Seite auswählen

„đây là nơi tập trung nhiều quan chức trung ương nhất cả nước, và cũng là nơi mà người dân đói khổ tràn về mưu sinh đông nhất phía bắc. Tức là khoảng cách giàu nghèo cũng cao nhất…

Hà Nội là nơi có chỉ số tham nhũng rất cao, năng lực cạnh tranh thấp, trong khi chi phí sinh hoạt thì lại vô cùng đắt đỏ.“

Dân Trần 

Theo chỉ số chỉ số sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố, thì giá hàng hóa, dịch vụ ở Hà Nội hiện đang đắt đỏ nhất cả nước. Một số dịch vụ và hàng hoá tại Hà Nội có giá cao nhất Việt Nam như: may mặc, mũ nón, giày dép; văn hóa giải trí, du lịch; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; thiết bị và đồ dùng gia đình.

Trong khi đó, Hà Nội chỉ xếp thứ 25 trên bảng xếp hạng kết quả đánh giá công tác phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ (PACA 2022). Chưa hết, Hà Nội chỉ xếp thứ 20 theo chỉ số CPI. Đây là chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhằm đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố…

Như vậy, có thể thấy Hà Nội là nơi có chỉ số tham nhũng rất cao, năng lực cạnh tranh thấp, trong khi chi phí sinh hoạt thì lại vô cùng đắt đỏ. Trên thế giới, những nơi đắt đỏ thường là do kinh tế phát triển, đời sống người dân vô cùng thịnh vượng, như Tokyo, Seoul, Singapore, Hongkong… Nhưng ở Hà Nội thì khác.

Là thủ đô của Việt Nam, đây là nơi tập trung nhiều quan chức trung ương nhất cả nước, và cũng là nơi mà người dân đói khổ tràn về mưu sinh đông nhất phía bắc. Tức là khoảng cách giàu nghèo cũng cao nhất. Khi có những quan chức sở hữu biệt phủ ngàn tỷ; thì cũng có những người dân làm thuê làm mướn, lang thang bán hàng rong kiếm từng đồng bạc lẻ, chưa kể người xin ăn, thất nghiệp…

Điển hình của nạn tham ô tại thủ đô là việc hai chủ tịch Hà Nội gần nhất đều đang ở tù vì các vấn đề liên quan tới tham nhũng: Nguyễn Đức Chung và Chu Ngọc Anh. Không chỉ hai chủ tịch này, mà hàng loạt cán bộ khác tại thủ đô cũng đang ở tù hoặc bị kỷ luật do các sai phạm về tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn… Đó là chưa kể những cán bộ trung ương, quốc hội từng thường trú tại Hà Nội trước khi bị kỷ luật, bắt giam. Còn con số sai phạm chưa bị phát hiện là không thể thống kê được.

Nói như vậy để thấy rằng Hà Nội đắt đỏ không phải là chuyện “đắt xắt ra miếng”. Không phải đắt là do đồ tốt, hàng hiệu, mà đắt là do tham nhũng. Do các lãnh đạo cộng sản điều hành kém, dẫn tới đội giá, trong khi chất lượng hàng hóa, dịch vụ lại ngang hoặc thua xa các tỉnh thành khác. Tham nhũng không chỉ gây ra những hậu quả kinh tế mà còn làm gia tăng khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội và làm tăng chi phí sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp.

Trong một xã hội hủ bại, tham nhũng tràn lan, quan chức và gia đình của họ thường sử dụng tiền bạc một cách vô tội vạ. Họ sẵn sàng mua hàng không nhìn giá, sẵn sàng cho con học ở những ngôi trường học phí cao nhất, sử dụng những dịch vụ mắc tiền nhất để thể hiện đẳng cấp. Mà quan tâm tới đời sống của người nghèo và các tầng lớp thấp hơn. Số tiền họ chi xài mỗi ngày bằng người dân làm cả tháng, hoặc cả năm trời. Trong khi đó người dân phải tằn tiện, dùng phần lớn thu nhập hàng tháng cho những chi phí sinh hoạt cơ bản.

Đây không chỉ là vấn đề công bằng, hay tham nhũng, mà còn là câu chuyện người dân bị tước đi các cơ hội tiếp cận giáo dục, việc làm. Dần dần, khoảng cách không chỉ là giàu nghèo, mà còn là trình độ học thức. Những người dân nghèo thì vẫn phải loay hoay vì miếng cơm manh áo, bỏ mặc chuyện học hành của con cái, còn quan chức thì sống xa hoa, con cái của họ được tiếp cận những nền giáo dục tốt nhất. Và sau đó, con quan lại tiếp tục làm quan, con dân nghèo thất học thì vẫn cày bừa đóng thuế nuôi quan.

 

Dân Trần 

VNTB (12.04.2024)