Seite auswählen

„Không ai – có lẽ đặc biệt là ông Donald Trump – có thể đoán trước được những kết quả mà thuế quan áp lên Trung cộng đã tạo ra cho thế giới.“

Milton Ezrati 

Donald Trump, khi còn là Tổng thống Mỹ, đã ký lệnh trừng phạt thương mại đối với Trung cộng tại Phòng Tiếp tân Ngoại giao của Tòa Bạch Ốc ở Washington, Mỹ, vào ngày 22/3/2018. (Ảnh: Mandel Ngân/AFP qua Getty Images)

Ai có thể nghĩ rằng Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có thể tạo ra nhiều kết quả tích cực như thế này?

Khi cuộc đối đầu bắt đầu với các mức thuế quan của Trump năm 2018 và 2019, nhiều ý kiến đồng thuận lo ngại rằng hành động của chính quyền Trump sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả giá đắt khi hàng nhập khẩu từ Trung cộng bị tăng giá. Nhiều người vào thời điểm đó cho rằng bất kỳ sự thay đổi nào ở Trung cộng được tạo ra bởi cuộc chiến thương mại đều không đáng giá.

Nhưng hóa ra, thuế quan đã hạn chế sức mạnh của Trung cộng theo những cách không ngờ tới, khiến người tiêu dùng Mỹ bị tổn thất rất ít hoặc không mất gì, đồng thời mang lại lợi ích cho Mexico và các nước đang phát triển khác. Thuế quan thậm chí có thể đã giúp ngăn chặn làn sóng di cư ở biên giới phía nam Hoa Kỳ.

6 năm trước, Tòa Bạch Ốc của ông Trump lần đầu tiên áp đặt thuế quan, nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh dỡ bỏ những gì mà Tổng thống mô tả là các hành vi thương mại không công bằng. Chúng bao gồm trợ cấp cho các nhà sản xuất nội địa Trung cộng, đánh cắp bằng sáng chế và quy định rằng người Mỹ kinh doanh ở Trung cộng phải có đối tác Trung cộng và người Mỹ phải chuyển giao công nghệ độc quyền và bí mật thương mại cho các đối tác này.

Những ý kiến đồng thuận lo lắng về chi phí mà người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ phải gánh chịu, đồng thời tỏ ra hoài nghi đáng kể về sự thay đổi có thể có ở Bắc Kinh. Quan điểm phổ biến này hoàn toàn đúng về Bắc Kinh. Chính sách của Trung cộng đã không thay đổi. Tuy nhiên, ý kiến đồng thuận đã sai lầm về chi phí đối với người Mỹ. Bởi vì đồng CNY (nhân dân tệ) đã mất giá so với đồng USD, nên giá trị bằng đồng USD của hàng hóa Trung cộng đối với người Mỹ thực tế tăng chậm hơn tỷ lệ lạm phát chung.

Mặc dù Tòa Bạch Ốc của ông Biden vẫn giữ nguyên mức thuế, bề ngoài có vẻ như có cùng mục tiêu như chính quyền Trump đã đề ra, nhưng Bắc Kinh vẫn từ chối kiềm chế các hoạt động thương mại tiêu cực của mình. Họ đã từ chối, ngay cả khi Tổng thống Joe Biden đã tăng thêm áp lực bằng cách ngăn chặn việc bán chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cho Trung cộng và cấm đầu tư của Mỹ vào công nghệ Trung cộng. Tổng thống cũng đã trợ cấp cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn trong nước và đang đe dọa áp đặt mức thuế mới và cao hơn đối với các sản phẩm Trung cộng vào Hoa Kỳ.

Trong tất cả động thái này, Tổng thống Biden đã thể hiện rõ rằng ông không chỉ muốn một sự thay đổi trong chính sách thương mại của Bắc Kinh. Mặc dù chưa bao giờ nói thẳng ra, nhưng ông Biden nhắm tới cản trở sự phát triển của Trung cộng. Về mặt này, một số dấu hiệu thành công đã xuất hiện, không phải do các chính sách của chính quyền Biden mà do hiệu quả chậm trễ từ các mức thuế ban đầu của ông Trump.

Để tránh chi phí thuế quan, ngành công nghiệp Trung cộng đã chuyển trọng tâm từ hoạt động trong nước sang các cơ sở ở các địa điểm châu Á và châu Mỹ Latinh khác. Mexico, Colombia, Việt Nam, Indonesia và Philippines đã được hưởng lợi nhiều. Xu hướng này đã làm chậm sự phát triển kinh tế của Trung cộng bằng cách tước đi nguồn đầu tư vốn, cơ sở sản xuất và tăng trưởng việc làm mà nền kinh tế Trung cộng có thể được hưởng nếu không có thuế quan. Sự thay đổi đã diễn ra dần dần trong sáu năm kể từ khi thuế quan của ông Trump lần đầu tiên xuất hiện và đã phát triển thành một điều gì đó đáng kể.

Mexico là điểm đến đặc biệt hấp dẫn đối với các cơ sở muốn rời khỏi Trung cộng vì nước này có chính sách thân thiện với doanh nghiệp và nằm gần với thị trường khổng lồ Mỹ. Chẳng hạn, chỉ trong hai tháng đầu năm nay, đầu tư vốn vào Mexico đã tăng gấp ba lần tốc độ năm 2020. Không phải tất cả đều là tiền từ Trung cộng, nhưng phần lớn là như vậy. Thông tin này chưa phải là tất cả. Theo Hiệp hội Khu công nghiệp Mexico, ngành sản xuất nước ngoài, phần lớn thuộc sở hữu của Trung cộng, đã đặt chỗ ở tất cả các địa điểm xung quanh Monterrey, gần biên giới Hoa Kỳ, cho đến năm 2027. Xuất khẩu của Mexico đã tăng khoảng 6% trong năm qua và vào năm 2023, Mexico lần đầu tiên vượt qua Trung cộng để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Đúng là những cơ sở này vẫn thuộc quyền sở hữu của Trung cộng, nhưng không giống như các nhà máy nội địa Trung cộng, Bắc Kinh chỉ có quyền kiểm soát hạn chế. Bắc Kinh không thể chỉ huy các hoạt động ở Mexico theo cách nó chỉ huy các hoạt động trong nước. Ngay cả khi nó ra lệnh cho các chủ sở hữu Trung cộng từ bỏ hoạt động ở Mexico, một điều rất khó xảy ra, các cơ sở này cũng sẽ không quay về Trung cộng. Một số nhà điều hành khác sẽ nắm bắt cơ hội để kiểm soát các nhà máy. Mexico, chứ không phải Trung cộng, sẽ sở hữu các cơ sở sản xuất được xây dựng bằng vốn của Trung cộng, cùng với việc làm và động lực phát triển đi kèm.

Trong khi góp phần làm suy yếu nền kinh tế Trung cộng và mang lại lợi ích cho Mexico cũng như các nền kinh tế đang phát triển khác như Việt Nam, Indonesia, Philippines và Colombia, thuế quan cũng có thể giúp đối phó cuộc khủng hoảng nhập cư bất hợp pháp mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt. Nền kinh tế đang cải thiện ở Mexico tạo ra cơ hội cho người dân nước này và những người khác từ những nơi khác ở châu Mỹ Latinh đã di cư lên phía bắc vì lý do kinh tế. Những người này ít có nhu cầu đến Hoa Kỳ hơn. Tác động là không thể đo lường được và dòng người đổ vào ở biên giới phía Nam của Mỹ vẫn rất lớn. Tuy nhiên, ít nhất ở một mức độ nhỏ, thuế quan, dù gián tiếp và vô tình, cũng đã mang lại một số cứu trợ trên mặt trận này.

Không ai – có lẽ đặc biệt là ông Donald Trump – có thể đoán trước được những kết quả này sáu năm trước hoặc thậm chí bốn năm trước. Chúng khác xa mục tiêu của Tòa Bạch Ốc khi áp đặt thuế quan vào năm 2018 và 2019. Nhưng chúng là sự thật. Sự mất mát của Bắc Kinh đã chuyển thành lợi ích cho các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là Mexico, mà không gây ra thêm chi phí nào cho người tiêu dùng Mỹ.

 Milton Ezrati 

Bảo Nguyên biên dịch

Theo The Epoch Times

Milton Ezrati

Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest – một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested – công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (30 mươi năm sau: Ba thập niên tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).