„Những tô phở đi ra nước ngoài theo làn sóng tị nạn thời đó, vật lộn với cuộc sống mới và cố giữ gìn hình bóng của quê nhà trong những khu rẻ tiền phục vụ đồng hương. Dù có ngon, dù có dở thì cũng họ cũng xuất khẩu được cái thứ cho cả dân tộc tự hào hơn là xuất khẩu cô dâu và lao động.“
Nickie Tran
Hôm trước đăng bài review phở, có bạn vô chỉ ra tô phở 54 và tô phở 75 khác nhau như thế nào. Tự nhiên cả đêm nghĩ về những con số đến độ không ngủ được.
Còn nhớ lúc mới qua Mỹ, thành phố nhỏ xíu miền Mid West gần như vắng bóng người Việt. Nghe bạn bè trong trường kể có chị Việt Nam nào đó mở nhà hàng ở gần trường. Gần đây là 4 miles ; 0.6 mile là 1 cây số. Thế là đứa con nít để dành tiền đi bộ gần 7 cây số để đi tìm tô phở như phở nhà bà Hải bắc kỳ hồi nhỏ má hay dắt đi ăn. Đến nơi mới biết chị đó người Việt nhưng lại bán đồ Tàu phiên bản Mỹ. Đến giờ còn nhớ khuôn mặt ngạc nhiên của chỉ khi bước vô nhà hàng thì thầm: Chị bán em tô phở.
Rồi sau đó ăn đủ thứ phiên bản của phở. Phiên bản miền Bắc (Mỹ) lạt lẽo loe hoe vài cọng rau giá. Phiên bản miền Nam (Mỹ) ê hề thịt và mùi vị quê hương đến mức mà nhiều tô phở mình thấy còn ngon hơn ở xứ Việt. Rồi lại ăn tô phở quận 13 của Paris hay tô phở gà lạc lõng ở quận 8, xa hẳn cộng đồng người Việt nhưng lại đúng vị đậm đà điểm xuyết thêm tí lá chanh.
Phở Melboune ăn khác phở Sydney, phở Houston ăn khác phở Tennesse, phở Taipei ăn khác phở Tokyo và ngay cả phở Tokyo cũng khác luôn với phở…. Tokyo. Có những thứ mà đút vào miệng không biết nên cười hay nên khóc, nên vui hay nên buồn khi mà mình không nhận ra được chút gì quen thuộc nhưng nhà hàng họ đầy khách. Lúc đó lòng tự hào dân tộc nó trỗi dậy đến mức muốn thét lên với những người chung quanh là hãy ngưng đi hỡi những người nước ngoài kia, đây không phải là phở.
Đi đến nước nào, ăn cái gì thì cũng ráng đi tìm một nơi có bán phở chỉ để cảm nhận sự sáng tạo, sự cố gắng, hay cả sự cẩu thả của người bán thả vào nồi nước lèo mang cùng một cái tên nhưng có quá nhiều phiên bản khác. Phở ở Saigon có 54 có 75 và phở cắc cùm cum du nhập sau vào thế kỷ 21 nhưng vẫn bị gộp chung hết thảy vào trường phái này trường phái kia, thì phở ở nước ngoài cũng có phở vượt biên và phở cột điện.
Những tô phở đi ra nước ngoài theo làn sóng tị nạn thời đó, vật lộn với cuộc sống mới và cố giữ gìn hình bóng của quê nhà trong những khu rẻ tiền phục vụ đồng hương. Dù có ngon, dù có dở thì cũng họ cũng xuất khẩu được cái thứ cho cả dân tộc tự hào hơn là xuất khẩu cô dâu và lao động.
Những tô phở Cột Điện thời nay đi máy bay với đầy tiền về những vùng đất đã được vỡ hoang bởi những người đi trước. Họ update những tô phở gần giống vị ở nước nhà nhiều hơn, họ vào những khu sang hơn. Và họ cũng trang trí những tiệm phở của họ đẹp hơn là những tiệm ngày xửa ngày xưa đi đến đâu cũng chỉ thấy độc một kiểu như được photocopy ra từ một cái máy. Nhưng họ cũng tị nạn theo một dạng khác, và họ cũng góp phần đưa phở lấn sâu và lấn xa hơn vào cộng đồng của người bản xứ.
Phở Vượt Biên hay phở Cột Điện gì cũng là những khao khát thay đổi cuộc đời và môi trường sống. Và ở những nơi phương xa đó, con người ta đi ăn phở để no, để sống, để tồn tại, để nhớ, và cũng để quên đi nỗi niềm viễn xứ. Nơi đó, không ai có thời giờ để ngồi thông thái với nhau về phở 9 nút hay phở 2 nút như ở đây, nơi mà mình chân còn chạm vào đất mẹ, và vẫn chém gió rào rào về phở này phở kia chỉ vì thời gian cho phép.
Nickie Tran
PS: Viết cho tháng Tư
PS2: Bạn phải đi rất xa, và sống rất cô đơn, thì bạn mới cảm nhận được phở nó chảy trong máu của mỗi con người con nước Việt.