Mai Lâm
8 tháng 3, 2024
Một lý thuyết mới được các nhà khoa học tiết lộ về lý do tại sao màu xanh lá cây khiến nhiều người nhìn vô là cảm thấy dễ chịu. Theo Newsweek.
Hẳn là mọi người đều biết rõ rằng việc hòa mình vào thiên nhiên là rất tốt cho sức khỏe tinh thần, nhưng giờ đây, một nghiên cứu mới được công bố trên Hiệp Hội Sinh Thái Anh (The British Ecological Society) đề xuất lý thuyết mới cho vấn đề này, được gọi là “giả thuyết cây xanh”. Họ cho rằng nhu cầu về không gian xanh của con người bắt nguồn từ quá trình tiến hóa.
Các nhà thử nghiệm cho rằng khi cây xanh biến mất trong thời gian hạn hán, con người sẽ nhận ra đây là tín hiệu về sự suy thoái môi trường. Khám phá cho biết điều này là nguyên nhân gây ra những phản ứng tâm lý tiêu cực, thậm chí dẫn đến trầm cảm.
Tuy nhiên, khi những cây xanh mọc lại, các nhà khoa học cho rằng điều này sẽ nâng cao tinh thần của con người lên, và sau đó khuyến khích loài người cổ đại tiếp tục các hoạt động tích cực, như tìm kiếm thức ăn.
Theo tóm tắt của báo cáo nghiên cứu, những phản ứng tâm sinh lý này phải rất quan trọng để tồn tại trong những biến động môi trường mà con người trải qua để thích nghi và tiến hóa. Nhưng trong những xã hội đô thị hóa hiện đại với lượng cây xanh hạn chế, hệ thống tâm lý này sẽ bị tác động một cách tiêu cực, làm gia tăng căng thẳng và trầm cảm, không phù hợp với quá trình tiến hóa thời ngàn xưa và quá trình phát triển văn hóa hiện tại.
Các nhà khoa học hy vọng giả thuyết này sẽ giúp con người hiểu được phản ứng tâm lý khi tiếp xúc với thiên nhiên, với những tác động đối với các lĩnh vực, như tâm thần học, quy hoạch đô thị và bảo tồn đa dạng sinh học.
Giả thuyết mới này được tạo ra bằng cách tổng hợp các nghiên cứu trước đây về tác động của thiên nhiên đối với nhân loại. Từ đó, họ rút ra kết luận rằng việc mất không gian xanh trong một thời gian dài, đặc biệt là trong môi trường đô thị, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và phúc lợi của con người.
Họ lưu ý rằng việc khôi phục môi trường tự nhiên ở khu vực thành thị phải là vấn đề được ưu tiên hàng đầu, nhằm giải quyết “sức khỏe tâm lý phổ biến trong xã hội đương đại.”
Nghiên cứu này sẽ cung cấp một khuôn khổ để cải thiện các nỗ lực bảo tồn và ưu tiên môi trường xanh ở khu vực thành thị. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng thúc giục mọi người nên quan tâm đến thiên nhiên và cây xanh hơn, vì lợi ích của nhân loại.
Theo các nhà nghiên cứu, chỗ nào có cây xanh thì chỗ đó sẽ đẹp mắt, trông dễ chịu hơn. Có khả năng điều này xảy ra nhiều hơn nếu một người đã quen với môi trường đô thị có ít thiên nhiên xung quanh.
Các tác giả viết trong nghiên cứu: “Giả thuyết đề xuất của chúng tôi nêu rõ rằng con người đã thích nghi với các chu kỳ hạn hán và tái tưới nước nghiêm trọng theo định kỳ bằng cách phát triển các phản ứng tâm lý, cả tiêu cực và tích cực, đối với sự vắng mặt hoặc hiện diện của cây xanh trong cảnh quan như là một tín hiệu để tối ưu hóa hoạt động hành vi của chính mình.”
“Giả thuyết về cây xanh đưa ra thông tin cơ bản về phản ứng tâm lý của con người khi tiếp xúc với thiên nhiên với những tác động quan trọng đối với nhiều lĩnh vực liên quan khác nhau, bao gồm tâm thần học, quy hoạch đô thị, bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học.”
Những nghiên cứu như thế này là rất thiết yếu khi Trái Đất đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán gia tăng do sự biến đổi về khí hậu.
Một báo cáo do Công Ước Liên Hợp Quốc Về Chống Sa Mạc Hóa (UN Convention to Combat Desertification) công bố vào Tháng Mười Hai, cảnh báo rằng hạn hán đang trở thành một yếu tố giết người thầm lặng trên toàn cầu, khi biến đổi khí hậu ngày càng trở nên trầm trọng.