Seite auswählen

Bảng hiệu giao thông

NGUYỄN THANH LỢI Ảnh chụp ngày 1/3 tại Sài Gòn.

BBC

Từ cuộc tranh luận liên quan đến cách gọi ‘Ga tàu thủy Bạch Đằng’, nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh một vấn đề lớn hơn: sự áp đặt ngôn ngữ làm mờ dần đặc trưng phương ngữ miền Nam.

Dù rằng “ga tàu thủy” không hẳn là một từ miền Bắc, nhưng vấn đề phương ngữ vẫn trở thành một chủ đề tranh luận sôi nổi. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng phương ngữ Hà Nội, phương ngữ miền Bắc, với lợi thế của truyền thông, của bộ máy nhà nước, đang “phủ sóng” ngày một rộng tại miền Nam, lấn át cách dùng từ truyền thống của người miền Nam.

Biểu hiện rõ nhất của việc này là các bảng chỉ đường, các cách viết trên báo chí, sách giáo khoa.

Một người dùng Facebook có tên Han Phan bình luận trên trang cá nhân:

“Xúm nhau chửi vụ ‘Ga tàu thủy Bạch Đằng’, tôi nghĩ các bạn cũng nên thử suy xét sâu xa hơn một chút, tại sao họ muốn làm điều đó? Như cách họ thay biển báo giao thông khắp miền Nam từ ‘bùng binh’, ‘vòng xoay’ thành ‘vòng xuyến’; ‘giao lộ’, ‘ngã 4 – ngã 5’ thành ‘nút giao’ kiểu ngoài Bắc. Mặc nhiên chọn tiếng Bắc thành ‘quốc ngữ’, mỗi ngày đều tìm cách triệt phá sự đa dạng của phương ngữ vùng khác, nhất là ngôn ngữ cũ của Miền Nam trên mọi phương diện đọc, viết, đặc biệt là sách giáo khoa.”

Và người này đặt ra câu hỏi: “Trong khi nhiều tổ chức quốc tế người ta còn tìm cách cứu lấy ‘tử ngữ’, giữ gìn sự đa dạng ngôn ngữ của các quốc gia nhỏ, sắc tộc thiểu số,… để giữ gìn đa dạng văn hóa, bản sắc, giữ gìn một thế giới phong phú… Thì tại sao giáo dục của ta, bộ máy tuyên truyền và kiểm duyệt của ta luôn nỗ lực hướng đến sự rập khuôn, đồng hóa?”

Ví dụ nhiều đến mức ‘không kể nổi đâu’

Nhà báo Cù Mai Công, nguyên thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, một cây bút viết sách về Sài Gòn xưa, nói với BBC News Tiếng Việt rằng nếu kể về những ví dụ ngôn ngữ miền Bắc tràn vào miền Nam thì “nhiều lắm, kể không nổi đâu và cũng không cần kể vì ai cũng thấy, cũng nghe ra rả hằng ngày”.

Ông nêu những ví dụ như ‘sử dụng’ (dùng, xài), ‘rẽ’ (quẹo), ‘ô tô’ (xe hơi), ‘phố’ trên các bảng hiệu, bảng tên hiện nay cho đến chống dịch Covid chính thức của Việt Nam như ‘đi từng ngõ, gõ từng nhà’.

Nhà báo Cù Mai Công đánh giá, “Ngôn ngữ văn bản hiện nay thì khỏi nói rồi, tràn ngập gốc Hán Việt như ‘nỗ lực, đối tượng, phương tiện’… rất khó đọc.”

“Vậy nên mới đẻ ra chuyện gọi ‘phương tiện’ thay ‘xe cộ‘, ‘đối tượng’ (vốn chỉ một tập thể) thành ‘đối tượng Nguyễn Văn A’, ‘điều khiển phương tiện giao thông’ thay cho cầm lái, ‘cá thể’ (rùa chẳng hạn) thay cho con rùa…”

Có thể thấy ‘đối tượng’, ‘phương tiện’… là những từ vựng hiện được sử dụng rất thường xuyên trong các bản tin an toàn giao thông, an ninh trật tự trên nhiều báo đài ở Việt Nam hiện nay.

“Đó không phải là văn phong, cách viết báo chí,” nhà báo Cù Mai Công đánh giá.

Chia sẻ những hình ảnh các bảng chỉ đường dùng các cách gọi ‘nút giao’, ‘vòng xuyến’ lạ lẫm với người Sài Gòn, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi nói rằng từ “bùng binh” là chính xác nhất và đã được dùng từ trước 1975.

Sau đó, những năm gần đây đã xuất hiện tranh cãi ở Việt Nam liên quan đến ‘nút giao’, ‘vòng xoay’, ‘vòng xuyến’ để thay cho từ ‘bùng binh’, ông cho rằng ‘nút giao’ là từ tạm chấp nhận được trong số những từ được đề xuất. Tuy nhiên, từ ‘nút giao/vòng xoay công trường’, theo ông là không hợp lý vì bản thân ‘công trường’ đã mang nội hàm là một tiểu đảo, xe cộ di chuyển xung quanh, thêm từ “nút giao” là thừa.

Về ‘tàu bay’, theo ông Lợi, đây là phương ngữ Bắc Bộ, ở miền Nam, người dân quen gọi là ‘máy bay’ hay ‘phi cơ’ hơn.

Nguyên nhân một phần từ giáo dục?

Bé Bảo Hân và sách giáo khoa

GIA ĐÌNH CUNG CẤP Bé Bảo Hân, học sinh lớp bốn tại Đà Nẵng, bên sách giáo khoa Tiếng Việt

Phụ huynh em Bảo Hân, một học sinh lớp bốn tại Đà Nẵng, chia sẻ cho BBC News Tiếng Việt về sách giáo khoa Tiếng Việt.

Từ ngữ được xài thống nhất gồm nhiều từ gốc Bắc, như ‘bố’ thay cho ‘ba’ như trong bài tập đọc ‘Người thầy đầu tiên của bố tôi’.

Vì gia đình là gốc Bắc nên vị phụ huynh này cũng không có ý kiến gì thêm.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định:

“Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định: “Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt”.

Luật Giáo dục 2019 quy định: “Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục”.

Từ TP HCM, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh Lợi, tác giả của một số sách về văn hóa Nam Bộ như ‘Sài Gòn đất và người’, ‘Ghe bầu Nam Trung Bộ và ghe xuồng Nam Bộ’… cho rằng phương tiện truyền thông, giáo dục “đã gia tăng áp lực lên việc sử dụng ngôn ngữ toàn dân ở miền Bắc lên thói quen sử dụng ngôn ngữ ở miền Nam”.

“Các nhà soạn sách giáo khoa thường dùng ngôn ngữ miền Bắc để gọi tên các sự vật, hiện tượng ở miền Nam như: mãng cầu (na), đậu phộng (lạc), đậu (đỗ), heo (lợn), kiếng (gương), chén (bát), ly (cốc), muỗng (thìa), dĩa (đĩa), tập (vở), giỏ (làn)… Trẻ học cấp một làm sao phân biệt được ‘cọng’ giá với ‘giá đỗ’, hay rất xa lạ với ‘đỗ xanh’ (đậu xanh)… Rồi sách giáo khoa thì viết là ‘vâng’ nhưng về đến nhà lại dùng từ ‘dạ’.”

“Nếu không chú trọng giáo dục ngôn ngữ địa phương, thì viễn cảnh đến ngày nào đó, học sinh không thể đọc hiểu các tác phẩm của những nhà văn giàu chất Nam Bộ như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư… là không xa. Chúng sẽ trở nên ‘xa lạ’ ngay chính trên quê hương bản quán, trong không gian văn hóa của mình vì đã bị đánh mất ngôn ngữ bản địa,” nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh Lợi nói với BBC News Tiếng Việt.

Có quy định ‘ngầm’ trong báo chí?

 

Người dân đọc báo năm 2022

NAM NGUYEN/AFP THÔNG QUA GETTY IMAGES Nhà báo Cù Mai Công cho BBC biết trong 40 năm làm báo ở Việt Nam thì không ai bị xử lý khi viết tin bài xài giọng Nam, quy định cũng không có

Là người gốc Bắc, nhà báo Cù Mai Công cho biết trong gần 40 năm làm báo chính thức, ông chưa đọc được một văn bản, quy định nào yêu cầu phải dùng từ này hay từ kia.

“Khi còn làm báo, nhiều lần tôi cũng nói điều này với anh em Tuổi Trẻ rằng: có ai xài giọng, phương ngữ miền Nam mà bị kỷ luật hay nhắc nhở đâu.”

“Xin nói rõ: hồi làm tòa soạn báo Tuổi Trẻ, khi biên tập một số tin bài sự kiện ở miền Nam, tôi thay ‘vào’ thành ‘vô’, ‘ô tô’ thành ‘xe hơi’, ‘điều khiển phương tiện giao thông’ thành ‘cầm lái’…, chưa bao giờ bị ai nói gì. Nhiều anh em còn ủng hộ. Nên nói áp đặt có lẽ không đúng. Chủ yếu là bắt chước, ảnh hưởng nhau, dần dà thành văn phong, thói quen.”

“Đây mới là nguyên nhân tiềm ẩn, tế nhị và nhạy cảm: cứ copy – paste văn bản, nghị quyết, quy định… cho an toàn, không cần quan tâm người đọc có hiểu không, thậm chí tôi nghĩ có khi cả người viết lại văn bản đó có khi cũng không hiểu?”

Nhà báo Cù Mai Công cho biết không ai bị xử lý khi viết tin bài dùng giọng Nam, quy định cũng không có.

Hiện Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) là đài truyền hình quốc gia duy nhất ở Việt Nam, với chủ yếu là biên tập viên, phát thanh viên là người miền Bắc, cũng có người miền Nam nhưng số lượng không nhiều.

Các đài địa phương cũng tiếp sóng các chương trình của VTV. Vấn đề này cũng đã được dư luận tranh luận mạnh mẽ vài năm trước đây liên quan đến việc cần có bản sắc, cụ thể là giọng nói miền Nam trên sóng truyền hình quốc gia.

Báo Sài Gòn Giải phóng cũng từng gây phản ứng với việc thay vì dùng ‘ruột/vỏ xe’ thì viết là ‘xăm/lốp xe’, hay ‘ngàn năm’ thì viết là ‘nghìn năm’

Nhà báo Cù Mai Công nhận định với BBC News Tiếng Việt như sau:

“Tại sao giọng Bắc hiện nay vẫn từng bước trở thành giọng chính trên báo chí, truyền thông lẫn mạng xã hội – kể cả nhiều tác giả vốn là Nam rặt, ăn nói bình thường vẫn là giọng Nam, giọng Sài Gòn, nhưng khi viết lại toàn xổ giọng Bắc.

“Còn cái gọi là ‘ngôn ngữ miền Bắc’ hiện nay không hẳn là ngôn ngữ miền Bắc đâu. Nhiều người biết đó là ‘ngôn ngữ văn bản’ mà nhiều tin bài truyền thông đang copy – paste [sao chép] thành tin bài của mình.”

“Giọng, ngôn ngữ Bắc trước đây, như đọc một bản tin, một bài báo của báo chí miền Bắc cách đây 20, 30, 40 năm vẫn đơn giản, dễ hiểu vì dùng nhiều tiếng Việt. Trước 1954 thì báo chí, văn chương miền Bắc cũng viết mộc mạc nhưng rất thu hút,” nhà báo Cù Mai Công đánh giá.

Từng có ‘nhập gia tùy tục’ từ Bắc vô Nam tử tế?

 

Đường phố Sài Gòn

NHAC NGUYEN/AFP THÔNG QUA GETTY IMAGES Đường phố Sài Gòn, ảnh vào tháng 12/2023

Năm 1954 là năm Hiệp Ðịnh Genève được ký kết, chia lãnh thổ Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc, mở đầu cho cuộc di cư của khoảng một triệu người từ Bắc vô Nam.

Trước 1975 và trước 1954, ngôn ngữ, giọng Bắc cũng đã xuất hiện ở miền Nam, nhất là khi trên dưới một triệu đồng bào Bắc di cư 1954 tràn vào miền Nam, vào Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn.

Nhà báo Cù Mai Công cho biết đã có sự nhập gia tùy tục “rất tử tế” từ năm 1954 của người miền Bắc khi họ di cư sang miền Nam.

“Nhiều văn nghệ sĩ gốc Bắc di cư hồi 1954 đã mang giọng điệu đó vào Nam, vào Sài Gòn… đã được người miền Nam, người Sài Gòn tiếp nhận rất ngọt.”

“Nhiều danh ca như Thái Thanh, Khánh Ly.. đã hát giọng Hà Nội 100%, âm r thành gi, tr thành ch, ưu thành iu, ươu thành iêu… Có danh ca như Hà Thanh gốc Huế cũng hát giọng Hà Nội. Đọc truyện viết trước 1975 của nhà văn gốc Bến Tre là Từ Kế Tường đã thấy thấp thoáng giọng, từ, ngôn ngữ Bắc. Nhạc có “phố đêm, đèn mờ giăng giăng…” (Phố đêm), “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ”…”

“Đó là chưa nói đến thái độ đàng hoàng, tử tế của việc ‘nhập gia tùy tục’. Nhà thơ Tố Hữu xưa khi nói về Sài Gòn trong bài ‘Ta đi tới’ cũng viết: ‘Ai vô thành phố Hồ Chí Minh…’ chứ không dùng ‘vào’. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng viết: ‘Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay’ (Nối vòng tay lớn)…”

Tuy nhiên, theo cây bút Cù Mai Công thì nếu so với ngày xưa, ngôn ngữ miền Bắc “không tràn ngập, áp đảo các giọng khác như gần đây và càng lúc càng phổ biến” như hiện nay.

Nên có luật Tiếng Việt?

Hình ảnh cụm từ 'ga tàu thủy Bạch Đằng bị tháo dỡ hôm 29/2, để thay bằng 'bến tàu Bạch Đằng'

NGUYỄN KIM TOẢN Hình ảnh cụm từ ‘Ga tàu thủy Bạch Đằng’ bị tháo dỡ hôm 29/2, để thay bằng ‘Bến tàu Bạch Đằng’

Tiếng Việt là một ngôn ngữ có ba phương ngữ chính gồm phương ngữ Bắc Bộ, phương ngữ Bắc Trung Bộ và phương ngữ Nam Bộ.

Qua vụ “Ga tàu thủy Bạch Đằng” chuyển thành “Bến tàu Bạch Đằng“, có một luồng dư luận cho rằng cần có tính thống nhất trong đa dạng, thay vào việc “âm thầm” lấy phương ngữ Bắc Bộ làm chuẩn quốc gia.

Trăn trở về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi nhận định phương ngữ (từ địa phương) tồn tại trong lời ăn, tiếng nói của quần chúng, là vốn ngôn ngữ văn hóa để biểu thị các sự vật, hiện tượng, con người ở địa phương, thể hiện bản sắc của vùng miền, đóng góp vào kho tàng ngôn ngữ chung của dân tộc.

“Giao thoa ngôn ngữ giữa các vùng miền là quy luật mang tính tất yếu, tạo ra sự phong phú, đa dạng hơn vốn từ ngữ cũng như việc sử dụng các lớp từ đó. Nhưng sự áp đảo của từ toàn dân đối với phương ngữ miền Nam là một thực trạng nhức nhối đang diễn ra theo chiều hướng mất kiểm soát, bất lợi bởi sự tùy tiện.

“Việc sử dụng ngôn ngữ mang tính chất tự giác, không thể có sự can thiệp ‘thô bạo’, nhân danh ‘sự thống nhất’ mà đánh mất đi ‘tính đa dạng’ của nó. Bảo tồn ngôn ngữ chính là bảo tồn văn hóa, vì đó là hồn cốt của dân tộc. ‘Tiếng ta còn, nước ta còn’ (Phạm Quỳnh). Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là đây,” nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi nói.

Ông cũng đồng thời đề cập đến khả năng nhà nước Việt Nam cần có một chính sách về ngôn ngữ nhất quán, như Luật Tiếng Việt, trong đó quy định một cách rõ ràng về việc sử dụng ngôn ngữ của các vùng miền, mối quan hệ giữa từ toàn dân và phương ngữ và phải được thực hiện một cách triệt để trên mọi bình diện, nhất là vai trò của giáo dục và truyền thông.

Đặc biệt theo ông, giới văn nghệ sĩ có vai trò quan trọng trong việc phổ biến kiến thức về phương ngữ thông qua các tác phẩm của mình.

Theo nhà báo Cù Mai Công thì, “Thống nhất, chuẩn hóa tiếng Việt không có nghĩa là phủ nhận, làm thui chột bất kỳ giọng nói, từ vựng Việt nào. Tự điển xưa khi giải nghĩa một từ chính, thường mở ngoặc ghi chú từ địa phương tương đương là vậy.

“Đây là một vấn đề rất lớn, nên có nhiều hội thảo cấp quốc gia có sự góp sức chung tay của các bậc trí giả, thưc giả, túc nho, nhà ngôn ngữ… trong và ngoài nước,” ông chia sẻ.

Cây bút Cù Mai Công, người cũng đang ấp ủ một tác phẩm mới về ngôn ngữ Nam Bộ, nói: “Việt Nam vốn có nền văn hóa và ngôn ngữ đa dạng, đây là điều đáng quý, tạo nên sự đa dạng, phong phú của các vùng miền và tận dụng, làm giàu cho vốn từ vựng của ngôn ngữ Việt nói chung. Giọng nói, ngôn ngữ nơi nào ở Việt Nam cũng có nét đẹp riêng của mình, không thua kém nhau.”

“Bất kỳ một giọng nói, ngôn ngữ, từ vựng… của nơi nào bị lãng quên đều là điều rất đáng buồn, thậm chí đau lòng”, ông cho biết.

‘Ga tàu thủy Bạch Đằng’ và sự áp đặt ngôn từ

 

Sau khi vấp phải phản ứng dư luận, dòng chữ "ga tàu thủy" đã được dỡ bỏ, dự kiến sẽ được thay bằng "bến tàu" Bạch Đằng

NGUYỄN KIM TOẢN Sau khi vấp phải phản ứng dư luận, dòng chữ “ga tàu thủy” đã được dỡ bỏ, dự kiến sẽ được thay bằng “bến tàu” Bạch Đằng

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

BBC News Tiếng Việt

 

Dòng chữ ‘Ga tàu thủy’ xuất hiện ngay trung tâm Sài Gòn đã làm dậy lên tranh luận trên mạng xã hội. Từ Sài Gòn, nhạc sĩ Tuấn Khanh gửi cho BBC News Tiếng Việt những suy ngẫm của ông về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ lạ lẫm này.

Từ bài viết của tác giả Nguyễn Gia Việt trên mạng Facebook, càng xót xa trước hình ảnh “ga tàu thủy” ở bến Bạch Đằng.

Trong suốt mấy ngày, sự bất bình của người Sài Gòn nói chung – hay nói đúng hơn là của người miền Nam ngày càng dậy lên về một cảm giác mất mát, xa lạ với những điều như đang áp đặt trong đời sống qua nhiều thập niên.

Ga tàu thủy, là sản phẩm của công ty Saigon Waterbus nằm trên bến Bạch Đằng, có từ tháng 3 năm 2022. Đây vốn là nơi vãn cảnh, qua lại của người Sài Gòn từ suốt nhiều năm, cho đến cho đến một ngày xuất hiện cách gọi tên lạ lùng này.

“Ga tàu thủy” đột nhiên trở nên ngày càng “chướng mắt” hơn với những người miền Nam vốn đang lo ngại làn sóng ngôn từ, phong cách và cả tư duy khác biệt đang dần xuất hiện ở mọi nơi, có khả năng biến một vùng đất có bản sắc hết sức riêng trở nên nhạt nhòa dần.

Dòng chữ "ga tàu thủy" vừa được hạ xuống

NGUYỄN KIM TOẢN Dòng chữ “ga tàu thủy” vừa được hạ xuống

Bến Bạch Đằng hay đường Tự Do, cầu Công Lý, bùng binh cây liễu Sài Gòn, thương xá Tax… là những nơi đã ăn sâu vào tâm khảm con người sống ở vùng đất này từ hơn nửa thế kỷ. Tất cả những địa danh đó gắn liền với nhiều thế hệ sống ở đây, lẫn những người tìm đến mưu sinh, thay đổi cuộc đời mình. Thậm chí trong di sản văn hóa riêng của thời Việt Nam Cộng Hòa, văn chương, âm nhạc… cũng được nhắc tên một cách đầy thương nhớ.

Vùng đất này có sự tự hào của tầng lớp cư dân của nó, như người Đà Nẵng nói về sông Hàn, như người Hà Nội nói về 36 phố phường của mình.

Nhưng riêng người Sài Gòn thì chứng kiến những đổi thay chóng mặt: như xóa tên, chặt bỏ cây xanh cho dự án… và những lời phản đối của người dân đều chìm trong các quyết sách đanh thép. Thậm chí, thỉnh thoảng người ta còn được nhìn thấy sự mạo danh trong thành ngữ mới, quen thuộc như “được sự đồng ý của đông đảo quần chúng nhân dân”.

Nhưng những thay đổi đến trước, gây ngỡ ngàng trước, là ngôn từ.

Vài năm trước, nhiều người Sài Gòn từng một phen ngỡ ngàng trước những tấm bảng chỉ đường đề “vòng xuyến” thay cho “vòng xoay” hay “bùng binh”.

Một người nói trên báo Tuổi Trẻ: “Tôi sống ở Sài Gòn từ những năm 1960 đến nay, cũng quen gọi bùng binh, nghe vòng xuyến thấy nó kỳ kỳ!”

Nhiều năm trước, trong một lần ra chợ, cô bán hàng trẻ có giọng Nam, khi tính tiền đã nói với tôi bằng đơn vị “nghìn”. Tôi ngạc nhiên hỏi cô quê ở đâu, thì được cho biết là ở Long An. “Sao em không nói ‘ngàn’, đó mới là tiếng miền Nam chứ?”, tôi hỏi. Cô gái bối rối và nói do bị quen miệng thôi.

Miền Nam từ sau năm 1975 tràn ngập trên truyền hình, báo chí những ngôn từ được “thống nhất”, theo ý chí của những người đứng đầu các cơ quan đó, vốn thiếu ý thức về bản sắc địa phương và lòng tự trọng của người sống trên vùng đất đó.

Bảng tên ở Bến Bạch Đằng đang chờ được điều chỉnh

NGUYỄN KIM TOẢN Bảng tên ở Bến Bạch Đằng đang chờ được điều chỉnh

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn có nói về lòng tự trọng của những người làm ăn, có quyền chức… ở miền Nam và cũng có thể là người miền Nam gốc, nhưng chỉ thích chạy theo những ngôn từ, trào lưu mới mà không hiểu mình đã đánh mất bản sắc như thế nào

Đúng là cái tệ hại hơn hết là của những người là cư dân lâu đời ở miền Nam mà đánh mất lòng tự trọng riêng về bản chất, là học đòi theo cách “thống nhất” ngôn ngữ, mà coi là tự làm mới mình.

Một trong những tai hại của vấn đề “thống nhất” ngôn ngữ, đè bẹp địa phương tính, có thể tìm thấy ngay trên hệ thống Google.

Khi dùng tính năng voice to text, những tính từ và danh từ riêng của miền Nam hầu như luôn bị nhận dạng sai, do dữ liệu nguồn ban đầu không có. Trong nhiều năm, người miền Nam phải lặng lẽ nói, sửa để tạo nguồn bổ sung trên hệ thống này để giảm bớt sự “kỳ thị” của dữ liệu tin học.

Và sự thống nhất ngôn ngữ cũng dẫn đến những thắc mắc đơn giản như, vì sao tiếng Việt Google chỉ có duy nhất giọng Bắc?

Người Sài Gòn gọi đường chứ không gọi phố, gọi hẻm chứ không gọi ngõ

CIAO HO Người Sài Gòn gọi đường chứ không gọi phố, gọi hẻm chứ không gọi ngõ

Thật ra, sự khó chịu về “ga tàu thủy” chỉ là một trong những cột mốc xung đột về khác biệt văn hóa lâu nay. Từ giữa những năm 1990, người Việt hải ngoại đã có hẳn một phong trào hạn chế sử dụng những ngôn ngữ mới trong nước, vốn được in vào cả sách giáo khoa chung cả nước. Ngôn ngữ bị choàng vào nó các nhận định chính trị, những xáo trộn của đời sống và văn hóa.

Một lần trong quán cà phê tại Little Saigon, California, Mỹ, tôi và những người bạn đã chứng kiến tất cả ánh mắt lạ lùng trong quán, xoay qua nhìn một chú lớn tuổi – nhìn cách ăn mặc có vẻ như là một cán bộ mới sang định cư và hội nhập – khi chú kêu lên “này em, thanh toán”.

Thật sự khác biệt! Nếu không nói là một “cú sốc” nơi vùng đất mà ngôn từ miền Nam được giữ chặt. Bởi lẽ thường, ở đó, người ta vẫn hay nói “cho tính tiền” – và “cho”, giống như “please” của dân bản xứ. Không có thống kê nào cụ thể về sự thất lạc, phai nhạt của ngôn từ bản sắc miền Nam trong những năm qua.

Trong đại dịch, khi bí thư Nguyễn Văn Nên nói “xin người dân lượng thứ”, đã có vô số người miền Nam bùi ngùi, vì ít nhất là qua muôn trùng vây hãm, sống chết, cũng an ủi được một chút khi nghe chữ quen thuộc, ấm áp của vùng đất mình: “lượng thứ”, có thể nói nhiều năm lắm rồi, mới nghe lại được trên hệ thống truyền thông.

Từ năm 2000, truyền hình quốc gia VTV nghiên cứu về việc không hiểu sao giờ thời sự chính, người miền Tây không ai coi. Kết quả của thăm dò cho thấy những cụ ông, cụ bà – khán giả trung thành với truyền hình – thường chuyển kênh, vì “họ nói khó nghe quá, như tiếng ngoài”.

Về sau, VTV tuyển hẳn một nữ phát thanh viên nói giọng Nam, xen kẽ trong các giờ thời sự. Tình hình có vẻ cải thiện được một thời gian nhưng rồi đâu lại vào đó. Vấn đề chính, là những từ ngữ mới, không quen khiến không thu hút được.

Việc điều chỉnh bảng tên sẽ được thực hiện tại tất cả các bến trên dọc tuyến như Thủ Thiêm, Bình An, Hiệp Bình Chánh...

NGUYỄN KIM TOẢN Việc điều chỉnh bảng tên sẽ được thực hiện tại tất cả các bến trên dọc tuyến như Thủ Thiêm, Bình An, Hiệp Bình Chánh…

Trong làn sóng chỉ trích, người sống ở miền Bắc cũng nhận ra điều quái dị trong tên gọi “ga tàu thủy”, như nhà văn Thái Hạo và xác định là cách “bịa” ra từ ngữ, chứ không phải là vấn đề Bắc – Nam.

Nhưng đáng buồn, “bịa” ra từ ngữ như đang trở thành khuynh hướng ở mọi giai tầng, bất chấp sự ngớ ngẩn của ý nghĩa. Rất nhiều người Việt của cả mọi miền đã cười mỉm khi nghe những câu như “sai phạm nhưng không vụ lợi”, “nâng đỡ không trong sáng”.

Rõ là trên mặt bằng “thống nhất ngôn ngữ”, tiếng Việt của cha ông đang bị thao túng, lạm dụng với tầm hủy hoại, thì thử hỏi, ngôn ngữ bản sắc địa phương nhạt nhòa, có gì là lạ?

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả Tuấn Khanh, một nhạc sĩ, người viết tự do tại Sài Gòn.