„Các thế hệ nên có những nỗ lực ghi lại câu chuyện của mình, chia sẻ những suy nghĩ, mối quan tâm của mình qua các hình thức khác nhau, như viết hồi ký, phỏng vấn, làm lịch sử truyền khẩu, …
Thế hệ thứ nhất nói lên những trải nghiệm của mình từ thời ở Việt Nam để giúp cho các thế hệ sau hiểu được điểm xuất phát của quý vị, để hiểu thêm về Việt Nam và đời sống của quý vị trước khi quý vị bỏ nước ra đi.
Thế hệ trẻ ở Mỹ cũng cần phải nói lên câu chuyện của riêng mình, vì câu chuyện ấy cũng sẽ giúp người của thế hệ trước và thế hệ sau hiểu thêm về mình.“
Alex-Thái Đình Võ
Tháng Tư năm 2024 đánh dấu gần 50 năm hình thành cộng đồng người Mỹ gốc Việt, sau biến cố 30/4/1975. Trong 49 năm qua, cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã trải qua nhiều thăng trầm, gian khổ, nỗ lực và cuối cùng khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng xã hội Hoa Kỳ.
Nhân dịp này, RFA phỏng vấn TS. Alex-Thái Đình Võ, hiện là Phó Giáo sư tại Vietnam Center của Đại học Kỹ thuật Texas (Texas Tech University). Phần một cuộc cuộc phỏng vấn nói về sự hình thành của cộng đồng và sự khác biệt giữa các thế hệ. Phần sau nói về con đường xây dựng bản sắc cho riêng mình của thế hệ thứ hai lớn lên ở Hoa Kỳ.
Cuốn sách “Hướng tới xây dựng ngành nghiên cứu về người Mỹ gốc Việt: lịch sử, cộng đồng và ký ức“, NXB Đại học Temple, 2023, do TS Alex-Thái Đình Võ đồng chủ biên (Ảnh minh họa) RFA
RFA. Như anh đã biết, sau biến cố 30/4/1975, một cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã hình thành trên mảnh đất Hoa Kỳ. Xin anh cho biết trong gần 50 năm qua, có bao nhiêu thế hệ người Mỹ gốc Việt đã hình thành ở đây. Giữa các thế hệ có sự khác biệt gì hay không?
Alex-Thái Đình Võ
Vâng, cảm ơn anh với câu hỏi quan trọng này vì nó là câu hỏi mọi cộng đồng nhập cư đều phải đối diện.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, gần 50 năm, có thể nói rằng hiện tại có bốn thế hệ người Việt tại Hoa Kỳ.
Thế hệ đầu là những người ở tuổi ba mẹ và anh chị của chúng ta, năm nay đa phần là ở lứa tuổi 50 trở lên. Thế hệ thứ hai là những anh chị sinh ra ở Hoa Kỳ từ giữa thập niên 1970 và 1980. Thế hệ thứ ba có thể là các bạn sinh vào giữa thập niên 1980 và đến khoảng năm 2000. Từ năm 2000 đến nay thì cũng đã 24 năm, có nghĩa cũng có những thế hệ thứ tư ở lứa tuổi trẻ em, dưới vị thành niên.
Xen lẫn giữa thế hệ thứ nhất và thứ hai là những người như tôi, mà ở Hoa Kỳ họ gọi là thế hệ 1.5, tức những người sinh ra ở Việt Nam nhưng sang Hoa Kỳ từ khi còn nhỏ và đứng giữa không gian danh nghĩa (liminal space) của hai thế hệ, hai thái cực.
Nhưng khi nói đến thế hệ thứ hai thì đa phần hiểu là thế hệ những người sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ cùng một số những người tuy sinh ra ở Việt Nam nhưng sang Hoa Kỳ từ khi còn khá nhỏ nên phần nào có sự gần gũi hơn đối với thế hệ thứ hai thay vì thế hệ thứ nhất hay 1.5.
Để phần nào hiểu được cộng đồng người Mỹ gốc Việt đòi hỏi nhận diện các thế hệ người Mỹ gốc Việt và tương quan giữa các thế hệ, đặc biệt giữa thế hệ của những người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam và những người sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở Hoa Kỳ.
RFA. Người ta thường nói thế hệ hai sinh ra và lớn lên ở Mỹ có nền văn hóa mới, với một vài khác biệt về tinh thần với thế hệ thứ nhất. Theo anh, đó là những khác biệt gì?
Alex-Thái Đình Võ
Có rất nhiều sự khác biệt giữa hai thế hệ này. Thế hệ đầu, những người của lứa tuổi cha mẹ và anh chị mình thường là những người đã từng trải qua sự kiện của cuộc chiến Nam-Bắc và phải sống với hậu quả của nó sau chiến tranh.
Họ là những người vì hoàn cảnh phải bỏ nước và quê cha đất tổ để tìm tự do và cơ hội cho chính bản thân và gia đình. Họ là lứa tuổi của những người đã phải trải qua sống chết trong cuộc chiến, khổ nạn trong các trại giam cộng sản và những thay đổi của xã hội và chính trị thời hậu chiến, lênh đênh trên biển cả với số phận nổi trôi trong các trại tỵ nạn.
Khi định cư, dù ở Hoa Kỳ, nhưng họ là những người phải đối diện với những khó khăn lúc đầu, từ những khó khăn trong việc hòa nhập với một môi trường và xã hội mới, đầy phức tạp trong bối cảnh của thiếu thốn đủ thứ, từ ngôn ngữ đến tài chính. Nhưng họ tồn tại và phải tồn tại vì bản thân và vì gia đình con cái của họ.
Thế hệ này lo nhiều về mặt mưu sinh trong những khó khăn hòa nhập vào xã hội Hoa Kỳ, vì vậy đa số trong số họ vẫn giữ tính cách và nếp sống Việt.
Họ suy nghĩ và giao tiếp bằng tiếng Việt là chính, sở thích của họ, từ cách ăn mặt đến ẩm thực và âm nhạc cũng phần nào mang tính chất Việt nhiều hơn là Mỹ.
Họ sống với cái “tinh thần Việt”, từ truyền thống tôn giáo đến lễ hội, nhưng cũng không thể phủ nhận được ảnh hưởng của nền văn hóa mới mà họ đang sống, từ cách hòa nhập vào cuộc sống xã hội mới, phong cách sống tiêu biểu ở phương Tây đến sở thích và giá trị cá nhân.
Thực tế, đa phần họ là những người bị hoàn cảnh buộc phải rời quê hương, và với thân phận mất nước nên mối ưu tư của họ thường hướng về Việt Nam hơn là các vấn đề hiện tại của họ ở Hoa Kỳ.
Họ nghĩ đến quê cha đất tổ, về mồ mả ông bà và nhà cửa, về cuộc sống của người thân, cũng như các khía cạnh khác của Việt Nam, như kinh tế, xã hội, và chính trị.
Ở đây, tôi chưa đề cập đến những người Việt thuộc thế hệ thứ nhất nhưng lại có những sự khác biệt do hoàn cảnh và thời điểm họ rời Việt Nam. Ví dụ, sự khác biệt giữa những người rời Việt Nam ngay sau sự kiện 30/4 năm 1975, những người rời Việt Nam vào cuối những năm 1970 và thập niên 1980 thông qua các phương tiện vượt biên vượt biển, và những người rời sau đó theo các chương trình ODP, cụ thể là chương trình cải tạo, bảo lãnh, và H.O. dành cho các cựu tù cải tạo cộng sản.
Trong cái tổng quan nói trên, thế hệ này là những người thường mang trên người trọng trách cần bảo tồn và phát triển lịch sử và văn hóa của mình trong khi vẫn phải đối diện với một xã hội mới, giữa sự giao thoa và xung đột văn hóa.
Thế hệ thứ hai trở đi, kể cả thế hệ 1.5 như chúng tôi, lại khác. Đa phần chúng tôi sinh ra hoặc lớn lên ở Hoa Kỳ từ khi còn rất nhỏ nên ký ức và ấn tượng về Việt Nam thì rất ít, tùy theo hoàn cảnh và môi trường sinh sống của từng cá nhân.
Chúng tôi có thể thấm nhuần một số yếu tố rất Việt, như ẩm thực, âm nhạc (Asia, Thúy Nga, Vân Sơn), văn hóa như việc đi chùa hoặc nhà thờ, ăn mặc áo dài trong dịp Tết, và vân vân… nhưng trung tâm đa số chúng tôi được giáo dục trong hệ thống trường Mỹ từ khi còn nhỏ.
Chúng tôi suy nghĩ và giao tiếp bằng tiếng Anh là chính vì vậy chúng tôi cảm thấy Mỹ hơn là Việt. Chúng tôi không cần phải quan tâm nhiều về việc hòa nhập vào xã hội Mỹ vì đó là lẽ tự nhiên của cuộc sống chúng tôi.
RFA. Xin anh chia sẻ những cảm nhận, suy nghĩ của anh về thế hệ thứ 2 sinh ra ở Mỹ, đặc biệt là những thành công của họ trong dòng chính xã hội Mỹ.
Alex-Thái Đình Võ
Bởi ảnh hưởng của gia đình và xã hội, đa phần trong chúng tôi đều có ý chí vươn lên, với mục tiêu học đại học và đạt các bằng cấp cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ, luật sư, hay bác sĩ.
Vì vậy quan tâm của chúng tôi không nặng về quá khứ lịch sử hay về các vấn đề liên quan đến Việt Nam mà ngược lại là với những thực trạng chúng tôi phải đối diện hàng ngày trong một xã hội Mỹ, từ việc kiếm việc làm, trả nợ học phí, đến cuộc sống xã hội, an sinh, kinh tế, và chính trị bao quanh chúng tôi.
Tuy nhiên, điều này chưa đề cập đến những khó khăn mà một số bạn của thế hệ 1.5 và hai trở lên phải đối mặt và vì vậy không phải ai cũng “thành công” theo định nghĩa của bằng cấp.
Bởi sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố, một số phải đối mặt với băng nhóm và lao lý, vân vân…
Tóm lại, khi nói đến thế hệ 1.5 và 2 trở đi, người ta thường thấy những nỗ lực và gương thành công của những thế hệ này.
Điển hình về mặt quân đội thì đã có những người thuộc thế hệ 1.5 lên đến cấp tướng, như ông Lương Xuân Việt, Nguyễn Từ Huấn, Lập Thể Flora, William Seely, John Edwards.
Về chính trị thì có dân biểu Joseph Cao Quang Ánh và Stephanie Murphy, truyền thông với Betty Nguyen (CNN/CBS), Leyna Nguyen, Thuy Vu.
Về văn học có Viet Thanh Nguyen, Monique Truong, Ocean Vuong.
Tổng quan, sự thành công của người Mỹ gốc Việt thế hệ 1.5 trở đi rất nhiều và con số đó mỗi năm càng tăng với những thế hệ tiếp nối.
Nói chung, thế hệ thứ hai trở đi là thế hệ của sự kết hợp, là thế hệ của sự đa dạng, là thế hệ của sự thay đổi và sự phát triển.
Họ là thế hệ của hiện đại, của công nghệ, của sự tiến bộ, của sự đổi mới.
Họ là thế hệ của những người trẻ tuổi, của những người trẻ trung, của những người đang xây dựng và phát triển một tương lai tươi sáng cho cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.
RFA. Như vậy, giữa hai thế hệ có một khoảng cách khá rộng. Làm thế nào để hai thế hệ xích lại gần nhau hơn?
Alex-Thái Đình Võ
Khi nhìn về những thế hệ người Việt gốc Mỹ, chúng ta cũng thấy rõ nét những sự khác biệt, từ lịch sử, độ tuổi, đến những trải nghiệm thành viên.
Vì vậy, ở giữa thế hệ thứ nhất và thế hệ 1.5 trở đi là một khoảng cách (generational gap) với nhiều sự khác biệt thường dẫn đến những mâu thuẫn và hiểu lầm về nhau.
Đa phần hai thế hệ không thấu hiểu được mối quan tâm của nhau và những gì họ đã từng trải qua, để định hình suy nghĩ và tinh thần của họ. Sự khác biệt về ngôn ngữ cũng như đời sống thường ngày làm cho khoảng cách giữa họ thêm xa hơn, dẫn đến việc chỉ trích, không tin nhau.
Tuy nhiên, hiện thực là như vậy, nhưng không thể trách thế hệ nào, vì đó là sự tiến hóa tự nhiên mà hầu như xã hội nào, đặc biệt xã hội nhập cư, đều phải trải qua và đối diện.
Hiển nhiên, mỗi con người thuộc mỗi thế hệ cũng đều có những suy nghĩ và ưu tư riêng của họ. Điều quan trọng là thay vì chỉ trích, trách cứ và từ bỏ nhau thì chúng ta cần có những nỗ lực đến gần lại với nhau để tạo cơ hội tiếp cận và vượt qua những rào cản giữa những thế hệ để có sự thông hiểu nhau hơn.
Để làm được điều đó, trước hết tất cả, dù thuộc thế hệ nào cũng cần phải có sự bao dung và tinh thần cởi mở để lắng nghe nhau, từ những điểm chung đến những khác biệt.
Các thế hệ nên có những nỗ lực ghi lại câu chuyện của mình, chia sẻ những suy nghĩ, mối quan tâm của mình qua các hình thức khác nhau, như viết hồi ký, phỏng vấn, làm lịch sử truyền khẩu, vân vân…
Thế hệ thứ nhất nói lên những trải nghiệm của mình từ thời ở Việt Nam để giúp cho các thế hệ sau hiểu được điểm xuất phát của quý vị, để hiểu thêm về Việt Nam và đời sống của quý vị trước khi quý vị bỏ nước ra đi.
Quý vị chia sẻ những khó khăn quý vị phải đối mặt trên con đường đến một đất nước khác và những nỗ lực để định hình của quý vị.
Thế hệ trẻ ở Mỹ cũng cần phải nói lên câu chuyện của riêng mình, vì câu chuyện ấy cũng sẽ giúp người của thế hệ trước và thế hệ sau hiểu thêm về mình. Vâng, đến gần với nhau đòi hỏi nỗ lực, sự khoan dung và cởi mở để nhìn nhận và lắng nghe nhau, và từ tất cả thành viên của các thế hệ.
RFA xin cảm ơn TS. Alex-Thái Đình Võ đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Alex-Thái Đình Võ nhận bằng cử nhân Chính trị học tại Đại học UC Berkeley, thạc sĩ và tiến sĩ ở Đại Học Cornell (University), chuyên ngành Á Châu Học và Lịch Sử Châu Á. Các hướng nghiên cứu chủ yếu của ông là lịch sử, chính trị, và văn hóa Á Châu, trong đó trọng tâm là lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, lịch sử và những thay đổi của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Cuốn sách gần đây nhất do ông chủ biên, cùng hai chủ biên khác là GS. Tường Vũ và Tiến sĩ Linda Ho Peché, với 14 tác giả tham gia viết, là “Toward A Framework For Vietnamese American Studies; History, Community and Memory” (“Hướng tới xây dựng ngành nghiên cứu về người Mỹ gốc Việt: lịch sử, cộng đồng và ký ức”, Temple University Press, 2023.)
RFA (25.04.2024)