Seite auswählen

Thận Nhiên

Tiếng Dân

20-4-2024

Một khuya, chúng tôi ngồi quán vỉa hè Sài Gòn sau cuộc rượu muộn, Đỗ Trung Quân đọc cho anh Quốc và tôi nghe bài thơ dưới đây. Quen nhau khá lâu, tôi chỉ nghe Quân hát khi cao hứng, thường anh kể chuyện tiếu lâm, nhại giọng lãnh tụ, và nói đùa rất có duyên. Đây là lần đầu, và chắc là lần duy nhất, tôi nghe anh đọc thơ, bài thơ duy nhất mà anh thuộc, về “Sài Gòn Hậu 75”.

***

TẠ LỖI TRƯỜNG SƠN

1.

Một ngàn chín trăm bảy mươi lăm

Các anh từ Bắc vào Nam

Cuộc trường chinh 30 năm dằng dặc

Các anh đến

Và nhìn Sài Gòn như thủ đô của rác

Của xì ke, gái điếm, cao bồi

Của tình dục, ăn chơi

“Hiện sinh – buồn nôn – phi lý!!!”

Các anh bảo con trai Sài Gòn không lưu manh cũng lính nguỵ

Con gái Sài Gòn không tiểu thư khuê các, cũng đĩ điếm giang hồ

Các anh bảo Sai Gòn là trang sách “hư vô”

Văn hóa lai căng không cội nguồn dân tộc

Ngòi bút các anh thay súng

Bắn điên cuồng vào tủ lạnh, ti vi

Vào những đồ tiêu dùng mang nhãn Hoa Kỳ

Các anh hằn học với mọi tiện nghi tư bản

Các anh bảo tuổi trẻ Sài Gòn là “thú hoang” nổi loạn

Là thiêu thân uỷ mị, yếu hèn

Các anh hùa nhau lập toà án bằng văn chương

Mang tuổi trẻ Sài Gòn ra trước vành móng ngựa!!!

2.

Tội nghiệp Sài Gòn quá thể

Tội nghiệp chiếc cầu Công Lý

Có anh thợ điện ra đi không về

Tội nghiệp những “bà mẹ Bàn Cờ” của những ngày chống Mỹ

Lửa khói vỉa hè nám cả những hàng me

Tội nghiệp những người Sài Gòn đi xa

Đi từ tuổi hai mươi

Nhận hoang đảo tù đày để nói về lòng ái quốc

Có ai hỏi những hàng dương xanh

Xem đã bao nhiêu người Sài Gòn hoá thân vào sóng nước

Tội nghiệp những đêm Sài Gòn đốt đuốc

Những “người cha bến tàu” xuống đường với bao tử trống không

Tội nghiệp những ông cha rời khỏi nhà dòng

Áo chùng đen đẫm máu

Tội nghiệp những chiến trường văn chương, thi ca, sách báo

Những vị giáo sư trên bục giảng đường

Ưu tư nhìn học trò mình nhiễm độc

Sài Gòn của tôi – của chúng ta.

Có tiếng cười

Và tiếng khóc.

3.

Bảy năm qua đi với nhiều buồn vui đau xót

Một góc phù hoa ngày cũ qua rồi

Những con điếm xưa có kẻ đã trở lại làm người giã từ ghế đá công viên để sống đời lương thiện

Những gã du đãng giang hồ cũng khoác áo thanh niên xung phong lên rừng xuống biển

Tìm lại hồn nhiên cho cuộc sống của mình

Cuộc đổi thay nào cũng nhiều mất mát, hy sinh…

4.

Và khi ấy

Thì chính “các anh”

Những người nhân danh Hà Nội

Các anh đang ngồi giữa Sài Gòn bắt đầu chửi bới

Chửi đã đời

Chửi hả hê

Chửi vào tên những làng quê ghi trong lý lịch của chính mình

Các anh những người nhân danh Hà Nội sợ đến tái xanh

Khi có ai nói bây giờ về lại Bắc!!!

Tội nghiệp những bà mẹ già miền Bắc

Những bà mẹ mấy mươi năm còng lưng trên đê chống lụt

Những bà mẹ làm ra hạt lúa

Những năm thất mùa phải chống gậy ăn xin

Những bà mẹ tự nhận phần mình tối tăm

Để những đứa con lớn lên có cái nhìn và trái tim trong sạch

Bây giờ

Những đứa con đang tự nhận mình “trong sạch”

Đang nói về quê mẹ của mình như kẻ ngoại nhân

Các anh

Đang ngồi giữa Sài Gòn nhịp chân

Đã bờm xờm râu tóc, cũng quần jeans xắn gấu

Cũng phanh ngực áo, cũng xỏ dép sa bô

Các anh cũng chạy bấn người đi lùng kiếm tủ lạnh ti vi, cassette, radio…

Bia ôm và gái

Các anh ngông nghênh tuyên ngôn ”khôn và dại”

Các anh bắt đầu triết lý “sống ở đời”

Các anh cũng chạy đứt hơi

Rượt bắt và trùm kín đầu những rác rưởi Sài Gòn thời quá khứ

Sài Gòn 1982 lẽ nào…

Lại bắt đầu ghẻ lở?

5.

Tội nghiệp em

Tội nghiệp anh

Tội nghiệp chúng ta những người thành phố

Những ai ngổn ngang quá khứ của mình

Những ai đang cố tẩy rửa “lý lịch đen”

Để tìm chỗ định cư tâm hồn bằng mồ hôi chân thật

6.

Xin ngả nón chào các ngài

“Quan toà trong sạch”

Xin các ngài cứ bình thản ăn chơi

Bình thản đổi thay lốt cũ

Hãy để yên cho hàng me Sài Gòn

Hồn nhiên xanh muôn thưở

Để yên cho xương rồng, gai góc

Chân thật nở hoa.

Này đây!

Xin đổi chỗ không kỳ kèo cho các ngài cái quá khứ ngày xưa

Nơi một góc (chỉ một góc thôi)

Sài Gòn bầy hầy, ghẻ lở

Bây giờ…

Tin chắc rằng trong các ngài đã vô số kẻ tin vào”thượng đế”

Khi sống hả hê giữa một thiên đường

Ai bây giờ

Sẽ

Tạ lỗi

Với Trường Sơn?

ĐỖ TRUNG QUÂN – 1982

***

Lời tác giả khi công bố bài thơ năm 2009: Đã 34 năm trôi qua. Hoà bình cũng dài ngang bằng cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử. Chưa có cuộc chiến nào ám ảnh một dân tộc cho bằng cuộc chiến tranh này, nó thay đổi hình thái xã hội. Thay đổi số phận con người.

Công bố bài thơ viết năm 27 tuổi, bảy năm sau hoà bình (1982). Nay nhìn lại, tôi cũng không hiểu điều gì đã dẫn dắt cho những dòng chữ này. Khi làm xong nghĩa vụ một thanh niên thời hậu chiến, người có lý lịch may mắn không vướng phải chuyện lính tráng dù thế hệ tôi sau “mùa hè đỏ lửa 1972” hầu hết cũng đã “yên vị” khói hương trên bàn thờ gia đình.

Còn nhớ những năm của thập niên 80, giáo sư Nguyễn Khắc Viện viết một bài đanh thép trên báo Sài Gòn giải phóng, sen hay bùn về danh xưng khi nào thì gọi là Thành phố Hồ Chí Minh, khi nào thì gọi là Sài Gòn? Và ông khẳng định cái tốt thì gọi TP Hồ Chí Minh, cái tệ nạn, cái xấu, cái “tồn đọng” thì gọi là Sài Gòn.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan đã đối thoại bằng một bài báo khác (tất nhiên ông không thể đăng bài phản biện ấy trên báo Sài Gòn Giải Phóng như trong một xã hội bình thường), ông nhắc rằng hiện tại sau 10 năm giải phóng, thành phố vẫn còn một tờ báo lớn tiếng nói chính thức của “Đảng bộ và nhân dân thành phố” tờ Sài Gòn Giải Phóng (nó vẫn còn đến tận hôm nay), còn một nhà máy thuốc lá Sài Gòn, còn một đội bóng danh tiếng mang tên Cảng Sài Gòn (nay đã không còn)…

Bài thơ này, có lẽ là cái nhìn đau đớn đầu tiên của một người trẻ tuổi vừa từ chiến trường K trở về với bao nhiêu hoài bão sau khi chứng kiến những hy sinh cao đẹp của một thế hệ thanh niên Sài Gòn, những con người thành phố tuổi chỉ mới đôi mươi…

Hai mươi bảy tuổi và một bài thơ dài nhất của đời mình…