Mục lục
Việt Nam phạt tù 10 người do tham gia tổ chức ‘khủng bố’ Mỹ
Phiên tòa ở Gia Lai hôm 23/4/2024. Photo Screenshot ANTV.
Hôm 23/4, một tòa án ở tỉnh Gia Lai tuyên phạt 10 người với các mức án khác nhau từ 4 đến 13 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109 Bộ luật Hình sự, do họ tham gia nhóm Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời có trụ sở ở Mỹ, bị chính quyền cộng sản Việt Nam liệt vào hạng tổ chức “khủng bố”.
Tòa tuyên mức án nặng nhất đối với Phan Thị Thảo, 67 tuổi, và Tạ Văn Triệu, 50 tuổi, mỗi người 13 năm tù, báo Gia Lai đưa tin.
Ba bị cáo khác là Trần Thiện, 52 tuổi, Vũ Đình Lan, 51 tuổi, và Huỳnh Thị Khánh Trang, 37 tuổi, bị tuyên phạt mỗi người 12 năm tù.
Cao Thị Ngọc Diễm, 55 tuổi, và Trần Huệ Chân Vương, 53 tuổi, bị tuyên 9 năm tù.
Các bị cáo còn lại là Trần Thị Kim Loan, 62 tuổi, và Trần Thọ, 68 tuổi, bị tuyên 8 năm tù, và Cao Cương, 52 tuổi, bị tuyên 4 năm tù.
Các trang báo của nhà nước dẫn cáo trạng tường tuật rằng nhóm này đã tham gia một tổ chức “phản động, khủng bố” có tên “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời” do ông Đào Minh Quân ở Mỹ, lãnh đạo.
Những người này được cho là đã phổ biến “Hiến pháp Đệ tam Việt Nam Cộng Hòa”, kêu gọi và hướng dẫn mọi người tiến hành “trưng cầu dân ý” và các thủ tục đăng ký làm thành viên của tổ chức thông qua việc sử dụng các trang Facebook và YouTube từ năm 2020.
Nhà chức trách bắt giam bà Thảo ở Gia Lai vào tháng 6/2022, sau đó bắt giam thêm 9 người còn lại ở các tỉnh, thành khác nhau gồm Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang, và Thừa Thiên-Huế.
“Theo điều tra, Phan Thị Thảo cùng nhóm đồng phạm đã lợi dụng các trang mạng xã hội, ứng dụng liên lạc qua internet để tuyên truyền, xuyên tạc tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước; nói xấu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước Việt Nam; bôi nhọ lãnh tụ của Đảng”, báo nhà nước đưa tin. “Mặt khác, các đối tượng đề cao, ca ngợi, suy tôn, sùng bái cá nhân Đào Minh Quân và thực hiện âm mưu phát triển lực lượng trong nước hòng chống phá Đảng, Nhà nước”.
Báo chí trong nước mô tả rằng nhóm này “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với an ninh chính trị trên cả nước” nhưng không cho biết các hậu quả đó là gì.
VOA đã liên lạc với nhóm Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đề nghị họ cho ý kiến về bản án này, nhưng chưa được trả lời.
Cũng với cáo buộc liên quan đến Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, hồi tuần trước, chính quyền tỉnh Long An tuyên phạt bà Nguyễn Thị Bạch Huệ 12 năm tù cũng với tội danh “hoạt động chống chính quyền nhân dân”.
Trả lời cho đề nghị bình luận của VOA về bản án này, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết qua email: “Chúng tôi kêu gọi Việt Nam đảm bảo việc truy tố hình sự phù hợp với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế và được thực hiện thông qua quy trình pháp lý công bằng và minh bạch”.
Tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời do ông Đào Minh Quân ở bang California thành lập từ năm 1990. Chính phủ Hoa Kỳ không xem tổ chức này là khủng bố, nhưng lại bị chính quyền Việt Nam liệt vào danh sách khủng bố hồi tháng 1/2018.
Trong thời gian qua, hàng chục người trong nước được cho là có liên quan đến tổ chức này đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam, kết án, từ 5 đến 16 năm tù, cũng với tội danh “hoạt động chống chính quyền nhân dân”.
VOA (24.04.2024)
Việt Nam không có những thay đổi đáng kể về thực hành nhân quyền trong năm 2023
Người bán hàng chở hoa trên đường phố Hà Nội hôm 20/6/2023 (minh họa) AFP
Báo cáo về thực hành nhân quyền năm 2023 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào ngày 22 tháng tư nêu rõ như vừa nêu.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhiều vấn đề nhân quyền quan trọng tại Việt Nam được báo cáo đáng tin cậy như tình trạng chính phủ cho giết hại người dân một cách phi pháp, tùy tiện; tình trạng giới chức chính phủ tra tấn, đối xử vô nhân đạo, độc ác; hoạt động cưỡng bức điều trị tâm lý, y tế; bắt giữ, giam cầm tùy tiện; hệ thống tư pháp không độc lập; đàn áp xuyên biên giới đối với những cá nhân tại nước khác; hạn chế nghiêm trọng quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí, quyền tự do Internet; quyền tự do hội họp ôn hòa, tự do lập hội, quyền tự do tôn giáo – tín ngưỡng, quyền tự do đi lại; người dân không có quyền tự do ứng cử, bầu cử, quyền tự do tham gia các đảng phái chính trị; hạn chế các tổ chức cổ xúy cho nhân quyền; hạn chế một cách có hệ thống quyền tự do lập nghiệp đoàn công nhân; tệ nạn tham nhũng; nạn buôn người.
Nhiều trường hợp cụ thể tại Việt Nam được nêu ra trong báo cáo nhân quyền năm 2023 của Bộ Ngoại giao. Cụ thể như trường hợp Mục sư Nguyễn Trung Tôn tại Trại giam Gia Trung, tù nhân lương tâm Trần văn Bang…
Báo cáo thực hành nhân quyền năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu lại thống kê của các cơ quan truyền thông, các tổ chức Phi Chính phủ (NGOs), các nhà quan sát cho thấy tính đến ngày 31 tháng 10 năm 2023, Việt Nam giam giữ ít nhất 187 người do các hoạt động cổ xúy cho nhân quyền; trong số này có 162 người bị kết án và 25 người đang bị giam chờ ngày ra tòa.
Trong báo cáo về thực hành nhân quyền năm 2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ Chính phủ Việt Nam thường khẳng định công tác vận động cho nhân quyền và dân chủ là hành động chống lại đảng và Nhà nước cộng sản.
RFA (23.04.2024)
Bộ Ngoại giao Mỹ: Việt Nam đàn áp nhân quyền xuyên quốc gia
YouTuber/Blogger Đường Văn Thái
Hôm 22/4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo nhân quyền 2023, cho rằng chính quyền Việt Nam vẫn không có tiến bộ về nhân quyền, nhấn mạnh vụ bắt giam blogger Đường Văn Thái như là một trường hợp “đàn áp xuyên quốc gia” của chính quyền Hà Nội.
“Không có thay đổi đáng kể nào về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm qua”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết trong phần mở đầu bản báo cáo dài 59 trang.
Báo cáo cho biết tính đến ngày 31/10/2023, chính quyền Việt Nam giam giữ ít nhất 187 người vì hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, trong đó có 162 người bị kết án và 25 người đang bị tạm giam chờ xét xử.
Riêng về các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, từ ngày 1/1 đến ngày 31/10, chính quyền đã bắt giữ 25 người và kết án 23 người chỉ vì họ thực hiện các quyền con người được quốc tế công nhận.
Hầu hết các vụ bắt giữ và kết án này đều liên quan đến việc viết blog trực tuyến và các bị cáo bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” (Điều 117 Bộ Luật Hình sự) và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” (Điều 331 Bộ Luật Hình sự).
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu tại buổi công bố Báo cáo Nhân quyền 2023, Washington, DC., ngày 22/4/2024. Photo AP.
Báo cáo nêu bật sự đàn áp xuyên quốc gia của chính quyền Việt Nam qua vụ bắt giam blogger nổi tiếng Đường Văn Thái: “Vào tháng 4, ông Đường Văn Thái, một blogger trốn khỏi Việt Nam sang Thái Lan vào năm 2019, đã mất tích ở Bangkok, theo gia đình ông”.
Mặc dù chính quyền tỉnh Hà Tĩnh thông báo đã bắt giữ một người đàn ông có tên Đường Văn Thái vào ngày 14/4 vì tội “nhập cảnh trái phép”, các tổ chức phi chính phủ và truyền thông đưa tin rằng ông Thái đã bị chính quyền Việt Nam ở Thái Lan bắt cóc và cưỡng bức đưa về Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
“Bộ Công an nêu rõ rằng ông Thái bị cáo buộc với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ và tính đến tháng 12/2023, ông vẫn còn bị tạm giam”, báo cáo viết.
Báo cáo dẫn lời blogger Lê Anh Hùng ở Hà Nội cho hay nhân viên y tế và bệnh nhân đã đánh đập ông trong thời gian ông bị giam giữ tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương số 1 từ năm 2019-2023. “Ông nói rằng nhân viên bệnh viện đã tiêm cho ông một loại thuốc gây ảo giác và hôn mê rồi trói ông vào một chiếc giường kim loại để ông không thể phản đối việc tiêm thuốc này”, báo cáo mô tả lại.
“Chính phủ tiếp tục sử dụng các điều luật về an ninh quốc gia và những quy định mơ hồ khác của bộ luật hình sự để bỏ tù các nhà hoạt động bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa trên mạng và các nhà bất đồng chính kiến”, báo cáo viết.
Chính quyền đã bắt giam ông Phan Tất Thành từ ngày 5/7 mà không có lệnh bắt giam, mãi cho đến ngày 25/7, công an mới trưng ra giấy tạm giam tính từ ngày 13/7, báo cáo dẫn thông tin từ gia đình ông Thành cho biết.
Ông Phan Tất Chí, cha của ông Thành, chia sẻ với VOA, về việc con ông bị công an Tp. Hồ Chí Minh bắt giam theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự:
“Đích thân tôi đến cơ quan an ninh điều tra vào ngày 25/7 thì họ mới đưa một quyết định tạm giam ký ngày 13/7. Tôi chất vấn họ vì sao họ bắt giam bắt con tôi từ tuần trước đó mà ghi ngày 13/7. Họ vu vơ, lảng tránh, nói vòng vo. Rõ ràng họ bắt người vô tội vạ”.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về bản báo mới này của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.
Vào tháng 3/2023, sau khi Washington công bố báo cáo nhân quyền 2022, Hà Nội nói rằng phía Mỹ đưa ra nhận định “thiếu khách quan” về tình hình Việt Nam.
Truyền thông nhà nước dẫn lời Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói tại cuộc họp báo ngày 23/3/2023: “Việt Nam lấy làm tiếc vì báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam”.
Vẫn như những lần trước, phía Việt Nam nói rằng việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là “chính sách nhất quán” của họ, viện dẫn rằng “các quyền tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cũng như triển khai trong thực tiễn”.
VOA (23.04.2024)
HRW kêu gọi thúc bách Việt Nam cải cách nhân đợt Kiểm định UPR
Mười hai nhà hoạt động và blogger Việt Nam hiện đang bị giam cầm Human Rights Watch
Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) trong một tờ trình gửi Liên hiệp quốc (UN) kêu gọi các quốc gia thành viên tổ chức này nên tận dụng đợt Kiểm định sắp đến về nhân quyền của Việt Nam để áp lực Hà Nội chấm dứt tình trạng đàn áp giới bất đồng chính kiến và các quyền căn bản khác.
Thông cáo báo chí phát đi từ Geneva của HRW ngày 22/4 cho biết như vừa nêu. Theo kế hoạch Đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) lần thứ tư đối với Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 7/5 tới đây.
Theo HRW, kể từ đợt UPR lần thứ ba hồi tháng 1/2019 đến nay, hồ sơ nhân quyền của chính phủ Việt Nam xấu đi rõ rệt.
Vào tháng 2 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đệ trình bản tự kiểm lên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Bản tự kiểm này bị HRW cho là đầy rẫy thông tin sai lạc về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí tại Việt Nam.
Thống kê của HRW cho thấy từ tháng 1/2019 đến tháng 8/2023, Việt Nam đã truy tố và kết tội ít nhất 139 người chỉ vì lên tiếng phê phán chính phủ hoặc tham gia các tổ chức ủng hộ dân chủ. Và từ tháng 8/2023 đến nay, có thêm 23 người bị kết án tù do thực hành các quyền dân sự và chính trị một cách ôn hòa. Những người này bị tuyên án tù từ 9 tháng đến 13 năm tù giam.
HRW cho biết quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam bị kiểm soát nghiêm ngặt. Tất cả những tổ chức tôn giáo được phép hoạt động phải được chính phủ công nhận một cách chính thức và đặt dưới sự quản lý của ban trị sự do Nhà nước chuẩn thuận.
Những nhóm tôn giáo độc lập không được công nhận luôn phải đối mặt với nguy cơ bị theo dõi, bị sách nhiễu và đe dọa; tín đồ của những nhóm tôn giáo độc lập có thể bị đem ra đấu tố, bị buộc phải bỏ đạo, bị giam giữ một cách tùy tiện, bị thẩm vấn một cách thô bạo, bị tra tấn và chịu án tù…
Giám đốc Ban Châu Á của HRW kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ không những cần gây sức ép đối với Việt Nam trong kỳ UPR sắp tới để yêu cầu có những thay đổi thực sự, mà còn cần tiếp tục theo sát để bảo đảm rằng các cải cách được thực hiện trên thực tế.
RFA (22.04.2024)
Bốn tù nhân lương tâm tố trại giam An Điềm ngược đãi
Hai nhà hoạt động Hoàng Đức Bình (trái) và Trịnh Bá Phương RFA edited
Một số tù nhân lương tâm (TNLT) ở Trại giam An Điềm kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm vì bị cán bộ quản giáo đối xử vô nhân đạo.
Bà Đỗ Thị Thu, vợ của nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Bá Phương – đang thụ án tù 10 năm về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước,” cho biết thông tin trên ngay sau chuyến thăm ngày 21/4.
Trong buổi thăm gặp, ông Phương nói đã gửi thư từ gần hai tuần trước nhưng hiện gia đình vẫn chưa nhận được. Bà nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong sáng ngày 22/4:
“Trong ngày 8/4, anh Phương gửi thư cho em dài khoảng bốn trang rằng là phía Trại giam An Điềm đang xâm phạm tới quyền con người của mọi người.
Trong bức thư này cũng có ý kiến của anh Hoàng Đức Bình, Nguyễn Thái Bình và Phan Công Hải kêu gọi quốc tế đồng hành cùng với anh Phương nhà em và các tù nhân lương tâm trong trại giam An Điềm về việc trại giam đã ngược đãi các tù nhân lương tâm.”
Bà cũng cho biết, những TNLT nói trên đã tuyệt thực hơn ba ngày bắt đầu từ 8/4 để phản đối việc cán bộ trại giam xâm phạm quyền con người, tuy nhiên sau đó đã ăn trở lại sau lời khuyên của các TNLT khác.
Bà Thu được chồng cho biết thức ăn mà trại giam cung cấp không hợp vệ sinh khiến ông Phương vài lần ăn vào bị đau bụng và tiêu chảy, do vậy, ông chỉ ăn cơm trắng của trại cung cấp.
Nước sinh hoạt dường như được bơm trực tiếp từ sông lên và không qua lọc nên rất đục và nhiều khi có cả cá con và nòng nọc chết, khiến đa số người tù ở đây bị viêm da triền miên, ông Phương kể lại với vợ.
“Hiện nay thì phía Trại giam An Điềm đang đối xử một cách vô nhân đạo với các tù nhân lương tâm, rất mong cộng đồng và quốc tế có thể lên tiếng để phía Trại giam An Điềm ngừng ngược đãi các tù nhân lương tâm,” bà Thu chia sẻ.
Sự việc bắt đầu từ ngày 26/3, công an quản giáo vào từng phòng ở khu an ninh (nơi giam giữ những người có án an ninh-PV) thu giữ hết các dụng cụ sinh hoạt, trừ đồ của trại giam phát hoặc mua từ căng-tin, viện dẫn quy định của Cục Cảnh sát quản lý trại giam (C10).
Ông Huỳnh Đắc Túy, người bị giam cùng khu và được trả tự do ngày 19/4 vừa qua, xác nhận thông tin đúng như những gì người nhà ông Trịnh Bá Phương kể lại. Ông nói với RFA:
“(Người-PV) nhà gửi đồ vô công an nó cho sử dụng nhưng khi lục soát thì nó mang đi hết, như xoong inox, bình thủy giữ nhiệt, ấm đun siêu tốc, cùng rất nhiều vật dụng khác.”
Ông Tuý cho biết trong khu tù an ninh quốc gia, hai người bị giam chung trong một phòng có diện tích 16 mét vuông (4mx4m), bên ngoài là một “chuồng cọp” có kích thước tương tự với hai lớp cửa ngăn cách các phòng giam với khu chung.
Thông thường, quản giáo mở cả hai lớp cửa vào giờ hành chính để người tù được đi lại trong khu an ninh và giao tiếp với nhau, tuy nhiên mọi chuyện chấm dứt từ ngày 08/4.
Ngoài ra, không khí trong buồng giam rất nóng dưới cái nắng mùa hè nên tù nhân phải dùng hộp xốp bịt cửa sổ nhằm chống nóng, nhưng trong ngày 26/3 vừa qua, cán bộ trại giam đến thu đồ đạc và phá dỡ luôn miếng xốp này.
TNLT Hoàng Đức Bình bị kỷ luật biệt giam và cùm chân
Do lớn tiếng phản đối lại việc thu giữ đồ dùng sinh hoạt, ông Hoàng Đức Bình (Hoàng Bình), người đang thụ án tù 14 năm về hai tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “chống người thi hành công vụ” tại Trại giam An Điềm, bị kỷ luật với hình thức biệt giam và cùm chân trong 10 ngày, bắt đầu từ chiều muộn ngày 26/3.
Ông Bình cũng bị hạn chế trong việc nhận, gửi thư, nhận quà, mua hàng hoá tại căng-tin, liên lạc bằng điện thoại với thân nhân trong thời gian ba tháng kể từ ngày 05/4; và chỉ được gặp thân nhân hai tháng một lần, mỗi lần không quá một giờ cho đến khi có quyết định công nhận tiến bộ, theo như một thông báo gửi về gia đình vào ngày 26/3.
Ông Tuý cho biết sau 10 ngày bị biệt giam, sức khoẻ của ông Bình trở nên rất yếu vì trong thời gian bị kỷ luật, ông Bình chỉ cầm cự bằng thức ăn do các bạn tù gửi cho như mỳ tôm, bánh ngọt và chuối. Ông Bình đã không nhận thức ăn từ trại trong nhiều năm qua.
Cổ chân ông Bình cũng bị thương do bị cùm lâu ngày và sau gần nửa tháng hết hạn biệt giam đến khi ông Tuý rời nhà tù, vết thương vẫn chưa khỏi.
Theo lời bà Đỗ Thị Thu, ông Phương chuyển lời của ông Bình nhờ gia đình mua thuốc trị đau tim gửi vào. Ông Bình, sinh năm 1983, vốn mắc nhiều chứng bệnh như đau lưng, đau xoang, mất khứu giác và bị đau tim, đã xin thuốc trị đau tim từ trại giam nhưng không được đáp ứng.
Phóng viên không thể liên lạc với Trại giam An Điềm theo số điện thoại đăng tải trên mạng Internet để kiểm chứng thông tin mà ông Tuý và bà Thu cung cấp.
TNLT Huỳnh Đắc Túy ra tù 10 tháng trước hạn
Ông Huỳnh Đắc Tuý khi bị bắt năm 2019 (ANTV)
Tù nhân lương tâm Huỳnh Đắc Túy ra tù hôm 19/4 trước thời hạn 10 tháng do ông đồng ý nhận tội trong lúc bị giam ở trại An Điềm để sớm được trở về với gia đình.
Ông Túy, 48 tuổi, giám đốc Công ty Xây Dựng Túy Nguyệt, bị bắt giữ vào ngày 22/2/2019 với cáo buộc “tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCNVN”
Trong phiên tòa vào tháng 8 cùng năm, tòa án tỉnh Quảng Ngãi tuyên ông 6 năm tù giam và 3 năm quản chế về hành vi bị cho là đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để đăng tại, phát tán những bài viết với nội dung kêu gọi người khác chống lại chính quyền.
Tuy nhiên, nói với RFA ông khẳng định bản thân bị bỏ tù chỉ vì cất lên tiếng nói trên Facebook để chỉ trích chế độ trong việc đàn áp người biểu tình phản đối hai dự luật An ninh mạng và Đặc khu kinh tế năm 2018, thảm hoạ môi trường gây ra bởi Formosa ở ven biển miền Trung năm 2016,…
Ông cho rằng mình bị tòa án xét xử một cách bất công:
“Luật sư không bảo vệ thân chủ mà luật sư lại thay toà kết tội thân chủ. Khi xử tôi không có phóng viên báo chí nước ngoài, không có đại diện nhân quyền quốc tế giám sát, chủ tọa phiên tòa và thẩm phán đều là người trong Đảng cho nên không thể độc lập (xét xử-PV).”
Ông cho biết người nhà đã đồng ý thuê vị luật sư này do phía công an giới thiệu. Ông được giảm án 10 tháng do đồng ý nhận tội trong khi thi hành án vì muốn trở về sớm chăm sóc bố mẹ già yếu và bệnh tật.
Ngày 22/2 vừa qua, ông đã viết đơn kêu oan gửi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Toà án Nhân dân Tối cao. Phía trại giam nói đã chuyển đơn của ông lên hai cơ quan trên nhưng không đưa biên lai xác nhận.
Do vậy, trong thời gian tới, ông sẽ xem xét việc gửi đơn kêu oan lên hai cơ quan trên thêm một lần nữa, ông chia sẻ với RFA.
RFA (22.04.2024)
Một bản án thất lợi cho người lao động trở thành “án lệ
„Hiện tượng pháp luật Việt Nam nhiều khi chồng chéo, mâu thuẫn không mới. Vụ án lao động này được nâng lên hàng “án lệ“, nghĩa là trong tương lai, khi có những vụ án về tranh chấp lao động tương tự xảy ra, các thẩm phán sẽ cho ra những phán quyết dựa vào một án lệ mà tính chất khách quan, công bằng rất đáng ngờ.“
T.K.Tran
“Án lệ“ là gì?
Án lệ (case law, legal precedent) là những lập luận, phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố thành án lệ.
Án lệ được hiểu là đường lối giải thích luật pháp để đưa ra phán quyết trong những trường hợp mà các bộ luật không dự liệu cụ thể. Đường lối này được coi như một tiền lệ hay mẫu mực giúp các thẩm phán có thể noi theo áp dụng trong các trường hợp tương tự sau đó.
Trên nguyên tắc án lệ phải thể hiện tính khách quan và công bằng.
Tuy nhiên có án lệ về tranh chấp lao động mà ta phải nghi ngờ tính khách quan và công bằng như trường hợp sau đây:
Án lệ số 70/2023/AL, số văn bản 364/QĐ-TANDTC, ngày 01/10/2023 về tranh chấp lao động
Nội dung vụ án có thể xem ở đây (1). Tóm tắt như sau: Người lao động, ông Vương Quốc A được Công ty TNHH K. Việt Nam, mà theo tên gọi có lẽ là một công ty có vốn nước ngoài, nhận vào làm việc từ tháng 3/2015 với hợp đồng thời hạn 12 tháng, sau đó gia hạn tới ngày 25/11/2016. Trong thời gian này ông A được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp Hành lâm thời của Công đoàn cơ sở (CĐCS). Sau khi tiến hành đại hội Công đoàn, ông A được bầu chính thức làm Chủ tịch ban chấp hành, một tháng trước khi hợp đồng làm việc của ông hết hạn vào ngày 25/11/2016.
Công ty K quyết định không tái ký hợp đồng lao động với ông A. Ông A cho rằng việc bị chấm dứt hợp đồng là không đúng, nên khởi kiện Công ty K. Ông A lập luận rằng với cương vị là đương kim chủ tịch CĐCS, công ty phải gia hạn hợp đồng làm việc cho tới hết nhiệm kỳ, như quy định của pháp luật.
Ngày 21/11/2019 Tòa án sơ thẩm thành phố Biên Hòa quyết định không chấp nhận đơn kiện của ông Vương Quốc A. Sau đó ông A kháng cáo.
Ngày 30/7/2020 Tòa án phúc thẩm tỉnh Đồng Nai chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông A, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, buộc Công ty K phải bồi thường hơn 216 triệu đồng, ngoài ra truy đóng các bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho ông A, đồng thời phải trả án phí.
Công ty K kháng cáo, yêu cầu xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Ngày 22/4/2022 Chánh án tòa án nhân dân tối cao tại thành phố HCM kháng nghị bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Biên Hòa. Tòa Giám đốc thẩm không công nhận tư cách chủ tịch CĐCS của ông A, xử ông A thua kiện.
Vụ án này sau đó được chọn làm án lệ mang số thứ tự 70/2023/AL
Thấy gì từ vụ án này?
- Chủ doanh nghiệp trù dập cán bộ công đoàn
Cán bộ công đoàn không chuyên trách vẫn là người lao động ăn lương của chủ doanh nghiệp, nhưng được sử dụng một số giờ làm việc (theo luật định) để lo liệu công việc của công đoàn. Dưới cái nhìn của chủ doanh nghiệp, những người này không được ưa chuộng bởi họ làm việc ít hơn cho doanh nghiệp mà vẫn được trả lương đầy đủ và có thể gây rắc rối cho doanh nghiệp trong quan hệ lao động. Do đó nhiều doanh nghiệp tìm cách gây khó khăn cho công đoàn, trong đó có đuổi việc, không gia hạn hợp đồng làm việc cho những nhân viên này. Đường lối “quan hệ lao động hài hòa“ mà nhà nước chủ trương luôn luôn là một thách thức trong thực tế, khi mà lợi ích của người lao động và chủ doanh nghiệp mâu thuẫn với nhau.
- Tòa giám đốc thẩm bỏ qua các chuẩn mực quốc tế
Trong vụ án kể trên, tòa Giám đốc thẩm bác bỏ tư cách của ông A là Chủ tịch CĐCS, từ đó phán quyết rằng Công ty K đuổi việc ông A là hợp pháp.
Tuy nhiên theo điều 3 của công ước 87 của tổ chức lao động quốc tế ILO thì “các tổ chức của người lao động… có quyền lập ra điều lệ, những quy tắc quản lý, tự do bầu các đại diện, tổ chức việc điều hành… Các cơ quan có thẩm quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế quyền đó, hoặc cản trở việc thi hành hợp pháp quyền đó.“(2)
Như vậy, theo những chuẩn mực quốc tế, lẽ ra tòa án phải tôn trọng quyền tự do bầu cử của các tổ chức lao động, phải tôn trọng kết quả bầu cử của công đoàn, đã bầu ông A làm chủ tịch CĐCS theo đúng quy định nhưng Tòa giám đốc thẩm đã không tuân thủ những chuẩn mực này.
- Tòa giám đốc thẩm không công bằng khi tùy tiện sử dụng chứng từ
Trong khi Tòa phúc thẩm tỉnh Đồng nai công nhận tư cách chủ tịch CĐCS của ông A và phán quyết thắng kiện cho ông ta (3), thì lập luận chính yếu của tòa Giám đốc thẩm xử ông A thua kiện ngày 26/9/2022 là dựa vào Hướng dẫn số 398/HD-TLĐ ngày 28/3/2012 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là: “về tái cử ban chấp hành: có đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất ½ nhiệm kỳ“(4). Từ đó tòa ra phán quyết là việc bầu ông A làm chủ tịch là không hợp lệ vì “tuổi công tác“ của ông ta chỉ còn 1 tháng.
Tuy nhiên, tòa án không trích dẫn phần tiếp theo của Hướng dẫn 398 là: “Những trường hợp còn thời gian công tác dưới ½ nhiệm kỳ sẽ do công đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp xem xét quyết định cụ thể“ (4). Có nghĩa là điều kiện “có đủ tuổi công tác“ không phải là bắt buộc tuyệt đối.
Quan trọng hơn nữa, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn có Hướng dẫn quy trình giới thiệu nhân sự số 28/HD-TLĐ, ban hành ngày 14/6/2021 (5). Trong Hướng dẫn này, điều kiện để ủy viên ban chấp hành tái cử là còn thời gian công tác ít nhất bằng ½ nhiệm kỳ cũng được nêu lên, song – khác với Hướng dẫn 398 của năm 2012 – điều kiện này chỉ áp dụng với cán bộ chuyên trách, không áp dụng với cán bộ công đoàn không chuyên trách trong các xí nghiệp tư nhân hay có vốn nước ngoài.
Đây chính là mấu chốt của vấn đề, bởi ông A là cán bộ không chuyên trách nên không cần đáp ứng điều kiện còn thời gian công tác bằng ½ nhiệm kỳ. Ông ta chỉ cần có ý kiến giới thiệu tín nhiệm của đoàn viên theo như mục II, điều I.2 của Hướng dẫn số 28/HD-TLĐ năm 2021 nêu trên.
Nếu dựa vào Hướng dẫn 28/HD-TLĐ năm 2021 thì việc ông A đắc cử chủ tịch CĐCS phải được xem là hợp lệ. Từ đó, lẽ ra phải xử cho ông ta thắng kiện, nhưng Tòa giám đốc thẩm đã bỏ qua văn bản này để xử ông A thua kiện.
Hiện tượng pháp luật Việt Nam nhiều khi chồng chéo, mâu thuẫn không mới. Vụ án lao động này cũng chỉ minh chứng thêm cho điều này. Nhưng quan trọng nhất là vụ án này được nâng lên hàng “án lệ“, nghĩa là trong tương lai, khi có những vụ án về tranh chấp lao động tương tự xảy ra, các thẩm phán sẽ cho ra những phán quyết dựa vào một án lệ mà tính chất khách quan, công bằng rất đáng ngờ./.
T.K.Tran
_________________
Nguồn:
VNTB (23.04.2024)
Hà Nội mở chiến dịch đày đoạ tù nhân chính trị
(Kayla Ng)
Một đợt trấn áp vô cớ đang diễn ra ở nhiều trại giam Việt Nam. Tin cho biết những tù nhân chính trị bị cô lập trong buồng giam, bị biệt giam, bị thiếu thuốc chữa bệnh, ăn thức ăn trại phát thì bị tiêu chảy, nguồn nước thì bị ô nhiễm, thiếu nguồn nước sạch để sinh hoạt…
Trong chuyến thăm chồng vào hôm nay, ngày 21 Tháng Tư năm 2024, bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Trịnh Bá Phương (tù nhân lương tâm, dân oan Dương Nội – Hà Nội) cho hay, hiện tại chồng bà và một số các anh em bị giam giữ tại Trại giam An Điềm (tỉnh Quảng Nam) đang bị đối xử tồi tệ, hà khắc. Ông Hoàng Đức Bình (Hoàng Bình – tù nhân lương tâm, hoạt động cho Phong Trào Lao Động Việt, người đã từng huy động hàng chục ngàn ngư dân đi khởi kiện Formosa trong vụ công ty này đầu độc biển miền Trung hồi 2016) thì bị biệt giam.
Bà Thu cho biết, bắt đầu từ ngày 8 Tháng Tư, trại giam An Điềm không mở cửa như trước kia mà đóng cửa buồng 24/7. Mọi thư từ, đồ ăn, lấy nước sôi đều qua khe cửa. Việc đóng cửa này là việc làm tùy tiện của trại, bởi phía trại An Điềm không đưa ra bất kỳ nguyên nhân hay lý do nào. Ông Phương kể, hiện mọi người ở đây đang bị nhốt giam, y như lúc ông còn ở Trại Tạm giam số 1 của CATP Hà Nội (tên gọi khác là Hỏa Lò).
Ông Phương khẳng định, đây chẳng khác nào một hình thức biệt giam tra tấn tinh thần các anh em trong trại giam.
Bà Thu nói thêm, phía trại giam An Điềm cũng tịch thu một số đồ dùng của các anh em trong tù và gửi trả lại cho gia đình. Và cũng chính vì việc tịch thu đồ dùng không có nguyên nhân này mà ông Hoàng Bình và phía trại giam xảy ra cãi nhau với cán bộ, nên phía trại nhốt ông vào trại biệt giam. Ngày đầu của 10 ngày biệt giam ông Hoàng Bình bị xước hết chân vì bị cùm chân xiết chặt.
Ngay trong ngày đầu tiên bị giam lỏng, ông Phương có gửi cho bà một bức thư 4 trang nói về việc trại giam An Điềm xâm phạm quyền con người, kêu gọi quốc tế can thiệp và đồng hành.
Trong thư có ý kiến xác nhận của ông Hoàng Bình, Thái Bình và ông Phan Công Hải. Cũng trong ngày hôm đó, 4 người bắt đầu tuyệt thực hơn 3 ngày để biểu thị sự phản đối xâm phạm quyền con người.
Khi gặp được chồng, bà Thu cho biết chồng bà đã bị sút 4kg. Hiện tại bà vẫn chưa nhận được bức thư nào như chồng bà mô tả.
Bà nói, hiện nay ông Hoàng Bình không được khỏe. Ông bị đau lưng, đau xoang, mất khứu giác và bị đau tim. Ông Bình có xin phía trại thuốc đau tim nhưng trại không cho.
Chia sẻ thêm về tình hình sức khỏe, trong quá trình thăm gặp, ông Trịnh Bá Phương cho bà biết rằng, trong khoảng một năm nay chồng bà đã không còn nhận đồ ăn trại phát như thịt, cá… vì đồ ăn ở đây không sạch sẽ và làm rất mất vệ sinh.
Có lần chồng bà ăn và bị tiêu chảy cấp, đau bụng, đi ngoài nhiều lần và phải xin thuốc uống. Nguồn nước thì bị ô nhiễm, chồng bà bị viêm da, khi sục rửa bể nước thì thấy trong bể nước có rất nhiều cá con và các con nòng nọc bị chết.
Tìm hiểu thêm về việc ông Hoàng Đức Bình bị 10 ngày cùm chân, sau đó biệt giam, người nhà cho hay: Gia đình đã đi thăm ông vào ngày 08 Tháng Tư vừa rồi, nhưng phía Trại giam An Điềm từ chối, không cho thăm gặp.
Khi hỏi nguyên nhân, trại đưa ra thông báo về quyết định kỷ luật. Hình thức ông phải chịu là “giam tại buồng kỷ luật 10 ngày. Hình thức phạt phụ trội ông phải chịu là bị hạn chế nhận gửi thư, nhận quà, mua hàng hóa tại căng tin, liên lạc điện thoại với thân nhân trong vòng 3 tháng (kể từ ngày 05 Tháng Tư). Còn về thăm gặp, ông sẽ chỉ được gặp thân nhân 2 tháng một lần.
Không những không cho thăm gặp, trại giam An Điềm còn trả ngược lại cho gia đình những đồ đạc mà theo trại là đã “tạm giữ” được từ buồng giam của ông Hoàng Đức Bình. Trong biên bản tạm giữ, ông Hoàng Bình vẫn thể hiện ý chí cứng rắn, khi gạch bỏ chữ “phạm nhân” đi, và ghi rõ: “Tôi không phải là phạm nhân. Tôi là nạn nhân của chế độ Cộng sản độc tài, vô nhân đạo!”
“Tất cả những đồ vật này (những đồ vật có trong danh sách bị tạm giữ) tôi đã chấp hành theo yêu cầu của trại, vậy bây giờ (trại) tạm giữ là trại sai! Tôi phản đối nội dung trong biên bản này!”
Những sự ngược đãi đối với các tù nhân lương tâm nói trên không chỉ xảy ra tại trại giam An Điềm (tỉnh Quảng Nam), mà còn diễn ra tại nhiều nơi khác.
Tại Trại giam Nam Hà (tỉnh Hà Nam), ông Vũ Quang Thuận (người sáng lập phong trào Chấn Hưng Nước Việt) cũng thường xuyên bị thiếu thuốc chữa bệnh.
Từ một người có thể trạng khỏe mạnh, cân nặng 75kg, sau hơn 1 năm bị biệt giam, ông được cho ra khỏi đó và trở về đội để “cải tạo” Tháng Năm 2022 với một cơ thể gầy gò ốm yếu, cân nặng chỉ còn 38kg, mang trong mình đủ thứ bệnh từ hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy gan… Hiện nay tuy sức khỏe của ông đã khá hơn, nhưng vẫn trong thể trạng yếu. Thuốc gia đình gửi vào cho ông gặp nhiều trở ngại, vì càng ngày, trại giam càng đòi hỏi thêm nhiều giấy tờ thủ tục khác. Ông chỉ có thể mua thuốc theo tháng trích từ tiền lưu ký, theo đơn của bác sĩ, mà theo ông là “không đủ cho ông để sử dụng.”
Việc đối xử tồi tệ với tù nhân gần như xảy ra ở mọi trại giam. Ở Trại giam Nam Hà (còn có tên gọi khác là Trại Ba Sao, tỉnh Hà Nam) – tôi, người viết bài – cũng từng trải qua chuyện nguồn nước sinh hoạt thì bẩn thỉu, thường có màu xanh và xuất hiện rong rêu. Không tắm thì không được, mà tắm thì ngứa, viêm da. Cựu tù nhân, nhà báo Lê Anh Hùng cho biết cũng từng nhiều lần bị dị ứng nổi đỏ, mẩn ngứa khắp người với nguồn nước như vậy.
Thức ăn trại phát không bảo đảm vệ sinh an toàn, đặc biệt là rau muống, ăn vào là tiêu chảy, nhiều người bị đau bụng, đi ngoài triền miên, buộc phải ngừng ăn rau muống do trại cấp phát.
Rau muống là một trong những nguồn thực phẩm chính của các trại phía bắc, thông thường dùng làm thực phẩm chính trong khoảng 7, 8 tháng, mới được thay rau khác. Trong tình cảnh đó, nếu tù nhân nào thiếu sự quan tâm của gia đình hay cộng đồng, thì đều phải sống kham khổ, bất chấp nhà nước Việt Nam vẫn tuyên bố với thế giới là điều kiện trong tù là bảo đảm cho người thi hành án.
Viết Dũng
Saigon Nhỏ (22.04.2024)