Tối thứ Hai 1 tháng Tư, nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã gặp gỡ khán giả ở miền bắc California để giới thiệu bộ phim “Cảm tình viên / The Sympathizer” dựa trên tiểu thuyết cùng tên đã đưa ông lên đỉnh văn đàn Mỹ với giải Pulitzer 2016.
LTS: Bài điểm sách này được viết khi cuốn tiểu thuyết The Sympathizer mới xuất bản và được ca ngợi nồng nhiệt từ giới phê bình, độc giả Bắc Mỹ. Nhân cuốn tiểu thuyết được chuyển thể sang bộ phim 7 tập do kênh truyền hình HBO thực hiện, Việt Báo xin đăng lại nơi đây cùng với những bài liên quan khác.
Hắn tự thú nhận như thế.
Những bài báo về phim The Sympathizer biến mất: cuộc chiến trong ký ức sau nửa thế kỷ
Câu chuyện phim The Sympathizer (Cảm tình viên) không được đón nhận tại Việt Nam cho thấy vết thương chiến tranh, hay cuộc chiến trong ký ức như đề từ của bộ phim, vẫn còn hằn sâu sau 49 năm.
Một số bài báo viết về phim The Sympathizer (Cảm tình viên), thậm chí có bài được xuất bản từ năm 2021, đã lặng lẽ biến mất trên mạng trong những ngày gần đây.
Những bài báo biến mất
Ngày 29/4, khi BBC News Tiếng Việt truy cập vào một số bài viết trên báo Thanh Niên, Dân Trí và Vietcetera thì đều gặp lỗi 404 với thông báo “Nội dung này đã bị gỡ hoặc không tồn tại”.
Bài viết “Ca sĩ Đình Bảo tham gia nhiều vai trò trong phim mới của Park Chan Wook” đăng ngày 8/4 trên báo Thanh Niên, dựa phiên bản lưu trong bộ nhớ đệm có nội dung ca sĩ Đình Bảo kể về việc đã tham gia các khâu trong phim The Sympathizer và không đề cập về nội dung phim.
Bài báo “Người sắt” Robert Downey Jr. đóng phim do Kim Lý sản xuất’, đăng vào tháng 7/2021, có nội dung chính là diễn viên Kim Lý cho biết sẽ tham gia với vai trò nhà sản xuất trong dự án phim truyền hình The Sympathizer. Bài này đã biến mất trên báo Thanh Niên.
Chúng tôi còn phát hiện sự biến mất lặng lẽ (lỗi 404) của ít nhất là một bài báo trên tờ Dân Trí, hai bài báo trên trang Vietcetera, một kênh truyền thông rất nổi tiếng trong giới trẻ và giới trí thức Việt Nam.
Có vẻ như đã có một chỉ đạo kiểm duyệt từ cấp trung ương, hoặc là do ý thức tự kiểm duyệt của các báo.
Tuy nhiên, dường như chủ trương kiểm duyệt phim không thống nhất, khi vẫn có một số trang báo, đài truyền hình quốc gia còn lưu tin về phim như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với “Robert Downey Jr. bắt tay Kim Lý làm phim”, hay trang L’Officiel với “The Sympathizer – Diễn viên gốc Việt có cơ hội ‘viết tiếp lịch sử’?” đăng vào năm 2022, hoặc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) với “Thời đại mới của điện ảnh Hàn qua suy ngẫm của đạo diễn ‘Oldboy’ Park Chan-wook”, hồi tháng 1/2024.
Một số trang báo khác như Tuổi Trẻ vẫn còn một bài viết về phim The Sympathizer nhưng chỉ đề cập về dàn diễn viên chính, không bao gồm chi tiết phim.
Thông tin cập nhật mới nhất về phim này hầu như vắng bóng trên các phương tiện báo chí chính thống ở Việt Nam kể từ khi phim chính thức ra mắt trên HBO vào ngày 14/4.
Dù độc giả Việt Nam biết đến Nguyễn Thanh Việt nhiều nhất với tiểu thuyết được trao giải Pulitzer The Sympathizer nhưng The Refugee (Người tị nạn) mới là tác phẩm đầu tiên của nhà văn này được xuất bản tại Việt Nam (năm 2017).
Cho đến nay, sách The Sympathizer chưa được chính thức lưu hành tại Việt Nam.
Cả nhà văn Nguyễn Thanh Việt và đạo diễn Park Chan-wook đều nói rõ rằng The Sympathizer không ủng hộ chính quyền Bắc Việt hay chống Mỹ.
Tạp chí Time dẫn lời nhà văn gốc Việt cho biết, một số lời lên án gay gắt trong cuốn tiểu thuyết là nhằm vào chính phủ Việt Nam, dẫn đến việc sách bị cản trở trong hành trình xuất bản ở trong nước.
Khi lên kế hoạch sản xuất, đoàn làm phim đã cố gắng hết sức để bộ phim được bấm máy ở Việt Nam. Họ đã gửi hàng trăm lá thư đến cơ quan chức năng nhưng không được phép nên cuối cùng phải chọn Thái Lan để thay thế.
“Tôi cho rằng họ [chính phủ Việt Nam] không vui,” Don McKellar, đồng đạo diễn với ông Park Chan-wook, nói với Time.
Việc các phim về đề tài chiến tranh Việt Nam phải được quay tại Thái Lan hay Philippines không phải là mới, như loạt phim Missing in Action (Nhiệm vụ giải cứu), Platoon (Trung Đội), The Deer Hunter (Kẻ săn hươu)…
Ngay từ khi The Sympathizer chưa ra mắt, một số cảnh hậu trường của phim tại Thái Lan với hình cờ ba sọc đã bị các trang ủng hộ chính phủ Việt Nam công kích mạnh mẽ. Nhiều người dù chưa xem phim đã lên án bộ phim “xuyên tạc lịch sử”, hay chuyền tay nhau câu “thắng làm vua, thua làm phim” đầy đắc ý.
Các trang này còn cho rằng thời điểm ra mắt phim, chỉ hai tuần trước ngày 30/4, là “mang ý đồ nhiều người đoán được”.
Cuộc chiến trong ký ức và trên phim
Phim The Sympathizer (Cảm tình viên) được chuyển thể từ tiểu thuyết đầu tay cùng tên của nhà văn người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt, người được trao giải Pulitzer cho tác phẩm này hồi năm 2016.
Bộ phim gồm 7 tập, về đề tài Chiến tranh Việt Nam đã chính thức lên sóng HBO từ tối 14/4 theo giờ Mỹ và Việt Nam nằm bên ngoài bản đồ phát hành của hãng HBO, vì những lý do liên quan đến chính trị.
Mở đầu phim, khán giả bắt gặp đề từ: “Tất cả các cuộc chiến đều diễn ra hai lần, lần thứ nhất trên chiến trường, lần thứ hai trong ký ức.”
Đề từ này thật đúng cho thực tế Chiến tranh Việt Nam. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, cuộc chiến trong tâm tưởng, trong ký ức vẫn còn gay gắt, đối với mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, bên này hay bên kia.
Việc các báo gỡ xuống những bài viết về The Sympathizer, việc những chiến dịch trên mạng xã hội tấn công bộ phim, cũng như những biểu tượng cờ Việt Nam Cộng hòa bị gạch chéo trong những mẫu vật trưng bày tại Hội trường Thống Nhất (tên mới của Dinh Độc Lập), là những biểu hiện cụ thể và sinh động của cuộc chiến trong ký ức ấy.
Trong các trao đổi trên mạng, những con người trẻ chưa từng trải qua chiến tranh, lại là những người đặc biệt hăng hái trong cuộc chiến của ký ức, một ký ức có lẽ hình thành từ giáo dục, tuyên truyền.
Thảo Trang, một nhà văn sinh đầu thập niên 1990, viết trong một bình luận trên Facebook lời thề của mình: “Xin thề với Tổ Quốc vĩ đại, tôi sẽ không bao giờ làm việc với bất cứ ai tham gia vào ekip làm bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết bôi nhọ lãnh tụ thế này. Không bao giờ, không giá nào, không có sự ngoại lệ nào lớn hơn lòng biết ơn Tổ Quốc.”
Cần lưu ý rằng, những bình luận gay gắt ấy, hầu hết đều đến từ những người chưa từng xem bộ phim của HBO.
Bộ phim kể về cuộc đời của nhân vật chính không có tên cụ thể, chỉ biết đến qua danh xưng Đại úy, mang hai dòng máu Pháp-Việt, từ một đứa con lai bị ghét bỏ, trở thành đại úy VNCH, điệp viên hai mang nằm vùng của Cộng sản Bắc Việt ngay trong lòng Sài Gòn.
Nhân vật chính “I (tôi)” trong tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã kể lại câu chuyện của mình với ngôi thứ nhất, đôi khi kèm với đó là sự tự khinh bỉ bản thân tột độ.
Hai tập phim đầu tiên ra mắt trên HBO đã mô tả cảnh vài tháng trước và cho đến khi Sài Gòn thất thủ, dòng người tháo chạy tại phi trường Tân Sơn Nhất, và cuộc sống mới của điệp viên này nơi đất Mỹ, với cái tôi đậm chất Á Đông cùng sự thích thú, đam mê những giá trị Mỹ.
Trong hai tập phim đầu, có nhiều cảnh rất thê thảm của “bên thua cuộc” VNCH, và có những cảnh bi hài trên hành trình tị nạn. Hai tập phim cũng có hình ảnh kiên cường của chiến sĩ giao liên Bắc Việt và Việt Cộng.
Một số người sau khi xem phim đã đánh giá rằng, qua hai tập phim đầu, The Sympathizer không có vẻ gì là “chống cộng”, thậm chí có người còn nói việc chính quyền Việt Nam cấm phim này khiến người dân mất đi cơ hội được xem Hollywood miêu tả “sự kiên cường của chiến sĩ Cộng sản và sự thê thảm của quân VNCH”.
Nhà văn Khải Đơn viết trên Facebook cá nhân của cô sau khi xem phim:
“Nhưng thôi bạn đừng xem phim, nếu bạn thực ra nghe thiên hạ bảo nên căm ghét ông tác giả viết ra quyển tiểu thuyết, hoặc bạn sợ dư luận viên bảo coi phim là coi chừng đi tù. Nếu bạn sợ một nhân vật tiểu thuyết thách thức cảm xúc và suy nghĩ của bạn, thì thôi đừng xem.”
Trong khi nhiều người Việt đang hùng hục với cuộc chiến của mình, The Sympathizer đã ra mắt và nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo giới quốc tế.
Đây là lần đầu tiên một phim Hollywood làm về Chiến tranh Việt Nam mà đặt người Việt ở trung tâm câu chuyện, cùng với đó là dàn diễn viên người Việt đông đảo.
Trên Foreign Policy ngày 28/4, nhà phê bình phim Jordan Hoffman từ Mỹ đã gọi The Sympathizer mô tả trọn vẹn “sự vô nghĩa mang tính bi kịch” của Chiến tranh Việt Nam. Ông cũng ca ngợi tài năng của đạo diễn nổi tiếng Park Chan-wook, được xem là “quái kiệt” trong làng điện ảnh với những khoảnh khắc điện ảnh đắt giá.
Một bài viết trên Los Angeles Times ngày 19/4 nhận định:
“Mặc dù có một số khác biệt thế hệ nhưng bộ phim này là một thời khắc quan trọng để cho thấy hình ảnh Việt Nam trong kinh đô điện ảnh Hollywood và càng thúc đẩy mong muốn có thêm nhiều câu chuyện Việt Nam được kể lại.”
Bài viết trích dẫn ý kiến của Quan Nguyen, người có cha từng là bác sĩ quân y trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, nói: “Bộ phim có thể xoáy tiếp vào những vết thương hằn sâu trong cộng đồng chống cộng của chúng tôi.”