Mục lục
Việt Nam sẽ đưa ra mô hình nào cho cơ quan nhân quyền quốc gia?
Mô hình riêng nào được lựa chọn?
Theo các tiêu chí được nêu trong các Nguyên tắc Paris – là bộ nguyên tắc về Thiết chế Nhân quyền Quốc gia, được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1993, thì đến nay Việt Nam vẫn chưa có cơ quan nào có thể được coi là Cơ quan nhân quyền quốc gia. Cụ thể, Việt Nam chưa có ủy ban nhân quyền, cũng như bất cứ thiết chế nào có thể coi là Thanh tra Quốc hội như ở nhiều nước trên thế giới.
Và cũng như nhiều nước trên thế giới, việc thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia và sự lựa chọn mô hình thích hợp ở Việt Nam, sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sau đây: Thứ nhất, về thể chế chính trị. Việt Nam là chế độ một Đảng Cộng sản duy nhất độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Thứ hai, phụ thuộc các yếu tố văn hóa, lịch sử. Theo đó, văn hóa Việt Nam đã có những thay đổi theo các thời kỳ lịch sử, có những khía cạnh mất đi nhưng cũng có những khía cạnh văn hóa khác bổ sung vào nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Sự thay đổi này, sẽ tác động lớn đến quan niệm về nhân quyền và bảo vệ quyền con người.
Thứ ba, phụ thuộc vào thực trạng các thể chế đang có liên quan tới bảo vệ nhân quyền.
Nhìn ra láng giềng. Việt Nam là thành viên của hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), hiện nay hầu hết các nước trong khối đã thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia với mô hình ủy ban nhân quyền là chủ yếu.
Trong Báo cáo giải trình về các chấp nhận và từ chối khuyến nghị của các quốc gia đối với UPR lần 3, Nhà nước Việt Nam nêu: “Với các khuyến nghị về cơ quan nhân quyền quốc gia, Việt Nam không thể chấp nhận các khuyến nghị hay các yếu tố định trước kết quả hoặc đặt ra áp lực không hợp lý với việc nghiên cứu và chuẩn bị đang tiến hành để có thể thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia ở Việt Nam”.
Tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg, ngày 31-12-2019 “Về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc”, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an chủ trì với sự phối hợp của Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao nghiên cứu việc xây dựng cơ quan nhân quyền quốc gia ở Việt Nam.
Tuy nhiên đến nay tiến trình thực thi quyết định trên của Thủ tướng dường như vẫn dậm chân tại chỗ.
EU đã khuyến nghị gì cho cải thiện nhân quyền ở Việt Nam?
Trong tài liệu phát hành tiếng Việt “Những việc cần làm để cải thiện các quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam – khuyến nghị từ Liên Hiệp Quốc” đã đặt ra cụ thể từng đề mục liên quan đến các bộ, ngành chuyên trách trong bộ máy công quyền của Việt Nam.
Song ghi nhận cho đến nay vẫn là câu chuyện của nội dung “Báo cáo thường niên của EU về Nhân quyền và Dân chủ trên Thế giới năm 2022 – Cập nhật về Việt Nam”.
Theo đó, các nhà báo, blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền, cũng như các nhà hoạt động môi trường tiếp tục bị bắt và bị truy tố với những cáo buộc mơ hồ về tội chống lại an ninh quốc gia, hoặc trốn thuế và bị kết án tù dài hạn trong các phiên tòa có ít, hoặc không có sự tiếp cận của công chúng.
Tiếp tục có nhiều cáo buộc về các phiên xử không công bằng, bao gồm cả việc từ chối đại diện pháp lý; các điều kiện hành chính và vật chất khắc nghiệt trong trại giam, bao gồm cả việc giam giữ biệt giam kéo dài trước khi xét xử; từ chối cung cấp điều trị y tế đầy đủ; từ chối các cuộc thăm gặp gia đình bao gồm cả thông qua chuyển sang nơi giam giữ khắc nghiệt; và biệt giam.
Việt Nam tiếp tục xử lý việc thực hiện quyền lao động. Việt Nam đã cam kết phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào năm 2023 và ban hành nghị định về tổ chức đại diện của người lao động để thực thi Bộ luật Lao động 2019. Việt Nam cũng ngày càng nỗ lực hơn nhằm chống lại lao động trẻ em và thúc đẩy bình đẳng giới và quyền của cộng đồng người LGBT.
Án tử hình vẫn là một vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng và tiếp tục được áp dụng một cách không minh bạch, với dữ liệu về thi hành án tử hình không được chính quyền công bố.
Vẫn còn những lo ngại về quyền của các nhóm thiểu số tôn giáo và việc quản lý quyền sử dụng đất. Tự do truyền thông vẫn còn bị hạn chế nghiêm trọng: báo in, phát thanh-truyền hình, truyền thông trực tuyến và điện tử bị kiểm soát chặt chẽ; quyền truy cập vào các trang web độc lập về chính trị bị chặn và các công ty truyền thông xã hội buộc phải đóng tài khoản hoặc xóa nội dung chỉ trích chính phủ…
Và một trong những tổ chức chịu trách nhiệm giám sát vấn đề nhân quyền nói trên là Cơ quan nhân quyền quốc gia thì vẫn chưa thấy khởi động ra sao về hình hài của mô hình riêng như nhấn mạnh “không có một mô hình chung cho tất cả các nước về vấn đề nhân quyền” mà Hà Nội đã tuyên bố tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Hoài Nguyễn
VNTB (16.05.2024)
HRW kêu gọi tòa án ở Đài Loan gia hạn nộp đơn kiện cho các nạn nhân Formosa
Một cuộc biểu tình chống Formosa ở Hà Nội ngày 1/5/2016 Reuters
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) hôm 14/5 kêu gọi các tòa án ở Đài Loan nên cân nhắc việc chấp nhận gia hạn nộp đơn kiện của các nạn nhân Formosa ở Việt Nam. Theo dự kiến hạn nộp hồ sơ là vào cuối tuần này.
Bài viết của bà Patricia Gossman – Giám đốc phân ban Châu Á của Human Rights Watch – trong bài viết mới được đăng trên website của HRW đề cập đến vụ xả chất thải của công ty thép Formosa Hà Tĩnh ra khu vực biển miền Trung Việt Nam hồi tháng 4/2016 khiến hàng trăm tấn cá chết và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở đây.
Mặc dù Formosa sau đó đã thừa nhận trách nhiệm và cam kết 500 triệu đô la tiền bồi thường nhưng chỉ bồi thường cho Chính phủ chứ không phải các nạn nhân. Người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa này nói rằng việc thanh toán tiền bồi thường không minh bạch và có những khó khăn trong việc đòi bồi thường, chứng minh thiệt hại và việc phân bổ sai nguồn tiền ở địa phương.
Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã đàn áp các cuộc biểu tình phản đối Formosa. Công an và lực lượng an ninh đã được huy động và sử dụng vũ lực không cần thiết để đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa đòi nước sạch và minh bạch.
Theo Human Rights Watch, đã có ít nhất 41 nhà hoạt động tham gia vào các cuộc biểu tình này bị két án tù nhiều năm. Trong số này, hiện vẫn còn 31 người bị giam giữ.
Những nạn nhân của Formosa không thể tìm kiếm công lý ở Việt Nam đã đưa đơn kiện lên tòa án ở Đài Loan vào năm 2019. Tòa Thượng thẩm của Đài Loan yêu cầu những người nộp đơn phải có hồ sơ nộp tòa được công chứng ở cơ quan đại diện Đài Loan tại Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục trả thù những nạn nhân của Formosa và những người đấu tranh cho họ. Vì vậy, theo HRW, yêu cầu này là gần như không thể thực hiện được.
RFA (15.05.2024)
Mỹ lo ngại về bản án đối với nhà hoạt động Phan Tất Thành
Ông Phan Tất Thành tại tòa hôm 8/5/2024. Photo YouTube Tuoi Tre Online.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ sự lo ngại về bản án 8 năm tù đối nhà hoạt động Phan Tất Thành, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng quyền tự do phát biểu trên mạng xã hội.
“Chúng tôi quan ngại về việc kết án ông Phan Tất Thành vì bày tỏ ôn hòa trên mạng”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu phản ứng trong email trả lời yêu cầu bình luận của VOA sau khi ông Thành bị kết án hôm 8/5.
“Chúng tôi cũng lo ngại trước các báo cáo cho rằng chính quyền Việt Nam đã khước từ việc ông Thành được xét xử công bằng và được tiếp xúc đầy đủ với luật sư bào chữa”, vẫn người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy điều tra cáo buộc của ông Thành cho rằng ông bị hành hung trong thời gian bị tạm giam.
“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam duy trì các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về nhân quyền và nỗ lực thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ nhân quyền”, bộ ngày nhấn mạnh.
“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền của cá nhân được thực hiện các quyền tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo hay tín ngưỡng. Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bị giam cầm bất hợp lý”.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho ý kiến về các phát biểu trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhưng chưa được phản hồi.
Như VOA đã đưa tin, hôm 8/5, ông Thành bị một tòa án ở Tp. Hồ Chí Minh tuyên phạt 8 năm tù và 3 năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Một bản cáo trạng mà VOA xem được cho thấy ông Thành sử dụng các tài khoản Facebook khác nhau để đăng tải 7 bài viết “có nội dung tuyên truyền, vu khống, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng”.
VnExpress dẫn lời Hội đồng Xét xử kết luận rằng ông Thành “không thừa nhận hành vi” trên nhưng “tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ xác định hành vi của bị cáo là rất nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, nên cần xử lý nghiêm”.
Trong khi đó, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói trong một thông cáo hôm 7/5 rằng ông Thành “sử dụng Facebook để nêu quan ngại về các tù nhân chính trị, trong đó có các nhà hoạt động nhân quyền đang bị cầm tù”.
“Vận động một cách ôn hòa cho dân chủ và nhân quyền không phải là một tội trạng”, bà Patricia Gossman, Đồng Giám đốc phụ trách Châu Á của HRW, nói trong một tuyên bố, đồng thời kêu gọi “trả tự do ngay lập tức” cho ông Thành.
Ông Phan Tất Chí, ba của ông Thành, nêu nhận định với VOA rằng bản án trên đối với con ông là “bất công”.
“Bản án này không có sự thuyết phục nào cả. Hoàn toàn là một bản án vô lý, áp đặt, ngồi xổm trên pháp luật”, ông Chí, người được dự phiên tòa xét xử con ông, nêu ý kiến cá nhân với VOA.
Ông Chí cho biết thêm rằng các nhà ngoại giao Mỹ có yêu cầu phía Việt Nam được dự phiên xử ông Thành, nhưng yêu cầu đó đã bị từ chối.
Phát biểu tại phiên rà soát định kỳ phổ quá (UPR) đối với Việt Nam do Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 7/5, bà Kelly Billingsley, phó đại diện thường trú tại LHQ của Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bày tỏ sự quan ngại về việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật hình sự đối những người bày tỏ quan điểm ôn hòa, trong đó có Điều 117, đồng thời khuyến nghị Hà Nội sửa đổi các điều luật này.
Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau tuyên bố “đảm bảo các quyền căn bản của con người, tôn trọng các công ước quốc tế về nhân quyền” và chỉ bỏ tù những người “vi phạm pháp luật”.
VOA (14.05.2024)
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do cơ bản
Bà Uzra Zeya, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền. RFA
Đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bà Uzra Zeya nói sẽ tiếp tục tạo sức ép để chính quyền Việt Nam phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản, trả tự do cho hơn 180 tù nhân chính trị và chấm dứt tình trạng đàn áp xuyên biên giới.
Bà Uzra phát biểu như trên tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 30 (11/5/1994 – 11/5/2024) được diễn ra ở Thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ trong ngày 14/5.
Bà Uzra Zeya -Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền, tại buổi lễ còn bày tỏ mối quan ngại sâu sắc khi Hà Nội tiếp tục áp đặt những hạn chế nghiêm trọng đối với tất cả các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp ôn hòa, tự do tôn giáo… hay điều kiện giam giữ hà khắc đối với các tù nhân chính trị bị kết án một cách bất công. Bà nói:
“Tiếp tục có nhiều báo cáo về các vụ chính quyền bắt giữ, hành hung, câu lưu, hạn chế đi lại cũng như tịch thu và phá hủy tài sản của tín đồ các tổ chức tôn giáo không được chính phủ công nhận hoặc không đăng ký.
Như nhiều người trong số các bạn đã biết, Ngoại trưởng Antony Blinken, đã chỉ định Việt Nam là một quốc gia trong danh sách theo dõi đặc biệt vì đã thực hiện hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.”
Theo bà Uzra, không gian dân sự và khả năng hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam bị hạn chế rất nhiều cả về mặt luật pháp và thực tế. Đó là nguyên do khiến từ năm 2021 đến nay, đã có sáu nhà hoạt động môi trường nổi bật bị bắt giữ và bị kết án bằng tội danh hết sức mơ hồ là “Trốn thuế”. Qua đó, bà Uzra khẳng định:
“Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Việt Nam tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, bao gồm cả việc trả tự do cho các lãnh đạo tổ chức phi chính phủ bị giam giữ oan uổng.”
Theo thống kê của các tổ chức nhân quyền Quốc tế, hiện có hơn 180 tù nhân chính trị bị kết án oan ở Việt Nam. Do đó trong phát biểu của mình, bà Uzra cho biết, sẽ tiếp tục tạo sức ép lên chính phủ Việt Nam để họ trả tự cho cho tất cả những người bị kết án oan trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang và các nhà hoạt động môi trường nổi bật bị bắt vì tội danh trốn thuế như Hoàng Thị Minh Hồng, Đặng Đình Bách…
Vấn đề đàn áp xuyên quốc gia cũng là nội dung được đề cập trong bài phát biểu của bà Uzra. Một ví dụ điển hình được bà nêu ra là vụ ông Đường Văn Thái bị bắt cóc vào tháng 4/2023 khi đang xin tị nạn ở Thái Lan: “Đây chỉ là một trong những ví dụ gần đây nhất về đàn áp xuyên quốc gia được báo cáo. Hoa Kỳ sát cánh và hỗ trợ những người bị nhắm tới bởi các hành động đàn áp xuyên quốc gia, đồng thời chúng tôi cam kết thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những chính phủ thủ phạm.” bà Urza kết luận.
Bà Bay Fang – Chủ tịch đài Á Châu Tự do phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: RFA
Có mặt tại buổi lễ này, bà Bay Fang, chủ tịch đài Á Châu Tự do, cũng khẳng định tình hình tự do báo chí tại Việt Nam không được đảm bảo. Cụ thể trong phát biểu của mình, bà Bay Fang dẫn các số liệu thống kê từ Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, rằng tổ chức này đã xếp Việt Nam vào top 10 môi trường hạn chế nhất thế giới về tự do báo chí. Tính đến hiện nay đã có 35 nhà báo và blogger đang bị bỏ tù. Trong đó, bà Bay nhắc đến bốn nhà báo là blogger của Ban tiếng Việt, Đài Á Châu Tự do đang bị giam giữ, bao gồm Nguyễn lân Thắng – 10 năm tù giam, Nguyễn Tường Thuỵ – 11 năm tù giam, Trương Duy Nhất – 10 năm tù giam và Nguyễn Vũ Bình – đang trong giai đoạn điều tra. Bà Bay Fang nhấn mạnh:
“Nhưng những nỗ lực của chế độ Việt Nam đã không ngăn cản chúng tôi hoàn thành công việc quan trọng của mình. Năm vừa qua, chúng tôi đã thực hiện các phóng sự về hàng trăm công dân Việt Nam bị buôn bán và buộc phải làm việc cho các trang web buôn bán dữ liệu ở Myanmar. Gần đây nhất, RFA đã đăng tải về hành trình gian khổ của những người Việt Nam vượt biên giới Hoa Kỳ qua Mexico để tìm kiếm tị nạn…”
Đại diện ban tổ chức buổi lễ, bà Destiny Nguyễn cho rằng, chính vì tình trạng nhân quyền Việt Nam tồi tệ như các khách mời đã nêu trên, nên cộng đồng người Việt ở hải ngoại càng phải lên tiếng và vận động nhiều hơn để cải thiện nhân quyền cho Việt Nam:
“Ngày mai chúng tôi sẽ có buổi vận động với các nghị sỹ và dân biểu, cũng như có buổi gặp gỡ riêng với Bộ ngoại giao Hoa Kỳ để nói về nhân quyền của Việt Nam.”
Tiếp theo lời kêu gọi của bà Destiny Nguyễn, ông Lê Trường Giang, từ tiểu bang North Carolina có mặt tại buổi lễ nói thêm rằng, cộng đồng người Việt cần lên tiếng thì chính phủ Hoa Kỳ mới quan tâm nhiều hơn đến nhân quyền Việt Nam:
“11/5 là ngày nhân quyền của Mỹ ở Việt Nam, kêu gọi người trẻ hãy tham gia vào các sự kiện như thế này để chính phủ Mỹ biết là chúng ta rất quan tâm tới nhân quyền”
Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam (11/5) được vinh danh và công nhận bởi đạo luật số 103-258 mà Tổng thống Bill Clinton ký ngày 5/5/1994.
Trước đó, Nghị quyết chung SJ-168 được cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua với đại đa số tuyệt đối vào ngày 17/5/1994. Hai Dân biểu Hoa Kỳ đồng chủ tịch Ủy ban Việt Nam tại Quốc hội Mỹ – bà Michelle Steel và ông Lou Correa, vào ngày 10 tháng năm ra nghị quyết “Lên án Đảng cộng sản Việt Nam (VCP) bỏ tù các nhà báo độc lập, giới bảo vệ nhân quyền, các nhân vật tôn giáo, và những tiếng nói đối lập tại Việt Nam”. Nghị quyết được đưa ra vào dịp Ngày Nhân quyền Việt Nam 11 tháng năm hàng năm. Nội dung Nghị quyết nêu rằng những người đang bị Việt Nam cầm tù chỉ vì họ thực thi các quyền tự do lên tiếng của họ.
RFA (14.05.2024)
Chỉ số thượng tôn pháp luật năm 2023 của Việt Nam
Ảnh chụp Chỉ số Thượng tôn Pháp luật năm 2023 của WJP.
Hàng năm, tổ chức WJP (World Justice Project: Dự Án Công Lý Thế Giới) thực hiện các cuộc khảo sát, đánh giá hơn 100 quốc gia trên thế giới để xếp hạng nước nào có “Chỉ số Thượng tôn Pháp luật” (Rule of Law Index: RLI) cao nhất. Năm 2023, tổ chức này cũng đã thực hiện các cuộc khảo sát ở 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Chỉ số mà WJP công bố dựa vào khảo sát của các chuyên gia và hộ gia đình. Số điểm trung bình của mỗi quốc gia dựa trên tám yếu tố: Hạn chế quyền lực của chính phủ, không tham nhũng, chính phủ cởi mở, quyền cơ bản, trật tự và an ninh, chấp pháp, tư pháp dân sự và hình sự.
Bằng phương pháp tổng hợp công phu và khoa học, chỉ số RLI do WJP công bố có giá trị hàng đầu thế giới, với các đặc điểm nguyên gốc và độc lập.
Chỉ số Thượng tôn Pháp luật của Việt Nam năm 2023
Theo WJP, Việt Nam bị xếp hạng 87 trong số 142 nước. Xếp hạng theo khu vực, Việt Nam hạng 11 trên 15 nước và theo thu nhập là 11 trong số 37 nước. Việt Nam đạt được 0,49 điểm trong tổng số 1 điểm.
Điểm số cụ thể của Việt Nam như sau:
- Những biện pháp hạn chế quyền hành của chính phủ: 0,45 điểm
- Không có tham nhũng: 0,42 điểm
- Chính phủ mở: 0,45 điểm
- Quyền cơ bản: 0,45 điểm
- Trật tự và An ninh: 0,78 điểm
- Chấp pháp: 0,44 điểm
- Tư pháp dân sự: 0,45 điểm
- Tư pháp hình sự: 0,46 điểm
Nhìn về tương lai toàn cảnh, chỉ số này tiên đoán hệ thống pháp quyền của Việt Nam sẽ ngày càng tồi tệ hơn, nhưng WJP không giải thích chi tiết.
Có lẽ người dân Việt bình thường không ngạc nhiên lắm về kết quả mà tổ chức WJP công bố, bởi những gì đã và đang xảy ra ở Việt Nam, họ có thể đoán trước được kết quả.
Về mặt lý thuyết, theo chủ thuyết chuyên chính vô sản, luật pháp là phương tiện bóc lột của giai cấp tư sản; do đó, đấu tranh bằng bạo lực cách mạng của giai cấp vô sản mới là phương cách tốt đẹp để xoá bỏ luật pháp và đem đến công bình xã hội cho toàn dân.
Từ ngày Việt Nam mở cửa thị trường cho quốc tế tham gia đầu tư, đảng CSVN mới ý thức được rằng, muốn hội nhập quốc tế thành công, cải cách hệ thống luật lệ phải là biện pháp then chốt.
Dựa trên cơ sở này, Việt Nam cho ra đời khái niệm về Nhà nước Pháp quyền Xã Hội chủ nghĩa. Nhưng cho đến nay, dù với bao nỗ lực, Đảng củng không thể chứng minh được rằng Việt Nam có được một hệ thống luật pháp nghiêm minh, mà trên thực tế họ đã chứng minh ngược lại: Đảng luôn đứng trên và đứng ngoài luật pháp và không chịu trách nhiệm khi vi phạm pháp luật.
Bằng chứng là, cho dù Hiến pháp là một bản văn có giá trị cao cả nhất nước, nhưng với Việt Nam, Hiến pháp chỉ là bản sao Nghị quyết của Đảng. Hơn nữa, Đảng và chính quyền luôn phủ nhận mọi ràng buộc trước pháp luật khi sai phạm, như lời tuyên bố của ông Mai Tiến Dũng khi ông ta còn giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: “Nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân, nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Về mặt thực tế, Việt Nam là thành viên của nhiều công ước quốc tế về nhân quyền, gồm: Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội… và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Thế nhưng, chính phủ Việt Nam chỉ ký mà không thực hiện. Bằng chứng là, Việt Nam liên tục bỏ tù nhiều nhà bất đồng chính kiến, cáo buộc họ với các tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” (Điều 117 Bộ luật Hình sự) và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (Điều 331)… Những vi phạm các công ước quốc tế mà Việt Nam ký, đã được các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các trang mạng xã hội lên tiếng tố cáo.
Vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam cũng là một vấn đề nghiêm trọng mà từ lâu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quan tâm đặc biệt. Cuối cùng, Mỹ đã phải quyết định đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt “vì đã tham gia hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”.
Cụ thể là, có sự phân biệt giữa các nhóm tôn giáo được chính quyền công nhận và không công nhận. Hậu quả của vấn đề này làm cho các nhóm tôn giáo thuộc các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc và Tây Nguyên không có cơ hội phát triển. Các Giáo hội hoạt động trong nước cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối về các biện pháp kiểm soát và đàn áp.
Về quyền lao động, đảng CSVN công khai kiểm soát các hoạt động của công đoàn lao động. Việt Nam vẫn chưa điều chỉnh luật lao động cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cố tình trì hoãn việc thực hiện Công ước số 98 của Liên Hiệp Quốc về quyền thương lượng tập thể đã được phê chuẩn năm 2019. Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ Quyền Tổ chức, vẫn tiếp tục vi phạm quyền thương lượng tập thể và quyền tự do hiệp hội.
Đứng trước tình huống này, nhiều người hy vọng rằng Việt Nam sẽ cải cách hệ thống nhà nước pháp quyền. Cuối cùng, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948-2023), Việt Nam long trọng cam kết với Liên Hiệp Quốc là họ sẽ tăng cường vai trò nhà nước pháp quyền và sẽ thực hiện vào cuối năm 2099. Lời cam kết này có nghiêm túc hay không, câu trả lời đã quá rõ.
Năm 2013, ông Trọng, người đứng đầu đảng CSVN từng thừa nhận rằng: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa“! Mười năm sau, cuối năm 2023, Chính phủ Việt Nam cam kết với thế giới, rằng họ sẽ cải thiện nhân quyền vào cuối năm 2099!
Đối với quốc tế, lời cam kết không nghiêm túc này sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng. Nhưng ở Việt Nam, chắc chắn một điều là tình trạng bất công xã hội sẽ còn xảy ra dài dài.
Nhưng bất công ở Việt Nam sẽ còn kéo dài đến bao giờ? Chính trình độ nhận thức của toàn dân sẽ là yếu tố quyết định, dẫn đến sự thay đổi của chính quyền. Chỉ khi nào toàn dân Việt có ý thức về quyền dân tộc tự quyết và có khả năng đoàn kết để hành động, thì ngày đó sự thay đổi cho đất nước này may ra sẽ khởi đầu.
Đỗ Kim Thêm
VNTB (12.05.2024)