm thì không ai xem, không ủng hộ, thậm chí bảo người ta chống ngoại xâm Nga là ngu.

Phim chế láo, nhảm nhí đủ đường thì kéo nhau đi xem ùn ùn, rồi khóc thút thít, rồi tự hào chống ngoại xâm. Khôn ???

Một dân tộc thực sự đáng thương.

——

* tựa do Sài Gòn Nhỏ đặt

Mai, Đào và Nhà nước

RFAVietnam
Mai nghĩa là phim “Mai” của đạo diễn Trấn Thành. Đào nghĩa là phim “Đào, Phở và Piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Nhà nước nghĩa là cả hai bộ phim đều được Nhà nước quan tâm chú ý. Đối với phim Đào, được Nhà nước bỏ tiền đầu tư; đối với phim Mai, bị Sở Văn hóa – Thể thao Tp.HCM phối trí với Công An cùng kiểm tra, sau đó bị đề nghị phạt 75 triệu – vi phạm quy định – vì để người dưới 18 tuổi vô xem [1].
 
Theo trang Box Office, ngày 2 tháng Ba năm 2024, doanh thu phim Mai đạt hơn 505 tỷ đồng [2] và phim Đào đạt gần 9,5 tỷ đồng cùng ghi chú: Bộ phim Đào, Phở và Piano không bán vé trực tuyến, nên hệ thống Box Office Vietnam không ghi nhận chính xác doanh số của tác phẩm này [3].
 
Báo Vietnamnet có bài “Doanh thu phim ‘Đào, Phở và Piano’ đạt 10 tỷ, kỷ lục chưa từng có (mà còn thêm) với phim nhà nước chiếu rạp” [4]. Cách ca ngợi “phim nhà nước” như vậy không đạt tính thẩm mỹ và tính khách quan trong nghề báo và càng không làm uy tín “phim nhà nước” tăng thêm. Trái lại, dễ khiến khán giả nhìn thấy sự thiên vị, trong cách quảng bá của giới báo chí (cũng toàn bộ do Nhà Nước quản lý thống nhứt và toàn diện). 
 
Báo Dân Trí ra ngày 29 tháng Hai năm 2024 cho biết: Bộ phim “của Nhà nước” sẽ chiếu miễn phí tại Tp.Hồ Chí Minh cho sinh viên Campuchia và sinh viên Lào [5]. Thêm vào đó, báo Thanh Niên phát hành hôm 1 tháng Ba năm 2024 đưa tin: “…UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa giao các sở, ngành tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Thanh xuân dâng đảng” cho đối tượng kết nạp đảng giai đoạn 2024 – 2025 là học sinh, sinh viên; đồng thời tổ chức xem phim “Đào, phở và piano” miễn phí” [6]. Tạp chí Afamily góp tin: Ban Giám hiệu trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã quyết định mua vé và mời toàn bộ sinh viên cùng đi xem bộ phim này [7]. Chưa hết, báo Dân Trí cho hay: Một công ty kinh doanh dịch vụ nghĩa trang cao cấp tại TP. HCM đăng tải thông tin tặng vé xem phim Đào miễn phí cho toàn bộ cán bộ, nhân viên [8] nhưng không cho biết danh tánh của công ty (?). Đây là một chỉ dấu rất lạ, vì công ty kinh doanh về… dịch vụ nghĩa trang (!).
 
Thật ra, cái gọi là “MIỄN PHÍ” không phản ánh đúng sức hút của phim Đào. Bởi lẽ, những buổi chiếu phim (đúng nghĩa) miễn phí luôn tổ chức tại những bãi đất trống trước các “nhà văn hóa xã” – ngồi bệt xuống đất – không phải mua vé, hoàn toàn lui về dĩ vãng của một thời bao cấp xa xưa. Thêm vào đó, tất cả những cơ quan (chắc chắn dùng tiền ngân sách tỉnh thành/quận huyện) hay công ty (chắc chắn dùng quỹ của công ty) mua vé rồi tặng, không thể gọi là “miễn phí”. Hơn nữa, việc tặng vé coi phim không hề đồng nghĩa, tất cả những người nhận vé đều dành thời gian đi coi. Điều này có nghĩa, phim Đào dù có đạt 100 tỷ hoặc hơn, vẫn không phải do khán giả có nhu cầu thưởng thức.
 
Đài BBC ngày 1 tháng Ba năm 2024 cho biết [9]: Một nhà văn nữ đã bị đấu tố vì chê phim Đào và nhấn mạnh: “…Dưới đây là một số lời chỉ trích “dễ nghe” nhất trong số những lời rủa sả, công kích nhằm vào nhà văn: Ai cũng như nhà văn này thì mất nước…”. Nội dung của BBC như thêm vào một chỉ dấu “chính trị hóa” điện ảnh bộ phim gọi là “tái hiện lịch sử” thời chống Pháp, với bối cảnh và thời gian diễn ra vào cuối năm 1946 đầu năm 1947 – cách đây gần 80 năm – ca ngợi “người Hà Nội” với 60 ngày đêm “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Lịch sử của Việt Nam – gần trăm năm qua – kể từ ngày thành lập đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) – còn quá nhiều mập mờ và khuất tất, theo chiều dài tang thương của cả nước. Chỉ thông qua một bộ phim với độ dài 100 phút, người dân xứ thiên đàng sẵn sàng chụp mũ “đồng bào mình” – quả thật ngoài khái niệm nghe thật rùng mình mang tên “đấu tố”, không còn từ nào chính xác hơn! 
 
Hai bộ phim Mai và Đào gây sóng gió ầm ĩ như chưa từng có về “sự cạnh tranh” giữa “tư nhân và nhà nước”, đặt trong phát ngôn mới nhứt của đương kim Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng “Sức mạnh của dân tộc nằm ở những con người có trí tuệ và phẩm giá” vào hôm 29 tháng Hai năm 2024, tại “Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024” [10].
 
Chắc chắn, cách ca tụng phim Đào không thể gọi là “trí tuệ của người Việt Nam” và cách thanh tra phim Mai không đạt được “phẩm giá của người Việt Nam”. Có lẽ, còn lâu lắm mong ước của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mới đạt được…
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Phân cực chính trị qua Đào, phở và piano

Cảnh trong phim Đào, phở và piano

NGUYEN MANH HA Cảnh ông hoạ sĩ đụng độ quân Pháp trong phim Đào, phở và piano

 

TS Nguyễn Phương Mai

Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sydney

 

Có lẽ ít bộ phim nhà nước nào khiến dư luận phân cực rõ rệt như Đào, phở và piano.

Một bên là sự chê bai không ngớt về tính giả trân như trên sân khấu kịch, về kỹ xảo non tay, về kịch bản gượng ép, thậm chí về sự trang điểm lộ liễu của nhân vật nữ trong bối cảnh chiến tranh…vv.

Một bên là những lời tung hô ngợi ca về khả năng lấy nước mắt, về cơ hội học sử Việt, và đặc biệt là về lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Khi sự phân cực trở nên độc hại

Sự phân cực và đa dạng (trong nguồn gien sinh học cũng như nguồn “gien” trí tuệ) vốn là nền tảng cho sự chọn lọc và cạnh tranh lành mạnh của xã hội loài người. Tuy nhiên, sự phân cực trở nên nguy hiểm khi đằng sau nó là chữ “cảm xúc (cực đoan)”.

Affective polarisation là một loại phân cực dựa vào những xúc cảm bị đẩy đến cao trào của sự bất tín và khả tín, ghê tởm và tôn sùng, hận thù và ngưỡng mộ. Đó là khi người ta không chỉ bình luận về bộ phim mà còn bình luận về những người có cùng hoặc trái quan điểm với mình. Đây là hai trong số rất nhiều lời bình phẩm trên mạng xã hội:

“Ai dám phán xét lịch sử là bọn phản động, đu càng, vô ơn”.

“Không thể nuốt trôi sự ngây thơ và ngu muội của những con bò rơi nước mắt khi xem phim. Tao thì cười són d***”.

Phân cực chính trị và cái mũ “phản động”

Nếu để ý thêm một chút, ta sẽ thấy ở hai bình luận trên, đứng bên cạnh “cảm xúc cực đoan” là “lý tưởng chính trị”. Ideological polarisation là một loại phân cực dựa vào sự đối lập của niềm tin có tính chính trị như các cặp đối kháng giữa “bảo thủ – cấp tiến”, “cánh tả – cánh hữu”, “cộng sản – tư bản”.

Trong câu chuyện của chúng ta, sự phân cực đó có tên là “bò đỏ – phản động”. Chữ “phản động” vốn có nghĩa là bảo thủ không chịu thay đổi (reactionary). Nó thoạt tiên được dùng để chỉ những kẻ chỉ khư khư “bảo vệ thể chế”, không chịu nhận ra rằng chủ nghĩa xã hội là tương lai tất yếu của nhân loại. Hiểu nôm na, ai ngồi yên là đồ phản động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị Việt Nam nơi chủ nghĩa xã hội của tương lai được cho là đã bắt đầu thì việc “thay đổi thể chế” mới bị coi là phản động. Điều này dẫn đến sự phi lý có tính nội hàm khiến nhiều người phải xoắn não: Ai chuyển động là đồ… phản động (!)

 

Phân cực chính trị phi chính thống

Cặp đối kháng “bò đỏ – phản động” trong bối cảnh chính trị Việt Nam là một trường hợp đặc biệt của phân cực chính trị.

Lý do thứ nhất là bởi từ “phản động”, trong bối cảnh Việt Nam, cần phải hiểu theo nghĩa gần giống với “phản bội” (Tổ quốc). Vì thể chế Việt Nam chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo, bất cứ hành động nào phản kháng lại cách thức tổ chức đó lập tức trở thành một cực đối lập chính trị một cách phi chính thống.

Cực đối lập này tồn tại kiểu “du kích” lề trái trên mạng xã hội, ở hải ngoại, trong các hội nhóm không được nhà nước công nhận, trong nghệ thuật cũng như diễn ngôn phi chính thống, trong các mối quan hệ xã hội hàng ngày, trong ý thức nội tại của một bộ phận người dân, và đặc biệt là trong một số phiên tòa xử các nhà bất đồng chính kiến về tội “chống phá nhà nước”.

Chính trị hóa những vấn đề xã hội

Khán giả xem phim

NGUYỄN MẠNH HÀ Quầy vé Trung tâm Chiếu phim Quốc gia với khán giả đến xem phim Đào, phở và piano

Một đặc điểm của phân cực là những khác biệt không liên quan đến chính trị cũng sẽ bị chính trị hóa. Ví dụ, “phân cực về quyền bỏ thai” thường bị đem ra để kích động “phân cực cảm xúc cực đoan”. Phe cánh hữu cho rằng ai ủng hộ bỏ thai là “ác quỷ giết người”. Phe cánh tả cho rằng ai ép buộc một phụ nữ phải đẻ con, bất chấp nguồn gốc thai nhi là do cưỡng hiếp, hoặc bất chấp hệ lụy lâu dài cho chính cô ấy, cho đứa con và cả xã hội mới là kẻ “giết người không dao”.

Ở Việt Nam, rất nhiều những vấn đề xã hội không liên quan đến chính trị cũng có thể bị chụp mũ “phản động”. Phiên tòa ấy cũng tồn tại gián tiếp trong không gian bình luận phim Đào, phở và piano. Một số người dám chê bai bộ phim về đề tài yêu nước bị coi là “phản động”. Tương tự ở đầu kia thái cực, một số người khen ngợi phim (do nhà nước làm, phim về cách mạng) đã bị gọi là “bò đỏ”.

Về bản chất, đây chính là một biểu hiện rất tự nhiên của phân cực chính trị, nếu bạn phản đối A thì bạn là B, nếu bạn ghét cánh tả thì bạn là cánh hữu, nếu bạn phản đối “nhà nước” thì bạn là “phản động”, nếu bạn ủng hộ các sản phẩm của chính quyền cộng sản thì bạn là “bò đỏ”.

Một người bạn của tôi sau khi sống ở Việt Nam gần hai chục năm đã đùa rằng, việc gọi ai đó ở Việt Nam là “phản động” cũng giống như việc ở quê hương mình anh từng bị chửi là “con chó cánh tả” (hàm nghĩa cái gì cũng sủa), hay hàng xóm của anh bị chó ị một bãi trước nhà và lời nhắn “đống phân cánh hữu” (hàm ý bảo thủ đến mức thối như phân).

Tôi phải tế nhị nhắc nhở anh rằng so sánh như thế là khập khiễng. Vì có tính phi chính thống nên tuy Việt Nam có “phân cực chính trị” nhưng không có “phân chia quyền lực”. Bị gọi là “chó cánh tả” hay “phân cánh hữu” thì khó chịu thật đấy, nhưng không mấy ai vì thế mà phải vào tù. Còn bị gọi là “phản động” ở Việt Nam thì có lẽ không an toàn chút nào.

 

Di chứng chiến tranh trong phân cực

Tuy nhiên, điểm đặc biệt trong câu chuyện của chúng ta không phải là việc “chính trị hóa một vấn đề xã hội”, mà đó là chính trị hóa nhầm thời điểm lịch sử.

Trong bối cảnh của Đào, phở và piano – một bộ phim chống thực dân Pháp thì kẻ “phản bội” hẳn phải ủng hộ Pháp. Tuy nhiên, nhiều người chê phim lại bị chụp mũ “phản động” với mặc định là họ ủng hộ… Mỹ. Bằng chứng là những câu chửi thường liên quan đến một cuộc xung đột chính trị từ gần nửa thế kỷ trước giữa miền Bắc cộng sản và miền Nam cộng hòa. Họ bị chửi là “ba sọc”, “ba que”, “đu càng”. Họ cũng bị chửi là “khát nước” và “phản động” – hai từ thường được dùng trong bối cảnh cuộc chiến Bắc-Nam chứ không phải cuộc chiến chống thực dân.

Việc những người chê phim “chống Pháp” bị chửi bằng diễn ngôn “chống Mỹ” và chống “ngụy quân-ngụy quyền” là một tín hiệu đáng lo ngại. Vũ khí sát thương của “quá khứ này” vẫn tiếp tục được dùng để sát hại một “quá khứ khác”, thậm chí, được dùng để trừng phạt hiện tại và tương lai.

Tệ hơn nữa là sự chửi bới đó phần lớn đến từ giới trẻ, bất chấp việc chính quyền Việt Nam đã công khai kêu gọi loại bỏ diễn ngôn “ngụy quân ngụy quyền”, khôi phục lại tính chính danh cho chế độ Sài Gòn. Nó cho thấy công cuộc hòa hợp hòa giải không những vẫn còn dang dở với thế hệ đi trước mà di chứng đã kịp di truyền đến thế hệ hôm nay.

Cơ hội rã cực bị bỏ lỡ

Poster phim

NGUYỄN MẠNH HÀ Hai cô đào cùng Văn Dân (đồ đen) và ông phán trong phim Đào, phở và piano

Về khía cạnh lịch sử, Đào, phở và piano hoàn toàn có thể trở thành một yếu tố rã cực (de-polarisation) kết nối hàn gắn dân tộc. Nó không dính đến Mỹ hay Trung Quốc mà zoom ống kính vào thời toàn dân chống Pháp.

Ở thời điểm lịch sử ấy, giai cấp tư sản chưa bị bôi đen thành một lũ đỉa hút máu dân nghèo, tầng lớp trí thức chưa bị gạt ra ngoài lề, người nghệ sĩ chưa trở thành công cụ tuyên giáo, tình yêu lứa đôi chưa bị coi là đồi trụy và tôn giáo chưa phải là thuốc phiện của nhân dân. Những nhân vật trong bộ phim cũng không bị chủ nghĩa anh hùng làm mờ đi những góc khát khao rất dung dị, rất người – điều khiến thế hệ thời bình có thể nhìn thấy mình trong đó. Nhà văn Hà Thủy Nguyên đã nhận xét như sau:

“Nhân vật có nhiều tố chất nổi loạn ‘lãng mạn tiểu tư sản’. Đôi nam nữ chính là những người luôn ‘chống lệnh’, ông họa sĩ cũng không tìm thấy đam mê trong khắc họa hình ánh người lính hào hùng, vị cha xứ sẵn sàng bước ra khỏi các quy tắc giáo điều của Nhà thờ… Các nhân vật cư xử rất con người, thậm chí rất tầm thường. Chẳng nhân vật chính nào trong đó lý trí, chẳng nhân vật nào giỏi hay đẹp, chẳng nhân vật nào coi cuộc chiến là một lý tưởng… mà chỉ cố bảo vệ những gì mình tin là của mình, xứng đáng để giữ gìn.”

 

Tuy nhiên, cơ hội rã cực ấy bị bỏ lỡ bởi sự “phân cực cảm xúc cực đoan” như đã nêu ở phần đầu bài viết. Đây là một bài học kinh điển trong lĩnh vực khoa học về phân cực chính trị.

Trong nhiều nghiên cứu thần kinh học nổi tiếng, hai nhóm người cánh hữu và cánh tả cùng xem video về quyền bỏ thai. Bộ não của họ xử lý thông tin giống nhau khi video đó dùng ngôn ngữ trung tính, khách quan và khoa học. Tuy nhiên, bộ não của họ phân cực, kích hoạt các cảm xúc hận thù, sợ hãi và kinh tởm khi xem video dùng ngôn ngữ kích động, gắn quyền bỏ thai với chính trị.

Chúng ta ghét nhau không phải vì chúng ta khác nhau. Chúng ta ghét nhau và dạt về hai thái cực vì đã dùng những lời lẽ làm nhau đớn đau. Thật tiếc cho một bộ phim có tiềm năng hàn gắn, nhưng sự miệt thị và tôn vinh quá đà đã khiến “cảm xúc cực đoan” tiếm ngôi trở thành nhân vật chính.

TS. Nguyễn Phương Mai là chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực ứng dụng Khoa học Não bộ vào Giao tiếp-Quản trị đa văn hóa và Phát triển năng lực cá nhân. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Sau Đào, phở và piano là cơn sục sôi đấu tố

 

Cảnh trong phim Đào, phở và piano

NSX Cảnh trong phim Đào, phở và piano

BBC

Đặt vấn đề rằng phim Đào, phở và piano xây dựng quân Pháp hung bạo theo cách một chiều liệu có thái quá hay không, một nhà văn nữ đang bị tấn công dồn dập trên trang Facebook cá nhân lẫn các hội nhóm.

“Ai cũng như nhà văn này thì mất nước.”

“Phim phản ánh lịch sử, mà lịch sử là sự thật đấy, hình ảnh trong phim đã là gì so với ông bà đã phải trải qua thời đó.”

“Thế mới thấy phim Đào, phở và piano nó thực tế ra sao. Sự thật là ta thắng, địch thua chứ làm gì có mô típ nào ở đây. Mà vấn đề là, thắng làm vua, thua không có quyền gáy.”

Trên đây là một số ít bình luận thuộc dạng đỡ khiếm nhã nhất đối với nhà văn này trong số vô vàn những ý kiến gay gắt, những lời rủa sả khi có những chia sẻ không tích cực về bộ phim do nhà nước đặt hàng.

Ra mắt vào dịp Tết âm lịch 2024, Đào, phở và piano bỗng nhiên được khán giả quan tâm, trở thành hiện tượng cháy vé chưa từng thấy ở rạp chiếu phim Việt.

Và cũng như bao nhiêu cơn sốt phòng vé khác, bộ phim lấy bối cảnh lịch sử Hà Nội năm 1946 nhận được những ý kiến khen chê trái chiều.

Song trái với những gì mà người ta vẫn nghĩ, rằng trong thời đại mạng xã hội phát triển như hiện nay, khi mọi người đều có thể tiếp cận nhiều hơn với bên ngoài thì sẽ trở nên cởi mở hơn, không ít người trẻ vẫn duy trì sự gay gắt trước những ý kiến khác với những gì họ được dạy ở trường học hay được tuyên truyền.

Phê bình phim, đưa ra các gợi ý về việc xây dựng nhân vật đều dễ dàng bị dán nhãn là “xét lại lịch sử”, “không yêu nước”.

Hiệu ứng đám đông và gốc rễ của tư duy phân cực

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học tại Hà Nội, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 28/2 rằng đây không chỉ là về phim ảnh nghệ thuật hay quan điểm chính trị, mà còn là vấn đề về kiểu tư duy chỉ có đen và trắng nói chung, là hệ quả từ việc giáo dục ở nhà trường và giáo dục bằng truyền thông chính thống.

“Đã từ lâu ở Việt Nam có thói quen có tư duy phân cực, ta và địch. Người ta không chấp nhận một người có thể đứng ở giữa,” bà nhận định.

“Thế nên trong cả tuyên truyền và giáo dục lịch sử thì nhất định nhân vật như Lê Chiêu Thống phải xấu, xấu không thể nào chấp nhận được, hay nhân vật Ngô Đình Diệm nhất định phải sai,” bà nêu ví dụ.

Tiến sĩ Hoàng Ánh cho rằng vì cách giáo dục và tuyên truyền này mà các nhà sử học cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại toàn bộ sự thật, chẳng hạn như cố gắng nhấn mạnh nhà Nguyễn cũng có công, nhưng người ta vẫn tin nhà Nguyễn là sai chỉ có nhà Nguyễn Tây Sơn là đúng.

Lịch sử từ thời phong kiến cho đến Chiến tranh Việt Nam mà giới trẻ Việt Nam được giáo dục, theo bà, đã trở thành một mạch suy nghĩ có hại cho cả hai bên, cả bên ủng hộ chính thống và cả bên gọi là chống lại.

“Bên ủng hộ thì nghĩ là phe cộng sản của Việt Nam vĩnh viễn là đúng, cuộc chiến của Việt Nam vĩnh viễn là vinh quang, còn bên kia thì nói rằng cái gì của bên cờ đỏ làm cũng là sai.

Những người ủng hộ phe cờ đỏ sẽ cho rằng bất kì những ai bên kia chỉ cần nói gì thì đều là phản bội, bán nước, còn những người bên kia thì chỉ cần ai có một chút ủng hộ thì đều là những kẻ theo đuôi cộng sản, không đáng tin cậy,” bà Ánh nêu ví dụ.

“Đây chính là hệ quả của giáo dục và truyền thông lâu đời của Việt Nam.”

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh

,NGUYỄN HOÀNG ÁNH Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng sự cực đoan đến từ giáo dục và truyền thông

Quay lại phim Đào, phở và piano, Tiến sĩ Hoàng Ánh nói bộ phim này đã có thành công về mặt tuyên truyền, tái hiện cuộc chiến gian khổ, về những cú sốc của tầng lớp trí thức Hà Thành. Đặc biệt, bà đánh giá cao lòng yêu nước và sự hi sinh của đa số người Hà Thành trong thời gian đó.

Tuy nhiên, bà cho rằng bộ phim nhà nước này cũng có một số mặt hạn chế, dẫn chứng về nội dung rằng không nhất thiết là “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” thì nhân vật phải chết, hay không nhất thiết là mọi lính Pháp đều ác như vậỵ.

“Đây chỉ là một bộ phim được dựng nên từ lịch sử chứ không phải hoàn toàn là lịch sử,” bà Hoàng Ánh nêu ý kiến.

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh nói với BBC rằng sức hút của Đào, phở và piano với giới trẻ đến từ sự quan tâm thực sự với thể loại phim lịch sử chiến tranh mà họ lâu không được xem nhiều năm qua.

Bên cạnh đó là từ hiệu ứng ngược khi phim Mai – trùng tên với một loại hoa Tết phổ biến ở miền Nam – làm mưa làm gió ở các phòng vé còn Đào là của miền Bắc.

Một lý do khác, theo ông, là hiệu ứng đám đông, với các cuộc tranh luận cả tích cực và tiêu cực trên mạng xã hội.

“Đáng chú ý là dường như sự quan tâm của phim này bắt nguồn từ một bài giới thiệu của một TikToker. Điều này cho thấy ảnh hưởng truyền thông ngày càng lớn của mạng xã hội đối với giới trẻ,” ông Linh nhận định.

Vai trò của mạng xã hội

“Giữa một xã hội bão hòa thông tin, một bộ phận giới trẻ trong thời hiện đại dễ bị ảnh hưởng bởi những lời kêu gọi đấu tranh chống lại các ‘luận điệu sai trái’ trên mạng xã hội,” một blogger trao đổi với BBC với điều kiện ẩn danh.

Người này cho rằng các phong trào trên mạng của dư luận viên đã góp phần kích thích những đầu óc cực đoan.

Ông Vũ Hoàng Linh nói với BBC rằng internet đóng một vai trò quan trọng tạo ra sự phân cực trong suy nghĩ, đánh giá của người trẻ đối với bộ phim.

“Việc có quá nhiều thông tin với các quan điểm khác nhau trên mạng dẫn tới xu hướng là nhiều người trẻ sẽ chọn một góc nhìn, một mạng lưới, một nhóm mà họ cảm thấy họ ‘thuộc về’. Các tranh luận trên mạng xã hội, thay vì khiến cho người tham dự gần nhau hơn và độ lượng hơn với các ý kiến khác, trái lại lại có xu hướng khiến sự phân cực diễn ra quyết liệt hơn,” ông cho biết.

Một lý do khác theo ông là các thuật toán trên mạng xã hội sẽ khiến những người tham gia mạng xã hội thường đọc tin tức, tham gia hội nhóm… với các ý kiến tương tự mình.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh lại có quan điểm khác, bà cho rằng nhờ internet thì sự phân cực đã đỡ hơn nhiều.

“Một người chỉ cần đầu óc chưa bị tẩy não hoàn toàn thì khi được tiếp cận với nhiều thông tin trên mạng, người đó có thể có được một cái nhìn đa chiều hơn. Nhưng nếu đã bị tẩy não hết cỡ, thì không còn cách nào cứu được,” bà cho hay.

Theo bà, ở Việt Nam có một tỷ lệ rất lớn các mối quan hệ trong gia đình không dàn xếp được, chính là vì tư duy chỉ có “đúng và sai”, không bao dung lẫn nhau.

“Lấy ví dụ đơn giản nhất là khi mẹ chồng, nàng dâu trong gia đình mâu thuẫn, những người đàn ông có quan điểm trung dung có thể giúp đỡ mẹ và vợ cùng hòa giải, nhưng những người có tư duy cực đoan sẽ khiến mọi việc trở nên rắc rối hơn.”

Trong khi đó, ông Vũ Hoàng Linh cho rằng hiện tượng phân cực ngày càng quyết liệt đó không chỉ xảy ra với người trẻ ở Việt Nam mà là hiện tượng trên toàn thế giới, và cũng không chỉ với riêng người trẻ mà cả với các đối tượng khác.

Một ví dụ mà ông nêu ra là những người theo Đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ ngày nay có xu hướng phân cực hơn nhiều so với người theo hai đảng này cách đây 40 năm.

Nền giáo dục Việt Nam luôn chú trọng tuyên truyền về chiến thắng, tôn sùng lãnh tụ dẫn đến sự cực đoan và phân rẽ trong xã hội

GETTY IMAGES Nền giáo dục Việt Nam luôn chú trọng tuyên truyền về chiến thắng, tôn sùng lãnh tụ dẫn đến tâm lý cực đoan và phân rẽ trong xã hội

Để người trẻ có được cái nhìn đa chiều

Theo Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh, để thay đổi vấn đề về tư duy là câu hỏi không dễ.

“Tôi nghĩ trước hết, trong nhà trường cần có sự thay đổi quan điểm, để học sinh có tư duy mở, tư duy phản biện, tư duy ngược dòng… Không nên coi những lời thầy cô nói là chân lý, và cũng không nên coi những gì trong sách giáo khoa lịch sử chẳng hạn là các chân lý bất biến,” ông nêu ý kiến.

“Chữ ‘lịch sử’ trong tiếng Anh là ‘history’ là một từ có số nhiều, tức là thực ra có nhiều cách mà người sau kể về quá khứ, chứ không có một lịch sử duy nhất, tuyệt đối đúng, không thay đổi.”

Ông Linh cho rằng sự thay đổi trước hết cũng cần đến từ chính các bạn trẻ, đồng thời đưa ra lời khuyên không nên tham gia quá nhiều vào các cuộc tranh luận trên mạng.

“Với cái cách tranh luận trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, trong khi những người tham gia chưa thực sự học được cách tranh luận mà chỉ cố gắng chứng tỏ mình đúng còn đối phương sai thì việc tranh luận không những không làm người ta có tư duy cởi mở và hiểu nhau hơn, mà trái lại sẽ càng trở nên phân cực và cực đoan hơn,” ông Linh nhận định.

Còn theo Tiến sĩ Hoàng Ánh, kiểu tư duy này không chỉ có hại khi nói về phim ảnh hay nghệ thuật, chính trị mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ đời sống.

“Những người chỉ có kiểu tư duy chỉ có đen và trắng này thì trong đời sống công việc cũng sẽ gặp khó khăn,” bà nói thêm.