Mục lục
Tập đoàn Phúc Sơn làm gì mà khiến nhiều cán bộ rơi vào vòng lao lý?
Tập đoàn Phúc Sơn có dự án trên nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam và cáo buộc sai phạm tại tập đoàn này đã kéo nhiều quan chức cấp tỉnh, từ Vĩnh Phúc đến Quảng Ngãi, vào vòng lao lý.
Hôm 20/3, trang Xây dựng chính sách, pháp luật của Chính phủ Việt Nam đã có bài viết thông báo việc UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn yêu cầu khẩn trương làm việc với Tập đoàn Phúc Sơn để kiểm tra, rà soát các dự án.
Theo đó, hiện tỉnh Khánh Hòa có hai dự án của tập đoàn được phê duyệt từ năm 2014, tới nay đã “treo” trong 10 năm, và ba dự án “chưa hoàn thành đúng cam kết”. Bên cạnh đó, Tập đoàn Phúc Sơn vẫn chưa nộp số tiền gần 12.000 tỉ đồng mà tỉnh Khánh Hòa truy thu khi doanh nghiệp này thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.
Dự án này từng được Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều vi phạm.
Đáng chú ý, trang này còn liệt kê 15 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án Tập đoàn Phúc tính đến thời điểm hiện tại.
Trong số này có một bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh; hai chủ tịch UBND tỉnh; một nguyên chủ tịch UBND tỉnh; cùng một loạt lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sơn và các cá nhân liên quan,…
Những thông tin này trên trang của chính phủ cho thấy đây sẽ là một trong những “đại án”.
Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết chỉ riêng hai dự án của tập đoàn này tại tỉnh Vĩnh Phúc “đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 640 tỷ đồng”.
Nhiều quan chức bị bắt
Trang Xây dựng chính sách, pháp luật của Chính phủ Việt Nam cho biết, khi mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, có ba tỉnh là Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Vĩnh Long được xác định là có liên quan.
Từ đó, các tội “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” được khởi tố bổ sung.
Một số quan chức của ba tỉnh nói trên đã bị khởi tố, bắt tạm giam và khám xét.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 3/2024, hai quan chức ở Vĩnh Phúc là bà Hoàng Thị Thúy Lan và ông Lê Duy Thành đều bị khởi tố, tạm giam về tội “Nhận hối lộ”.
Bà Thúy Lan là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội Khóa XV. Bà vốn là một giáo viên trung học cơ sở (cấp 2), sau đó thăng tiến qua công tác đoàn hội. Trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2006, bà làm công tác đoàn thanh niên, là ủy viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và ủy viên Trung ương Đoàn trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2006.
Sau đó, bà trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Ông Lê Duy Thành là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Thành từng giữ các chức vụ như: Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Với trường hợp bà Lan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu của bà và cho phép các cơ quan chức năng thực hiện việc khởi tố, bắt tạm giam và khám xét.
Còn ở Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải là ông Đặng Văn Minh và cựu Chủ tịch UBND tỉnh là Cao Khoa đều đã bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ” và bị tạm giam.
Hàng loạt quan chức thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi cũng nằm trong danh sách bị can: ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, nguyên Phó Giám đốc sở; ông Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc sở, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật & Chất lượng thuộc sở này; ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nguyên Trưởng phòng Quản lý Đầu tư thuộc sở này.
Ở Vĩnh Long, ông Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Trước đó, ngày 26/2, ông Nguyễn Văn Hậu tức Hậu Pháo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, đã bị bắt với cáo buộc để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước.
Cùng bị bắt với ông Hậu là bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc; bà Đỗ Thị Mai, Kế toán trưởng; bà Hoàng Thị Tuyết Hạnh, Kế toán viên; ông Trần Hữu Định, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Á Group và Nguyễn Hồng Sơn, lao động tự do. Những người này bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Có thể thấy, trong danh sách bị khởi tố đến nay, Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều cán bộ lãnh đạo bị liên lụy nhất, không tính “tỉnh nhà” Vĩnh Phúc, nơi Tập đoàn Phúc Sơn đóng trụ sở. Việc lật lại các dự án đã triển khai từ lâu (có công trình từ năm 2012) tại Quảng Ngãi có thể có những ngụ ý sâu xa hơn, theo một nhà quan sát am tường tình hình chính trị-xã hội của Việt Nam chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
Tập đoàn Phúc Sơn
Phúc Sơn có xuất phát điểm là một công ty xây dựng nhỏ được thành lập vào năm 2004 tại Vĩnh Phúc.
Đến năm 2009, Tập đoàn Phúc Sơn ra đời, có trụ sở chính ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Hậu sinh năm 1981 sinh sống tại Hà Nội nhưng quê ông là ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là người đại diện pháp luật của Tập đoàn Phúc Sơn. Ngoài vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông còn là Tổng Giám đốc.
Ông Hậu còn là đại diện pháp luật của một số doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phúc Khánh, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long, Công ty TNHH Một thành viên khu đô thị Bàu Giang, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng công nghiệp Phúc Sơn.
Tập đoàn Phúc Sơn gây chú ý với hàng loạt dự án lớn và quỹ đất lên đến hàng trăm héc ta nhưng chậm tiến độ, “đắp chiếu” tại Vĩnh Phúc:
- Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn (huyện Vĩnh Tường) với quy mô 127 ha;
- Khu chợ đầu mối nông sản (huyện Vĩnh Tường) với quy mô 186 ha;
- Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng tổng mức đầu tư là hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương là 70%, còn lại 30% là ngân sách tỉnh;
Còn ở Quảng Ngãi, tập đoàn này có một số dự án vẫn chưa hoàn thành như: đường bờ Nam sông Trà Khúc (tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, thời điểm năm 2012); Khu đô thị công nghiệp Dung Quất (2.000 tỉ đồng); khu đô thị Bàu Giang (3.318 tỉ đồng) và dự án nhà máy nước Quảng Ngãi (540 tỉ đồng)…
Tập đoàn này còn vướng vào rắc rối với những dự án chậm tiến độ tại tỉnh Khánh Hòa. Hiện tỉnh này có hai dự án của tập đoàn được phê duyệt từ năm 2014 tới nay đã “treo” trong 10 năm, khiến “dư luận địa phương bức xúc”, còn các thủ tục pháp lý về bồi thường, giải phóng mặt bằng tại hai dự án đều chưa hoàn thành, theo trang Xây dựng chính sách, pháp luật.
Vì sao Võ Văn Thưởng sẽ phải rút lui khỏi chính trường?
Lê Văn Đoành
Tiếng Dân
15-3-2024
Triều đình cộng sản hiện đang rúng động! Thật khó tin khi mà trong một nhiệm kỳ, lại có hai Uỷ viên Bộ Chính trị ngồi ghế Chủ tịch nước, nhưng phải xin từ chức. Lại càng khó tin hơn khi mà trong vòng 13 tháng, tại khoá 13, lại có đến hai ông chủ tịch nước bị “ngã ngựa”. Nhưng chuyện khó tin này nay mai sẽ trở thành sự thật.
Ngày 13-3-2024, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam nhóm họp. Tại đây, sau báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Công an, các ủy viên Bộ Chính trị dự họp, đã thảo luận “sâu sắc” và nhất trí “khuyên”, nhưng nói đúng ra là “buộc” Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phải làm đơn xin thôi tất cả các chức vụ như: Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Uỷ viên Trung ương đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13…
Vì sao nên nỗi?
Năm 2011, khi đang là Uỷ viên Trung ương khoá 11, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Võ Văn Thưởng được điều động về làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, thay cho Nguyễn Hoà Bình về nắm Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao.
Năm 2012, Tập đoàn Phúc Sơn của Nguyễn Văn Hậu (con nuôi Trịnh Đình Dũng, Uỷ viên Trung ương khoá 11, bộ trưởng Bộ Xây dựng), trúng thầu dự án Tuyến đường bờ nam sông Trà Khúc, có vốn đầu tư lên đến 1000 tỷ đồng.
Các lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sau đây đã đưa ra chủ trương, nghị quyết, liên quan đến quyết định đầu tư dự án trọng điểm này, gồm:
– Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970, quê Măng Thít, Vĩnh Long, Uỷ viên Trung ương, bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi 2011-2014
– Cao Khoa, sinh năm 1954 quê Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2014.
– Đặng Văn Minh, sinh năm 1966, quê Đức Phổ, Quảng Ngãi, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải, giai đoạn 2010-2015.
Ngày 8-3-2024, Bộ Công an đồng loạt khởi tố, bắt giam các quan chức lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Vĩnh Phúc, liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn.
Cũng hôm đó, ở tỉnh Quảng Ngãi, hai ông Cao Khoa, cựu chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (nghỉ hưu năm 2014) và Đặng Văn Minh, Phó bí thư thành uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã bị C03 Bộ Công an bắt giam, với tội danh “nhận hối lộ” theo điều 354 Bộ luật Hình sự. Ngay trong chiều ngày 8-3, hai ông Khoa và Minh bị di lý về Hà Nội để giam giữ, phục vụ điều tra.
Cùng lúc, tại tỉnh Vĩnh Long, Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng bắt giam Đặng Trung Hoành, huyện uỷ viên, Chánh văn phòng Huyện uỷ Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long. Có thông tin cho hay, Hoành là anh họ của ông Võ Văn Thưởng, đương kim chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Thông tin nội bộ mà chúng tôi có được, theo lời khai của Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, năm 2012, Đặng Trung Hoành là người đã đứng ra môi giới cho Phúc Sơn nhận được dự án ngàn tỷ tại Quảng Ngãi. Hoành đã cầm của Hậu số tiền 60 tỷ đồng (thời điểm năm 2012).
Được biết, tại cơ quan điều tra, Đặng Trung Hoành nhận tội, nhưng chỉ nhận tội một mình, tuyệt nhiên ông ta không hề khai với cơ quan điều tra việc ông ta chia chác cho bất kỳ ai số tiền “lót tay” mà ông ta nhận được từ Tập đoàn Phúc Sơn.
Cái chết được báo trước
Như vậy, chỉ sau hơn một năm nhậm chức, thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc ngồi vào ghế chủ tich nước, ông Võ Văn Thưởng sắp bị truất phế nửa chừng. Dư luận cho rằng, ghế chủ tịch nước có “dớp”, nên có quá nhiều chuyện không hay xảy ra khi ai đó ngồi vào.
Năm 2016, sau khi tái trúng cử Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 12, từ bộ trưởng Bộ Công an, Trần Đại Quang nhảy lên ngồi ghế chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2016-2021. Ngồi chưa được một năm, Trần Đại Quang phát bệnh, phải đi Nhật Bản chữa trị, nhưng y tế Nhật cũng đành “bó tay”. Nội bộ rò rỉ thông tin, chủ tịch Quang bị đầu độc phóng xạ. Trần Đại Quang đi theo Mác – Lê hồi tháng 8-2018. Ân huệ mà đảng dành cho Quang, cũng là cách mà đảng trang điểm bộ mặt, là em trai và con trai ông Quang được tiến thân trong guồng máy chính trị.
Tháng 10-2018, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay Quang, “ôm” luôn chức chủ tịch nước. Sáu tháng sau, vào tháng 4-2019, Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ, suýt bỏ mạng trong chuyến kinh lý ở Kiên Giang.
Tháng 4-2021, sau đại hội 13, được làm “nhân sự đặc biệt” ngồi lại ghế tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, Nguyễn Phú Trọng đã bàn giao chức chủ tịch nước cho Nguyễn Xuân Phúc.
Tháng 1-2023, trong cuộc tranh giành quyền lực triền miên, gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc bị vướng vào đại án test kit Việt Á. Phe tấn công buộc ông Phúc phải viết đơn xin từ bỏ chức chủ tịch nước, cùng tất cả các chức vụ trong đảng, rời khỏi chính trường. Đổi lại, ông Phúc được bảo đảm tuyệt đối không hồi tố, cùng sự an toàn của vợ, con ông.
Tháng 2-2023, từ vị trí A5 – theo thứ tự quyền lực trong đảng – Võ Văn Thưởng được đưa lên A2, thay Nguyễn Xuân Phúc, tuyên thệ nắm chức chủ tịch nước. Có hai nhân sự được giới thiệu lấy phiếu thăm dò tại Bộ Chính trị là Tô Lâm và Võ Văn Thưởng. Tuy nhiên, đa số phiếu đã dành cho ông Thưởng. Kể từ ngày đó, nhiều thế hệ đảng viên cộng sản đánh giá ông Thưởng là “ngôi sao sáng giá”, xứng đáng tham gia cuộc đua, tranh vị trí A1 – Tổng bí thư – tại đại hội 14.
Thế nhưng…
***
Chuyện kể rằng, đầu năm 2016 tại một bàn trà, khi nhận tin đại hội 13 đã bầu xong, xướng tên “19 vì tinh tú” tham gia Bộ Chính trị, mọi người ồ lên khi Võ Văn Thưởng, 46 tuổi, có tên trong danh sách. Đại tá Nguyễn Văn Yên, Vụ trưởng vụ 1, Ban Nội chính Trung ương, ngồi cùng bàn, đã buột miệng “Mịa nó, tao suýt bắt nó năm 2013 rồi”! Nguyễn Văn Yên hiện nay là Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Trong một diễn biến gây chú ý, trong hai ngày 28 và 29-1-2024, Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, đi thăm các cựu lãnh đạo phía Nam là các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, cùng các tướng lĩnh công an đã nghỉ hưu tại TPHCM. Tô Lâm đi vấn an hay báo cáo việc hệ trọng, không ai biết được. Những người am hiểu chính trường, lúc đó chỉ cảm nhận rằng có điều gì đó bất bình thường sắp xảy ra.
Trong số hai trăm Uỷ viên Trung ương đảng, hầu như người nào cũng có “tì vết” với vô vàn tội danh, sai phạm như: Bảo kê, tham nhũng, nhận hối lộ, vi phạm điều lệ đảng, có vấn đề lý lịch, lập trường quan điểm không rõ ràng, tự diễn biến… Chỉ có điều, khi cần thêm “củi” để ném vô lò, hoặc cần hạ bệ ai đó trong cuộc tranh giành quyền lực, các “tì vết” của họ đã có trong quá khứ, sẽ bị những kẻ gọi nhau là “đồng chí” lôi ra để “thịt” lẫn nhau.
Dư luận xôn xao, bình luận sôi nổi về những biến động từ chính trường Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ màn mở đầu cho cuộc quyết đấu tranh giành quyền lực trong đảng trước thềm đại hội 14. Ai sẽ ngồi vào cái ghế tổng bí thư để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng, nắm chức vụ lãnh tụ tối cao của đảng, đó mới là đích ngắm cuối cùng của các phe phái. Từ bây giờ cho tới ngày đại hội chính thức diễn ra, sẽ còn nhiều màn trình diễn với đầy đủ các thể loại, dở khóc dở cười…
Về “khúc củi” Lê Viết Chữ
BTV Tiếng Dân
28-3-2024
Nhân sự kiện Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, chui vào “lò ông Trọng” do liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, mà truyền thông trong nước đưa tin hôm nay, để mọi người hiểu thêm về nhân vật Lê Viết Chữ, cùng các cộng sự và phe nhóm của ông ta, chúng tôi xin được giới thiệu bài viết đã được đăng trên Tiếng Dân gần bốn năm trước, từ tác giả Thu Hà, một cây bút độc quyền của Tiếng Dân: “Đại hội XIII, đốm lửa từ những hung thần Quảng Ngãi“.
***
Thu Hà
10-5-2020
Cội nguồn tội ác…
Lê Viết Chữ sinh ngày 20-1-1963 tại Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Chữ xuất thân từ kỹ sư hàng hải, công tác tại Sở Giao thông Vận tải (GTVT). Để tiến thân, Chữ ráng “phấn đấu” và vào đảng CSVN ngày 28-5-1994.
Từ đây, Lê Viết Chữ leo nhanh trên những nấc thang quyền lực. Lần lượt nắm giữ chức giám đốc Sở GTVT, Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND tỉnh. Hiện tại, Chữ là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi.
Lê Viết Chữ kết hôn với Cao Thị Hồng, sinh năm 1966, quê Phổ Ninh, Đức Phổ, Quảng Ngãi. Cao Thị Hồng phụ trách tài vụ của Trung tâm Đăng kiểm, đơn vị trực thuộc nơi chồng bà làm giám đốc Sở.
Hai vợ chồng Chữ giàu “nứt đố đổ vách”. Dư luận Quảng Ngãi cho rằng, vợ chồng Chữ “đầu cơ chính trị” khi bơm tiền để “chạy” cho Hồ Nghĩa Dũng, Ủy viên Trung ương, Bí thư Quảng Ngãi tái trúng cử Ban Chấp hành Trung ương khoá X, nắm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải, nhiệm kỳ 2006-2011.
Đổi lại, Hồ Nghĩa Dũng kéo Lê Viết Chữ lên làm Bí thư Thành ủy TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) và “bảo kê”, can thiệp để Cao Thị Hồng thoát tội hình sự trong một vụ án tham nhũng gây chấn động hồi đầu năm 2007.
Rồi sau đó, dưới thời hai cựu Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi là Nguyễn Hoà Bình (2010-2011) và Võ Văn Thưởng (2011-2014), họ tiếp tục giúp Lê Viết Chữ lần lượt leo lên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đại biểu HĐND tỉnh khóa XI.
Tháng 4-2014, Trung ương điều Võ Văn Thưởng, Bí thư Quảng Ngãi về giữ chức Phó Bí thư thành ủy TP HCM. Vị trí Bí thư Quảng Ngãi giao lại cho Phó bí thư tỉnh ủy Nguyễn Khôi phụ trách. Trước khi đi, Thưởng kịp giúp Lê Viết Chữ thay ông Cao Khoa làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Chiều 22-7-2014, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XI họp kỳ 13, làm “thủ tục” 100% phiếu thuận, để Lê Viết Chữ nắm chức Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016.
Với tiền bạc “đông như quân Nguyên”, chưa đầy một năm sau, tháng 5-2015 Chữ “rinh” luôn chức Bí thư Tỉnh ủy khoá XVIII của ông Nguyễn Khôi.
Tháng 10-2015, Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi khóa XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) tiếp tục tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.
Dư luận Quảng Ngãi đồn đoán, ông Võ Văn Thưởng và Nguyễn Hoà Bình là hai nhân vật đã giới thiệu và “bảo kê” cho Lê Viết Chữ trúng cử Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII. Thậm chí còn đưa Chữ vào Đại biểu Quốc hội khoá 14.
“Bánh ít ném đi, bánh quy ném lại”. Thông tin về quan trường tỉnh Quảng Ngãi râm ran, Chữ đã tham gia “dốc hầu bao” cho cuộc đua vào Bộ Chính trị của Võ Văn Thưởng và vào Ban Bí thư của Nguyễn Hoà Bình tại Đại hội XII.
***
Ngoài ra, ông Lê Viết Chữ còn liên quan đến trách nhiệm nâng đỡ bà Bùi Thị Quỳnh Vân, sinh 1974. Vân từ một cử nhân Ngữ văn, đã được Lê Viết Chữ đưa lên làm Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh, rồi lần lượt nắm giữ Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Bí thư Huyện ủy Lý Sơn.
Dưới sự đạo diễn của các “đại ca”, tại Đại hội XII, Quỳnh Vân được vào Ủy viên dự khuyết Trung ương, để rồi ngay sau đó Vân leo lên chức Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 4-2019, Vân kiêm luôn chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Dư luận cho rằng, Bùi Thị Quỳnh Vân chính là “người tình” của Võ Văn Thưởng trong thời gian hơn 3 năm khi Thưởng làm bí thư ở Quảng Ngãi.
Dưới thời của “lãnh chúa” Lê Viết Chữ, rất nhiều thủ thuật và thủ đoạn chính trị được sử dụng. Bí thư Lê Viết Chữ chỉ đạo chính quyền tỉnh Quảng Ngãi ăn cướp tất tần tật của dân. Quan chức dưới quyền răm rắp tuân lệnh, trung thành, để được chia chác bổng lộc. Từ cướp đất dân lành, mua quan, bán ghế, thu tóm quyền lực, cho đến lộng quyền sinh sát, tàn bạo và khát máu, Chữ không chừa bất kỳ chiêu thức gì.
Ai đã bảo kê?
Quảng Ngãi trở thành “sân sau”, hậu phương cả về kinh tài lẫn chính trị của Nguyễn Hòa Bình và Võ Văn Thưởng. Mắc xích chính trị, nợ ân tình của những đồng chí Cộng sản thật… “cao đẹp”. Họ “dìu” nhau vẹn cả đôi bề.
Các vụ khiếu kiện, tố cáo của đảng viên, nhân dân Quảng Ngãi liên quan tới Bí thư Lê Viết Chữ, đều được Viện trưởng VKSND Tối cao trước kia, nay là Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình và ngài cựu Bí thư Quảng Ngãi, nay là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Võ Văn Thưởng trực tiếp “bảo kê”, ém nhẹm, giải quyết êm thắm.
Người dân thì bị cướp đất đai, dẫn đến tự thiêu, còn Lê Viết Chữ ung dung phía sau giao thầu cho doanh nghiệp sân sau, để xã hội đen lộng hành… Người dân ở Quảng Ngãi đều biết, nhà báo biết, nhưng không báo “quốc doanh” nào dám đăng. Báo nào lỡ đăng, phải gỡ ngay sau đó, nếu không muốn bị “đóng cửa toà soạn” và tác giả cũng thân tàn ma dại.
Để đưa con cái quan chức ra nước ngoài du học bằng “tiền chùa”, họ đẻ ra cái gọi là “đề án đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ, thu hút nhân tài”. Hàng trăm tỷ chi ra từ ngân sách, để rồi du học sinh một số về làm quan, khỏi phải qua sát hạch, thi tuyển công chức; một số trốn ở lại nước ngoài, mua nhà, định cư, không về.
Để có thể lộng hành trong nhiều năm, Lê Viết Chữ có trong tay áo quân bài Trần Ngọc Căng. Trần Ngọc Căng sinh năm 1960, quê Mộ Đức, Quảng Ngãi. Căng từng giữ các chức vụ: Trưởng ban Tổ chức Chính quyền (nay là Sở Nội Vụ), Bí thư huyện ủy Mộ Đức, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận, Phó bí thư tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016.
Nếu thành Hồ có cặp Lê Thanh Hải – Lê Hoàng Quân, Đà thành có Nguyễn Bá Thanh – Trần Văn Minh, Khánh Hoà có Lê Thanh Quang – Lê Đức Vinh, thì ở Quảng Ngãi có Lê Viết Chữ – Trần Ngọc Căng.
Đây là những cặp đôi Bí thư – Chủ tịch UBND, trong số nhiều cặp đôi “ăn tàn phá hại” đất nước này. Bản chất của các “lãnh chúa” thành Hồ, “sứ quân” Nha Trang, “lưu manh chính trị” Đà Nẵng và “hung thần” Quảng Ngãi đều đặc trưng từ một “khuôn” đúc ra. Đó là hô biến hàng chục ngàn hecta đất đai mà chúng cướp từ công sản, vét vào túi hàng tỷ đô la. Chúng bán cả đất sân bay quân sự, trường Đảng, phá rừng, san lấp đảo, “bóp cổ” cả dòng sông để phân lô bán nền. Kinh khủng hơn, bọn chúng bán cả đất phòng thủ ven biển cho Trung Cộng, “xẻ thịt” các đảo, bán đảo tiền tiêu trên biển.
Để có đất giao cho Trịnh Văn Quyết và tập đoàn FLC, Lê Viết Chữ và Trần Ngọc Căng “uống thuốc liều”, yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi không được xây dụng Đồn Biên phòng Bình Hải (huyện Bình Sơn). Họ phát công văn xin gặp Quân khu 5 và Bộ Quốc phòng xin đất quốc phòng để giao cho Dự án quần thể du lịch và đô thị FLC Bình Châu, Lý Sơn, có tổng quy mô thực hiện giai đoạn 1 là 1.243 ha, thuộc địa giới hành chính các xã ở huyện Bình Sơn và các xã ở đảo Lý Sơn.
Dự án FLC “vẽ” ra gồm sân golf 18 lỗ, khách sạn 5 sao và các khu trung tâm thương mại, các khu Shophouse; khu biệt thực sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, các khu ở tầng thấp, các khu vui chơi, giải trí…
Về đại gia Trịnh Văn Quyết, Quyết FLC sinh ngày 27-1-1975, quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Quyết FLC nổi đình nổi đám với những dự án trải dài từ Bắc vô Nam. Quyết và FLC đi đến đâu, ruộng vườn, làng mạc, biển hồ, rừng núi tiêu tan đến đó. Mỗi nơi chúng đi qua, dân biểu tình, khóc cạn nước mắt, oan khiên ngút trời.
Nhiều thông tin “rò rỉ”, phía sau Quyết là một số chính trị gia chống lưng, cũng như vốn vay huy động có “bóng dáng” của Hoa Nam Tình Báo cục.
Điều phi lý là, tập đoàn FLC có vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng, tính đến hết quý I/2018, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn này mới tăng lên 8.620 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả của FLC tính đến cuối quý I/2018 lên đến 14.947 tỷ đồng.
Vậy mà, Lê Thế Chữ và Trần Ngọc Căng lại lệnh cho ban ngành Quảng Ngãi ứng 500 tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án của Tập đoàn FLC; huy động “toàn bộ hệ thống chính trị” phục vụ cho dự án.
***
Năm 2015, xảy ra vụ án chấn động cả nước. Để chìu phu nhân Cao Thị Hồng, Lê Viết Chữ đã “bật đèn xanh” cho họ hàng bên vợ cướp của bà Phạm Thị Lê gần 1000 mét vuông đất ở Đức Phổ, Quảng Ngãi.
Trước khi nhảy lên ghế Bí thư, Lê Viết Chữ với vai trò Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã ban hành Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 02/04/2015. Quyết định này công nhận QĐ của UBND huyện Đức Phổ đúng, chấp nhận cho ông Thạch Cảnh Phổ thắng, lấy được 975 m2 đất của bà Phạm Thị Lê.
Sáng ngày 12-8-2015, chính quyền địa phương huy động hơn 20 công an, cán bộ kéo đến cưỡng chế, để bảo vệ cho ông Phổ xây dựng. Khóc cạn nước mắt, kêu oan không thấu trời, quá uất ức bà Phạm Thị Lê đã đổ xăng, tự thiêu ngay tại nền đất bị cướp.
Tội nghiệp bà Lê. Bà không chết, nhưng bị phỏng biến dạng. Một phụ nữ xinh đẹp, giờ hóa thành tật nguyền.
Niềm tin cuối cùng của bà Phạm Thị Lê là công lý từ tòa án. Nhưng qua hai phiên tòa sơ thẩm ngày 27-5-2016 và phúc thẩm ngày 16-9-2016, Tòa án vẫn bác đơn khiếu kiện của bà Lê, công nhận Quyết định số 436/QĐ-UBND tỉnh Quảng Ngãi do Chủ tịch Lê Viết Chữ ký ngày 02/04/2015.
Người phụ nữ tàn tật, chân lấm tay bùn, Phạm Thị Lê “đáo tụng đình” mà đâu biết rằng, trong thể chế này công lý chỉ thuộc về kẻ có tiền và có quyền. Bà cũng không biết rằng, ngồi chễm chệ trên ghế Chánh toà Tối cao lại là ông Nguyễn Hoà Bình, “đại ca” của Lê Thế Chữ. Thế thì, quan toà cấp nào dám xử cho bà thắng kiện?
***
Về công tác cán bộ, “Hung thần” Lê Viết Chữ bóp nghẹt dân chủ trong Đảng, tạo phe cánh chính trị ngay trong thành ủy. Người ngoài phe luôn bị trù dập, thuyên chuyển, phế bỏ hoặc “đánh” cho thân bại danh liệt. Cùng cánh hẩu, được quy hoạch “đúng quy trình”, bất chấp hướng dẫn khắt khe của Điều lệ Đảng và các văn bản quy phạm.
Võ Đình Trà, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn “một rừng” sai phạm, nhưng vẫn được điều động về tỉnh làm Giám đốc Sở Công thương, gây nhiều bất bình.
Nguyễn Viết Vy, thư ký của Lê Viết Chữ, được điều qua làm Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, “quy hoạch” vào Ủy viên dự khuyết Trung ương khoá XIII.
Nguyễn Văn Huy, Thư ký của Trần Ngọc Căng, được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cũng gây ra nhiều hoài nghi trong nội bộ.
Đệ tử của Lê Viết Chữ là Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ GTVT Quảng Ngãi, cùng con gái là Nguyễn Thị Thanh Thanh, chuyên xài bằng giả. Hùng và con gái sử dụng bằng PTTH giả, bằng đại học Kinh tế, lẫn đại học Sư phạm đều là bằng giả, để tiến thân, ăn trên ngồi trốc…
***
Nhiều chuyện ở Quảng Ngãi như thế, kể sao cho hết. Rồi đây, Trung ương có thể sẽ “cách tất cả các chức vụ trong Đảng” của Lê Viết Chữ và Trần Ngọc Căng, nhưng tiền mà các hung thần cướp được hàng trăm tỷ trong nhiều năm “chăn dân” ở Quảng Ngãi, ai sẽ thu hồi và trả lại cho dân? Nỗi đau chất chồng trong dân chúng Quảng Ngãi, ai có thể làm vơi đi?
Tội ác mà những tay du côn, khoác áo chính trị gia, nhân danh những người cộng sản gây ra cho dân, không bút mực nào lột tả hết. Ngàn năm bia miệng, có thể lúc này, nhân dân không thể đưa bọn chúng ra pháp trường, nhưng cho dù khi họ nhắm mắt, chui vào quan tài và trốn dưới địa ngục, nhưng ngàn năm bia miệng, chúng không thể thoát được.
Ở thế giới bên kia, chắc chắn những linh hồn oan khuất cũng sẽ liên kết, truy bắt những hồn ma nghiệt súc đã gây ra oan trái, tang thương ở chốn trần gian này.
_____
Mời đọc lại nhiều bài khác về Lê Viết Chữ đã được đăng trên Tiếng Dân từ năm 2019-2021: http://baotiengdan.com/tag/le-viet-chu/
Thời sự Hậu Pháo (Kỳ 1)
Tiếng Dân
28-3-2024
Sáng nay 28.3, báo chí đồng loạt đưa tin bắt tiếp cả một chùm nữa quan đầu tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi dính chàm vụ Hậu Pháo. Thực ra thiên hạ đã biết từ chiều hôm qua khi thấy công an cảnh sát kéo tới chặn đường bịt cửa, canh gác nhà các đương sự, con ruồi không thể bay lọt. Bắt luôn cả phó bí thư thường trực của Vĩnh Phúc (ông hàng xóm nhà tôi cười, đ*o mẹ, Vĩnh Phúc mà tinh những vô phúc, đoản phúc, từ giờ đứa nào được bổ về đây đều bị cái dớp, như ngồi trên đống lửa), bắt cả thằng cựu bí thư Quảng Ngãi đã hạ cánh an toàn.
Xứ An Nam ta, bây giờ ngày nào không bắt cán bộ tự dưng dân cảm thấy hẫng hụt, buồn buồn, kém vui.
Hôm bắt con mẹ đầu đảng Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan (trong đó có cả tội suy thoái đạo đức, đảng cứ gọi chung chung thế thôi, chứ thiên hạ đồn nó đã “suy thoái” làm chết cả một anh lực lưỡng) và mấy tay quan đầu tỉnh Quảng Ngãi, nhà cháu đã ngứa tay định biên mấy dòng, nhân tiện kể về tên cựu đầu đảng Quảng Ngãi Lê Viết Chữ (bị túm sáng nay, giờ mới túm kể ra thì khí muộn), nhưng hôm ấy còn bị cụp lưng, không ngồi được, đành ém lại. Hôm rồi nhà cháu nói nhịu, hỏi một thằng em làm báo, sao đến giờ vẫn chưa bắt Lê Thế Chữ nhỉ, nó xua tay, bậy bậy, “Viết” chứ không phải “Thế”, hì hì.
Nhớ hồi tháng 10.2020, đám cựu học chúng tôi vài chục đứa gặp nhau ở Đà Nẵng để đàn đúm, họp lớp, một cách chứng tỏ với thiên hạ rằng mình từng đi học. May mắn, chia tay nhau xong thì dịch Covid kéo tới, hú vía. Tôi chưa về ngay, còn ghé thăm ông anh ruột đã hưu nhưng đang dùng dằng với thành phố đáng sống, chưa chịu về hẳn quê Phòng.
Anh lấy xe máy chở tôi qua bờ kia sông Hàn để thằng em chào bác đồng môn Hoàng Sĩ Chiến. Hai ông thương binh ngồi say chuyện quên mất thằng em dại đang há mồm nghe. Lúc ấy xôn xao vụ tay bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ. Một trong hai ông buột mồm, đ*o mẹ thằng Chữ quan tham, sao nó chưa bị vào tù. Trên đường về, anh tôi bảo, để tao chở chú chạy ngang qua nhà thằng Chữ cho chú coi.
Ngôi biệt thự hoành tráng trên con đường mới ở quận Cẩm Lệ. Ối giời, còn hơn phủ lãnh chúa Trung phần. Anh tôi kể, nó bí thư Quảng Ngãi xây cái cơ ngơi biệt điện này ở Đà Nẵng xong chỉ bỏ không, giao cho bà chị bà em gì đó trông coi, cổng khóa im ỉm 24/24. Nó lương cán bộ, lấy đâu ra tiền xây nhà trăm tỉ, nếu không tham nhũng.
Ai cũng thấy. Dân chúng ca cẩm ì xèo oán thán lắm. Chỉ đảng có mắt như mù không thấy. Công an cũng không thấy. Nếu thấy thì sao không rà soát, lại “tôi cứ để thế xem sao”. Kê khai tài sản chỉ là trò vớ vẩn. Giờ, nó mới bị bắt, liệu biệt phủ của quan tham Quảng Ngãi trên đất vàng Đà Nẵng có trong hồ sơ đen. Bảo đảm liên quan tới Hậu Pháo.
Hậu Pháo, xét góc độ nào đó, còn kinh hơn cả Phan Quốc Việt, vụ Việt Á.
(Còn tiếp)
Thời sự Hậu Pháo (Kỳ 2)
6-4-2024
Tiếng Dân
Doanh nhân Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu Pháo, quê Vĩnh Phúc bị bắt (tất nhiên công an bắt, chứ xứ này còn ai làm việc đó), bị điều tra, lúc đầu dư luận thiên hạ cũng chẳng quan tâm. Đơn giản họ không biết Hậu Pháo là ai, trong khi biết khá rõ những Quyết – FLC, Dũng – Tân Hoàng Minh, Lan – Vạn Thịnh Phát, Vũ nhôm, Việt – Việt Á… khi vụ việc mới vỡ lở. Thế mới biết, Hậu Pháo khá kín, nói như kiểu xưa “lai vô ảnh, khứ vô hình”, một dạng ông trùm trong bóng tối. Mà y “hoạt động” hiệu quả chục năm rồi chứ ít đâu.
Tất nhiên, cả Hậu Pháo lẫn những cán bộ cộm cán nhiều tỉnh thành đều quan hệ kiểu mafia, không có đứa nào trong sạch tốt đẹp, không đứa nào bị lợi dụng cả. Nhưng ở khía cạnh nào đó, dân xứ này phải cảm ơn Hậu Pháo bởi nhờ y mà đám quan lại đỏ “vừa hồng vừa chuyên”, “đạo đức sáng ngời”, “điển hình học tập và làm theo tấm gương…”, những kẻ luôn đứng trên bục rao giảng, dạy đời… bị phô bày tận gốc bản chất thối tha của chúng.
Công an chỉ có nhiệm vụ phanh phui, vạch mặt, còn Hậu mới làm công tác tổ chức cán bộ, xác định tội phạm. Hậu đã rút ngắn lại quy trình lừa đảo của chúng. Nếu không có “công” của Hậu Pháo, có thể tới tận bây giờ và nhiều năm sau chúng vẫn là “tấm gương”, vẫn trong sạch vững mạnh, trong một bộ máy mà ai cũng biết rất thối nát, với những thành viên như chúng.
Hãy đọc lại một đoạn kết luận của trung ương đảng khi kỷ luật đương sự Lan: “Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương”.
Thế trung ương có nhớ, trước đó chỉ hơn hai tháng, ngày 15.12.2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm các vị lãnh đạo tỉnh. Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy có số phiếu tín nhiệm cao: 46 phiếu (chiếm 97,87% tổng số phiếu); số phiếu tín nhiệm: 0 phiếu (chiếm 0% tổng số phiếu); số phiếu tín nhiệm thấp: 1 phiếu (chiếm 2,13% tổng số phiếu). Hoàng Thị Thúy Lan có số phiếu “tín nhiệm cao” cao nhất trong 28 người được lấy phiếu tín nhiệm lần này.
Kết quả ấy tất nhiên trung ương biết và không hề có ý kiến, một kiểu chấp nhận. Gần 98% tín nhiệm thì quá tuyệt vời rồi còn gì. Giả dụ lúc ấy có ai nhìn ra chân tướng Lan và vạch mặt thì bảo đảm trung ương cũng chẳng thèm nghe, thèm đoái hoài, thậm chí còn vu cho người ta chống đối, thế lực thù địch, phản động, vu cáo, nói xấu cán bộ. Kiểu cách dùng người ở xứ này, ai còn lạ gì.
Xin nhớ rằng, chỉ không lâu trước khi bị bắt, Lan còn đăng đàn diễn thuyết dạy dỗ người khác phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thế này, thế nọ.
Lại sực nhớ hồi năm 2006, đầu tháng 4, thứ trưởng giao thông Nguyễn Việt Tiến bay vào Sài Gòn sơ kết đợt học tập “tấm gương”, “chống tham nhũng trong ngành giao thông vận tải”, hôm sau bay ra thì bị tóm. Khá nhiều đương sự như vậy, chứ chẳng cá biệt Tiến, Lan.
Không có Hậu Pháo “vô tình giúp đỡ” pháp luật, bảo đảm Lan sẽ thong dong hết nhiệm kỳ, có khi tiếp nhiệm kỳ nữa nhờ quy chế ưu tiên dùng những phụ nữ xinh đẹp làm bí thư tỉnh ủy. Đừng trông chờ gì ở cái đảng bộ Vĩnh Phúc đoàn kết vững mạnh kia, cái hội đồng nhân dân tín nhiệm gần 98% kia.
Này, tôi bảo thật, nếu các ông các bà, nhất là Ban Tổ chức Trung ương, thực sự muốn dùng người tử tế, thì về coi lại ngay cái biên bản họp lấy phiếu tín nhiệm ngày 15.12.2023, rà từng phiếu, tìm ngay người duy nhất không tín nhiệm em Lan kia để mà cảm ơn, mà cất nhắc làm lãnh đạo. Nếu không vì lý do cá nhân nào đó (bị phụ tình chẳng hạn), thì đó là người tử tế nhất trong đám cán bộ, quan chức, ông này bà nọ ở Vĩnh Phúc.
(Còn tiếp)